Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài ca dao: Khăn thương nhớ ai...

Có thể hình dung: nhật vật trữ tình đang đắm mình trong nỗi nhớ nhung sầu muộn. Mọi cử chỉ bỗng hoá thẫn thờ. Chiếc khăn vắt hờ hững trên vai vô ý rơi xuống đất. Nhân vật trữ tình cúi nhặt và bỗng nhiên nhìn thấy khăn như nhìn thấy chính cõi lòng mình.

Bài ca dao thể hiện nỗi nhớ người yêu của một cô gái. Không chỉ nhớ mà còn có lo phiền, phấp phỏng. Chính sự lo phiền, phấp phỏng ấy đã làm cho nỗi nhớ còn thêm chiều sâu, khiến nỗi nhớ có thể làm lay tỉnh toàn bộ nhân cách con người.

Ca dao có rất nhiều bài nói về nỗi nhớ người yêu và mỗi bài lại toát lên một vẻ đẹp riêng. Thường thì nỗi nhớ ấy hay được thể hiện hoặc miêu tả một cách trực tiếp, dù các tác giả dân gian đã dùng rất nhiều ví von. Ở bài ca dao này, cách bày tỏ nỗi nhớ có nhiều điểm khác lạ. sắm vai một người đọc ngây thơ, ta sẽ thấy hình như nhân vật trữ tình dồn toàn bộ sự quan tâm cho khăn, cho đèn, cho mắt, tức là cho những đối tượng mà người ấy nhận rõ là chúng đang nhớ một ai đó. "Khăn thương nhớ ai", "Đèn thương nhớ ai", "Mắt thương nhớ ai" - với chừng ấy câu hỏi đặt ra cho những "người bạn" (riêng với khăn, câu hỏi được nhắc tới ba lần), dường như nhân vật trữ tình không còn mối bận tâm nào khác ngoài việc vỗ về, an ủi khăn, đèn, mắt. Nhưng ta chợt nhận ra một sự vô lí: ngoài khăn và đèn là những vật vô tri không thể biết nhớ, ngay cả mắt (người) đâu có phải là một sinh thể độc lập có thể biết tương tư? Vậy là nhân vật trữ tình đang sống trong cõi ảo, đang trò chuyện với những nhân vật ảo. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi con người có tâm sự quá đầy và bị "cầm tù" bởi tâm sự đó. Tâm sự tràn ra ngoại giới, phủ trùm cái bóng của mình lên tất cả, khiến mọi vật bỗng trở nên có hồn và có thể trở thành những đối tượng chuyện trò. Tuy nhiên, lúc này, chuyện trò với khăn, với đèn, với mắt thì cũng chỉ là chuyện trò với chính lòng mình mà thôi. Nói cách khác chuyện trò với ai, về cái gì, trong trường hợp này, cũng chỉ là một sự tự giãi bày.

Có thể hình dung: nhật vật trữ tình đang đắm mình trong nỗi nhớ nhung sầu muộn. Mọi cử chỉ bỗng hoá thẫn thờ. Chiếc khăn vắt hờ hững trên vai vô ý rơi xuống đất. Nhân vật trữ tình cúi nhặt và bỗng nhiên nhìn thấy khăn như nhìn thấy chính cõi lòng mình. Khăn ơi, tại sao mày lại rơi xuống đất? Mày đang nhớ thương ai vậy? Những câu hỏi rưng rưng nỗi niềm đã được đặt ra trong trạng thái mộng du của nhân vật trữ tình. Chúng không phản ánh cái gì khác ngoài cõi lòng người hỏi. Nói khăn và đèn được nhân hoá thì cũng đúng. Nhưng có lẽ đúng hơn nếu nói chúng là hình ảnh của nhân vật trữ tình được khúc xạ qua một tấm gương soi đặc biệt. Những động thái của chúng không có ý nghĩa độc lập mà chỉ là sự phản chiếu những cử chỉ và diễn biến tâm lí đa dạng, phức tạp của tác giả bài ca dao. Người ta thường nói ca dao có vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Trong trường hợp này, sự giản dị, mộc mạc vẫn thể hiện (đặc biệt qua hệ thống những hình ảnh gần gũi và qua lời nói "trong suốt", không trang sức), nhưng không vì thế mà cái ảo diệu biến hoá lại không để lại dấu ấn đậm nét.

Tuy đi sâu vào chốn u uẩn của cõi lòng, bài ca dao vẫn giữ được tính mạch lạc của cấu trúc. Các hình ảnh khăn, đèn, mắt không hề xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Khăn vắt vai, khăn để chùi nước mắt, ngọn đèn thắp chong canh dài, đôi mắt đẫm lệkhông chịu nhắm ngủ - đó đều là những hình ảnh có tính đặc thù mà thơ ca (trong đó có ca dao) thường mượn để thể hiện tâm trạng nhớ nhung, thao thức. Chúng liên kết với nhau một cách chặt chẽ nhằm biểu đạt một chủ đề thống nhất. Giữa chiếc khăn và đôi mắt có mối liên hệ thế nào, chính bài ca dao đã nói rõ. Còn ngọn đèn? Nó cũng có thể được hiểu là một con mắt khác thức thi với mắt người giữa đêm thâu vời vợi. Chẳng phải ngọn đèn vẫn thường làm bạn với ta mỗi khi ta có điều lo nghĩ đó sao? Một điều đáng lưu ý nữa là trình tự xuất hiện của các hình ảnh. Khăn xuất hiện trước rồi đến đèn và sau cùng là mắt. Có một sự dịch chuyển từ xa đến gần của các hình ảnh, từ sự vật bên ngoài đến chính con người tác giả. Nỗi nhớ càng được thổ lộ lại càng nồng nàn - nồng nàn đến mức làm rung lên toàn bộ thế giới tâm hồn của nhân vật trữ tình và xét về hiệu quả thẩm mĩ, nó cũng làm biến chuyển cả nhịp thơ. Sáu dòng thơ đầu dành để tâm sự cùng khăn. Chúng mang nhịp điệu kể lể đều đều, ri rả và có giọng bùi ngùi. Bốn dòng thơ sau được san đôi, dành sự "quan tâm" cho cả đèn và mắt. Nhịp thơ gấp gáp hơn trong một kiểu liệt kê hối hả. Nhân vật trữ tình đã chạm đến đáy tâm sự và niềm thao thức của mình. Trạng thái mộng du dần tan để trả con người về với sự kiểm soát của lí trí. Một giai đoạn của cảm xúc thế là đã qua đi.

Hai dòng cuối của bài ca dao là một câu lục bát mênh mang nỗi niềm. Con thuyền thơ, sau lúc tự để mình rơi vào vòng vây của nỗi nhớ chập chùng, đã thoát ra với không gian trầm tư lặng lẽ. Tuy nhiên, không thể bảo rằng nhân vật trữ tình - người chèo lái nó - đã tìm được sự bình yên. Những con sóng ưu phiền khác đang lao xao bủa đến... Nhìn chung, việc thay đổi thể thơ ở đây rất có ý nghĩa. Một mặt nó báo hiệu sự chuyển biến tinh tế trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, mặt khác nó đảm bảo chức năng điều hoà nhịp thở của người diễn xướng, người đọc, không để tiếp diễn sự kể lể có nguy cơ kéo bài ca dao rơi vào tình trạng dài dòng, gây nên cảm giác căng thẳng không cần thiết. Sự bộc lộ trực tiếp tâm trạng dưới hình thức mờ tối, rối rắm của chính tâm trạng đã được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng đã được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng. Nhân vật trữ tình hiểu rằng mình đã lo phiền và cũng biết nguyên nhân của nỗi lo phiền ấy. Yêu nhau nhiều nhưng dễ gì đến được với nhau, lấy được nhau. Bao nhiêu chuyện phải bận lòng, bao nhiêu thứ có thể cản trở hạnh phúc. Cô gái nói "Lo vì một nỗi không yên một bề" - chỉ một bề nhưng lại bề bề nỗi lo, bởi bề ấy không thuộc bề (tức là phía) cô gái, mà thuộc về bề cô không thể làm chủ, không thể chi phối được.

Bài Khăn thương nhớ ai... ta vừa "đọc" đáng được xem là một trong những bài hay nhất trong kho tàng ca dao dân tộc.

tửu tận tình do tại
314.19
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài ca dao: Khăn thương nhớ ai...

Bài ca nằm trong hệ thống ca dao về đề tài thương nhớ, một cung bậc trong ca dao tình yêu của người bình dân Việt Nam. Bài ca diễn tả nỗi nhớ niềm thương của một cô gái. Nhớ thương da diết, nhớ đến thao thức, cồn cào gan ruột mà không dễ bộc lộ. Cô phải hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi cả mắt mình. Những câu hỏi không có câu trả lời càng nén chặt nỗi thương nhớ, để cuối cùng trào ra trong nỗi lo âu cho hanh phúc:

Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề.
Cái khăn được hỏi đến đầu tiên và được hỏi nhiều nhất, đến 6 câu thơ:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Cái khăn (khăn đội đầu hoặc khăn tay) thường là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu (Gửi khăn, gửi áo, gửi lời - Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa). Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng, láy lại 6 lần từ “khăn” ở vị trí đầu các câu thơ và láy lại 3 lần câu “khăn thương nhớ ai” như một điệp khúc bất tận, thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết. Dường như mỗi lần hỏi là nỗi nhớ lại trào dâng thêm. Cái khăn, tự nó không biết “thương nhớ” không biết “rơi xuống”, “vắt lên”, “chùi nước tnắt”, nhưng những hình ảnh vận động mang cảm xúc người đă làm hiện lên hình ảnh con người với tâm trạng ngổn ngang niềm thương nhớ cùng nỗi lo âu. Nhớ đến ngơ ngẩn, nỗi nhớ toả theo nhiều hướng của không gian “khăn rơi xuống đất” rồi lại “khăn vắt lên. Vai”, cuôì cùng thu lại trong cảnh khóc thầm “khăn chùi nước mắt”.

Nỗi nhớ trong 6 câu trên lan toả vào không gian, đến 4 câu tiếp lại xuyên suốt theo thời gian. Nỗi nhớ ban ngày kéo dài sang cả ban đêm:
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Vẫn là điệp khúc “thương nhớ cũ", nhưng nỗi nhớ đã chuyển từ “khăn” sang “đèn”. Hình ảnh ngọn đèn gợi ra đêm khuya vò võ canh tàn, và cái đốm lửa đang cháy kia phải chăng là hình ảnh của nỗi nhớ cháy rực trong lòng cô gái? Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn nguôi. Cũng như chiếc khăn, ngọn đèn đã giúp cô gái thổ lộ nỗi lòng.

Nhưng dù gợi cảm bao nhiêu, thì chiếc khăn và ngọn đèn cũng chỉ là cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hoá. Nỗi lòng của cô gái buộc phải bật ra trong cách nói trực tiếp:
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Thương nhớ đến không ngủ được, cứ trằn trọc thao thức là cách biểu lộ quen thuộc trong ca dao:
Đêm nằm lưng chẳng tới giường.
Trông cho mau sáng ra đường gặp anh.
Tuy nhiên, cũng là một tâm trạng ấy, nhưng trong bài ca này, hình ảnh đôi mắt có sức gợi cảm sâu xa hơn nhiều. “Mắt ngủ không yên” tạo nên một đối xứng rất đẹp với “đèn không tắt” ở trên, gợi lên một cảnh tượng rất thực: cô gái giữa đêm khuya một mình đốì diện với ngọn đèn mà nhớ người thương. Vì “mắt ngủ không yên” nên “đèn không tắt”. Nói đèn cũng chỉ là để nói người thôi. Ngọn đèn soi chiếu vào đôi mắt, càng thấy nỗi nhớ thương vời vợi khôn nguôi.

Mười câu thơ là 5 câu hỏi không có lời đáp. Điệp khúc “thương nhớ ai” trở đi trở lại như xoáy vào một nỗi niềm khắc khoải, da diết. Năm lần từ “thương nhớ” và năm lần từ “ai” xuất hiện. Bản thân từ “ai” xuât hiện. Bản thán từ “ai” mang ý phiếm chỉ, gợi lên một nỗi nhớ thương sâu thẳm mênh mông, không giới hạn. Từ “ai” là phiếm chỉ, không xác định cá thể đối tượng, nhưng người nghe hoàn toàn hiểu được “ai” ấy là ai. Hỏi không có trả lời, nhưng thực ra cầu trả lời đã nằm trong giọng điệu khắc khoải, da diết kia. Không cần nói rõ, nhưng nỗi nhớ người yêu đã được bộc lộ một cách kín đáo mà gợi cảm, sâu sắc, mãnh liệt.

Cách gieo vần của bài ca cũng rất đặc sắc:
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Vần chân và vần lưng xen kẽ nhau, vần bằng và vần trắc luân phiên nhau, tất cả tạo nên một âm điệu luyến láy liên hoàn khiến cho nỗi nhớ thương của cô gái vừa như nén lại, vừa như kéo dài ra đến mênh mông vô tận theo cả không gian và thời gian. Tưởng chừng nỗi nhớ ấy sẽ không có kết thúc... Nhưng bài ca phải có điểm dừng. Khi cô gái không hỏi nữa thì niềm thương nhớ trào ra thành nỗi lo phiền.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề...
Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, liên tiếp, lời ca chuyển sang nhịp thơ lục bát, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng xao xuyến hơn, giãi bày niềm lo âu của cô gái trước hạnh phúc lứa đôi. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “lo” được nhắc đến hai lần. Nhớ thương người yêu và lo lắng cho duyên phận của mình “không yên một bề”, tâm trạng của cô gái mang ý nghĩa phổ biến cho người phụ nữ trong cuộc đời xưa: yêu tha thiết nhưug luôn lo sợ cho hạnh phúc bấp bênh.

Bài ca khá tiêu biểu cho nghệ thuật ca dao với sự lặp lại trong cách diễn tả tâm trạng, cách dùng những hình ảnh biểu tượng, lối nhân hoá để tăng thêm sức sống cho hình ảnh, cách gieo vần linh hoạt, cách cấu tạo truyền thống kết hợp những câu thơ bốn chữ với hai câu lục bát cuối cùng... Qua nỗi thương nhớ và niềm lo âu được diễn tả trong bài ca, ta nhận ra tiếng hát yêu thương và khao khát yêu thương của người bình dân xưa.

tửu tận tình do tại
163.56
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài ca dao “Khăn thương nhớ ai...”

Từ xưa tới nay, nền văn học Việt Nam vốn dĩ rất phong phú đa dạng, từ phong cách thể hiện cho tới thể loại. Xuất hiện sơm và có được sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ xa xưa, ca dao đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của con người Việt Nam. Đó có thể là lời răn dạy, là lời gửi gắm là tình yêu, là sự nhớ nhung chưa có cơ hội để ngõ. Thông qua những câu ca dao, người ta dễ dàng tìm thấy một sự đồng cảm, sâu lắng và tinh tế. Khăn thương nhớ ai là một trong những bài ca dao có nôi dung về tình yêu đôi lứa được gợi mở bằng những hình ảnh mang tính biểu tượng cao.

Người xưa vốn có cách thể hiện tình cảm rất riêng, họ thường mượn những vật dụng gần gũi với bản thân mình để gợi thương gợi nhớ, tình yêu cũng mạnh liệt và nồng nàn. Bằng những từ ngữ thắm đượm tình cảm, chất chứa bao nỗi niềm. Đặc biệt khi tình yêu tới một cách dồn dập, nhịp đập con tim lại càng thêm mạnh mẽ. Từ những lời ca câu hát cho tới những câu thơ, câu ca doa không biết từ khi nào đi vào lòng người. Người ta thể hiện tình yêu bằng cách đối đáp nhau:

Hôm qua tát nước bên đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho em xin
Hay là em để làm tin trong nhà...
Những lời thơ ngọt ngào nhưng lại hết sức giản dị, đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất. Khăn thương nhớ ai cũng là một bài ca dao như vậy. Với thể thơ 4 chữ, kết thúc bài thơ với 2 câu lục bát thật mượt mà, đây là cách mà người trong bài thơ - một người con gái chọn lựa để thể hiện niềm thương nỗi nhỡ của mình với người thương.
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề.
Hình ảnh chiếc khăn được sử dụng trong bài thơ được nhắc đi nhắc lại 6 lần, hình ảnh đèn nhắc tới 2 lần và đôi mắt được nhắc tới hia lần. Khăn trong các bài thơ tình yêu là vật trao duyên, là thứ mà chàng thường tặng nàng, hay cũng là vật dụng quen thuộc đối với các cô gái. Đèn cũng vậy, cũng là một hình ảnh đẹp, luôn luôn chiếu sáng như tia sáng của tình yêu vậy. Còn đôi mắt, cửa sổ tâm hồn, cửa sổ ấy luôn tạo ra muôn vàn thứ tươi đẹp, và cũng chính bằng cửa sổ đó, soi sáng tâm hồn của mỗi người.

Bằng việc sử dụng nghệ thuật nhân hoá cái khăn cái đèn đã trở nên có hồn, nó giống như là một sinh linh là linh hồn của cô gái trong bài ca dao. Còn đôi mắt ở đây lại hoán dụ để diễn tả tâm trạng khắc khoải của nhân vật trong bài ca dao.

Cũng với việc sử dụng lặp từ, tác giả dân gian muốn nhấn mạnh rằng niềm thương nỗi nhớ đó, cứ khắc khoải xảy ra thường trực hằng ngày cứ đợi mong nhớ thương người yêu, cô gái đó đang sống trong tình yêu. Nỗi nhớ da diết, đứng ngồi không yên, làm gì cũng hiện hữu nỗi nhớ không yên. Giống như trong câu:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
Quả thực trong tình yêu, nỗi nhớ ngày một tăng một rõ nét, nhìn vào một cái gì đều hiện hữu nỗi nhớ mong: “Khăn rơi xuống đất”, “Khăn vắt lên vai”, “Khăn chùi nước mắt”... nỗi nhớ đó lại còn được gửi gắm sang ngọn đèn “Đèn thương nhớ ai, Mà đèn không tắt” và rồi là “Mắt thương nhớ ai? Mắt ngủ không yên”. Tất cả như làm cho nỗi nhớ nhung càng thêm sâu sắc rạo rực.

Đến cuối bài thơ, hia câu thơ lục bát như đỉnh điểm của nỗi nhớ. Không mượn những vật dụng, không nhờ những hình ảnh khác nói hộ lòng mình nữa, cô gái thốt lên, vang vọng trong tâm hồn cô:
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề
Tình cảm tâm trạng của cô gái trong bài xuất hiện trong cội nguồn thương nhớ, nên điều mà cô lo cũng dễ hiểu, cô lo chàng trai có yêu thương mình không, có như mình bây giờ không, có nhớ thương da diết không...

Chỉ với những dòng thơ ngắn ngủi mà bao nhiều cảm xúc được dồn nén vào đấy. Cảm xúc của nhân vật trữ tình, không sử dụng những động từ mạnh để biểu đạt nhưng với những hình ảnh, với mức độ lặp lại, và với tình cảm chất chứa trong đó,đã gửi gắm bao điều đẹp đẽ cũng như tâm lý chung trong tình yêu.

Trong bộn bề cuộc sống, trong tình yêu lứa đôi, những câu ca dao cất lên như xoá tan mệt mỏi mà cũng xua ta đi sự “bổi hổi bồi hồi” không biết tìm ai mà nói hộ, giãi bày. Qua bài ca dao, ta cũng thấy được, xúc cảm tình yêu thật mãnh liệt và bùng cháy, chính tình yêu đã khiến cho con người ta, dù là một cô gái cũng dám nói lên suy nghĩ tình cảm của chính mình, dành cho người mình thương.

tửu tận tình do tại
123.75
Chia sẻ trên FacebookTrả lời