四位祠

海涯城闕惡風波,
殉國貞方宛副跏。
可柰趙原無寸凈,
駕鰲得一此山河。

 

Tứ vị từ

Hải nhai thành khuyết ố phong ba,
Tuẫn quốc trinh phương uyển phó già.
Khả nại Triệu nguyên vô thốn tịnh,
Giá ngao đắc nhất thử sơn hà.

 

Dịch nghĩa

Thành cung ven biển chẳng ưa gì sóng gió,
Những người phụ nữ trung trinh chết vì nước, thản nhiên như đang ngồi xếp bằng.
Cớ sao ngoài đất Triệu ra, trung nguyên không còn nơi nào thanh tịnh?
Hãy cưỡi cá ngao để đi tìm chỗ đất thanh tịnh ấy.


Nguyên chú: Đền ở ngoài thành, cách cửa đông hai dặm, phía đông Kiếm Hồ ở thôn Cựu Lâu, huyện Thọ Xương. Đời Nam Tống, có người tên là Lục Tú Phu đưa nhà vua cùng Dương thái hậu đi tránh quân Nguyên, đến sống ở hang núi trong vùng hải đảo, dựng lầu rào luỹ xung quanh, quân Nguyên biết đến phá đi. Tú Phu giúp nhà vua nhảy xuống biển, thái hậu, công chúa, phi tần đều cùng tuẫn tiết, gió lốc nổi lên sóng lớn đưa xác bốn vị cung phi ra Biển Đông, trôi dạt đến cửa Càn Môn. Dân chúng vớt xác đem đi chôn cất, mà sắc diện vẫn hồng hào như khi còn sống, rất là linh thiêng. Thời vua Trần Anh Tông đi đánh dẹp Chiêm Thành, trú quân nghỉ ở cửa bể, mộng thấy bốn vị thần nữ tiến đến yết kiến, thưa rằng: “Bọn thiếp đều là người nhà họ Triệu gặp nạn, may được thác gửi trên đất của bệ hạ. Xin nguyện theo phù hộ thành công.” Quả nhiên, đoàn thuyền đi trên biển không gặp trở ngại gì. Khi thắng trận trở về, nhà vua cho dựng miếu thờ ở cửa biển, các triều đại sau đều phong sắc Thượng liệt thần. Miếu thờ này vốn ở thôn Càn Miếu, huyện Quỳnh Lưu. Các vị thần đề câu đối ở miếu Kiếm Hồ: “Chính khí bất tuỳ phong thuỷ hoán, Linh thanh trường dữ trạch sơn hàm” (Chính khí không tan theo sóng gió, Tiếng tăm còn mãi với non sông). Câu đối này chưa tra xét được, và được tạo năm nào không rõ. Sách Nam Tống kỷ chép: Hang núi sau khi bị phá huỷ, có người tên là Uông Lập Tín nói: “Trung nguyên không có một tấc đất nào là nơi thanh tịnh cả”. Nói rồi, Lập Tín đi tìm đất nơi nhà Triệu đã mất.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]