TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
(“Khuôn mặt thật muôn đời” của sự sống chúng ta là gì? Làm sao để ngộ?)

Đừng khẳng định “tôi”
Là thân xác này
(Xác thân tan rã
Luân hồi còn đây)

Đừng khẳng định “tôi”:
Cảm giác, nghĩ suy…
(Huyễn tướng duyên hợp
Càng chấp càng si)

Sống tức “tôi là…”
Vậy Chân Ngã đâu?
Giác tâm vô trụ
Tịch Chiếu nhiệm mầu…

Lời xưa thánh triết
Minh sư trao truyền
Thành tâm tự ngộ
Xa dần đảo điên.
---
NHẬN THỨC VÀ THỰC TẠI

Nhận thức là tâm ngôn
Cũng gọi là tâm hành
Diêu động mờ tâm trí
Làm sao thấy toàn chân?

Thực tại ví con voi
Nhận thức như gã mù
Quờ quạng theo “nhị tướng” (*)
Tưởng voi giống… quạt mo…!

Khi ý thức dừng lại
Ý căn thôi nói năng
Thức chuyển thành diệu trí
Thực tại tức Chân Tâm.

(*): Nhãn quan nhị nguyên luôn luôn bị khuôn định theo tinh thần quy ngã, theo sự hạn chế tất yếu của kinh nghiệm-kiến thức, theo bộ não bị ảnh hưởng bởi tâm lí bất bình thường.
---
ĐỌC KINH “TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT” (*)

Kinh ví như tấm gương
Soi gương thấy tâm mình
Nếu đọc nhưng chưa thấy:
Thiếu công phu tham thiền

Đọc-hiểu: chỉ biết đường
Đọc-thấy: đang đi đường
Có đi thì mới đến
Hiểu cách Thấy nghìn trùng

Không nhắm Trí Bát Nhã
Tu hành chưa chính tâm
Nên Tâm Kinh Bát Nhã
Là thước đo trí nhân.

(*): Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh.
Đọc kinh này cần nhìn lại tâm để thấy biết các trạng thái: quán tự tại, chiếu kiến, thọ, tưởng, hành, thức, vô sở đắc…
---
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết-có bổ sung; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org).
------------

(Bài bổ sung)

NGỒI DỰA SALON THỞ BỤNG
(Lúc nghỉ ngơi) / (Thanh tẩy bụi đời - Mừng xuân cố quận)

(Biết rõ tâm mình lắm chuyện
Cái "tôi" nhớ ngược nghĩ xuôi!)...
Thở vào, nhắc tâm: KHÔNG NÓI!
Thở ra, NGHE CHỖ KHÔNG LỜI

Hiện chỗ không lời, là định
Biết nghe, là tuệ chiếu soi
Nhắc tâm không nói, là giới...
Đại thừa, NGUỒN chẳng xa xôi.

(Xin mời đọc bài viết có nói về thở bụng, dưới bài thơ Tỉnh Thức - cùng tác giả).
---

"Cố quận" là "Nguồn".
Mời tham khảo thêm:
“Nguyên” (“nguồn”) là chơn tánh bản giác của tất cả chúng sinh, cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là tâm địa. Ngộ đó gọi là huệ, tu đó gọi là định; định huệ chung gọi là thiền-na. Tánh này là cội nguồn của thiền cho nên gọi là thiền nguyên (nguồn thiền), cũng gọi là “lí hạnh thiền-na”.
(…) Chơn tánh này không riêng nguồn của thiền môn, cũng là nguồn của muôn pháp (muôn vật), cho nên gọi là pháp tánh; cũng là nguồn mê ngộ của chúng sinh, cho nên gọi là Như Lai tàng, tàng thức; cũng là nguồn muôn đức của chư Phật, nên gọi là Phật tánh; cũng là nguồn muôn hạnh của Bồ-tát, nên gọi là tâm địa. (Thiền sư Tông Mật) – (Nguồn Thiền; Tông Mật; dịch giả: Thích Thanh Từ).