Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Nguyễn Trãi » Ức Trai thi tập » Thơ làm trong khi chưa thành công
半生世路嘆屯邅,
萬事惟應付老天。
寸舌但存空自信,
一寒如故亦堪憐。
光陰焂忽時難再,
客舍凄涼夜似年。
十載讀書貧到骨,
盤惟苜蓿坐無氈。
Bình sinh thế lộ thán truân chiên,
Vạn sự duy ưng phó lão thiên.
Thốn thiệt đãn tồn không tự tín,
Nhất hàn như cố diệc kham liên.
Quang âm thúc hốt thời nan tái,
Khách xá thê lương dạ tự niên.
Thập tải độc thư bần đáo cốt,
Bàn duy mục túc, toạ vô chiên.
Bình sinh đường đời nhiều vất vả quá thể
Vạn việc chỉ nên phó cho trời già
Tấc lưỡi hãy còn, tưởng cũng tự tin được
Cứ một cảnh nghèo như cũ thật đáng thương
Ngày tháng (sáng tối) đi qua vùn vụt khó mà trở lại
Quán khách lạnh lùng, đêm dài như cả một năm
Mười năm đọc sách (học hành) mà nghèo đến tận xương
Trên mâm cơm chỉ có rau mục túc, chỗ ngồi chẳng có chiếu.
Một tấc lưỡi, Trương Nghi, một tay biện sĩ người đời Chiến Quốc, khi sang du thuyết ở nước Sở, bị nghi là ăn cắp ngọc bích và bị đánh tàn tệ, về nhà hỏi vợ xem lưỡi có còn không. Vợ cười, bảo hãy còn, Nghi nói: "Thế là đủ rồi". (Ý nói còn lưỡi thì còn làm nghề du thuyết được). |
Cảnh đói rét. Phạm Thư và Tu Giả nguyên làm quan ở Nguỵ. Phạm Thư tên tự là Thúc, bị tướng Nguỵ ngờ và đánh trọng thương, sau sang Tần làm thừa tướng. Khi Tu Giả sang sứ Tần, Thư giả mặc rách rưới, Tu Giả không biết mới nói: "Phạm Thúc nhất hàn chí thử tai?" (Phạm Thúc lại đến gặp cảnh đói rét như thế ư?), rồi lấy áo lụa dày tặng cho. |
Bóng mặt trời, chỉ ngày giờ. |
Có bản ghi là "vô" 無. |
Một loài rau đậu. Tiết Lệnh Chi đời Đường có câu thơ: "Bàn trung hà sở hữu, Mục túc trường la can" (Trong mâm có món gì, Rau mục túc dài như cái lan can). |
Chỗ ngồi không có nệm bông. Thơ Đỗ Phủ đưa cho Trịnh Kiền có câu: "Tài danh tam thập niên, Toạ khách hàn vô chiến" (Người tài danh trải ba mươi năm nay, mà khách đến không có nệm lông, phải ngồi lạnh). Chỉ cảnh dạy học thanh đạm, nghèo nàn. |
Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]
Truân chuyên từng ngán bước đường đời,
Muôn việc đành thôi phó mặc trời.
Tấc lưỡi còn đây thường tự tín,
Thân nghèo mãi thế đáng thương thôi.
Lạnh lùng khách xá đêm dài mấy,
Vùn vụt quang âm bóng xế rồi.
Đọc sách mười năm nghèo đến tuỷ,
Ăn không rau đậu, chẳng chiên ngồi.
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Vanachi ngày 29/07/2005 12:26
Đường đời lắm nỗi truân chiên
Muôn điều phó mặc Hoàng Thiên an bài
Còn tin một tấc lưỡi dài
Cơ hàn khốn khổ một đời đáng thương
Quang âm vùn vụt đi ngang
Ở nơi quán khách đêm trường quạnh hiu
Mười năm đọc sách vẫn nghèo
Thiếu cơm thiếu áo gieo neo một đời
Gửi bởi Vanachi ngày 09/04/2007 20:08
Biết bao gian khổ suốt đường đời
Vạn sự đành cam phó mặc trời
Tấc lưỡi tự tin, mong giữ được
Cảnh nghèo khó giảm, đáng than thôi
Ngày mau tháng lụn khôn lùi lại
Quán lạnh đêm thâu cứ thấy dài
Đèn sách mười năm, nghèo kiệt xác
Cơm toàn rau ráng, đệm đâu ngồi?
Gửi bởi Vanachi ngày 04/09/2008 21:11
Bình sinh vất vả ngán đường đời,
Muôn việc đành nên phó mặc trời.
Tấc lưỡi hãy còn, ăn nói được,
Chiếc thân vẫn khó, xót thương thôi.
Bóng xuân thấm thoắt thì khôn kéo,
Quán khách lạnh lùng đêm quá dài.
Đọc sách mười năm mà kiết xác,
Ăn tràn rau muống, chẳng chiên ngồi.
Gửi bởi Natasa ngày 02/05/2010 09:49
Các bạn ơi, xin giúp tôi dịch bài thơ này. tôi không hiểu "Tấc lưỡi" là gì?
Gửi bởi Vanachi ngày 02/05/2010 20:47
Tấc là đơn vị đo chiều dài xưa, nhưng ở đây chỉ có ý nói (lưỡi) ngắn ngủi.
Gửi bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 03/05/2010 04:13
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 03/05/2010 04:20
Theo Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan, thốn 寸, nghĩa là "tấc", là đơn vị độ dài của Trung Quốc cổ, bằng một phần mười của xích 尺 (thước). Theo mình, có thể nói nôm na rằng, tấc bằng 1/10 của mét. Hơn nữa, thốn thiệt 寸舌, nghĩa là "tấc lưỡi" (cũng như "tấc lòng", "tấc son", "tấc riêng", "tấc vàng", ...) là cách nói trong thơ văn cổ để chỉ cái "lưỡi", ý cụ thể là sự phát ngôn, nói năng, thương thuyết. Ví dụ như "uốn ba tấc lưỡi", tức là muốn nói cái khả năng đàm phán, thuyết phục người khác.
Gửi bởi Trương Việt Linh ngày 19/10/2014 15:14
Gian khổ đường đời mãi bám ta,
Nên hư thôi phó mặt trời già.
Hãy còn tấc lưỡi nên tin tưởng,
Sao cứ khổ nghèo thật xót xa.
Tháng lụn ngày trôi khôn trở lại,
Đêm khuya quán vắng thấy dài ra.
Mười năm đọc sách nghèo khô xác,
Chiếu rách, cơm rau chưa chán à.
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 14/06/2018 20:05
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn ngày 19/10/2019 15:06
Bình sinh vất vả đường đời qua,
Muôn việc đành phó trời định ra.
Tấc lưỡi hãy còn, còn muốn nói,
Sao nghèo cứ mãi thật xót xa.
Quang âm vùn vụt khôn lùi lại,
Quán khách lạnh lùng giấc khó qua.
Đèn sách mười năm nghèo kiếc xác,
Cơm rau chẳng chiếu chỗ ngồi nhà.