Đinh Nho Hoàn 丁儒完 (1670-1716) hiệu Mặc Trai, người xã An Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Họ Đinh Nho nổi tiếng vì có nhiều người hiển đạt như Đinh Nho Công (cha của Đinh Nho Hoàn), Đinh Nho Điền, Đinh Nho Quang... Đinh Nho Hoàn đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà 21 (1700) đời Lê Hy Tông, từng làm Đốc trấn Cao Bằng, rồi Hữu thị lang bộ Công. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) được cử làm phó sứ sang tuế cống nhà Thanh, chẳng may ông bị lâm bệnh và mất ở dọc đường (1716), được truy tặng Tả thị lang bộ Lại. Đinh Nho Hoàn là tác giả của tập thơ Mặc Ông sứ tập 默翁使集, đã được tuyển dịch sang tiếng Việt do NXB Văn học ấn hành năm 2009. Tập thơ được sáng tác khi ông đi sứ Trung Quốc, nội dung bao gồm những bài thơ vịnh phong cảnh trên đường đi (như…

 

Mặc Ông sứ tập - 默翁使集

  1. Độ Nhị hà khiển đề
    12
  2. Quá Lã Côi dịch
    6
  3. Quá Yên Dũng huyện Yên Ninh tự
    5
  4. Hồi tưởng độ Nhị hà nhật, nhân tác
    7
  5. Ngộ Phúc Kiến khách Khâu Đỉnh Thần lai phỏng
    7
  6. Ức Trung dũng Thiếu phó Đặng Tôn Đài, hồi thi trình thướng kỳ 1
    3
  7. Ức Trung dũng Thiếu phó Đặng Tôn Đài, hồi thi trình thướng kỳ 2
    3
  8. Ức nhũ mẫu, ký dữ đồng niên Thái bộc Tôn Đài
    3
  9. Quá Thành Đoàn
    3
  10. Quá quan thượng
    3
  11. Hạ Minh Giang thuyền
    4
  12. Quá Thái Bình thành
    4
  13. Thái Bình tham tướng thiết yến, đương tịch sách ngâm, tức ứng khâu vân
    2
  14. Tặng bản quốc hoà thượng trụ Tân Ninh giang biên tự
    3
  15. Chu bạc Nam Ninh thành, đạo quan khố cấm hành tuỳ bất đắc tùng bộ, nhân ức quân thân, cảm tác
    4
  16. Đáp hữu doanh Chu Đại Tổng trấn quan yến tiếp
    2
  17. Đáp Tả Giang Đạo tẩy yến tiếp tùng du Viên Khâu Cực lạc
    2
  18. Cửu thứ Ninh thành dư cảnh
    2
  19. Nam Ninh hoán thuyền thích ngộ thiên tệ bất ninh thả chu phu loạn trạo toạ ngoạ nguy khốn nhân cảm tác
    2
  20. Tặng Nam Hải khán mệnh khách nhân, nhân tha tống phiến tịnh thi
    2
  21. Đáp Tưởng bạn tống tặng phiến tịnh hương kỳ 1
    2
  22. Đáp Tưởng bạn tống tặng phiến tịnh hương kỳ 2
    2
  23. Đại Quách khuê phụ tiễn Quách bạn thướng Yên Kinh
    3
  24. Tặng Quách bạn hoàn kỳ 1
    2
  25. Tặng Quách bạn hoàn kỳ 2
    2
  26. Quá Ô Man đề Phục Ba miếu
    2
  27. Quá Ô Man than
    3
  28. Quá Ô Man tư quốc cảm tác
    2
  29. Quá Ngũ Hiểm than toàn hoạch ninh khánh cánh độc bản vận
    2
  30. Quá Vĩnh Thuần huyện
    3
  31. Quá Hoành Châu
    2
  32. Quá Bán Tiên nham
    3
  33. Hoạ lại bộ tôn đài Bán Tiên nham vận
    2
  34. Bạc Đông Tân dịch dạ văn thôn kê tự cảm
    3
  35. Quá Quý huyện
    3
  36. Quá Tầm Châu phủ
    2
  37. Quá Quế Bình huyện nhân Chung Doãn xuất phiến cầu thi toại đề
    2
  38. Nhân Chung Doãn vấn cập Đặng Thiếu phó tôn đài nhân đại khoa danh đạo thúc quật tác
    2
  39. Mộ bạc Tương Tư châu nhân cảm đề
    2
  40. Quá Đằng huyện
    3
  41. Quá Ngô Châu thành
    2
  42. Đoan ngọ tiết đề
    2
  43. Nhân Ngô Châu thủ Lý Chính đường xuất đề phú đoan ngọ bì ân vinh cầu thi ư bồi thần quan tức chiêm thành tống tha
    1
  44. Đề Quan Đế miếu
    3
  45. Quan Âm các đề tự cảnh
    2
  46. Tặng Ngô Châu tú tài Mã Ái Vân
    3
  47. Ngũ nguyệt thập cửu nhật ngộ Diên Thọ tiết dạ ức ỷ bổng độc toạ nhân đề
    2
  48. Thị nhật vãn thiên chu thứ Quế Hoa Đường đường hoạ thái bộc tôn đài vận
    2
  49. Quá Bình Lạc thành
    2
  50. Tặng Bình Lạc phủ Mộ chính đường
    2
  51. Dương sóc đồ trung nhân Mộ chính đường thứ vận tiền thi kiêm tặng thượng phẩm phiến nhất bả nhưng phục thứ tiền vận tạ tha
    3
  52. Đề Bình Lạc Ân Sơn đình
    3
  53. Quá Quế Lâm thành
    2
  54. Đề Tượng Tị sơn
    3
  55. Đề Thuấn Sơn
    4
  56. Đề Độc Tú tự
    3
  57. Hạ Trần Phủ Viện nhị tử nhập Hàn lâm
    3
  58. Đề Tỉ Can miếu
    2
  59. Đề Nguỵ Vũ Đồng Tước đài
    2
  60. Quá Kỳ Dương đề Ngô Khê
    3
  61. Đề Ngô Khê kính thạch
    3
  62. Quá Vĩnh Châu thành
    2
  63. Đề Tiêu Tương hợp lưu xứ
    2
  64. Quá Tương Đàm kinh Bao Da miếu đề
    4
  65. Biệt cựu thuyền chủ tính Đường
    3
  66. Quá Trường Sa thành
    2
  67. Thất nguyệt thất thập nhật ngộ mẫu thân kỵ nhật cảm tác
    6
  68. Quá Hành Châu thành
    2
  69. Đề Nam Nhạc Hành Sơn
    3
  70. Đề Hoà Quang tự
    3
  71. Tiễn Lư y sinh hồi An Nhân quận
    2
  72. Quá Tương Âm huyện đề Thanh Thảo hồ
    2
  73. Thanh Thảo hồ tịch vọng
    2
  74. Đề Động Đình hồ
    3
  75. Động Đình hồ hoài cổ
    3
  76. Đề Quân Sơn
    3
  77. Quân Sơn hiểu vọng
    2
  78. Quá Nhạc Châu thành
    4
  79. Quá Vũ Xương thành đề Hoàng Hạc lâu
    4
  80. Quá Hán Dương đề Hán Khẩu phố
    2
  81. Tặng Hán Khẩu Bao dật nhân dạ đạo tha lư nhân tác
    2
  82. Chu thứ Hoàng Châu Vương Chính đường xuất chỉ cầu thi tức khắc tặng chi
    3
  83. Quá Hoàng Châu thành đề Đông Pha tiên sinh từ
    2
  84. Quá Giang Tây tỉnh Cửu Giang thành
    2
  85. Đề Tiểu Cô sơn
    2
  86. Đăng Hoài Ninh tháp mạn đề
    2
  87. Quá Vu Hồ huyện đề vọng phu cơ
    2
  88. Ngộ Chiết Giang Vương tú tài tựu thuyền giảng thoại, tặng ngã phù đào hoạ nhất đoan tịnh thi nhất tuyệt nhân đáp tha vận
    2
  89. Quá Nam Kinh đề Báo Ân tháp
    2
  90. Tặng Cẩm Phường Đại Thuận điếm khách
    2
  91. Du Trường Sinh am
    3
  92. Tặng Kim Lăng thi ông Mã Kỳ Tiên kỳ 1
    3
  93. Tặng Kim Lăng thi ông Mã Kỳ Tiên kỳ 2
    2
  94. Phỏng thi hoạ Thanh khách Đào Văn Độ
    3
  95. Đề Yên Tử ky
    3
  96. Kim Lăng hoài cổ
    3
  97. Vãn phỏng Nam Kinh cổ thành
    4

 

 

Ảnh đại diện

Tư tưởng nhân văn trong thơ Đinh Nho Hoàn

Với tâm hồn nghệ sĩ, thơ Mặc Trai Đinh Nho Hoàn mang đậm tính nhân văn, thể hiện ở tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và đặc biệt, ông luôn nhắc đến lòng trung hiếu. Tập thơ chữ Hán Mặc Ông sứ tập, được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2009 với tên gọi Măc Trai sứ tập đã thể hiện rõ điều đó. Đi đến đâu ông cũng hoà mình vào thiên nhiên. Trong thơ Đinh Nho Hoàn, núi sông, cây cỏ cũng có hồn. Mỗi nơi đi qua, ông đều để lại các bài thơ với những nét chấm phá sắc sảo tài tình, tả cảnh, tả người, bình phẩm, cảm nghĩ về danh lam thắng cảnh, di tích văn hoá, nhân vật lịch sử và truyền thuyết, ghi lại nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đàm đạo, ngâm vịnh, xướng hoạ với những người bạn, các vị khách, các quan chức đón tiếp dọc đường đi sứ. Thơ ông triết lí sâu sắc, nhưng không khô khan, giàu hình ảnh, có nhiều câu rất sinh động. Chỉ xin dẫn ra đây một vài ví dụ, như ông đã viết hai câu thực để tả núi Quân Sơn gồm 12 ngọn giữa hồ Động Đình trong bài Đề Quân Sơn, xin tạm dịch như sau:

Một tá non xanh đầu mĩ nữ
Ba ngàn trúc đỏ ngọc lang can.
Khi ngắm núi Quân Sơn vào sáng sớm, Mặc Trai đã viết hai câu kết trong bài Quân Sơn hiểu vọng:
Ngọc bích long lanh, tiên nữ tắm
Nõn nà xiêm áo mới cài xong.
Hay câu kết trong bài Quá Vu Hồ huyện, đề Vọng Phu ky, khi miêu tả hòn đá Vọng Phu ở huyện Vu Hồ sau cơn mưa, nhà thơ đã ví von thật sinh động:
Mấy làn cỏ rạp đọng sương
Thành bao ngấn nước như hàng thư ai.
Trong bài viết này tôi xin không đi sâu vào phân tích các bài, các câu thơ mô tả một cách tài tình, mà trong thơ Mặc Trai có khá nhiều bài, nhiều câu như vậy. Tôi muốn nói đến tính nhân văn trong thơ ông, thể hiện ở lòng trung hiếu, tình yêu quê hương đất nước, nghĩ đến dân, lòng thương xót những người nghèo khó, lam lũ.

Lòng hiếu trung, tình yêu đất nước, nỗi nhớ quê nhà canh cánh luôn được nhắc đi nhắc lại trong thơ Mặc Ông.

Bài Quá Ô Man tư quốc cảm tác có hai câu kết:
Trung hiếu một lòng tăng sức khoẻ
Cổng thành vang nhạc, sứ về triều.
Đó cũng là nỗi khát khao, mong mỏi của Đinh Nho Hoàn trong suốt chặng đường đi.

Ngay khi mới rời bến Nhị Hà lên đường chuẩn bị sang đất khách quê người, ông đã tưởng nghĩ đến ngày trở về trong bài Độ Nhị Hà khiển đề. Xin tạm dịch hai câu kết của bài thơ đó như sau:
Ngày về dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thoả ước mong.
Thuyền sứ đã rời xa bến Nhị Hà, ông lại thoáng nhớ đến từng cây thị, cây dâu thân thuộc ở quê nhà qua câu thơ sau đây trong bài Hồi tưởng độ Nhị Hà nhật, nhân tác:
Làng xóm thị dâu còn thấp thoáng.
Đến Lạng Sơn, lòng ông vẫn hướng về kinh đô Thăng Long:
Tha hương lòng dạ hướng Tràng An.
(Trong bài Quá Thành Đoàn).
Vâng mệnh vua đi sứ, nhưng đến cửa ải, tâm trạng nặng nề của ông được thể hiện trong bài Quá quan thượng:
Thế thời lúc dễ lúc gian nan
Vâng mệnh mang thư chẳng dám than
Suốt cả đời người bao cực nhọc
Ngày qua cửa ải thật chuyên truân.
Bài Quá Thái Bình thành có câu:
Trời Nam xa thẳm, chiều chim liệng.
Bài Mộ bạc Tương Tư châu, nhân cảm đề có những câu luận và kết với hình ảnh ví von độc đáo và tâm tư nhớ quê nhà sâu lắng:
Trong khói cây như ria mép rậm
Ngoài tầm nhạn vắng bức thư xa
Măng ngon suối ngọt quê xanh thắm
Nhớ núi Tiều Sơn, nhớ mái nhà.
Xa nhà, xa Tổ quốc, lúc nào ông cũng nghĩ đến dân, đến quê hương đất nước. Bài Đề Bình Lạc Ấn Sơn đình có hai câu kết:
Đâu phải lên lầu do thích thú
Mà vì chạnh nghĩ đến dân mình.
Tuy là một nhà nho phong kiến, nhưng Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn luôn thông cảm với người lao động nghèo khó, nông dân vất vả, thương người vú già lưng còng v.v... Ông cho rằng, người làm quan muốn yên dân, cai quản được dân thì phải biết lo nghĩ cho dân. Trong bài Quá Quý huyện, ông viết:
Dưới bóng cam đường nghĩ tới dân.
Với hai câu kết trong bài Quá Ngô Châu thành, nhà thơ tỏ ra bất bình trước cảnh bất công trong xã hội:
Bạc vàng nha phủ đầy tràn
Mồ hôi chưa ráo đồng làng xóm quê.
Trong bài Quá Hán Dương đề Hán Khẩu phố, ông nêu lên tình trạng phân chia giàu nghèo và thương xót người nông dân một nắng hai sương:
Mấy lần cạn chén táo tiên
Nhà giàu ăn trốc ngồi trên ngất trời
Nông dân cũng một kiếp người
Nghèo nàn đói rét nào ai thương cùng.
Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn trân trọng cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, lên án thói tham nhũng, hối lộ. Điều đó thể hiện trong bài Quá Tương Đàm kinh Bao Da miếu đề:
Đá vạn thu cười dưới đáy sông
Tham quan chớ dại gặp Bao Công.
Cháu con đừng trách không vườn đất
Y, Phó có đâu lắm ruộng đồng.
Ông đem tấm gương của những vị đại thần nổi tiếng liêm khiết bên Trung Hoa là Y Doãn, Phó Duyệt để giáo dục các thế hệ mai sau và răn dạy những người làm quan.

Đinh Nho Hoàn là một người con có hiếu. Ba tuổi mồ côi mẹ. Ngày dỗ mẹ (17 tháng 7) ông lại đang lênh đênh trên đường, chỉ biết khóc mẹ qua bài thơ Thất nguyệt thất thập nhật ngộ mẫu thân kị nhật cảm tác:
Mẹ mất lên ba thật đáng thương
Sáng nay kính nhớ, vẫn trên đường
Xa nhà vái vọng không li rượu
Bên cửa khóc tàn một nén hương
Đầu ngựa mây nhoà, quê khuất nẻo
Vạt tà lệ đẫm, cảnh thê lương
“Lục Nga” ngâm hết chừng trong mộng
Chữ hiếu cùng trung vạn dặm trường.
Ngay khi mới lên đường, chưa qua biên giới, với tình cha con, ông đã có hai bài thơ cùng nhan đề Ức Trung dũng Thiếu phó Đặng tôn đài hồi thi trình thượng để trình lên Đặng Thiếu phó. Đồng thời, ông cũng viết bài Ức nhũ mẫu kí dữ đồng niên Thái bộc tôn đài gửi bạn đồng niên, bày tỏ tấm lòng của mình đối với người vú nuôi. Với những câu đề và kết sau đây, nhà thơ đã nhớ đến vú già:
Vú nuôi tóc bạc tấm lưng còng
Đằng đẵng xa quê những tháng ròng
......
Nào sánh chim con nuôi mẹ được
Tử Dư, thán phục để trong lòng.
Mặc Trai nhắc đến Tử Dư, một người nổi tiếng có hiếu với mẹ, như là tấm gương sáng để noi theo.

Trong bài thứ nhất trình Đặng Thiếu phó, ông đã viết những câu thơ:
Non cao vời vợi nghĩa cha con
Nguyên Đán, Phi Khanh tựa Đẩu, Sơn
......
Đợi lúc trở về cùng dạo bước
Ngồi hầu bên chén rượu chờ mong.
Bất kể ở đâu, lúc nào, lòng ông luôn canh cánh mong ngày bình yên trở về.

Bài Quá Ô Man than đã có câu:
Uy vũ đất trời còn đó cả
Sứ xin mạnh khoẻ trở về nhà.
Trớ trêu thay, điều đó không đến với Mặc Trai. Ông đã mất nơi đất khách quê người, trên đường đi sứ nhà Thanh.
Lòng hiếu thảo của Đinh Nho Hoàn luôn được gắn liền với trung quân. Câu kết bài nhớ ngày dỗ mẹ cũng nói lên điều đó:
Trung quân cha mẹ được vinh quang.
Khi thuyền sứ đỗ lại Nam Ninh, ông đã làm những bài thơ bày tỏ nỗi lòng mình, trong đó có câu:
Trộm ngẫm sinh ra trong vũ trụ
Phải làm con hiếu với tôi trung.
Ban đêm đỗ thuyền bên bến sông, nghe tiếng gà gáy, tâm tư của ông vẫn là:
Hiếu trung phận sự mãi trong đời. (Bài Bạc Đông tân dịch dạ văn thôn kê, tự cảm).
Ngay trong hai bài đầu tiên của Mặc Trai sứ tập, nhà thơ đã nhấn mạnh đến trung hiếu. Sau đây là hai bài thơ đó:

Độ Nhị Hà khiển đề

Thuyền lướt như đè lạnh cuối đông
Rời đình, tan tiệc, vượt sang sông
Hương trời lan rộng muôn trùng ngát
Lụa nước trải dài chục dặm trong
Thoát hiểm, chống chèo từng thử thách
Vượt nguy, trung hiếu giữ bền lòng
Ngày về dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thoả ước mong.
Khi qua trạm Lã Côi, ông viết bài Quá Lã Côi trạm, nhắc đến những buổi cùng các quan tuỳ tùng theo vua tuần thú, ngâm vịnh, tỏ lòng nhớ vua:
Lạnh se, đỉnh núi hắt tia trời
Lính trạm báo dừng tại Lã Côi
Cờ xí hồng tươi, ca nhạc rộn
Buồm thuyền trắng xoá, ánh trăng soi
Áo vàng sư cụ rong từng bước
Miếu cổ chim đàn hót mọi nơi
Nhớ lúc phò vua tuần khắp chốn
Lời thơ trau chuốt vịnh thiên thời.
Thuyền đến Ngô Châu vào Tết Đoan Ngọ, ông đã làm thơ giãi bày tâm tư:
Song ngũ kết cỏ linh bồ
Thành thuyền thả nổi để cho trôi dòng
Sách, gươm hùng tráng tâm hồn
Ngày ngọ năm ngọ khuyết cung vào chầu
Hôm nay thuyền đến Ngô Châu
Thương dân yêu nước quạt nào rời xa
Đất khách không cửa không nhà
Xa xôi biết dán lá bùa vào đâu?
Lòng thành nghĩa chính chí cao
Gọi gà nướng lưỡi vái chào quê hương.
Nhân ngày sinh của vua (19 tháng 5), ông viết hai bài chúc thọ, trong đó có những câu:
Trung quân trăng chiếu dặm ngàn
Nhớ vua nhớ nước muôn vàn chờ mong.
“Trung quân ái quốc”, trung thành với vua là yêu nước. Cũng như bao nhà nho khác thời bấy giờ, Đinh Nho Hoàn đã thể hiện lòng yêu nước của mình như vậy, nhất là trong hoàn cảnh chu du trên đất nước người.


TS Đinh Nho Hồng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671-1716), tự là Tồn Phát, hiệu là Mặc Trai, là con thứ ba của Tiến sĩ Đinh Nho Công (1637-1695). (Con rể Nguyễn Trọng Thường của Đinh Nho Hoàn cũng đỗ Tiến sĩ, số phận như bố vợ, cũng đi sứ và mất trên đường đi sứ). Ba ông Công, Hoàn và Thường đã được khắc tên trên bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Năm 1700, Đinh Nho Hoàn thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp); sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm viện Hiệu lý, Hiến sát sứ trấn Sơn Tây, Đốc trấn Cao Bằng, Hữu thị lang bộ Lễ, Thượng bảo tự khanh, Phó Chánh sứ sang Thanh. Đặc biệt, trong thời gian làm Đốc trấn Cao Bằng (1704 - 1710), ông đã có công ổn định an ninh (sau khi tập đoàn Lê - Trịnh dẹp đuổi được nhà Mạc khỏi Cao Bằng), sửa đường, phá ghềnh đá trên sông Bằng Giang, mở luồng lạch đến tận biên giới, phát triển kinh tế, thông thương buôn bán với người Hoa..., được người dân tạc bia ca ngợi công đức. Ông còn làm thơ ca ngợi cảnh đẹp Cao Bằng (trong 10 bài thơ Nôm Cao Bằng thập thủ, sáng tác theo thể luật Đường, thỉnh thoảng có câu 6 chữ), làm thơ lục bát khuyên dân chúng “tự sửa mình”, “an cư lạc nghiệp”, “ăn ở trung nghĩa”, “kính thầy”, “anh em hoà thuận”, “tránh rượu chè, trộm cắp”, “làm điều tốt, bỏ điều xấu”... (trong bài vè Hoán tỉnh Châu dân từ). Sau khi qua đời, ông được truy phong Tả Thị lang bộ Lễ, triều đình cho lập miếu tôn thờ và phong sắc là Đặc Đạt Đại vương.

Hiện nay, chưa sưu tập được nhiều thơ văn của Đinh Nho Hoàn.

Trước tác có giá trị nhất mà Đinh Nho Hoàn để lại là những sáng tác trên đường đi sứ. Những nghiên cứu của một số chuyên gia cho biết là trong quá trình đi sứ, Đinh Nho Hoàn cũng đã sáng tác nhiều bài thơ Nôm, nhưng đến nay chưa sưu tầm được. Sau khi Đinh Nho Hoàn mất, con rể của ông là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường đã sưu tập 113 bài thơ, một bài phú, ba bài văn do Đinh Nho Hoàn sáng tác năm 1715, trên đường đi sứ. Nguyễn Trọng Thường đặt tên cho cuốn sách là Mặc Ông sứ tập. Đinh Nho Hoàn đã mất trong thời gian đi sứ. Ngày nay, các học giả còn tranh luận là ông mất trước khi đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), hay sau khi rời Yên Kinh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông mất đầu năm 1716, sau khi gặp vua Thanh, được Khang Hy quý trọng tài năng. (Về chính thức người ta vẫn coi là ông mất năm 1715).

Sau khi Đinh Nho Hoàn mất, nhà Thanh đã không thiêu xác như thường lệ, mà cho ướp, đặt vào trong quan ngoài quách, để Sứ bộ ta chở về nước (cả đi đường bộ, đường thuỷ mất khoảng 9 - 10 tháng) và ngày 27 tháng 12 (âm lịch, khi ấy đã là 1716) năm Khang Hy thứ 55, Hoàng đế nhà Thanh đã sai Bộ Lễ soạn văn và lễ tế. Văn tế có đoạn viết (Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán - Nôm):

…Đi sứ đến triều đình ta để tỏ việc đại nghĩa
Vua thương người quá cố, đó là lòng nhân sâu quan tâm đến nơi xa
Ông phụng mệnh quốc vương nước ông
Từ phương xa vượt biển trèo non
Hồ Động Đình bái tạ ngắm trời
Công việc ấy vừa xong xuôi
Sao ông đã rời cõi thế
Trẫm nay vô cùng thương tiếc
Ta đặc ban cho ông lễ phúng
Để thoả lòng ở cõi U Minh
Than ôi!
Núi sông xa cách, ruổi rong nơi trạm dịch hoang vu
Tận trung mà hy sinh tính mệnh, hồn về đất cũ
Ông linh thiêng hãy còn quanh quất
Xin kính cẩn nhận lễ tế này.
Di sản của Đinh Nho Hoàn để lại không nhiều, nhưng được đánh giá rất cao. Nhận xét về thơ Đinh Nho Hoàn, bộ sách Tổng tập văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, năm 2000, do Bùi Duy Tân chủ biên, tập 6 (Văn học thời Trịnh - Nguyễn phân tranh), trang 315 viết: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào, chứa chan những tình cảm, ý vị đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”.

Chúng ta không rõ trong đời mình, Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn đã sáng tác bao nhiêu thơ, văn, nhưng ngày nay chỉ còn biết đến cuốn Mặc Ông sứ tập, năm bài thơ chữ Hán trong sách Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, một số bài thơ, ca chữ Nôm ông sáng tác khi làm quan ở Cao Bằng, như 10 bài thơ Đường vịnh các cảnh đẹp Cao Bằng (Cao Bằng thập thủ), 148 câu lục bát trong bài Hoán tỉnh châu dân từ (Lời kêu gọi dân châu thức tỉnh)...

Các bài thơ còn lưu lại hiện nay của Đinh Nho Hoàn, theo tôi nghĩ, có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với số lượng thơ ông đã sáng tác trong suốt cuộc đời mình. Rất may là chúng ta còn được thưởng thức tập Mặc Trai sứ tập, (Nhà xuất bản Văn học - 2009), do nhà ngoại giao Đinh Nho Liêm cùng các cộng sự giới thiệu 93 bài thơ luật Đường trích từ 117 bài trong Mặc Ông sứ tập và chắc chắn đó cũng là những bài thơ cuối cùng của Đinh Nho Hoàn.


Đinh Nho Hồng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Á Thận phu nhân Phan Thị Viên

Thiếu phu nhân (vợ hai) của Đinh Nho Hoàn là Phan Thị Viên. Nhiều sử, sách đã chép về bà, như Hoàng Việt nhất thống chí của Lê Quang Định, Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Bản kỷ lục biên; Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm,...Các tài liệu đều ghi bà Phan Thị Viên là một thiếu nữ có đủ tố chất công, dung, ngôn, hạnh, đoan trang, lễ độ, thêu thùa khâu vá lành nghề, có tài văn thơ nổi tiếng, được vợ cả của Đinh Nho Hoàn yêu quý. Bà Viên về nhà chồng năm 16 tuổi (có tài liệu viết 15 tuổi), cùng Đinh Nho Hoàn xướng hoạ thơ văn rất tương đắc. Các bài xướng hoạ được chép lại trong tập Quan thư hoà minh. Khi ông lên đường đi sứ, bà Viên đã cùng chồng qua sông Nhị Hà, tiễn ông đến trạm Lã Côi. Lúc chia tay, bà viết liền một lúc 10 bài thơ rồi nói: “Xin dâng ngài xem lúc đi đường cũng coi như thiếp đi theo vậy”. Đáp lại, ông cởi chiếc áo đang mặc, trao cho bà.

Nghe tin ông mất, bà đã lên tận biên giới đón thi hài ông. Sau tang lễ, bà đã xé tấm áo ông tặng làm dây thắt cổ tự vẫn (cũng có tài liệu viết là sau khi mãn tang ông). Ông qua đời ở tuổi 45-46, còn bà khoảng 20 (có tài liệu viết 19 tuổi, có tài liệu chép là 21). Ngày nay, mới sưu tầm được 03 trong số 10 bài thơ tiễn ông, cùng bài văn tế chồng, thư tạ bà Lê phu nhân (vợ cả của Đinh Nho Hoàn) và thư tạ mẹ của bà Viên, viết trước khi bà tự vẫn.

Được tin bà tuẫn tiết vì chồng, triều đình đã ban sắc phong là “Á Thận phu nhân”, cho lập từ đường và ban biển vàng đề hai chữ “Tiết phụ”.

Đền thờ của ông bà nay gọi là đền Gôi Mỹ (còn gọi là Gôi Vị), được lập ở Yên Ấp, quê ông, nay là xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã được xếp hạng Di tích Văn hoá cấp tỉnh và đang được đề nghị là Di tích Văn hoá cấp Quốc gia.


Đinh Nho Hồng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn, thân thế và sự nghiệp: Duyên tiền định

Bà Phan Thị Viên quê ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Cha của bà làm quan Thủ bộ, bị tù oan. Thời gian đó, Tiến sĩ Đinh Nho Công (bố của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn) khâm mệnh nhà vua làm Giám sát Ngự sử châu Hoan (Nghệ An) đi đốc thị bản hạt, tra xét ngục tù, phát hiện ra ông Thủ bộ họ Phan bị oan, liền ra lệnh tha bổng. Về sau, ông Công được thăng chức Thiêm đô Ngự sử Đô sát viện, đã chuyển cha bà Viên ra Kinh đô, làm phụ tá cho mình.

Năm bà Viên 3 tuổi (có tài liệu viết 5 tuổi), cha bà ốm nặng. Trước khi mất. ông nắm tay con gái trăn trối việc trả ơn quan Thiêm đô Đinh Nho Công, người đã giải oan cho mình.

Mẹ bà Viên mở cửa hàng ở Thăng Long. Cô gái Phan Thị Viên lớn lên dung mạo nết na, ai cũng khen. Nhiều thân sĩ dòng dõi ở kinh thành để ý, nhưng bà mẹ không gả cho ai. Năm cô Viên 15 tuổi, tình cờ quan Hữu Thị lang bộ Lễ - Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn đi dạo phố, thấy một nhà hàng sạch sẽ liền bước vào nghỉ chân. Bà chủ quán đã rất sửng sốt khi trông thấy ông, bèn hỏi lính hầu và biết ông quan họ Đinh chính là con trai ông Công, liền đem di nguyện của chồng ra nói với ông Hoàn, rồi vào nhà bảo con gái ra chào. Đinh Nho Hoàn trả lời: “Xưa nay nhân duyên gặp gỡ là có tiền định. Nay gặp được người tốt, cũng là ơn Tiên quân tôi để lại” và cưới cô Viên về làm vợ lẽ vào năm cô 16 tuổi. (Có tài liệu viết cô về nhà chồng năm 15 tuổi). Thời gian hai người chung sống tuy ngắn ngủi, nhưng vô cùng gắn bó, tâm đắc, đặc biệt là về văn chương, xướng hoạ.

Nhiều sử sách đã viết về cuộc tình “trời định” này, như Hoàng Việt nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục chính biên, Địa chí văn hoá huyện Hưng Nguyên, Hương Yên phổ tự, Truyền kỳ tân phả.

Sách Hoàng Việt nhất thống chí có đoạn viết: “Người thiếp yêu của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn dung mạo trong trắng trang nghiêm, giỏi âm luật, thông thuộc văn chương”.

Tuy Đinh Nho Hoàn được đánh giá là một nhà thơ trữ tình, nhưng các bài thơ của ông còn lưu lại đến ngày nay không có bài nào viết về tình yêu đôi lứa. Có lẽ đó là cách xử sự của phần lớn các nhà nho phong kiến. Nhưng riêng việc trước khi ông lên đường đi sứ, cởi áo khoác đang mặc tặng bà, còn bà tặng ông 10 bài thơ tiễn chồng bằng chữ Hán (nay còn lại 3 bài), rồi việc bà tuẫn tiết vì chồng cũng đủ nói lên mối tình hết sức nồng thắm, không kém phần lãng mạn và thuỷ chung, son sắt của ông bà.


Đinh Nho Hồng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook