10264.30
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
251 bài thơ, 46 bài dịch
3 bình luận
169 người thích
Tạo ngày 16/03/2005 18:06 bởi Vanachi, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 17/05/2006 12:30 bởi Vanachi
Tố Hữu (4/10/1920 - 9/12/2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh tại làng Phù Lai, gần cố đô Huế. Tố Hữu đến với thi ca khá sớm, từ năm 18 tuổi. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1939, ông bị quân Pháp bắt. Tháng 3/1942, ông vượt ngục Đác Giây, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hoá. Cách mạng tháng Tám, Tố Hữu làm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.

Năm 1946, tập thơ đầu tay Từ ấy ra đời, tập hợp các tác phẩm viết từ 1937 đến 1946, chia làm ba phần: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (14 bài). Ba phần thơ là ba chặng hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Chặng đầu là cái nhìn hiện thực, tố cáo xã hội đương thời, gắn với lòng say mê lý tưởng xoá áp bức bất công, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, nhân ái. Chặng thứ hai là thơ trong…

 

Từ ấy (1946)

Việt Bắc (1954)

Gió lộng (1961)

Ra trận (1972)

Máu và hoa (1977)

Một tiếng đờn (1992)

Tuyển tập chung

Thơ dịch tác giả khác

Armand Monjo (Pháp)

Bertolt Brecht (Đức)

Cao Bá Quát (Việt Nam)

Charles Baudelaire (Pháp)

Ethel Rosenberg (Mỹ)

Hồ Chí Minh (Việt Nam)

Konstantin Simonov (Nga)

Louis Aragon (Pháp)

Mustai Karim (Nga)

Nguyễn Du (Việt Nam)

Nicolás Guillén (Cu Ba)

Paul Verlaine (Pháp)

Petőfi Sándor (Hungary)

Stepan Sipachev (Nga)

Victor Hugo (Pháp)

 

 

Ảnh đại diện

Trình bày hiểu biết của mình về nhà thơ Tố Hữu và tóm tắt sự nghiệp sáng tác và phong cách thơ Tố Hữu

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 ở làng Phú Lai – Quảng Điền – Thừa Thiên Huế, mất ngày 9/12/2002 tại Hà Nội. Ông thân sinh là một nhà nho nghèo nhưng rất yêu thơ, ham sưu tầm ca dao, tục ngữ. Từ nhỏ, Tố Hữu đã được cha dạy làm thơ theo lối cổ. Mẹ Tố Hữu là con của một nhà nho cũng rất yêu ca dao, dân ca xứ Huế và giàu lòng thương con. Tố Hữu mồ côi từ năm lên 12 tuổi, một năm sau lại phải xa gia đình vào học trường Quốc học Huế. Quê hương, gia đình cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn thơ Tố Hữu.

Lớn lên trong cảnh “Phận nghèo, nước mất, dân nô lệ”, nhưng rất may Tố Hữu đã được Đảng giác ngộ dìu dắt. Năm 1983, ông được kết nạp Đảng. Ông đã từng bị thực dân cầm tù qua các nhà lao Thừa Thiên, Tây Nguyên... Năm 1945, ông là Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa ở Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ cho đến năm 1986, Tố Hữu liên tục giữ vững những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng “là hình thức tươi đẹp của hoạt động cách mạng”. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I – 1996.

Những chặng đường thơ của Tố Hữu:

Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cánh mạng nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.

Tập Từ ấy (1937-1946): Gồm ba phần Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng, tương ứng với ba chặng đường trong mười năm hoạt động cách mạng của nhà thơ.

Máu lửa là tiếng reo náo nức của một tâm hồn được giác ngộ lý tưởng: Từ ấy... và rộn vang tiếng chim.

Nhờ đó, nhà thơ đã nhận ra được ách áp bức giai cấp, những bất công của xã hội và thân phận của con người lao khổ. Ông hướng tâm hồn mình đến cảm thông với những em bé mồ côi, lão đầy tớ, cô gái giang hồ, em bé đi ở và khơi dậy ở họ lòng căm thù, ý chí chiến đấu và niềm tin ở tương lai.

Xiềng xích là bản quyết tâm thư của người chiến sĩ cách mạng tự đặn lòng mình quyết không khuất phục trước uy lực và sự tàn bạo của kẻ thù (Trăng trối, Con cá chột nưa...) và luôn luôn tha thiết yêu đời, khát khao tự do và hành động. Đây là phần đặc sắc của tập thơ.

Giải phóng – Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ say sưa nồng nhiệt ca ngợi thắng lợi, ngợi ca nền độc lập, ngây ngất trong “niềm vui bất tận” với cảm hứng dâng trào trước cuộc đổi đời vĩ đại của nhân dân, dân tộc.

Tập Việt Bắc (1947-1945):

Quân thù trở lại, cả dân tộc bước vào cuộc khống chiến anh dũng. Việt Bắc là “thủ đô kháng chiến”, nơi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo toàn dân đánh giặc. Việt Bắc là bản anh hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng và những con người bình dị mà anh hùng của cuộc kháng chiến (như các em thiếu nhi, các anh bộ đội, các chị phụ nữ, các bà mẹ... và trên tất cả, hình ảnh tập trung, tiêu biểu cho phẩm chất dân tộc là hình ảnh Bác Hồ). Tập thơ còn ca ngợi những tình cảm điển hình của con người kháng chiến như tình yêu nước, tình yêu đồng bào, tình quân dân, tình cảm miền ngược với miền xuôi, lòng yêu thiên nhiên, kính yêu Đảng, Bác Hồ... và niềm tin tưởng ở ngày mai tươi sáng.

Vào giai đoạn cuối với chiến công Điện Biên, hoà bình lập lại, miền Bắc được giải phóng đã chắp cánh cho hồn thơ Tố Hữu bay bổng với những cảm hửng sử thi mang hào khí thời đại, Việt Bắc là thành tựu xuất sắc nhất của văn học kháng chiến chống Pháp.

Tập Gió lộng (1955-1961):

Bước vào giai đoạn này cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng niềm Nam tiến tới thống nhất nước nhà:

Rộn ràng thay cảnh quê hương
Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao
Thơ Tố Hữu bám sát nhiệm vụ chính trị đó: Tập Gió lộng vừa thể hiện niềm vui, niềm tự hào và tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, vừa bày tỏ tình cảm thiết tha với niềm Nam và ý chí thống nhất nước nhà, tình cảm quốc tế rộng lớn.

Trong niềm vui lớn với cuộc sống hiện tại, Tố Hữu không quên nghĩ về quá khứ để bày tỏ tình cảm biết ơn ông cha và những người đi trước mở đường. Và từ đó thấm thía ân tình cách mạng (Ba mươi năm đời ta có Đảng, Mẹ Tơm...).

Tập Gió lộng tiếp tục phát triển cảm hứng sử thi và khuynh hướng khái quát với một cái tôi trữ tình đa dạng hơn và một nghê thuật biểu hiện già dặn và nhuần nhị hơn.

Hai tập Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972- 1977) là những chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm chống Mĩ quyết liệt và hào hùng của dân tộc cho tới ngày toàn thắng. Thơ Tố Hữu lúc này là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công, là lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng cả dân tộc “khắp thành thị thông thôn” vùng lên quyết đập “tan đầu Mĩ Nguỵ”. Ra trận cũng dành hẳn một trường ca theo chân Bác để tái hiện hình ảnh Bác trên những chặng đường lịch sử trong hơn nửa thế kỉ.

Máu và hoa là những suy ngẫm của nhà thơ về những hi sinh to lớn của dân tộc (máu) để tạo nên những chiến công (hoa) chói lọi của lịch sử “Phải bao máu thấm trong lòng đất; Mới ánh hồng lên sắc tự hào”.

Thơ Tố Hữu những năm chống Mỹ cứu nước mang đậm tính chính luận và chất sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng anh hùng ca.

Từ năm 1978 lại đây, thơ Tố Hữu được tập hợp trong hai tập Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999).

Trải qua những thăng trầm, những trải nghiệm trước cuộc đời, nhà thơ muốn bày tỏ những suy tư về cuộc sống, về lẽ đời, hướng tới những quy luật phổ quát và tìm kiếm những giá trị bền vững. Giọng thơ vì thế cũng trầm lắng, thấm đượm chất suy tưởng.

Thơ Tố Hữu là một bằng chứng sống cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và nghệ thuật. Con đường thơ của ông là con đường tìm tòi sự kết hợp hài hoà hai yếu tố, hai cội nguồn là dân tộc và cách mạng trong hình thức đẹp đẽ của thơ ca. Với ngôn ngữ, thể thơ giàu tính đại chúng, dân tộc, cách mạng, thơ Tố Hữu đã truyền được cho hàng triệu độc giả niềm say mê lý tưởng cách mạng.

Với một sự nghiệp thơ phong phú, đồ sộ, Tố Hữu đã định hình cho mình một phong cách riêng.

“Sống là hành động, thơ cũng hành động. Với Tố Hữu thơ là hình thức tươi đẹp của hoạt động cách mạng, của sự sống” (Đặng Thai Mai). Đó là bí quyết thành công của thơ Tố Hữu và đó cùng là cội nguồn sâu xa tạo nên phong cách đặc sắc trong thơ Tố Hữu.

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, đồng thời là một chiến sĩ cách mạng, Vì vậy, đối với ông, thơ trước hết phải là phương tiện đắc lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị được hình thành trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Với ông, thơ chính trị đã trở thành thơ trữ tình sâu sắc.

Tố Hữu ít nói đến đời tư, đời thường. Những vấn đề đời sống được nhà thơ đề cập đến chủ yếu trên phương diện chính trị. Ông ca ngợi lý tưởng, ca ngợi những con người mang lý tưởng cộng sản, biểu dương những tình cảm cách mạng, ca ngợi nhân dân ca ngợi đất nước. Những vấn đề chính trị ấy trở thành nguồn cảm hứng, nguồn cảm xúc chân thật, sâu xa và thành lẽ sống, niềm tin... Bởi vậy, với Tố Hữu chính trị trở thành cái riêng tư và được nhà thơ diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm tình, ngôn ngữ của tình yêu, tình mẹ con, tình bạn bè một cách tự nhiên không gượng ép.

Bao trùm trong thơ Tố Hữu là vấn đề lý tưởng, vấn đề lẽ sống: Lẽ sống cách mạng, lẽ sống cộng sản “Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay là chuyện người, với Tố Hữu, cũng chỉ để nói cho được cái lý tưởng ấy mà thôi”.

Trước Cách mạng tháng Tám, nhà thơ khẳng định lẽ sống của con người là con đường cách mạng. Đó là con đường duy nhất có thể giải thoát cho mọi số phận cá nhân, khỏi cảnh áp bức, đoạ đầy đau khổ: Như những con tàu, Những người không chết, Trăng trối, Con cả chột nưa, Từ ấy. Từ Việt Bắc trở đi, Tố Hữu thường chủ yếu đặt vấn đề lẽ sống của dân tộc, và tiếp đó là mối quan hệ giữa dân tộc và thời đại.

Đi liền với lẽ sống lớn là những tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, niềm say mê lý tưởng, tình đồng chí, lòng yêu mến nhân dân, đất nước, ân nghĩa của cách mạng, của Đảng lãnh tụ, tình cảm quốc tế: Ta, Việt Bắc, 30 năm, Mẹ Tơm, Nước non ngàn dặm... Sáng tháng Năm, Bác ơi, Miền Nam... Một nhành xuân... Thơ Tố Hữu ở những bài hay nhất thường là có sự kết hợp cả ba chủ đề lẽ sống lớn, niềm vui lớn và ân tình cách mạng: Ta, Việt Bắc, Mẹ Tơm, Bác ơi, 30 năm...

Thơ Tố Hữu ở giai đoạn sau cách mạng mang khuynh hướng sử thi. Chủ yếu đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân. Cái “tôi” trữ tình trong thơ Tố Hữu từ buổi đầu là cái “tôi” chiến sỹ, rồi đến cái “tôi” công dân, về sau là cái “tôi” nhân dân, dân tộc, cách mạng: Ta đi tới, Việt Bắc, nhiều bài thơ xuân trong Gió lộng và các bài thơ khác trong Ra trận... Nhận vật trữ tình của Tố Hữu là những con người đại diện cho những phẩm chất dân tộc, thậm chí mang tầm vóc lịch sử, thời đại: Hình tượng anh giải phóng quân Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt...

Cảm hứng của Tố Hữu là cảm hứng lịch sử dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự, đời tư. Nổi bật lên trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh dân tộc, cộng đồng chứ không phải vấn đề số phận cá nhân. Nói đúng hơn số phận cá nhân hoà vào số phận dân tộc, cộng đồng.

Về mặt nghệ thuật, thơ Tố Hữu dạt dào cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu dạt dào cảm hứng lãng mạn hướng về lý tưởng cộng sản và tương lai xã hội chủ nghĩa. Thể hiện cuộc sông bằng cảm quan ấy, thế giới hình tượng trong thơ Tố Hữu là thế giới của cái cao cả, cái lý tưởng, của ánh sáng, gió lộng, niềm tin.

Thơ Tố Hữu còn có giọng điệu rất dễ nhận ra đó là giọng điệu tâm tình, là tiếng nói của tình thương mến. Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng, chứ không phải thơ tình yêu... Nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân, anh nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm. Cái sức mạnh lớn nhất của Tố Hữu là quả tim anh” (Chế Lan Viên). Điều này dược thể hiện rõ nhất qua cách xưng hô, trò chuyện, tâm sự với đối tượng “anh em ơi”,“ban đời ơi”, “đồng bào ơi”, “anh vệ quốc quân ơi”... “anh chị em ơi”, “em ơi... cho đến cả thiên nhiên đất nước “Xuân ơi xuân”, “Hương giang ơi!”... Giọng tâm tình, tiếng nói yêu thương này có liên quan đến chất Huế của hồn thơ Tố Hữu, nhưng chủ yếu là do quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc, do quan niệm của Tố Hữu về thơ “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”.

Nghệ thuật thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc. Tính dân tộc thể hiện ở thế giới bình tượng, phong cảnh quê hương, đất nước thân thuộc, ở hình ảnh con người rất đỗi Việt Nam Tính dân tộc còn thể hiện ở việc Tố Hữu thể hiện, sử dụng các thể thơ mang đậm tính chất “truyền thống dân tộc như lục bát (các bài thơ Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du, Nước non ngàn dặm... Kết hợp cả giọng thơ cổ điển và dân gian thể hiện những nội dung tình cảm cách mạng mà có gốc rễ truyền thống, tinh thần dân tộc, làm phong phú cho thể thơ lục bát, thơ 7 chữ của Tố Hữu: Quê mẹ, Mẹ Tơm, Theo chân Bác, trang trọng, có màu sắc cổ điển nhưng vẫn biến hoá linh hoạt, diễn tả được nhiều trạng thái cảm xúc.

Về ngôn ngữ, Tố Hữu không mạnh ở sáng tạo từ mà thường sử dụng từ ngữ, lối nói quen thuộc với dân tộc, thậm chí cả những ước lệ, những so sánh ví von truyền thống, nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại.

Về nhạc điệu, thơ Tô Hữu rất giàu nhạc điệu, một biểu hiện tính dân tộc của nghệ thuật ở bề sâu. Tố Hữu có biệt tài trong việc sử dụng các từ láy, dùng các vần và phối hợp các thanh điệu... kết hợp với nhịp thơ, tạo thành nhạc điệu, phong phú cho các câu thơ, diễn tả được cái nhạc điệu bên trong của tâm hồn, một nhạc điệu tâm tình mà bề sâu của nó là điệu cảm xúc của dân tộc, tâm hồn dân tộc: Em ơi Ba Lan, Mẹ Tơm, Xuân 1961, Quê Mẹ, Nước non ngàn dặm...

Với những nét phong cách vừa phong phú vừa đa dạng, vừa sâu sắc, hấp dẫn nói trên, Tố Hữu rất xứng đáng là “Lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”.


(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
84.50
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Xin phép phổ nhạc 5 bài thơ của bác Tố Hữu

Kính gửi trang Thi Viện.net
Mình là Nguyễn Thị Anh Chi, sống tại TP. HCM. Mình có tìm hiểu gia đình bác Tố Hữu nhưng chỉ biết bác có một bác gái. Không thấy bác có con cháu gì. Mình muốn xin phép về phía bác để soạn nhạc phổ thơ 5 bài của bác là bài: Bài ca mùa xuân 1961, Mẹ Tơm, Hát trên giàn khoan dầu, Trăng, Tiếng ru. Nhưng mình vừa được tin bác gái cũng đã ra đi. Cho nên mình không biết liên hệ như thế nào để mượn phép. Hôm nay mình đăng lên đây và mong BQT thivien.net và các thành viên xem trang coi như mình có xin phép trước để làm nhạc. Khi làm xong nhạc, mình sẽ đăng link lên đây để cho coi trước. Phần nhạc mình soạn theo sát nguyên văn vần thơ. (Hoặc nếu bạn nào biết tin con cháu bác Tố Hữu ở đâu xin chỉ bảo).
Kính chào.

64.33
Ảnh đại diện

Thơ Tố Hữu

Vâng, tôi rất khoái thơ Tố Hữu, nhất là bài Sta-lin! Sta-lin, trong đó tâm đắc nhất là câu:

Ông Sta-lin ơi ! Ông Sta-lin ơi !
Hỡi ơi Ông mất ! Đất trời có không ?
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười

Trời đất có biết không, Sta-lin là Ông lận mà; trong khi Bác chỉ là con của Ông thôi. Thế thì ta phải thương Ông hơn cha, hơn bác 10 lần là đúng.

183.22