Thơ đọc nhiều nhất
Thơ mới nhất
Tác giả cùng thời kỳ
Dịch giả nhiều bài nhất
Tạo ngày 12/09/2010 04:20 bởi
Vanachi Nguyễn Án 阮案 (1770-1815) tự Kính Phủ 敬甫, hiệu Ngu Hồ 愚胡, người thôn Du Nội, xã Du Lâm 榆林, huyện Đông Ngàn 東岸, phủ Từ Sơn 慈山, tỉnh Bắc Ninh 北寧, nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, nối đời khoa bảng. Ông là hậu duệ của đình nguyên hoàng giáp Nguyễn Thực 阮實, tiến sĩ Nguyễn Nghi 阮宜, tiến sĩ Nguyễn Thẩm 阮審,... cháu nội ông là hoàng giáp Nguyễn Tư Giản 阮思僴. Ông thuộc dòng họ Nguyễn gốc Lý, là hậu duệ của Lý Thái Tổ. Dòng họ Nguyễn gốc Lý này, từ đời Nguyễn Thực vẫn ở làng Vân Điềm (cạnh làng Hương Mạc, quê của tiến sĩ Đàm Thận Huy, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Thực là cháu rể Đàm Thận Huy), đến đời Nguyễn Đường (cha Nguyễn Án) mới dời về Du Lâm (nơi có thái đường Hoa Lâm, xưa là quê của bà Phạm mẫu, người sinh ra Lý Thái Tổ). Thuở nhỏ, ông thông minh hiếu học nhưng lớn lên giữa thời ly loạn, việc học hành lỡ dở. Ông đã nhiều năm trú ngụ ở đất Thăng Long, trên một mảnh đất thuê của người khác (ông có nói rõ chuyện này trong bài thơ Cảm hoài), sống những tháng năm nửa ẩn dật, mưu sinh một cách vất vả bằng nghề dạy học và làm thuốc, và vì vậy ông có thêm một tên hiệu nữa là Kiếm Hồ ngư ẩn.
Triều Tây Sơn suy vong, nhà Nguyễn lên. Năm Gia Long thứ 4 (1805) lúc đó ông đã 35 tuổi, do tiến cử, ông được bổ làm Tri huyện huyện Phù Dung (nay thuộc Phù Cừ, Hưng Yên), nhưng làm được một năm thì viện cớ có việc riêng xin từ quan. Năm Đinh Mão Gia Long thứ 6 (1807), nhà Nguyễn mở khoa thi Hương đầu tiên ở Bắc Thành, bị o ép, ông bất đắc dĩ phải lều chõng dự thi, đỗ Hương cống (Cử nhân) và được bổ nhiệm làm Tri huyện Tiên Minh (tức Yên Lãng, Hải Phòng). Về sau ông mất tại nhiệm sở.
Cũng như nhiều nho sĩ khác, chí hướng ban đầu của Nguyễn Án là mong muốn được đem tài năng ra hành đạo để góp phần “trị quốc an dân”, nhưng thời thế đang có những biến chuyển dữ dội, cảnh “dâu bể” diễn ra dồn dập ở ngay trước mắt qua từng tháng từng ngày đã khiến ông bi quan thất vọng. Ông đành lui về, tìm niềm vui trong cuộc sống gần thiên nhiên, tìm chỗ dựa tinh thần trong triết thuyết Lão Trang, tìm niềm an ủi trong sự đồng cảm của bạn bè tri kỷ, nguyện đem ngọn bút phụng sự nhân sinh qua những trang văn thơ ghi lại thế sự, diễn tả nỗi lòng, mong muốn góp phần cảnh tỉnh thế tục, mà thành quả cụ thể là cuốn Tang thương ngẫu lục 桑滄偶錄 (viết chung với bạn tri kỷ Tùng Niên Phạm Đình Hổ) và tập thơ Phong lâm minh lại thi tập 風林鳴賴詩集.
Thơ của Nguyễn Án thắm đượm nỗi buồn của một nho sĩ bất lực trước thời thế, của một ẩn sĩ chưa quên hẳn việc đời, góp phần giúp chúng ta hiểu sâu hơn con người và thời đại ở một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước - giai đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Tác phẩm:
- Phong lâm minh lại thi tập 風林鳴賴詩集
- Tang thương ngẫu lục 桑滄偶錄 (viết chung với bạn tri kỷ Tùng Niên Phạm Đình Hổ 松年范廷琥), ghi lại nhiều cảnh sinh động về đời sống văn hoá – xã hội của đất nước buổi giao thời của ba nhà Lê - Trịnh - Tây Sơn.
- Có thơ văn trong các sách: Đông Dã tiều thi tập 東野樵詩集, Đông Dã học ngôn thi tập 東野學言詩集, Hoa trình học bộ tập 華程學步集,...
Tham khảo:
1. Vân Lâm Nguyễn tộc - Lý triều hậu duệ, Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản - Cuộc đời và thơ văn, Kỷ yếu hội thảo khoa học kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội và 110 năm ngày mất Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản, Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2001.
2. Trịnh Khắc Mạnh, Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, 2007.
3. Đặng Đức Siêu, Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 14, NXB KHXH, 2000.
Nguyễn Án 阮案 (1770-1815) tự Kính Phủ 敬甫, hiệu Ngu Hồ 愚胡, người thôn Du Nội, xã Du Lâm 榆林, huyện Đông Ngàn 東岸, phủ Từ Sơn 慈山, tỉnh Bắc Ninh 北寧, nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, nối đời khoa bảng. Ông là hậu duệ của đình nguyên hoàng giáp Nguyễn Thực 阮實, tiến sĩ Nguyễn Nghi 阮宜, tiến sĩ Nguyễn Thẩm 阮審,... cháu nội ông là hoàng giáp Nguyễn Tư Giản 阮思僴. Ông thuộc dòng họ Nguyễn gốc Lý, là hậu duệ của Lý Thái Tổ. Dòng họ Nguyễn gốc Lý này, từ đời Nguyễn Thực vẫn ở làng Vân Điềm (cạnh làng Hương Mạc, quê của tiến sĩ Đàm Thận Huy, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Thực là cháu rể Đàm Thận Huy), đến đời Nguyễn Đường (cha Nguyễn Án) mới dời về Du Lâm (nơi có thái đường Hoa Lâm, xưa là quê của bà Phạm mẫu, người sinh ra Lý Thái Tổ). Thuở…