芭蕭

自橅唏春卒吏添,
苔蓬邏牟偷店。
情書蔑幅封群謹,
陿唏兜強闦娂。

 

Ba tiêu (Cây chuối)

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem..


Hai câu cuối của bài thơ có thể lấy ý từ bài Vị triển ba tiêu 未展芭蕉 của Tiền Hử 錢珝 đời Đường (Trung Quốc).

Bài thơ này được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Một bài thơ của Nguyễn Trãi: Ba tiêu

Trong 254 bài thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, có một bài thơ chỉ 4 câu thôi mà tôi trải qua 24 năm, mới dám tự bảo mình rằng gọi là hiểu. Đó là bài Ba tiêu.

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem
Từ 1956, lúc bắt đầu phát hiện được trở lại Quốc âm thi tập, đọc bài Ức Trai tiên sinh viết về cây chuối này, tôi đã rất yêu thích. Tuy nhiên, sức đọc, trình độ của tôi cũng chỉ mới thấy được cái hay của hai câu 3, 4.

Người đời trước viết trên lụa: tàu lá chuối non kia màu xanh ngọc thạch, còn cuộn lại như lụa cuốn, như bức thư quý báu trang nhã viết trên lụa bạch, đó là một bức thư tình e ấp, vậy mời trang phong lưu là gió, hãy mở thư xem... Dẫn trong bài bình luận, hoặc đọc lên trong các cuộc nói chuyện, tôi đều chỉ nhấn mạnh vào hai câu dưới, coi hai câu trên hầu như là không có. Bởi theo tôi nhận thấy, hai câu dưới có hình tượng sáng tạo hơn cả, đập mạnh vào tâm trí hơn cả. Và bởi, tôi không hiểu hai câu trên, coi là những câu thơ thường. Mà thường tình, người ta không hiểu một điều gì, thì cứ lờ đi, là tiện nhất.

Câu thứ hai: Đầy buồng lạ mầu thâu đêm, ai có ngờ lại là câu khó hơn cả, mà cũng “diệu” hơn cả. Bản Trần Văn Giáp phiên âm là mầu và chú thích: - “Cứ theo chữ Nôm viết ở nguyên bản, cho nên phiên âm là Mầu, nhưng đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm, chú như vậy, thì “buồng lạ” tức là buồng chuối chín thơm ngào ngạt. Bản Đào Duy Anh chú: - “Buồng lạ”: chỉ buồng chuối, so với các quả cây khác thì cũng lạ. Mầu thâu đêm: chuối chín thơm ngát suốt cả đêm”. Hai lời chú thích đều hiểu buồng là buồng chuối. Và tôi cũng hiểu như thế, chứ không có cách nào khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi suy nghĩ lại, và bỗng nhận thấy một điều, nhưng tôi thấy không tiện nói ra. Vì không tiện nói ra, cho nên tôi không dám dây dưa đưa dẫn hai câu đầu. Bởi, nếu giới thiệu cả 4 câu, thì tôi bắt buộc phải góp ý kiến rằng: đây là hai bài thơ chồng lên nhau, chứ không phải một bài, bởi hai câu đầu nói tới “buồng lạ”, buồng chuối, hai câu sau thì nói tới lá chuối non. Mà khi cây chuối đã trổ ra buồng, thậm chí buồng chuối chín, thì nó không còn có thể ra lá non, thậm chí lá non cuốn lại, được nữa. Như vậy phải là hai cây chuối khác nhau ở trong bài thơ, như vậy là hai bài thơ chắp vào nhau trong 4 câu, chứ không phải một bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi. Như vậy thì Ức Trai làm thơ như thế hay sao? Và tôi không dám “phát hiện” sự này, bởi tôi thấy sự này vượt quá sức suy nghĩ, quá khả năng hiểu của tôi, cho nên tôi đã không dẫn, không nói hết về hai câu thơ trên.

Đến hôm nay, tôi rất cảm ơn người bạn của tôi, vắng nhau mấy năm, mới đến chơi nhà tôi, và nhân trò chuyện về thơ Nguyễn Trãi, anh ấy bảo với tôi: Buồng chuối đâu. Anh lại mách cho tôi: Trong thơ chữ Hán của Ức Trai, có bài Lãnh noãn tịch, nghĩa là “Chiếu lạnh ấm” (được in trong phần “tồn nghi” của quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, Nhà xuất bản Văn hoá, 1962, anh không tán thành quyển Nguyễn Trãi toàn tập in lần thứ II đã bỏ hẳn bài này), bài thơ nói về chiếu, về nệm, có hai câu 3, 4 (dịch nghĩa): Lông mềm, nệm êm, mùi thơm lọt vào xương - Da nhuyễn chiếu lạnh, hơi mát ngấm vào da thịt, tác giả của những câu này có chí khí anh hùng, có tài năng kinh bang tế thế, có tâm huyết, và còn có xương, có thịt, có da, có một sự xúc cảm rất da thịt, biết hưởng rất tinh vi bằng cái thân thể của mình, mùa đông khi nằm trên một tấm nệm lông êm thì “như hương thấm tận vô xương tuỷ”, mùa hè chỉ lăn mình trên một chiếc chiếu cói mát rượi, thì khoan khoái như tắm trong hồ ngọc ở cung tiên, sau khi câu 5 của bài thơ đã đến nói “Viện trúc ngày dài khi nắng đã lui”, thì tiếp đến câu 6:
Hồng lâu dạ vĩnh giác xuân tư
nghĩa là: “Lầu hồng đêm thâu cảm thấy có một mùa xuân riêng mình”, tức là thơ chữ Hán cùng với một tứ với thơ chữ nôm “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm” đó.

Anh bạn tôi mách cho tôi như vậy, thì tôi bỗng “ồ” lên một tiếng và thấy mình bừng sáng hiểu vào sự huyền diệu của cả bài thơ. Tôi không cần phải “phát hiện” hai bài thơ nào mâu thuẫn nhau hết, mà đây chính là một bài thơ nguyên khôi, nhất quán, của Nguyễn Trãi làm, tại vì tôi chưa hiểu nổi, nên mới thắc mắc. Trước hết, trong câu mở đầu:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
ta hẵng để ý: tại sao Nguyễn Trãi không viết “lại tốt thêm”? Lại tốt thêm thì có vẻ dung tục, không đủ trân trọng đối với chủ từ của câu chẳng qua theo đà, theo thế, theo thời, mà thêm tốt, còn “tốt lại thêm” tức là: Vốn cái tốt đã là bản chất rồi. Nay từ lúc bén hơi xuân thì tốt thêm. Sau khi tôi hiểu được toàn diện, đúng đắn rồi, thì hoá ra cái thần của bài thơ không ở hai câu 3, 4, một hình tượng, mà ở câu 2, một xúc cảm:
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Đầy phòng, đầy buồng khuê, là một sự “lạ”, mầu đây, theo ý tôi, là nhiệm mầu, mầu nhiệm thâu đêm, đồng thời và cũng cần hiểu mầu như ở trong “đất mầu”. Ôi! Nếu là thơ Ức Trai nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào buổi đương thời thì việc ấy có giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn trước Nguyễn Trãi ở á Đông, ở trên thế giới đã nói và nói một cách trang nhã, sao lại muốn rằng Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã? Sự thật, là Nguyễn Trãi đã nói rồi, câu thơ chữ Hãn dạ vĩnh giác xuân tư, “đêm thâu cảm thấy một xuân riêng” bênh vực cho câu thơ chữ nôm “đầy buồng lạ mầu thâu đêm”, và chữ “lạ” với chữ “mầu” làm cho câu thơ chữ Nôm còn dào dạt ngạt ngào hơn câu thơ chữ Hán, đến nỗi đầy cả một buồng. Hơn năm trăm năm sau, hàng cháu chắt của nhà thơ Ức Trai là nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) cũng có một tứ thơ gần với Ức Trai, và đã gộp cả chữ “lạ” trong thơ chữ Nôm và chữ “xuân” trong thơ chữ Hán của Ức Trai: “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua - Mùa xuân tới, mà không ai biết cả”.

Nếu hiểu buồng là buồng chuối như tôi đã hiểu, và như hai nhà phiên âm Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh đã hiểu, thì bài thơ lại tách ra làm hai bài mâu thuẫn nhau một cách vô lý - điều mà nhà thơ Ức Trai quyết không làm.

Và khi đã vào được chữ “diệu” của bài thơ, khi đã hiểu đây là mùa xuân riêng xuất hiện, thì hai câu cuối đến dính liền một cách thoải mái vào hai câu trên. Hiểu là một ngôi thứ ba, một “nhà văn” nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân, và mời hộ gió mở bức thư lá chuối non thì cũng được, tuy nhiên, tưởng tượng một người thứ ba ở bên ngoài đến làm mối lái trung gian mời hộ gió mở thư tình của lá, thì vai trò của người mời hộ này cũng khá vô duyên, đã là thư tình thì chính người viết, người cuộn người gửi lấy bằng cách này hay cách khác cho đối tượng của mình đọc, cho nên tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhuỵ, ngôi thứ hai là “gió”, là đối tượng: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu? Gượng đây không phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng:
Gió nơi đâu gượng mở xem
Từ lúc Quốc âm thi tập được phát hiện lại (1956) đến nay, một bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình mình cho người bạn đọc.


Xuân Diệu (trích: Kỷ niệm sáu trăm năm ngày sinh Nguyễn Trãi)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
274.22
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Cây chuối” của Nguyễn Trãi nhằm làm nổi bật mặt trữ tình của hồn thơ Ức Trai

Ta được biết Nguyễn Trãi gắn liền với lịch sử trọng đại của dân tộc bằng Bình Ngô đại cáo vừa vĩ đại vừa thiêng liêng, lại được tri âm với ông ở góc độ rất người, số phận người, mơ màng và dân dã trong “Bến đò xuân đầu trại” và lại vô cùng ngạc nhiên khi ta được gặp một con người rất đa tình qua bài thơ Cây chuối.

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem..
Nhan đề bài thơ của Nguyễn Trãi rất mộc mạc, tả cây chuối, nhưng quả thực bài thơ lại hàm chứa một ý thơ sâu kín, nhiều tầng. Đến như Xuân Diệu là người sành thơ cũng phải băn khoăn hàng chục năm trời tìm cách giải mã, nêu lên một cách cảm cho ta nhiều thú vị: ‘Tại sao không là “lại tốt thêm”? – “Lại tốt thêm” chẳng qua theo đà, theo thế. theo thời mà thêm tốt, bớt tốt! Còn như Ức Trai viết “tốt lại thêm” để khẳng định: cái tốt vốn là bản chất rồi; từ lúc “bén hơi xuân” thì tốt thêm. Cái thần của câu thơ là ở chữ “bén”. Và chữ “lạ”, chữ “màu” ở câu hai dào dạt, ngạt ngào hơn. Khi đã hiểu sự “lạ” là mùa xuân riêng xuất hiện thì hai câu cuối dính liền một cách thoải mái với hai câu trên.

Tả cây là phải tả lá, tả hoa (ở đây là quả), nhưng Ức Trai không sa đà vào chi tiết, vào dáng cây, thế cây... mà chỉ cốt ghi lấy ấn tượng. Chính vì vậy, ông không tả lá thấp, lá già mà tả lá non. chúm chím, cái đọt chuối màu xanh cẩm thạch đang đung đưa trước làn gió xuân. Ngầm ý là: sức sống, sức xuân của cây chuối đâu đã ở vào giới hạn cuối cùng. Nó đang thừa dư, trữ lượng của nó còn lai láng, đầy ắp. Như một cô gái biết mình đẹp, đang có mối tình đẹp, cây chuối dường như e ấp, ngượng ngập vì duyên may, vì có trong đời mình, trong lòng mình một hạnh phúc lớn lao, trọn vẹn. Tâm trạng ấy được hình tượng lên bằng một bức “tình thư”, một cuốn thư còn niêm phong dán kín. Nguyễn Trãi đã nhận ra dưới góc độ hết sức mộng và thơ, duyên dáng và đa tình. Vừa giãi bày, vừa gói ghém những chuyện động trời nhưng đang ớ dạng ẩn chìm, chưa hé lộ. Kín đáo và tình tứ biết bao! Và cũng biết bao phấp phỏng, hồi hộp, đợi chờ:
Tình như một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Dĩ nhiên, tình lang của cây chỉ có thể là mùa xuân, là ngọn gió. Ngọn gió ấy cũng mỏng manh làm sao.như nỗi đợi chờ kia! Nó sẽ lướt qua để làm cái việc mở bức “tình thư” còn phong kín đó. Bức thư là thực, tình thư là ảo, có mà tưởng như không. Đọc thư tình, mà trước hết là thao tác mở thư phải nhẹ nhàng, phải trân trọng, “một tấm lòng đối với một tấm lòng”, phải gợi mở”. Bởi tình thư có khía cạnh vật chất, nhưng trước hết và chủ yếu, quan trọng hơn là khía cạnh hồn người. Chính vì lẽ đó, trong sự ứng xử không thể suồng sã, thô kệch. “Gió nơi đâu?” – câu hỏi tu từ ở đây rất gợi, như một sự mời mọc, nhưng cũng rất nhã: “gượng mở xem”. Như vậy, mạch cảm xúc chính trong bài thơ được thực hiện bằng thủ pháp ví ngầm để miêu tả cây chuối, rồi từ đó muốn hướng tới ca ngợi vẻ đẹp sung mãn của tuổi trẻ bất gặp tiết xuân về. Ấy là vẻ đẹp xuân sắc, xuân tình của cây cỏ và lòng người mà mùa xuân đem lại.

Với phong cách nghệ thuật tượng trưng kiểu phương Đông, không nhất thiết tả cây chuối cụ thể, Nguyễn Trãi đã gây ấn tượng sâu sắc bởi sự cảm thụ của nhà thơ trước cái đẹp của sức xuân mà người con gái đẹp vốn là biểu tượng ấy.

Sức trẻ ấy toát ra hương thơm, vẻ đẹp thanh tân của cây chuối gặp xuân được chiêm ngưỡng bởi một hồn thơ đa tình, nhạy cảm. về phương diện này, ta thấy Ức Trai tiên sinh người hơn ai hết, đời hơn ai hết, bên cạnh một Nguyễn Trãi thiêng liêng, cao đẹp, hoành tráng với áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.


Hồ Thị Ánh Quyên
183.78
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Ý kiến về bài bình

Tôi thấy bài phân tích của ban quá sất. tại sao lại sặc mùi phản bát khi bình một bài thơ hay thế/


pm dum nha
72.57
Trả lời
Ảnh đại diện

3

nhầm rồi bạn ơi!đây là bài bình của xuân diệu mà!!!!!ko phải của vanachi đâu!mà tôi thấy bài này xuân diệu bình hay đấy chứ!rất có ý nghĩa và cảm xúc!đọc xong tôi vỡ ra nhiều điều!!!

83.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình luận về bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi

Trong cả tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, nhiều bài ông viết về cây, hoa với sự miêu tả hết sức tinh tế. Tất cả các bài thơ ấy được gọi chung lại là Môn hoa mộc gồm các loài hoa tao nhã như: đào, mẫu đơn, nhài, sen…với các loại cây như tùng, trúc, cúc, mai, đa… ngoài các loại cây cao sang, quý phái ấy, còn có một loại cây rất dân dã, bình dị đi vào thơ ông mang một nét thanh tao và mộc mạc đó là cây chuối. Cây chuối được quan sát rất chân thực trong bài thơ Cây chuối:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Là một vị anh hùng, một nhà thơ lỗi lạc, thơ Nguyễn Trãi chứa đựng một triết lý nhân sinh với những trăn trở về cuộc đời. Và trong ông một tình yêu thiên nhiên không kém phần in ỏi. Theo tư tưởng của người Phương Đông thì các cây tùng, trúc, bách… được dùng để chỉ người quân tử. Ở đây với Nguyễn Trãi cây chuối cũng được xem là một quân tử. Cây chuối cũng như một nhành sen dù sống trong bùn nhơ, trong đầm lầy thì nó vẫn vươn lên tươi tốt dâng cho đời những đoá hoa thơm ngát.
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Cây chuối thì không hề kém đất, dù đất khô cằn chai sạn cây vẫn xanh tốt. Vốn dĩ cây đã xanh tươi nay gặp ngọn gió xuân trong không khí trong lành cây lại tốt thêm bội phần như người anh hùng đã tìm được mảnh đất để dụng võ... Khi lá khô héo vẫn giữ cốt cách của người trung nghĩa vẫn bám chật lấy thân không hề rời, như một lớp bọc bảo vệ thân cây, che chắn cây khỏi những va chạm bên ngoài.
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Từ “buồng” ở đây ó thể hiểu theo hai cách hiểu. “Buồng” là chỉ buồng chuối khi tất cả hoa chuối đã đậu thành trái. Còn có thể hiểu “buồng” là nơi buồng ở của các thiếu nữ, một nơi kín đáo người lạ khó lòng đột nhập vào. “Buồng lạ” so với các loài cây khác cây chuối đã cho ra đời thứ trái lạ, không là chùm, mà là buống rất độc đáo. “Màu” là chỉ mùi, ở đây nói lên mùi toả ngát của quả chuối chín.
Tình thư một bức phong còn kín
Khi thư giãn trong vườn, quan sát cây chuối, nhìn đọt chuối non cuộn tròn, ông liên tưởng nó như một bức phong thư kín đáo, thư càng kín, càng e ấp lại càng khơi gợi tính tò mò cho mọi người, và chính thế đã gợi sự tò mò cơn gió đã đến “gượng” mở xem.
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Cơn gió này thật đúng lúc, sự xuất hiện của nó đã làm nên một tiếng động cho bài thơ, phá tan cái tĩnh lặng của bước tranh thiên nhiên ấy. Nếu không có gió thì bước tranh phong cảnh Nguyễn Trãi vừa tả là một bước tranh chết, hoàn toàn tĩnh, và thậm chí không có gió thì làm sao có hương thơm. Và ngọn gió kia cũng chẳng phải là ngọn gió vô tình, nó đến với cử chỉ nhẹ nhàng, thái độ lịch sự tế nhị. Ở đây thoáng hiện lên một tình yêu mới “bén”, đang e ấp, mà thanh cao. Trạng từ “nơi đâu” được dùng ở đây thật tài tình, vì không thể xác định được vị trí phương hướng của cơn gió ta thấy cơn gió nhẹ nhàng. Không rõ là Bắc hay Đông thì đó là ngọn gió xuân. Từ “gượng” là một hành động vừa hồi họp vừa như rụt rè lại vừa có mãnh lực gì đó thúc dục đến mở bức thư tình còn kín phong đó. Khi tưởng tượng đọt chuối là bức thư tình ta thấy đó là sự liên tưởng độc đáo và gây bất ngờ cho người đọc, với hành động “gượng mở xem” thể hiện một khao khát niềm hạnh phúc và một tình yêu mãnh liệt.

Cây chuối là một loại cây dân dã bình dị, nhưng đã được Nguyễn Trãi thổi vào đó một linh hồn để thể hiện một cảm xúc sâu sắc, kín đáo về một tâm hồn cháy bỏng. Điều này cũng là một điều thật bình thường, bởi vì Nguyễn Trãi là một vị tướng nhưng ông cũng là một con người bằng xương bằng thịt, một người thường với những cảm xúc dào dạt, cũng không tránh khỏi sự e ấp, ngại ngùng khi nhắc đến tình cảm riêng, và đặc biệt lại là tình yêu trong thời phong kiến đầy khuôn sáo nên sự thể hiện càng kín đáo. Nguyễn Trãi không những là nhân chứng của những biến động bão táp mà ông còn là người tướng trực tiếp tham gia vào những biến động ấy. Và ngay cả cuộc đời ông cũng là một cuộc đời đầy biến cố thăng trầm. Chính thế mà thơ ông thể hiện những vốn sống, những suy nghĩ sâu sắc với tình yêu thiên nhiên, con người đầy hồn hậu.

Cây chuối đón xuân đến để thêm tươi tốt, thêm ngát hương, ngoài việc mượn hình ảnh cây chuối để thể hiện một tình yêu tuổi trẻ mãnh liệt, Nguyễn Trãi còn gửi vào đây một nổi niềm, một tấm lòng sâu lắng trước thời cuộc. Trong lúc rời triều đình về quê ở ẩn, lòng ông không lúc nào yên, cứ nao nao “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” ông chỉ mong được lệnh vua cho vời về kinh. Cây chuối đang đón đợi xuân hay chính bản thân ông đợi xuân. Với Nguyễn Trãi mùa xuân của ông là chính là tin vui từ nhà vua truyền về kinh được thoả lòng dũng tướng. Một tâm hồn cao cả, suốt cuộc đời vì dân vì nước, luôn trăn trở suy tư trước thời cuộc. Trong đời tư ông luôn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, một đời thanh cao. Ông như một tấm gương chói ngời về sự ngiệp, tài năng và đức độ.Bài thơ có một giá trị đáng quý, nói tới bài thơ Cây chuối ta sẽ nhớ ngay một ý xuân tình e ấp, một tâm hồn cuộn sóng vì dân, vì mệnh nước. Qua đó ta thấy rõ phần tâm hồn phong phú và nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Trãi.

84.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Nghi án quanh bài thơ “Cây chuối” (Nguyễn Trãi)

Bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi chỉ có 4 câu nhưng đã gây nên nhiều cách hiểu khác nhau và tốn không ít giấy bút tranh luận. Đọc rồi lòng chưa yên, xin góp mấy điều trần tình cùng bạn đọc.

Thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, cùng với những tùng, cúc, trúc, mai... bài Cây chuối nằm trong phần môn hoa mộc:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Trước hết, về nghĩa đen của bài thơ. Trong tập Văn học phê bình nhận diện (NXB Văn học, 1999) ông Trần Mạnh Hảo viết: “Khi một cây chuối đã có “buồng chuối” thì dứt khoát nó không còn “đọt chuối non đang cuộn tròn” được nữa.” Để làm chỗ dựa cho mình, ông Hảo viện đến uy tín của nhà thơ Xuân Diệu: “Mà khi cây chuối đã trổ ra buồng rồi, thậm chí buồng chuối chín, thì nó không còn có thể ra lá non, thậm chí lá non cuộn lại được nữa.” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - NXB Văn học, 1987). Không ai dám cãi rằng hai ông sai. Không ai không biết cây chuối đã có buồng thì không có nõn. Nhưng ở đây dường như hai ông đã lầm khi hiểu về cây chuối. Nói đến cây chuối, người ta có thể nghĩ tới một cây chuối cụ thể khi cây chuối đó được chặt xuống nuôi heo hay cây chuối mới trồng. Còn khi nói đến cây chuối bình thường, người ta nghĩ tới cây chuối trong đơn vị tồn tại nhỏ nhất của nó là bụi chuối. Một bụi chuối tối thiểu phải có cây mẹ cùng với vài ba lớp cây con: Cây mẹ trổ buồng, đôi cây chị vào thì con gái, mấy cây em lẫm chẫm và vài nụ chuối măng... Đấy là cây chuối thông thường trong sự hiểu của một bà nhà quê. Dám chắc rằng cây chuối, đối tượng làm thơ của thi nhân Nguyễn Trãi cũng phải là một bụi chuối tốt. Cây nhà thơ nói ở đây không thể là một cây chuối mới trồng, càng không phải cây chuối sắp chặt nuôi heo, cây ở đây là một bụi chuối. Chính cách hiểu máy móc cây chuối là một cây chuối cụ thể đã ám ảnh Xuân Diệu và dẫn ông tới sai lầm khiên cưỡng tiếp theo: chữ “buồng”.

Không được làm nhà thơ, không bị loạn chữ, mỗi người dân quê Việt khi đọc bài thơ của Nguyễn Trãi đều hiểu ngay buồng ở đây là buồng chuối, một buồng chuối tiêu chín cây toả hương thơm thoang thoảng. Thời gian dài tôi không hiểu nổi vì sao nhà thơ Xuân Diệu lại tưởng tượng ra buồng giai nhân, “buồng của cô gái bắt gặp tình yêu.” Rồi lại có người cho rằng đó là buồng văn nhân?! Đọc bản chữ Nôm của Nguyễn Trãi, một nhà nghiên cứu bảo: “Chữ buồng có hai ký tự là chữ phòng bên chữ bồng. Chữ phòng ở đây có bộ thảo, vậy nó là buồng cau buồng chuối.” Một việc tra cứu đơn giản mà sao không chịu làm? Một câu hỏi đặt ra: vì sao Xuân Diệu lại lầm lẫn đáng tiếc vậy? Chính vì ông đã máy móc coi bụi chuối của Nguyễn Trãi là một cây chuối, đã có nõn tình thư thì không thể có buồng. Cái lô-gíc (logique) này buộc buồng chuối phải biến thành buồng giai nhân! Xuân Diệu đã lầm, tiếc rằng, vì thiếu tỉnh táo nên ông Trần Mạnh Hảo lại lăn theo vết trượt của người trước!

Vẫn chưa hết, trong sách của mình, ông Trần Mạnh Hảo còn viết: “... trong bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi, gió còn ở nơi đâu, còn chưa có gió nhẹ, còn im gió...” Đó là cách ông hiểu câu thơ Gió nơi đâu gượng mở xem.

Xin thử phân tích: trong câu trên, gió nơi đâu là chủ ngữ. Vị ngữ là phần còn lại. Trong chủ ngữ, gió là danh từ, nơi đâu là trạng từ bổ nghĩa cho danh từ gió. Nơi đâu có thể hiểu như ông Hảo là gió còn ở nơi nào đó, chưa xuất hiện. Nhưng cũng có thể hiểu ngược lại: gió xuất hiện rồi nhưng không rõ từ phương (nơi) nào tới. Do chủ ngữ mang hai nghĩa đối lập như vậy, ta buộc phải cầu đến vị ngữ. Nếu động từ tiếng Việt có thì, chuyện sẽ đơn giản vì nếu là gió chưa tới, động từ được chia ở thì tương lai. Ở đây do tiếng ta không có thì nên chỉ có trần xì động từ mở. Nhưng để làm rõ ý của mình, Nguyễn Trãi đã cẩn thận kèm vào đó trạng từ gượng. Gượng mở tức là mở một cách gượng nhẹ. Một động thái chứng tỏ sự việc đang diễn ra, người ta quan sát được. Nhưng ai, cái gì đang gượng mở? Ở đây không ai khác là gió. Một khi gió đang gượng mở, có nghĩa là gió đã có mặt, gió đã đến, không còn là gió đang ở đâu nữa!

Đấy là phân tích thuần tuý kỹ thuật, thuần tuý ngữ pháp. Khi phân tích ý thơ, sự thể thú vị hơn nhiều. Nếu gió chưa đến, còn chưa có gió thì bức tranh phong cảnh của Nguyễn Trãi là bức tranh chết, hoàn toàn tĩnh, thậm chí mùi hương cũng không có, vì không có gió lấy gì đưa hương! Một điều không thể có trong bài thơ này của Nguyễn Trãi. Trạng từ nơi đâu dùng ở đây thật tài tình vì nghĩa không xác định của nó cho ta thấy gió rất nhẹ, không rõ là bấc hay đông, chính là ngọn gió xuân.

Đọc bài thơ, ta hình dung: sau một đêm nghe thoang thoảng mùi thơm chuối chín cây, sáng dậy nhà thơ ra vườn, theo hương tìm trái. Bụi chuối tốt, buồng trái đẹp, hương thơm, gió xuân nhẹ mơn man nõn lá. Tức cảnh sinh tình nhà thơ làm bài thơ tả cảnh. Xin trả lại Nguyễn Trãi những gì vốn của ông.


Hà Văn Thuỳ
43.75
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Chữ Nôm

Chữ Nôm (cần font chữ Nôm để hiển thị đúng):
芭蕭
自橅唏春卒吏添,
苔蓬邏牟偷店。
情書蔑幅封群謹,
陿唏兜強闦娂。

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
32.33
Trả lời
Ảnh đại diện

'gượng'

Đọc bài bình của Xuân Diệu tôi vỡ ra nhiều điều. Xuân Diệu thì 24 năm, còn tôi đã 10 năm từ khi học về bài thơ này, và bỗng dưng hôm nay tôi lại tìm về bài thơ này. Chứng tỏ bài thơ ngắn gọn này có sức theo đuổi tâm hồn con người ta.
Tôi lưu tâm tới chữ 'gượng' ở câu cuối. Nó là một chữ 'gượng' nhưng nó nói lên cho cả hai đối tượng:
1. Gió - Gió hãy trân trọng và nhẹ nhàng khi 'mở' 'bức thư' còn phong kín.
2. Cuộn lá chuối phong kín - sự e ấp, mong manh, dịu dàng còn gói nhẹ. (chứ không lồ lộ ra một cách vô duyên)
Một tâm sự được gói ghém e ấp. Và gió hãy khám phá điều đó. Nhưng cách miêu tả và lời thơ của bài này thì làm tôi thấy không một chút nào của sự thô thiển hay trần tục. Vì bài thơ là ngôn ngữ ẩn dụ, cho nên tôi đã liên tượng hình ảnh về lá chuối, gió, bức thư phong kín tới những khía cạnh của cuộc sống. Và thấy rằng, bài thơ này rất tinh tế.

53.60
Trả lời
Ảnh đại diện

bàn về chữ 蓬

Chữ buồng 蓬 bộ Thảo mà Xuân Diệu vẫn hiều là buồng ngủ được sao? Hay là các cụ ngày xưa viết chữ Nôm tùy tiện, không theo quy luật gì, các bạn nhỉ?

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.
62.33
Trả lời
Ảnh đại diện

bàn về chữ 蓬

Ta có thể tham khảo ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Hán Nôm, khi bàn về chữ "canh" trong câu "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương", nguyên văn như sau:

Khi viết chữ Nôm, các cụ ta xưa không quy định từ này, âm này thì nhất thiết phải viết bằng chữ Nôm này. Một âm/một từ khi đọc thì có thể có nhiều chữ để ghi vào giấy, miễn sao ghi đúng âm là được.

Ví dụ khi ghi chữ "canh" trong "Canh gà Thọ Xương" thì có thể ghi bằng bất cứ chữ "canh" nào trong 15 chữ canh cũng được.(15 chữ "canh": 更 畊 秔 粇 耕 庚 埄 埂 浭 粳 赓 賡 鶊 鹒 羹).

Nhưng nếu là văn bản chữ HÁN, thì phải ghi đúng chữ với đúng nghĩa của nó.


Nguồn: trả lời comment của Tễu (Nguyễn Xuân Diện), trong bài viết sau

http://xuandienhannom.blogspot.de/2012/10/a-tim-thay-cau-thocanh-ga-tho-xuong.html

31.00
Trả lời