“Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê,
Tráng sĩ một đi, không bao giờ về!“

Tay nâng chén rượu giã người cũ,
Miệng đọc câu ca chân bước đi.
Dao tình mài liếc với thanh khí.
Chí hùng tung bốc đầy sơn khê.
Nghe tiếng đờn trúc gõ réo rắt,
Mặc cho kể hết niềm phân ly.

Niềm phân ly!
Đã bước chân ra khôn hẹn kỳ,
Đời người bất quá vị tri kỷ,
Sống, chết, nên, chăng, ai sá chi!
Túi áo xênh xang ba tấc kiếm,
Bụi hồng rong ruổi đôi bánh xe.
Ngoảnh lại thành Yên đầy uất khí,
Thấu lòng hoạ chỉ người tương tri

Người tương tri,
Lá gan bầu mật, cùng nhau thế:
Thề đem tấm thân tới hang hổ,
Giết con cọp dữ rừng man di,
Đời nếu chôn lấp hết công lý,
Anh hùng hào kiệt còn ra gì!
Phá núi Thái Sơn, lấp Đông Hải;
Ấy là phận sự đàn nam nhi.

Đàn nam nhi,
Chuyển đất xoay giời thường có khi.
Khuyên ai chớ học bọn khăn yếm:
Xa nhau một bước lệ đầm đìa.
Liếc mắt khắc trông vũ trụ đó.
Đâu không là cảnh ta say mê!
Chếch choáng hơi men bốc chính khí,
Ngâm câu khẳng khái mình ta nghe...

“Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê,
Tráng sĩ một đi không bao giờ trở về”


Hai khổ đầu bài thơ tác giả viết vào năm 1926, tác giả viết tiếp và hoàn thành bài này vào năm 1933.