Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.



[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ “Muốn làm thằng Cuội”

Tản Đà là một nhà thơ sớm nổi tiếng. Thơ ông tràn đầy cảm xúc lãng mạn, rất đậm đà bản sắc dân tộc và có những sáng tạo mới mẻ. Có thể nói thơ Tản Đà là một gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam. Muốn làm thằng Cuội là bài thơ đặc sắc của ông.

Bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cụ. Bài thơ mở đầu là lởi kể tự nhiên, là lời tâm sự với nỗi buồn man mác:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Nhà thơ có nỗi buồn nơi trần thế nên ngẩng đầu tâm sự với chị Hằng vào một đêm thu. Nhà thơ buồn vì người đời ở thế gian, hoặc cũng có thể buồn vì chí hướng của ông không thực hiện được. Cái trần thế mà nhà thơ đang sống có lẽ là bất công, ngột ngạt đến khó chịu. Nhưng dù buồn chán, nhà thơ vẫn tâm sự ngọt ngào với chị Hằng, thổ lộ cho chị biết cuộc sống ở trần thế. Lời tác giả với chị Hằng cũng là lời tâm sự thân thiết. Lời tâm tình ấy đã tạo nên một khoảng cách rất gần giữa trần thế và vũ trụ. Vầng trăng từ xưa đến nay vốn là nguồn cảm xúc của thi sĩ. Nhưng hôm nay, vầng trăng là người để nhà thơ san sẻ nỗi niềm tâm sự. Nhà thơ muốn xin chị Hằng giúp đỡ để thoát khỏi cái thực tại tầm thường, xấu xa nơi trần thế. Tản Đà đã thể hiện rõ nguyện vọng của mình:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Nhà thơ hỏi thẳng có ai ngồi trên cung quế đó chưa rồi mới bám vào cây đa xin chị Hằng đưa lên cung trăng. Tản Đà muốn làm thằng Cuội là muốn thoát li cuộc sống bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng. Ở đây ta cảm nhận cái ngông của Tản Đà, nhưng cái “ngông” ấy không phải để người ta ghét bỏ mà cái “ngông” thật đáng yêu vì nó thật sự thanh cao. ông muốn sống ẩn dật để thoát li khỏi xã hội tầm thường, xấu xa để đời mình không vướng bụi mờ, không mắc phải cái tầm thường nơi trần thế.

Nhà thơ đã thể hiện mục đích của mình khi lên cung quế, nó không những thoát li cuộc sống thực tại, vứt bỏ cái buồn của mình mà còn tìm đến với bầu bạn, tìm đến với thiên nhiên khoáng đạt của đất trời:
Có bầu, có bạn, can chi tủi
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Nhà thơ thật lãng mạn pha chút ngông nghênh rất đáng yêu, ông muốn đổi mới cuộc sống mình, muốn tìm đến cái tốt đẹp, tìm đến cuộc sống có ý nghĩa.

Kết thúc bài thơ đã nêu bật ra ý nguyện của Tản Đà. Ông muốn làm thằng Cuội để không bao giờ sống dưới trần gian bế tắc ấy nữa. Ông sẽ mãi mãi ở trên cung trăng:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Tiếng cười của Tản Đà khi được ở cung trăng có nhiều ý nghĩa. Vui cười với các em thiếu nhi ở thế gian nhân ngày Tết trung thu, cười cái bon chen ở trần thế, cười cái xã hội bế tắc ở buổi giao thời. Cũng có thể là cái cười chua xót trong lòng “như mảnh vỡ thuỷ tinh” và cũng có thể là tiếng cười hả hê vì đã đạt ý nguyện thoát li được xã hội đen tối. Thấp thoáng trong tiếng cười ấy cổ sự ngạo mạn về cảnh đời ở thế gian, những việc làm nực cười của xã hội dưới con mắt của nhà thơ.

Bài thơ là một khát vọng lãng mạn đầy ý nghĩa. Lời thơ có sức tưởng tượng dồi dào, phóng túng, táo bạo nhưng rất duyên dáng, tế nhị. Bài thơ có sức hấp dẫn người đọc, giúp người đọc đồng cảm với con người phải sống trong xã hội giao thời “nửa cười nửa khóc”. Hồn thơ lãng mạn pha chút ngông nghênh, nó vừa mang tính chất cổ điển vừa mang tính hiện đại. Tất cả những yếu tố đó tạo nên cái hay của bài thơ và cái hay của nhà thơ.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
184.17
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích cái ngông, cái sầu, cái mộng trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Đầu thế kỉ XX, trên thi đàn xuất hiện một gương mặt mới lạ. Ấy là Tản Đà. Sự xuất hiện của Tản Đà đã gây xôn xao trong dư luận đương thời. Không ít ánh mắt tò mò, hiếu kì! Những lời khen, chê, đủ cả! Người ta tò mò, hiếu kì vì cái thói phóng túng, tài tử của ông thì ít, mà tò mò hiếu kì về thơ ông thì nhiều. Lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam, xuất hiện một hồn thơ như thế; vừa sầu mộng, vừa đa tình và rất ngông.

Tản Đà vốn xuất thân Nho học, và có lẽ thuộc lớp Nho học cuối cùng của Việt Nam. Sống ở cái thời mà nền Nho học sắp tàn, Tản Đà đã sớm chuyển sang sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, đặc biệt vào những năm 20 của thế kỷ XX. Với những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, Tản Đà đã thổi một luồng gió mới vào thơ ca đương thời.

Thơ ca truyền thống xưa nay thường đề cao cái ta, một cái ta khuôn mẫu của đạo đức, lí tưởng và trách nhiệm công dân. Đến Tản Đà, một cái tôi đầy bản ngã và cá tính đã ra đời. Tuy nhiên, hiện thực xã hội ngột ngạt, tù túng đã bóp chết những khát vọng của con người, nhất là người nghệ sĩ. Trong suốt cuộc đời mình, Tản Đà đã sống trong tâm trạng bết đắc chí tài cao, phận thấp, chí khí uất. Tâm trạng u uất ấy khiến thơ Tản Đà tràn ngập một nỗi sầu da diết khôn nguôi:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Nỗi sầu của Tản Đà không chỉ là do bất mãn cá nhân, buồn về thân phận: Hai mươi năm lẻ hoài cơm áo – Mà đến bây giờ có thế thôi, mà còn là nỗi buồn đau về nhân sinh, thời thế, về đất nước: Gió gió mưa mưa đã chéo phèo – Sự đời nghĩ đến lại buồn teo. Suy nghĩ cho cùng, đó là nỗi buồn đau đẹp, rất đáng được trân trọng!

Bất hoà sâu sắc với cuộc đời, với xã hội, Tản Đà muốn thoát ra khỏi cuộc đời.

Không chỉ có Tản Đà ôm ấp khát vọng thoát li. Phàm những ai sống ở thời đó mà có tâm hồn thanh cao và cá tính mạnh mẽ như Tản Đà đều muốn thoát li khỏi cuộc đời. Tuy nhiên, không ít người đã rơi vào bế tắc vì muốn thoát li mà không thoát li nổi (Xuân Diệu). Nhưng Tản Đà lại khác. Với tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, Tản Đà tìm cách thoát li bằng mộng tưởng. Đặc biệt, giấc mộng thoát li của Tản Đà rất ngông; thoát li lên cung trăng làm bầu bạn với chị Hằng:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi,
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Tản Đà vốn là một hồn thơ ngông, chính Tản Đà cũng tự nhận mình là một vị tiên trên trời, bị đày xuống hạ giới vì tội ngông, đã từng viết bài thơ Dạm bán áo đoạn để mà mua giấy viết ngông. Vì thế, cái khát vọng thoát li rất ngông của Tản Đà trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội cũng là lẽ thường tình của thi sĩ.

Khát vọng thoát li lên cung trăng của Tản Đà đã là rất ngông rồi, nhưng ngông hơn nữa là cách xưng hô thân mật, có phần suồng sã chị chị em em của Tản Đà đối với chị Hằng; rồi khi đã lên đến cõi tiên, lại dám nhận mình là tri âm, tri kỉ của người đẹp, xem người đẹp như bạn tâm tình để giãi bày mọi tâm sự: có bầu có bạn can chi tủi, thoả được thói phóng túng cùng gió cùng mây thế mới vui.

Một giấc mộng vừa ngông, vừa lãng mạn và cũng rất đa tình. Nó là sản phẩm tất yếu của một tâm hồn luôn cảm thấy buồn vì trống vắng, cô đơn như Tản Đà. Trong cuộc đời mình, đã không ít lần thi sĩ khắc khoải đi tìm những tâm hồn tri kỉ:
Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm
Ao ước được thả hồn mình cùng mây gió:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay
Thoát li khỏi cuộc đời để làm thằng Cuội, nỗi sầu u uất trong lòng ông dường như đã được giải toả.

Mạch cảm xúc lãng mạn và ngông đẩy lên đến cao độ ở hai câu kết của bài thơ:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
Trong con mắt nhìn đời rất ngông của Tản Đà, cõi trần bụi bặm chỉ còn là bé tí chẳng đáng phải bận tâm. Một nụ cười hóm hỉnh mà thật có duyên, rất Tản Đà.

Có thể nói bài thơ Muốn làm thằng Cuội là một sáng tác tiêu biểu cho hồn thơ tràn đầy cảm xúc lãng mạn, vừa sầu mộng vừa đa tình và rất ngông của Tản Đà. Hồn thơ ấy đã khắc một dấu ấn sâu đậm trong thơ ca đương thời và mãi đến tận mai sau.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
54.20
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là nhà thơ lớn nhất của dân tộc ta trong những năm đầu thế kỉ XX. Thơ Tản Đà là tiếng lòng của một cái tôi bất hoà sâu sắc với thực tại tầm thường, tù túng, muốn tìm cách thoát ly bằng mộng tưởng. Với một hồn thơ vừa phóng túng, vừa sầu mộng và rất ngông, Tản Đà đã thổi một luồng gió lãng mạn vào trong thi ca, dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kì đang sắp sửa (Hoài Thanh).

Bài thơ Muốn làm thằng Cuội nằm trong cuốn Khối tình con I, xuất bản năm 1917. Bài thơ là lời nhà thơ nói với chị Hằng trong một đêm thu và xin chị cho lên cung trăng cùng chị để tránh xa cái trần thế đáng chán này.

Bài thơ vẫn được viết theo thể thơ truyền thống của thi ca lúc bấy giờ: thể Đường luật bát cú. Đọc kĩ bài thơ, ta thấy nhà thơ vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh những quy tắc chặt chẽ của thể thơ cổ điển nhưng không gò bó, khô cứng, mà tự nhiên, thoải mái, lời thơ mặn mà, tình tứ và rất có duyên.

Bài thơ mở đầu bằng một lời than thở, một tâm trạng, một nỗi lòng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Trong câu thơ của Tản Đà, ta đọc được một nỗi sầu da diết khôn nguôi. Vì sao Tản Đà, một thanh niên đang phơi phới tuổi xuân, tài danh cũng đã nổi, lại trở nên sầu muộn như thế? Trong bài Giải sầu (1918), Tản Đà cũng đã từng viết: Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; một mình tĩnh mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu… sầu không có mối, chém sao cho đứt sầu không có khối, đập sao cho tan…

Phải chăng cái sầu trong thơ Tản Đà là cái sầu vẩn vơ, vô cớ? Không! Đó là nỗi buồn thời thế, buồn nhân sinh! Nỗi buồn ấy chỉ có thể có được ở những linh hồn cao khiết còn giữ được của một thời cái cốt cách vững vàng, cái phong thái thung dung (Hoài Thanh) như Tản Đà.
Cùng với nỗi buồn, Tản Đà chán ngán cuộc đời:
Trần thế em nay chán nửa rồi
Thái độ chán đời của Tản Đà là thái độ bất hoà sâu sắc với cuộc đời, với cái xã hội phong kiến thực dân ngột ngạt tầm thường. Thái độ ấy bộc lộ một cá tính mạnh mẽ của một tâm hồn thanh cao không chịu uốn mình theo một khuôn phép của xã hội, không cam chịu một thân phận nô lệ thấp hèn.

Tâm trạng của Tản Đà, suy cho cùng, là nỗi đau đớn rất đáng quý, là nỗi buồn đẹp để người đời phải ngẫm suy.

Bất hoà sâu sắc với thực tại, Tản Đà tìm cách thoát li thực tại. Khát vọng thoát li thực tại không chỉ có ở Tản Đà, mà nó là khát vọng của cả một lớp thanh niên trí thức đang sống trong không khí tù túng, u uất. Không ít nghệ sĩ đã tìm cách thoát li trong rượu, trong thơ, trong cuộc sống giang hồ tài tử, trong cõi bồng lai tiên cảnh mơ hồ của mộng tưởng. Với Tản Đà, cá tính ngông khiến thi nhân tìm cho mình một cách thoát li cũng rất đặc biệt, rất ngông:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Thật là một địa chỉ thoát li lí tưởng, vừa xa lánh hẳn cái trần thế đáng chán kia, vừa được sống trong một thế giới bồng lai tiên cảnh thành khiết, bên một thiếu nữ đẹp và bao dung như chị Hằng. Còn gì hơn thế!

Điều đáng chú ý ở đây là việc bày tỏ khát vọng thoát li. Đầu tiên là một lời ướm hỏi: Cung quế đã ai ngồi đố chửa? Tiếp đến là một gợi ý: Cành đa xin chị nhắc lên chơi. Giọng điệu thơ thật tự nhiên, vừa dí dỏm, vừa tha thiết, mặn mà, làm sao nỡ từ chối?

Chẳng biết chị Hằng đã đồng ý chưa mà nhà thơ lại thích thú đến thế khi tưởng tượng ra cảnh sống bên cạnh tiên nga:
Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui!
Vì sao Tản Đà cảm thấy sung sướng và hanh phúc đến thế? Bởi lẽ ông đã tìm được tri kỉ: có bầu, có bạn, được hoà đồng với cuộc sống: cùng gió, cùng mây, không còn phải cô đơn, buồn tủi nữa.

Thế có nghĩa là trước đây, ở trần thế, ông luôn cảm thấy mình lẻ loi, cô đơn, buồn tủi: Đông người cười nói mà càng sầu? Sống giữa chốn phồn hoa đô thị nhộn nhịp, hỏi đã mấy ai hiểu được nỗi lòng thi nhân?
Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm!
Nhớ lại từ thế kỉ trước, Bà huyện Thanh Quan cũng đã từng phải cô đơn, buồn tủi giữa đám tuỳ tùng, giữa những người xung quanh bà:
Một mảnh tình riêng, ta với ta!
Nếu như nữ sĩ xưa chỉ biết ôm mối sầu tủi, buồn thương trong lòng, thì Tản Đà không cam chịu, ông tìm đến với chị Hằng, cùng chị làm bầu bạn tâm tình để cho tâm hồn mình thư thái lại, để cho lòng mình rộng mở mà đón nhận thiên nhiên, đón nhận vẻ đẹp thanh tao của cuộc sống không vấy bẩn bụi trần. Mối u uất trong tâm hồn thi nhân dường như đã được giải toả.

Giấc mộng lên cung trăng của thi nhân thật lãng mạn, đầy chất đa tình và ngông. Giấc mộng thoát ly này hẳn phải khiến nhiều người ngỡ ngàng?

Trong thơ văn xưa, đã có không ít người mơ lên cung trăng, thả hồn vào cõi tiên, nhưng liệu đã có ai như Tản Đà, đem theo nguyên vẹn cái: thói phong tình bất kính như thế?

Mạch cảm xúc lãng mạn và ngông được đẩy lên cao độ bằng một hình ảnh tưởng tượng đầy bất ngờ và ý vị:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.
Trong con mắt của Tản Đà, cõi trần bụi bặm kia giờ đây chỉ còn bé tí. Và nhà thơ bật cười thích thú với cái ý nghĩ đó. Một cái cười vừa thoả mãn, vừa mỉa mai, bao dung. Thoả mãn vì đã thực hiện được mộng tưởng thoát li, đã xa lánh được hẳn cái xã hội tầm thường, tù túng. Mỉa mai, bao dung vì cõi trần giờ đây chỉ còn bé tí, đâu có thể giam hãm được một tâm hồn đang bay bổng lên trên nó. Hai câu kết là đỉnh cao của một tâm hồn lãng mạn và ngông của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiên sinh.

Bài thơ khép lại trong niềm sung sướng đến mãn nguyện của thi nhân vì đã thực hiện được giấc mộng thoát li. Thế mà mấy mươi thập kỉ sau người đời vẫn còn phải bàn luận về nó.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
74.14
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Nêu cảm nhận về bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Những năm 20 của thế kỷ XX, Tản Đà là thi bá trên thi đàn Việt Nam. Tài hoa, lãng mạn, thoát ly và ngông là phong cách nghệ thuật của thi sĩ Tản Đà. Trong bài Thú ăn chơi, thi sĩ viết:

Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông,
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly,
Túi thơ đeo khắp ba kỳ,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội là bài thơ kiệt tác, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tản Đà thi sĩ:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Mở đầu bài thơ là một tiếng kêu buồn lắm chị Hằng ơi. Một tiếng kêu đầy ắp tâm sự như Xuân Diệu từng nhận xét.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Nỗi buồn đến mức buồn lắm trong cô đơn chỉ còn biết gọi chị Hằng để giãi bày tâm sự. Ba tiếng chị Hằng ơi Rất biểu cảm, ý vị làm cho giọng thơ thiết tha thân mật. Câu thơ đầy ắp tâm sự buồn và chán. Tản Đà đã từng viết: Đời đáng chán hay không đảng chán, nay thì đã chán nửa rồi. Bài thơ in trong tập Khối tình con xuất bản năm 1916, qua đó ta thấy rõ nguyên cớ sâu xa, buồn và chán vì trần thế, vì cuộc đời xấu xa, vì chế độ thực dân nửa phong kiến ngột ngạt, thối nát tù hãm. Vì công danh dở dang: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Buồn vì non nước đang bị ngoại bang thống trị “Lệ ai giàn giụa với giang san”. Đó là nỗi buồn của một thế hệ trong vòng nô lệ lầm than. Là một thi sĩ đa cảm, đa tình, nỗi buồn đã kết thành mối sầu:
Nửa ngòi bút ngỗng bao sinh luỵ
Một mối tơ tằm mấy đoạn vương.
(Đề khối tình con thứ nhất)
Một chữ xin rất chân thành thiết tha, như nài nỉ:
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Hai câu thực đã làm rõ đề bài Muốn làm thằng Cuội ở nơi cung trồng, cung quế. Câu hỏi tu từ gợi nhiều man mác bâng khuâng. Cành đa đã trở thành cái thang bắc lên chín tầng mây cao xanh để chị nhắc lên chơi cung quế. Đó là giấc mộng thoát ly. Mộng vì chán đời, ngán đời. Mộng có tính phủ định.
Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời.
(Nhớ mộng)
Có lên được cung quế mới đỡ tủi, mới thoả thích, thế mới vui. Có chị Hằng làm bầu bạn. Có gió, có mây cùng chơi với.

Điệp ngữ (có, cùng) và phép đối được vận dụng sáng tạo, có cả tiểu đối và bình đối. Cách ngắt nhịp 2/2/3 tạo nên giọng thơ nhún nhảy lâng lâng. Thấm đẫm vần thơ là chất phong tình lãng mạn, đọc lên nghe rất thú vị:
Có bầu / có bạn, / can chi tủi,
Cùng gió! cùng mây, / thế mới vui.
Đúng như nhà phê bình văn học Lê Thanh trong cuốn Tản Đà thi sĩ (1939) đã nhận xét: Thơ của ông (Tản Đà) là chất thơ trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mỹ....

Cái ngông, cái phong tình của thi sĩ đã dâng lên cực điểm. Đêm rằm tháng Tám, là đêm trung thu đẹp nhất. Chẳng còn buồn vì cô đơn nữa, thi sĩ được cùng chị Hằng tựa nhau trông xuống thế gian cười. Cái cử chỉ tựa nhau và nụ cười ấy cũng là một giấc mộng đẹp. Thoáng một chút mỉa mai (cho trần thế), nhưng đầy thú vị vì được thoát li, được thoả thích nơi cung quế:
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười
Cái kết thoát ly một cách nói phong tình, tài hoa. Có đọc bài thơ Hầu Trời mới thấy được, cảm được cái hay, cái thú vị của bài Muốn làm thằng Cuội.

Nửa đêm, Tản Đà tỉnh dậy đun nước pha trà, rồi ngâm thơ... Trời nghe giọng ngâm bèn sai hai tiên nữ xuống cõi trần rước thi sĩ bay lên. Thi sĩ đọc thơ cho Trời và bảy tiên nghe. Tất cả đều tấm tắc khen:
Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
Anh gánh lên đây bán chợ Trời!
(Hầu Trời)
Bài Muốn làm thằng Cuội là một bài thơ cổ thi đề độc đáo, thú vị. Giọng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, chơi vơi. Trí tưởng tượng phong phú, kỳ diệu. Chất mộng ảo, màu sắc lãng mạn thấm đẫm bài thơ.

Tuy có nói đến buồn, nói đến chán, có nói đến thoát ly, có thấm vị phong tình... nhưng toàn bài thơ toát lên một tinh thần phủ định thực tại xã hội thực dân nửa phong kiến xấu xa, khao khát được sống trong sạch hơn, thanh cao hơn, để mãi mãi giữ trọn thiên lương cao đẹp. Giá trị đích thực của bài thơ Muốn làm thằng Cuội là ở chỗ ấy...


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
34.33
Chia sẻ trên FacebookTrả lời