1.
Những năm những tháng... ngày xưa
Mà lòng cứ ngỡ như vừa hôm qua...
Chuông chiều in bóng quê nhà
Nỗi niềm vạn nẻo... vẫn là cố hương.
2.
Dù đời lắm nỗi đa đoan
Nhớ mùa Kiết Hạ, an nhàn cõi tâm...
Giữa lô xô sóng phù vân
Đáy lòng vẫn ánh trăng rằm tháng Tư.
3.
Lang thang từ thuở luân hồi
Sắc màu nhân thế... mãi rồi cũng bưa...
Chừ về lục bát ta xưa
Ấm tình dân dã nắng mưa quê nhà.
4.
Ngày mai ai có hỏi tôi
Thưa rằng tôi đã chết rồi, hôm qua...
Xin chào tạm biệt gần xa
Bình yên ở lại - thái hoà cõi tâm.
5.
Đuổi bắt muôn vạn sự đời
Tỉnh ra mới biết: cái “tôi”... tìm mình!...
Mến yêu cuộc sống tuỳ duyên
Bổn Lai Diện Mục toạ thiền cùng trăng.
6.
(Ước vọng giác ngộ đại thừa)
Tạm quên cỏ nội mây ngàn
Trở về cố quận trà đàm cố nhân
Cố nhân: diện mục Pháp thân
Cố hương: Pháp giới thanh xuân yên bình...
Về đây tỏ ngộ chính mình
Thêm duyên cứu khổ chúng sinh muôn trùng.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Trích trong tác phẩm Đồng Nhất Thể của tác giả Lê Huy Trứ (Thuvienhoasen org):
“Tuệ Thiền Lê Bá Bôn diễn tả về sơ ngộ Bản Lai Diện Mục: “Kiên trì tỉnh giác (kiến chiếu, lắng nghe) thâm sâu và toàn diện trạng thái mê (trạng thái niệm tưởng, tâm ngôn tâm hành), thì tâm có sự đột chuyển (chuyển y, dừng lại): trạng thái sơ ngộ Tâm Không (Viên Giác, tánh Không, niết-bàn, Phật tánh) hiện tiền (bản lai diện mục hiện tiền); và tiếp tục hành thâm (ngộ nhập Viên Giác - mang năng lượng và diệu dụng tự lợi lợi tha tối thượng).”
--
Mời đọc thêm phần thảo luận dưới bài thơ Quê Hương Trong Tôi (cùng tác giả).
-----------
“Đừng sợ Tánh Không, như kinh điển Bát-nhã thường hay cảnh giác:
Ngôn ngữ đã dứt
Tâm hành cũng xong
Thấm nhuần an lạc
Tự tâm tịch tĩnh.
Phải tìm kiếm cái Tâm tịch tĩnh này ở đâu, đấy là vấn đề trọng đại của tôn giáo, và câu trả lời rất quyết liệt của Đại thừa Phật giáo là: Trong Tánh Không”.
(Thiền luận-quyển trung; thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki; dịch giả: Tuệ Sỹ).
--
“(…) Môn đệ của Triệu Châu, Vân Môn và các bậc cổ đức khác không nhằm chứng gì hơn là hoàn toàn đồng hoá hoặc viên dung cái tôi, năng tri và đối tượng của tư tưởng, sở tri”.
(Thiền luận-quyển thượng; D.T.Suzuki; Trúc Thiên dịch).
--
“Điều lôi cuốn nhất đối với chúng ta ở đây là quan niệm về Bản thệ (Pranidhàna) mà một vị Bồ tát phải có khi bắt đầu sự nghiệp của mình và hiện diện suốt tất cả cuộc đời sau này.
Những bản thệ của ngài là: hướng đến giác ngộ, giải thoát hay cứu rỗi hết thảy chúng sinh các loài hữu tình và vô tình”.
(Thiền luận-quyển hạ; D.T.Suzuki; Tuệ Sỹ dịch).