Chẳng ngờ Trung Quốc đạo Kiều văn (1)
Rõ Nguyễn Du ta, gốc Việt vần (2)
Ba lượt giảng bình khen nhóm Tử (3)
Trăm lần giả nguỵ nói Tài Nhân (4)
Năm dài trải nghiệm đời uyên bác (5)
Lẻ kỷ làm thơ phẩm tuyệt trần (6)
Nữa lớp người sau nhiều thất lạc
Biết còn ai khóc Tố Như chăng! (7)

Tuy Hoà, 26/6/2020
(1), (2), (3), (4) Theo nhiều tài liệu còn lưu lại, tác phẩm ‘’ Đoạn Trường Tân Thanh ‘’ (ĐTTT) được Nguyễn Du viết trong thời gian đi sứ Trung Quốc về. Song cũng có nhiều giả thuyết là ông viết trước những năm đó.
Trong tay chúng tôi hiện đang có nhiều tư liệu về những tác phẩm của Nguyễn Du, cùng những văn bản về Truyện Kiều đã xuất bản sau khi Nguyễn Du qua đời, cho tới tận ngày nay. Chúng tôi cũng đã tìm kiếm được những tư liệu trên các nguồn về Truyện Kiều của các học giả trong nước và nước ngoài. Việc sưu tầm, thu thập tư liệu này do các anh Lê Nghị, Lại Quảng Nam cùng một số người tham gia khác. Tuy nhiên- bản khắc in lần thứ nhất do Phạm Quý Thích viết đề tựa và in tại nhà in Hàng Gai (Hà Nội) đã không còn. Bản đó ngay từ thời Minh Mệnh cũng đã là rất hiếm. Còn bản chính, có thủ bút của Nguyễn Du hoàn không thể có được nữa là điều muôn một.
Được biết rằng, năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)- nhà Vua có ra chỉ dụ nhan đề:’’ Thánh tổ Nhân hoàng đế ngự chế tổng thuyết. Thanh Tâm Tài Tử cổ kim Minh lương đề tập biên ‘’- ra lệnh cho các văn thần ở Hàn lâm viện bình giảng truyện Kiều. Thấy còn lưu lại một cuốn TRUYỆN KIỀU, viết theo theo lối tiểu thuyết chương hồi (gồm 20 hồi), đó là văn bản mang ký hiệu Vnv.240 lưu thư viện Văn học quốc gia Hà Nội. Văn bản này viết tay bằng chữ Hán phồn thể theo lối văn ngôn. Tiếp đó là văn bản ‘’ Kim Vân Kiều truyện ‘’của tác giả Trung Quốc Lý Trí Trung, in bằng chữ giản thể, cũng viết theo lối tiểu thuyết chương hồi, văn phong Bạch thoại (cũng 20 hồi, sách dày 214 trang, khổ 15-20 cm, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã xuất bản. Liêu Ninh - 10/1983.)
So sánh hai cuốn đó với nhau - sau khi đọc thấy sự tương đồng về nội dung đến 99%. Sự dị biệt chỉ là những tình tiết không quan trọng, và những bài thơ viết theo thể văn Ngôn mà thôi. Còn như các đề từ chương hồi là như nhau.
Chúng tôi thấy rằng, khi căn cứ vào bản Tổng thuyết của Minh Mệnh, tên tác giả là Thanh Tâm Tài Tử, đây có thể là tên chung của nhóm văn thần Viện Hàn lâm lúc đó tập trung viết và lấy một tên chung là ‘’ Thanh Tâm Tài Tử ‘’. Còn cuốn của Lý Chí Trung đề là của Thanh Tâm Tài Nhân - như mọi người vẫn tin hàng trăm năm nay.
Như đã nói trên, Chúng tôi nhận thấy cách thể hiện hành văn của Lý Trí Trung nặng về điển tích và những thuyết giáo, triết lý về Tống nho ‘’ Quân, Thần, Phụ, Tử ‘‘cùng những diễn giải dài dòng, nhiều khi không cần thiết làm rối thêm mạch truyện.
Bản Việt (Vnv.240), tuy dùng chữ phồn thể viết theo lối văn Ngôn, nhưng không khác gì lối văn dân dã khẩu ngữ hàng ngày, không chen vào những lời hoa mỹ, nặng về điển tích của lối hàn lâm kinh viện, mặc dù người viết rất thông thạo với lối viết đó. Có thể nói lời văn hoàn toàn thuần Việt, chứ không phải ngôn ngữ của người Hán viết.
Triều Nguyễn, thực chất cũng vẫn nặng về Tống nho, nhưng cuộc sống và sinh hoạt vẫn là gốc Việt bản địa. Hẳn là khi các văn thần viết 20 hồi ấy, là bình giảng cho cuốn ĐTTT của Nguyễn Du, theo như chỉ dụ trong văn bản ‘’ Tổng thuyết ‘’ của Minh Mệnh.
Như vào đầu của ĐTTT, Nguyễn Du viết...’’ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh ‘’, vậy thì trong cuốn ‘’ Phong tình lục ‘’ của tác giả Phùng Mộng Long, trong truyện ‘’ Vương Thuý Kiều ‘’ của Dư Hoài và Mao Khôn (cũng như trong Kỷ tiễu trừ Từ Hải) chỉ có tên ba nhân vật chính là: Hồ Tôn Hiến, Từ Hải và Vương Thuý Kiều- trong cuộc tiễu trừ Từ Hải như trong Minh sử cũng đã có những dòng ghi lại.
Trong phong trào viết văn bạch thoại thời Minh Thanh, những truyện ngắn phong tình, tài tử giai nhân, hoặc là dựa theo chính sử, hoặc dã sử nở rộ như như nấm sau mưa. Những tác phẩm hữu danh như Tam quốc chí, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Kim bình mai, Thuỷ hử, Nho lâm ngoại sử, Tây du ký..vv... đã ra đời vào thời kỳ đó.
Loại như các cuốn ‘’ Vương Thuý Kiều ‘’, ‘’ Kỷ tiễu trừ Từ Hải ‘’ cũng thi nhau xuất hiện trên văn đàn một thuở. Song, có gây được tiếng vang và được người đọc ghi nhận lại là một chuyện khác.
Chính ông giáo sư Hoàng Dật Cầu (TQ), người đã sang giúp viện Hán Nôm Việt Nam trong những năm 1957 cũng đã nói rằng ‘’ cuốn Vương Thuý Kiều tại Trung Quốc không mấy tiếng tăm bằng Truyện Kiều tại Việt Nam.’’, việc này cũng được lặp lại trong bản tham luận nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du tại Hà Nội năm 1965 của hai cán bộ nghiên cứu văn học (TQ) là Lý Tu Chương và Lưu Thế Đức công nhận sự im ắng của cuốn Vương Thuý Kiều của TQ là sự thực.
Quay lại với ĐTTT (Truyện Kiều) của Nguyễn Du, thấy rằng trong Phong Tình Lục, hoặc trong ‘’ Vương Thuý Kiều ‘’ của Dư Hoài hoặc ‘’ Kỷ tiễu trừ Từ Hải ‘’ của Mao Khôn, như đã viết trên người ta chỉ thấy xuất hiện ba nhân vật chính là Hồ Tôn Hiến, Vương Thuý Kiều và Từ Hải. Ở đây, xét về thời gian Nguyễn Du đi sứ TQ vào năm 1813 đến sau năm 1814, Nguyễn Du có thể đã đọc những cuốn trên. Ba nhân vật này đã khắc sâu vào trong tác phẩm của ông. Còn những nhân vật khác của ĐTTT thì sao? Tôi cho rằng Nguyễn Du đã hoàn toàn hư cấu xây dựng lên như: Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Thúc Sinh, Đạm Tiên, cùng những nhân khác...vv. Đó chính là diện mạo hiện thực sinh động của con người trong xã hội mà Nguyễn Du đã sống. Nếu nói Truyện Vương Thuý Kiều ‘’ của TQ bấy lâu không gây được tiếng vang gì trên văn đàn TQ, bởi nó đơn thuần chỉ là một cuốn truyện kể về việc tiễu trừ của một tên tướng cướp ven biển là Từ Hải, cấu kết với bọn ‘’ Nuỵ khấu ‘’ (giặc biển Nhật bản) lúc đó. Tưởng không có gì là hấp dẫn ngoài sự dung tục trong tình tiết ở lầu xanh khi Kiều bị bán vào. Hình ảnh Từ Hải trong cuốn đó cuối cùng cũng chỉ là loại lục lâm thảo khấu không hơn không kém mà thôi.
Với Nguyễn Du, bằng bút lực sung mãn, giàu chất thơ của ngôn ngữ Việt ông đã hoàn thành kiệt tác của mình với hình ảnh Từ Hải trong đó, đã được ông đưa lên sánh ngang cùng Hoàng Sào - người đã làm cho ngai vàng nhà Đường cả chục năm trống vắng thời đó. Có thể nói, trước và cả cho đến sau này khó có tác phẩm nào vượt qua được cuốn ĐTTT của Nguyễn Du.
Ngày nay, với bản ‘’ Vương Thuý Kiều ‘’ của Lý Trí Trung, dù có như vẽ Hổ thêm cánh, khua chiêng gõ mõ trên văn đàn TQ, hoặc thế giới cũng không thể cất mình bay lên vườn Nghệ uyển của thời đại được.
Chúng ta ngày nay với tinh thần tôn trọng lịch sử, thực sự cầu thị để tìm lại các giá trị thực của tiền nhân trong kho tàng văn hoá dân tộc nói chung và văn học nói riêng, đưa ra nhiều ý kiến hoặc luận cứ để lý giải, chứng minh sự việc như đối với văn bản Kiều như đã dẫn ở trên.
Nhưng ở đây chúng tôi không phụ thuộc vào quan điểm và ý thức hệ tư tưởng dân tộc để tranh biện trong mọi vấn đề.
Chúng ta không phủ nhận cụ Nguyễn Du đã lấy tên ba nhân vật (chỉ ba nhân vật: Hồ Tôn Hiến, Từ Hải, Vương Thuý Kiều mà thôi!) để xây dựng và hư cấu thêm các nhân vật khác trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh trác tuyệt của mình.
Cái gì của Xê Da hãy trả cho Xê Da. Cái gì của Nguyễn Du hãy trả về cho Nguyễn Du! (Lâm Thanh Sơn-27/6/2020).
(5) Khoảng 10 năm (1786-1795) Nguyễn Du lưu lạc giang hồ từ Đại Việt sang Đại Thanh (Trung Quốc), rồi sau này làm quan đi sứ, ông đã chứng nghiệm được bức tranh hiện thực đa dạng giúp cho các sáng tác của ông.
(6) Trong hơn mười mấy năm sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm, Nguyễn Du đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc mà đỉnh cao là trường thi Nôm “Truyện Kiều” tức “Đoạn Trường Tân Thanh” (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột).
(7) Tung hoành trục khoán: “Chẳng rõ ba trăm năm lẻ nữa. Biết còn ai khóc Tố Như chăng” (Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Độc Tiểu Thanh ký-Nguyễn Du).