Tác giả: Nguyễn Thị Bích DuyênCHƯƠNG III: VẺ ĐẸP THIÊN NHIIÊN TRONG THƠ BASHO
Cái đẹp luôn luôn hiện hữu trong tự nhiên và trong xã hội. Con người có khả năng cảm nhận và khu biệt nó. Con người cũng luôn luôn có nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo ra cái đẹp. Bản chất của cái đẹp dường như còn là điều bí ẩn. Người ta càng tìm hiểu cái đẹp càng thấy nó mênh mông. Cái đẹp trong thơ ca là nơi con người cảm nhận được vẻ đẹp đầy đủ nhất. Trong thơ ca, cái đẹp bao gồm cả nội dung và hình thức. Đồng thời nó cũng thể hiện ở mọi cung bậc bao gồm tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Thiên nhiên được tái hiện trong thơ ca còn nhằm tái hiện con người. Thơ Basho thấm đẫm màu sắc thiên nhiên. Vì vậy, vẻ đẹp của thiên nhiên trong thơ Basho cũng được thể hiện ở mọi cung bậc của nó.
1. Thiên nhiên tươi đẹp trữ tình
Thơ haiku là thơ của thiên nhiên bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku của Basho đều gắn liền với thiên nhiên. Hình ảnh thiên nhiên gợi lên bao xúc cảm trong ông. Trong mỗi bài thơ, thiên nhiên hiện lên với mọi vẻ đẹp vốn có của nó từ cái ban sơ, mộc mạc đến những gì tinh tú kiêu sa lộng lẫy đầy quyến rũ cũng như sắp đi vào phai tàn và gợi lên những rung cảm sâu xa trong lòng người. Bằng tài năng của mình Basho đã cho ra đời hàng loạt các bài thơ haiku rực rỡ hương sắc bốn mùa. Mỗi bài thơ là một bức tranh tuyệt mỹ. Những tác phẩm kiệt xuất ấy là kết quả của một đời lãng du trên bước đường hành giả, làm lữ nhân phù thế. Thiên nhiên trong thơ Basho thật tươi đẹp hồn nhiên trữ tình nồng thắm.
1.1. Thiên nhiên vừa bình dị, nguyên sơ vừa hùng vĩ
Với mọi vẻ đẹp vốn có của mình, thiên nhiên trong thơ Basho là những hình ảnh thật bình dị, nguyên sơ và hùng vĩ. Trong thơ, mọi hình ảnh thiên nhiên thường có như: tuyết, trăng, hoa, núi, sông… đến các loài hoa dại, dưa, bùn, cỏ… Bên cạnh các loài chim đỗ quyên, chim sẻ… còn có cả chấy, ruồi, muỗi, rận, nước đái ngựa… Basho đưa chúng vào thơ rất tự nhiên y như những gì mắt ông trông thấy. Ông không hề có sự chọn lựa cảnh kiêu sa, lộng lẫy. Vì vậy, thiên nhiên hiện lên thật hồn nhiên trong cái trong trẻo và nguyên sơ của nó.
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
Hay bản dịch khác
Trăng mùa hè
chiếu lên sóng không bụi
dòng Sông Trong.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Đấy là hình ảnh dòng thác, hay dòng Sông Trong (Kiyotaki), trong sạch không bụi, lấp lánh sóng bạc khi trăng mùa hạ lên trông thật nguyên sơ, thanh sạch. Một bức tranh tuyệt đẹp của dòng sông lấp lánh dưới trăng mùa hạ.
Còn đây là hình ảnh sông Ngân Hà bao la trên bầu trời như tuôn xuống ôm chầm, vây lấy đảo Sado của làng chài nhỏ thưa thớt giữa biển Nhật Bản thăm thẳm hoang vu
Ôi biển hoang vu
Ngân Hà vươn trải
trên đảo Sado.
Hình ảnh dải Ngân Hà gợi bao cảm xúc trong lòng thi sĩ. Ngay cả nhân vật của Kawabata trong “Xứ tuyết”còn cảm nhận được: “Shimamura có cảm tưởng mình đang bơi lội trong đó, Ánh lân quang của dải Ngân Hà như tỏa xuống gần đến độ chàng thấy như mình bị nó hút lên tận nơi. Phải chăng thi sĩ Basho đã vì ấn tượng của vẻ bao la rực rỡ chói sáng ấy mà ví nó như một vòng cầu hòa bình bắc qua biển đang sôi sục ? Bởi vì dải Ngân Hà vòm xuống ngay trên đầu chàng, ôm lấy trái đất tối đen trong vòng tay thanh khiết, khó hiểu và không cảm xúc của nó. Hình ảnh thuần khiết và gần gũi của một niềm khoái cảm dữ dội…” [5, trang 27].
Hay đó là hình ảnh dòng thác Mogami tuôn nước trắng xóa như cuốn cả bầu trời rực lửa lúc hoàng hôn và dìm xuống sóng nước trùng dương. Thiên nhiên trong vắt, hùng vĩ mênh mông.
Mogami tuôn dòng
cuốn mặt trời rực lửa
dìm xuống trùng dương.
Bên cạnh những dòng sông, dòng thác là những ngọn đồi, hòn đảo vô danh tình cờ trên đường đi ngang qua ông bắt gặp.
Mùa xuân đến rồi
vô danh ngọn đồi ấy
sáng nay khoác áo sương mù.
Đó là hình ảnh một ngọn đồi bao phủ bởi sương mù mùa xuân. Hay một hòn đảo cô liêu, không tên hiện ra trong tiếng chim cu kêu não lòng.
Tiếng cu kêu
biến tan về phía
hòn đảo cô liêu.
Thiên nhiên trong mắt Basho mang vẻ đẹp nguyên thủy, sơ khai. Nếu Basho so với Nguyễn Trãi (Việt Nam) cũng hay viết về đề tài thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ thì cả hai có điểm tương đồng. Nguyễn Trãi tả thiên nhiên như sau:
Thanh Hư trúc mọc như rừng
Thác bay phơi phới như gương lạnh người
Đêm qua trăng lẫn nước trời
Ta mơ cưỡi hạc lên chơi tiên đàn.
(Thanh Hư động lý trúc thiên can
phi bộc phi phi lạc kính hàn
tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy
mộng ki hoàng hạc thướng tiên đàn.)
Mộng sơn trung (Mộng giữa núi)
Động Thanh Hư của Nguyễn Trãi cũng trong vắt nguyên sơ dưới ánh trăng như sông Kiyotaki hay đảo Sado, thác Mogami. Hình ảnh thiên nhiên cũng mang vẻ đẹp hùng vĩ, mênh mông.
Thiên nhiên trong thơ Basho còn là những bức tranh tuyệt đẹp đó là âm thanh của tiếng chim oanh làm ta nghe và nhận ra vị trí của nó
Ôi chim oanh
hát trước rừng trúc
sau hàng liễu nghiêng.
Hay:
Rừng trúc mênh mông
tiếng chim cu hót
trong ánh trăng nghiêng.
Sự im lặng trong trẻo của rừng trúc đó là nơi giấu mình của giông tố.
Giông tố dấu mình
trong khu rừng trúc
và rồi lặng thinh.
Và đây là những bức tranh sơn thủy gợi tình
Dòng thác trong
buông theo triền nước
những lá thông xanh.
Hay:
Đỉnh Arashi
những ngày tháng sáu
đặt mây lên mình.
Không chỉ có Basho mà các nhà thơ yêu thiên nhiên đều có thể tìm ra vẻ đẹp trong thiên nhiên một cách giản dị và tự nhiên như chính thiên nhiên ấy.
Dục Thúy mưa tan non tựa ngọc,
Đại An triều dậy nước ngang trời
(Dục Thúy vũ tình phong tự ngọc
Đại an triều trướng thủy như thiên)
Vọng doanh
Nguyễn Trãi cũng từng tả thiên nhiên tươi đẹp như thế. Đó cũng là tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Basho.
Hình ảnh thiên nhiên thanh sạch, hoang sơ luôn là ước mong của Basho đựơc trở về với thiên nhiên để cảm nghiệm cái đẹp mà nhà thơ muốn tìm cho mình và cho thơ ca.
Ta muốn ngà say
ngủ mơ trên đá
hoa cẩm chướng đầy.
Trong thơ Basho, thiên nhiên còn là những hình ảnh gần gũi quen thuộc với chúng ta. Nó ở xung quanh cuộc sống chúng ta. Nó hiện diện rất hồn nhiên, rất khiêm tốn, bé bỏng dễ thương chẳng hạn như
Trên thân nấm rơm
chiếc lá từ đâu đến
vẫn còn nằm yên.
Một chiếc lá lìa khỏi cành rơi xuống nằm trên thân cây nấm rơm rất bình thường không có gì cả. Đó là điều tự nhiên của cuộc sống. Hay một chú ngựa đang ăn hoa dâm bụt bên đường.
Bên đường
hoa dâm bụt
đưa mình cho ngựa ăn.
Hay một con bướm phải vất vả với cành liễu nghiêng bay theo gió để tìm một chỗ đậu cho vững vàng.
Trên cành liễu nghiêng
con bướm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
Hay một con ong hút mật no nê còn “tần ngần” không muốn bay đi ngay như còn lưu luyến tình cảm với hoa.
Một con ong
từ lòng thược dược
bay đi tần ngần.
Hay chú chuồn chuồn kiên trì vượt qua gian nan để tồn tại mà cố bám víu cho đựơc trên ngọn cỏ rung rinh theo gió.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không được
trên ngọn cỏ gió rung.
Hay một con cua nhỏ đang bò dưới dòng nước trôi chảy vô tình. Dù cuộc sống khắc nghiệt, cua vẫn bám víu lấy sự sống, cố bò lên bờ để khỏi bị nước cuốn trôi và đã bò lên chân thi nhân.
Dưới làn nước trôi
có con cua nhỏ
bò lên chân tôi.
Những hình ảnh tự nhiên bình thường, quen thuộc ta thường hay gặp như thế. Và đó còn là tiếng kêu của chim sẻ và chuột như đang trò chuyện nhau.
Từ trong rầm nhà
đáp lời chim sẻ
rúc rích chuột con.
Hay một hình ảnh đơn sơ mộc mạc dễ thương
Trong lều ngư dân
giữa đám tôm cá
có con dế mèn.
Hay:
Chấy bọ rầy rà
nơi tôi nằm ngủ
ngựa đứng đái không xa.
Những hình ảnh bình thường ta gặp trong cuộc sống. Ta thường thấy xuất hiện trong thơ haiku Basho. Nó được đưa vào thơ bởi cảm thức thẩm mỹ truyền thống về cái đơn sơ, bình dị, nguyên thuỷ, sơ khai… của tự nhiên. Không riêng Basho các nhà thơ haiku khác ở Nhật cũng thế. Issa cảm nhận về hình ảnh chú chuột uống nước bên bờ sông
Bên dòng Sumida
chú chuột kia uống nước
mưa mùa xuân pha.
Hình ảnh một chú chuột bé xíu đang ung dung uống từng ngụm “nước mùa xuân” của dòng sông Sumida trong khi cơn mưa đang rơi xuống dòng sông mênh mông nước. Giữa hai sự vật nhỏ bé và mênh mông nhưng lại hòa hợp với nhau, đều mang bản tính của chúng và hiện thân của vũ trụ biến đổi. Chuột vẫn thản nhiên, đất trời, mưa, sông vẫn mênh mông.
Nhà thơ Onitsura cũng chợt reo vui khi nhận ra những sự vật quen thuộc đơn sơ quanh mình.
Hoa đào nở rộ
chim có hai chân
và ngựa có bốn chân.
Tóm lại, hình ảnh thiên nhiên ta gặp trong thơ Basho với vai trò là “quí ngữ” nhưng nó chứa đựng vẻ đẹp đơn sơ, dung dị, nguyên thủy… trong từng câu chữ. Nó chứa đựng bao tình cảm với thiên nhiên của nhà thơ Basho. Thơ haiku là thơ ca của thiên nhiên vạn vật.
1.2. Thiên nhiên là những bức tranh hữu tình
Thiên nhiên trong thơ Basho hồn nhiên tươi tắn, trẻ trung, yêu đời nên không phải là những bức tranh vô hồn. Thiên nhiên với nhà thơ như có sự ràng buộc vô hình khiến nhà thơ phải rời Ba tiêu am lên đường lãng du vào “con đường sâu thẳm” tìm về với thiên nhiên. Thiên nhiên là nơi chứa đựng và giãi bày bao tâm tư tình cảm của nhà thơ. Basho yêu quí thiên nhiên biết bao. Những bước chân của nhà thơ cũng nặng tình thiên nhiên, nặng tình của sự sống chan hòa cùng thiên nhiên.
Hoa diên vĩ
buộc quanh bàn chân
mang dép rơm
Hoa diên vĩ, rơm là những tạo vật của thiên nhiên. Chúng cũng có linh hồn bám víu theo nhà thơ trên bước lữ nhân của đời gió bụi. Sự bình dị và tình cảm chân thành của thiên nhiên đã giúp nhà thơ vượt qua bao khó khăn để về với những gì là “thiên nhiên” của cuộc sống như
Bên vỏ ốc con
trôi theo bọt sóng
những cánh đinh hương
Bên trong vỏ óc là cả một biển xanh giấu mình mà vẫn sóng gió, cùng những cánh hoa đinh hương mỏng manh bé nhỏ.
Hình ảnh thiên nhiên hiện ra trước mắt Basho chỉ trong khoảnh khắc tinh khôi nhất mà nhà thơ cảm được “linh thần” của nó.
Ôi đóa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hang giậu nở hoa.
Hoa nazuna là một loài hoa dại màu trắng, mọc bên đường chẳng ai thèm bỏ mắt tới. Nhưng trong khoảnh khắc nhỏ nhoi, Basho đã nhận ra vẻ đẹp đơn sơ tinh tú nhất của hoa bằng thị giác và tâm linh của mình. Hay là sự mong manh của một nhành hoa cúc vừa nở hoa
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
Nhà thơ reo vui khi gặp một cảnh thanh tươi, sáng ngời làm mát lạnh lòng người.
Ôi huy hoàng
lá xanh lá xanh
chói ngời trong nắng.
Bằng sự giao cảm của tâm hồn với linh hồn thiên nhiên, Basho cảm nhận mọi vẻ đẹp của thiên nhiên bằng tình cảm chân tình nhất, vì một cảnh tượng đẹp đẽ về sự hòa điệu của tâm hồn và rộn vang những âm thanh đầy nhân bản trong lòng người sẽ cảm được sự kết tinh của mọi vẻ đẹp ta cảm nghiệm. Nghe một làn hương thoảng qua Basho ngất ngây vì hương hoa và như đổi trao tâm sự cùng hoa.
Cây hoa nào
mà ta chưa biết
gởi lại một làn hương
Tiếng chim hót làm nhà thơ thanh thản tâm hồn.
Trên bình nguyên
chim Vân Tước hát
xa mọi ưu phiền.
Đó là những bức tranh thiên nhiên thoáng ẩn thoáng hiện nhưng đầy ắp tình cảm. Thiên nhiên còn đẹp tựa như tranh.
Như cảnh trong tranh
tôi trên mình ngựa
chầm chậm qua đồng.
Nhà thơ phải “chầm chậm” đi để vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa như sợ làm động nó sẽ tan biến đi. Thiên nhiên đẹp như nàng Tây Thi kiêu sa diễm lệ.
Vịnh Kisagat
như nàng Tây Thi ngủ
trong mưa và trong hoa.
Hay vầng trăng tròn nghiêng về biển như bóng nàng Komachi.
Vầng trăng đầy
nghiêng mình về biển
bảy nàng Komachi.
Tình yêu thiên nhiên buộc nhà thơ vào các bài thơ haiku.
Sương mù bao phủ
Fuji chìm khuất rồi
núi hiện hình trong tôi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ )
Basho nhìn thấy ngọn Fuji bị chìm trong sương mù nhưng vẫn có một ngọn núi khác hiện hình trong lòng nhà thơ. Ngọn núi tâm hồn sẽ thay thế cho tình cảm khi nhìn thấy núi Fuji bị sương mù che khuất.
Thiên nhiên còn là nơi nhà thơ gởi gấm đổi trao tâm tình bằng cuộc chuyện trò với các sinh linh bé bỏng. Cả hai cùng yêu thiên nhiên đất trời mùa thu.
Con nhện kia ơi
bài hát nào ngươi có
trong gió thu này ?
hay:
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
Hoa đinh hương ơi
những giọt sương sáng
em đừng để rơi.
hãy thổi bay đi
hỡi dòng sông Ôi
những mây mưa mùa hạ.
…
Basho nói với chúng bằng những lời tâm sự thân thiết mến yêu, Basho và các sinh vật ấy như hai người bạn thân tình. Đôi khi Basho và thiên nhiên hòa vào nhau là một cảm nhận được cái mát lạnh của quả dưa
Dưa mùa hạ
đẫm bùn mát lạnh
và giọt sương mai.
Thời tiết đổi thay hay thời gian trôi đi ngay trong lòng thiên nhiên như một kết quả bao mùa chờ đợi gom nhặt.
Thế rồi từ từ
mùa xuân thành tựu
với trăng và hoa mơ.
Trăng và hoa mơ nở báo hiệu mùa xuân nữa lại về. Cái nóng nực của mùa hạ cũng về qua hành động nhà thơ cởi áo bông quẩy lên vai như sẵn sàng với thời tiết thiên nhiên bất cứ lúc nào.
Áo bông tôi cởi
quẩy lên vai trần
mùa thay áo đổi .
Mùa thu trở về cũng thật nhanh chóng chỉ bằng cái thoáng qua của làn gió thu.
Đỏ bừng
mặt trời nóng bỏng
nhưng rồi thu phong.
Trong cái nóng bỏng của mặt trời đỏ bừng vào mùa hè mà xuất hiện cơn gió thu (thu phong) làm mát cả bầu trời. Thời gian trôi qua trong ngỡ ngàng
Đã rơi năm nào
tuyết mà ta ngắm
bây giờ lại rơi ?
Mùa đông về bằng những cơn mưa tuyết trắng xóa cả bầu trời. Basho cảm nhận thời gian bằng tình cảm thiên nhiên ngay trong lòng thiên nhiên.
Những khúc ca giao mùa trong thơ haiku Basho là những bức tranh tuyệt mỹ của thời gian được Basho vẽ nên bằng câu chữ.
Basho cảm nhận được tình cảm của thiên nhiên trong những lần tiễn đưa.
Mùa thu ở Kiso
người tiễn đưa ta
ta tiễn đưa người.
Đứng trước khí trời mùa thu, Basho nhớ lại mùa này năm xưa có cuộc tiễn đưa nhưng không phải để bi lụy mà để nhớ rằng một mùa thu nữa mà nhà thơ vẫn còn rong ruổi. Trong mùa thu có chứa cuộc chia tay của nhà thơ với bè bạn người thân. Dường như hình ảnh người ra đi và người ở lại trong những lần tiễn đưa không có sự phân biệt. Cả hai cùng đi theo vòng xoay của vũ trụ. Vì vậy, hình ảnh thiên nhiên luôn luôn hiện diện trong các cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến của nhà thơ.
Ngọn lúa nào
trong ngón tay bíu chặt
khi từ biệt nhau.
Trên một cánh đồng có buổi chia tay trong xúc động “bíu chặt” không muốn rời.
Mùa xuân ra đi
tiếng chim thổn thức
mắt cá lệ đầy.
Nhà thơ lên đường vào một ngày xuân chim thổn thức, cá đẫm lệ tiễn đưa.
Vào một mùa thu cũng có một cuộc tiễn đưa bằng vỏ trai tách rời
Vỏ trai tách rời
chia tay cùng bạn
mùa thu ra đi.
Thiên nhiên trong thơ thấm đẫm tình cảm con người. Basho cảm nhận trong nhiên nhiên cũng có linh hồn, cũng có niềm vui nỗi buồn. Vì thế thiên nhiên đọng lại trong câu chữ là những bức tranh hữu tình. Nhưng cái tình nằm im lặng sau câu chữ. Nó hiện ra trong câu chữ ngay thời khắc mà cái gì cũng chưa mãn khai chưa toàn mỹ, nó còn bỏ ngỏ phần còn lại của đời mình. Thiên nhiên là người bạn thân thiết của nhà thơ và của mọi người. Tình cảm Basho dành cho thiên nhiên luôn luôn là ước mơ về với thiên nhiên để được giao tình thân thiết như
Cầu treo vực thẳm
những cây thường xuân
quanh đời ta quấn.
1.3. Thiên nhiên nơi biểu hiện tình yêu quê hương, đất nước, gia đình,
bạn bè
Trên bước đường gió bụi, thiên nhiên là người bạn thân thiết nhất luôn kề vai sát cánh cùng nhà thơ. Với nhà thơ, thiên nhiên là hiện thân của cái đẹp. Cái đẹp núi, sông, cỏ cây, tuyết, trăng, hoa… thấm sâu trong lòng người bằng tình cảm thân thương nhất. Người yêu thiên nhiên bằng tình cảm chân thành của một “lữ nhân phù thế”. Thiên nhiên cũng chính là hình ảnh quê hương đất nước. Trên từng bước chân đi trong lòng thiên nhiên, trong lòng vũ trụ, thời gian trôi bằng “sứ giả” các mùa thay nhau về ngự trị, thi nhân Basho không tránh khỏi bùi ngùi nhớ về một cái gì xa xôi trong sâu thẳm tâm hồn về một miền quê mà ông đã từng gửi thân qua cuộc đời gió bụi. Đó là nỗi nhớ quê hương không nguôi.
Nghe tiếng chim đỗ vũ
ở kinh đô
mà nhớ kinh đô.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Basho đang ở kinh đô nghe tiếng chim đỗ vũ (chim đỗ quyên) hót, lòng bâng khuâng nhớ về quê cũ vì thời gian trôi nhanh quá. Ở kinh đô này lại nhớ kinh đô xưa - kinh đô của ký ức một thời đã xa đã vĩnh viễn mất đi chỉ còn đọng lại trong nỗi nhớ khi nghe tiếng chim kêu báo hiệu mùa hè. Vì sao lại thế ?
Kinh đô bây giờ là Edo thành phố thị dân đang say sưa với nhịp sống phồn hoa đô hội. Nhiều thứ văn hóa cổ xưa dần bị mất đi thay vào đó là “văn hóa thị dân”. Cuộc sống “phù thế” làm con người chỉ biết hiện tại, quay lưng lại với thần linh xưa cũ. Trong xã hội ấy, Basho cảm thấy cô đơn lạc loài nên ông tìm về “con đường sâu thẳm” trên “những bước đường phiêu lãng”. Basho nhớ về kinh đô xưa.
Trên đường đi, nơi nào Basho từng ghé qua là nơi đó là quê hương của ông.
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
Thật vậy, Basho sinh ra ở Ueno, nhưng trong ông Edo là quê hương thứ hai. Trên hành trình từ đất khách xa xôi về thăm quê, ông ngoảnh lại thấy Edo thân thiết như quê hương mình vì ông đã từng sống ở Edo mười năm. Tình cảm này của Basho làm ta nhớ đến bài thơ Độ Tang Càn của Giả Đảo (Trung Quốc).
Khách sá Tinh Châu dĩ thập sương
Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
(Ở nhà khách Tinh Châu trải mười năm,
Hôm sớm Hàm Dương chỉ nhớ cố hương
Không biết vì sao qua bến Tang Càn nọ,
Ngoảnh lại Tinh Châu (thấy) đã là quê hương.)
và câu thơ của Chế Lan Viên (Việt Nam) trong bài Tiếng hát con tàu
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn !
Tình yêu quê hương của các nhà thơ thật là sâu lắng mặn nồng.
Basho thoảng nghe tiếng chuông cũng tưởng đó là tiếng chuông ở ngôi đền nào đó của quê hương, không biết là đền Ueno hay đền Asakusa.
Hoa đào như áng mây xa
chuông đền Ueno vang vọng
hay đền Asakusa.
Tiếng chuông lòng lúc nào cũng vang trong ông. Tình yêu quê hương của Basho cũng thật dịu dàng mà thâm trầm sâu lắng như tiếng chuông, như “áng mây hoa” như “hương hoa” quê hương luôn luôn đẹp trong trái tim nhà thơ.
Ở cố đô Nại Lương
hoa cúc và tượng phật cổ
ngạt ngào hương.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Tình yêu quê hương của nhà thơ mang chút màu sắc thiền tông pha với mỹ cảm truyền thống của người Nhật Bản. Nên đọng lại trong ông của sự cô đơn hư không và tiếng reo vui khi gặp cuộc sống thanh bình.
Tình yêu quê hương ẩn hiện trong niềm vui khi Basho nhìn thấy cuộc sống lao động bình dị của người nông dân.
Đi hái cải củ
cậu bé con kia
được ngồi lưng ngựa.
Đó là hình ảnh em bé sung sướng khi được “ngồi lưng ngựa”. Hay hình ảnh
Người chèo thuyền
ống điếu ngậm trong miệng
gió mùa xuân lên.
Một người nông dân trên đồng
Trên đồng mùa hạ
nhìn người vác cỏ
tôi lần đường đi.
Tiếng rao người bán cá hòa điệu nên điệp khúc mùa hè.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
Hay hình ảnh của một em bé dù làm việc mệt nhọc vẫn ngắm trăng. Đó là tình yêu thiên nhiên và hướng đến với thiên nhiên.
Em bé nhọc nhằn
trong khi xay gạo
vẫn nhìn lên trăng.
Những cuộc sống bình dị, đơn sơ, cơ cực của người dân lao động nghèo trên quê hương ông đi qua đã để lại trong ông bao tình cảm mặn nồng về hình ảnh của quê hương.
Basho càng nhớ quê hương ông càng giấu kín trong thơ. Trong nỗi nhớ, Basho còn nhớ về gia đình người thân. Đó cũng là hình ảnh bé nhỏ của quê hương trong ông. Chính tình cảm ấy là sợi dây kết ông với người thân, gia đình và quê hương. Trên bước đường du hành, ông quay lại thăm quê thăm bạn bè hay nhớ họ trên đường đi
Mùa thu âm u
người hàng xóm ấy
sống như thế nào ?
Mùa thu về, nhà thơ nhớ về người hàng xóm đã bao năm xa cách không biết bây giờ người ấy sống ra sao ? Nỗi nhớ của bài thơ chỉ có thế.
Nhìn mùa xuân qua hình bóng cố nhân ở quê cũ Omi cũng đọng trong trái tim ông.
Mùa xuân qua đi
sao cứ nhớ mãi
người ở Omi.
Nhưng có nỗi nhớ thâm trầm sâu lắng vào mùa thu, ông về thăm quê và hay tin người mẹ kính yêu đã qua đời. Gió bụi như ngừng thổi trong ông.
Lệ trào nóng hổi
trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
Những giọt lệ nóng hổi của đứa con tha phương nay trở về rơi xuống bàn tay đang cầm một mớ tóc bạc - kỷ vật người mẹ hiền để lại - của người mẹ đã khuất, đọng lại như những giọt sương thu. Chẳng biết “sương thu” là vì nước mắt đọng trên mái tóc nhuộm màu sương của mẹ, hay nước mắt người con như sương mùa thu, hay cuộc đời như giọt sương thu sớm tan trong nắng gió cuộc đời. Sương thu là hình ảnh thiên nhiên đất trời. Mẹ mất đi như sương thu tan vào đất trời. Trong thiên nhiên đất trời có mẹ, mẹ mênh mông, bao la như thiên nhiên đất trời trong lòng nhà thơ.
Bao nhiêu tình yêu đọng lại trong lòng nhà thơ bằng nỗi nhớ thăm thẳm sâu. Ngoảnh nhìn lại mình Basho cảm thấy mình già trước cuộc đời phù thế.
Trong mùa thu này
ta già biết mấy
ôi chim và mây.
Basho thấy mình đã già nhưng những giấc mơ rong ruổi theo chim và mây vẫn còn đó. Ước vọng ông trao cho cây liễu. Vì nhà thơ đã tìm thấy niềm vui, sự thanh thản khi kết bạn cùng cây liễu. Còn những bận bịu của cuộc sống (niềm vui và nỗi buồn), nhà thơ quên đi.
Trao cho cây liễu
mọi điều ước vọng
mọi điều chán chê.
Basho không nói mình cô đơn nhưng lại nói giọt sương cô đơn. Vì giọt sương nó rời rạc, ngắn ngủi sớm tan biến vào đất trời. Nó không giống giọt mưa liên kết thành dòng chảy. Dù thế nào đi nữa giọt sương vẫn cô đơn. Qua đó, ta vẫn thấy nỗi “cô đơn” của nhà thơ khi nhìn thấy sự cô đơn của giọt sương.
Không bao giờ quên
mùi vị cô đơn
của giọt sương trắng.
Dù Basho ngầm hiểu sự cô đơn, già nua của mình nhưng với ông đó chỉ là “vô thường” của vũ trụ. Ông ung dung về nó vì
Làng chuông không ngân
biết làm chi nhỉ
những chiều mùa xuân.
Basho sinh ra là để gắn với haiku gắn với “lữ nhân phù thế” nên ông càng phải đi để thực hiện ước vọng bay cùng chim và mây. Đến những đồng cỏ đầy hoa
Vương trái tim tôi
ngang con đường núi
đồng thảo nở hoa tươi.
1.4. Thiên nhiên của tấm lòng thương cảm
Trên bước đường phiêu lãng, Basho đi qua nhiều nơi, “từ những đô thị ồn ào náo nhiệt của những người thị dân… đến những cánh đồng khô cằn, những làng quê xơ xác của những người nông dân cơ cực đói nghèo”[8, trang 326]. Basho tận mắt nhìn thấy mọi thảm cảnh diễn ra ngay trước mắt mình. Ông ghi lại một cách lặng lẽ các sự việc vào những bài thơ haiku dung dị quen thuộc. Trong thơ ông có đủ hình ảnh của những kiếp người đau khổ, lầm than như: từ những người nông dân lam lũ, em bé nghèo sớm gặp bất hạnh, những người đánh cá, những cô gái bán thân, những người lính bỏ thây nơi chiến địa, cho đến những người bạn yêu thơ yểu mệnh…
Trong một lần đi ngang qua một khu rừng vắng, Basho thấy một chú khỉ đứng co ro run lên vì lạnh trong mưa mùa đông. Trước cảnh đó, Basho ước gì có ngay một chiếc áo mưa cho chú khỉ bớt lạnh.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Hình ảnh “một chú khỉ đơn độc” làm ta liên tưởng đến hình ảnh người nông dân, những em bé nghèo đứng co ro, run rẩy trong những cơn mưa giá lạnh. Bài thơ là tấm lòng thương cảm vô vàn của nhà thơ đối với những người cùng khổ và cả cỏ cây muông thú. Basho mượn hình ảnh của thiên nhiên để nói lên số phận của con người.
Trong tuyết ban mai
đôi mắt ta nhìn cả
những con ngựa gầy.
Cuộc sống nghèo khổ, người nông dân phải lao động vất vả từ những sớm ban mai trong tuyết giá rét với “những con ngựa gầy”. Hình ảnh “ngựa gầy” liên tưởng đến người lao động nghèo khổ gầy gò.
Hay người lao động nghèo phải làm việc vất vả trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè nóng bức. Đó là những nguời bán cá cứ rao mãi trong ngày hè hòa vào tiếng chim cu tạo thành điệp khúc mùa hè.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
Lại một lần khác, khi đi ngang qua cánh rừng, Basho nghe tiếng vượn hú. Lòng nhà thơ gợi lên niềm thương cảm và nhớ đến tiếng khóc não lòng của một em bé bị bỏ rơi trong rừng. Lòng ông tái tê hay “gió mùa thu tái tê” ?
Vượn hú não nề
hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ?
gió mùa thu tái tê.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Tiếng vượn hú trong thơ Basho khác hẳn với tiếng vượn hú của Lí Bạch “Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận” (Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt), hay tiếng vượn trong thơ Đỗ Phủ “Phong cấp thiên cao viên khiếu ai” (gió gấp, trời cao vượn nỉ non). Đó chỉ là tiếng vượn gợi lên nỗi buồn mơ hồ trống rỗng. Còn Basho là cả một tấm lòng thương cảm với những đứa trẻ bị vỏ rơi trong rừmg. Những đứa trẻ đó gọi là “mabiku” (tỉa bớt). Ngày xưa Nhật Bản trong những năm đói khổ, mất mùa, những gia đình nông dân nghèo đông con không nuôi nổi chúng, phải đem chúng bỏ vào rừng. Có khi, người ta còn giết cả những đứa trẻ sơ sinh.
Tình thương trẻ thơ của Basho thật mênh mông sâu thẳm. Có những khi đi ngang khu rừng nghe mưa đá rơi ông gọi bọn trẻ (tỉa bớt) tránh mưa.
Xem kìa bé ơi
hãy chạy nhanh đến
mưa đá đang rơi !
Những đứa trẻ đoản mệnh ấy còn quá nhỏ có biết mưa đá là gì đâu ? Basho dành cho chúng cả tấm lòng từ bi vô tận. Tình yêu trẻ thơ của Basho cũng giống thi hào Nguyễn Du (Việt Nam) trong bài Văn chiêu hồn.
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Tình thương người của Basho thật bao la. Có lần Basho trọ chung quán với các du nữ. Nghe lời tâm sự của họ, niềm bi cảm trong lòng ông nổi lên nỗi xót thương cao cả. Ông đặt các du nữ bên cạnh trăng và hoa thu.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Cùng dòng cảm xúc với ông, nhà thơ Busson cũng có bài viết về các du nữ đáng thương
Hoa mơ tưng bừng
bên lầu, du nữ
mua sắm đai lưng.
Trong mắt Basho các du nữ, trăng, hoa thu đều tồn tại trong một vũ trụ thuần khiết không có phân biệt. Cả ba đều có sự giống như nhau trong “vô thường”. Với Busson các du nữ cũng như mùa xuân, cũng trau chuốt cho mình. Hoa mơ và du nữ cùng tắm trong trời mùa xuân. Cuộc đời các du nữ chỉ là những kiếp lỡ làng nhưng sẽ đẹp như trăng như hoa thu, hoa mơ và như mùa xuân. Trong mắt Basho, những gì tồn tại trong vũ trụ này đều đẹp.
Lòng thương cảm Basho còn dành cho cả những chiến binh gục ngã rồi mà “giấc mộng vẫn chưa thành”. Đó là những người lính chiến đã hi sinh nhưng giấc mộng được hạnh phúc lúc còn sống vẫn chưa thực hiện được. Nay sau khi đã chết rồi, họ vẫn còn ôm giấc mộng ấy bằng linh hồn từ cõi chết. Họ chết vì chiến tranh phi nghĩa. Còn người đời quá vô tình như chỉ trong một giấc mộng ngắn hơn cả giấc ngủ mà “cỏ mùa hạ ngút xanh”. Thiên nhiên, cỏ cây cũng vội vàng lãng quên. Cuộc sống này là vô thường. Mọi thứ rồi sẽ qua đi, biến đổi theo thời gian.
Những chiến binh ngã xuống
giấc mộng chưa thành
cỏ mùa hạ ngút xanh.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Và đây là cảnh một gia đình đi viếng mộ người thân. Cả gia đình tóc đều bạc, phải chống gậy đi. Hẳn là người mất còn trẻ lắm. Basho cảm thômg cùng họ bằng niềm xúc động của “kẻ đầu bạc khóc người đầu xanh”.
Chống gậy đưa chân
cả gia đình bạc tóc
đi viếng mộ người thân.
Trong một buổi chiều rét Basho gặp con nhạn ốm đau rơi, lòng ông đầy thương cảm như đấy là một “lữ khách nào”. Tình thương ông dành cho cả những kiếp người tha phương.
Con nhạn ốm đau
rơi trong chiều rét
ôi lữ khách nào.
Một người bạn nhà thơ đã mất như “lá ngô đồng rơi”, làm động lại bao nỗi buồn trong nhà thơ. Vì nhà thơ cứ chờ đợi nhưng chẳng thấy bạn đâu ? Càng thấm thía nỗi buồn tan thương vì cái chết đến với con người, nhưng Basho chỉ xem như “lá ngô đồng rơi” như “trăng rụng”.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
Người bạn nhà thơ đã mất như “trăng rụng”. Chỉ còn lại bốn góc bàn quen thuộc nơi người ấy vẫn ngồi. Sự sống và cái chết đều ở thế giới vô thường trong vòng xoay vũ trụ. Đó là cảm thức bi cảm của aware. Basho trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc ấy là mong manh và ngắn ngủi bằng cả tình thương và nỗi nhớ khôn nguôi. Tấm lòng từ bi bao la của Basho, tình thương của người với nhân thế mãi mãi vẫn ngưng đọng trong lòng người yêu thơ. Dù những bi ai mà Basho gặp trong đời đã qua rồi như
Vầng trăng tan nhanh
giọt mưa còn đọng
đó đây trên cành.
Giọt nước mắt thương người, thương đời của thiền sư Basho cứ rơi mãi như mưa dù hết rơi vẫn còn ngưng đọng trong từng câu chữ. Nên thơ haiku của Basho nó trầm lặng, sâu lắng thiết tha trong bí ẩn mơ hồ…
Tóm lại, Basho thật sự là nhà thơ của tình yêu thương. Những bài thơ haiku của ông không chỉ là thơ của thiên nhiên mà nó còn là thơ về tình yêu thương về lòng con người. Hình ảnh trong thơ chất chứa những nỗi niềm bi ai sâu lắng. Thiên nhiên còn là nơi của những tấm lòng thương cảm thiết tha mà Basho dành cho người, cho đời.
2. Thiên nhiên trong thơ Basho nhuốm màu thiền (zen)
Văn hóa Nhật Bản thấm đẫm tinh thần Thiền tông. Văn học Nhật cũng chụi ảnh hưởng rất nhiều của thiền, có thể nói theo một khía cạnh nào đó thì văn học Nhật Bản dựa trên trực ngôn cảm tính của thiền. Nó không nhấn vào văn tự như một công cụ nên nhiều khi cũng không cần trau chuốt mà cái đẹp toát lên rất tự nhiên.
Văn học Nhật Bản dựa trên nền của thiền nên rất khó đối với người cảm nhận. Đôi lúc đối diện với tác phẩm người ta có thể cảm nhận mà không thể giải thích được. Văn học Nhật Bản cũng thấm đẫm mỹ cảm Nhật Bản nên đòi hỏi người cảm thụ đôi lúc phải vượt ra khỏi bản ngã của mình, thoát khỏi tư duy lý tính, tiếp nhận bằng cái tâm cảm hóa tinh tế sâu sắc và lòng rộng lượng.
Thơ Basho cũng thế, nó là sự kết hợp của truyền thống Thần đạo và Thiền tông thông qua mỹ cảm Nhật Bản. Thơ Basho luôn phảng phất hương vị thiền. Đặc biệt là thiên nhiên. Các hình ảnh thiên nhiên trong thơ Basho nhuốm màu Thiền đậm nét nên thoáng đôi lúc ta thấy nó toát lên vẻ đẹp tự nhiên không ngờ.
2.1. Quan niệm về “Thiền” của người Nhật
Đối với người Nhật, “Thiền sẽ giúp họ thấu đạt được ý nghĩa của hiện hữu họ đang sống” [14, trang 226]. Những người tu thiền luôn nuôi khát vọng thấu đạt những mãnh lực kì bí của thiền. Nếu chúng ta tìm câu trả lời cho “Thiền là gì ?” một cách đầy đủ và trọn vẹn là chúng ta đã vi phạm tinh thần của thiền. Hay nói khác đó là “phi Thiền”. Bản chất của Thiền là nằm ngoài các định nghĩa, các khái niệm và cả giải thích. Thiền có khái niệm nhưng không mô tả hoàn chỉnh bằng lời. Ta chỉ biết đó là một trạng thái tĩnh tâm, một cách tu để thấu đạt giáo lí Phật giáo.
Người Nhật quan niệm về Thiền: đó là cái “hư không” tức không có gì mà có tất cả, có tất cả cũng có nghĩa là không có gì, tức “phi hữu diệc phi không” (chẳng phải có cũng chẳng phải là không).
Cốt lõi của thiền là cái ta chỉ có thể cảm nhận bắng tâm thức tức bằng cảm giác yên tĩnh tinh thần, thanh thản trong tâm hồn. Nó là sự “giác ngộ”.
Để diễn đạt Thiền nhà họa sĩ dùng nét vẽ như vòng tròn Enso thường thấy trong các bức thư họa Nhật Bản chẳng hạn. Chỉ một vòng tròn thôi, nhưng bằng cảm nhận của Thiền người ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Hay một võ sĩ chỉ có thể biểu diễn Thiền bằng một “đường kiếm”. Hay một nhà thơ thể hiện tinh thần Thiền bằng một bài thơ chẳng hạn.
Thơ haiku Basho thấm đậm chất Thiền. Khi đọc tác phẩm ta nên dùng thế giới tâm linh cảm nhận chứ đừng cố tìm lời phân tích lí giải bằng lí trí sẽ sai nguyên tắc và lạc hướng của Thiền.
Vậy, Thiền là một cảm nhận bằng tâm linh và truyền đạt nó bằng tâm linh không lí giải. Đó là sự im lặng, tĩnh tâm.
2.2. Hương vị “thiền” trong thiên nhiên thơ Basho
Thơ Haiku được xem là thơ thiền chứa “quý ngữ” (từ ngữ báo hiệu mùa). Basho luôn thể hiện một tinh thần Zen kết hợp thâm sâu với mỹ cảm Nhật Bản trong từng bài thơ haiku. Trên bước đường lữ khách, hành trang mang theo của thiền sư Basho là chiếc nón lá, cây trượng và một cái đẫy… Basho du hành trên khắp đất nước Mặt trời mọc. Vào một buổi chiều kia, hoàng hôn đang dần buông mình về phía bóng tối xa xăm. Basho gặp một hình ảnh của vũ trụ.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
Trên cành cây trụi lá hiu hắt có một cánh quạ cô đơn đậu yên bất động trong bóng chiều tàn dần đi về phía thâm u. Bài thơ gợi cho ta một khung cảnh tịch liêu, một cảm thức wabi của bức họa đơn sắc, nghèo nàn màu sắc. Chỉ là một màu tối xám. Nhưng nó lại cuốn ta vào thế giới sabi của u huyền và cô tịch của “vô thường”. Con quạ, cành cây, tiết trời chiều thu và cả vũ trụ yên lặng như trạng thái của Thiền. Nhưng thật ra tất cả đang vận động cùng thời gian, cùng tiết trời, chìm vào hoàng hôn, và vận động bao la cùng thế giới này. Chỉ một nét màu đơn sắc thôi, cánh quạ là thời gian và là cả vũ trụ đất trời. Basho vẽ nên bức tranh bằng trạng thái của Thiền và cảm được cảnh vật tự nhiên bằng tâm của Thiền. Thiền sư thấy được sự cô tịch và lắng nghe âm thanh của bước đi thời gian qua trên cánh quạ trong vũ trụ vô thường.
Vào những buổi chiều tàn, nhìn từng đàn chim từ phương xa vội vàng bay về tổ, người lữ khách không sao tránh khỏi phút giây chạnh lòng bâng khuâng nhớ mơ hồ và nhìn lại mình. Nỗi u ẩn hiện về, chợt lữ khách nghe tiếng chuông chùa xa xa vang vọng lại như phảng phất đâu đây một mùi hương của Thiền làm cõi lòng nhẹ nhàng hơn.
Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang.
Hoàng hôn là lúc gợi niềm cô liêu nơi sâu thẳm tâm hồn. Là nỗi nhớ quê vời vợi trong lòng người xa xứ của ca dao Việt Nam.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Cả tiếng chuông và hương hoa đều gợi lên cảm thức về Thiền. Nó vừa có lại vừa không “như còn ngân vang”. Chỉ là tiếng vang vọng cảm nhận được trong lòng nhà thơ về âm thanh của dư ba. Hay những sáng tinh sương thấy sương mù và nghe đâu đó tiếng chuông đang trôi trong sương
Rạng sáng
trôi trong sương
tiếng chuông.
Tiếng chuông trở thành âm thanh của chút mùi Thiền vị. Còn hương hoa cũng vậy. Hoa đào báo hiệu mùa xuân về nhưng cũng tiễn một mùa xuân qua. Thời gian là “hư không”. Hương hoa hay hoa cũng là hiện thân của Thiền ý.
Đêm xuân phai nhòa
và rạng đông đến
trên cành đào hoa.
Thơ Basho mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa khác nhau nhưng có điểm chung là hiện thân của “vô thường”.
Nhiều chuyện
làm nhớ lại
những cánh hoa đào.
Hoa đào làm cho người Nhật nhớ lại bao mùa hoa anh đào đã trôi qua trong quá khứ. Điều này tựa như người Việt Nam mỗi lần nhìn hoa phượng đều hồi tưởng lại thời tuổi ngọc - tuổi học trò - đã trôi qua với bao kỉ niệm không bao giờ quay trở lại
Sao hoa phượng nở trong màu máu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
(Hàn Mạc Tử)
Hoa anh đào đẹp với bao ý nghĩa nhưng rồi cũng hư vô. Nó là hiện thân của sự “vô thường” trong cuộc đời. Ta nhận ra điều này từ lòng ta là do Thiền ý. Những ân thanh của im lặng ta cảm nhận được là do Thiền. Ta tự đặt mình vào thế giới của “chân không” tĩnh tại mà nghe tiếng ve.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyến vào đá
trong cõi quạnh hiu.
Âm thanh sắc, mạnh của tiếng ve như xuyên thủng mọi lớp thời gian đi thẳng vào cõi quạnh hiu, tịch liêu nào đó trong chân không, cõi quạnh hiu đó là cõi “hư không”, “hư ảo” nhưng tâm thiền của ta cảm được.
Thiên nhiên trong tinh thần Zen chỉ là âm thanh của im lặng, sắc đẹp của vô thường, hình bóng của hư vô… tất cả đều không có. Ngay trong những cuộc tiễn đưa Thiền không làm cho người ta để lộ cảm xúc bên ngoài. Tâm hồn trở về với vô ngã.
Mùa thu ở Kiso
người tiễn đưa ta
ta tiễn đưa người.
Chỉ khi nào thấm nhuần ý niệm về Thiền thì từng bài thơ một mới có hương Thiền. Basho người sống bằng “Thiền” nên thơ của ông tắm giữa biển Thiền. Ý nghĩa trong thơ cũng bao la vô tận, có có không không tùy người đọc cảm nhận. Chỉ biết có một điều là hương Thiền luôn phản phất đâu đó trong từng bài thơ “ai muốn hiểu đến nơi đến chốn bài thơ, kẻ ấy hẳn phải sang thế giới bên kia để hội ngộ cùng Thầy, nhờ chính Thầy giảng giúp” [14, trang 278].
Hương vị “Thiền” trong thơ Basho là thế đó. Nó nằm sát bên cạnh từng câu chữ, từng hình ảnh, từng âm thanh… ta chỉ có thể cảm nhận trầm tư bằng tâm sự phảng phất của hương Thiền làm lòng ta thanh thản, rộng mở như tác giả “Basho là một người thanh thản tắm trong biển thiền. Mỗi vần thơ ông viết đều ngát hương thiền vị” [5, trang 170].
2.3. So sánh thơ “thiền” trong Basho với thơ “thiền” Việt Nam
Thơ thiền là “kệ”. Tiếng Phạn gọi là “gà thà”. Thơ thiền phát triển mạnh ở Trung Quốc thời nhà Đường. Sang Nhật Bản, thơ thiền mạnh ở thể thơ haiku thế kỉ XIX. Ở Việt nam thơ thiền phát triển ở thời Lý-Trần dưới hình thức thơ Đường luật (Trung Quốc). Thơ thiền có những đặc điểm sau:
Lời thơ mộc mạc hòa vào thiên nhiên
Tĩnh thức trước luật vô thường
Tha thiết với sự cô liêu trật tự và màu nhiệm của thế giới (giác ngộ và trở về với thế tục)
Cấp độ khác, thơ Thiền có thể mô tả các biến cố trực tiếp chỉ thẳng vào chân lí thâm sâu
Bừng mở tâm ra khỏi thói quen thụ cảm sự vật theo cách thông thường.
Từ trên, ta thấy thơ thiền trong thơ Basho và thơ thiền việt Nam đều ảnh hưởng thơ thiền từ Trung Quốc. Thơ thiền theo chân đạo Phật chủ yếu là Thiền tông với vai trò là tôn giáo đến các nước, dần thấm sâu vào cảm nhận của người tiếp nhận và thơ thiền ở các nước ra đời.
Thơ thiền của thơ Basho và thơ thiền ở Việt Nam đều thể hiện được bản chất của thiền. Đó là một thế giới vô biên, vô hạn định. Trong thơ thiền không có không gian và thời gian giới hạn. Chỉ làm đều giản dị nhất là kéo ta về với ta trong tâm thanh tịnh và giác ngộ.
Trong bài thơ của Basho, có một cánh quạ cô độc giữa một thế giới tịch liêu là hình ảnh của đặc điểm thơ thiền thể hiện bản chất thiền.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
Cánh quạ im lìm trôi vào vũ trụ hoàng hôn. Nếu ta đặt mình vào trạng thái tâm thanh tịnh sẽ cảm nhận được ý thiền trong thơ cũng như cảm nhận được chính mình và cánh quạ cùng sống trong vũ trụ và trôi theo vòng biến đổi của vũ trụ. Tất cả không giới hạn. Là “vô thường”. Là thế giới “chân không”. Đôi lúc thiền cũng là thế giới của lạc quan trước vô thường
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua một nhành mai nở trước sân.)
(Mãn Giác Thiền Sư)
Hoa tàn hoa nở như là luật “vô thường”. Cuộc sống là vô thường ta nên bình tâm đón nhận, rộng mở, tỉnh thức trước vô thường. Sự sống sẽ hồi sinh. Niềm lạc quan này cũng làm Basho reo vui trước một bông hoa vừa mới nở.
Ôi đóa hoa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hàng giậu nở hoa.
Lời thơ cũng như các hình ảnh trong thơ thiền đều mộc mạc đơn sơ, giản dị hòa vào cùng thiên nhiên của đất trời. Từ ngọn núi, dòng thác… đến hạt cát, hạt bụi… Từ trăng, hoa…đến con bướm, con chim, con chuột, con ếch… được đưa vào thơ thiền một cách hồn nhiên dung dị trong bản ngã thiền. Basho thì thầm với bướm với chim, cỏ cây…
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
Hay:
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa nào mới nở
bên trời mùa thu.
Thơ thiền Việt Nam những hình ảnh dung dị chan hòa trong thơ
“Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
(Thịnh suy như giọt sương đọng trên ngọn cỏ)
(Sư Vạn Hạnh)
hay:
“Tịch tịch Lăng Già nguyệt
không không độ hải chu”
(lặng lẽ như núi Lăng Già
hư không tựa con thuyền vượt biển)
(Lâm Khu)
hay:
“Tác hữu trần sa hữu”
(Bảo là có thì hạt cát, mảy bụi đều có”
(Từ Đạo Hạnh)
Các ý thơ trên thể hiện ý niệm “chúng sinh bình đẳng” và thế giới của sự vô thường. Vạn vật có mối tương hòa giao cảm theo ý niệm của thiền.
Thơ thiền của Basho với thơ thiền Việt Nam thời Lý-Trần còn giống nhau ở cái vắng lặng, đơn sơ, hiu hắt. Đó là “nỗi buồn” và “cô đơn”.
Tiếng hạc vang trời
và tàu lá chuối
trở thành tả tơi.
Basho
Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh thức tức vị thùy đa
Huyền Quang
(Đêm gió thu sực động bức rèm
Nhà ở núi đìu hiu gối vào lùm dây leo xanh biếc
Thôi rồi, lòng ta đã hoàn toàn yên tĩnh
Tiếng dế vì ai vẫn kêu rỉ rả mãi.)
Cảm thức sabi cũng ẩn hiện trong thơ Huyền Quang. “Thiền” là trạng thái cần tập trung cao độ, đưa tâm tưởng của bản ngã vào cái “tịch lặng”, vô biên trống vắng vô hạn để giải thoát tâm linh. Nơi đó là không gian lý tưởng để trầm tư. Khi giác ngộ thiền cũng là lúc không còn cảm thấy cô đơn mà chỉ còn một niềm an lạc vô hạn.
Điều giống nhau nữa là thơ thiền tìm về sự an nhiên tự tại. Dù các nhà thơ có đạt đến cảnh giới giác ngộ nhưng trong thơ vẫn còn thoang thoảng tồn tại một niềm cô đơn sâu thẳm. Các nhà thơ đều hướng về thiên nhiên, quên đi tất cả , tìm niềm vui ở thiên nhiên.
Lang thang đồng nội
để cho mưa gió
thấm vào hồn tôi.
Basho
Đôi lúc là sự khắc khoải về cõi người.
Năm rồi năm
trên bộ mặt khỉ
mặt nạ khỉ mang.
Basho
“Nghĩ khí chẳng đồng đành khác cảnh”
Huyền Quang
Trong thơ thiền ta còn tìm thấy karumi tức một trạng thái nhẹ nhàng, thư thái, tìm thấy sự siêu thoát tinh thần sống giữa cuộc đời “nhân thế”
Dưới cây lao xao
chén canh đĩa cá
đều vương hoa đào
Basho
Sự lẫn lộn giữa cuộc sống trần thế, hay sự lẫn lộn giữa mộng thực, trần tục- thần linh làm toát lên vẻ đẹp ánh sáng và cát bụi.
Chẳng thắp thêm hương, lò đã tắt
Giảng cùng chú tiểu mấy chương kinh
Tay tiêu tay mõ, “lão tăng bận”
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
Huyền Quang
Đó là biểu hiện của “cư trần lạc đạo”, nét đặc sắc của thơ thiền Lý-Trần. Thơ thiền cùng tìm kiếm sự bao dung giữa đạo và đời.
Thơ thiền cũng bộc lộ trái tim nhân hậu giàu tình thương người, chúng sinh thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên chứa đựng những tấm lòng thương cảm của thiền sư Basho. Còn thơ thiền Việt Nam qua các bài Xuân nhật tức sự, Giai nhân tức sự (Huyền Quang)
Cảm hứng thơ thiền chủ yếu là cảm hứng khoáng đạt của nhà thơ trước thiên nhiên tạo vật.
Điểm khác trong thơ thiền của Basho và thơ thiền Việt Nam là ở hình thức và cách thức thể hiện. Basho thể hiện chất Thiền trong thơ bằng thể haiku ngắn gọn có ba dòng.
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa mới nở
bên trời mùa thu.
Còn thơ thiền Việt Nam thể hiện bằng thể thơ Đường luật, ngắn nhất là bốn câu như bài Thị đệ tử (Bảo đệ tử) sau
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thân người như bóng chớp, có rồi lại không
Cây cối mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo
Tu đến bậc “nhậm vận” thì không sợ hãi vì sự thay đổi thịnh và suy
Thịnh suy như giọt sương đọng trên ngọn cỏ.)
(Sư Vạn Hạnh)
Nhưng cả hai thể thơ có điểm chung là những thể thơ ngắn nhất và hàm xúc cao độ. Bài thơ của Basho im lặng hơn là nói. Người đọc tự nghiệm ra chất thiền ẩn chứa trong từng câu chữ, hình ảnh chi tiết… qua đó nhận ra ý nghĩa của bài thơ. Bài thơ trên, bướm chim có cuộc sống dài hơn hoa. Trong cuộc sống hoa nở, bướm chim kéo về. Nhưng nay có một bông hoa mới nở trong trời thu mà bướm chim chưa hay ? Cái đẹp sự sống lại về. Bướm chim hãy mau tìm đến với hoa. Hoa cũng “hư ảo”. Ta phải biết và nắm lấy sự sống dù đó là sự sống hư vô của hoa, bướm, chim. Đôi lúc người ta cũng bỏ quên những gì quanh mình là sự sống của mình. Chỉ một khoảnh khắc nhỏ nhoi nói lên cuộc sống, cái đẹp là “vô thường”. Bài thơ còn nhiều ý nghĩa khác nữa tùy người đọc cảm nhận. Vậy ở thiền sư Basho, thơ có sự hòa hợp giữa thiền và thi trong cảm thức thẩm mỹ độc đáo của karumi và sabi mang tính siêu thoát.
Thơ thiền Việt Nam các thiền sư tìm cách lý giải về “đạo” hay “sự sống” bằng tâm thiền của mình. Ý nghĩa biểu hiện trực diện hơn. Hay nói cách khác thơ Thiền Việt Nam gần với “kệ” hơn. Chủ yếu dùng để truyền tâm pháp giáo lý, kinh nghiệm cho đệ tử. Bài thơ Thị đệ tử của sư Vạn Hạnh nói về đời người như bóng chớp. Sự sống như giọt sương đọng trên ngọn cỏ. Tất cả rồi sẽ sớm tan biến vào không khí đất trời. Trời đất sinh ra là thế. Thế giới này là vô thường.
Hay một bài thơ Hữu không (Có không) của sư Từ Đạo Hạnh
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
(Bảo là “có” thì hạt cát, mảy bụi đều có
cho là “không” thì hết thảy đều là không
“có” với “không” như ánh trăng dưới nước
đừng có bám hẳn vào cái “có ” và cũng đừng cho cái “không” là không.)
Tóm lại, thơ thiền của Basho và thơ thiền Việt Nam thời Lý-Trần là hai dòng thơ thiền cách nhau gần bốn thế kỉ mà có nhiều điểm tương đồng trong cốt lõi của thiền. Nhưng cũng có điểm khác nhau về hình thức và cách thể hiện. Thơ thiền Basho cô đọng về hình thức và im lặng về ý nghĩa so với thơ thiền Việt Nam là thể thơ Đường luật bộc lộ cảm nghiệm thiền của các nhà sư bằng đạo của mình. Vì vậy, thơ thiền của Basho mang bản chất thiền nhưng cốt lõi của nó đậm đà chất Nhật Bản.
3. Thiên nhiên trong thơ Basho mang tính triết lí sâu sắc
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Basho không chỉ tươi đẹp, trữ tình,
phảng phất hương thiền mà nó còn ẩn chứa những triết lí nhân sinh sâu sắc. Basho là thi sĩ vĩ đại của thiên nhiên. Ông không chỉ sáng tạo ra những câu thơ tuyệt đẹp mà còn là người dẫn “đạo” trở về với thiên nhiên về với cội rễ, nguồn mạch của sự sống con người. Tình yêu thiên nhiên trong thơ Basho thể hiện bên cạnh những mỹ cảm thông thường là cả một sự minh triết - triết lí về những quy luật của cuộc sống. Trong đó con người và thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trong vũ trụ này.
Tính triết lí trong thơ Basho kế thừa và phát huy từ thơ ca truyền thống. Truyền thống văn chương Nhật thấm đậm mỹ cảm Nhật Bản. Người Nhật ưa chuộng cái đẹp. Cái đẹp luôn làm tiêu chí cho thơ ca yêu mến. Thơ ca là chiếc gương soi để thiên nhiên soi vào thể hiện cái đẹp ở mỗi cung bậc của nó trong chiếc gương ấy, trong đôi mắt nhà thơ và mỹ cảm người đọc. Cuộc sống người Nhật cũng thấm thiên nhiên. Thiên nhiên lại ẩn chứa bao triết lí sâu sắc về cuộc sống. Cuộc sống lại bắt đầu từ những gì bình thường nhất, đơn sơ mộc mạc nhất.
Bài ca khởi đầu
bài ca người trồng lúa
từ miền quê thâm sâu.
Thơ ca Basho bắt nguồn từ cuộc sống nên nó sẽ tưới mát cho cuộc sống. Trong cuộc sống ấy, cuộc sống của một sinh vật nhỏ bé cũng là cuộc sống của con người vì trong vũ trụ này vạn vật đồng nhất thể. Chi tiết này cũng là một triết lí của Thiền tông.
Như các nhà văn thơ khác, Basho cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn minh văn học lớn của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ...
Từ nhỏ Basho đã học cổ văn Trung Quốc, lớn lên lại tu Thiền nên ít nhiều chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc cụ thể là bài thơ sau
Em là bướm ư
ta là giấc mộng
trong hồn Trang Chu.
Basho lấy giấc mộng Trang Chu (Trung Quốc) để đưa vào thơ mình. Trung Quốc cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ từ đạo Phật. Vì thế, Basho tu Thiền tông từ Trung Quốc có nghĩa là ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ chăng ?
Vậy, tính chất triết lí trong thơ Basho kết hợp từ tính triết lí truyền thống trong thơ ca Nhật với tính triết lí trong văn hóa văn học các nước mà Nhật Bản tiếp thu.
Tính triết lí của nhà thơ thiền thật sâu lắng. Ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm linh thật sâu sắc nhưng ta lại khó giải thích, lí giải cặn kẽ bằng lời. Nó như tư thế ngồi thiền vậy. Chúng ta hiểu trong trạng thái “đạt ngộ”. Tâm hồn ta đang u tối bổng một chốc ánh lên, lóe sáng bừng tỉnh tâm hồn. Bài thơ con ếch là một minh chứng
Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao.
Basho lấy cái động để tả cái tĩnh, cảm nhận cái tức thời trong cái vĩnh hằng. “Ao cũ” là ao tù chết, sáo mòn, cũ kĩ, phẳng lặng như vừa trải qua một mùa đông băng giá. “Nó không nằm ở đâu cả và đồng thời nằm trong Basho trong chúng ta. Nó cũ nghìn xưa đồng thời có mặt ngay bây giờ bởi vì nó là thiên nhiên” [5, trang 176]. “Con ếch nhảy vào” lăn xả vào, lao vào trong ao gây ra tiếng động. Con ếch đánh thức vũ trụ bằng bước nhảy của mình. Đánh thức cái ao tù im lặng nghìn thu ! “Con ếch” là biểu tượng của mùa xuân, mùa của tuổi trẻ, của niềm vui, của hạnh phúc. Nếu ta cứ phẳng lặng ngủ yên trong cái ao cũ, sẽ không thoát khỏi buồn chán mà ta hãy bắt tay vào hành động, hãy nhảy vào cuộc sống cuộc đời của mình. Ta thổi vào cho nó nguồn sinh khí và sự sống. Nó sẽ tưng bừng sôi động, vang xa, tức ta làm cho cuộc đời đầy ý nghĩa. Cuộc sống của ta mới có ý nghĩa như mùa xuân làm cho cuộc sống hồi sinh xao động cả vũ trụ đang im lìm ngủ sau một mùa đông dài.
Trong cuộc sống “ta nhỏ nhoi như con ếch và ta là con ếch đang nhảy vào cuộc sống, đồng thời ta là chiếc ao cũ và là tiếng vang của chính ta là tiếng vang của vũ trụ [5, trang 176]. Ta phải chủ động với cuộc sống của mình. Bài thơ thật nhỏ nhoi gọn gàng trong ba câu nhưng hàm chứa ý nghĩa cả một vũ trụ này. Nó như một tiếng vang “là cái ngọn cuối của tiếng là cái gốc của vang. Tiếng chỉ nổi lên trong chốc lát mà vang để mãi đến nghìn sau” [7, trang 27].
Cuộc sống sôi động luôn đổi thay ta không thể dậm chân tại chỗ như đôi chân hạc
Mưa tháng năm
đứng dầm trong nước
chân hạc ngắn dần.
Những cơn mưa mùa hạ làm nước dâng lên dâng lên mãi. Nếu ta cứ đứng yên như đôi chân hạc dầm trong nước và nước cứ lên chân hạc chìm dần vào nước và ngắn dần ngắn dần thì ta sẽ bị chìm mất, sẽ lạc hậu. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải hoạt động phải bắt tay vào cuộc sống dù khắc nghiệt.
Đôi khi, ta cũng phải biết hành động, làm việc theo tình huống thời cơ để bắt kịp nhịp điệu cuộc sống. Ta nên học theo cách sống như con bướm phải đổi chỗ đậu trên cành liễu mỗi khi gió lên để tìm cho mình một chỗ đậu vững chắc trong cuộc sống.
Trên cành liễu nghiêng
con buớm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
Đồng thời cũng phải kiên trì nhẫn nại, đừng bao giờ buông xuôi, chịu thua phải như một con chuồn chuồn cố tìm cho mình một chổ đậu trên ngọn cỏ rung rinh trước gió.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không được
trên ngọn cỏ gió rung.
Đó cũng là ý chí của Basho lên đường dấn thân vào các bụi mù sương.
Đi nữa bạn ơi
ngắm nhìn tuyết đổ
cho dầu ta rơi !
Tình yêu thiên nhiên và ước mơ trở về với thiên nhiên để được đi, được hòa vào thiên nhiên sống cùng thiên nhiên luôn thúc giục Basho lên đường.
Các bài thơ trên, những ý nghĩa triết lí về cuộc sống chúng ta liên tưởng chỉ là lớp mỏng manh trên từng câu chữ. Chớ ý nghĩa triết lí nó rất sâu xa ta chỉ có thể cảm chứ không giải thích được nhiều, thậm chí không giải thích được như bài thơ sau ẩn chứa một triết lí sâu sắc
Từ bốn phương xa
hoa đào bay lại
xuống hồ Biwa.
Tất cả các bài thơ haiku của Basho dường như điều ẩn chứa triết lí và pha chút hương Thiền vị trong triết lí ấy. Hình ảnh thiên hiên trong thơ gợi cho ta những liên tưởng gần gũi trong cuộc sống. Đó là những cảnh vật nguyên sơ, nhỏ bé, bình vị, tầm thường có thể bị lãng quên như một con ếch, một tiếng chim, một bông hoa… Nhưng trong cái bình thường ấy ẩn chứa cái đẹp và triết lí cho cuộc sống bình thường này. Vì vậy, chúng ta dễ cảm nhận được sự gần gũi, quen thuộc.
Tóm lại, thiên nhiên trong thơ Basho giàu hình ảnh triết lí về cuộc sống mà chúng ta có thể cảm nghiệm sâu sắc nhưng khó nói nên lời vì nó đậm màu sắc triết lí Nhật Bản.
Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh