* Thay Lời Cảm Tạ Bậc Minh Sư Vĩ Đại đã đăng ở trang Phật giáo Daophatngaynay com.
---

NHỮNG “GÓP LỜI” TIÊU BIỂU – “CỘNG TÁC” VỚI THƠ TÁC GIẢ

(Những “góp lời” này đăng trong phần “thảo luận”, dưới các bài thơ của tác giả Tuệ Thiền - Lê Bá Bôn, với bút hiệu Bích La. Trong các “thảo luận” này có trích dẫn nhiều phát biểu của thiền sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… Ngoài một số được giới thiệu ở đây, còn nhiều “góp lời” dưới các bài thơ khác của tác giả).

1- Suy nghĩ về minh triết văn hoá-giáo dục (bài thơ: Ánh sáng lương tâm)
2- Sưu tầm về thiền, minh triết tâm linh-cuộc sống (Ánh sáng trong ta, Ngày giỗ mẹ)
3- Nhà khoa học nói về tâm não bị khuôn định (Câu hỏi lớn trong đời)
4- Tuệ nhãn Vô Niệm của sự sống vĩnh hằng – tham khảo lời thiền sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… (Chùm thơ thiền)
5- Đi tìm dấu vết sự sống vĩnh cửu (Gặp lại chính mình)
6- Sự sống là vĩnh hằng, Chứng nghiệm tâm linh của ngài J.Krishnamurti (Hơi thở minh triết)
7- Đọc 2 tác phẩm của ngài Krishnamurti – danh nhân giác ngộ được Liên Hiệp Quốc tôn vinh (Hướng đến mẫu số chung, Tự do)
8- Trợ giúp cho linh hồn siêu thoát (Linh hồn ngạ quỷ)
9- Tôi là gì? Đâu là quê hương chung? (Quê hương trong tôi)
10- Mầu nhiệm của Tâm Định Tuệ (Trì danh “Quán Thế Âm Bồ-tát)
11- Những thiện ích của 10 nghiệp thiện (Ấm áp niềm tin)
12- Cần biết kính yêu nhân cách (Ươm thiện lành tuổi thơ)
13- Hữu ích của hơi-thở-thiền (Chủ nhật nhiệm mầu)
14- Đàm đạo về thiền, Lời thiền trực ngộ của thiền sư D.T.Suzuki (Dấn thân)
15- Nhà khoa học kể lại câu chuyện tâm linh (Điểm hẹn)
16- Góp lời về Thiền Giác Ngộ (Đọc kinh “Trí tuệ siêu việt”)
17- Vài trải nghiệm hành thiền (Được tặng chân kinh)
18- Một số sưu tầm khoa học về tâm linh (Gặp lại vầng trăng)
19- Nhân-quả của cảm xúc & suy nghĩ tích cực (Không đề)
20- Mục đích của tu học chân chính, Lời dâng (Nhành hoa bể khổ)
21- Góp lời một số minh sư chỉ thẳng sự giác ngộ tối thượng (Nhận thức và thực tại)
22- Đi tìm Chân Lí (Nhớ ánh mắt Thầy)
23- Thiền ngôn của các minh sư (Sống thiền)
24- Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống (Tâm đối xứng)
25- Ngọn đuốc minh triết trên đường tìm Đạo/chân lí (Tìm lại chính mình)
26- Thiền-Tịnh-Tự tri & quán hơi thở (Tỉnh thức)
27- Đọc trong Trở Về Từ Cõi Sáng (Tôi nghe)
28- Tham khảo về Thiền (Trà thiền, Thiền, Chùm thơ vô đề)
29- Thượng Đế & Trí tuệ tâm linh (Xuân về từ ánh sáng trời cao)
30- Đàm đạo về Như Huyễn (Đi tới hiện tại)
31- Những “góp lời” tiêu biểu... , “Mặc như lôi” là hành thâm Bát-nhã (Thay lời cảm tạ bậc minh sư vĩ đại)
32- Góp lời về “Tự tri-Tỉnh thức-Vô ngã” nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới-21/9 (Bài ca vì hoà bình)
33- Thơ trong Đường Về Minh Triết đăng báo, tuyển tập (Trang giới thiệu tác giả & thơ – Tuệ Thiền Lê Bá Bôn)
34- "Như là hiền triết cho đời thêm hoa" (Ánh tâm xuân).
---
(Một số chỗ trong ngoặc đơn và chữ in hoa (trong các phần “thảo luận”) là do người đọc làm cho rõ nghĩa hoặc nhấn mạnh).
-------------------------
“MẶC NHƯ LÔI” LÀ HÀNH THÂM BÁT-NHÃ
(Sưu tầm)

* Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. (…) Cái được gọi là “thiện căn” chỉ có giá chừng nào nó làm lợi ích cho tất cả thế gian. Nếu không thể phụng sự cho toàn thể môi trường gồm những thân thuộc mà mình đứng trong đó – nghĩa là, nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì “thiện đức” của y không phải là thiện đức thứ thiệt, và chẳng có cái lối chứa nhóm nào như vậy mà lại có thể làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ (tức Bồ-đề tâm). (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Thiền Luận - quyển hạ, luận IV; D.T.Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).

* Người học kinh, xem giáo lí, mỗi câu mỗi câu đều phải uyển chuyển xoay về nơi mình để làm sáng tỏ tánh giác. (Thiền sư Bá Trượng) - (Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn. Thế giới loài người của chúng ta là sự hiện hữu của năm uẩn, và trừ phi chúng ta biết và thấy được năm uẩn này, bằng không chúng ta không thể hiểu rõ lời dạy của đức Phật. (…) Khi hành giả phát triển được định tâm mạnh mẽ, hành giả sẽ thấy rằng đối tượng được phản chiếu trong ý môn như trong một tấm gương. (Thiền sư Pa-auk Sayadaw, thiền sư theo truyền thống Theravàda-Phật giáo Nam tông) – (Biết Và Thấy; P. Sayadaw; dịch giả: Pháp Thông).

* Người trí xem năm uẩn là những cấu trúc của tưởng. (…) Ba cõi không gì khác hơn là sự phân biệt. (…) Khi một sự chuyển hoá (chuyển y) xảy ra thì có một trạng thái vô tưởng vốn là cảnh giới của người trí. (…) Khi người ta nhận biết rằng không có gì ngoài những thứ được thấy từ chính cái Tâm thì sự phân biệt về hữu và phi hữu đứt đoạn.(Kinh Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Vì vậy, tôi mới nói: Đừng phản ứng mà hãy lắng nghe sự kiện rằng não bộ bạn là một mạng lưới gồm những từ và từ, và rằng bạn không thể thấy bất cứ cái mới nào nếu bạn còn luôn luôn dùng từ, từ, từ. (Lửa Giác Ngộ - đối thoại giữa ngài Jiddu Krishnamurti và một số hành giả thiền định; dịch giả Đào Hữu Nghĩa).

* Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu (ở trước) của thoại. Niệm từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm. Vạn duyên đều từ tâm khởi, tâm là đầu của vạn duyên. Sự thật, “thoại đầu” tức là “niệm đầu”; trước niệm chính là tâm. Nói thẳng, trước khi một niệm chưa sinh là thoại đầu. Do đây, chúng ta biết khán thoại đầu tức là quán tâm. Khán “Trước khi cha mẹ chưa sinh, mặt thật xưa nay là gì?” là quán tâm. (Thiền sư Hư Vân) – (Thiền Đốn Ngộ; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Này thiện tri thức, nếu trong các ông hàng hữu học, mỗi lần niệm khởi trong tâm, hãy hồi quang phản chiếu (tận nguồn tâm). Khi niệm diệt trong tâm, sự phản quán tâm cũng tự diệt, đó là vô niệm. Vô niệm hoàn toàn thoát ngoài các duyên ngoại cảnh, bởi vì nếu còn có cảnh duyên nào thì không thể là vô niệm được. (…) Nếu khởi chánh chân Bát-nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát-na vọng niệm đều diệt. (…). Nếu để cho tâm chẳng nghĩ gì hết, đó là diệt niệm, tức bị pháp trói buộc, gọi là thấy một bên. (Lục tổ Huệ Năng) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

* Và để đốt lên ngọn lửa từ bi vĩ đại ấy không đòi hỏi phải hi sinh lớn lao cái này cái nọ chi cả, mà là một trí tuệ tỉnh thức để thấy động niệm. Và giác động niệm là chấm dứt động niệm, đó mới thực là thiền. (Lửa Giác Ngộ - đối thoại giữa ngài Jiddu Krishnamurti và một số hành giả thiền định; dịch giả Đào Hữu Nghĩa).

* Nếu được bạn lành vạch bày liền đốn ngộ cái “biết” không-lặng. Cái “biết” không có niệm, không hình tướng thì đâu có gì là ngã tướng nhân tướng. (Thiền sư Tông Mật)) – (Nguồn Thiền; Tông Mật; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Mục tiêu của việc tu thiền là nhận ra tự tánh (tức Phật tánh) và giải thoát khỏi mê lầm phiền não. Làm thế nào để nhận ra được? Có thể được, vì tự tánh là tự tri. (…) Bảo rằng quá trình giác ngộ là đốn nghĩa là có một cú nhảy vọt (…). Cú nhảy vọt về mặt luận lí là tiến trình lí luận thông thường khựng lại một cách đột ngột (…). Tiến trình này gián đoạn đột ngột, và đồng thời bất khả tư nghì; đó là kiến tánh. (…) Vì là vô tâm vô niệm nên cái thấy mới thực là thấy. (…) Lí vô ngã không đúc kết từ suy luận duy lí mà là một sự kiện thực tế. (…) Các lí luận gia cần nhớ rằng tôn giáo là sự kiện thực nghiệm (…). (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).

* Toàn bộ giáo lí Phật giáo, hay cả toàn thể đạo học Đông phương, nói về tri kiến tuyệt đối, tri kiến chỉ đạt được trong thế giới vô niệm, trong đó sự thống nhất toàn thể mọi nhị nguyên đối lập là sự chứng thực sinh động. (Giáo sư vật lí Fritjof Capra) – (Đạo Của Vật Lí; F. Capra; dịch giả: Nguyễn Tường Bách).

* Khi ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
- Chúng tôi mỗi người đã tự nói xong, nhân giả phải nói thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?
Bấy giờ ông Duy-ma-cật lặng thinh không nói.
Ngài Văn-thù-sư-lợi khen:
- Lành thay, lành thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đây thật là vào pháp môn không hai.
(Kinh Duy Ma Cật: IX-phẩm Pháp môn không hai. Hoà thượng Thích Thanh Từ giảng; Thuongchieu net).

* Đừng nghĩ đến thiện, đừng nghĩ đến ác, mà ngay bây giờ hãy nhìn xem bản lai diện mục của ngươi, trước khi nhà ngươi sinh ra là gì? (Lục tổ Huệ Năng) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

* Chỗ không có niệm tưởng dấy khởi, rỗng thênh và vô sở trụ, đó là Định. Khi không niệm tưởng, rỗng thênh và vô sở trụ được nhận biết thì đó là Tuệ. Ở đâu việc (vi diệu) này xuất hiện thì ta bảo rằng Định này tự thể hiện và chính là Thể của Bát-nhã, không khác với Tuệ mà chính là Tuệ; lại nữa Tuệ này, tự thể hiện và chính là dụng của Định, không khác với Định mà chính là Định. (…) Ta nói về Định, nhưng đối với Thể của nó thì không có gì phải sở đắc. Khi thấy được cái Thể bất khả đắc này, luôn luôn tịch lặng tròn đầy bất biến, nhưng vẫn diệu dụng bất tư nghì, thì đó là Tuệ. Chỗ này Định Tuệ đồng đẳng. (Thiền sư Thần Hội) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

* Ánh sáng chiếu soi, đó là Tuệ; chẳng động và bất biến, đó là Định. Bồ-tát dùng pháp Định Tuệ đồng thể đó được Vô thượng giác. Cho nên nói “Định Tuệ đồng thể tức là giải thoát”. Nói tự tại khỏi nhiễm ô có nghĩa là không còn phàm tình chứ không phải hết thánh tình. (Thiền sư Huệ Hải) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; Thuần Bạch biên dịch).

* “Nguyên” (“nguồn”) là chơn tánh bản giác của tất cả chúng sinh, cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là tâm địa. Ngộ đó gọi là huệ, tu đó gọi là định; định huệ chung gọi là thiền-na. Tánh này là cội nguồn của thiền cho nên gọi là thiền nguyên (nguồn thiền), cũng gọi là “lí hạnh thiền-na”.
(…) Chơn tánh này không riêng nguồn của thiền môn, cũng là nguồn của muôn pháp, cho nên gọi là pháp tánh; cũng là nguồn mê ngộ của chúng sinh, cho nên gọi là Như Lai tàng, tàng thức; cũng là nguồn muôn đức của chư Phật, nên gọi là Phật tánh; cũng là nguồn muôn hạnh của Bồ-tát, nên gọi là tâm địa. (Thiền sư Tông Mật) – (Nguồn Thiền; Tông Mật; dịch giả: Thích Thanh Từ).

* Lục Tổ đã giảng rõ cho chúng ta hiểu về Tánh theo cái nhìn của ngài. Tánh là sinh lực ngự trị toàn thể sinh mệnh chúng ta, là nguyên lí của sự sống vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ có thân mà cả tâm, trong ý nghĩa cao tột nhất, đang sống vì sự có mặt của Tánh. (…).
Tự tánh nói một cách khác là tự tri, không phải chỉ là hiện hữu suông mà còn biết. Chúng ta có thể nói như thế vì tự tri tức đang là, tri tức hữu và hữu tức tri. Đây là ý nghĩa câu nói của Lục Tổ: “Nơi bản tánh riêng có trí Bát-nhã và vì thế có tự tri (tự dụng trí huệ). Bản tánh thường quán chiếu và không dùng ngôn ngữ để diễn tả được”. (Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki) - (Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả:Thuần Bạch).

* Được gia trợ bởi năng lực của chư Phật, chư Bồ-tát Ma-ha-tát đang ở cấp độ thứ nhất của mình (sơ địa) sẽ đạt đến Bồ-tát Tam-ma-địa gọi là Ánh sáng đại thừa (phát quang địa), thuộc về chư Bồ-tát Ma-ha-tát. (Kinh Lăng Già; bản tiếng Anh của D.T.Suzuki; dịch giả: Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn).

* Gọi là Thượng Đế hay chân lí đều như nhau; chân lí là giải thoát tâm trí khỏi mọi gánh nặng của trí nhớ (tâm lí). (Danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti; Krishnamurti Ở Carmel-một cuộc phỏng vấn).

* Tính quý tộc của hàng Thánh không thể đi sâu vào bề sâu của một linh hồn tầm thường, và hiểu như thế, vị Bồ tát đã phải tự trở thành một con người tầm thường. Học thuyết về Phương tiện thiện xảo là một học thuyết hay trong sự phát triển của Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng được nối kết một cách hữu cơ và thâm thiết với trái tim đại từ bi là trái tim tạo nên trung tâm của hiện hữu.
(Nghiên cứu kinh Lăng Già, D.T.Suzuki; Thích Chơn Thiện, Trần Tuấn Mẫn dịch).
---
* Xin mạn phép thay lời kết:
- “Mặc như lôi” (im lặng như sấm sét) là “tâm vô ngôn vô niệm” đang tỉnh giác, (niệm khởi, có tỉnh giác tự tại thì liền rỗng không). Là hành thâm bát-nhã. Là hành thâm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”. Là trưởng dưỡng thánh thai Viên Giác mang năng lượng đại thừa thiện ích vô biên. Là tâm-rỗng-không đang tri giác, cảm xúc, hành động… Là ngộ nhập “đại thừa vô lượng nghĩa trong một nghĩa viên giác”.
(Tâm vô ngôn: Tâm Định Tuệ không nói, không lời).
- “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
(Đường Về Minh Triết-có bổ sung, Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn, Thuvienhoasen org).
---------------------------