Sơ kết năm 2006, các đơn vị phát hành tại TP Cần Thơ như nhà sách Phương Nam, Fahasa cho biết một trong những tập thơ gây chú ý nhất là Gửi VB (NXB Hội Nhà văn, quý IV 2006) của Phan Thị Vàng Anh. Gửi VB là tập thơ đầu tay của một nhà văn trẻ từng gây ấn tượng với hai tập truyện ngắn Khi người ta trẻ, Hội chợ (những năm 1990) và tập tản văn Nhân trường hợp chị Thỏ Bông (2004) được tái bản nhiều lần. Chỉ có bốn tập sách trong hơn 15 năm sáng tác thuộc ba thể loại khác nhau, nhưng tất cả đều xứng là sách không thể thiếu trong tủ sách của người yêu văn chương.

Là con gái của nhà thơ Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh đã làm thơ từ khi còn ở tuổi nhi đồng. Nhiều người còn nhớ những vần thơ trong trẻo: “Hôm nay trời nắng chang chang. Mèo con đi học chẳng mang thứ gì. Chỉ mang một chiếc bút chì. Và mang một mẩu bánh mì con con” (Mèo con đi học). Suốt hơn hai mươi năm qua, không còn thấy thơ của Vàng Anh xuất hiện trên văn đàn nữa và nhiều người cho rằng “sự nghiệp thơ” của Vàng Anh đã dừng lại ở đó. Thế nên, người đọc mới có cảm giác bất ngờ khi bắt gặp những vần thơ đầy chất “triết lý” trong tập Gửi VB:

Nào cần gì phải đi xa
Lên giường nhắm mắt,
cũng là đi chơi
Có khi mộng cũng núi đồi
Cũng sông, cũng biển,
cũng thời trẻ thơ
Có khi gặp lại bất ngờ
Mấy người thiên cổ, mấy giờ cố nhân
Cần gì phải cất bước chân
Chỉ nghiêng mép chiếu đã gần
đã xa
Lang thang hồn trước cửa nhà
Kịp về đúng lúc con gà gáy trưa

(Ngủ)
Trong Gửi VB, thơ của Vàng Anh không còn tung tăng hồn nhiên như thời còn nhỏ nữa, đó là điều tất nhiên. Nhưng Gửi VB khiến người đọc cảm nhận một Phan Thị Vàng Anh khác với khi viết truyện ngắn và tản văn - hai thể loại sở trường của cô hơn 15 năm qua. Trong những câu thơ, Vàng Anh đã cho thấy một tâm hồn luôn dằn vặt, tự vấn và đòi hỏi mình phải sống sao cho thật vui vẻ, lạc quan để không có ngày nào trôi qua trong nhàn nhã, mệt mỏi hay chán chường. Đó lại là điều rất khó làm đối với những người trẻ trong xã hội ngày nay, trong xu thế luôn đua chen với lợi, danh. Cô có cảm giác sợ sự yên tĩnh trong căn nhà lạnh lẽo của một người trẻ đã mải chạy theo công việc mà đánh rơi nhiều tình cảm:
Mở cửa ra.
là thấy giường
là thấy bàn
là thấy máy...
Đồng hồ trên tường
giật cục chạy
Góc tường nhện
vẫn giăng
Và mọt nghiến
chân bàn

(Về nhà)
Hay sự quẩn quanh hiền lành:
Tia sáng đúng chín
giờ lọt khe cửa sắt
Chạm viên gạch số 3
Từ ngoài đếm vào
Từ trái đếm ra
Ngày nào cũng thế
Đếm vào
rồi lại
đếm ra

(Danh sách chuyển nhà)
Những cảm giác cô đơn đó khiến người đọc giật mình, vì hình như mỗi chúng ta đã từng trải qua những khoảnh khắc “bình yên” không mong muốn như vậy, nhưng lại không làm gì được vì xung quanh không còn ai, mà nếu có, người ta cũng sợ phải mở lòng ra để nói: tôi đang rất buồn, hãy nói chuyện với tôi đi. Vì hình như, người ta ngày càng “lười biếng” quen biết và hiểu biết nhau. Như trong Đã đến Huyền Mi. Bình an, tác giả viết trong tâm trạng trống vắng của một kẻ đi xa tạm trú khách sạn một mình, không bạn bè sẻ chia:
Ngày mai sẽ viết thư thêm...
Giờ nằm im và ngửa cổ
Cho đầu thõng xuống cạnh giường
Để phòng nước mắt có chảy
Chầm chậm
Ngược dòng

tuôn
Bài thơ được chọn làm tiêu đề cho cả tập thơ đã cho thấy thêm một thế giới nội tâm rất khác biệt và tinh tế.
Chúng ta là cá và nước
Cá bơi và nước trôi
Chúng ta là bánh mì và chả lụa
Bán riêng và ăn chung
Chúng ta - hai kẻ ghét Hà Nội
Lại bồn chồn khi đến Cửa Ô
Sợ đường ra Nội Bài ngang qua
những ruộng bắp
Lá ngày đông còn lưa thưa
Chúng ta - hai vốc cát Quảng Trị
Hai ly trà đá Sài Gòn
Hai cái đầu tưởng lạnh như băng
Vào một ngày rất bình thường
Bị làn gió nhẹ gốc hồ Gươm
Thổi cho
Xiêu vẹo

(Gửi VB)
Ở đó, không chỉ có dằn vặt, cô đơn, mà còn có những cảm giác rất mơ hồ hơi “nhõng nhẽo” thường gặp trong tình yêu. Mọi cảm giác đều nhẹ nhàng, như có thể tan biến bất cứ lúc nào, nhưng da diết và gợi nhớ. Chính vì vậy, cả tập thơ Gửi VB được trân trọng yêu mến vì sự tinh tế, súc tích và tràn đầy cảm xúc của tác giả.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."