Phan Đình Phùng sinh năm Đinh Mùi (1847) trong một gia đình khoa bảng ở làng Đông Thái, xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuổi niên thiếu, không phải là người thông minh, nhưng cậu Phùng đã sớm bộc lộ một chí khí kiên cường quyết tâm “đóng cửa đọc sách”, “thề chiếm giải khôi nguyên”.

Quả nhiên, ông đã đỗ Cử nhân năm Bính Tý (1876) và đỗ Đình nguyên Tiến sĩ năm Đinh Sửu (1877) khi ông tròn 30 tuổi. Năm 1878, được bổ làm Tri phủ Yên Khánh (Ninh Bình), mở đầu chặng đường làm quan dưới triều Nguyễn.

Sau đó, ông được triệu vào kinh, sung Đô sát viện, cơ quan có chức năng can gián vua và đàn hặc lỗi lầm của bá quan văn võ. Là Ngự sử, ông đã vạch tội Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Chánh đục khoét dân lành, khiến y bị bài chức.

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết nắm toàn quyền sinh sát, phế Dục Đức lập Hiệp Hoà. Đình thần có mặt trong cuộc họp phế lập ấy đều biết làm như vậy là trái với di mệnh của Tự Đức nhưng trước uy quyền của Thuyết, đều buộc phải im lặng. Riêng Phan Đình Phùng đã nổi giận đứng phắt lên quát mắng Thuyết. Có người lo cho ông, níu áo ông lại nhưng ông đã giật đứt cả vạt sau của tấm áo đại triều. Tôn Thất Thuyết cả giận hô chém đầu ông, nhưng sau chỉ cách hết chức, đuổi ông về làng.

Năm 1884, Phan Đình Phùng được cử làm Tham biện Sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 9 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, phong cho ông làm Tán lý quân vụ, thống lĩnh quân cần vương.

Phan Đình Phùng truyền hịch khởi nghĩa ở quê hương Đông Thái, rồi rút lên Phụng Công. Giặc bắt được Phan Đình Thông, anh ruột Phan Đình Phùng. Chúng đặt điều kiện: Hoặc Phan Đình Phùng phải đầu hàng, hoặc chúng sẽ đào mộ bố mẹ Cụ và chém đầu Phan Đình Thông. Phan khẳng định: “Nay tôi có một ngôi mộ rất to nên giữ là đất nước Việt Nam, tôi có một ông anh rất to đang bị nguy vong là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về sửa sang phần mộ nhà mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu ông anh của mình thì mấy mươi triệu anh em trong nước ai cứu? Bây giờ tôi chỉ có một chết mà thôi...”

Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn - Hương Khê (Vụ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Địa bàn hoạt động khá rộng, bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần Quảng Bình và Thanh Hoá. Ngay từ buổi đầu, Phan Đình Phùng đã có nhận thức đúng đắn, cần phải dựa vào sức mạnh của toàn dân mới có thể chiến thắng được quân thù có vũ khí hiện đại. Phan đã giao cho Cao Thắng trách nhiệm tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ Tĩnh, rồi tự mình ra Bắc (1887) liên hệ và vận động thống nhất các lực lượng chống Pháp ở cả hai miền Trung và Bắc.

Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về, trực tiếp lãnh đạo phong trào, thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Phan chia nghĩa quân ra làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 150 nghĩa binh, do một Đề đốc hay Lãnh binh chỉ huy, riêng đại đồn Vụ Quang lúc nào cũng có 500 quân trở lên.

Nghĩa quân đã khéo dựa vào núi rừng hiểm trở, áp dụng chiến thuật du kích để tiêu diệt quân địch. Trận Vụ Quang tháng 10-1894 với kế “Sa nang úng thuỷ” của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, đã khiến địch phải chịu tổn thất nặng nề: hơn trăm binh lính và 3 sĩ quan bị tiêu diệt, nghĩa quân thu 50 súng và rất nhiều quân trang quân dụng. Trong điều kiện vô cùng gian khổ, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã duy trì cuộc kháng chiến được 11 năm là thời gian dài nhất trong phong trào Cần vương kháng Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX.

Chiến thắng Vụ Quang có tiếng vang lớn, nhưng không xoay chuyển được đại cục. Quân xâm lược với ưu thế tuyệt đối về vũ khí, lại có thêm sự phối hợp của triều đình Huế (tháng 8-1895 triều đình Huế cho Nguyễn Thân đem 3000 quân ra giúp Pháp đàn áp nghĩa quân) đã tăng cường bao vây căn cứ địa của nghĩa quân, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế, mặt khác dùng quân cơ động luân phiên càn quét dài ngày, khiến lực lượng của nghĩa quân hao mòn suy yếu.

Cuối 1895, Phan Đình Phùng lùi về rú Quạt. Bị thương trong khi chỉ huy chiến đấu, Phan Đình Phùng lại bị bệnh tật giày vò, đã từ trần ngày 28 tháng 12 năm 1895.

Chủ tướng qua đời, nghĩa quân tan rã dần, cho đến cuối năm 1896 thì phong trào tắt hẳn.

Cuộc đấu tranh vũ trang Hương Sơn - Hương Khê dưới sự chỉ huy của nhà chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng kéo dài trên 10 năm trời (1885- 1896) là biểu hiện hào hùng của tinh thần độc lập dân tộc của truyền thống yêu nước Việt Nam. Các chiến sĩ Cần vương đã ngã xuống trên trường tranh đấu, để lại cho hậu thế một tấm gương bất khuất vì giống nòi. Phan Đình Phùng, vị lãnh tụ tiêu biểu của phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX là một anh hùng dân tộc vĩ đại mà tên tuổi còn sáng mãi trong lòng hậu thế.

Tác phẩm Phan Đình Phùng để lại có Việt sử địa dư vựng sách (lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A971) là một tập tài liệu lịch sử và địa lí có giá trị khoa học, cùng một số thơ văn, trong đó có bài thơ tuyệt mệnh nói lên tâm sự của một nhà Nho yêu nước mà sự nghiệp kháng Pháp còn dang dở.

Phan Văn Các

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]