Hồ Tây (
21.052,105.825): Hồ Tây trước đây còn được gọi là hồ Lãng Bạc, hồ Kim Ngưu, đầm Xác Cáo, Dâm Đàm, là hồ lớn nhất thuộc Hà Nội ngày nay. Hồ xưa vốn là một phần của sông Hồng, còn lại sau khi sông thay đổi dòng chảy. Theo
Tây Hồ chí ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương. Khi đó đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Thời Hai Bà Trưng, bến này ăn thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm... cùng một số loài thú. Ngoài ra, xung quanh bờ hồ còn có các hang động vừa và nhỏ, bờ phía tây có Già La động (nay là Quán La thuộc phường Xuân La), bờ phía đông có Nha Lâm động (nay là phố Yên Ninh, Hoè Nhai), bờ phía nam có Bình Sa động (thời Lý đổi là Giáp Cơ xá nay thuộc quận Hoàn Kiếm).
Thời Lý - Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thuý Hoa và Từ Hoa thời Lý, nay là khu chùa Trấn Quốc. Tương truyền, chùa Kim Liên được dựng trên nền cung điện của công chúa Từ Hoa là con vua Lý Thần Tông. Để phát triển cơ sở tầm tang, Từ Hoa đã mang các cung nữ ra khu vực Hồ Tây khai hoang, lập ấp và dựng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho họ. Trại Nghi Tàm là một điền trang lớn quán xuyến việc này. Bên cạnh Hồ Tây ngày nay còn có
hồ Trúc Bạch, trước vốn cũng là một phần của Hồ Tây nhưng được dân đắp đê Cố Ngự ngăn ra để tiện đánh bắt cá, ngày nay trở thành đường Thanh Niên.
Hồ Tây gắn với nhiều sự tích và truyền thuyết, khiến hồ cũng từng có nhiều tên gọi khác nhau. Theo
Lĩnh Nam chích quái (1492), ở phía tây thành Long Biên có núi đá nhỏ, có con Hồ Tinh (yêu quái cáo) chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể biến hoá vạn trạng, khi thành người khi thành quỷ ở khắp dân gian. Long Quân bèn ra lệnh cho sáu đạo quân của thuỷ phủ dâng nước lên công phá bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu. Hồ Tây chính là hang con cáo chín đuôi phá hoại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá. Do đó, hồ có tên là đầm Xác Cáo. Xưa ở quanh hồ có các làng đặt tên theo truyền thuyết này như Hồ Đỗng (hang cáo), Làng Cáo (nay là Xuân Tảo), Hồ Thôn (thôn cáo, nay là Hồ Khẩu). Ngày nay, ven hồ có đường Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng là để nhắc tới tích này. Một số sách khác lại chép vị thánh trừ con cáo chín đuôi là Huyền Thiên Trấn Vũ, nên được thờ ở
đền Trấn Vũ cạnh Hồ Tây.
Một truyền thuyết khác kể về một ông khổng lồ có sức khoẻ phi thường, xuất gia theo Phật, chính là thiền sư Minh Không. Sư sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn, sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Sư đã lấy tất cả đồng đen trong kho bỏ vào tay nải và thả nón tu lờ làm thuyền, bơi về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: tượng Phật cao 6 trượng, chóp đỉnh tháp Báo Thiên chín tầng, đỉnh đồng có đường kính 10 sải tay và một quả chuông đồng cực lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị. Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông, con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh “Đồng đen là mẹ của vàng” ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh. Trâu vàng quần quanh mãi mà vẫn không thấy, khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu. Quả chuông sau một hồi cũng đổ sụp xuống hố. Trâu vàng cũng theo đó nhảy xuống và nằm bên cạnh, chẳng bao lâu sau vùng đất bị trâu vàng dẫm sụt, nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông. Từ đó, quả chuông cứ nằm mãi dưới lòng hồ không ai vớt lên nổi và trâu vàng vẫn cứ nằm mãi bên cạnh quả chuông dưới đáy nước sâu mà không quay về phương Bắc nữa. Do vậy người ta bèn đặt tên cho hồ là hồ Kim Ngưu. Sư Minh Không về sau được thợ đúc đồng vùng Ngũ Xá (nay ở đông nam hồ Trúc Bạch) thờ làm tổ sư nghề đúc đồng. Đình Ngũ Xá thờ tổ sư Minh Không hiện nằm trên phố Nguyễn Khắc Hiếu, chùa Ngũ Xá nằm trên phố Ngũ Xá đều thuộc phường Trúc Bạch. Trong đình có tượng tổ sư bằng gỗ cao 1m70, là pho tượng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo
Tây Hồ chí, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa bi hùng của Hai Bà Trưng, tướng nhà Hán là Mã Viện đã gọi Hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Một viên tướng là Bình Lạc hầu Hàn Vũ đã chết ở đây. Tên gọi này thể hiện ý nghĩa rõ nhất vào những ngày giông bão, mặt hồ rộng, sóng nước nổi lên ầm ầm, tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ.
Một tên gọi nữa là Dâm Đàm, không biết chính xác được gọi trong thời gian nào, nhưng theo Trần Quốc Vượng thì Dâm Đàm có tên thật từ thời Lý - Trần với huyền tích Lý Nhân Tông ngồi thuyền Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù, có thuyền tới gần, trên có hổ. Mục Thận quăng lưới bắt hổ, hoá ra đó là thái sư Lê Văn Thịnh, và ông cho rằng Dâm Đàm nghĩa là hồ mù sương. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du ngoại, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm. Năm 1573, để tránh tên huý của Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ. Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo Trung Quốc là điều thường gặp.
Thời Lê - Trịnh, chúa Trịnh Tạc (1606-1682) được phong tước Tây Vương, nên các địa danh nào có chữ Tây ông đều ra lệnh đổi thành Đoài, như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoài, nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, sau đó còn đổi thành Diêm Hồ, Liêm Đàm. Nhưng người ta vẫn quen gọi là Hồ Tây hơn.
Hồ Tây trước đây còn nổi tiếng có nhiều sâm cầm, được xem là đặc sản tiến vua, nhưng có giai thoại kể là nhờ công Bà huyện Thanh Quan thảo đơn giúp dân thưa việc xách nhiễu của quan trên và vua Tự Đức xét đơn đã tha lệnh cống cho vùng. Nhưng cùng với thời gian, Hồ Tây hẹp lại, ô nhiễm hơn hơn và ít rong rêu, và vì sự săn bắn bừa bãi, từ khoảng năm 1994, chim sâm cầm đã không trở về đây.

Hình: Hồ Tây