144.50
Nước: Nhật Bản
66 bài thơ
8 bình luận
21 người thích

Thơ đọc nhiều nhất

Thơ thích nhất

Thơ mới nhất

Tác giả cùng thời kỳ

- Kaibara Ekken (1 bài)
- Tokugawa Mitsukuni (2 bài)
- Fukuda Chiyo-ni (1 bài)
- Yosa Buson (15 bài)
- Yoshimura Usai (3 bài)

Dịch giả nhiều bài nhất

- Nhật Chiêu (16 bài)
- Trần Đức Phổ (6 bài)
- Trần Đông Phong (3 bài)
- Đoàn Lê Giang (3 bài)
- Thái Bá Tân (1 bài)
Tạo ngày 03/09/2007 11:33 bởi Vanachi, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 05/05/2008 23:06 bởi Vanachi
Matsuo Basho 松尾笆焦 (Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694), thiền sư thi sĩ lỗi lạc của thời Edo 江戶 tại Nhật Bản, tên thật là Matsuo Munefusa, con trai út thứ bảy của một samurai cấp thấp phục vụ cho lãnh chúa thành Ueno, một ngôi thành nằm giữa con đường đi từ Kyoto đến Ise. Basho được thừa nhận là người phát triển những câu đầu (発句, phát cú) của thể renga (連歌, liên ca) thành một thể thơ độc lập mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền đạo. Masaoka Shiki (1867-1902) hoàn thiện sự tách biệt này thêm nữa và chuyển sang gọi nó là thể haiku (俳句, bài cú).

 

 

 

Ảnh đại diện

Bụt hiện từ bi

Bụt hiện ở nơi nào? thì cũng như: vầng trăng hiện ở nơi nào, cũng như gió thổi qua nơi nào và mây bay nơi nào.

Trong thơ của Huyền Quang tôn giả, Bụt hiện ra như gió như mây:

Nương am vắng,
Bụt hiện từ bi,
Gió hiu hiu,
Mây nhè nhẹ.
Khi tâm là gió, là mây thì Bụt hiện. Khi tâm là am vắng thì Bụt hiện. Thế thôi mà. Bụt còn biết hiện vào đâu ngoài nơi chốn của niềm êm dịu từ tâm? Khi lên chùa Vân Yên (xứ Khói Mây), Huyền Quang tôn giả hẳn đã muôn lần chiêm quan cảnh Bụt hiện từ bi.

Thì cũng như khi Bashô hành hương đến một ngôi chùa hoang phế ở Awa:
Nền đá hoang tàn
lung linh bóng nắng
Bụt hiện dung nhan
Bashô

(Jôroku ni
kagerô takashi
ishi no ue)
Đấy là một ngôi chùa thực sự hoang phế. Nền đá trống trải, trơ trọi không còn dấu vết một pho tượng Phật nào. Chỉ còn ánh nắng toả chiếu như sóng gợn. Và trong ánh nắng mùa Xuân ấm áp ấy, Bashô chiêm ngưỡng dung nhan của Bụt. Với Bashô, nắng Xuân tự hoá thân thành Bụt.

Đấy là cách mà Huyền Quang ở Việt Nam thế kỷ XIV và Bashô ở Nhật Bản thế kỷ XVII đã nhìn thấy Bụt.

Nhìn thấy Bụt trong nắng, trong mây, trong gió, trong ánh trăng.

Như Thiền sư Như Mãn đời Đường. Vua Đường Thuận Tông hỏi Thiền sư:
- Phật đản sinh phương nào, nhập diệt về nơi nào? Phật thường trụ ở đời nhưng bây giờ thì ở đâu?

Thiền sư đáp:
- Phật từ vô vi đến, khi diệt về vô vi. Pháp thân đồng hư không, thường trụ chốn vô tâm, có niệm về vô niệm, có trụ về vô trụ, đến vì chúng sinh đến, đi vì chúng sinh đi... Có duyên Phật ra đời, hết duyên Phật nhập diệt, mỗi nơi giáo hoá chúng sinh như bóng trăng hiện dưới nước...
(Ngũ đăng hội nguyên tiết dẫn, Thích Phước Hảo dịch)
Như vầng trăng thu, Bụt theo duyên mà hiện mà tan.
Vầng trăng tan nhanh
trong giọt mưa đọng
đó đây trên cành.
Bashô

(Tsuki hayashi
kozue wa ame wo
mochinagara).
Chung quanh bài thơ, Bashô còn nói rõ: “Bầu trời đã rạng đông một chút... Trong ánh trăng, âm thanh của những giọt mưa đầy niềm bi cảm; tâm hồn tôi như thể dâng tràn, nhưng lời thì bất khả”.

Bụt ra đi trong những giọt mưa trăng ấy, trong muôn nghìn giọt sương. Bụt là Như Lai, là Đến, là Đi như thế, từ vô lượng thời gian đến nay. Đến và Đi như tiếng gõ trên cánh cổng chùa xưa:
Cổng mờ phai
chùa Mii tôi gõ
dưới trăng đêm nay.
Bashô

(Miidera no mon
tatakaba ya
kyô no tsuki)
Bụt ở đâu khi ta gõ cửa chùa? Đó tựa như là một công án. Nhưng vầng trăng thu viên mãn sáng ngời kia không phải là hào quang của Bụt sao? Và đó cũng chính là ánh sáng của tâm. Như cái nhìn của Thiền sư Myoe từ thế kỷ XIII:
Tâm tôi rạng ngời
ánh sáng tinh khôi
mà trăng cứ ngỡ
đấy là ánh sáng
của mình trăng thôi.

(Kuma no naku
sumeru kokoro no
kagayakeba
waga hikari to ya
tsuki omou kana)
Điều đó có nghĩa là ánh sáng trong trái tim ta “đồng chất” với ánh sáng của vũ trụ. Chính là Bụt ở trong tim ta được phóng chiếu vào vũ trụ này. Ta mang trái tim đi là mang cả vũ trụ đi.

Ta mang trái tim đi, đi về cõi vô tâm. Như Huyền Quang tôn giả đã nói:
Bao nhiêu phong nguyệt,
về cõi vô tâm.
Trong cõi vô tâm ấy, Huyền Quang trở thành Bồ tát của cuộc tiêu dao vũ trụ:
Ta nay:
ngồi đỉnh Vân Tiêu
cỡi chơi Cánh Diều.
Cũng như cuộc tiêu dao đêm thu của Bashô:
Trăng thu
cùng tôi phiêu lãng
suốt đêm quanh hồ.

(Meigetsu ya
ike wo megurite
yomosugara)
Cả hai đều là trẻ thơ vô tâm, đùa chơi với trăng, với núi, với hồ. Đùa chơi với cỏ, với mưa với gió.

Chỉ cần cỏ chiều lả lướt trong gió, đỉnh non tắm gội mưa chiều cũng đủ là pháp vui cho Huyền Quang, một thiền sư xem cái đẹp của vũ trụ này là hiện thân của Bụt: Cái Đẹp chính là Bụt hiện từ bi.
Cỏ chiều gió lướt
dợm vui vui
Non tạnh mưa dầm
màu thúc thúc.
(Huyền Quang)
Ta có cảm tưởng như thiền sư thi sĩ kỳ tài này trú thân trong gió thổi qua cỏ và mưa bay qua núi, cái trú thân kỳ lạ mà Bashô có nhắc tới:
Ngồi đây
tôi xây gió mát
mà trú thân này

(Suzushisa wo
waga yado ni shite
nemaru nari)
Trú thân trong gió mát. Nhưng gió từ đâu vậy? Ngọn gió mát thực sự chỉ thổi trong trái tim con người. Đó là cái êm dịu từ tâm mà Huyền Quang và Bashô luôn mang theo trong mình, trong những cuộc phiêu lãng hành cước mênh mông của họ. Vài thế kỷ ngăn cách họ (Huyền Quang sinh năm 1254 và Bashô sinh năm 1644) nhưng tâm hồn của hai nhà thơ Thiền vĩ đại này lại rất gần nhau.

Cách mà họ an trú giữa cõi đời bụi:
Buông niềm trần tục
náu tới Vân Yên.
(Huyền Quang)
Muốn náu thân tôi
trong rừng mùa hạ
dưới bóng cây sồi.
(Bashô)

(Mazu tanomu
shii no ki mo ari
natsu – kodachi)
Núi Yên Tử của Huyền Quang hay khu rừng mùa hạ của Bashô không phải là những nơi xa đời. Đó chỉ là biểu tượng của nơi an trú tâm linh của mỗi người.

Bởi vì Huyền Quang tôn giả không chỉ náu mình ở chùa Vân Yên, Yên Tử. Ông còn là “Con thuyền nhỏ lướt gió mà chơi trên dòng sông mênh mang” (Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang – Huyền Quang).

Và tất nhiên Bashô không chỉ trú thân trong khu rừng mùa hạ. Ông luôn luôn tự gọi mình là “từ nhân” (Tabibito).
Tên tôi trên đời:
một người lữ khách
mưa mùa thu ơi!

(Tabibito to
waga na yobaren
hatsushigure)
Từ bỏ một chức quan trị thuỷ, Bashô rong chơi khắp xứ, làm thơ, làm bạn với hoa đào.

Huyền Quang cũng rời bỏ quan trường, lang thang khắp Kinh Bắc, mang theo mình pháp vui, làm bạn với hoa mai hoa cúc.

Nhìn ngắm hoa mai, Huyền Quang không giấu nổi niềm cảm phục vô bờ. Hoa đứng một mình trên núi tuyết, cao nhã vô song. Dường như có oai nghi của Bụt, thanh cao của Bụt trong cành mai trắng mùa xuân đó:
Dục hướng thương thương vấn
sở tòng
Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung?

(Vọng hỏi trời xanh –
tự chốn nào
Một mình dẫm tuyết giữa
non cao?)
Mai sống một mình trên núi, trở thành trang kinh của Người biết sống một mình. Một mình Huyền Quang tôn giả trên đỉnh Vân Yên đó chăng?

Hoa mai của Bashô cũng thế, đứng một mình trên con đường núi, ngát hương một mình. Ấy thế mà, làn hương của nó đã thức dậy một mặt trời:
Hương hoa mơ ơi
con đường núi mọc
bỗng nhiên mặt trời

(Ume ga ka ni
notto hi no deru
yamaji kana)
Hoa mơ xông hương bởi vì mặt trời hay mặt trời mọc lên bởi vì mùi hương hoa mơ. Mặt trời cũng lẫm liệt đứng một mình trên cao, cũng là một bông hoa lạ. Và một mình Bashô trên đường núi, làm thơ một mình.

Với hoa cúc, Huyền Quang tôn giả càng ưu ái hơn:
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc toạ tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.

(Hoa ở trong sân, người tại lầu
Ngồi im, hương đốt, tự quên sầu
Ta cùng với vật không tranh cạnh
Đi giữa muôn hoa, cúc dẫn đầu)
Vẫn là một Huyền Quang ấy, ngồi một mình trên núi, ngồi một mình đốt hương. Hoa và người cùng xông hương. Cùng xông hương, chứ không cạnh tranh hơn thua, không phân biệt người vật, không định ngôi chủ khách.

Vì người là hoa. Vì hoa là người. Vì vũ trụ là hồn nhiên.

Và đây là cái nhìn của Bashô đối với hoa cúc:
Dẫu thân hao gầy
cành hoa cúc ấy
nụ đang căng đầy

(Yase nagara
wari naki kiku no
tsubomi kana)
Mai gầy, cúc yếu... cành hoa nào cũng gầy yếu. Nhưng có thật là yếu ớt không, những bông hoa ấy? Hãy nhìn vào nụ đi, nhựa đang căng trong ấy. Hãy nhìn vào nhuỵ đi, phấn đang bay trong ấy.

Hãy nhìn những bước đi dịu dàng, những nụ cười dịu dàng, những ánh mắt dịu dàng. Trong mỗi cái dịu dàng đều có một sức mạnh lớn lao, lớn hơn mọi quyền uy.

Đây là uy lực của mùi hương hoa đào trong thơ Bashô:
Chuông chùa tàn dần
hương hoa đào buổi tối
vẫn còn vang ngân.

(Kane kiete
hana no ka wa tsuku
yùbe kana)
Mùi hương có âm vang ư? Có thể nghe âm vang của một mùi hương? Bashô đã nghe như thế. Ông đã nghe hoa đào thì thầm với ông biết bao nhiêu điều khi ông trở về Ueno sau hai mươi năm xa cách: Hoa đào ta ơi, xui hồn ta nhớ, bao điều xa trôi.

Bashô nghe hoa, ăn hoa và ngủ với hoa:
Tôi muốn ngà say
ngủ mơ trên đá
hoa cẩm chướng đầy.

(Youte nemu
nadeshiko sakeru
ishi no ue)
Bài thơ cũng gợi đến giấc ngủ trưa (ngọ thuỵ) của Huyền Quang tôn giả:
Vũ quá khê sơn tịnh
Phong lâm nhất mộng lương
Phản quan trần thế giới
Khai nhãn tuý mang mang.

(Mưa qua, khe núi trong
Rừng phong say giấc mộng
Ngoảnh nhìn đời bụi bặm
Mắt mở mà say mòng)
Đó là giấc mộng và cơn say của những hiền nhân. Họ ngủ với hoa, với rừng, với sự thanh tịnh của đá và cái trong trẻo của khe núi. Họ say mòng với mùi hương cẩm chướng và hơi mát của mưa.

Họ thực sự sống dẫu đang mộng và say. Có thể nói họ tỉnh giác bằng cơn say và giấc mộng.
Cho nên, đừng ngạc nhiên khi Huyền Quang tôn giả hết ngủ trưa (ngọ thuỵ) lại ngủ ngày (trú miên):
Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch
Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư
(Chim cưu vắng tiếng ngoài song quế
Gối mát còn dư giấc mộng ngày)
Hoặc là trong giấc đêm thu, ông và mái nhà đìu hiu cùng gối đầu vào lùm dây leo xanh biếc, cùng gối đầu vào tiếng dế kêu thiết tha:
Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thuỳ đa!

(Gió thu đêm vắng phất qua mành
Nhà núi đìu hiu dựa nhánh xanh
Có kẻ thành thiền tâm nhất phiến
Vì ai tiếng dế vọng vang thanh!)
Gió thu và tiếng dế cứ xao động, cứ vang vọng. Tâm thiền vẫn trong suốt và tịch liêu, gối vào những nhành xanh biếc của dây leo, của thiên nhiên, của đêm thanh.

Như một bài haiku về tiếng ve của Bashô:
Tịch liêu
thấu xuyên vào đá
tiếng ve kêu.

(Shizukasa ya
iwa ni shimi iru
semi no koe)
Tiếng dế của Huyền Quang vẫn vang vọng qua nghìn đêm mùa thu. Tiếng ve của Bashô vẫn xuyên thấu muôn trùng vách đá.

Để làm gì vậy? Để tạo dựng thế giới của tâm thiền, của an nhiên và tịch liêu, nơi mọi âm thanh có thể vang ngân mà vẫn không gây một chút vọng động nào, nơi Huyền Quang và Bashô nằm ngủ dưới hoa rơi, nơi Bụt hiện trong hoa đào, hoa mơ, hoa cúc.

Và Bụt hiện trong một làn hương vô danh:
Từ cây hoa nào
mà ta không biết
một làn hương trao!
Bashô

(Nan no ki no
hana towa shirazu
nioi kana)
Làn hương vô danh đó chính là bụt hiện từ bi.


Nhật Chiêu
23.50
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lệ và sương

Tác giả: Nhật Chiêu


Trong những hình ảnh thiên nhiên và cuộc đời của thơ Haiku, có hình ảnh Mẹ, như ta có thể thấy qua thơ Bashô và Issa.

Một kỷ niệm về mẹ được Bashô kể lại rất xúc động trong cuốn nhật ký du hành viết vào năm 1684 (Nozarashi Kiko) như sau:

"Cuối cùng tôi đến quê nhà vào đầu tháng Chín. Cây hoa hiên mà mẹ thường trồng trước phòng bà giờ không còn nữa, có lẽ đã chết vì sương giá. Tất cả mọi thứ khác cũng đã đổi thay. Gương mặt anh tôi đã hiện nếp nhăn trên trán và tóc bạc nơi thái dương. Chúng ta vẫn còn sống, anh chỉ nói thế. Rồi, không lời nào nữa, anh mở một chiếc túi kỷ niệm mà nói: Hãy nhìn mớ tóc sương của mẹ đây này. Đây là chiếc hộp linh thiêng của Urashima đấy, ta cũng sẽ bạc đầu".

Urashima là chàng ngư phủ huyền thoại, đã lấy công chúa Thuỷ cung mà còn nhớ nhà. Chàng về quê, mang theo chiếc hộp của công chúa cho, dặn đừng mở ra, nhưng chàng đã mở. Tuổi già ập xuống, tức thì tóc bạc và da nhăn.

Nhưng Bashô, cũng như Urashima, không thể không mở chiếc hộp của thời gian. Để thấy lại quê hương, ngày xưa và mẹ.

Bashô đã khóc khi nhìn mớ tóc sương còn lại của mẹ hiền. Sau đó, ông viết bài Haiku này:

 Te ni toraba kien
 Namida zo atsuki
 Aki no shimo
 Tóc mẹ còn đây
 Tan trong lệ nóng
 Sương mùa Thu bay

Nhà thơ muốn cầm món tóc của mẹ trên tay, nhưng e rằng nó sẽ tan trong lệ nóng của mình như sương mùa Thu vậy. Hay là sương mùa thu kia cũng có thể tan rã vì những giọt lệ nhớ thương mẹ của mình. Tóc sương và sương mùa Thu như hoà lẫn vào nhau.

Không còn mẹ là một nỗi đau. Bashô đã chuyển hoá nỗi đau đó vào nghệ thuật, vào thiên nhiên. Và vượt lên nỗi đau.

Để vượt lên nỗi đau, Thiền sư thi sĩ ấy đã chuyển hoá nó vào cõi vô ngã là thiên nhiên. Tóc mẹ trở về với sương mùa Thu. Nhưng vẫn còn lại đoạn văn và bài thơ bất hủ về mẹ của Bashô. Nhắc nhở ta rằng mỗi người là một Urashima, một Từ Thức, nghĩa là một kẻ nhớ cố hương, muốn đi ngược thời gian tìm lại mẹ.

Tóc mẹ còn đây, nó gợi lên hạnh phúc khi ta còn ngồi bên mẹ, hoặc trong lòng mẹ. Đó là những ngày nắng đẹp khi còn mẹ.  

Còn bây giờ, ta là người của những dòng lệ nóng, lạc lõng giữa trần gian. Là người của những mùa Thu cuộc đời, đi trong sương mù.

Sương mùa Thu, sương mùa Thu... là những tiếng kêu của nhà thơ khi nhớ về mẹ. Cây hoa hiên của mẹ đã chết vì sương mùa Thu, mái tóc của mẹ đã bạc trắng vì sương mùa Thu.

Lệ Bashô rơi cũng vì sương mùa Thu. Nhưng sương mùa Thu có thể tan vì nước mắt con người rất nóng. Bên cạnh Bashô, Issa là nhà thơ vĩ đại khác của thế giới Haiku. Issa là kẻ bất hạnh, mất mẹ từ năm lên ba. Hơn ai hết, Issa hiểu mẹ quan trọng như thế nào trong cuộc đời mỗi con người.

Nhà thơ đó vào thời ấu thơ chỉ biết chia sẻ nỗi đau của mình với một con chim mồ côi lạc loài:

 Ore to kite
 Asobe yo oya no
 Nai suzume.
 Đến đây nào, với tôi
 Cùng chơi đùa, chim sẻ
 Không còn mẹ trên đời.

Và lớn lên, Issa lại chia sẻ nỗi đau đó với biển:

 Naki-haha ya
 Umi miru tabi ni
 Miru tabi ni
 Mẹ yêu ơi!
 Mỗi khi nhìn thấy biển
 Khi thấy biển khơi...

Vì không có mẹ, mới mười bốn tuổi Issa đã trở thành một kẻ lang thang, kiếm sống bằng đủ mọi nghề trên nước Nhật vào giữa thế kỷ mười tám. Với kiếp sống như vậy, gió mùa Thu cũng trở thành địa ngục, một thứ địa ngục bám theo Issa:

 Aki no kaze
 Ware wa nairu wa
 Dono jigoku
 Gió mùa Thu
 Địa ngục nào đấy
 Cùng tôi giang hồ.

Nhưng Issa không còn oán hận cuộc đời. Ông quá yêu thương cuộc đời là khác. Ông yêu thương muôn loài: những con vật nhỏ bé như chim sẻ, con chuột, con ruồi...; yêu trẻ thơ, yêu thiên nhiên. Trái tim ông có quá nhiều yêu thương, còn chỗ đâu thù ghét.

 Nhìn biển, Issa nhớ mẹ
 Nhìn trăng, Issa nhớ Quan Thế Âm, cũng là một mẹ hiền khác:

 Meigetsu ya
 Taka Kannon no
 O hiza moto
 Ôi ánh trăng
 Đời ta đặt dưới
 Chân người, Quan Âm.

Quan Âm là vị Bồ tát lắng nghe tiếng kêu đau khổ của trần gian, cho nên chân đã đặt lên ngưỡng cửa Niết Bàn, Ngài vẫn sẵn sàng quay lại với tiếng kêu ấy, như mẹ quay về với con.

Ánh trăng, cũng như biển khơi, là biểu tượng của Mẹ. Cả hai đều đẹp, mênh mông, huyền diệu, sâu thẳm, bao dung, mầu nhiệm. Không có mẹ, Issa đã chọn vầng trăng - Quan Âm làm mẹ của mình. Chính vì thế mà, dẫu hứng chịu đủ mọi loại bất hạnh của cuộc đời (mẹ chết, vợ chết, các đứa con lần lượt chết trước mình), Issa vẫn còn lại một trái tim nhân hậu:

 Mata muda ni
 Kuchi aku tori no
 Mamako kana.
 Há mỏ chờ mồi
 Sao mà vô vọng
 Con chim mồ côi.

Issa thường đồng hoá mình với những con vật nhỏ bé, nhất là với con chim non mồ côi. Chẳng hạn như, dưới bài thơ trên, nhà thơ đã ghi "Tsubane no Issa" (Con chim én này - cũng có cả Issa. Tuy xem mình như một cánh én lạc loài, vô vọng bay giữa cuộc đời, nhưng điều kỳ diệu là Issa vẫn nhìn thấy ánh trăng là Mẹ, sông Ngân là Niết Bàn.

 Utsukushi ya
 Shoji no ana no
 Ama no gawa.
 Đẹp vô cùng
 Nhìn qua cửa giấy rách
 Ô kìa sông Ngân.

Và mỗi giọt sương, mỗi giọt sương trên đời đều là trân châu. Trong từng hạt trân châu đó, có mẹ hiền là cố hương.

 Tsuyu no tama
 Hitotsu hitotsu ni  
 Furusato ari
 Ôi những hạt sương
 Trân châu từng hạt
 Hiện hình cố hương.

Thơ Issa là thơ của người con tưởng nhớ mẹ. Và nhà thơ đem theo tình mẹ đi vào đời, để đồng hoá mình với những gì bé nhỏ nhất, như hạt sương.

 Nhưng mẹ thì vĩ đại  
 Và Issa là người con vĩ đại.

15.00
Ảnh đại diện

Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho (2)

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Duyên


CHƯƠNG I: THỜI ĐẠI

1. Khái quát văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến nay: văn học Nhật Bản có thể chia ra 3 thời kỳ như sau:

   1.1. Thời cổ đại
Khởi đầu là thời Nara (Nại lương) thế kỉ thứ VIII chấm dứt thời kì “di đô” của Hoàng gia, mở đầu thời kì định đô của Nhật Bản (vì trước kia mỗi lần thiên hoàng mất đi, triều đình lại bỏ cung điện cũ chuyển đến nơi khác xây dựng cung điện mới). Trước thời Nara tính đã có hơn 60 kinh đô trên đất nước. Từ nay, Nara được chọn làm nơi đóng đô, gọi là kinh đô Nara hay HeijoKyo (Bình thành kinh) được xây dựng vào năm 710 theo lệnh nữ thiên hoàng Genmei và theo khôn mẫu là kinh đô Trường An của nhà Đường ở Trung Quốc. Người Nhật đã tiến những bước dài trong cuộc kiến tạo văn minh trên xứ sở của mình từ sau khi thống nhất và định đô tại Nara.
Vào khoảng đầu công nguyên, Nhật Bản có trên 100 xứ nhỏ (theo xử liệu Trung Quốc Hậu Hán Thư), thực ra đó chỉ là những bộ tộc tranh giành quyền lực với nhau. Trong đó Yamato (Đại hòa) là xứ hùng mạnh nhất và là nơi khởi nghiệp của các thiên hoàng. Nên “Yamato” cũng được dùng để chỉ nước Nhật xưa.
Theo bộ sử thi Nihonsoki (Nhật Bản thư kỉ) thì vào năm 552 Phật giáo đã theo người Triều Tiên du nhập vào xứ đảo quốc này và ít lâu sau được tôn làm Quốc giáo. Cùng với Phật giáo là Thần đạo truyền thống vẫn tồn tại bên cạnh. Cả hai đã liên kết dung hòa để phát triển bên nhau. Đồng thời, Nhật Bản còn tiếp thu các nền văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên… để xây dựng nền văn hóa của dân tộc mình.
Vào thời kì này, nền văn học viết bắt đầu xuất hiện như: thơ, tùy bút, nhật ký, tiểu thuyết viết bằng chữ Hán, cũng ưa dùng điển tích Hán nhưng mang đậm chất Nhật Bản, bởi nó chứa đựng trong đấy là thiên nhiên và tâm hồn người Nhật. Những tác phẩm như Kojiki (Cổ kí sự) có nghiã là “ghi chép chuyện xưa” viết bằng tiếng Nhật qua dạng chữ Hán do Yasumaro – một học giả ưu tú đương thời biên soạn. Hay Nihonsoki (Nhật Bản thư kỉ) gọi tắt là Nihongi (Nhật bản kỉ) do thái tử Toneri và Yasumaro biên soạn. Hay Fudoki (Phong thổ kí), Kogoshui (Cổ ngữ thập di), các Norito (Chúc từ), Nihon Ryoiki (Nhật Bản linh di kí) năm 822, hợp tuyển thơ ca Kaifusso (Hoài phong tảo hay còn gọi là Hoài niệm thơ ca) năm 751 với 126 bài thơ chữ Hán làm theo lối Đường luật. Đặc biệt là tập thơ Manyoshu (Vạn diệp tập) “Nghìn chiếc lá” do thiên hoàng tổ chức và phát hành hoàn thành khoảng năm 771 với 4500 bài thơ trong ngôn ngữ Nhật bản với hầu hết là thể tanka của rất nhiều tác giả hữu danh và vô danh. Có thể nói Manyoshu là nơi quy tụ mọi tâm hồn trên toàn cõi Nhật. Đó là khúc hát giao mùa của thiên nhiên và cả tâm hồn con người
Đàn nhạn bay về
Cây phong của ta ơi
Đến lượt em rồi đó
Đã sang mùa
Em hãy đổi màu đi.
( bài 2183 – vô danh)
Tóm lại, nền văn học Nhật Bản thời Nara là “buổi bình minh văn học Phù Tang” [6, trang 11] nên chưa định hình rõ phong cách.

Thời Heain (Bình an) từ 794-1185: Vào năm 794, thiên hoàng Kanmu dời đô về Heian (Kyoto) chấm dứt những rối ren ở Nara mở đầu cho thời đại thái bình kéo dài ngót bốn thế kỉ. Heian nghĩa là Bình an là một trong những kinh đô có cuộc sống kéo dài từ thời cổ đại đến cận đại tức năm 1868.
Thời kì này văn hóa Nhật Bản phát triển trong một tinh thần độc lập và tự tin. Với phong trào tân hưng Phật giáo như: chủ trương đọc kinh, không phân biệt nam nữ, đề cao nghệ thuật. Sau đó là hệ thống văn tự Kana thay thế cho cách mượn chữ Hán để phiên âm tiếng Nhật.
Thời Heian, gia tộc Fujiwara chiếm một địa vị quan trọng trong cung đình cũng như lịch sử Nhật Bản và thật sự thống trị triều đình. Giới quý tộc vui hưởng cuộc sống xa hoa, ngắm trăng, đốt hương… Đó là sự tôn thờ cái đẹp trong nghệ thuật lẫn thiên nhiên. Cái đẹp trở thành tiêu chí của văn hóa. Cái đẹp được tôn thờ như là một tôn giáo. Chính nhờ xã hội quý tộc này những kiệt tác văn chương thể hiện một phong cách diễm lệ và tao nhã gọi là Miyabi của sự giao hòa êm ái giữa con người với nhau và với thiên nhiên.
Văn chương thời Heian “nở rộ như hoa cỏ mùa xuân”. Đặc biệt là sự đăng quang của các cây bút thiên tài nữ quý tộc và tác phẩm của họ trở thành tiêu biểu cho cả nền văn học thời Heian. Đây cũng là thời đại mà yếu tố “dân tộc” và “nữ lưu” đã phát tiết vẻ đẹp huy hoàng chưa từng có cho văn chương. Đến nỗi bước vào thế giới văn chương Heian là ta cảm nhận lập tức sự thoát ra một không khí diễm tình, đa cảm đầy mùi hương nữ tính.
Văn học giai đọan này đã bắt đầu hình thành phong cách Nhật khá ổn định và mang nét truyền thống sâu sắc chẳng hạn như những xúc cảm tinh tế về thiên nhiên, về nỗi buồn và cái đẹp đã trở thành đặc trưng truyền thống của mỹ cảm Nhật Bản “mononoaware” (bi cảm Nhật Bản). Về thể loại thì phong phú đa dạng: thơ ca, tiểu thuyết, nhật ký, tùy bút… với các tác phẩm: Các tập cổ kim tập, Thần nhặt bụi trần, Tiểu thư ánh trăng, Tiểu thư yêu sâu bọ, Sách gối đầu, Phù du ký và đặc biệt là tiểu thuyết truyện Genji Monogatari của nữ sĩ Murasaki. Đấy là quyển tiểu thuyết vĩ đại nhất của năn học Nhật Bản là một trong những kiệt tác vào bậc nhất của thế giới. Tiểu thuyết Genji Monogatari dài khoảng 1000 trang kể về chuyện tình của thái tử Genji hào hoa phong nhã. Qua cuộc đời Genji, Murasaki đã miêu tả lại hiện thực xã hội cung đình và đời sống người Nhật thế kỉ XI. Ngoài ra còn có sân khấu Noh với những gương “mặt nạ” người bất động ra đời.
Có thể nói thời Heian là thời của cái đẹp là thời rực rỡ nhất của văn học Nhật Bản từ trước đến nay.

    1.2. Thời trung đại (“Thời khói lửa”) từ thế kỉ XIII – XV
Mạc phủ Kamakura (Liêm thương): Đây là thời kì mà sự vinh quang của tầng lớp quý tộc bị rơi xuống thì ngọn sóng lịch sử lại đẩy lên một quyền lực mới thuộc về giới võ sĩ gọi là Bushido hay Samurai.
Năm 1192 Yoritomo trở thành tướng quân và thiết lập chế độ Mạc phủ (Bakufu) ở Kamakura. Đến năm 1333 Ashikaga đảo chính lật đổ tướng Kamakura và sau đó chiếm luôn Kyoto, lập thiên hoàng mới là Komyo. Thiên hoàng Godaigo về núi Yoshino lập triều đình mới. Từ đó diễn ra tranh chấp Nam Bắc và kết thúc 1392 chỉ còn lại thên hoàng Kyoto. Sau đó nữa là cuộc chiến tranh giữa các lãnh chúa địa phương kéo dài hơn một thế kỉ, 60 xứ “bốc mùi khói lửa” [6, trang 143]. Năm 1542 Nhật Bản được người Bồ Đào Nha phát hiện và từ đấy súng đạn phương Tây cũng xen vào khói lửa. Văn hóa thời Mạc Phủ chịu sự ảnh hưởng của khói lửa chiến tranh và tư tưởng tôn giáo Thiền tông (Zen). Các loại hình nghệ thuật gắn liền với Thiền tông cũng phát triển rất mạnh như: Trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo, thi đạo… Một nền văn học dịu dàng trong sáng của Heian đã bị “khói lửa” làm nhòa đi thay vào đó là bóng tối bi đát trong từng trang tùy bút, trong lời ca ngâm của nghệ sĩ hát rong và trên sân khấu u huyền của kịch Noh. Có thể nói đây là thời kì võ sĩ và tu sĩ là lực lượng sáng tác chủ yếu của văn học. Cả hai loại thơ ca và văn xuôi đều phát triển với những tác phẩm tiêu biểu như: Nhà trên núi, Mây hoang dại, Ghi chép trong lều, Trầm tư trên cỏ, Những truyện kể theo tiếng đàn tì bà… và một loại hình nghệ thuật mới: sân khấu Noh phát triển mạnh vào thời kì này. Thời Mạc phủ là thời văn chương của võ sĩ và tu sĩ.

Thời Edo (“văn chương Phù thế”): Cuộc chiến tranh dai dẳng cũng đã đến hồi kết thúc. Tướng quân Tokugama Iegasa mở ra một thời đại mới gọi là thời Tokugana hay thời Edo (vì Edo được chọn làm Thủ phủ trở thành trung tâm văn hóa mới), với một nền hòa bình kéo dài gần 3 thế kỉ (từ 1600 – 1868). Dưới chế độ Mạc phủ Tokugana, học vấn phát triển mạnh mẽ cả Nho học lẫn Quốc học đến cả việc hình thành văn hóa và đạo lí của tầng lớp võ sĩ trên toàn cõi Nhật Bản. Đó là tinh thần võ sĩ đạo “Bushido”. Ngoài ra văn hóa Edo còn bị chi phối bởi hiện tượng chính trị khép mình theo lệnh tỏa quốc hay “bế quan tỏa cảng”. Nhưng hiện tượng nổi bật của văn hóa Edo lại chính là tầng lớp thị dân, chính vì vậy mà văn hóa Edo còn gọi là “Văn hóa thị dân” [6, trang 215]. Là thời của thị dân, nghệ sĩ, kĩ nữ… của những “Thành phố không đêm” [6, trang 215], của nhà hát, lữ quán… là nguồn đề tài phong phú cho các nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, họa sĩ và cả nhà thơ. Chính cái thị tứ ấy đã tạo nên một “nền văn hóa Phù thế”. Đời sống thường ngày và con người thường dân bắt đầu xâm nhập vào một thế giới mà mới đây dường như hãy còn là một cõi xa lạ đó là văn chương và nghệ thuật. Nho giáo được xem là chính thống. Đạo Thiên chúa bị cấm đoán. Thời kì đầu của Edo trải dài hơn một thế kỉ rưỡi. Nhật Bản được cai trị bởi mười tướng quân kể từ Ieyasu.
Sân khấu, nghệ thuật, điêu khắc, hội họa… phát triển mạnh. Hai loại hình sân khấu nổi trội là múa rối Joruri và Kabuki, trong hội họa là “hình ảnh ngọn sóng chính là biểu tượng của một thời đại đầy khát vọng” [3, trang 203]. Riêng văn học với nhiều thể loại để lại những thành tựu văn học đặc sắc như: tiểu thuyết gia bậc nhất Saikaku và “thế gian gia đình”, hay các tác gia tiểu thuyết khác như: Akinai, Ikku và Bakin…
Thơ thời Edo cũng xuất hiện với hình thức mới mẻ và giản dị vào hiện thực đời sống như thơ và văn xuôi vậy. Đó là thể thơ 17 âm tiết hay còn gọi là thơ haiku với bậc thầy của nó là Basho, bên cạnh còn có các tác gia khác như: Buson, Issa, Kikaku, Chiyo, Onitsuro... Có thể nói đây là thời rực rỡ nhất của thơ haiku đã làm cho Basho trở thành thi hào Nhật Bản.
Thời Edo là thời tự trị của văn chương Phù thế, vì văn chương Phù thế là văn chương của những ngọn sóng trần gian chỉ biết “con người tại thế” mà quay lưng lại với thần linh xưa cũ. Văn học cổ điển Nhật Bản kết thúc vào cuối thời Edo.

   1.3. Thời hiện đại  (1868 đến nay)
Đến giữa thế kỉ XIX Nhật Bản mới mở cửa giao lưu với các nước ngoại quốc kể từ sau chính sách “tỏa quốc” [3, trang 292] thế kỉ XVI. Rồi các hiệp ước được kí kết với Mĩ, Anh, Pháp, Hà Lan và Nga lần lượt ra đời. Chế độ Mạc phủ tướng quân bị tan rã. Quyền lực thuộc về thiên hoàng được phục hồi. Thiên hoàng mới là Meiji mới 15 tuổi. Từ đây, năm 1868 thời đại Meiji bắt đầu. Kinh đô Edo được đổi thành Tokyo. Nước Nhật lao vào cuộc Duy tân. Nền văn hóa, giáo dục phương Tây được du nhập vào Nhật Bản. Sinh viên Nhật Bản du học sang các nước phương Tây như ở thời Nara, Heian người Nhật từng sang Trung Quốc. Cuộc Duy tân Meiji đã làm bùng nổ sức mạnh của Nhật. Nhật gây chiến tranh với Trung Quốc, Nga rồi ngang nhiên sáp nhập Triều Tiên vào quần đảo của mình. Khi thiên hoàng Meiji qua đời vào năm 1912 và cuối thế chiến thứ nhất Nhật trở thành cường quốc lớn của thế giới. Sau đó, Taisho kế vị. Năm 1926, kỉ nguyên Showa bắt đầu với những rối loạn chính trị và tập đoàn Quân phiệt gây chiến dẫn đến nước Nhật thảm bại trong điêu tàn. Trong sáu năm tiếp theo, nước Nhật chịu sự chiếm đóng của quân Đồng minh là Mĩ. Năm 1947 Nhật Bản thi hành hiến pháp mới xem thiên hoàng “chỉ là biểu tượng của quốc gia” [3, trang 294] từ bỏ vũ lực quân sự… Từ đó, Nhật khôi phục kinh tế. Sau hai thập kỉ, Nhật trở thành quốc gia cường thịnh của thế giới.
Trong thời kì này, nền giáo dục Nhật Bản đã thành công rực rỡ với các công trình nghiên cứu khoa học đoạt giải Nobel như: Yukawa, Hideki và Tomogana Shinichiro. Còn về nghệ thuật ngành điện ảnh đã nhanh chóng phát triển. Về phương diện văn học làn sóng văn học phương Tây đã bắt đầu tràn vào Nhật Bản từ những năm 1880 qua các bản dịch. Tác phẩm đầu tiên của văn học Nhật  hiện đại là tiểu thuyết Ukigumo (Phù vân) 1887 của Futabotei Shibei. Sau đó hàng loạt các nhà văn lớn thời Meiji là Mori Ogai, Nagaikafu, Natrumei, Soseki… Họ thể hiện những băn khoăn đau khổ của con người trong cuộc sống đầy những giằng xé giữa mới và cũ. Đến thời Taisho xuất hiện truyện ngắn xuất sắc của Akutagwa Ryunosuke. Sang kỉ nguyên Shona lại là thời đại cực kì phong phú của văn học Nhật. Kawabata Yasunari và Oe Kenzaburoo đã vượt lên trên các nhà văn thơ cùng thời vươn ra thế giới nhận giải Nobel mang về vinh quang cho nền văn học xứ sở Phù Tang. Nhìn chung, tác phẩm của nhà văn hiện đại Nhật Bản ngày càng có tính quốc tế hơn trong đề tài và phong cách, nhưng vẫn giữ được nét đẹp riêng độc đáo của Nhật Bản.
Hiện nay, Nhật Bản đang đối đầu với những bất ổn của xã hội và kinh tế. Nước Nhật đã hiện đại hóa với một tốc độ chóng mặt và dường như tâm hồn Nhật cũng chịu sự căng thẳng và khủng hoảng nên những giá trị văn hóa là những gì ổn định nhất cần phải bảo tồn và phát triển.
Thời hiện đại của Nhật Bản là thời mọi giá trị của Nhật bản được vươn mình, soãi cánh ra thế giới trong đó có cả văn học Nhật Bản cũng đang là đối tượng được thế giới quan tâm. Đây cũng là thời kì đăng quang của các cây bút văn xuôi lỗi lạc.

2. Thơ haiku
Dân tộc Nhật Bản có hai thể thơ chính là tanka và haiku. Thơ haiku là một thể thơ rất Nhật Bản, là linh hồn văn hóa xứ Phù Tang. Cho nên, nói đến văn học Nhật Bản người ta không quên nói đến thơ haiku. Ngày nay, thơ haiku không còn là của riêng dân tộc Nhật Bản mà nó trở thành thể thơ của quốc tế - một thể thơ của mọi người cảm nhận và sáng tác. Vậy từ đâu có tên gọi là haiku ? Haiku có nghĩa là gì ?

   2.1. Nguồn gốc ra đời
Như chúng ta đã biết thể thơ khởi đầu của dân tộc Nhật bản là thể tanka (tức Đoản ca hay còn gọi là Wa-ka hay Hòa ca) với 31 âm tiết, ngắt nhịp theo kiểu: 5-7-5-7-7 và bài thơ tanka sau đây được xem là bài thơ mở đầu cho thơ ca Nhật Bản
Tám tầng mây dựng
Ở xứ Izumo
Ta làm tám tầng mây xa
Tám tầng mây ấy
Che chở người vợ ta.
Là bài thơ mà thần Susanoo làm tặng người vợ yêu quý của mình là nàng Kushinada. Theo H. H. Honda thì một bài thơ tanka tựa như “Hoa anh đào ẩn hiện trong sương mờ mùa xuân”. Còn thơ haiku thì ngắn hơn nữa. Từ haiku theo âm Hán Việt là “hài cú”. Nó không xuất hiện vào thời Basho mà về sau mới có. Thử nhìn vào một bài thơ haiku sau đây sẽ dễ hiểu hơn
Dậy đi thôi
Cùng ta kết bạn
Cánh bướm ngủ say ơi !
Đấy là một bài thơ rất ngắn. Cả bài chỉ có 17 âm tiết (17 onji), đôi khi cũng không nhất thiết phải thế. Một bài thơ như thế, Basho gọi là hokku (phát cú) tức là thơ khởi xướng của một bài renga (liên ca). Thơ renga được giải thích như sau:
Thơ renga là thơ xướng họa có từ rất lâu đời trong văn học Nhật. Từ một bài tanka 31 âm tiết, 5 dòng được tách ra hai phần để cho mọi người xướng thơ với nhau (phần ba câu đầu gọi là thượng cú, phần hai câu sau gọi là hạ cú). Renga ra đời là như thế. Ví dụ như một bài thơ trong Shui shu (Thập di tập 997).
Qua rồi nửa đêm
Chờ nhau chi nữa
Cho thêm ưu phiền
Một tiểu thư đã gửi cho người tình của mình phần đầu bài tanka với ba câu như trên với ý trách móc người yêu lỗi hẹn. Sau đó, người ấy nhận được và làm tiếp phần còn lại thành một bài tanka trọn vẹn.
Muốn gặp em trong mộng
Nhưng rồi anh ngủ quên.
Một bài tanka được sáng tác như trên gọi là renga. Giới quý tộc thời Heian rất thích lối sáng tác như thế và trở thành cuộc vui xướng thơ của họ. Sang thời Mạc Phủ Kamakura thì thể renga từ một bài tanka như thế được nối dài ra thành một chuỗi thơ vô tận với hàng chục đoạn, hàng trăm đoạn… do các nhà thơ họa nối theo nhau.
Đến thế  kỷ XIV, lý luận về thơ renga ra đời với quy tắc chặt chẽ do nhà thơ tanka Nijo Yoshimoto nổi tiếng lúc bấy giờ biên soạn.
Bước sang thế kỷ XV thì thơ renga đã vươn lên đến đỉnh cao thực sự của mình. Thơ renga trở thành niềm say mê đế mức được tôn thờ như một tín ngưỡng “thiêng liêng hóa”. Người ta mua các bài thơ renga từ các nhà thơ đem đến vườn chùa để cầu phúc trước khi đi chiến đấu hay sinh nở. Cũng trong giai đoạn này các trường phái renga ra đời. Đó là phái Ushin (hữu tâm) theo phong cách tao nhã của thơ ca truyền thống và phái Mushin (vô tâm) của sự dung tục và đùa cợt trong thơ. Ban đầu phái Ushin chiếm ưu thế với đỉnh cao là Sogi. Lúc này, đoạn thơ khởi xướng phần thượng cú gọi là hokku viết với hình thức 17 âm tiết (5-7-5) đã chiếm một vị trí đặc biệt thường do các nhà thơ nổi tiếng soạn trước. Phần còn lại dành cho các đối tác khác thích xướng họa. Về sau đến thời Edo thì phái Mushin lại tạo được danh thế với thể renga trào lộng còn gọi là haikai no renga (bài hài liên ca), gọi tắt là haikai, do tầng lớp thị dân thích đùa cợt phóng túng. Đồng  thời thể haikai cũng dễ sa vào sự dung tục chắp nối, gượng ép thiếu tâm hồn thơ. Chính Soin (1605-1682) đã góp phần đưa haikai ra khỏi sự dung tục và giải trí đơn thuần. Rồi định mệnh lại an bài haikai cho Basho. Thiên tài Basho đã đưa haikai thoát khỏi lối chơi tầm thường bằng sự dung hợp cả cái vô tâm lẫn hữu tâm, sự trào lộng đời thường của haikai hiện đại với sự tao nhã tâm linh của renga cổ điển vào trong 17 âm tiết của một bài hokku. Từ đấy, hokku không phụ thuộc vào renga nữa, nó trở thành một thể thơ độc lập và có tên là haikai hay haiku. Tên gọi này có từ thời nhà thơ Shiki (1867-1902) trở đi. Haiku là do cách ghép thu gọn của hai từ haikai và hokku lại thành. Có thể nói renga đã làm nảy sinh một thể thơ độc đáo là haiku. Thơ haiku là một thể thơ độc đáo mang phong vị Thiền. Mỗi bài thơ được ví như một chiếc gương soi rọi thiên nhiên của bốn mùa và tâm hồn của nghìn đời.
Từ đấy, thơ haiku phổ biến trên khắp thế giới nên các bài thơ 17 âm tiết  như thế của Basho và người cùng thời với ông vẫn gọi tên ấy. Tên gọi haiku rất phổ biến trên sách báo tiếng Anh. Các từ haiku, hokku, haikai vẫn dược dùng lẫn lộn. Khi đến Việt Nam cũng thế, đặc biệt, ở trường Phổ thông gọi là haiku. Thơ haiku khi dịch ra tiếng nước ngoài thường được xếp thành ba dòng trông như ba câu. Còn trong chữ Nhật thì một bài haiku thường nằm gọn trên một dòng. Đây là nét riêng biệt của thơ haiku không thể lẫn với bất cứ thể thơ nào khác.
Thơ haiku là khúc ca của bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku đều có quí ngữ (kigo hay từ ngữ báo hiệu mùa). Nội dung thơ cô đọng trong cái cực ngắn. Thơ haiku chỉ miêu tả những cái gì ở thực tại và lặng thinh. Khoảng lặng ấy là “khoảng trống” của “chân không”. Ở thực tại là sự vật xuất hiện ngay thời khắc tinh khôi nhất như một đóa hoa triêu nhan
A ! Hoa asagao
Chiếc gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên.
(Chiyo)
Thơ haiku lấy thiên nhiên làm chủ đề và bộc lộ cảm xúc cô tịch (sabi), aware (bi ai), wabi (đà), karumi (khinh). Thơ haiku còn thể hiện triết lí về “thiên nhiên”. Tác giả Nhật Chiêu cảm nhận về thơ haiku như sau: “Một bài thơ haiku có thể chứa ba chiều của vũ trụ. Còn chiều thứ tư để dành cho người đọc” [5, trang 22]. Hay nhà thơ Paul (Pháp) cũng nói: “Tôi viết nửa bài thơ. Người đọc viết phần còn lại.” [5, trang 22]. Đó là những nội dung mà thơ haiku diễn đạt.
Vậy, thơ haiku có nguồn gốc từ thơ ca truyền thống Nhật Bản.
           
   2.2. Quá trình phát triển
Thơ haiku có một quá trình ra đời lâu dài và phát triển thật mạnh mẽ. Thơ haiku ra đời từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, nó đạt tới đỉnh cao với Basho. Sau Basho còn có rất nhiều nhà thơ đã chọn haiku làm “con đường” để bước vào trong nghệ thuật, vào trong một lối sống, vào một “đạo” và mang những triết lí sâu sắc gọi là “hài cú đạo” (haikudo) hay “haiku no michi”. Đó là các nhà thơ Buson (1716-1784) “thi sĩ của mùa xuân” [6, trang 279], là Issa (1762-1826) “nhà thơ của nhân tình” [6, trang 282], là shiki (1867-1902), Onitsura (1660-1738), là Ryokan – “kẻ đại ngu” [6, trang 285]… Đối với họ sáng tác thơ haiku không chỉ là niềm vui mà còn là lối sống. Thơ haiku đến với họ bằng “con đường”, tức cái đạo mà thơ haiku chứa ở trong nó. Đấy là con đường sâu thẳm trong cái bình thường giản dị nhất giữa cuộc đời như Tagore đã từng nói: “Trong vội vã, ta bỏ quên những bông hoa bên hàng giậu ven đường…”.
Hiện nay, Nhật Bản “tiếp tục” phát triển thơ haiku. Bài thơ haiku sau do Tiến sĩ Đoàn Lê Giang dịch từ thơ của tác giả Ozakihosai trong báo Tài hoa trẻ số 325
Chỉ một tiếng ho thôi
Cũng một con người.
Thay vì haiku cổ điển gồm ba câu nhưng ở đây tác giả chỉ dùng hai câu như để thể nghiệm cho thơ ở bước hiện đại. Xét đến cùng thì thơ haiku vẫn đến với mọi người bằng tinh thần Thiền tông đề cao thiên nhiên, đề cao cái đẹp thô sơ, mộc mạc, tầm thường, nhỏ bé nhưng chẳng tầm thường chút nào.
Khi thơ haiku tỏa ra thế giới hay “haiku đã vươn xa ra ngoài biên giới Nhật, trở thành một dòng thơ của thế giới, ảnh hưởng đến thơ ca hiện đại. Thơ ca phương Tây trong những tìm kiếm và thể nghiệm của mình, đã nhiều lần đi theo phong thái haiku” [6, trang 183]. Thơ haiku được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Người ta dịch thơ haiku từ tiếng Nhật, rồi nghiên cứu, khám phá những gì mà linh hồn thơ haiku chất chứa. Giới yêu thơ còn sáng tác thơ haiku bằng tiếng dân tộc mình như tác giả Nhật Chiêu đã trình bày: “Nói một cách chừng mực hơn, thơ haiku mà Basho đã hoàn thiện bằng thiên tài của mình, trở nên thể thơ quốc tế trong thế kỉ XX. Bên ngoài Nhật Bản, haiku chẳng những được nghiên cứu rộng rãi mà còn được các nhà thơ ở nhiều xứ khác nhau sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có cả Paul Eluard của Pháp, Octavio Paz của Tây Ban Nha và George Seferis của Hi Lạp”. [6, trang 274]. Ở Việt Nam, Trịnh Công Sơn, Chế Lan Viên… cũng đã từng tiếp thu, ảnh hưởng thơ haiku.
Vậy, Thơ haiku bắt đầu hình thành vào thế kỉ XVI, đạt đỉnh cao ở thế kỉ XVII với Basho. Đến cuối thế kỉ XIX được nhà thơ Shiki định danh la haiku. Ngày nay, haiku lan ra thế giới thành một thể thơ được quốc tế đón nhận.
 
3. Tác giả Basho đỉnh cao của thơ haiku
    
   3.1. Cuộc đời
Basho là một trong những nhà thơ lớn của Nhật Bản. Basho nói về mình như sau:
Tên tôi trên đời
“một người lữ khách”
mưa mùa thu ơi
Ông chính là “một người lữ khách”, cuộc đời hành hương hành giả qua bao nhiêu mùa gió bụi. Có người bảo rằng ông đi trong im lặng “như ngày đi, như đêm đi, như mùa đi” [7, trang 15]. Cuộc đời thiền sư, nhà thơ Basho là như thế đấy.
Matsuo Basho tên thật là Matsuo Munefusa sinh ngày 15-11-1644, trong một gia đình thuộc dòng dõi võ sĩ đạo samurai cấp thấp, ở thị trấn Ueno xứ Iga. Năm lên chín tuổi làm tiểu đồng cho con trai lãnh chúa xứ Iga là Yoshitada lớn hơn Basho hai tuổi. Hai người kết thành đôi bạn thân cùng vui chơi, học tập, làm thơ. Họ học làm thơ dưới sự hướng dẫn của thầy Kigin. Một số bài thơ do hai người sáng tác đã bắt đầu được đăng trên vài hợp tuyển thơ ca lúc bấy giờ là thời Tokugawa (Thời Bình an 1600-1868).
Nhưng chẳng bao lâu Yoshitada mất lúc 24 tuổi. Sau đó, Basho lên núi Koya để đặt nạm tóc của bạn vào chùa. Chính nơi đây Basho cảm nhận được nỗi “vô thường” và niềm “cô tịch” sẽ dần thấm sâu vào từng câu chữ của ông. Basho quyết định rời khỏi xứ Iga dù không được phép của lãnh chúa Đại danh.
Những năm tiếp theo ông sống ở Tyoto để tiếp tục học cổ văn Nhật và nghiên cứu cổ văn Trung Quốc cũng như thư pháp. Ông lại về thăm quê vài tháng.
Năm 28 tuổi, Basho lên Edo, một thành phố thị dân (sau này là Tokyo). Ông học Thiền đạo và gia nhập văn giới Edo một cách nhanh chóng. Nơi đây có nhiều trường phái thơ. Thơ haiku lúc ấy còn gọi là hokku hay haikai chưa thành một thể thơ độc lập. Ban đầu Basho thử làm nhiều công việc khác nhau nhưng rồi dần dần ông trở thành người dạy sáng tác thơ haikai. Chính Basho đã dung hợp sự trào lộng đời thường của thể haikai hiện đại với sự tao nhã tâm linh của renga truyền thống làm nảy sinh thể haiku độc lập. Đặc biệt là năm 1675, Basho được mời tham dự renga với Soin. Cuộc gặp gỡ này là một ảnh hưởng có ý nghĩa trong đời Basho.
Ở những năm gần 40 tuổi, Basho mới thật sự viết những bài haiku mang phong cách Basho tức “giải thoát haiku khỏi trò chơi chữ và ông là một với haiku, là một với vĩnh cửu” [7, trang 22].
Những năm cuối đời, để nuôi dưỡng tinh thần và cảm hứng thơ của mình. Basho làm cuộc du hành khắp đất nước. Ông vừa đi vừa viết du kí và sáng tác thơ haiku. Cuộc đời thi hào Basho có thể chia ra các giai đọan như sau:

“Ba tiêu am”: một thương gia giàu có, ngưỡng mộ Basho xây cho ông một ngôi nhà ở Fukagawa, gần dòng Sumida. Cạnh nhà có trồng một cây chuối đọc là Basho (ba tiêu). Cũng từ đây, ông lấy “Basho” làm bút danh cho mình. Còn ngôi nhà ông ở gọi là Bashoan (Ba tiêu am). Nơi này ông cảm nhận được âm thanh của tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối như những vần thơ của Bạch Cư Dị (Trung Quốc)
Cách song tri dạ vũ
Ba tiêu tiên hữu thanh
mà ông viết bài thơ sau:
Lá chuối tả tơi
đêm nghe mưa tí tách
xuống chậu sành không ngơi.
                                (Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Từ đây ông bắt đầu học thiền đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Butcho nên các bài thơ của ông thấm sâu tinh thần Thiền tông hay phong thái Basho định hình như Issa từng nói: “Basho rất khó bắt chước nhưng ở đó có sự hoàn thiện phong cách và tâm hồn” [6, trang 285]. Bài thơ sau là ví dụ
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
Bài thơ đưa ta vào thế giới u huyền, cô tịch, thế giới “chân không” của Thiền (Zen).
Được hai năm thì Ba tiêu am bị cháy trong một cuộc hỏa hoạn lớn ở thành phố Edo. Bạn bè và đệ tử xây lại nhà mới cho ông. Một năm sau, tức mùa thu năm 1684, Basho từ bỏ Ba tiêu am lên đường phiêu lãng làm “lữ nhân của phù thế”.

“Những bước đường phiêu lãng”: Kể từ đây Basho dấn thân vào con đường gió bụi như các nhà thơ nổi tiếng: Lí Bạch, Đỗ Phủ của Trung Quốc; Sogi của Triều Tiên; Saigyo của Nhật Bản. Sau “những bước đường phiêu lãng” là bút ký Nozarashi kiko (Dã sái kỉ hành, tức Nhật kí gió mưa đồng nội) 1865 ra đời.
Hai năm sau, Basho làm “chấn động” thế giới văn học bằng bước nhảy của một con ếch trong hợp tuyển thơ của ông và đồ đệ là “Hurunohi” (Xuân nhật), tức Mặt trời muà xuân
Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao.
Có rất nhiều lời bình luận về bài thơ kì bí này.
Basho lên đường đi tiếp về Kashima hành trình được kể lại trong tác phẩm Kashima kiki (1687). Ông về đây để thăm lại sư phụ là thiền sư Butcho và người bạn yểu mệnh năm xưa.
Nhiều điều xiết bao
gợi hồn ta nhớ
những cánh hoa đào.
Tiếp theo, Basho lang thang từ Edo đến bờ biển Suma, từ Akashi đến Sarahina để hưởng mùa trăng trên đỉnh Obasute. Nhưng chuyến đi dài nhất của Basho được thực hiện trong cuộc du hành lên phương Bắc năm 45 tuổi.

“Con đường sâu thẳm”: Đây là cuộc du hành đầy khó khăn trắc trở và gian khổ để đến nơi còn sự hoang dã và huyền bí sâu xa. Mùa xuân 1689, Basho rời Edo đi lang thang suốt ba năm qua các thị trấn mới lạ như Nikko, Shirakawa, Sendai… rồi băng qua Honshu đến Sakata ở phía Tây biển Nhật Bản. Ông lặn lội xuống miền duyên hải và tạm dừng ở Ogaki. Kết quả “con đường sâu thẳm” là một cuộc hành trình nổi tiếng nhất trong văn học Nhật Bản vì nó để lại cho đời một kiệt tác văn xuôi xen lẫn thơ Oku no hosomichi (Áo chi tế đạo), tức Áo rơm cho khỉ.
Basho lại tiếp tục bước lãng du, đến mùa đông 1691 ông trở về Edo. Trên đường đi, ông đã qua cố đô Kyoto, rồi về thăm quê nhà và cùng các bạn thơ du quan hồ Biwa. Ngoài ra ông còn ghé vào một mái lều nhỏ tên là Genjuan (Huyễn trú am) gần hồ Biwa. Và tùy bút Genjuan noki (Huyễn trú am chi ký) ra đời 1690 cùng một số tác phẩm khác. Trên “con đường sâu thẳm” Basho đã ghi lại biết bao cảnh đời, biết bao giấc mơ cũng như những nỗi buồn nhân thế…
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
                           (Đoàn Lê Giang dịch thơ)                                 
Hay:
Hãy rung lên, nấm mồ
giọng ta than khóc
là gió mùa thu.
“Con đường sâu thẳm” là sự cảm nghiệm của Basho về sự “vô thường” và “vĩnh cửu” của đời sống. Nhà thơ không chỉ trải nghiệm được cái huyền diệu của cuộc sống mà còn có thể truyền đạt được nó. Chính con đường sâu thẳm ôm lấy mọi phương diện của cuộc sống. Là cuộc hành trình đi tìm cái diệu kỳ của cuộc sống, cái đẹp cuộc sống đã bị xã hội Edo đánh mất. Đó cũng chính là Basho đang quay lại với thiên nhiên, với một nền văn hóa truyền thống mà phương Bắc xa xôi vẫn còn lưu giữ được.

“Huyễn trú am” là niềm hạnh phúc ở am đời hư huyễn mà Basho đã kể lại: “và tôi lê chân dọc theo bờ biển hoang dại của phương Bắc, nơi mỗi bước chân băng qua cồn cát đều khốn khó. Tôi lang thang ven bờ hồ tìm nơi trú ngụ, một nhánh lau sậy mà chiếc tổ chim cộc trắng sẽ tấp vào trên dòng nước chảy. Đây là nơi Huyền trú của tôi, và nó đứng bên mạn núi gọi là Kokubi. Gần đây có một đền thờ xưa cũ, nơi tôi cảm thấy mình gột sạch cát bụi trần gian.
Chủ nhân của nó đã bỏ đi từ tám năm trước, am còn lại phía sau giữa ngã tư đời hư huyễn”.
Khi trở về Edo, Basho được mọi người đón tiếp trong niềm vinh quang của một nhà thơ lừng danh. Những năm tiếp sau đó, Basho sống trong cô tịch theo ý nguyện của mình “niềm cô tịch sẽ là bạn tôi và sự nghèo nàn là của cải tôi. Trong tuổi năm mươi, đấy là điều tôi tự nguyện”. Thời gian này thơ ca của ông cũng hướng về một lý tưởng gọi là karumi (khinh) tức sự nhẹ nhàng thanh thoát mà ông tìm thấy giữa ngay cuộc đời.
Mưa mù sương
phù dung một đóa
làm mùa lên hương.
Mùa xuân 1694 đến, Bashon lại một lần nữa quyết định tiếp tục dấn bước trên con đường “lữ nhân” để thăm phương Nam. Điểm dừng sẽ là Kyusu. Nhưng trên đường đi, Basho lâm trọng bệnh khi đến Usaka. Đệ tử khắp nơi tụ về bên giường bệnh của thầy mà họ yêu quý. Basho đã soạn một bài thơ từ biệt thế gian vào một đêm mùa đông (còn gọi là bài Từ thế chi ca).
Đau yếu giữa hành trình
chỉ còn mộng tôi phiêu lãng
trên những cánh đồng hoang.
Nhà thơ Basho đã ra đi vào ngày 12-10-1694 theo đúng như lời người đã dự đoán “tôi sẽ chết trên đường, đó là định mệnh” lúc tuổi năm mươi.
Basho mất đi, được chôn cất ở một ngôi chùa “được phong thần trong nhiều ngôi đền thần đạo, có đền còn lấy tên theo câu thơ của ông về tiếng vang của nước do con ếch nhảy vào” [7, trang 42].
Mười ba năm sau khi Basho mất, nhà thơ lớn Onit Sura đã đọc bài thơ sau:
Những giấc mơ hoa
những cánh đồng cháy rụi
cơn gió thở than qua.
để tưởng nhớ về nhà thơ về bài Từ thế chi ca của ông. Trên khắp Nhật Bản nơi nào Basho đi qua dường như đều được dựng lên những tấm bia kỉ niệm và đã có hơn 300 tấm như thế, thường thì những tấm bia có khắc các bài thơ haiku của Basho.

    3.2. Sự nghiệp sáng tác
Cả đời thiền sư Basho gắn liền sự nghiệp sáng tác với những bước đường phiêu lãng du hành khắp nơi làm cảm hứng sáng tác. Những trang bút ký và những bài thơ haiku huyền bí để lại cho hậu thế. Sau khi nhà thơ mất đi, một số đệ tử của ông đã tập hợp các bài thơ của ông thành Basho shi chi bu shu (Ba tiêu thất bộ tập) tức là bảy tác phẩm. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Basho để lại cho đời là: Ngày đông (1684), Cánh đồng hoang (1689), Áo tơi cho khỉ (1691), Bao đựng than (1694), Du kí Lang thang đồng nội (1685), Đoản văn trong đẫy (1688), Nẻo đường Đông Bắc (1689)... góp phần đưa Basho thành bậc vĩ nhân của văn hóa Nhật Bản: “Nước Nhật sinh ra cùng với Basho vào năm 1644. Ông chính là người sáng tạo ra linh hồn của Nhật Bản” [6, trang 274].

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho (3)

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Duyên


CHƯƠNG II: QUAN NIỆM VỀ THIÊN NHIÊN
CỦA NGƯỜI NHẬT

1. Cảm thức về thiên nhiên của người Nhật
Đối với mỗi xứ sở dân tộc, mỗi con người, thiên nhiên lúc nào cũng hiển hiện ngay trước mắt nhưng nó lại được cảm nhận khác nhau ở mọi lúc mọi nơi. “Thiên nhiên” còn tượng trưng cho văn hoá của từng dân tộc. Chúng ta đi tìm hiểu thiên nhiên cũng chính là tìm hiểu văn hóa của dân tộc hay nói khác đó là tìm hiểu cách giao cảm với con người và giao cảm với chính thiên nhiên của dân tộc đó. Đồng thời, mỗi xứ sở dân tộc đều có những quan niệm khác nhau về thiên nhiên. Người Hy Lạp cổ đại xem thiên nhiên như “Một năng lực sáng tạo”. Còn dân tộc Nhật thiên nhiên lại mang ý nghĩa huyền bí sâu xa. Do vậy, người Nhật có cảm thức riêng về thiên nhiên của dân tộc mình. Họ tìm thấy từ thiên nhiên mọi cái đẹp, tình yêu và thơ ca. Thiên nhiên là nơi để con người gửi hồn vào tha hồ ngụp lặn, cảm nhận được mọi vẻ đẹp nảy sinh bao tình cảm và là linh hồn của thơ ca. Cảm thức thiên nhiên của người Nhật dựa trên ba yếu tố sau:

    1.1. Thiên nhiên biến đổi theo vòng luân hồi của vũ trụ
Thiên nhiên trong cảm nhận của người Nhật giống như trong Kinh Dịch: “Nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh”. Thiên nhiên không đứng yên một chỗ mà di chuyển theo vòng xoay vô tận của các mùa để “ biến đổi hóa sinh”, ra đi rồi lại trở về.
Đã rơi năm nào
tuyết mà ta ngắm
bây giờ lại rơi ?
(Basho)
Trong thiên nhiên biến đổi ấy, con người, cỏ cây, muông thú không ngừng sản sinh. Đó là yếu tố thứ nhất trong cảm thức thiên nhiên của người Nhật.

    1.2. Thiên nhiên chứa đựng bí ẩn siêu phàm
Tính thần linh là yếu tố thứ hai trong cảm thức thiên nhiên của người
Nhật. Người Nhật luôn tự hào là con cháu của Nữ thần mặt trời. Đất nước của họ là vương quốc Mặt trời mọc. Với họ, cỏ cây sông núi đều có bóng dáng của thần linh hay ẩn chứa một cái gì đấy siêu phàm. Thiên nhiên của họ được coi là có tính thần linh.  Họ sùng bái tôn thờ thiên nhiên biểu hiện cho niềm tin ấy. Vì vậy, họ có “Thần đạo”.
Trong cảm nhận của người Nhật, thiên nhiên còn có sự hòa, hợp trật tự mà biểu trưng là bộ ba vật “đế biểu” (thanh kiếm - chiếc gương - vòng ngọc). Do đó, họ tìm thấy cái thần và vẻ đẹp của thiên nhiên. Khi ngắm hoa đào hay ngồi dưới bóng hoa, người Nhật không chỉ thưởng thức vẻ đẹp của hoa mà còn muốn giao cảm với linh thần của cây. Hay khi ngắm núi Fuji (Phú Sĩ) cũng thế, tức có một linh thần của núi trong tư tưởng họ
Nơi mặt trời mọc
người là một linh thần.
(Vạn diệp tập)
Tóm lại, tính thần linh của thiên nhiên là tín ngưỡng từ xa xưa của người Nhật.

    1.3. Thiên nhiên và con người có một mối tương giao hòa hợp
Người Nhật luôn tinh tưởng rằng con người được sống, được bao bọc chở che trong lòng thiên nhiên. Thiên nhiên hiện hữu bình đẳng với con người. Cả hai quan hệ gắn bó kết giao tình thân thiết. Thiên nhiên không phải là cái để con người chinh phục và  đối lập với con người. Vì thiên nhiên và con người là những biểu hiện vòng luân hồi của vũ trụ nên con người hòa đồng vào thiên nhiên bằng sự giao cảm từ tâm hồn trong trạng thái “chân không” của Thiền tông. Thế giới chân không là nơi sâu thẳm của sự an lạc “sung thực không hư” [8, trang 247]. Đó là một chân không đầy ắp thiên nhiên, là nơi con người tìm lại mình từ trong lòng thiên nhiên. Sự hòa hợp giao cảm của con người và thiên nhiên được thể hiện qua bài thơ haiku sau đây của Basho
Tôi vỗ bàn tay
dưới trăng mùa hạ
tiếng dội về ban mai !
Con người và thiên nhiên trong bài thơ hòa vào nhau để đổi trao tâm sự, đồng cảm với nhau. Vào một đêm trăng bên dòng sông Sumida, Basho đứng trước Ba tiêu am ngắm trăng. Ông vỗ bàn tay thoát ra một âm vang. Âm vang đó là “Tiếng dội về ban mai !”. Vũ trụ đã trả lời với nhà thơ bằng ánh ban mai đã mọc. Nhưng thật ra ánh ban mai đó có sẵn trong lòng nhà thơ từ bao giờ và trả lời cho nhà thơ. Chẳng qua đó là sự giao cảm của nhà thơ với thiên nhiên.
Sự giao cảm của con người với thiên nhiên làm thiên nhiên nhuộm màu “Thiền” (Thiền hay còn gọi là Zen “là một trong nhiều trường phái Phật giáo ở Nhật Bản, được xây dựng trên cơ sở đào tạo con người qua trầm tư mặc tưởng” [3, trang 312], hay trạng thái tĩnh tâm). Và trong cảm nhận con người là “khi người ta cảm nhận được chân không trong hiện hữu và hiện hữu trong chân không thì nhờ cả hai người ta tìm thấy Bình An mà sống” [8, trang 250]. Đó cũng là sự giao cảm giữa cái đẹp của thiên nhiên với cái đẹp của con người trong thiên nhiên.
Tóm lại, người Nhật cảm nhận thiên nhiên trong văn hóa Thần đạo, Thiền tông nên “Thiên nhiên, tự nhiên (shizen) là thần linh (kami) và ngược lại thần linh là thiên nhiên” [8, trang 251]. Thiên nhiên lại là biểu hiện của chân không và chân không đầy thiên nhiên. Đấy là nét rất Nhật Bản trong cảm nghiệm thiên nhiên của người Nhật dù có ảnh hưởng Thiền Tông (Trung Quốc).

2. Biểu tượng về thiên nhiên trong nghệ thuật Nhật Bản
Chúng ta đã biết, thơ haiku là thơ của thiên nhiên, tức bài thơ phải có quí ngữ (từ ngữ báo hiệu mùa). Thiên nhiên Nhật mỗi mùa có biểu tượng riêng. “Cửa hàng trưng bày thời tiết” sẽ mở cửa theo từng mùa một. Và biểu tượng thiên nhiên đầu tiên của người Nhật là biểu tượng “Tam tuyệt” (Tuyết - Nguyệt - Hoa), biểu tượng cơ bản của thiên nhiên Nhật Bản. Con đường đi vào thế giới thơ văn Nhật nói chung, thơ haiku Basho nói riêng dễ dàng nhất là phải thông qua biểu tượng “Tam tuyệt” và các vị “sứ giả” thời tiết trong từng bài thơ. Vậy, biểu tượng về thiên nhiên trong lòng người Nhật như thế nào ?
   
   2.1. Biểu tượng “Tam tuyệt”
Thiên nhiên xứ Phù Tang biểu trưng bằng ba hình ảnh: “Tuyết - Nguyệt - Hoa”. “Tuyết” là sứ giả tượng trưng cho bốn mùa đổi thay hay thời gian trôi đi theo mùa. “Trăng” gợi cho ta thế giới bao la êm ả và vũ trụ mênh mông. “Hoa” là sự hiện diện của từng mùa, từng thời khắc thời gian. Biểu tượng “Tam tuyệt” được gói gọn trong bài tanka sau
Mùa xuân có hoa đào
Mùa hạ chim cu hót
Mùa thu thì trăng soi
Mùa đông tuyết lạnh buốt
Và sáng ngời nơi nơi.
Bốn mùa thoạt hiện lên lướt qua như soi gương, lướt qua như ánh sáng phù du. Nhưng nó cũng để lại những vẻ đẹp lộng lẫy nhất, kiêu sa nhất. Tiến sĩ Yashiro Yukio cũng xúc động trước thiên nhiên: “Khi tuyết rơi, khi hoa nở, khi trăng lên - hơn bao giờ hết ta nhớ tới bạn” [8, trang 245]. Hay văn hào Kawabata Yasunari diễn giải như sau: “Khi chúng tôi thấy vẻ đẹp của tuyết trắng, của trăng tròn, khi chúng tôi trông hoa anh đào nở, tóm lại khi mà vẻ đẹp của bốn mùa lướt tới và đánh thức chúng tôi dậy, đó chính là lúc chúng tôi nghĩ nhiều nhất đến những người thân và muốn chia sẻ sự sung sướng cùng họ. Kích thích bởi cái đẹp, ta thấy rất cần người chia sẻ, rất cần tình bạn - mà chữ “bạn” ở đây có thể hiểu là “Nhân gian”. Tuyết - Nguyệt - Hoa, những danh từ diễn tả các mùa nối tiếp nhau theo phong tục Nhật Bản đã gồm cả núi sông cây cỏ và muôn ngàn biểu hiện khác của thiên nhiên cũng như cảm nghĩ của con người. Tinh thần ấy, cảm nghĩ ấy, đối với bạn đồng hành trên tuyết, dưới trăng, trong hoa cũng là bản chất của trà đạo”[8, trang 245]. Vậy, biểu tượng “Tam tuyệt” là cái đẹp tuyệt vời của thiên nhiên mà người Nhật cảm nghiệm được từ sự giao cảm giữa con người và thiên nhiên.
   
   2.2. Một số biểu tượng khác
Tùy từng bài thơ haiku, “quí ngữ” sẽ xuất hiện khác nhau. Chẳng hạn mùa xuân có hoa anh đào. Nhưng “sứ giả” của mùa xuân còn là những cánh hoa mơ trắng ngần, hoa đỗ quyên, hoa tử đằng, hoa trà, hoa cẩm chướng, hoa diên vĩ và những bông hoa dại khác. Vì mùa xuân là mùa của muôn hoa khoe sắc. Trong hương hoa mùa xuân, thoảng đâu đó ta còn nghe tiếng chim Vân Tước, chim sẻ, rồi gặp chú ếch hay cơn mưa mùa xuân, cơn gió mùa xuân… đó cũng là  “sứ giả” báo hiệu mùa xuân trong các bài haiku. Sau đây là tiếng chim Vân Tước báo hiệu mùa xuân của tác giả Basho
Trên bình nguyên
chim Vân Tước hát
xa mọi ưu phiền.
Khi mùa xuân qua đi mùa hạ lại về bằng những cơn mưa tháng sáu. Sau những cơn mưa là những ngày đầy nắng ấm. Vị sứ giả hotogisu (chim cu hay chim đỗ quyên) lại cất tiếng hót lảnh lót trên bầu trời đầy nắng. Các loại côn trùng như: chấy, ruồi, muỗi… cũng đua nhau hát khúc ca mùa hạ. Những bông hoa quỳ, hoa mẫu đơn, hoa thược dược khoe sắc tô điểm thêm cho hương sắc mùa hè. Trăng mùa hè rất đẹp
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
(Basho)
Chú ve mải mê ngân vang điệp khúc mùa hè lại lặng im khi thấy cây phong thay đổi màu sắc như: vàng, cam, đỏ rực là lúc mùa thu về. Một loài hoa bình dị asagao (triêu nhan) thoắt nở ra những cánh hoa mỏng manh hiền hòa. Những bông hoa dâm bụt, đinh hương, phù dung, hoa cúc… cũng hé nụ chào đón mùa thu.
Hoa đinh hương ơi
những giọt sương sáng
em đừng để rơi.
(Basho)
Không khí chợt thoáng lạnh. Tuyết rơi. Vạn vật cỏ cây đều chìm trong lòng tuyết trắng và đổi thành màu nâu xám. Mưa đá cũng rơi. Đó là những hình ảnh màu sắc xuất hiện trong thơ haiku mùa đông.
Đi nữa bạn ơi
ngắm nhìn tuyết đổ
cho dầu ta rơi !
(Basho)
Bốn mùa thiên nhiên của thơ ca có vô vàn “sứ giả” dựng lên những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp hữu tình. Thơ haiku Basho là nơi các sứ giả bốn mùa “hát khúc ca nghìn đời” của thiên nhiên và cho nhân thế.

3. Những quan điểm mĩ học chi phối văn chương Nhật Bản
Trong tập quán văn hóa xứ Phù Tang, “Cảm thức thẩm mỹ hầu như được đưa lên hàng đầu” [6, trang 66]. Nó đã ngấm vào máu thịt họ tự hồi nào. Họ “tôn thờ cái đẹp trong nghệ thuật lẫn thiên nhiên” [6, trang 66]. “Họ quen nhìn nhận mọi cái thông qua cảm xúc riêng tư, ngay cả khi lẽ ra phải quan sát một cách tỉnh táo, khách quan hơn. Tình yêu đối với cái đẹp, dĩ nhiên mọi dân tộc khác đều có, nhưng ở người Nhật, đó là một bộ phận không thể tách rời với truyền thống dân tộc” [13, trang 33]. Thơ haiku Basho cũng như toàn bộ thơ văn Nhật đều thấm nhuần tính văn hóa này. Đó là cảm thức sabi (tịch), wabi (đà), aware (bi ai) và karumi (khinh). Các cảm thức thẩm mỹ này ảnh hưởng rất lớn đến văn chương Nhật, đặc biệt là thơ haiku Basho, vì thơ haiku là thơ của “kinh nghiệm của cảm thức, của trực giác tâm linh” [7, trang 47].
Sabi là cảm thức về cái cô tịch, cô liêu, tĩnh lặng, cổ xưa… của linh hồn vạn vật. Nó còn là niềm cô tịch vô ngã của tinh thần Thiền tông, nơi có “vô tận” và “tự nhiên” là hai dòng nước đổ vào “hồ sabi”. Điều này giống cội nguồn của thế giới muôn màu trong “chân không” và ngược lại.
Sabi cũng là yugen (u huyền), tức cái chúng ta cảm nhận được nhưng không phân tích được. Chẳng hạn ta vỗ hai bàn tay vào nhau làm phát ra một âm thanh ta nghe được. Nếu ta chỉ vỗ một bàn tay thì âm thanh được phát ra là gì ? “Đó là âm thanh của sự tĩnh lặng !” [14, trang 239]. Vậy, yugen là cảm thức về sự sâu thẩm, u ẩn và huyền diệu của sự vật. Yugen thuộc ở tâm linh. Basho cảm nghiệm cái sabi của sự vật như sau
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.
Niềm cô tịch của thiên nhiên được thể hiện qua âm thanh mạnh và sắc của tiếng ve. Tiếng ve làm xuyên thủng không gian, thời gian và đến tận cõi hư vô. Ta cảm nhận được cái u huyền sâu thẳm của tiếng ve mà không thể giải thích hết thành lời. Nếu sabi là nỗi cô đơn huyền diệu của thiên nhiên, tịch liêu của muôn đời thì ở con người nó là nỗi cô đơn với vũ trụ.
Cảm thức thẩm mỹ tiếp theo là wabi (đà).
Wabi là những cái gì thuộc về tự nhiên rất bình thường, rất đơn sơ, mộc mạc mà ta thấy được. Ta có niềm vui và hòa điệu cùng nó. Wabi cũng chính là sự nghèo nàn nhất của tự nhiên trong cuộc sống được đưa vào thơ ca Nhật Bản.
Cảm thức wabi ban đầu là của Trà đạo, dần dần trở thành đặc điểm của thơ haiku. Vì thơ haiku là thơ của sự bình thường, mộc mạc, thô sơ… nên thơ haiku gắn với wabi và chọn wabi làm “đạo”, tức “là trái tim bình thường” [7, trang 51] như những hình ảnh thật hồn nhiên, bình dị trong bài thơ sau
Trong lều ngư dân
giữa đám tôm cá
có con dế mèn.
Bài thơ trên là những hình ảnh trong sinh họat hằng ngày. Nó có vẻ “vô nghĩa”, “vô duyên” nhưng ý nghĩa của nó ngược lại. Nó còn là hình ảnh của sự sống rất bình thường, thân thiết và gần gũi với chúng ta.
Aware cũng là một trong những cảm thức thẩm mỹ thường xuất hiện trong văn chương Nhật. Aware gọi đầy đủ là mononoaware, là nỗi buồn của sự vật, là bi cảm, một cảm thức xao xuyến trước mọi cái đẹp của sự vật. Nó chịu ảnh hưởng tư tưởng “vô thường” của Phật giáo. Aware còn là cảm thức thâm trầm trước cái đẹp não lòng của sự vật vì sự vật nào cũng vậy có lúc rực rỡ, cũng có lúc tàn phai.
Aware mang màu sắc lãng mạn và chú trọng khoảnh khắc. Nhưng khoảnh khắc ấy làm nên xúc cảm thẩm mỹ chớ không phải là “cái bi lụy ngông cuồng của lãng mạn hay nỗi bi tráng ngất trời của bi kịch” [7, trang 52]. Bài thơ sau của Basho là một ví dụ
Tiếng ve mải mê
không hề để lộ
cái chết gần kề
Đấy là xúc cảm trước cái đẹp của tiếng ve ngân vang điệp khúc mùa hè. Tiếng ve tượng trưng cho sự sống. Còn cái chết sắp đến với ve không là bi kịch mà đó là điều tự nhiên của sự sống và cái chết. Khoảnh khắc sống và chết không là gì cả, là “vô thường”. Bi cảm aware là thế đấy.
Một cảm thức thẩm mỹ nữa ta hay gặp trong thơ haiku cụ thể là thơ Basho, đó là karumi (khinh).
Karumi là niềm khinh thanh dịu nhẹ thường được các nhà thơ thiền sư hay nhắc đến. Đó còn là một niềm khinh thanh êm đềm bay lượn giữa tro than và cát bụi trần gian. Basho nói về karumi trong thơ mình ở cuối đời như một phong thái ung dung tự tại. Một bông hoa mới nở cũng làm ta ngất ngây.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng
Vậy “lí tưởng thẩm mỹ Phù Tang thường hướng về những gì chưa hoàn tất, chưa hoàn thiện, chưa mãn khai… Vì nơi đó chứa đựng sức mạnh lớn của sự vô thường” [6, trang 178]. Cảm thức thẩm mỹ Nhật là giá trị về cái đẹp và cái đẹp là tiêu chí của văn hóa. Nó thấm nhuần trong tư tưởng người Nhật. Nó trở thành “đạo” và mọi thứ đều gắn với đạo như: Thơ đạo, Trà đạo, Hoa đạo, Kiếm đạo… “Trà đạo” (chado) là một nghệ thuật tổng hợp mang rõ nét Nhật Bản. Người uống trà phải tuân theo những nguyên tắc và qui định phức tạp. Trà đạo bao gồm cả nghi thức pha trà, mời khách và uống trà. Điều làm Trà đạo trở thành nhu cầu nghệ thuật là “Cả khách lẫn chủ đều phải có vốn kiến thức nhất định về thơ ca, hội họa, văn học cổ điển, nghệ thuật cắm hoa, các nghề thủ công khác nhau và lòng hiếu khách” [3, trang 304]. “Hoa đạo” là nghệ thuật cắm hoa, trồng hoa và ngắm hoa. Còn “Kiếm đạo” là nghệ thuật chiến đấu ngày xưa. Tinh thần “võ sĩ đạo” luôn đi liền với kiếm đạo. Kiếm đạo lấy Thiền làm tinh thần. “Thơ đạo” là nghệ thuật làm thơ, chủ yếu là thơ haiku.
Tóm lại, cảm thức thẩm mỹ Nhật Bản chi phối tất cả nghệ thuật văn hóa Nhật, nhất là văn chương. Thơ haiku của Basho thấm đẫm cảm thức thẩm mỹ này. Phần trình bày trên là những quan niệm về thiên nhiên của người Nhật.

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho (4)

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Duyên


CHƯƠNG III: VẺ ĐẸP THIÊN NHIIÊN TRONG THƠ BASHO

Cái đẹp luôn luôn hiện hữu trong tự nhiên và trong xã hội. Con người có khả năng cảm nhận và khu biệt nó. Con người cũng luôn luôn có nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo ra cái đẹp. Bản chất của cái đẹp dường như còn là điều bí ẩn. Người ta càng tìm hiểu cái đẹp càng thấy nó mênh mông. Cái đẹp trong thơ ca là nơi con người cảm nhận được vẻ đẹp đầy đủ nhất. Trong thơ ca, cái đẹp bao gồm cả nội dung và hình thức. Đồng thời nó cũng thể hiện ở mọi cung bậc bao gồm tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Thiên nhiên được tái hiện trong thơ ca còn nhằm tái hiện con người. Thơ Basho thấm đẫm màu sắc thiên nhiên. Vì vậy, vẻ đẹp của thiên nhiên trong thơ Basho cũng được thể hiện ở mọi cung bậc của nó.

1. Thiên nhiên tươi đẹp trữ tình
Thơ haiku là thơ của thiên nhiên bốn mùa. Mỗi bài thơ haiku của Basho đều gắn liền với thiên nhiên. Hình ảnh thiên nhiên gợi lên bao xúc cảm trong ông. Trong mỗi bài thơ, thiên nhiên hiện lên với mọi vẻ đẹp vốn có của nó từ cái ban sơ, mộc mạc đến những gì tinh tú kiêu sa lộng lẫy đầy quyến rũ cũng như sắp đi vào phai tàn và gợi lên những rung cảm sâu xa trong lòng người. Bằng tài năng của mình Basho đã cho ra đời hàng loạt các bài thơ haiku rực rỡ hương sắc bốn mùa. Mỗi bài thơ là một bức tranh tuyệt mỹ. Những tác phẩm kiệt xuất ấy là kết quả của một đời lãng du trên bước đường hành giả, làm lữ nhân phù thế. Thiên nhiên trong thơ Basho thật tươi đẹp hồn nhiên trữ tình nồng thắm.

    1.1. Thiên nhiên vừa bình dị, nguyên sơ vừa hùng vĩ  
 Với mọi vẻ đẹp vốn có của mình, thiên nhiên trong thơ Basho là những hình ảnh thật bình dị, nguyên sơ và hùng vĩ. Trong thơ, mọi hình ảnh thiên nhiên thường có như: tuyết, trăng, hoa, núi, sông… đến các loài hoa dại, dưa, bùn, cỏ… Bên cạnh các loài chim đỗ quyên, chim sẻ… còn có cả chấy, ruồi, muỗi, rận, nước đái ngựa… Basho đưa chúng vào thơ rất tự nhiên y như những gì mắt ông trông thấy. Ông không hề có sự chọn lựa cảnh kiêu sa, lộng lẫy. Vì vậy, thiên nhiên hiện lên thật hồn nhiên  trong cái trong trẻo và nguyên sơ của nó.
Dòng thác trong
giữa làn sóng bạc
trăng mùa hạ lên.
Hay bản dịch khác
Trăng mùa hè
chiếu lên sóng không bụi
dòng Sông Trong.
                        (Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Đấy là hình ảnh dòng thác, hay dòng Sông Trong (Kiyotaki), trong sạch không bụi, lấp lánh sóng bạc khi trăng mùa hạ lên trông thật nguyên sơ, thanh sạch. Một bức tranh tuyệt đẹp của dòng sông lấp lánh dưới trăng mùa hạ.
Còn đây là hình ảnh sông Ngân Hà bao la trên bầu trời như tuôn xuống ôm chầm, vây lấy đảo Sado của làng chài nhỏ thưa thớt giữa biển Nhật Bản thăm thẳm hoang vu
Ôi biển hoang vu
Ngân Hà vươn  trải
trên đảo Sado.
Hình ảnh dải Ngân Hà gợi bao cảm xúc trong lòng thi sĩ. Ngay cả nhân vật của Kawabata trong “Xứ tuyết”còn cảm nhận được: “Shimamura có cảm tưởng mình đang bơi lội trong đó, Ánh lân quang của dải Ngân Hà như tỏa xuống gần đến độ chàng thấy như mình bị nó hút lên tận nơi. Phải chăng thi sĩ Basho đã vì ấn tượng của vẻ bao la rực rỡ chói sáng ấy mà ví nó như một vòng cầu hòa bình bắc qua biển đang sôi sục ? Bởi vì dải Ngân Hà vòm xuống ngay trên đầu chàng, ôm lấy trái đất tối đen trong vòng tay thanh khiết, khó hiểu và không cảm xúc của nó. Hình ảnh thuần khiết và gần gũi của một niềm khoái cảm dữ dội…” [5, trang 27].
Hay đó là hình ảnh dòng thác Mogami tuôn nước trắng xóa như cuốn cả bầu trời rực lửa lúc hoàng hôn và dìm xuống sóng nước trùng dương. Thiên nhiên trong vắt, hùng vĩ mênh mông.
Mogami tuôn dòng
cuốn mặt trời rực lửa
dìm xuống trùng dương.
Bên cạnh những dòng sông, dòng thác là những ngọn đồi, hòn đảo vô danh tình cờ trên đường đi ngang qua ông bắt gặp.
Mùa xuân đến rồi
vô danh ngọn đồi ấy
sáng nay khoác áo sương mù.
Đó là hình ảnh một ngọn đồi bao phủ bởi sương mù mùa xuân. Hay một hòn đảo cô liêu, không tên hiện ra trong tiếng chim cu kêu não lòng.
Tiếng cu kêu
biến tan về phía
hòn đảo cô liêu.
Thiên nhiên trong mắt Basho mang vẻ đẹp nguyên thủy, sơ khai. Nếu Basho so với Nguyễn Trãi (Việt Nam) cũng hay viết về đề tài thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ thì cả hai có điểm tương đồng. Nguyễn Trãi tả thiên nhiên như sau:
Thanh Hư trúc mọc như rừng
Thác bay phơi phới như gương lạnh người
Đêm qua trăng lẫn nước trời
Ta mơ cưỡi hạc lên chơi tiên đàn.

(Thanh Hư động lý trúc thiên can
phi bộc  phi phi lạc kính hàn
tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy
mộng ki hoàng hạc thướng tiên đàn.)
Mộng sơn trung (Mộng giữa núi)
Động Thanh Hư của Nguyễn Trãi cũng trong vắt nguyên sơ dưới ánh trăng như sông Kiyotaki hay đảo Sado, thác Mogami. Hình ảnh thiên nhiên cũng mang vẻ đẹp hùng vĩ, mênh mông.
Thiên nhiên trong thơ Basho còn là những bức tranh tuyệt đẹp đó là âm thanh của tiếng chim oanh làm ta nghe và nhận ra vị trí của nó
Ôi chim oanh
hát trước rừng trúc
sau hàng liễu nghiêng.
Hay:
Rừng trúc mênh mông
tiếng chim cu hót
trong ánh trăng nghiêng.
Sự im lặng trong trẻo của rừng trúc đó là nơi giấu mình của giông tố.
Giông tố dấu mình
trong khu rừng trúc
và rồi lặng thinh.
Và đây là những bức tranh sơn thủy gợi tình
Dòng thác trong
buông theo triền nước
những lá thông xanh.
Hay:
Đỉnh Arashi
những ngày tháng sáu
đặt mây lên mình.
Không chỉ có Basho mà các nhà thơ yêu thiên nhiên đều có thể tìm ra vẻ đẹp trong thiên nhiên một cách giản dị và tự nhiên như chính thiên nhiên ấy.
Dục Thúy mưa tan non tựa ngọc,
Đại An triều dậy nước ngang trời

(Dục Thúy vũ tình phong tự ngọc
Đại an triều trướng thủy như thiên)
Vọng doanh
Nguyễn Trãi cũng từng tả thiên nhiên tươi đẹp như thế. Đó cũng là tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Basho.
Hình ảnh thiên nhiên thanh sạch, hoang sơ luôn là ước mong của Basho đựơc trở về với thiên nhiên để cảm nghiệm cái đẹp mà nhà thơ muốn tìm cho mình và cho thơ ca.
Ta muốn ngà say
ngủ mơ trên đá
hoa cẩm chướng đầy.
Trong thơ Basho, thiên nhiên còn là những hình ảnh gần gũi quen thuộc với chúng ta. Nó ở xung quanh cuộc sống chúng ta. Nó hiện diện rất hồn nhiên, rất khiêm tốn, bé bỏng dễ thương chẳng hạn như
Trên thân nấm rơm
chiếc lá từ đâu đến
vẫn còn nằm yên.
Một chiếc lá lìa khỏi cành rơi xuống nằm trên thân cây nấm rơm rất bình thường không có gì cả. Đó là điều tự nhiên của cuộc sống. Hay một chú ngựa đang ăn hoa dâm bụt bên đường.
Bên đường
hoa dâm bụt
đưa mình cho ngựa ăn.
Hay một con bướm phải vất vả với cành liễu nghiêng bay theo gió để tìm một chỗ đậu cho vững vàng.
Trên cành liễu nghiêng
con bướm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
Hay một con ong hút mật no nê còn “tần ngần” không muốn bay đi ngay như còn lưu luyến tình cảm với hoa.
Một con ong
từ lòng thược dược
bay đi tần ngần.
Hay chú chuồn chuồn kiên trì vượt qua gian nan để tồn tại mà cố bám víu cho đựơc trên ngọn cỏ rung rinh theo gió.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không  được
trên ngọn cỏ gió rung.
Hay một con cua nhỏ đang bò dưới dòng nước trôi chảy vô tình. Dù cuộc sống khắc nghiệt, cua vẫn bám víu lấy sự sống, cố bò lên bờ để khỏi bị nước cuốn trôi và đã bò lên chân thi nhân.
Dưới làn nước trôi
có con cua nhỏ
bò lên chân tôi.
Những hình ảnh tự nhiên bình thường, quen thuộc ta thường hay gặp như thế. Và đó còn là tiếng kêu của chim sẻ và chuột như đang trò chuyện nhau.
Từ trong rầm nhà
đáp lời chim sẻ
rúc rích chuột con.
Hay một hình ảnh đơn sơ mộc mạc dễ thương
Trong lều ngư dân
giữa đám tôm cá
có con dế mèn.
Hay:
Chấy bọ rầy rà
nơi tôi nằm ngủ
ngựa đứng đái không xa.
Những hình ảnh bình thường ta gặp trong cuộc sống. Ta thường thấy xuất hiện trong thơ haiku Basho. Nó được đưa vào thơ bởi cảm thức thẩm mỹ truyền thống về cái đơn sơ, bình dị, nguyên thuỷ, sơ khai… của tự nhiên. Không riêng Basho các nhà thơ haiku khác ở Nhật cũng thế. Issa cảm nhận về hình ảnh chú chuột uống nước bên bờ sông
Bên dòng Sumida
chú chuột kia uống nước
mưa mùa xuân pha.
Hình ảnh một chú chuột bé xíu đang ung dung uống từng ngụm “nước mùa xuân” của dòng sông Sumida trong khi cơn mưa đang rơi xuống dòng sông mênh mông nước. Giữa hai sự vật nhỏ bé và mênh mông nhưng lại hòa hợp với nhau, đều mang bản tính của chúng và hiện thân của vũ trụ biến đổi. Chuột vẫn thản nhiên, đất trời, mưa, sông vẫn mênh mông.
Nhà thơ Onitsura cũng chợt reo vui khi nhận ra những sự vật quen thuộc đơn sơ quanh mình.
Hoa đào nở rộ
chim có hai chân
và ngựa có bốn chân.
Tóm lại, hình ảnh thiên nhiên ta gặp trong thơ Basho với vai trò là “quí ngữ” nhưng nó chứa đựng vẻ đẹp đơn sơ, dung dị, nguyên thủy… trong từng câu chữ. Nó chứa đựng bao tình cảm với thiên nhiên của nhà thơ Basho. Thơ haiku là thơ ca của thiên nhiên vạn vật.
  
    1.2. Thiên nhiên là những bức tranh hữu tình
Thiên nhiên trong thơ Basho hồn nhiên tươi tắn, trẻ trung, yêu đời nên     không phải là những bức tranh vô hồn. Thiên nhiên với nhà thơ như có sự ràng buộc vô hình khiến nhà thơ phải rời Ba tiêu am lên đường lãng du vào “con đường sâu thẳm” tìm về với thiên nhiên. Thiên nhiên là nơi chứa đựng và giãi bày bao tâm tư tình cảm của nhà thơ. Basho yêu quí thiên nhiên biết bao. Những bước chân của nhà thơ cũng nặng tình thiên nhiên, nặng tình của sự sống chan hòa cùng thiên nhiên.
Hoa diên vĩ
buộc quanh bàn chân
mang dép rơm
Hoa diên vĩ, rơm là những tạo vật của thiên nhiên. Chúng cũng có linh hồn bám víu theo nhà thơ trên bước lữ nhân của đời gió bụi. Sự bình dị và tình cảm chân thành của thiên nhiên đã giúp nhà thơ vượt qua bao khó khăn để về với những gì là “thiên nhiên” của cuộc sống như
Bên vỏ ốc con
trôi theo bọt sóng
những cánh đinh hương
Bên trong vỏ óc là cả một biển xanh giấu mình mà vẫn sóng gió, cùng những cánh hoa đinh hương mỏng manh bé nhỏ.
Hình ảnh thiên nhiên hiện ra trước mắt Basho chỉ trong khoảnh khắc tinh khôi nhất mà nhà thơ cảm được “linh thần” của nó.
Ôi đóa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hang giậu nở hoa.
Hoa nazuna là một loài hoa dại màu trắng, mọc bên đường chẳng ai thèm bỏ mắt tới. Nhưng trong khoảnh khắc nhỏ nhoi, Basho đã nhận ra vẻ đẹp đơn sơ tinh tú nhất của hoa bằng thị giác và tâm linh của mình. Hay là sự mong manh của một nhành hoa cúc vừa nở hoa
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
Nhà thơ reo vui khi gặp một cảnh thanh tươi, sáng ngời làm mát lạnh lòng người.
Ôi huy hoàng
lá xanh lá xanh
chói ngời trong nắng.
Bằng sự giao cảm của tâm hồn với linh hồn thiên nhiên, Basho cảm nhận mọi vẻ đẹp của thiên nhiên bằng tình cảm chân tình nhất, vì một cảnh tượng đẹp đẽ về sự hòa điệu của tâm hồn và rộn vang những âm thanh đầy nhân bản trong lòng người sẽ cảm được sự kết tinh của mọi vẻ đẹp ta cảm nghiệm. Nghe một làn hương thoảng qua Basho ngất ngây vì hương hoa và như đổi trao tâm sự cùng hoa.
Cây hoa nào
mà ta chưa biết
gởi lại một làn hương
Tiếng chim hót làm nhà thơ thanh thản tâm hồn.
Trên bình nguyên
chim Vân Tước hát
xa mọi ưu phiền.
Đó là những bức tranh thiên nhiên thoáng ẩn thoáng hiện nhưng đầy ắp tình cảm. Thiên nhiên còn đẹp tựa như tranh.
Như cảnh trong tranh
tôi trên mình ngựa
chầm chậm qua đồng.
Nhà thơ phải “chầm chậm” đi để vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa như sợ làm động nó sẽ tan biến đi. Thiên nhiên đẹp như nàng Tây Thi kiêu sa diễm lệ.
Vịnh Kisagat
như nàng Tây Thi ngủ
trong mưa và trong hoa.
Hay vầng trăng tròn nghiêng về biển như bóng nàng Komachi.
Vầng trăng đầy
nghiêng mình về biển
bảy nàng Komachi.
Tình yêu thiên nhiên buộc nhà thơ vào các bài thơ haiku.
Sương mù bao phủ
Fuji chìm khuất rồi
núi hiện hình trong tôi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ )
Basho nhìn thấy ngọn Fuji bị chìm trong sương mù nhưng vẫn có một ngọn núi khác hiện hình trong lòng nhà thơ. Ngọn núi tâm hồn sẽ thay thế cho tình cảm khi nhìn thấy núi Fuji bị sương mù che khuất.
Thiên nhiên còn là nơi nhà thơ gởi gấm đổi trao tâm tình bằng cuộc chuyện trò với các sinh linh bé bỏng. Cả hai cùng yêu thiên nhiên đất trời mùa thu.
Con nhện kia ơi
bài hát nào ngươi có
trong gió thu này ?
hay:
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !

Hoa đinh hương ơi
những giọt sương sáng
em đừng để rơi.

hãy thổi bay đi
hỡi dòng sông Ôi
những mây mưa mùa hạ.

Basho nói với chúng bằng những lời tâm  sự thân thiết mến yêu, Basho và các sinh vật ấy như hai người bạn thân tình. Đôi khi Basho và thiên nhiên hòa vào nhau là một cảm nhận được cái mát lạnh của quả dưa
Dưa mùa hạ
đẫm bùn mát lạnh
và giọt sương mai.
Thời tiết đổi thay hay thời gian trôi đi ngay trong lòng thiên nhiên như một kết quả bao mùa chờ đợi gom nhặt.
Thế rồi từ từ
mùa xuân thành tựu
với trăng và hoa mơ.
Trăng và hoa mơ nở báo hiệu mùa xuân nữa lại về. Cái nóng nực của mùa hạ cũng về qua hành động nhà thơ cởi áo bông quẩy lên vai như sẵn sàng với thời tiết thiên nhiên bất cứ lúc nào.
Áo bông tôi cởi
quẩy lên vai trần
mùa thay áo đổi .
Mùa thu trở về cũng thật nhanh chóng chỉ bằng cái thoáng qua của làn gió thu.
Đỏ bừng
mặt trời nóng bỏng
nhưng rồi thu phong.
Trong cái nóng bỏng của mặt trời đỏ bừng vào mùa hè mà xuất hiện cơn gió thu (thu phong) làm mát cả bầu trời. Thời gian trôi qua trong ngỡ ngàng
Đã rơi năm nào
tuyết mà ta ngắm
bây giờ lại rơi ?
Mùa đông về bằng những cơn mưa tuyết trắng xóa cả bầu trời. Basho cảm nhận thời gian bằng tình cảm thiên nhiên ngay trong lòng thiên nhiên.
Những khúc ca giao mùa trong thơ haiku Basho là những bức tranh tuyệt mỹ của thời gian được Basho vẽ nên bằng câu chữ.
Basho cảm nhận được tình cảm của thiên nhiên trong những lần tiễn đưa.
Mùa thu ở Kiso
người tiễn đưa ta
ta tiễn đưa người.
Đứng trước khí trời mùa thu, Basho nhớ lại mùa này năm xưa có cuộc tiễn đưa nhưng không phải để bi lụy mà để nhớ rằng một mùa thu nữa mà nhà thơ vẫn còn rong ruổi. Trong mùa thu có chứa cuộc chia tay của nhà thơ với bè bạn người thân. Dường như hình ảnh người ra đi và người ở lại trong những lần tiễn đưa không có sự phân biệt. Cả hai cùng đi theo vòng xoay của vũ trụ. Vì vậy, hình ảnh thiên nhiên luôn luôn hiện diện trong các cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến của nhà thơ.
Ngọn lúa nào
trong ngón tay bíu chặt
khi từ biệt nhau.
Trên một cánh đồng có buổi chia tay trong xúc động “bíu chặt” không muốn rời.
Mùa xuân ra đi
tiếng chim thổn thức
mắt cá lệ đầy.
Nhà thơ lên đường vào một ngày xuân chim thổn thức, cá đẫm lệ tiễn đưa.
Vào một mùa thu cũng có một cuộc tiễn đưa bằng vỏ trai tách rời
Vỏ trai tách rời
chia tay cùng bạn
mùa thu ra đi.
Thiên nhiên trong thơ thấm đẫm tình cảm con người. Basho cảm nhận trong nhiên nhiên cũng có linh hồn, cũng có niềm vui nỗi buồn. Vì thế thiên nhiên đọng lại trong câu chữ là những bức tranh hữu tình. Nhưng cái tình nằm im lặng sau câu chữ. Nó hiện ra trong câu chữ ngay thời khắc mà cái gì cũng chưa mãn khai chưa toàn mỹ, nó còn bỏ ngỏ phần còn lại của đời mình. Thiên nhiên là người bạn thân thiết của nhà thơ và của mọi người. Tình cảm Basho dành cho thiên nhiên luôn luôn là ước mơ về với thiên nhiên để được giao tình thân thiết như
Cầu treo vực thẳm
những cây thường xuân
quanh đời ta quấn.

    1.3. Thiên nhiên nơi biểu hiện tình yêu quê hương, đất nước, gia đình,
                                                         bạn bè
Trên bước đường gió bụi, thiên nhiên là người bạn thân thiết nhất luôn kề vai sát cánh cùng nhà thơ. Với nhà thơ, thiên nhiên là hiện thân của cái đẹp. Cái đẹp núi, sông, cỏ cây, tuyết, trăng, hoa… thấm sâu trong lòng người bằng tình cảm thân thương nhất. Người yêu thiên nhiên bằng tình cảm chân thành của một “lữ nhân phù thế”. Thiên nhiên cũng chính là hình ảnh quê hương đất nước. Trên từng bước chân đi trong lòng thiên nhiên, trong lòng vũ trụ, thời gian trôi bằng “sứ giả” các  mùa thay nhau về ngự trị, thi nhân Basho không tránh khỏi bùi ngùi nhớ về một cái gì xa xôi trong sâu thẳm tâm hồn về một miền quê mà ông đã từng gửi thân qua cuộc đời gió bụi. Đó là nỗi nhớ quê hương không nguôi.
Nghe tiếng chim đỗ vũ
ở kinh đô
mà nhớ kinh đô.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Basho đang ở kinh đô nghe tiếng chim đỗ vũ (chim đỗ quyên) hót, lòng bâng khuâng nhớ về quê cũ vì thời gian trôi nhanh quá. Ở kinh đô này lại nhớ kinh đô xưa - kinh đô của ký ức một thời đã xa đã vĩnh viễn mất đi chỉ còn đọng lại trong nỗi nhớ khi nghe tiếng chim kêu báo hiệu mùa hè. Vì sao lại thế ?
Kinh đô bây giờ là Edo thành phố thị dân đang say sưa với nhịp sống phồn hoa đô hội. Nhiều thứ văn hóa cổ xưa dần bị mất đi thay vào đó là “văn hóa thị dân”. Cuộc sống “phù thế” làm con người chỉ biết hiện tại, quay lưng lại với thần linh xưa cũ. Trong xã hội ấy, Basho cảm thấy cô đơn lạc loài nên ông tìm về “con đường sâu thẳm” trên “những bước đường phiêu lãng”. Basho nhớ về kinh đô xưa.
Trên đường đi, nơi nào Basho từng ghé qua là nơi đó là quê hương của ông.
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
Thật vậy, Basho sinh ra ở Ueno, nhưng trong ông Edo là quê hương thứ hai. Trên hành trình từ đất khách xa xôi về thăm quê, ông ngoảnh lại thấy Edo thân thiết như quê hương mình vì ông đã từng sống ở Edo mười năm. Tình cảm này của Basho làm ta nhớ đến bài thơ Độ Tang Càn của Giả Đảo (Trung Quốc).
Khách sá Tinh Châu dĩ thập sương
Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

(Ở nhà khách Tinh Châu trải mười năm,
Hôm sớm Hàm Dương chỉ nhớ cố hương
Không biết vì sao qua bến Tang Càn nọ,
Ngoảnh lại Tinh Châu  (thấy) đã là quê hương.)
và câu thơ của Chế Lan Viên (Việt Nam) trong bài Tiếng hát con tàu
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn !
Tình yêu quê hương của các nhà thơ thật là sâu lắng mặn nồng.
Basho thoảng nghe tiếng chuông cũng tưởng đó là tiếng chuông ở ngôi đền nào đó của quê hương, không biết là đền Ueno hay đền Asakusa.
Hoa đào như áng mây xa
chuông đền Ueno vang vọng
hay đền Asakusa.
Tiếng chuông lòng lúc nào cũng vang trong ông. Tình yêu quê hương của Basho cũng thật dịu dàng mà thâm trầm sâu lắng như tiếng chuông, như “áng mây hoa” như “hương hoa” quê hương luôn luôn đẹp trong trái tim nhà thơ.
Ở cố đô Nại Lương
hoa cúc và tượng phật cổ
ngạt ngào hương.
                        (Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Tình yêu quê hương của nhà thơ mang chút màu sắc thiền tông pha với mỹ cảm truyền thống của người Nhật Bản. Nên đọng lại trong ông của sự cô đơn hư không và tiếng reo vui khi gặp cuộc sống thanh bình.
Tình yêu quê hương ẩn hiện trong niềm vui khi Basho nhìn thấy cuộc sống lao động bình dị của người nông dân.
Đi hái cải củ
cậu bé con kia
được ngồi lưng ngựa.
Đó là hình ảnh em bé sung sướng khi được “ngồi lưng ngựa”. Hay hình ảnh
Người chèo thuyền
ống điếu ngậm trong miệng
                                           gió mùa xuân lên.
Một người nông dân trên đồng
Trên đồng mùa hạ
nhìn người vác cỏ
tôi lần đường đi.
Tiếng rao người bán cá hòa điệu nên điệp khúc mùa hè.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
Hay hình ảnh của một em bé dù làm việc mệt nhọc vẫn ngắm trăng. Đó là tình yêu thiên nhiên và hướng đến với thiên nhiên.
Em bé nhọc nhằn
trong khi xay gạo
vẫn nhìn lên trăng.
Những cuộc sống bình dị, đơn sơ, cơ cực của người dân lao động nghèo trên quê hương ông đi qua đã để lại trong ông bao tình cảm mặn nồng về hình ảnh của quê hương.
Basho càng nhớ quê hương ông càng giấu kín trong thơ. Trong nỗi nhớ, Basho còn nhớ về gia đình người thân. Đó cũng là hình ảnh bé nhỏ của quê hương trong ông. Chính tình cảm ấy là sợi dây kết ông với người thân, gia đình và quê hương. Trên bước đường du hành, ông quay lại thăm quê thăm bạn bè hay nhớ họ trên đường đi
Mùa thu âm u
người hàng xóm ấy
sống như thế nào ?
Mùa thu về, nhà thơ nhớ về người hàng xóm đã bao năm xa cách không biết bây giờ người ấy sống ra sao ? Nỗi nhớ của bài thơ chỉ có thế.
Nhìn mùa xuân qua hình bóng cố nhân ở quê cũ Omi cũng đọng trong trái tim ông.  
Mùa xuân qua đi
sao cứ nhớ mãi
người ở Omi.
Nhưng có nỗi nhớ thâm trầm sâu lắng vào mùa thu, ông về thăm quê và hay tin người mẹ kính yêu đã qua đời. Gió bụi như ngừng thổi trong ông.
Lệ trào nóng hổi
trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
Những giọt lệ nóng hổi của đứa con tha phương nay trở về rơi xuống bàn tay đang cầm một mớ tóc bạc - kỷ vật người mẹ hiền để lại - của người mẹ đã khuất, đọng lại như những giọt sương thu. Chẳng biết “sương thu” là vì nước mắt đọng trên mái tóc nhuộm màu sương của mẹ, hay nước mắt người con như sương mùa thu, hay cuộc đời như giọt sương thu sớm tan trong nắng gió cuộc đời. Sương thu là hình ảnh thiên nhiên đất trời. Mẹ mất đi như sương thu tan vào đất trời. Trong thiên nhiên đất trời có mẹ, mẹ mênh mông, bao la như thiên nhiên đất trời trong lòng nhà thơ.
Bao nhiêu tình yêu đọng lại trong lòng nhà thơ bằng nỗi nhớ thăm thẳm sâu. Ngoảnh nhìn lại mình Basho cảm thấy mình già trước cuộc đời phù thế.
Trong mùa thu này
ta già biết mấy
ôi chim và mây.
Basho thấy mình đã già nhưng những giấc mơ rong ruổi theo chim và mây vẫn còn đó. Ước vọng ông trao cho cây liễu. Vì nhà thơ đã tìm thấy niềm vui, sự thanh thản khi kết bạn cùng cây liễu. Còn những bận bịu của cuộc sống (niềm vui và nỗi buồn), nhà thơ quên đi.
Trao cho cây liễu
mọi điều ước vọng
mọi điều chán chê.
Basho không nói mình cô đơn nhưng lại nói giọt sương cô đơn. Vì giọt sương nó rời rạc, ngắn ngủi sớm tan biến vào đất trời. Nó không giống giọt mưa liên kết thành dòng chảy. Dù thế nào đi nữa giọt sương vẫn cô đơn. Qua đó, ta vẫn thấy nỗi “cô đơn” của nhà thơ khi nhìn thấy sự cô đơn của giọt sương.
Không bao giờ quên
mùi vị cô đơn
của giọt sương trắng.
Dù Basho ngầm hiểu sự cô đơn, già nua của mình nhưng với ông đó chỉ là “vô thường” của vũ trụ. Ông ung dung về nó vì
Làng chuông không ngân
biết làm chi nhỉ
những chiều mùa xuân.
Basho sinh ra là để gắn với haiku gắn với “lữ nhân phù thế” nên ông càng phải đi để thực hiện ước vọng bay cùng chim và mây. Đến những đồng cỏ đầy hoa
Vương trái tim tôi
ngang con đường núi
đồng thảo nở hoa tươi.

    1.4. Thiên nhiên của tấm lòng thương cảm
Trên bước đường phiêu lãng, Basho đi qua nhiều nơi, “từ những đô thị ồn ào náo nhiệt của những người thị dân… đến những cánh đồng khô cằn, những làng quê xơ xác của những người nông dân cơ cực đói nghèo”[8, trang 326]. Basho tận mắt nhìn thấy mọi thảm cảnh diễn ra ngay trước mắt mình. Ông ghi lại một cách lặng lẽ các sự việc vào những bài thơ haiku dung dị quen thuộc. Trong thơ ông có đủ hình ảnh của những kiếp người đau khổ, lầm than như: từ những người nông dân lam lũ, em bé nghèo sớm gặp bất hạnh, những người đánh cá, những cô gái bán thân, những người lính bỏ thây nơi chiến địa, cho đến những người bạn yêu thơ yểu mệnh…
Trong một lần đi ngang qua một khu rừng vắng, Basho thấy một chú khỉ đứng co ro run lên vì lạnh trong mưa mùa đông. Trước cảnh đó, Basho ước gì có ngay một chiếc áo mưa cho chú khỉ bớt lạnh.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Hình ảnh “một chú khỉ đơn độc” làm ta liên tưởng đến hình ảnh người nông dân, những em bé nghèo đứng co ro, run rẩy trong những cơn mưa giá lạnh. Bài thơ là tấm lòng thương cảm vô vàn của nhà thơ đối với những người cùng khổ và cả cỏ cây muông thú. Basho mượn hình ảnh của thiên nhiên để nói lên số phận của con người.
Trong tuyết ban mai
đôi mắt ta nhìn cả
những con ngựa gầy.
Cuộc sống nghèo khổ, người nông dân phải lao động vất vả từ những sớm ban mai trong tuyết giá rét với “những con ngựa gầy”. Hình ảnh “ngựa gầy” liên tưởng đến người lao động nghèo khổ gầy gò.
Hay người lao động nghèo phải làm việc vất vả trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè nóng bức. Đó là những nguời bán cá cứ rao mãi trong ngày hè hòa vào tiếng chim cu tạo thành điệp khúc mùa hè.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
Lại một lần khác, khi đi ngang qua cánh rừng, Basho nghe tiếng vượn hú. Lòng nhà thơ gợi lên niềm thương cảm và nhớ đến tiếng khóc não lòng của một em bé bị bỏ rơi trong rừng. Lòng ông tái tê hay “gió mùa thu tái tê” ?
Vượn hú não nề
hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ?
gió mùa thu tái tê.
                                                                 (Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Tiếng vượn hú trong thơ Basho khác hẳn với tiếng vượn hú của Lí Bạch “Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận” (Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt), hay tiếng vượn trong thơ Đỗ Phủ “Phong cấp thiên cao viên khiếu ai” (gió gấp, trời cao vượn nỉ non). Đó chỉ là tiếng vượn gợi lên nỗi buồn mơ hồ trống rỗng. Còn Basho là cả một tấm lòng thương cảm với những đứa trẻ bị vỏ rơi trong rừmg. Những đứa trẻ đó gọi là “mabiku” (tỉa bớt). Ngày xưa Nhật Bản trong những năm đói khổ, mất mùa, những gia đình nông dân nghèo đông con không nuôi nổi chúng, phải đem chúng bỏ vào rừng. Có khi, người ta còn giết cả những đứa trẻ sơ sinh.
Tình thương trẻ thơ của Basho thật mênh mông sâu thẳm. Có những khi đi ngang khu rừng nghe mưa đá rơi ông gọi bọn trẻ (tỉa bớt) tránh mưa.
Xem kìa bé ơi
hãy chạy nhanh đến
mưa đá đang rơi !
Những đứa trẻ đoản mệnh ấy còn quá nhỏ có biết mưa đá là gì đâu ? Basho dành cho chúng cả tấm lòng từ bi vô tận. Tình yêu trẻ thơ của Basho cũng giống thi hào Nguyễn Du (Việt Nam) trong bài Văn chiêu hồn.
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.

Tình thương người của Basho thật bao la. Có lần Basho trọ chung quán với các du nữ. Nghe lời tâm sự của họ, niềm bi cảm trong lòng ông nổi lên nỗi xót thương cao cả. Ông đặt các du nữ bên cạnh trăng và hoa thu.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
                        (Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Cùng dòng cảm xúc với ông, nhà thơ Busson cũng có bài viết về các du nữ đáng thương
Hoa mơ tưng bừng
bên lầu, du nữ
mua sắm đai lưng.
Trong mắt Basho các du nữ, trăng, hoa thu đều tồn tại trong một vũ trụ thuần khiết không có phân biệt. Cả ba đều có sự giống như nhau trong “vô thường”. Với Busson các du nữ cũng như mùa xuân, cũng trau chuốt cho mình. Hoa mơ và du nữ cùng tắm trong trời mùa xuân. Cuộc đời các du nữ chỉ là những kiếp lỡ làng nhưng sẽ đẹp như trăng như hoa thu, hoa mơ và như mùa xuân. Trong mắt Basho, những gì tồn tại trong vũ trụ này đều đẹp.
Lòng thương cảm Basho còn dành cho cả những chiến binh gục ngã rồi mà “giấc mộng vẫn chưa thành”. Đó là những người lính chiến đã hi sinh nhưng giấc mộng được hạnh phúc lúc còn sống vẫn chưa thực hiện được. Nay sau khi đã chết rồi, họ vẫn còn ôm giấc mộng ấy bằng linh hồn từ cõi chết. Họ chết vì chiến tranh phi nghĩa. Còn người đời quá vô tình như chỉ trong một giấc mộng ngắn hơn cả giấc ngủ mà “cỏ mùa hạ ngút xanh”. Thiên nhiên, cỏ cây cũng vội vàng lãng quên. Cuộc sống này là vô thường. Mọi thứ rồi sẽ qua đi, biến đổi theo thời gian.   
Những chiến binh ngã xuống
giấc mộng chưa thành
cỏ mùa hạ ngút xanh.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Và đây là cảnh một gia đình đi viếng mộ người thân. Cả gia đình tóc đều bạc, phải chống gậy đi. Hẳn là người mất còn trẻ lắm. Basho cảm thômg cùng họ bằng niềm xúc động của “kẻ đầu bạc khóc người đầu xanh”.
Chống gậy đưa chân
cả gia đình bạc tóc
đi viếng mộ người thân.
Trong một buổi chiều rét Basho gặp con nhạn ốm đau rơi, lòng ông đầy thương cảm như đấy là một “lữ khách nào”. Tình thương ông dành cho cả những kiếp người tha phương.
Con nhạn ốm đau
rơi trong chiều rét
ôi lữ khách nào.
Một người bạn nhà thơ đã mất như “lá ngô đồng rơi”, làm động lại bao nỗi buồn trong nhà thơ. Vì nhà thơ cứ chờ đợi nhưng chẳng thấy bạn đâu ? Càng thấm thía nỗi buồn tan thương vì cái chết đến với con người, nhưng Basho chỉ xem như “lá ngô đồng rơi” như “trăng rụng”.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
Người bạn nhà thơ đã mất như “trăng rụng”. Chỉ còn lại bốn góc bàn quen thuộc nơi người ấy vẫn ngồi. Sự sống và cái chết đều ở thế giới vô thường trong vòng xoay vũ trụ. Đó là cảm thức bi cảm của aware. Basho trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc ấy là mong manh và ngắn ngủi bằng cả tình thương và nỗi nhớ khôn nguôi. Tấm lòng từ bi bao la của Basho, tình thương của người với nhân thế mãi mãi vẫn ngưng đọng trong lòng người yêu thơ. Dù những bi ai mà Basho gặp trong đời đã qua rồi như
Vầng trăng tan nhanh
giọt mưa còn đọng
đó đây trên cành.
Giọt nước mắt thương người, thương đời của thiền sư Basho cứ rơi mãi như mưa dù hết rơi vẫn còn ngưng đọng trong từng câu chữ. Nên thơ haiku của Basho nó trầm lặng, sâu lắng thiết tha trong bí ẩn mơ hồ…
Tóm lại, Basho thật sự là nhà thơ của tình yêu thương. Những bài thơ haiku của ông không chỉ là thơ của thiên nhiên mà nó còn là thơ về tình yêu thương về lòng con người. Hình ảnh trong thơ chất chứa những nỗi niềm bi ai sâu lắng. Thiên nhiên còn là nơi của những tấm lòng thương cảm thiết tha mà Basho dành cho người, cho đời.

2. Thiên nhiên trong thơ Basho nhuốm màu thiền (zen)
Văn hóa Nhật Bản thấm đẫm tinh thần Thiền tông. Văn học Nhật cũng chụi ảnh hưởng rất nhiều của thiền, có thể nói theo một khía cạnh nào đó thì văn học Nhật Bản dựa trên trực ngôn cảm tính của thiền. Nó không nhấn vào văn tự như một công cụ nên nhiều khi cũng không cần trau chuốt mà cái đẹp toát lên rất tự nhiên.
Văn học Nhật Bản dựa trên nền của thiền nên rất khó đối với người cảm nhận. Đôi lúc đối diện với tác phẩm người ta có thể cảm nhận mà không thể giải thích được. Văn học Nhật Bản cũng thấm đẫm mỹ cảm Nhật Bản nên đòi hỏi người cảm thụ đôi lúc phải vượt ra khỏi bản ngã của mình, thoát khỏi tư duy lý tính, tiếp nhận bằng cái tâm cảm hóa tinh tế sâu sắc và lòng rộng lượng.
Thơ Basho cũng thế, nó là sự kết hợp của truyền thống Thần đạo và Thiền tông thông qua mỹ cảm Nhật Bản. Thơ Basho luôn phảng  phất hương vị thiền. Đặc biệt là thiên nhiên. Các hình ảnh thiên nhiên trong thơ Basho nhuốm màu Thiền đậm nét nên thoáng đôi lúc ta thấy nó toát lên vẻ đẹp tự nhiên không ngờ.

    2.1. Quan niệm về “Thiền” của người Nhật
Đối với người Nhật, “Thiền sẽ giúp họ thấu đạt được ý nghĩa của hiện hữu họ đang sống” [14, trang 226]. Những người tu thiền luôn nuôi khát vọng thấu đạt những mãnh lực kì bí của thiền. Nếu chúng ta tìm câu trả lời cho “Thiền là gì ?” một cách đầy đủ và trọn vẹn là chúng ta đã vi phạm tinh thần của thiền. Hay nói khác đó là “phi Thiền”. Bản chất của Thiền là nằm ngoài các định nghĩa, các khái niệm và cả giải thích. Thiền có khái niệm nhưng không mô tả hoàn chỉnh bằng lời. Ta chỉ biết đó là một trạng thái tĩnh tâm, một cách tu để thấu đạt giáo lí Phật giáo.
Người Nhật quan niệm về Thiền: đó là cái “hư không” tức không có gì mà có tất cả, có tất cả cũng có nghĩa là không có gì, tức “phi hữu diệc phi không” (chẳng phải có cũng chẳng phải là không).
Cốt lõi của thiền là cái ta chỉ có thể cảm nhận bắng tâm thức tức bằng cảm giác yên tĩnh tinh thần, thanh thản trong tâm hồn. Nó là sự “giác ngộ”.
Để diễn đạt Thiền nhà họa sĩ dùng nét vẽ như vòng tròn Enso thường thấy trong các bức thư họa Nhật Bản chẳng hạn. Chỉ một vòng tròn thôi, nhưng bằng cảm nhận của Thiền người ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Hay một võ sĩ chỉ có thể biểu diễn Thiền bằng một “đường kiếm”. Hay một nhà thơ thể hiện tinh thần Thiền bằng một bài thơ chẳng hạn.
Thơ haiku Basho thấm đậm chất Thiền. Khi đọc tác phẩm ta nên dùng  thế giới tâm linh cảm nhận chứ đừng cố tìm lời phân tích lí giải bằng lí trí sẽ sai nguyên tắc và lạc hướng của Thiền.
Vậy, Thiền là một cảm nhận bằng tâm linh và truyền đạt nó bằng tâm linh không lí giải. Đó là sự im lặng, tĩnh tâm.

    2.2. Hương vị “thiền” trong thiên nhiên thơ Basho
Thơ Haiku được xem là thơ thiền chứa “quý ngữ” (từ ngữ báo hiệu mùa). Basho luôn thể hiện một tinh thần Zen kết hợp thâm sâu với mỹ cảm Nhật Bản trong từng bài thơ haiku. Trên bước đường lữ khách, hành trang mang theo của thiền sư Basho là chiếc nón lá, cây trượng và một cái đẫy… Basho du hành trên khắp đất nước Mặt trời mọc. Vào một buổi chiều kia, hoàng hôn đang dần buông mình về phía bóng tối xa xăm. Basho gặp một hình ảnh của vũ trụ.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
Trên cành cây trụi lá hiu hắt có một cánh quạ cô đơn đậu yên bất động trong bóng chiều tàn dần đi về phía thâm u. Bài thơ gợi cho ta một khung cảnh tịch liêu, một cảm thức wabi của bức họa đơn sắc, nghèo nàn màu sắc. Chỉ là một màu tối xám. Nhưng nó lại cuốn ta vào thế giới sabi của u huyền và cô tịch của “vô thường”. Con quạ, cành cây, tiết trời chiều thu và cả vũ trụ yên lặng như trạng thái của Thiền. Nhưng thật ra tất cả đang vận động cùng thời gian, cùng tiết trời, chìm vào hoàng hôn, và vận động bao la cùng thế giới này. Chỉ một nét màu đơn sắc thôi, cánh quạ là thời gian và là cả vũ trụ đất trời. Basho vẽ nên bức tranh bằng trạng thái của Thiền và cảm được cảnh vật tự nhiên bằng tâm của Thiền. Thiền sư thấy được sự cô tịch và lắng nghe âm thanh của bước đi thời gian qua trên cánh quạ trong vũ trụ vô thường.
Vào những buổi chiều tàn, nhìn từng đàn chim từ phương xa vội vàng bay về tổ, người lữ khách không sao tránh khỏi phút giây chạnh lòng bâng khuâng nhớ mơ hồ và nhìn lại mình. Nỗi u ẩn hiện về, chợt lữ khách nghe tiếng chuông chùa xa xa vang vọng lại như phảng phất đâu đây một mùi hương của Thiền làm cõi lòng nhẹ nhàng hơn.
Tiếng chuông chùa tan
hương hoa đào buổi tối
như còn ngân vang.
Hoàng hôn là  lúc gợi niềm cô liêu nơi sâu thẳm tâm hồn. Là nỗi nhớ quê vời vợi trong lòng người xa xứ của ca dao Việt Nam.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Cả tiếng chuông và hương hoa đều gợi lên cảm thức về Thiền. Nó vừa có lại vừa không “như còn ngân vang”. Chỉ là tiếng vang vọng cảm nhận được trong lòng nhà thơ về âm thanh của dư ba. Hay những sáng tinh sương thấy sương mù và nghe đâu đó tiếng chuông đang trôi trong sương
Rạng sáng
trôi trong sương
tiếng chuông.
Tiếng chuông trở thành âm thanh của chút mùi Thiền vị. Còn hương hoa cũng vậy. Hoa đào báo hiệu mùa xuân về nhưng cũng tiễn một mùa xuân qua. Thời gian là “hư không”. Hương hoa hay hoa cũng là hiện thân của Thiền ý.
Đêm xuân phai nhòa
và rạng đông đến
trên cành đào hoa.

Thơ Basho mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa khác nhau nhưng có điểm chung là hiện thân của “vô thường”.
Nhiều chuyện
làm nhớ lại
những cánh hoa đào.
Hoa đào làm cho người Nhật nhớ lại bao mùa hoa anh đào đã trôi qua trong quá khứ. Điều này tựa như người Việt Nam mỗi lần nhìn hoa phượng đều hồi tưởng lại thời tuổi ngọc - tuổi học trò - đã trôi qua với bao kỉ niệm không bao giờ quay trở lại
Sao hoa phượng nở trong màu máu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
(Hàn Mạc Tử)
Hoa anh đào đẹp với bao ý nghĩa nhưng rồi cũng hư vô. Nó là hiện thân của sự “vô thường” trong cuộc đời. Ta nhận ra điều này từ lòng ta là do Thiền ý. Những ân thanh của im lặng ta cảm nhận được là do Thiền. Ta tự đặt mình vào thế giới của “chân không”   tĩnh tại mà nghe tiếng ve.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyến vào đá
trong cõi quạnh hiu.
Âm thanh sắc, mạnh của tiếng ve như xuyên thủng mọi lớp thời gian đi thẳng vào cõi quạnh hiu, tịch liêu nào đó trong chân không, cõi quạnh hiu đó là cõi “hư không”, “hư ảo” nhưng tâm thiền của ta cảm được.
Thiên nhiên trong tinh thần Zen chỉ là âm thanh của im lặng, sắc đẹp của vô thường, hình bóng của hư vô… tất cả đều không có. Ngay trong những cuộc tiễn đưa Thiền không làm cho người ta để lộ cảm xúc bên ngoài. Tâm hồn trở về với vô ngã.
Mùa thu ở Kiso
người tiễn đưa ta
ta tiễn đưa người.
Chỉ khi nào thấm nhuần ý niệm về Thiền thì từng bài thơ một mới có hương Thiền. Basho người sống bằng “Thiền” nên thơ của ông tắm giữa biển Thiền. Ý nghĩa trong thơ cũng bao la vô tận, có có không không tùy người đọc cảm nhận. Chỉ biết có một điều là hương Thiền luôn phản phất đâu đó trong từng bài thơ “ai muốn hiểu đến nơi đến chốn bài thơ, kẻ ấy hẳn phải sang thế giới bên kia để hội ngộ cùng Thầy, nhờ chính Thầy giảng giúp” [14, trang 278].
Hương vị “Thiền” trong thơ Basho là thế đó. Nó nằm sát bên cạnh từng câu chữ, từng hình ảnh, từng âm thanh… ta chỉ có thể cảm nhận trầm tư bằng tâm sự phảng phất của hương Thiền làm lòng ta thanh thản, rộng mở như tác giả “Basho là một người thanh thản tắm trong biển thiền. Mỗi vần thơ ông viết đều ngát hương thiền vị” [5, trang 170].

    2.3. So sánh thơ “thiền” trong Basho với thơ “thiền” Việt Nam
Thơ thiền là “kệ”. Tiếng Phạn gọi là “gà thà”. Thơ thiền phát triển mạnh ở Trung Quốc thời nhà Đường. Sang Nhật Bản, thơ thiền mạnh ở thể thơ haiku thế kỉ XIX. Ở Việt nam thơ thiền phát triển ở thời Lý-Trần dưới hình thức thơ Đường luật (Trung Quốc). Thơ thiền có những đặc điểm sau:
Lời thơ mộc mạc hòa vào thiên nhiên
Tĩnh thức trước luật vô thường
Tha thiết với sự cô liêu trật tự và màu nhiệm của thế giới (giác ngộ và trở về với thế tục)
Cấp độ khác, thơ Thiền có thể mô tả các biến cố trực tiếp chỉ thẳng vào chân lí thâm sâu
Bừng mở tâm ra khỏi thói quen thụ cảm sự vật theo cách thông thường.
Từ trên, ta thấy thơ thiền trong thơ Basho và thơ thiền việt Nam đều ảnh hưởng thơ thiền từ Trung Quốc. Thơ thiền theo chân đạo Phật chủ yếu là Thiền tông với vai trò là tôn giáo đến các nước, dần thấm sâu vào cảm nhận của người tiếp nhận và thơ thiền ở các nước ra đời.
Thơ thiền của thơ Basho và thơ thiền ở Việt Nam đều thể hiện được bản chất của thiền. Đó là một thế giới vô biên, vô hạn định. Trong thơ thiền không có không gian và thời gian giới hạn. Chỉ làm đều giản dị nhất là kéo ta về với ta trong tâm thanh tịnh và giác ngộ.
Trong bài thơ của Basho, có một cánh quạ cô độc giữa một thế giới tịch liêu là hình ảnh của đặc điểm thơ thiền thể hiện bản chất thiền.
Trên cành khô
cánh quạ đậu
chiều thu.
Cánh quạ im lìm trôi vào vũ  trụ hoàng hôn. Nếu ta đặt mình vào trạng thái tâm thanh tịnh sẽ cảm nhận được ý thiền trong thơ cũng như cảm nhận được chính mình và cánh quạ cùng sống trong vũ trụ và trôi theo vòng biến đổi của vũ trụ. Tất cả không giới hạn. Là “vô thường”. Là thế giới “chân không”. Đôi lúc thiền cũng là thế giới của lạc quan trước vô thường
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua một nhành mai nở trước sân.)
(Mãn Giác Thiền Sư)
Hoa tàn hoa nở như là luật “vô thường”. Cuộc sống là vô thường ta nên bình tâm đón nhận, rộng mở, tỉnh thức trước vô thường. Sự sống sẽ hồi sinh. Niềm lạc quan này cũng làm Basho reo vui trước một bông hoa vừa mới nở.
Ôi đóa hoa nazuna
đôi mắt tôi nhìn kỹ
bên hàng giậu nở hoa.
Lời thơ cũng như các hình ảnh trong thơ thiền đều mộc mạc đơn sơ, giản dị hòa vào cùng thiên nhiên của đất trời. Từ ngọn núi, dòng thác… đến hạt cát, hạt bụi… Từ trăng, hoa…đến con bướm, con chim, con chuột, con ếch… được đưa vào thơ thiền một cách hồn nhiên dung dị trong bản ngã thiền. Basho thì thầm với bướm với chim, cỏ cây…
Dậy đi thôi
cùng ta kết bạn
cánh bướm ngủ say ơi !
Hay:
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa nào mới nở
bên trời mùa thu.
Thơ thiền Việt Nam những hình ảnh dung dị chan hòa trong thơ

“Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

(Thịnh suy  như giọt sương đọng trên ngọn cỏ)
(Sư Vạn Hạnh)
hay:
“Tịch tịch Lăng Già  nguyệt
không không độ hải chu”

(lặng lẽ như núi Lăng Già
hư không tựa con thuyền vượt biển)
(Lâm Khu)
hay:
“Tác hữu trần sa hữu”

(Bảo là có thì hạt cát, mảy bụi đều có”
(Từ Đạo Hạnh)
Các ý thơ trên  thể hiện ý niệm “chúng sinh bình đẳng” và thế giới của sự vô thường. Vạn vật có mối tương hòa giao cảm theo ý niệm của thiền.

Thơ thiền của Basho với thơ thiền Việt Nam thời Lý-Trần còn giống nhau ở cái vắng lặng, đơn sơ, hiu hắt. Đó là “nỗi buồn” và “cô đơn”.
Tiếng hạc vang trời
và tàu lá chuối
trở thành tả tơi.
Basho  
                                Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh thức tức vị thùy đa
Huyền Quang
(Đêm gió thu sực động bức rèm
Nhà ở núi đìu hiu gối vào lùm dây leo xanh biếc
Thôi rồi, lòng ta đã hoàn toàn yên tĩnh
Tiếng dế vì ai vẫn kêu rỉ rả mãi.)
Cảm thức sabi cũng ẩn hiện trong thơ Huyền Quang. “Thiền” là trạng thái cần tập trung cao độ, đưa tâm tưởng của bản ngã vào cái “tịch lặng”, vô biên trống vắng vô hạn để giải thoát tâm linh. Nơi đó là không gian lý tưởng để trầm tư. Khi giác ngộ thiền cũng là lúc không còn cảm thấy cô đơn mà chỉ còn một niềm an lạc vô hạn.
Điều giống nhau nữa là thơ thiền tìm về sự an nhiên tự tại. Dù các nhà thơ có đạt đến cảnh giới giác ngộ nhưng trong thơ vẫn còn thoang thoảng tồn tại một niềm cô đơn sâu thẳm. Các nhà thơ đều hướng về thiên nhiên, quên đi tất cả , tìm niềm vui ở thiên nhiên.
Lang thang đồng nội
để cho mưa gió
thấm vào hồn tôi.
Basho
Đôi lúc là sự khắc khoải về cõi người.
Năm rồi năm
trên bộ mặt khỉ
mặt nạ khỉ mang.
Basho

“Nghĩ khí chẳng đồng đành khác cảnh”
Huyền Quang
Trong thơ thiền ta còn tìm thấy karumi tức một trạng thái nhẹ nhàng, thư thái, tìm thấy sự siêu thoát tinh thần sống giữa cuộc đời “nhân thế”
Dưới cây lao xao
chén canh đĩa cá
đều vương hoa đào
Basho
Sự lẫn lộn giữa cuộc sống trần thế, hay sự lẫn lộn giữa mộng thực, trần tục- thần linh làm toát lên vẻ đẹp ánh sáng và cát bụi.
Chẳng  thắp thêm hương, lò đã tắt
Giảng cùng chú tiểu mấy chương kinh
Tay tiêu tay mõ, “lão tăng bận”
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình.
Huyền Quang
Đó là biểu hiện của “cư trần lạc đạo”, nét đặc sắc của thơ thiền Lý-Trần. Thơ thiền cùng tìm kiếm sự bao dung giữa đạo và đời.
Thơ thiền cũng bộc lộ trái tim nhân hậu giàu tình thương người, chúng sinh thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên chứa đựng những tấm lòng thương cảm của thiền sư Basho. Còn thơ thiền Việt Nam qua các bài Xuân nhật tức sự, Giai nhân tức sự (Huyền Quang)
Cảm hứng thơ thiền chủ yếu là cảm hứng khoáng đạt của nhà thơ trước thiên nhiên tạo vật.
Điểm khác trong thơ thiền của Basho và thơ thiền Việt Nam là ở hình thức và cách thức thể hiện. Basho thể hiện chất Thiền trong thơ bằng thể haiku ngắn gọn có ba dòng.
Bướm chim nào biết đâu
một bông hoa mới nở
bên trời mùa thu.
Còn thơ thiền Việt Nam thể hiện bằng thể thơ Đường luật, ngắn nhất là bốn câu như bài Thị đệ tử (Bảo đệ tử) sau
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Thân người như bóng chớp, có rồi lại không
Cây cối mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo
Tu đến bậc “nhậm vận” thì không sợ hãi vì sự thay đổi thịnh và suy
Thịnh suy như giọt sương đọng trên ngọn cỏ.)
(Sư Vạn Hạnh)
Nhưng cả hai thể thơ có điểm chung là những thể thơ ngắn nhất và hàm xúc cao độ. Bài thơ của Basho im lặng hơn là nói. Người đọc tự nghiệm ra chất thiền ẩn chứa trong từng câu chữ, hình ảnh chi tiết… qua đó nhận ra ý nghĩa của bài thơ. Bài thơ trên, bướm chim có cuộc sống dài hơn hoa. Trong cuộc sống hoa nở, bướm chim kéo về. Nhưng nay có một bông hoa mới nở trong trời thu mà bướm chim chưa hay ? Cái đẹp sự sống lại về. Bướm chim hãy mau tìm đến với hoa. Hoa cũng “hư ảo”. Ta phải biết và nắm lấy sự sống dù đó là sự sống hư vô của hoa, bướm, chim. Đôi lúc người ta cũng bỏ quên những gì quanh mình là sự sống của mình. Chỉ một khoảnh khắc nhỏ nhoi nói lên cuộc sống, cái đẹp là “vô thường”. Bài thơ còn nhiều ý nghĩa khác nữa tùy người đọc cảm nhận. Vậy ở thiền sư Basho, thơ có sự hòa hợp giữa thiền và thi trong cảm thức thẩm mỹ độc đáo của karumi và sabi mang tính siêu thoát.
Thơ thiền Việt Nam các thiền sư tìm cách lý giải về “đạo” hay “sự sống” bằng tâm thiền của mình. Ý nghĩa biểu hiện trực diện hơn. Hay nói cách khác thơ Thiền Việt Nam gần với “kệ” hơn. Chủ yếu dùng để truyền tâm pháp giáo lý, kinh nghiệm cho đệ tử. Bài thơ Thị đệ tử của sư Vạn Hạnh nói về đời người như bóng chớp. Sự sống như giọt sương đọng trên ngọn cỏ. Tất cả rồi sẽ sớm tan biến vào không khí đất trời. Trời đất sinh ra là thế. Thế giới này là vô thường.
Hay một bài thơ Hữu không (Có không) của sư Từ Đạo Hạnh
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không

(Bảo là “có” thì hạt cát, mảy bụi đều có
cho là “không” thì hết thảy đều là không
“có” với  “không” như ánh trăng dưới nước
đừng có bám hẳn vào cái “có ” và cũng đừng cho cái “không” là không.)
Tóm lại, thơ thiền của Basho và thơ thiền Việt Nam thời Lý-Trần là hai dòng thơ thiền cách nhau gần bốn thế kỉ mà có nhiều điểm tương đồng trong cốt lõi của thiền. Nhưng cũng có điểm khác nhau về hình thức và cách thể hiện. Thơ thiền Basho cô đọng về hình thức và im lặng về ý nghĩa so với thơ thiền Việt Nam là thể thơ Đường luật bộc lộ cảm nghiệm thiền của các nhà sư bằng đạo của mình. Vì vậy, thơ thiền của Basho mang bản chất thiền nhưng cốt lõi của nó đậm đà chất Nhật Bản.
3. Thiên nhiên trong thơ Basho mang tính triết lí sâu sắc
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Basho không chỉ tươi đẹp, trữ tình,
phảng phất hương thiền mà nó còn ẩn chứa những triết lí nhân sinh sâu sắc. Basho là thi sĩ vĩ đại của thiên nhiên. Ông không chỉ sáng tạo ra những câu thơ tuyệt đẹp mà còn là người dẫn “đạo” trở về với thiên nhiên về với cội rễ, nguồn mạch của sự sống con người. Tình yêu thiên nhiên trong thơ Basho thể hiện bên cạnh những mỹ cảm thông thường là cả một sự minh triết - triết lí về những quy luật của cuộc sống. Trong đó con người và thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trong vũ trụ này.
Tính triết lí trong thơ Basho kế thừa và phát huy từ thơ ca truyền thống. Truyền thống văn chương Nhật thấm đậm mỹ cảm Nhật Bản. Người Nhật ưa chuộng cái đẹp. Cái đẹp luôn làm tiêu chí cho thơ ca yêu mến. Thơ ca là chiếc gương soi để thiên nhiên soi vào thể hiện cái đẹp ở mỗi cung bậc của nó trong chiếc gương ấy, trong đôi mắt nhà thơ và mỹ cảm người đọc. Cuộc sống người Nhật cũng thấm thiên nhiên. Thiên nhiên lại ẩn chứa bao triết lí sâu sắc về cuộc sống. Cuộc sống lại bắt đầu từ những gì bình thường nhất, đơn sơ mộc mạc nhất.
Bài ca khởi đầu
bài ca người trồng lúa
từ miền quê thâm sâu.
Thơ ca Basho bắt nguồn từ cuộc sống nên nó sẽ tưới mát cho cuộc sống. Trong cuộc sống ấy, cuộc sống của một sinh vật nhỏ bé cũng là cuộc sống của con người vì trong vũ trụ này vạn vật đồng nhất thể. Chi tiết này cũng là một triết lí của Thiền tông.
 Như các nhà văn thơ khác, Basho cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn minh văn học lớn của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ...
Từ nhỏ Basho đã học cổ văn Trung Quốc, lớn lên lại tu Thiền nên ít nhiều chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc cụ thể là bài thơ sau
 Em là bướm ư
 ta là giấc mộng
 trong hồn Trang Chu.
Basho lấy giấc mộng Trang Chu (Trung Quốc) để đưa vào thơ mình. Trung Quốc cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ từ đạo Phật. Vì thế, Basho tu Thiền tông từ Trung Quốc có nghĩa là ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ chăng ?
Vậy, tính chất triết lí trong thơ Basho kết hợp từ tính triết lí truyền thống trong thơ ca Nhật với tính triết lí trong văn hóa văn học các nước mà Nhật Bản tiếp thu.
Tính triết lí của nhà thơ thiền thật sâu lắng. Ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm linh thật sâu sắc nhưng ta lại khó giải thích, lí giải cặn kẽ bằng lời. Nó như tư thế ngồi thiền vậy. Chúng ta hiểu trong trạng thái “đạt ngộ”. Tâm hồn ta đang u tối bổng một chốc ánh lên, lóe sáng bừng tỉnh tâm hồn. Bài thơ con ếch là một minh chứng
Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao.
Basho lấy cái động để tả cái tĩnh, cảm nhận cái tức thời trong cái vĩnh hằng. “Ao cũ” là ao tù chết, sáo mòn, cũ kĩ, phẳng lặng như vừa trải qua một mùa đông băng giá. “Nó không nằm ở đâu cả và đồng thời nằm trong Basho trong chúng ta. Nó cũ nghìn xưa đồng thời có mặt ngay bây giờ bởi vì nó là thiên nhiên” [5, trang 176]. “Con ếch nhảy vào” lăn xả vào, lao vào trong ao gây ra tiếng động. Con ếch đánh thức vũ trụ bằng bước nhảy của mình. Đánh thức cái ao tù im lặng nghìn thu ! “Con ếch” là biểu tượng của mùa xuân, mùa của tuổi trẻ, của niềm vui, của hạnh phúc. Nếu ta cứ phẳng lặng ngủ yên trong cái ao cũ, sẽ không thoát khỏi buồn chán mà ta hãy bắt tay vào hành động, hãy nhảy vào cuộc sống cuộc đời của mình. Ta thổi vào cho nó nguồn sinh khí và sự sống. Nó sẽ tưng bừng sôi động, vang xa, tức ta làm cho cuộc đời đầy ý nghĩa. Cuộc sống của ta mới có ý nghĩa như mùa xuân làm cho cuộc sống hồi sinh xao động cả vũ trụ đang im lìm ngủ sau một mùa đông dài.
Trong cuộc sống “ta nhỏ nhoi như con ếch và ta là con ếch đang nhảy vào cuộc sống, đồng thời ta là chiếc ao cũ và là tiếng vang của chính ta là tiếng vang của vũ trụ [5, trang 176]. Ta phải chủ động với cuộc sống của mình. Bài thơ thật nhỏ nhoi gọn gàng trong ba câu nhưng hàm chứa ý nghĩa cả một vũ trụ này. Nó như một tiếng vang “là cái ngọn cuối của tiếng là cái gốc của vang. Tiếng chỉ nổi lên trong chốc lát mà vang để mãi đến nghìn sau” [7, trang 27].
Cuộc sống sôi động luôn đổi thay ta không thể dậm chân tại chỗ như đôi chân hạc
Mưa tháng năm
đứng dầm trong nước
chân hạc ngắn dần.
Những cơn mưa mùa hạ làm nước dâng lên dâng lên mãi. Nếu ta cứ đứng yên như đôi chân hạc dầm trong nước và nước cứ lên chân hạc chìm dần vào nước và ngắn dần ngắn dần thì ta sẽ bị chìm mất, sẽ lạc hậu. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải hoạt động phải bắt tay vào cuộc sống dù khắc nghiệt.
Đôi khi, ta cũng phải biết hành động, làm việc theo tình huống thời cơ để bắt kịp nhịp điệu cuộc sống. Ta nên học theo cách sống như con bướm phải đổi chỗ đậu trên cành liễu mỗi khi gió lên để tìm cho mình một chỗ đậu vững chắc trong cuộc sống.
Trên cành liễu nghiêng
con buớm đổi chỗ
mỗi lần gió lên.
Đồng thời cũng phải kiên trì nhẫn nại, đừng bao giờ buông xuôi, chịu thua phải như một con chuồn chuồn cố tìm cho mình một chổ đậu  trên ngọn cỏ rung rinh trước gió.
Con chuồn chuồn
đậu mãi mà không được
trên ngọn cỏ gió rung.
Đó cũng là ý chí của Basho lên đường dấn thân vào các bụi mù sương.
Đi nữa bạn ơi
ngắm nhìn tuyết đổ
cho dầu ta rơi !
Tình yêu thiên nhiên và ước mơ trở về với thiên nhiên để được đi, được hòa vào thiên nhiên sống cùng thiên nhiên luôn thúc giục Basho lên đường.
       Các bài thơ trên, những ý nghĩa triết lí về cuộc sống chúng ta liên tưởng chỉ là lớp mỏng manh trên từng câu chữ. Chớ ý nghĩa triết lí nó rất sâu xa ta chỉ có thể cảm chứ không giải thích được nhiều, thậm chí không giải thích được như bài thơ sau ẩn chứa một triết lí sâu sắc
Từ bốn phương xa
hoa đào bay lại
xuống hồ Biwa.
Tất cả các bài thơ haiku của Basho dường như điều ẩn chứa  triết lí và pha chút hương Thiền vị trong triết lí ấy. Hình ảnh thiên hiên trong thơ gợi cho ta những liên tưởng gần gũi trong cuộc sống. Đó là những cảnh vật nguyên sơ, nhỏ bé, bình vị, tầm thường có thể bị lãng quên như một con ếch, một tiếng chim, một bông hoa… Nhưng trong cái bình thường ấy ẩn chứa cái đẹp và triết lí cho cuộc sống bình thường này. Vì vậy, chúng ta dễ cảm nhận được sự gần gũi, quen thuộc.
Tóm lại, thiên nhiên trong thơ Basho giàu hình ảnh triết lí về cuộc sống mà chúng ta có thể cảm nghiệm sâu sắc nhưng khó nói nên lời vì nó đậm màu sắc triết lí Nhật Bản.

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho (5)

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Duyên


CHƯƠNG IV: ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ THIÊN NHIÊN TRONG THƠ BASHO

Những giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho là đặc sắc nghệ thuật Basho đã tạo ra bằng thiên tài của mình. Để có được những bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên bốn mùa với bao ý nghĩa thâm trầm sâu lắng như thơ haiku Basho thật không dễ dàng. Nghệ thuật miêu tả là yếu tố cơ bản đầu tiên. Nghệ thuật có thể tác đông vào vũ trụ, màu hoa có thể làm thiên nhiên tươi hơn, câu thơ hay có thể làm cảnh vật đẹp hơn. Những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trữ tình, phảng phất hương Thiền và giàu tính triết lí là sự kết tinh từ tài năng và nghệ thuật mỹ cảm truyền thống Nhật Bản. Bên cạnh đó còn do đặc điểm nghệ thuật riêng của thơ haiku. Basho viết về thiên nhiên, về cái đẹp bằng tâm hồn trải rộng ra trước phong cảnh thiên nhiên đất nước, bằng cuộc hành trình đến với thiên nhiên. Vì vậy, đặc sắc nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Basho thật tuyệt vời. Thiên nhiên trong từng bài thơ như được phản chiếu qua chiếc gương soi “ba câu” nên nó trở nên trong trẻo, tươi sáng, đẹp lạ thường.

1. Nghệ thuật gợi tả thiên nhiên một cách hồn nhiên, mộc mạc
Thiên nhiên trong thơ Basho toát lên những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị, nguyên thủy. Đó là nhờ nghệ thuật gợi tả thiên nhiên mà Basho chỉ nêu ra một hình ảnh một chi tiết rồi im lặng không nói. “Có những bức tranh hoành tráng làm cho bạn bàng hoàng nhưng cũng có những tiểu họa làm cho bạn ngạc nhiên” [7, trang 55]. Đây là một tiểu họa của Basho
Mái lều im
một con chim gõ kiến
gõ ngoài trụ hiên.
Trước mái lều ẩn sĩ là hình ảnh một con chim gõ kiến đang gõ vào trụ hiên, gõ vào cái cô tịch, cái nhịp điệu bình thường của sự sống. Bức tranh thật hồn nhiên, ngây thơ. Bài thơ chỉ có bấy nhiêu. Phần sau là “khoảng trống” không có nét vẽ. Khoảng trống ấy dành cho sự cảm nhận và tưởng tượng riêng của người đọc. Nó giống như trong hội họa là những nét phác họa không được vẽ đầy đủ mà chỉ cần vẽ một phần thôi như “chỉ cần một nhánh cỏ thôi là đủ thấy cơn gió đi qua” [7, trang 56].
Tương tự như thế, Basho chỉ cần vẽ một lá cây ta thấy cả đời sống của cây, của mùa đông, của thiên nhiên đất trời.
Lá thủy tiên
dưới làn tuyết mới
nhè nhẹ trĩu mình.  
Hay hình ảnh con đom đóm ta nhận ra cái nóng bức, oi ả của ngày mùa hè.
Trong ánh ngày
con đom đóm ấy
cổ đỏ gay.
Hay âm thanh của tiếng ve ta cảm được cái khung cảnh vắng lặng, tịch liêu, thâm sâu nơi cõi quạnh hiu của không gian và thời gian.
Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.
Basho tả thiên nhiên vạn vật một cách đơn sơ, mộc mạc như là kể lại vậy. Ngôn ngữ rất ngây thơ nhưng rất hiền minh. Thiên nhiên cũng vì thế hiện ra giản dị trong khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy là thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên hình thành nên bài haiku. Nó là đỉnh điểm của cảm xúc và dành khoảng trống gợi sự liên tưởng cho người đọc.
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.
Hay:
Mưa mù sương
phù dung một đóa
làm mùa lên hương.
Thi hào Tagore nhận xét về thơ haiku như sau: “nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước tránh sang bên”. Với Basho đó là sự im lặng, thâm trầm được kết tinh trong câu chữ để khơi dậy cảm thức sâu xa trong lòng người đọc. Đấy cũng chính là thi pháp “chân không” của sự huyền ảo về con người và thế giới khi nó phảng phất hương thiền.
Việc nhà thơ chỉ ra các hình ảnh thiên nhiên một cách hồn nhiên có ý nghĩa vô cùng. Ta thử nghĩ về “ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu đó chỉ là ngón tay, và thường không phải là ngón tay lộng lẫy thì đúng thế. Nếu mà bàn tay lộng lẫy và đeo đầy trang sức, e ta quên mất điều ngón tay chỉ tới” [7, trang 58]. Vì vậy, các hình ảnh đơn sơ luôn đi kèm với ngôn từ giản dị, bình thường mới tạo ra đầy đủ vẻ đẹp bình dị của nó.
Mưa đổ
trên chuồng bò
tiếng gà ó o
Phong thái thơ Basho là thế đó. Nó bình dị như chính nhà thơ vậy.
Tóm lại, thiên nhiên trong thơ Basho được miêu tả một cách hồn nhiên và hiền minh bằng ngôn ngữ ngắn gọn giản dị trong khoảnh khắc mà chứa đựng vẻ đẹp lớn lao với bao ý nghĩa trong sự liên tưởng của người đọc cảm nghiệm.

2. Nghệ thuật liên tưởng và tính đa nghĩa của hình ảnh
Bất kì bài thơ nào của Basho ta gặp cũng có hình ảnh như hoa đào, chim cu, trăng sáng, tuyết trắng… Các hình ảnh này gắn bó với thơ Basho như người Nhật gắn bó với thiên nhiên. Thiên nhiên là sức mạnh của tinh thần. Basho sử dụng “quí ngữ” (từ ngữ chỉ mùa) trong thơ để thể hiện nhịp điệu của thiên nhiên với đời sống của con người, trực tiếp hay gián tiếp. Nó còn thể hiện thời gian có tính thời gian hay phi thời gian bao gồm thời gian hạn định (xuân, hạ, thu, đông), thời gian cụ thể (gió mùa thu, mưa tháng năm…) thời gian vô hạn và thời gian phiếm chỉ (tháng năm nào?, nguyên đán nào?). Quí ngữ xuất hiện trong thơ trở thành qui luật của thơ haiku. Dựa vào quan niệm về thiên nhiên của người Nhật, nhất là cảm thức về thiên nhiên người đọc có thể liên tưởng biết được bài thơ của Basho làm ở mùa nào mà cảm xúc dâng tràn phù hợp.
Ngày đầu xuân
sao mà tôi nhớ
chiều thu cô đơn.
Bài thơ thấm đẫm mỹ cảm aware xao xuyến trước vẻ đẹp của ngày đầu xuân mà nhớ não lòng về vẽ đẹp của chiều thu cô đơn.
Hình ảnh thiên nhiên còn gợi liên tưởng về sự tương quan của vũ trụ.
Biển tối dần
tiếng kêu chim nhạn
trắng màu trong đêm.
Basho tả về màu trắng có đủ màu từ trắng của tuyết, trắng của hoa mơ, trắng của đá trắng… Và đây là màu trắng của tiếng kêu chim nhạn, một màu trắng của âm thanh. Màu trắng này nằm trong mối tương quan con quạ và tiếng kêu là tiểu vũ trụ, biển và đêm (đất trời) là đại vũ trụ. Mối tương quan này là các hiện tượng của đời sống. Nó còn là biểu hiện của hai trạng thái tĩnh và động, đen và trắng, cái nhỏ nhoi và cái bao la. Các hình ảnh trên ta có thể cảm nhận nhưng không thể lí giải tường tận được bởi nó đa nghĩa tùy theo cảm nhận của từng người.
Hình ảnh thiên nhiên đôi khi hòa quyện với con người như một
Mùa xuân ra đi
sao cứ nhớ mãi
người ở Omi.
Bài thơ là mối giao hòa gắn bó thân thiết giữa con người và thiên nhiên. Thơ haiku trở thành “một cách thế sống, làm sao để tiếp cận với thực tại hơn, nối kết ta với cuộc đời hơn” [7, trang 62]. Sau nỗi nhớ là khoảng trống dành cho cảm nhận của chúng ta.
Bên cạnh nghệ thuật liên tưởng là thủ pháp tượng trưng. Thủ pháp tượng trưng là thủ pháp của tranh thủy mặc - chỉ bằng mấy nét vẽ mà biểu hiện được sự vật, lại không chỉ bề ngoài mà cả thần thái của nó. Ta phải dựa vào hình ảnh tượng trưng mới có thể liên tưởng hay hơn, tức ta phải kết hợp hai biện pháp trên để cảm nghệm được sâu sắc hơn ý nghĩa sâu lắng trong từng bài thơ. Thủ pháp tượng trưng còn tùy thuộc vào cảm thức thẩm mỹ về thiên nhiên của người Nhật. Ta có thể liên hệ hình ảnh thiên nhiên với hình ảnh cuộc sống qua thủ pháp tượng trưng này
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
“Trăng rụng” tượng trưng cho cái chết của người bạn. Bài thơ là tấm lòng của nhà thơ đối với người bạn đã khuất.
Tính đa nghĩa của hình ảnh thiên nhiên sẽ góp phần lí giải ý nghĩa bên ngoài bài thơ. Chẳng hạn như “con ếch” tượng trưng cho mùa xuân, cho tuổi trẻ, cho hạnh phúc và niềm vui; hay “làn sương thu” tượng trưng cho tuổi già, là hình ảnh của cuộc đời ngắn ngủi như sương sớm tan biến vào đất trời. Giọt sương còn là hình ảnh của giọt nước mắt, hay mái tóc bạc mà ca dao, thơ ca Việt Nam cũng hay nhắc đến
Mẹ già phơ phất mái sương
Con thơ măng sữa vả đang bù trì.
(ca dao)
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan !
(Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)
Hay “ao cũ” là hình ảnh của ao tù cũ kỹ, sáo mòn… Hình ảnh “con vượn” hay “tiếng vượn” làm ta liên tưởng đến những người nông dân nghèo, những em bé nghèo bất hạnh; hay “con ngựa gầy” cũng gợi liên tưởng về những người nông dân nghèo và cuộc đời cơ cực của họ… Các hình ảnh tượng trưng gợi liên tưởng cho người đọc còn ẩn chứa tình cảm thâm trầm, sâu lắng của Basho dành cho con người, muông thú và cả cuộc sống này, trong đó có cả những triết lí sâu sắc về đời sống.
Tóm lại, mỗi bài thơ haiku của Basho không chỉ miêu tả thiên nhiên hay bức tranh của đời sống mà còn biểu hiện cảm xúc hay một suy tư nào đó thông qua nghệ thuật liên tưởng, tượng trưng và tính đa nghĩa của hình ảnh thiên nhiên cuộc sống.

3. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên bằng thể thơ ngắn gọn, cô đọng
                                                     nhất
Thơ của Basho chủ yếu là thể thơ haiku ngắn gọn trong 17 âm tiết gồm ba nhịp 5-7-5 và được xếp thành ba dòng khi dịch sang tiếng Việt. Trong tiếng Nhật thường được viết trong một dòng để biểu diễn thư pháp hay đề thơ cho các bức họa. Haiku là thể thơ ngắn nhất của Nhật Bản. Trên thi đàn thế giới, haiku cũng được xếp vào loại ngắn nhất thế giới như: Haiku (Nhật Bản), Tứ tuyệt (Trung Quốc), Sijo (Triều Tiên), Cadao (Việt Nam)… Chính vì sự ngắn gọn mà nội dung thơ Basho hàm súc cao độ, “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức; haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn, mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình” [7, trang 54]. Vì thế, thơ Basho có nhiều khoảng trống im lặng không phải vì chật chội mà đó là một đặc sắc nghệ thuật. Sự cô đọng đi vào chiều sâu vào chân không chứ không phải là ý muốn dùng sự ít lời để diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau.
Vầng trăng non dại
theo tôi từ độ ấy
có ai ngờ đêm nay.
Bài thơ ngắn gọn vẻn vẹn trong 17 âm tiết tả về một vầng trăng non. Nhưng câu cuối lại vẽ nên vầng trăng đầy đặn, vẽ nên khoảng thời gian dài trôi đi bằng im lặng không đường nét, không màu sắc. Vầng trăng của Basho là vầng trăng đang sống đang vận động cùng thời gian và du hành cùng nhà thơ. Nó còn là vầng trăng tâm linh trong tâm nhà Thiền sư.
Có khi đó chỉ là tiếng reo của Basho khi bắt gặp một danh lam thắng cảnh. Basho xúc động làm nên bài thơ
Matsushima ya
a Matsushima ya
Matsushima ya
Bài thơ chỉ ba lần lặp lại tên Matsushima (tên một thắng cảnh) và kèm theo thán từ “a” nhưng nó ẩn chứa một tình cảm chân thành của nhà thơ.

Sự ngắn gọn cô đọng của thơ Basho lại ẩn chứa phía sau nó những giá trị thẩm mỹ tuyệt vời của thiên nhiên. Trong đó thiên nhiên là nơi gởi gắm những ảnh hình về thiên nhiên nguyên sơ, trữ tình, giàu tính triết lí và thoảng hương vị Thiền.
Mùa đông vò võ
thế gian một màu
và âm thanh gió.
Hay:
Những chiếc lá rơi
dường như trăm tuổi
giữa ngôi vườn chùa.
Qua khung cảnh, âm thanh bài thơ, ta cảm được mọi giá trị mỹ cảm, nghệ thuật và ý nghĩa của bài thơ nhưng ta không muốn giải thích vì sợ giải thích sẽ mất hay, mất đi ý nghĩa của bài thơ. Ta chỉ hiểu rằng đó là phong thái của thiền-thi Basho. Sự ngắn gọn, cô đọng của thơ không biết là vô tình hay cố ý ? Basho đã truyền cho ta chút “Thiền tính” khi đọc ba câu thơ ông. Ta hiểu được thơ ông mà dường như chẳng hiểu gì cả. Nó quá ngắn đến nỗi không thể cắt nghĩa trọn vẹn ví như Xuân Diệu (Việt Nam) từng nói:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
Thể thơ ba câu (ba nhịp) này lại còn một đặc điểm tuyệt vời trong thơ mà ta có thể dựa vào đó dễ dàng khám phá thơ Basho. Thơ haiku cũng giống như thơ Tứ tuyệt và Ca dao là trọng tâm của bài thơ thường nằm ở câu cuối hay cuối bài. Đôi khi cũng có ở câu đầu nhưng rất ít. Bài thơ sau là ví dụ
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Chi tiết quan trọng là ở câu cuối “cũng mong chiếc áo tơi”. Chiếc áo tơi là tấm lòng thương người thiết tha sâu lắng của Thiền sư Basho.
Hay một số câu cuối ở các bài thơ như
Mong manh mong manh
một nhành hoa cúc
vừa đơm nụ vàng.

Trong ánh ngày
con đom đóm ấy
cổ đỏ gay.

Biển tối dần
tiếng kêu chim nhan
trắng màu trong đêm.

Vầng trăng non dại
theo tôi từ độ ấy
có ai ngờ đêm nay.

Vậy, về phương diện hình thức cũng là một nét đặc sắc nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong thơ Basho. Nhưng thơ ông đến với mọi người bằng cái “thần” của thơ mà ông đặt vào hình thức ba câu chớ không phải chỉ là hình thức ba câu. Hình thức ba câu là nơi Basho gởi gắm “tinh thần” của mình qua hình ảnh thiên nhiên. Đó là nghệ thuật truyền cảm giác chớ không phải trưng bày.
Trong cuộc đời làm lữ nhân của phù thế, Basho có đôi lúc cũng băn khoăn về “con đường” của mình, tức “con đường haiku”. Ông không biết có còn ai tiếp bước nữa không ?
Trên con đường này
giữa chiều thu ấy
đi về không ai.
Để sáng tác thành công những bài thơ haiku mang phong thái Basho thật không dễ dàng vì phong thái Basho chỉ gắn liền với Basho mà thôi.
Basho là một đại thi hào của Nhật Bản. Bằng tài năng và nghệ thuật, ông sáng tạo nên những giá trị tuyệt đẹp về thiên nhiên. Những nét đặc sắc nghệ trong thơ Basho là sự kế thừa và phát huy những giá trị văn chương truyền thống của dân tộc Nhật Bản.

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho (6)

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Duyên


PHẦN KẾT LUẬN

Đảo quốc Nhật Bản với nền văn hóa độc đáo có thể làm ngạc nhiên và hấp dẫn đặc biệt người xứ khác. Những tác phẩm Văn học Nhật Bản thâm trầm sâu lắng như tính cách người Nhật nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa lớn lao mang tính nhân loại.
Basho là một thiên tài lỗi lạc của dân tộc Nhật Bản, người đưa thơ haiku lên đỉnh cao thi ca dân tộc và vươn mình ra thế giới. Ông là một nhà  thơ  thiền sư được mọi người mến mộ, là một hình bóng vĩ đại của văn hóa Nhật Bản.  
Thơ haiku Basho không chỉ là đại biểu cho thơ ca Nhật Bản mà còn  đại diện cho văn học và văn hóa Nhật Bản. Có nhiều vấn đề cần nghiên cứu về thơ Basho. Với đề tài “Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho” người viết chỉ tìm hiểu những giá trị của hình ảnh thiên nhiên trong một số bài thơ haiku tiêu biểu của tác giả Basho. Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu, luận văn có thể khẳng định một số kết luận sau:

Nhìn chung văn học Nhật Bản trải qua các thời đại đã để lại những thành tựu rực rỡ và mang đậm giá trị thẩm mỹ, tính dân tộc Nhật Bản.
Thơ Basho đến với mọi người bằng tình cảm như thế nào thì những giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ cũng thể hiện như thế ấy. Giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho được phản chiếu qua “chiếc gương mỹ cảm” của người Nhật và phong thái Basho nên thiên nhiên ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thơ ông không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật giải trí thông thường mà còn là tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người và cuộc sống. Thơ ông là những bài ca dung dị về thiên nhiên con người Nhật Bản. Thiên nhiên trong thơ ông là những bức tranh văn hóa độc đáo đậm màu sắc Nhật Bản.
Bằng tài năng và nghệ thuật của mình, Basho “vẽ” nên những bài thơ haiku giàu hình ảnh nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật miêu tả tượng trưng và liên tưởng, tính đa nghĩa của hình ảnh là đặc trưng nghệ thuật thơ Basho. Trên nền nghệ thuật đó, Basho dùng ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ, hình thức thơ ngắn gọn thấm đẫm cảm thức thẩm mỹ truyền thống tạo nên những kiệt tác cho thơ ca Nhật Bản.
Qua việc tìm hiểu khám phá những giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho, luận văn đem lại cái nhìn khái quát và sâu sắc về những giá trị nghệ thuật độc đáo của thơ Basho. Đồng thời luận văn còn góp phần trình bày được những giá trị nội dung thâm trầm sâu lắng trong từng bài haiku ngắn gọn. Đó cũng là đóng góp mới của đề tài trong việc tìm hiểu cái hay cái đẹp của hình ảnh thiên nhiên trong thơ ca Nhật Bản.
Thơ haiku đang trên đường lan tỏa, trở thành một dòng thơ độc đáo của thế giới và gây ảnh hưởng đến thơ ca hiện đại. Thơ ca phương Tây tiếp thu và thể nghiệm phong thái haiku như Rille (Đức), Seferis (Hi Lạp), Tablada (Mexico)… “Những chiều thu cô đơn” của Basho trở thành những ngày xuân vĩnh cửu trên trái đất.
Ở Việt Nam, thơ haiku được đưa vào giới thiệu trong sách Ngữ văn lớp 10 tập II chủ yếu là thơ của Basho và phần đọc thêm của một số tác giả như Chiyo, Buson, Issa. Luận văn góp phần giới thiệu sự tiếp nhận văn học văn hóa Nhật Bản ở Việt Nam và  trường Phổ thông nói riêng.
Nếu có điều kiện, người viết hy vọng có thể tìm hiểu khám phá sâu hơn về thơ haiku Basho và thơ haiku nói chung trong nền văn học Nhật Bản. Bởi cuôc đời rất cần những khúc ca trữ tình sâu lắng, những bài ca đẹp có xen lẫn những nốt nhạc buồn. Đọc thơ Basho ta cảm thấy tâm hồn mình thanh thản, yêu đời và yêu cuộc sống. Lòng mình thêm rộng mở. Cuộc đời thật đẹp và đáng yêu làm sao !. Cuộc sống có ý nghĩa vô cùng phong phú mà thơ Basho đã giúp ta khám phá.

Nguyễn Thị Bích Duyên

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho (1)

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Duyên


PHẦN MỞ ĐẦU

I - LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Đất nước Nhật Bản có điều kiện địa lí khá đặc biệt so với nhiều nước trên thế giới. Là một đảo quốc có vị trí biệt lập. Nhật Bản cách đại lục khoảng chừng 115 dặm. Toàn bộ đất đai Nhật gồm gần 4000 hòn đảo được bao bọc như một cù lao xanh nổi giữa biển khơi. Với bốn đảo lớn nằm xếp hàng nối nhau từ Bắc xuống Nam và hàng nghìn đảo nhỏ có tên và không tên ấy tạo thành “một quần đảo dài hình con ngựa đang giằng sợi dây xỏ mũi để bay lên từ giữa biển khơi” [9, trang 3]. Truyền thuyết kể rằng Nhật Bản là kết quả của một cuộc tình đẹp thơ mộng của hai vị thần Izanagi (nam thần) và Izanami (nữ thần). Đó còn được coi là xứ sở thiêng liêng của Mặt Trời Mọc, nơi được cai trị bởi dòng dõi Thiên hoàng con cháu của Nữ thần Mặt Trời huyền thoại với biểu trưng bộ ba báu vật: thanh kiếm – chiếc gương – vòng ngọc.
 Trong quá khứ xa xưa, nhờ vị trí đảo quốc đặc biệt của mình mà Nhật Bản tránh được nhiều cuộc xâm lược chiếm cứ đất đai giữa các nước láng giềng lục địa. Nhật Bản là một quốc gia Đông Bắc Á duy nhất trực tiếp tiếp thu rất nhiều từ Đông Á vá Đông Nam Á các nghề trồng củ, trồng lúa nước, dệt vải, tín ngưỡng nữ thần… hình thành một đảo quốc luôn tạo ra những chuổi bất ngờ cho thế giới cả trong quá khứ lẫn hiện đại về một nền văn hóa độc đáo của xứ sở Phù Tang. Nhất là thời kỳ cận đại, công cuộc Minh Trị Duy Tân một bước chuyển đổi làm cho cả thế giới bất ngờ. Một xứ sở huyền bí của Thần đạo với vô số các tập tục và nghi lễ. Với vẻ đẹp lãng mạn của những cánh hoa anh đào nở rộ như những đám mây hoa và “hoa đạo” nên còn gọi là xứ sở hoa anh đào. Với những “thiếu nữ duyên dáng trong tà áo kimono” [8, trang 12]. Đây còn là xứ sở dũng mãnh của “truyền thống võ sĩ đạo” và “kiếm đạo”, của những môn phái võ thuật nổi tiếng như: sumo, akido, karate, judo… Một xứ sở thâm trầm của Thiền đạo và Trà đạo gắn liền với những bài thơ haiku ngắn đến mức tưởng chừng như không thể ngắn hơn được nữa và ý nghĩa sâu sắc. Đối với thế giới, văn học và văn hóa Nhật Bản là hai nguồn văn minh lớn.
Nền văn hóa Phù Tang mê hoặc thế giới là như thế đấy. Chúng ta còn có thể thấy sức mê hoặc ấy được thể hiện tinh tế nhất ở trong thơ văn Nhật Bản. Chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi bên cạnh những bài thơ haiku cực ngắn ấy là những trang tiểu thuyết dài hàng nghìn trang tỏa bóng mát cho cả nền văn học. Trên sân khấu kịch Noh là những gương “mặt nạ” người trầm lặng không nói và bất động. Vậy mà đâu đâu cũng lấp lánh chất thơ và cũng chẳng dễ dàng hiểu được trọn vẹn. Những con người góp phần tạo ra những trang văn học ấy thường là phụ nữ, thiền sư và võ sĩ.
Nền văn học Nhật Bản đến thế giới một cách trầm lặng mà gây ra tiếng vang xa rộng như một bước nhảy của một con ếch từ trên bờ nhảy “tủm” xuống ao làm mặt nước xao động, cây cối ngỡ ngàng giật mình mỉm một nụ cười thân thiện trìu mến dịu dàng như những cánh hoa anh đào. Do đâu mà lại như thế ? Có lẽ đó là do bản chất rất Nhật Bản tự ngàn xưa của xứ sở dân tộc này. Người Nhật ưa chuộng cái gì thuộc về tự nhiên nên họ có Thần đạo. Họ yêu thiên nhiên, sùng bái tôn thờ thiên nhiên. Vì thế cả nền văn học văn hóa Nhật Bản thấm đẫm thiên nhiên. Bất cứ cái gì của dân tộc Nhật Bản đều có chứa một phần nào đó là thiên nhiên hay mang chất thiên nhiên kể cả con người cũng thế từ xưa cho đến nay. Thiên nhiên Nhật Bản tuyệt đẹp, dịu dàng, tinh tế nhưng cũng rất hung bạo như: động đất, núi lửa, sóng thần… “thường xuất hiện như những biểu tượng kinh hoàng của nguyên lý hủy diệt” [5, trang 5]. Nhưng thiên nhiên cũng trở thành chuẩn thước đo cho mọi cái đẹp. Chính điều này tạo cho dân tộc Nhật một cảm thức đặc biệt tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Cả thơ, hội họa, Trà đạo, Hoa đạo, Thiền đạo… đều nhuộm màu thiên nhiên, đều được tẩm hương sắc của thiên nhiên và hơn nữa thiên nhiên đã trở thành linh hồn của bản sắc văn hóa.
Thiên nhiên trong nền văn học Nhật giữ một vị trí quan trọng tạo nên những vẻ đẹp những bước đột phá bất ngờ nhất. Trong nền văn học thế giới nói chung, đặc biệt là ở phương Đông, thiên nhiên cũng chiếm một vị trí đáng kể. Đó là nét tương đồng giữa văn học Nhật Bản và văn học thế giới. Thơ ca Nhật là nơi thiên nhiên sống trầm lặng với bao ý nghĩa sâu lắng. Thơ haiku Basho đã ngâm mình trong thiên nhiên và chở mọi vẻ đẹp của thiên nhiên đến với con người Nhật và ra cả thế giới. Từ cái nhỏ bé đơn sơ nhất, thơ haiku Basho làm rung dộng từng cảm giác tinh vi nhất của con người tưởng chừng như không bao giờ có, và trở thành một vẻ đẹp không thể nào chối cãi được. Đó là những giá trị thẩm mỹ tuyệt vời của thiên nhiên mà Basho đã đưa vào thơ. Con người cũng nhờ đó mà nối gần nhau hơn bằng những xúc cảm qua “thiên nhiên”. Vì vậy, thơ haiku trở thành thể thơ đặc trưng của người Nhật mà thế giới biết đến. Còn người đưa tên tuổi thơ haiku lên đỉnh cao là thiền sư Basho.

   Hiện nay trên thế giới, giới yêu thích văn thơ đang rất ưa chuộng thơ haiku Nhật Bản, thơ haiku Basho nói riêng bởi nét dung dị của nó như một nhà văn Nhật từng nói: “Nhân lọai gặp nhau trong một chén trà”.
Thực tế ở Việt Nam cho chúng ta thấy việc nghiên cứu và phổ biến văn học Nhật Bản chưa được rộng rãi. Trong các nền văn học Châu Á Việt Nam tiếp thu, văn học Trung Quốc có quan hệ lâu đời và gần gũi với văn học Việt Nam. Do vậy, văn học Trung Quốc rất phổ biến, quen thuộc với người đọc và giới nghiên cứu Việt Nam. Còn văn học Nhật Bản thì chưa phổ biến và chưa quen thuộc. Ở Việt Nam chỉ là những bước đầu đang tiếp cận nền văn học Nhật. Sách ngữ văn lớp 10 bộ mới cũng lần đầu tiên đưa vào giảng dạy thơ haiku Nhật Bản cho học sinh Phổ thông nghiên cứu. Thơ haiku là thành tựu rực rỡ của nền văn học Nhật Bản. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu thơ haiku Basho là rất cần thiết và có ý nghĩa. Do hạn chế nhiều vấn đề nên người viết chỉ có thể tìm hiểu riêng về thơ Basho, về gía trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ haiku của ông.
  Phần trình bày trên là lý do người viết chọn đề tài “tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho”.

II -  LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Nền văn học Nhật Bản nói chung, thơ haiku nói riêng cũng từ khá lâu rồi được nhiều dịch giả, giới nghiên cứu và bạn đọc trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam việc quan tâm đến văn học xứ Phù Tang ngày càng tăng nhưng sách biên soạn về chuyên đề này đang thiếu. Do nhu cầu tìm hiểu tinh hoa của nền văn học Nhật Bản đã phát sinh từ nhà trường và xã hội mà nó được đón nhận một cách nồng nhiệt. Việc nghiên cứu tìm hiểu và sáng tác thơ haiku ở Việt Nam đang ở bước đầu. Dù Việt Nam còn mới mẻ trong việc tiếp cận nền văn học Nhật Bản nhưng Việt Nam và Nhật Bản vốn là những nước Đông Á nên việc tiếp cận có phần dễ dàng hơn.
Thơ haiku của Basho được dịch sang tiếng Việt chưa nhiều, có nhiều bản dịch khác nhau và về số lượng được dịch cũng hạn chế. Hình dung trên tổng thể của quá trình phiên dịch rồi đi vào tìm hiểu thơ haiku các nhà phiên dịch đã đưa ra những điều cần thiết như là nguyên lý để cảm được thơ haiku và sự thật nhờ những nguyên lý ấy mà thơ haiku được người Việt tiếp cận một cách dễ dàng. Thơ haiku đến với người Việt bước đầu là từ dịch thơ rồi đi đến khám phá nguyên lý thơ và sau cùng là sáng tác thơ theo thể haiku bằng tiếng Việt. Giới bạn đọc dần dần hiểu được rồi say mê thơ haiku. Đến ngày nay, thơ haiku được giới thiệu một cách êm dịu như cách hoa anh đào trước gió rung rinh trên các trang báo Tài hoa trẻ, Tạp chí Văn học, Báo Văn học và Tuổi trẻ hay sách viết về văn học văn hóa Nhật Bản với các bài dịch thơ, bài viết của các tác giả nổi tiếng ở Việt Nam như: Nhật Chiêu, Đoàn Lê Giang, Vĩnh Sính, Nguyễn Thị Bích Hải… khi giới về lịch sử văn hóa phương Đông thì nền văn hóa Nhật Bản là một trong những thành viên xuất sắc không thể thiếu, đại diện cho nền văn hóa ấy là thơ haiku cùng với người chủ trì luôn luôn đi theo bên cạnh là đại thi hào Basho lỗi lạc của dân tộc Nhật Bản. Ngày nay trên các trang web cũng thấy xuất hiện một số bài viết, trang tin đăng tải có liên quan đến thơ haiku và tác giả Basho. Đặc biệt  là Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh khoa Đông Phương học đã ấn hành và cho ra đời một quyển sách có ý nghĩa vào năm 2003 đó là cuốn “Nhật Bản trong thế giới Đông Á và Đông Nam Á” trong đó thơ haiku Basho được coi là một phần linh hồn của văn học văn hóa Nhật Bản. Hiện nay, văn học Nhật Bản đang nở rộ trên thế giới với những tên tuổi lỗi lạc đã mang những giải Nobel văn học cho đảo quốc Mặt Trời Mọc này như Kawabata, Oe, nhưng linh hồn thật sự của văn học văn hóa Nhật Bản là thơ haiku Basho. Những vấn đề trên đã đưa đến một kết quả rất khả quan là nền văn học Nhật Bản đang bước từng bước vào Việt Nam làm những người yêu thơ đi vào nghiên cứu tìm hiểu thơ haiku Basho.
Ở các trường Đại học sư phạm, ngành Ngữ văn cũng được giới thiệu vào chương trình cho sinh viên học tập tìm hiểu. Vì vậy, thơ haiku cũng được các bạn sinh viên thích thú tìm hiểu và học sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt. Người viết còn biết thêm nữa là không chỉ riêng các bạn sinh viên ngành Ngữ văn mà còn có nhiều bạn sinh viên ngành khác cũng rất thích thơ haiku cùng cái tên Basho giản dị này. Cụ thể là các bạn hay lên các trang web để truy cập thông tin về thơ haiku.
Trên thế giới cũng như nước ta, nhiều người chưa biết nhiều đến văn học Nhật Bản một cách trọn vẹn. Trong khoảng chừng 10 năm trở lại đây học sinh Trung học Việt Nam mới được làm quen với truyện ngắn “Thủy nguyệt” của tác giả Kawabata, sách văn học lớp 11 tập II là đại diện cho nền văn học Nhật Bản trong chương trình văn học Phổ thông Việt Nam. Hiện nay, bộ sách Ngữ văn cấp III mới phần văn học Nhật Bản lại được bổ sung vào những bài thơ haiku ngộ nghĩnh và lí thú ở lớp 10 và không quên tôn vinh ông tổ thơ haiku Basho do tiến sĩ Đoàn Lê Giang biên soạn giới thiệu. Có thể nói sự xuất hiện của thơ haiku Basho trong chương trình văn học nước ngoài ở Phổ thông Việt Nam đã thực sự đánh dấu một bước dài cho chân trụ vững chắc của thơ haiku ở Việt Nam.
Ngày nay, Việt Nam đang tiếp thu rất nhiều từ Nhật Bản và mở rộng quan hệ hợp tác bang giao trên nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực văn học Nhật Bản đang được mở rộng cửa đón chào dù còn gặp nhiều mới mẻ trong việc tiếp cận nền văn học này, nhưng tương lai nền văn học Nhật Bản sẽ được khám phá sâu rộng ở Việt Nam. Trong đó thơ haiku Basho là một đại diện không thể thiếu bởi nó là chiếc gương soi nhỏ xinh xinh để soi rọi linh hồn văn hóa Nhật Bản. Với đề tài “Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho” người viết sẽ đi vào tìm hiểu và giới thiệu những nét đặc sắc về thiên nhiên trong thơ Basho với hy vọng thơ haiku sẽ đến từng con người Việt Nam bằng nét dung dị tinh tế nhất mà thơ haiku có thể làm được với bản chất vốn có của nó.

III - ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    
    1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu về giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho, nên đối tượng nghiên cứu là thơ Basho. Nhưng thơ Basho chủ yếu là thơ haiku. Vì vậy, có thể gói gọn lại đối tượng nghiên cứu ở đây là thơ haiku của Basho.

    2. Phạm vi nghiên cứu
Với đề tài là: “Tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho”, luận văn chỉ đi sâu vào khảo sát các tác phẩm thơ haiku của Basho đã được dịch sang tiếng Việt do các dịch giả Nhật Chiêu, Đoàn Lê Giang, Vĩnh Sính… Khảo sát một cách khái quát toàn bộ các bài thơ haiku đã được dịch sang tiếng Việt để thấy được những giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên được tác giả Basho thể hiện như thế nào. Bên cạnh đó, luận văn còn đi vào tìm hiểu về giá trị nội dung ý nghĩa và nghệ thuật của thiên nhiên trong thơ để làm nổi bật lên những vấn đề cần nghiên cứu, đặc biệt là những hình ảnh đối tượng thuộc về thiên nhiên được thể hiện trong thơ như: các mùa, cảm thức thẩm mỹ và biểu tượng của thiên nhiên…

IV - MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Thơ haiku là một thể thơ có cấu tứ mới lạ, khó hiểu gây ấn tượng mạnh song lại rất gần gũi với những ai muốn tiếp nhận thơ haiku. Tuy thơ haiku Basho đã thuộc về thể thơ truyền thống của một thời đại rực rỡ đã qua nhưng nó đã để lại những đóng góp to lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới thơ ca hiện đại. Vì thế việc nghiên cứu “giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho” của người viết nhằm:
Trước tiên đó là những bài thơ haiku hết sức cô đọng lại có sức chứa đặc biệt những vẻ đẹp của thiên nhiên. Nghiên cứu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên để thấy được cái hay, cái đẹp và sức hấp dẫn của thơ haiku Basho. Hơn nữa một nét về những giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật, một “thiên nhiên” đậm chất thiên nhiên không chỉ sản phẩm thuộc về văn học mà nó còn phản ánh chứa đựng tư tưởng thẩm mỹ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc. Thơ haiku Basho là những câu chữ siêu ngắn chứa đựng thiên nhiên của nước Nhật. Là những “tác phẩm kiệt xuất” của người Nhật. Do vậy, tìm hiểu giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho sẽ góp phần khám phá những nét đẹp về tư tưởng thẩm mỹ trong văn học văn hóa truyền thống của dân tộc xứ Phù Tang.
Kết quả của đề tài này sẽ góp phần thiết thực trong việc phổ biến văn học Nhật Bản ở Việt Nam và phục vụ đắc lực, cho công tác nghiên cứu giảng dạy văn học Nhật Bản ở các trường Phổ thông.

V - ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
Thơ haiku Basho là một trong những thành tựu văn học có giá trị lớn ở nhiều mặt. Thiên nhiên trong thơ hết sức phong phú và tuyệt mỹ. Nó còn thể hiện tâm hồn của đảo quốc Phù Tang. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về thiên nhiên thơ haiku Basho cũng chỉ để nhằm giới thiệu thơ haiku và chưa có sự đi sâu tìm hiểu về giá trị thiên nhiên trong thơ Basho. Vì vậy, việc nghiên cứu thiên nhiên trong thơ Basho một cách khái quát từ góc độ văn học hy vọng có thể đem lại những đóng góp mới của đề tài.
 Ở đề tài luận văn này, những giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên với những tầng lớp ý nghĩa, những giá trị văn học sẽ được khai thác cần thiết để đem đến cho người đọc những rung động thẩm mỹ sâu xa và sâu sắc nhất cũng như những nét chấm phá mới về văn học văn hóa Nhật Bản một cách giản dị tinh tế nhất mà người đọc có thể cảm nhận được và đến với thế giới thơ haiku tự nào không hay biết. Bên cạnh đó, với đề tài “giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho” người viết mong muốn góp vào đấy một phần nhỏ bé của mình để giúp cho việc nghiên cứu và phổ biến nền văn học Nhật Bản ở Việt Nam.

VI - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Dựa vào đối tượng nghiên cứu của đề tài mà người viết đã chọn và để
hoàn thành mục đích nghiên cứu, người viết đã sử dụng một hệ thống những phương pháp cụ thể như sau:

    1. Phương pháp tập hợp - khảo sát tư liệu
Thơ haiku của Basho được khá nhiều dịch giả và nhà nghiên cứu quan tâm nên có nhiều bản dịch của một tác phẩm do nhiều tác giả dịch ra tiếng Việt. Đồng thời, các bản dịch thơ haiku Basho lại nằm rải rác trên khắp các báo, tạp chí, sách, trang web... Nói chung là không tập trung một chỗ. Và số lượng tác phẩm được dịch ra tiếng Việt ngày một nhiều thêm. Do vậy, người viết cần thiết sử dụng phương pháp này để khám phá những giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho. Đó là vừa tập hợp hay thu thập tất cả những tác phẩm dịch thơ vừa tiến hành khảo sát tư liệu.

    2. Phương pháp phân tích - tổng hợp
Nhằm làm nổi bật những vấn đề cần khai thác khám phá người viết sẽ tiến hành phân tích các dẫn chứng sau đó tổng hợp khái quát lại để đi đến đúc kết vấn đề.

    3. Phương pháp so sánh - đối chiếu
Trong quá trình phân tích và tìm ra những giá trị thẩm mỹ mà tác giả đã xây dựng thành công qua các tác phẩm của mình thì người viết cần phải có sự so sánh, đối chiếu để khẳng định được vấn đề tức là phải đặt các tác phẩm vào trong mối quan hệ lịch sử để so sánh với các tác phẩm cùng thời hoặc trước và sau đó ở trong cùng một nước hay nước ngoài.

    4. Phương pháp hệ thống
Sau khi phân tích, khám phá hình ảnh thiên nhiên của từng tác phẩm cụ thể, người viết hệ thống lại tất cả các tác phẩm ấy trong mối lên hệ tư tưởng chung của tác giả Basho. Từ đó, người viết rút ra kết luận về giá trị thẩm mỹ của thiên nhiên trong thơ Basho.

VII - CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Luận văn được chia bố cục theo các phần sau:
Phần mở đầu bao gồm: Lý do chọn đề tài, lịch sử vấn đề, mục đích nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, đóng góp của đề tài, phương pháp nghiên cứu, cấu trúc luận văn.

Phần nội dung: Được chia thành 4 chương như sau:
Chương I: Thời đại
Chương II: Quan niệm về thiên nhiên của người Nhật
Chương III: Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Basho
Chương IV: Đặc sắc nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong thơ Basho
Phần kết luận
Tài liệu tham khảo

Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh
Chưa có đánh giá nào