54.40
Nước: Việt Nam (Nguyễn)
18 bài thơ
2 bình luận
4 người thích
Tạo ngày 26/05/2006 07:03 bởi Vanachi, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 16/05/2010 22:29 bởi Vanachi
Phan Đình Phùng 潘廷逢 (1847 - 28/12/1895) hiệu Châu Phong 珠峰, sinh tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) trong một gia đình nho học, con phó bảng Phan Đình Tuyến, em ruột chí sĩ Phan Đình Thông và cử nhân Phan Đình Thuật, anh ruột phó bảng Phan Đình Vận. Ông là một lãnh tụ tiêu biểu của phong trào yêu nước chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX.

Phan Đình Phùng đỗ cử nhân năm 1876. Năm sau, đậu đình nguyên tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Sau đó ông được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử đô sát viện. Ông nổi tiếng trong triều về đức tính cương trực, thẳng thắn. Năm 1882, ông dâng sớ đàn hặc thiếu bảo Nguyễn Chánh về tội “ứng binh bất viện” (cầm quân ngồi yên không đi tiếp viện) khi giặc Pháp tấn công thành Nam Định.…

 

 

 

Ảnh đại diện

Giới thiệu Phan Đình Phùng

Phan Đình Phùng sinh năm Đinh Mùi (1847) trong một gia đình khoa bảng ở làng Đông Thái, xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuổi niên thiếu, không phải là người thông minh, nhưng cậu Phùng đã sớm bộc lộ một chí khí kiên cường quyết tâm “đóng cửa đọc sách”, “thề chiếm giải khôi nguyên”.

Quả nhiên, ông đã đỗ Cử nhân năm Bính Tý (1876) và đỗ Đình nguyên Tiến sĩ năm Đinh Sửu (1877) khi ông tròn 30 tuổi. Năm 1878, được bổ làm Tri phủ Yên Khánh (Ninh Bình), mở đầu chặng đường làm quan dưới triều Nguyễn.

Sau đó, ông được triệu vào kinh, sung Đô sát viện, cơ quan có chức năng can gián vua và đàn hặc lỗi lầm của bá quan văn võ. Là Ngự sử, ông đã vạch tội Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Chánh đục khoét dân lành, khiến y bị bài chức.

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết nắm toàn quyền sinh sát, phế Dục Đức lập Hiệp Hoà. Đình thần có mặt trong cuộc họp phế lập ấy đều biết làm như vậy là trái với di mệnh của Tự Đức nhưng trước uy quyền của Thuyết, đều buộc phải im lặng. Riêng Phan Đình Phùng đã nổi giận đứng phắt lên quát mắng Thuyết. Có người lo cho ông, níu áo ông lại nhưng ông đã giật đứt cả vạt sau của tấm áo đại triều. Tôn Thất Thuyết cả giận hô chém đầu ông, nhưng sau chỉ cách hết chức, đuổi ông về làng.

Năm 1884, Phan Đình Phùng được cử làm Tham biện Sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 9 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, phong cho ông làm Tán lý quân vụ, thống lĩnh quân cần vương.

Phan Đình Phùng truyền hịch khởi nghĩa ở quê hương Đông Thái, rồi rút lên Phụng Công. Giặc bắt được Phan Đình Thông, anh ruột Phan Đình Phùng. Chúng đặt điều kiện: Hoặc Phan Đình Phùng phải đầu hàng, hoặc chúng sẽ đào mộ bố mẹ Cụ và chém đầu Phan Đình Thông. Phan khẳng định: “Nay tôi có một ngôi mộ rất to nên giữ là đất nước Việt Nam, tôi có một ông anh rất to đang bị nguy vong là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về sửa sang phần mộ nhà mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu ông anh của mình thì mấy mươi triệu anh em trong nước ai cứu? Bây giờ tôi chỉ có một chết mà thôi...”

Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn - Hương Khê (Vụ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Địa bàn hoạt động khá rộng, bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần Quảng Bình và Thanh Hoá. Ngay từ buổi đầu, Phan Đình Phùng đã có nhận thức đúng đắn, cần phải dựa vào sức mạnh của toàn dân mới có thể chiến thắng được quân thù có vũ khí hiện đại. Phan đã giao cho Cao Thắng trách nhiệm tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ Tĩnh, rồi tự mình ra Bắc (1887) liên hệ và vận động thống nhất các lực lượng chống Pháp ở cả hai miền Trung và Bắc.

Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về, trực tiếp lãnh đạo phong trào, thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Phan chia nghĩa quân ra làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 150 nghĩa binh, do một Đề đốc hay Lãnh binh chỉ huy, riêng đại đồn Vụ Quang lúc nào cũng có 500 quân trở lên.

Nghĩa quân đã khéo dựa vào núi rừng hiểm trở, áp dụng chiến thuật du kích để tiêu diệt quân địch. Trận Vụ Quang tháng 10-1894 với kế “Sa nang úng thuỷ” của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, đã khiến địch phải chịu tổn thất nặng nề: hơn trăm binh lính và 3 sĩ quan bị tiêu diệt, nghĩa quân thu 50 súng và rất nhiều quân trang quân dụng. Trong điều kiện vô cùng gian khổ, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã duy trì cuộc kháng chiến được 11 năm là thời gian dài nhất trong phong trào Cần vương kháng Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX.

Chiến thắng Vụ Quang có tiếng vang lớn, nhưng không xoay chuyển được đại cục. Quân xâm lược với ưu thế tuyệt đối về vũ khí, lại có thêm sự phối hợp của triều đình Huế (tháng 8-1895 triều đình Huế cho Nguyễn Thân đem 3000 quân ra giúp Pháp đàn áp nghĩa quân) đã tăng cường bao vây căn cứ địa của nghĩa quân, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế, mặt khác dùng quân cơ động luân phiên càn quét dài ngày, khiến lực lượng của nghĩa quân hao mòn suy yếu.

Cuối 1895, Phan Đình Phùng lùi về rú Quạt. Bị thương trong khi chỉ huy chiến đấu, Phan Đình Phùng lại bị bệnh tật giày vò, đã từ trần ngày 28 tháng 12 năm 1895.

Chủ tướng qua đời, nghĩa quân tan rã dần, cho đến cuối năm 1896 thì phong trào tắt hẳn.

Cuộc đấu tranh vũ trang Hương Sơn - Hương Khê dưới sự chỉ huy của nhà chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng kéo dài trên 10 năm trời (1885- 1896) là biểu hiện hào hùng của tinh thần độc lập dân tộc của truyền thống yêu nước Việt Nam. Các chiến sĩ Cần vương đã ngã xuống trên trường tranh đấu, để lại cho hậu thế một tấm gương bất khuất vì giống nòi. Phan Đình Phùng, vị lãnh tụ tiêu biểu của phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX là một anh hùng dân tộc vĩ đại mà tên tuổi còn sáng mãi trong lòng hậu thế.

Tác phẩm Phan Đình Phùng để lại có Việt sử địa dư vựng sách (lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A971) là một tập tài liệu lịch sử và địa lí có giá trị khoa học, cùng một số thơ văn, trong đó có bài thơ tuyệt mệnh nói lên tâm sự của một nhà Nho yêu nước mà sự nghiệp kháng Pháp còn dang dở.


Phan Văn Các

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phan Đình Phùng trong văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam thời cận đại rất dồi dào những bài văn tế, thơ ca ca ngợi anh hùng nghĩa sĩ. Gương chiến đấu, tinh thần hi sinh vì nước của các vị được nhân dân, nhất là lớp nho sĩ nhiệt liệt đề cao. Khắp Bắc - Trung - Nam, từ những người có tầm ảnh hưởng lớn lao trong cả nước như Nguyễn Trung Trực, Hoàng Diệu, Tống Duy Tân, Nguyễn Cao... cho đến những thủ lĩnh địa phương như Phan Cát Xu, Vũ Hữu Lợi v.v... (còn nhiều nữa) đều được tôn vinh, trân trọng. Tuỳ theo hoàn cảnh thời gian, tình hình cụ thể, sự biểu dương sùng bái có mức độ khác nhau, riêng đối với Phan Đình Phùng thì lòng ngưỡng mộ trước sau có lẽ là tuyệt đối. Trong phạm vi văn học sử, cảm hứng nghệ thuật về người anh hùng Vụ Quang luôn luôn được gợi mở, không chỉ nhất thời mà phát triển với thời gian, không chỉ trong phạm vi văn chương bác học, mà cả trong dân gian, cũng đậm đà phong phú.

Ca ngợi Phan Đình Phùng, người ta luôn luôn nhắc đến vị trí đứng đầu của ông, cả trong chiến đấu, trong học thuật. “Đối sách đại đình quân đoạt giáp, Cần vương sát tặc quân vi khôi” (Thi đình ông đỗ đầu, giết giặc vì vua, ông là số một), câu thơ ấy hoàn toàn nói đúng về vị trí của Phan Đình Phùng. Tinh thần kiên nghị, quả cảm bất chấp quyền uy của ông cũng luôn luôn được nhắc đến. Ông là một “trực gián đài” như lời Phan Trọng Mưu (trong Bài ngoại liệt truyện), là một “chân Ngự sử” như lời Nguyễn Thượng Hiền (trong Nam chi tập). Ông là người bạn chiến đấu của nhiều thế hệ. Đồng thời với ông, Bạch Xỉ Đoàn Chí Tuân đã tự giác xin làm người phò tá cho ông (mặc dù không được ông chấp nhận).

Tướng quân nghĩa liệt văn hoàn vũ
Nguyện hướng viên môn tác chấp tiêu.
(Nghĩa liệt tướng quân vang bốn cõi
Xin theo bên ngựa đỡ dây cương)
Và những lớp trẻ sau ông ít lâu, cũng thừa nhận ông là bạn của thế hệ những người cha, và cũng là người bày đường chỉ lối cho thế hệ những người con, đúng như ý kiến của Ngô Quang Đoan (con trai của Nguyễn Quang Bích):
Báo quốc đan tâm trung quán nhật
Diệt cừu bảo kiếm khí lăng vân.
Gia nghiêm tích nhật tằng chiêu nghĩa
Hậu bối đương nhiên nguyện vấn tân.
(Tượng Phong thi tập)

Tạm dịch:
Cứu nước lòng son soi nhật nguyệt
Diệt thù gươm báu khí tung trời,
Cha xưa khởi nghĩa cùng người
Con nay cũng đến xin lời bảo ban.
Song có lẽ chưa có một vị tiên liệt nào được tôn vinh bằng đôi câu đối trường thiên, mỗi vế có đến 80 chữ, như đôi câu đối được biết là của Văn thân Nghệ Tĩnh điếu Phan Đình Phùng. Đã có nhiều giả thuyết về tác giả của đôi câu đối này. Có người nói là của Tổng đốc Đào Tấn, có người cho là của Nguyễn Thúc Tự (thầy học của Phan Bội Châu) mới là đúng hơn. Câu đối quả là tuyệt bút, cả hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật đều đạt đến mức tuyệt vời. Điều cơ bản mà mọi người nhận ra trong con người và sự nghiệp của Phan Đình Phùng là không phải ở chỗ ông thành công hay thất bại trong cuộc khởi nghĩa, mà chính là ở tấm lòng cô trung, ở tinh thần đại nghĩa của ông. Lá cờ ông giương lên là lá cờ dân tộc, chứ không phải chỉ là lá cờ Cần vương như hầu hết các nhà Văn thân khác. Những bài thơ đương thời hay về sau viết về Phan Đình Phùng, thường nhắc đến bổn phận, nghĩa vụ của người trung thần đối với nhà vua, đôi câu đối này không hề đề cập gì đến khía cạnh đó. Và đây chính là cái nét mới trong sự phát triển của phong trào Cần vương mà ít người chú ý đến. Lòng thuỷ chung, sự kiên trì chiến đấu vì Tổ quốc của Phan Đình Phùng cho thấy ông là người biết trọng nước hơn vua, điều mà hầu hết các lãnh tụ khởi nghĩa hưởng ứng Chiếu Cần vương đã không thể hiện được. Câu đối viếng ông đã cho thấy được sự tiến bộ trong nhận thức của các nhà Văn thân. Tổ quốc, giang sơn, dân tộc… đã nổi lên cho lý tưởng Phan Đình Phùng thêm sáng chói. Thấm nhuần lý tưởng đó là cái mới của thế hệ Cần vương. Công lao và vinh dự của Phan Đình Phùng là ở đó.

Chính do cái khuynh hướng lý tưởng đó, mà cách tôn vinh Phan Đình Phùng trong đôi câu đối đã có nét riêng trong kho tàng câu đối Việt Nam. Chưa bao giờ có những câu đối mà hình ảnh đất trời, non nước, thiên nhiên vũ trụ được huy động đến mức dồn dập như thế, để đề cao cái lớn lao của nhà lãnh tụ Hương Khê. Trên 24 chữ toàn chỉ vào thiên địa, giang sơn, vân tuyết, bách tùng; trên 10 chữ nhắc đến dân tộc, giống nòi, văn hiến, truyền thống; trên 10 chữ khác là nhắc đến tinh thần nghĩa vụ. Những hình tượng như cột đá giữa dòng, cây to giữa bão, nổi bật lên để khắc hoạ sức mạnh hào hùng, và Phan Đình Phùng trở nên một “đại trượng phu vũ trụ”. Và còn đây nữa, cái hào khí quê hương: những tinh thần La Việt, Tùng Mai v.v... Chỉ riêng vùng Nghệ Tĩnh này mới có. Được một câu đối như vậy, người anh hùng chắc cũng thoả chí trong cõi xa xăm.

***

Văn chương bác học chung quanh đề tài Phan Đình Phùng đáng là một hiện tượng văn chương, và ta cũng không quên là ở lãnh vực này, Phan Đình Phùng cũng rất đáng cho các nhà văn học sử chú ý. Hình như hình tượng Phan Đình Phùng anh hùng cứu nước vĩ đại quá, lớn lao quá, nên có khi ta cũng quên hoặc lướt qua tư cách nhà văn của Phan Đình Phùng. Chúng ta thường không để ý đến một hiện tượng đặc biệt trong văn học sử Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Ta chỉ chú ý đến những bài thơ Đường, những đôi câu đối hoặc văn tế, mà quên rằng chính giai đoạn này văn chương chính luận, có tính cách bút chiến đã nổi bật lên, hùng hồn và đanh thép hơn bao giờ. Ta có những bài biểu đưa lên nhà vua, có bài báo bỏ những lập luận nhu nhược, sợ địch của Tự Đức (như bài trả lời của Văn thân Nghệ Tĩnh). Có bài trả lời thẳng cho các viên tướng xâm lược Pháp, viết từ những địa phương lớn đến những căn cứ nhỏ v.v... Loại tác phẩm này còn phát triển mãi về sau như những lá thư của Nguyễn Thái Học gửi cho chính phủ Pháp những năm cuối thập kỷ 20. Nếu có công tập hợp lại những bài này thì chắc chắn ta có thể bổ sung thêm một số nhận định cho lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học. Trong số những bài này phải kể đến lá thư của Phan Đình Phùng trả lời Hoàng Cao Khải. Sự lập luận chặt chẽ, lập trường dứt khoát phân minh, trong cách diễn đạt tình lý đầy đủ như ở lá thư này, thật là hiếm có.

Còn một số điểm nữa tuy có thể là bất ngờ với nhiều người, song là một sự thực. Không làm nhiều thơ, không chuyên sáng tác, nhưng Phan Đình Phùng vẫn có một tâm hồn thi sĩ. Ông có duyên nợ với thơ. Ta nhớ lại, ngày Phan Đình Phùng sắp sửa từ giã cõi đời, ông đã gặp vợ con, tả hữu, tướng lĩnh thân thích, rồi bảo mang bút giấy đến cho ông. Có thể là ông muốn viết lời di chúc? Có lẽ ông muốn ghi mấy dòng chữ cho bạn bè, họ hàng để ký thác vợ con? Hay ông muốn nói thêm những lời cuối cùng với kẻ địch. Không? ông không làm như thế. Ông làm thơ. Bài thơ là tiếng nói cuối cùng của ông trong đời. Ông cần có thơ, ông nhớ đến thơ, và làm thơ trong phút giây trọng đại ấy - phút giây mà trong thực tế rất ít người nghĩ ra và làm được. Có một cử chỉ, một duyên nợ với thơ như thế, ông xứng đáng là một thi sĩ hoàn toàn. Và bài Lâm chung thời tác của ông cũng đáng là một bài thơ trang trọng với tấm lòng nhân đạo bao la, với tinh thần chiến đấu quyết liệt của ông.

Nàng thơ cũng đến với Phan Đình Phùng trong một số trường hợp khác, đáng kể là trường hợp ông còn phiêu lưu trên đất Bắc, ăn tết xa quê hương, vì đang lo lắng vận động phong trào. Hồn thơ trong bài bát cú này thật là lai láng, chất thơ đậm đà, tâm hồn tha thiết... có thể xem là một tác phẩm xuất sắc so với nhiều bài của các vị Văn thân khác. Đào Trinh Nhất đã dịch bài này ra thể lục bát và tôi nghĩ là có phần đạt hơn tất cả các bài dịch chúng ta có trong tay:
Tiếng oanh non nỉ sân ngoài
Tìm Xuân về đó mà người ở đâu
Ngàn thu một tấm cô sầu
Non Hồng núi Ngự mây đầu xa xa
Hiếu trung là nếp nhà ta
Biệt ly đất khách, oán mà làm chi
Tiết Xuân ai cũng vui vầy
Mà ta riêng nỗi sầu bi một mình.
Cuối cùng, còn phải ghi nhận rằng, chung quanh Phan Đình Phùng còn có cả một kho văn học dân gian phong phú. Khá nhiều lãnh tụ Cần vương hoặc anh hùng, chiến sĩ ở các phong trào khác đều được văn học dân gian ghi nhận, song ít phần phong phú hơn Phan Đình Phùng. Bài Vè Quan Đình thuộc loại tác phẩm xuất sắc nhất trong kho tàng văn vè Việt Nam. Bài vè nêu khá đầy đủ tiểu sử Phan Đình Phùng, từ một nhà trí thức tiến lên thành một anh hùng cứu nước, vạch rõ bản chất trọng trách của ông, so sánh với bọn Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân. Bài vè nêu rõ đất Hương Sơn, Hương Khê lúc đó đã thành “Giang sơn riêng hẳn một toà cõi Nam”, dưới sự lãnh đạo của con người “tâm viên chí cường”:
Hồng Lam tỏ mặt anh hào
Văn thân bốn cõi trông vào một ta!
Và bài vè cũng đề cập đến cái bất tử của Phan Đình Phùng; rất dân gian:
Quan Đình giữ tiết cương thường
Hãy còn hương hoả từ đường dài lâu
Bình Tây ai dựng cờ đầu
Hồng Lam danh tiếng về sau còn nhiều.
Cái đặc sắc của tác giả vè là đưa ra một lời khuyên nhủ:
Dặn con dặn cháu một điều
Vè này phải thuộc cho nhiều mới hay!
Phải thuộc cho nhiều! Điều ấy có nghĩa là tấm gương của Phan Đình Phùng phải luôn luôn được học tập, truyền bá. Lời khuyên nhủ này ít gặp trong nhiều bài vè khác, chứng tỏ lòng sùng bái của nhân dân đối với Phan là thường trực, sự tôn vinh là lâu dài.

Sau bài Vè Quan Đình, vùng Nghệ Tĩnh còn lưu truyền những bài vè khác, gần như muốn minh hoạ cho đầy đủ cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đặc biệt là việc đúc khí giới. Xưởng võ khí trên núi Vụ Quang là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử khởi nghĩa Việt Nam. Nghĩa quân nơi đâu chẳng rèn gươm giáo, vót cung tên, chỉ có quân khởi nghĩa của Phan Đình Phùng mới dám đúc súng theo kỹ thuật tối tân của Pháp lúc đó. Việc đúc súng đối với những người dân thợ rèn Nghệ Tĩnh thời kỳ ấy là một niềm hào hứng vừa của phát minh, vừa của hi sinh chiến đấu. Thợ rèn các làng, nhất là Trung Lương, Vân Chàng đã được mời về Sơn trại, bí mật nhưng vẫn ào ạt:
Nay vâng lệnh quan Phan
Lên rừng ta đúc súng
Những bệ rèn, ống dóng
Những mâm thau nồi đồng
Cày cuốc cũng tập trung
Than rừng thì có đó!
Cả một không khí tấp nập, rừng rực khí thế đua tranh. “Xưởng trong cho chí trại ngoài, thợ rèn các tỉnh đều mời hội công”... Cuối cùng kết quả hào hứng đã diễn ra: việc đúc súng đã thành công mỹ mãn:
Súng ta chế được vừa xong
Đem ra mà bắn nức lòng lắm thay
Bắn cho tiệt giống quân Tây
Cậy nhiều súng ống phen này hết khoe.
Tiếp theo vè, có lẽ phong phú nhất là những giai thoại, những chuyện đồn đại chung quanh cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Người dân Nghệ Tĩnh luôn luôn kể cho nhau nghe những “mẩu chuyện quan Đình”. Nào là tinh thần dũng cảm của ông chống Tôn Thất Thuyết trong vụ phế lập, nhưng sau đó hai ông lại thống nhất với nhau trong nhiệm vụ cứu nước, mà những lời “tướng huấn” của Tôn Thất Thuyết được Phan Đình Phùng treo ngay nơi làm việc của mình (câu đối: Liêm bình khâm tướng huấn). Nào là mưu trí của ông trong việc bắt sống tuần phủ Đinh Nho Quang, việc ông học tập cái kế “Sa nang úng thuỷ” của Hàn Tín để giành thắng lợi trong một trận đánh Pháp. Giai thoại về những tướng lĩnh dưới trướng Phan Đình Phùng cũng rất nhiều, thường tập trung vào hai nhân vật Cao Thắng và Đội Quyên, hai người có công sáng tạo, thực hành trong việc đúc súng. Chuyện về các ông Lĩnh (như Lĩnh Chanh), các ông Đội (như Đội Văn) tung hoành trên các trận địa, biến hoá, thay hình đổi dạng trên các căn cứ hoặc các làng mạc v.v... luôn luôn được kể lại một cách hào hứng, không loại trừ nhiều trường hợp hư cấu, thêm bớt theo sự tưởng tượng của người kể. Lại cũng không nên quên các mẩu chuyện về những quân thứ của Phan Đình Phùng. Chuyện của những người xướng nghĩa đầu tiên ở Nghệ Tĩnh như Lê Ninh, người cầm đầu Lễ thứ (làng Trung Lễ, Đức Thọ); của người tiếp tục hoạt động sau khi Phan Đình Phùng đã mất như Ngô Quảng (ở Nghi thứ, Nghi Xuân) v.v.. Dân gian còn truyền tụng những chuyện về nhiều chị em trong cuộc khởi nghĩa này cũng đều là kiện tướng có tài năng, mưu lược nhưng đến nay tiểu sử vẫn còn chưa được giới thiệu cho đầy đủ. Người ta chỉ nhắc với nhau về một cô Tời, bà vợ lẽ Đội Quyên, có cái biệt hiệu là Ngưu Y Nữ, nhiều phen làm cho bọn Tây táng đởm kinh hồn. Người ta cũng nhắc với nhau về một cô Tám, cô hàng than ở bến chợ Tràng, phải chăng là tác giả của những câu hò tuyệt diệu:
Đi đâu lật đật hỡi ai
Mũi tên hòn đạn cho người này theo
Mênh mông một nước một chèo
Giang san gánh nặng vẫn đeo bên mình.
***

Những điều ghi nhận trên đây cho phép chúng ta đi tới một khẳng định: Phan Đình Phùng là một tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng có một vị trí nhất định trong văn học. Cả văn chương bác học và văn chương bình dân đều tôn vinh ông, và về phía bản thân mình, ông cũng đóng góp cho văn học. Có một sự hài hoà ở con người này, sự nhất trí giữa tình cảm và lý trí. Nét đẹp của cuộc khởi nghĩa Hương Sơn, của thơ văn yêu nước cuối thế kỷ XIX, và cả của Phan Đình Phùng là ở đó.


Vũ Ngọc Khánh
Tham luận Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất Phan Đình Phùng, ngày 28-12-1995.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook