Đời là thế, ấy đời là thế,
Hồn có thiêng cũng hé miệng cười.
Những quân dạ thú mặt người,
Quá ham danh lợi, đạo trời kể chi!
Lại gặp lúc nước suy thế ngặt,
Lũ “rước voi” ra mặt tung hoành.
Thi nhau bán nước cầu vinh,
Còn đâu nghĩ tới chút tình keo sơn.


Phùng Văn Nhuận (có tài liệu ghi Phùng Khắc Nhuận, ?-1897) người làng Vân Cốc, tỉnh Sơn Tây, đỗ đầu cử nhân khoa Hà Nam hợp thí (1894), sau trở thành một tướng lĩnh văn thân chống Pháp từ lúc nền đô hộ mới xây trên miền Trung và Bắc. Tương truyền ông là người đã dám lên án mẹ con vua Tự Đức trong bài phú làm khi thi hội năm 1868, khiến ông bị Tự Đức bắt giam nhưng rồi phải tha vì sợ dư luận.

Năm 1884, Nam triều thất thế, phải nhìn nhận quyền Pháp bảo hộ và ra lệnh giải tán quân thứ, khuyên nhủ quan lại phục tùng chính sách mới. Sĩ phu phẫn khích, nhiều người nộp ấn từ quan để về mộ binh đánh Pháp. Trong số đó có Nguyễn Văn Giáp là Bố chính tỉnh Sơn Tây bỏ quan về khởi nghĩa, ông Nhuận làm quân sư và phó tướng cho Bố Giáp. Khi Bố Giáp qua đời, ông Nhuận lên thay quyền chỉ huy, mấy năm kháng chiến ở vùng giáp Sơn Tây, Hưng Hoá.

Một thời gian khi thế cùng lực tận, nghĩa binh tan vỡ, ông đành mai danh ẩn tích về vùng Vĩnh Yên dạy học, vẫn bí mật giao thiệp với các văn thân phản đối, mưu sự khởi binh lần nữa. Người Pháp nghe tiếng, cố sức ép ông phải ra làm tri huyện Thanh Ba, độ hơn một năm, ông kiếm cớ bỏ về, theo đuổi chí cũ. Một người bạn ông tên Trung, do muốn được thăng chức án sát, đem ông ra tố giác, khiến ông bị bắt và đưa về giữa làng Vân Cốc xử chém (1897). Lúc chết, ông vẫn ung dung dặn con cái phải giết giặc trả thù cho cha.

Các con của ông có hai anh em Cả Thấu và Hai Vịnh (có người nói là Vỵ) có tiếng giỏi võ, tâm địa rất tốt, đều theo Đề Thám khởi nghĩa. Sau khi Đề Thám thất bại, bị giết, hai anh em ra sức thu gom tàn lực kháng chiến rồi bị bắt, kết án tù khổ sai đày lên Thái Nguyên. Một con gái ông trong lúc lên chăm hai anh bị tù, quen biết rồi trở thành vợ Đội Cấn.

Đây là mấy câu trong bài của sĩ phu tỉnh Sơn Tây cảm khái về việc ông Nhuận bị ngộ hại. Phần còn lại của bài thơ hiện chưa tìm được.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]