Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay
Đồng xanh ta thiếu đất cày
Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng
Tháng ngày ta góp sức chung
Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây.

Đường xa ta tới đây
Trên đồi cây khát nắng
Giữa hai dòng suối vắng
Đoàn ta vui cấy cày.

Bàn tay lao động
Ta gieo sự sống
Trên từng đất khô;
Bàn tay cần cù
Mặc dù nắng cháy
Khoai trồng thắm rẫy
Lúa cấy xanh rừng;
Hết khoai ta lại gieo vừng
Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.

Suối chảy quanh ta
Tiếng suối ngân nga
Hoà theo gió núi.
Ta đào mương mở suối
Tuổi ta là những tuổi đấu tranh
Cho dù bạc áo nông binh
Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.

Chim reo trong lá
Hòn đá cheo leo
Chúng ta một lớp người nghèo
Giữa chiều nắng gió
Phạt gai cuốc cỏ
Tỉa đỗ trồng khoai.

Ngày còn dài
Còn dai sức trẻ
Cuốc càng khoẻ
Càng dễ cày sâu.
Hát lên! Ta cuốc cho mau
Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.

Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Ta vui mùa lúa thơm
Ta mừng ngày quả chín
Gửi ra người tiền tuyến
Diệt quân thù, gối đất nằm sương.

Máu ai nhuộm thắm sao vàng.
Mồ hôi ta đổ xuống hàng rau tươi.

Rừng xanh xanh cả máu người
Còn màu lúa tốt còn tươi áo chàm.


1948

Trích đoạn bài thơ này được sử dụng trong SGK Tiếng Việt 4 (tập 2) giai đoạn 1990-2003.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Làm sáng tỏ ý thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” trong “Bài ca vỡ đất”

Nhân dân ta vốn có truyền thống cần cù lao động nên từ nghìn xưa đã đề cao bàn tay lao động. Chính sức cần lao này, không phải chỉ làm ra những sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống hàng ngày cho mọi người mà còn chinh phục và cải tạo thiên nhiên, làm nên biết bao biến đổi to lớn đối với đất nước và xã hội. Nói lên điều này, trong bài thơ Bài ca vỡ đất nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:

Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
Hai câu thơ trên là một nhận xét có giá trị như một chân lí đã được thực tiễn cách mạng của dân tộc ta chứng minh.

Trong câu thơ đầu, “bàn tay” là một hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho sức lao động của con người. Cũng nhờ đó, con người vượt qua mọi khó khăn trở ngại, mọi chông gai, “sỏi đá” trong cuộc đấu tranh chinh phục và cải tạo thiên nhiên. “Sỏi đá” trong câu thơ chính là hình ảnh tượng trưng có tính khái quát những khó khăn và trở ngại vừa nói.

Nhừ sức cần lao bền bỉ cần cù, con người đã biến sỏi đá thành “cơm”, nói một cách khác, thành ra của cải vật chất, những sản phẩm cần yếu, thiết thực để nuôi sống chính mình. “Cơm” ở đây tượng trưng cho thành quả lao động mà con người thu hoạch được nhờ vào sức cần lao của mình.

Hai câu thơ nêu lên một mối quan hộ nhân quả đúng quy luật cho thấy chính lao động của con người chớ không phải cái gì khác đã góp phần cải tạo thiên nhiên, mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho con người.

Đây là một lời khẳng định hơn thế nữa, một lời ca ngợi vai trò, tác dụng to lớn của lao động trong việc chinh phục thiên nhiên, tạo ra mọi thành quả trong xã hội con người.

Thực tiễn cách mạng của dân tộc ta trước hết chứng minh bàn tay con người đã làm thay đổi bộ mặt đất nước và xã hội ta.

Thật vậy, trước Cách mạng tháng Tám đất nước ta còn lạc hậu, nghèo nàn và xơ xác biết bao. Đại bộ phận nông dân thời đó đều là những anh Pha, chị Dậu sống chui rúc trong những mái nhà tranh xiêu vẹo và ọp ẹp. Chính những người này đã bước vào cuộc kháng chiến trường kì gian khổ ngót chín năm trời. Bàn tay người hậu phương từ khi ấy đã tích cực tăng gia sản xuất, đổ mồ hôi - đôi khi đổ xương máu mình, để làm ra lúa gạo nuôi cho bộ đội ăn no, đánh thắng. Ta làm sao quên được trong trang sách truyện “Con trâu” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, hình ảnh gia đình anh Trợ đã kéo bừa thay trâu. Hay trong thực tế chiến dịch Điện Biên, hình ảnh hàng vạn dân công thồ gạo, thồ đạn lên mặt trận để nuôi dưỡng tiếp sức cho anh “Bộ đội cụ Hồ” viết xong thiên sử đẹp:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
Các hình ảnh ấy là gì nếu không phải là những chứng minh hùng hồn cho “bàn tay cần lao đã biến được “sỏi đá” thành “cơm”.

Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước càng ác liệt hơn. Trong các giai đoạn lịch sử này, nhân dân miền Bắc lại tiếp tục tăng gia sản xuất, khai phá đất hoang “mỗi người làm việc bàng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “vì sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên khắp miền Bắc xã hội chủ nghĩa khiến cho sản xuất không những nông nghiệp mà cả công nghiệp phát triển mạnh mẽ biến một nửa nước này thành hậu phương bao la, góp phần đắc lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong một nửa nước còn lại, tại các vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng, bà con nông dân các dân tộc cũng đã góp bàn tay của mình biến “sỏi đá” thành “cơm” chung sức với tiền tuyến một lòng đánh Mĩ với niềm tin tất thắng.

Khi non sông ta sạch bóng quân thù, nước nhà vĩnh viễn độc lập, tự do, và thống nhất, nhân dân ta lại chen vai sát cánh nhau trên ruộng đồng nương rẫy, chung tay ra sức hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Khắp nơi bà con cung nhau lấp hố bom, phá mìn cải tạo đất đai, trả lại màu xanh cho ruộng đồng xứ sở. Từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Tây Nguyên, đâu đâu bàn tay người cũng góp phần tích cực khai phá đất hoang làm ra biết bao lúa gạo của cải nuôi sống con người Từ bàn tay con người, biết bao công trình mới đã được dựng lên: Đường sắt Thống Nhất, Thuỷ điện sông Đà, Thuỷ điện Trị An, Y- a- li, cầu Thăng Long, xí nghiệp dầu khí Vũng Tàu và còn biết bao công trình lớn nhỏ khác ở các địa phương cứ mọc lên kì diệu dưới bàn tay người cứ như một phép lạ nào!

Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật từ xưa đến nay, bàn tay con người đã làm ra mọi thứ cần thiết. Từ thóc gạo, rau quả, thịt cá... nghĩa là mọi thứ thực phẩm thiết yếu đến các vật dụng cần dùng như bàn ghế, cửa nhà. Đó là chưa kể đến những tác phẩm văn học nghệ thuật thơ nhạc, phim ảnh phục vụ cho đời sống tinh thần của mọi người

Tóm lại, ai cũng thấy mọi thứ của cải vật chất và tinh thần trong xã hội đều do bàn tay con người hay nói một cách khác - sức lao động của con người làm ra cả.

Hai câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông khẳng định giá trị và khả năng to lớn của sức lao động trong đời sống hàng ngày và cả trong việc xây đắp những công trình lớn của đất nước. Phải chăng qua hai câu này, nhà thơ muốn nhắn nhủ với chúng ta là phải biết quý trọng lao động và các thành quả do sức cần lao ấy tạo nên

Riêng em, giờ đây, không chỉ nỗ lực trong học tập mà em còn chuyên cần chăm chỉ trong các giờ hướng nghiệp, để mai sau trở thành người lao động mới, đem bàn tay mình biến sỏi đá thành cơm góp phần làm đất nước thêm giàu mạnh.

tửu tận tình do tại
24.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình luận bài thơ “Bài ca vỡ đất”

Bài thơ ra đời cùng với năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Một bài thơ có tính biên niên sử vì vậy cần đặt bối cảnh lịch sử đất nước lúc bài thơ ra đời để hiểu được cái hay, cái đẹp của bài thơ đã có tuổi đời 70 năm. Năm 1948 là thời điểm quân và dân ta đã chiến thắng thực dân Pháp trong Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947; tuy nhiên, hoàn cảnh quân và dân ta vẫn hết sức khó khăn khi chưa mở thông biên giới Việt-Trung để nhận sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, chưa được nhiều nước công nhận trên trường quốc tế… Đây vẫn là giai đoạn phòng ngự, cầm cự mà tác phẩm nổi tiếng “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ. Đây là giai đoạn lấy sức ta mà tự lo cho ta là chính, lo chống đỡ sự bao vây tứ bề của kẻ ngoại xâm muốn cướp nước ta một lần nữa.

Trong những mối lo, làm sao đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực là điều tối quan trọng cho một cuộc kháng chiến đã lường trước phải kéo dài nhiều năm. Đó là lý do vì sao những mảnh đất được ngày đêm cải tạo, đưa vào sản xuất nông nghiệp:

Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay
Đồng xanh ta thiếu đất cày
Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng
Tháng ngày ta góp sức chung
Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây...
Cần chú ý đến câu thơ mở đầu để chỉ rõ chủ thể đi khai phá là “chúng ta đoàn áo vải”. Từ bỏ “cái tôi” lãng mạn của Thơ mới thịnh hành cách đó mấy năm, thơ cách mạng đề cao “cái ta” sử thi mang tính cộng đồng. Và đừng nghĩ rằng đó chỉ là những người nông dân tản cư theo kháng chiến sản xuất, tất cả mọi người dù học vấn, trình độ khác nhau, miễn có sức khoẻ đều phải tự cày cuốc nuôi mình. Đó là một không khí đặc biệt ở những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt hiếm có, tương tự thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và dân tộc Do Thái thời kỳ quay về cố hương phục quốc...

Bốn đoạn thơ tiếp theo có chung một nội dung và phương thức thể hiện. Nhà thơ tả cảnh không chỉ để làm “ngoại đề” cho nội dung chính sản xuất nông nghiệp, mà còn đối lập với mong muốn và khát vọng cải tạo thiên nhiên phục vụ đời sống (Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta) của tầng lớp nông binh, dẫu vẫn còn nghèo khó nhưng đã sống đời tự do: “Cây khát nắng” - “vui cấy cày”, “gieo sự sống” - “đất khô”, “cần cù” - “nắng cháy”...

Có tự do, làm chủ cuộc đời mình mà nhà thơ tin tưởng vào tương lai tươi sáng của một lớp người mới, một thế hệ mới và của một đất nước non trẻ thông qua hoạt động lao động sản xuất:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Cần nói thêm, nhan đề bài thơ là chìa khoá quan trọng để hiểu tinh thần bài thơ như một bài ca cổ vũ, như những câu hò điệu vè mà cha ông đã từng ngâm nga. “Vỡ đất” là giai đoạn đầu tiên của quy trình sản xuất lương thực, rất giống với tinh thần nỗ lực dựng xây đất nước mới ra đời được 3 năm.

Nhìn lại sau 70 năm, người đọc mới thấy giá trị thời sự, giá trị cổ vũ tuyên truyền phục vụ xã hội của Bài ca vỡ đất. Thời đại hiện nay, khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sức người không còn là yếu tố quyết định mà quan trọng là tài năng sáng tạo xuất phát từ trí tuệ. Tuy nhiên, tinh thần hăng say lao động, muốn thay đổi hoàn cảnh, không ngại khó ngại khổ của Bài ca vỡ đất vẫn còn giá trị.


Phạm Việt Hà
tửu tận tình do tại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời