Đăng bởi tôn tiền tử vào 12/08/2019 14:57
Bà Đoàn Thị Điểm là người có sắc đẹp, có lời nói văn hoa, có cử chỉ tao nhã, nên bà nổi danh rất sớm. Năm bà 16 tuổi, thượng thư Lê Anh Tuấn nghe tiếng bà sành thơ Nôm, Lê Anh Tuấn muốn thử tài. Lúc bà mới đến nhà, ông bèn ra đầu đề: “Một ngày không thấy như là ba thu” và bảo bà vịnh thơ quốc âm. Bà Điểm liền ngâm rằng: “Những màng mây khắc giang cầm hạc, Ngỡ đã và phen đổi lá ngô”. Lê Anh Tuấn khen ngợi không ngớt rồi ngỏ ý muốn tiến bà vào cung chúa Trịnh. Nhưng bà không bằng lòng, bèn lại cùng anh là Doãn Luân dời nhà ở tới chỗ người cha đang dạy học ở làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, tỉnh Kiến An để tránh trước những sự không hay có thể xảy ra vì việc từ hôn ấy.
Năm bà Đoàn Thị Điểm 25 tuổi (1730) thì thân phụ mất ở nơi dạy học. Bà cùng mẹ và anh đưa linh cữu về quê mai táng; rồi đó ba mẹ con lại tới ngụ cư ở làng Võ Ngại, huyện Đường Hào (Mỹ Hào) tỉnh Hưng Yên. Bấy giờ, bà Điểm thường thay anh trong việc thù tiếp các tân khách. Bà vốn là cô gái tài sắc, lại giỏi về khoa giao tiếp, nên tiếng tăm bà lừng lẫy khắp nơi. Người ta đồn rằng: khi bà Điểm giúp anh tiếp khách, tuy “dâng rau muối mà hơn cả trân tu”. Do đó khách đến thăm anh bà đã nhiều, mà những khách “phong lưu công tử” đến để dòm ngó bà cũng lắm.
Khi ấy có hoàng giáp Vũ Diệm, người làng Thổ Vượng (Hà Tĩnh) với các bạn là tiến sĩ Nhữ Đình Toản ở xã Hoạch Trạch (Hải Dương) và tiến sĩ Nguyễn Công Thái ở làng Kim Lũ (Hà Đông) cùng kéo nhau đến nhà bà Điểm. Các “thầy giám” được bà Điểm tiếp đãi rất lịch sự, bà cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có để một bức hoa tiên viết một câu đối: “Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang”.
Hai chữ thiếu nữ ở đây có hai nghĩa: “gió nhẹ” hoặc “cô gái”. Hai chữ tân lang là “cây cau” thì đồng âm với hai chữ tân lang là “chàng rể”. Bởi vậy, vế đối cũng có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là: trước sân có gió thoảng phất cây cau. Một là: trước sân có cô gái mời chàng rể.
Các thầy đọc xong vế đối, rồi sáu mắt ngó nhau, chẳng ai đối lại được. Thế là trầu cũng chẳng kịp ăn, ý định chòng ghẹo cũng tiêu tan hết; các thầy đành nhã nhặn gửi lời chào bà chủ rồi vội vã rút lui...