233.70
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
35 bài thơ
2 bình luận
12 người thích
Tạo ngày 18/09/2005 03:05 bởi Vanachi, đã sửa 3 lần, lần cuối ngày 26/07/2023 11:52 bởi Admin
Hoàng Phủ Ngọc Tường (9/9/1937 - 25/7/2023) sinh tại thành phố Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tuổi nhỏ ông sống ở Huế và học hết bậc trung học tại đây. Năm 1960, ông tốt nghiệp khoá I ban Việt Hán, ĐH Sư phạm Sài Gòn, năm 1964 nhận bằng Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế. Từ năm 1960 đến năm 1966 ông dạy học tại trường Quốc Học Huế.

Năm 1966, ông thoát ly lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng hoạt động văn nghệ cho đến 1975. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Thời gian cuối đời, Hoàng Phủ…

 

 

 

Ảnh đại diện

Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi ám ảnh hoa phù dung

“Tôi phản đối xu hướng thực dụng bợm bãi của nhiều người đàn ông bây giờ. Những điều này đang làm nhiều phụ nữ đau khổ... Hãy trân trọng hoa và phụ nữ. Đó là nguồn mỹ cảm nuôi cảm hứng sáng tạo của cả loài người”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tâm sự.

Cơn bạo bệnh kịch phát cách đây mấy năm đã để lại cho Hoàng Phủ Ngọc Tường những di chứng nặng nề, khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc viết và liên hệ với thế giới bên ngoài.

“Nhà tôi phố Đạm Tiên”, Hoàng Phủ Ngọc Tường thường chỉ đường như vậy, với nét cười thoáng qua khoé môi. Chút hài hước chấp nhận thân phận, thêm một lần xác nhận thế cuộc phù du.

Huế không có phố Đạm Tiên. Nếu có một phố tên là Đạm Tiên thật thì buồn quá. Ai lấy tên của một kỹ nữ tài hoa chết trẻ mà đặt tên phố để thành xui xẻo, mà mang lấy cái nghiệp bạc như vôi. Phố Đạm Tiên của nhà thơ nay ở Phan Bội Châu.

Đôi nhà thơ nổi tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ đang được che chở dưới mái một ngôi nhà xinh xắn, do Mỹ Dạ thiết kế lấy kiểu dáng. Cuộc hôn nhân bắt đầu năm 1973. Họ cùng đi qua những thăng trầm sóng gió cuộc đời, ngọt ngào nhưng cũng nhiều cay đắng, luôn bên nhau trong những lúc hiểm nghèo. Khi Hoàng Phủ Ngọc Tường phải gắn lưng trên chiếc xe lăn, Mỹ Dạ là người bạn đời nâng giấc dịu dàng.

Nói về vợ, nhà thơ luôn cười vui: “Tui lấy một người vợ làm thơ, đến lúc xây nhà mới biết là lấy nhầm phải một nhà thiết kế. Trong khi tôi, cũng như những đàn ông khác, chỉ phải gánh một gánh là trách nhiệm với chính mình, thì Mỹ Dạ phải gánh gấp đôi, thêm cả bổn phận người phụ nữ. Làm đàn ông thời này thoải mái sung sướng hơn đàn bà rất nhiều”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường liệt nửa người, bị bạo bệnh giam cầm trong bốn bức tường. Nhiều bạn bè theo anh và Mỹ Dạ đến tận chân giường, đôi khi đồng hành trong những cuộc đi chữa bệnh khó nhọc và tốn kém.

Sau chuyến đi mới đây, hai vợ chồng như được tiếp thêm sức lực và hy vọng vì sức khoẻ khá lên. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có thể ngồi khá lâu trên xe lăn, những dòng chữ viết bởi bàn tay duy nhất còn cử động đã bớt vụng dại. Giọng nói đã rõ ràng hơn. Ông có thể ngồi trên xe trò chuyện hàng giờ mà không quá mệt. Trên xe lăn mà vẫn như ngồi trên một con thuyền thúng, nôn nao nỗi đời. Huế yên tĩnh quá. Yên tĩnh đến mức một tiếng ong bay cũng có thể làm xao động. “Huế rất tốt cho việc làm thơ và ngâm ngợi, cho “một cõi đi về” nhưng thiếu rộn ràng cho công việc, giao lưu và cõi ở”, nhà thơ tâm sự.

Dường như trong suốt cuộc đời mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ám ảnh bởi hoa. Điều đó, dù cuộc đời lận đận những ngày tù cộng với những năm tháng bôn ba khắc nghiệt của chiến tranh không tước đoạt nổi của ông.

Ông viết rất nhiều về hoa. Thiên nhiên trong thơ ông hiện lên mong manh, rưng rưng, như vẻ đẹp của thiếu nữ, như giọt sương mai. Đặc biệt, ông bị ám ảnh bởi sắc diện phù dung.

Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có cả tập thơ mang tên Người hái phù dung. Dung nhan của loài hoa sớm nở tối tàn này thường trở đi trở lại trong văn thơ ông. Trong Hoa bên trời, trên xe lăn trong những ngày giao thời 2005, ông viết: “Hoa phù dung biểu lộ lòng ham thích cuộc sống, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa... Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải một loài thực vật, mà là một thiếu nữ”.

Mô tả nhiều sắc hoa với rất nhiều ưu ái và lưu luyến, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói như một người mang nợ: “Đã lâu rồi tôi không nhắc đến hoa. Tôi thấy có lỗi với những người bạn tâm tình ấy suốt quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh đi qua, có nhiều cái đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ thành những vết sẹo”.

Thôi em, cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về...
(Đêm qua - Người hái phù dung)


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Từ A đến Z với Hoàng Phủ Ngọc Tường

Đến World Cup 2002 này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bạo bệnh tai biến mạch máu não vừa tròn 4 năm. Dù viết và nói rất khó khăn, nhưng trí cảm của anh vẫn minh nhậy lắm. Từ Hà Nội, tôi gửi tới anh 24 câu hỏi từ A đến Z, và anh đã vui vẻ trả lời bằng cách đọc cho vợ và mẹ vợ ghi lại. Dưới đây là cuộc trò chuyện (gián tiếp) giữa tôi và anh.

A. Anh là người viết tuỳ bút nổi tiếng, người đảm nhận cái “gánh nặng tuỳ bút” mà Nguyễn Tuân và Vũ Bằng đã trao lại. Anh nghĩ gì về nhận xét ấy?

- Thú thật tôi rất sợ sự nổi tiếng, vì nó dễ làm cho người ta tự mình nhầm lẫn với “hư danh”. Tôi không phải là “người nổi tiếng từ A đến Z” như anh đã ban cho. Tôi chỉ là người cắm cúi viết từ trẻ đến giờ. Vì thế tôi đã chẳng nhận một “gánh nặng” của ai trao lại cả. Tôi thích thì viết, thế thôi.

B. Bên cạnh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Con người nào được anh coi trọng hơn?

- Tôi thích danh nghĩa “nhà thơ” hơn, vì nhà thơ cần có cảm hứng, mà cảm hứng thì là một ngón tay lượm được cả trời. Chẳng thế mà Kant chỉ xếp hạng nhà thơ vào phạm trù “thiên tài”, còn nhà văn thì không. Ở văn xuôi chỉ có sự lao động cần cù.

C. Cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường hơi bị hay nhưng cũng hơi bị... dài. Tại sao lại không phải là Hoàng Ngọc Tường? Chữ “Phủ” ở đây mang ý nghĩa gì?

- Xin anh hỏi bố tôi, vì chính ông là người đặt tên cho tôi. Khi tôi cầm bút thì cái tên đã có. Tôi không có bút danh theo yêu cầu của tổ chức nghĩa quân thời ấy. Trước khi viết tôi hoạt động xã hội. Còn chữ “Phủ” có nghĩa là “chỗ chứa sách vở hay tiền bạc” gì đấy.

D. Dường như anh ham văn chương từ nhỏ, nhưng lý do gì khiến anh đã chọn văn chương ngoài sự ham thích nó?

- Như đã nói, trước khi theo nghề văn, tôi đã là một người nghĩa quân. Chả ai chọn nghề ấy cả vì nó không đem lại sự bảo đảm tính mệnh cho một người khởi nghĩa.

Đ. Đang là giáo viên được coi như một thần tượng của học sinh, sinh viên Huế, anh lại bỏ nghề dạy học để lên rừng kháng chiến. Điều gì đã dẫn anh tới quyết định thay đổi ấy? Và anh đã “ra đi” như thế nào?

- Tôi đã ra đi theo “thân pháp” của nghề trên, nghĩa là len lỏi qua vòng vây của địch để tìm đến với tổ chức của mình.

E. “Em” nào làm nên tiếng sét ái tình đầu tiên trong đời anh? “Típ” người phụ nữ mà anh yêu thích?

- “Em” nào thì tôi xin được phong kín vì tôi chưa hỏi ý kiến xem “người ta” có đồng ý để cho tôi nhắc đến tên không. Chỉ có thể chắc chắn rằng, hiện giờ “em” đang định cư ở hải ngoại.

G. “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nguyễn Du thác lời Hoạn Thư thế đấy. Còn anh?

- Tôi cũng giống thế!

H. Hai vợ chồng anh đều là nhà văn nhà thơ nổi tiếng, lại thêm cô con gái út cũng từng đoạt giải văn chương. Một gia đình như thế thật là hạnh phúc?

- Nếu một nhà như thế thì chưa chắc đã được hạnh phúc - kinh nghiệm cho tôi thấy như vậy. Nghề viết cần đến sự hy sinh của người thân, thử hỏi có công bằng không? Nếu một cộng đồng dám chấp nhận sự bất công thì lấy đâu ra hạnh phúc.

I. In được tác phẩm đấy là niềm vui của người viết. Anh đã cho xuất bản 12 cuốn sách, và hiện giờ người ta đã xuất bản tuyển tập của đời anh. Lần in nào làm anh vui sướng nhất? Vì sao?

- Thường thì lần in thứ nhất làm người ta vui sướng nhất. Trường hợp tôi thì không. Vì nhà xuất bản Giải phóng ở quá xa, nên khi quyển Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu đến tay tôi thì những bài bút ký khác đã in ở báo và tạp chí, và tôi đã nhận được thông tin. Lần in vui sướng nhất đến với tôi chính là lần này. Lý do: Tôi đã vào tuyển tập (coi như giang hồ gác kiếm), tôi vẫn giữ được nhân cách người cầm bút.

K. Kỷ niệm sâu sắc của anh khi nhận giải thưởng văn chương (với 2 tác phẩm: Rất nhiều ánh lửaNgọn núi ảo ảnh). Quan niệm của anh về giải thưởng?

- Tôi cho rằng đối với tác phẩm văn học, thì giải thưởng không nên chỉ để vui lòng người khác, mà phải khẳng định cho được một giá trị văn học. Với tôi, giải thưởng cho tác phẩm Rất nhiều ánh lửa (của Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt) để lại kỷ niệm sâu sắc nhất, vì là mới mẻ, và về nguyên tắc thì ban giám khảo chỉ chọn một. Càng về sau càng trở nên bình thường. Tác giả được giải thưởng cũng không lấy gì làm sung sướng ngoài sự nhận được một chút tiền. Sự mới mẻ ban đầu đã không còn nữa, và sự khen thưởng cũng có tính chất tuỳ tiện, khiến nhiều độc giả cảm thấy bực mình.

L. Là một nhà văn từng viết lời bình cho các phim Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Chìm nổi sông Hương... lại còn xuất hiện trong phim Việt Nam thiên lịch sử truyền hình của hãng BBC như là một nhân vật được chọn mời, anh nghĩ gì về điện ảnh và điện ảnh Việt Nam?

- Anh đã hỏi đúng vấn đề tôi đang suy nghĩ. Quả thực tôi dính líu rất nhiều với điện ảnh. Nhưng cũng chỉ ở mức độ “dính líu” thôi. Với tôi, kịch bản điện ảnh là một tác phẩm văn học được nhiều người xem nhất, vì thế sự khen chê của khán giả cũng đồng thời là cách phê bình trung thực nhất. Với tôi, điện ảnh cốt nhất là ở khâu kịch bản. Xin hãy thông cảm với “tâm lý nghề nghiệp” của tôi, nhưng dù sao cũng có một chút sự thật ở trong ấy. Còn điện ảnh Việt Nam theo tôi, đáng ngợi ca nhất là vào những năm kháng chiến chống Mỹ. Hồi ấy, hình như điện ảnh có giá trị thức tỉnh nhiều hơn. Hồi ấy hình như chỉ toàn phim đen trắng, nhưng tôi có cảm tưởng các nhà làm phim tôn trọng sự thật hơn, và hình như đều tâm huyết để nói lên sự thật. Còn hiện nay, xin tha lỗi cho vì thói bi quan và điếc không sợ súng, tôi thấy hình như đối diện với một cuộc sống rất thật, chúng ta lại có một nền điện ảnh rất giả. Xin lỗi các diễn viên một lần nữa, cho phép tôi nói thẳng.

M. Muốn thành một nhà văn lớn có cần phải làm một nhà báo nữa không? Hình như anh đã mấy lần làm tổng biên tập báo, nó có chi phối công việc sáng tác của anh không?

- Tôi nghĩ rằng, nói chung trên đời này chẳng có gì là cần thiết cả, kể cả sự hiện hữu của mỗi chúng ta. Nhưng có nghề làm báo song song với nghề văn, thì vẫn hơn, trong viễn tượng là nó không nêu những vấn đề ở góc độ trái với văn học, sau nữa là nó đem lại nhuận bút nhanh hơn văn.

N. “Nhàn đàm” là một chuyên mục của báo Thanh Niên do anh phụ trách rất được bạn đọc ưa thích. Anh có thể “nhàn đàm” một chút sau khi 3 tập sách nhàn đàm của anh đã được xuất bản?

- Cảm ơn anh đã nhắc đến “nhàn đàm” sau khi 3 quyển sách của tôi đã xuất bản, tôi có thể kết luận rằng, “nhàn đàm” cũng là một thể loại văn học, nó là một loại bút ký cực ngắn, và chỉ triển khai một vấn đề. Tuy nhiên chúng ta không nên lạm dụng nó. Hễ đã lạm dụng thì vitamin B12 cũng trở thành có hại!

Ô. “Ông Tường đi nói rồi” - đấy là câu trả lời vui của “mệ ngoại” với khách khi anh vắng nhà. Giữa nói và viết có gì khác nhau?

- Có khác nhau: Viết là viết mà nói là nói. Nhưng viết mà đọc lên nghe trôi chảy như nói thì đấy là thi pháp đáng mong muốn, không phải dễ mà có.

P. Phải nói rằng, tôi rất ấn tượng 3 chữ về anh: Nói - Viết - Uống (rượu). Từ ngày anh bị bạo bệnh, những cuộc chơi của bạn bè thiếu đi một tay chơi hùng biện. Vậy hiện nay anh chơi với bạn bằng cách nào?

- Hiện nay tôi vẫn giao lưu với bạn bằng lời nói và bằng nước suối. “Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ” đó mà.

Q. Qua nhiều chặng cuộc đời, nghe nói anh từng được tiếp xúc với 12 nguyên thủ quốc gia? Cuộc tiếp xúc với nguyên thủ nào anh ghi nhớ nhất?

- Nó chẳng có gì đặc biệt cả, nên tôi cũng đã quên. Cái tạng của tôi là nhớ những chuyện “thương hải” của cuộc đời, và không phải là các vị nguyên thủ.

R. Rất nhiều phụ nữ hâm mộ anh. Anh nhận xét gì về phụ nữ miền Bắc, miền Trung, miền Nam?

- Tôi không sâu sắc gì điều ấy. Chỉ nhớ rằng, những người phụ nữ đã sinh đẻ ra dân tộc này. Hồi Cách mạng tháng Tám (1945), dân ta chỉ mới có 25 triệu. Tôi biết ơn phụ nữ Việt ở chỗ ấy, Bắc, Trung, Nam gì cũng thế.

S. Sâu kín trong tình cảm của anh về 2 cô con gái rượu là gì vậy? Nếu một trong 2 cô ấy là con trai thì tình cảm của anh sẽ có gì khác không?

- Tôi rất thương yêu những đứa con gái của tôi, trước hết bởi nó là “con gái”. “Phận gái chữ tòng” mà. Nói một cách bài bản là: Không có gì khác cả. Còn nói thực thì tôi chưa rõ, vì chưa có con trai.

T. Trịnh Công Sơn là người được anh ưu ái bằng những trang viết thật diệu vợi. Có phải đấy là sự đồng điệu của hai tâm hồn đầy ắp tâm thức Huế?

- Tôi không rõ. Nhưng tôi công nhận rằng, Trịnh Công Sơn có nhiều điều đáng viết. Theo tôi, đó là một nghệ sĩ có tầm vóc thế kỷ.

U. Uống rượu với bạn là một thú vui của anh. Bây giờ không uống rượu được nữa, anh có nhớ rượu không? Quan niệm về rượu của anh?

- Bây giờ tôi rất nhớ rượu, cũng như người khác nhớ thuốc lào. Rượu có khía cạnh văn hoá của nó, các cụ nói rằng, rượu làm “tiêu sầu” (như với Cao Bá Quát). Tại sao anh Tạo lại hỏi tôi nhiều về rượu, anh cũng mê nó chăng?

V. Vâng, tôi mê rượu như mê tiểu thuyết. Tại sao anh không viết tiểu thuyết? Hình dung của anh về một nền văn học mà không có tiểu thuyết?

- Một nền văn học “bất thành văn” nếu không có tiểu thuyết, nhưng nó có thể thiếu tôi. Còn việc tôi không viết tiểu thuyết, ấy là vì tiểu thuyết dài quá, trong khi tôi muốn rằng cần viết ngắn hơn còn để thì giờ cho người đọc làm việc khác cần hơn.

X. Xa Huế anh có chịu nổi không?

- Tôi không muốn xa Huế, e cũng như con sâu kén không muốn rời xa cái tổ của nó. Tôi cảm thấy rằng ở Huế, tôi vừa sống vừa quên lãng chính mình. Bất cứ ở đâu, nếu người ta “quên” được thì thú vị quá.

Y. Yêu và ghét là một cặp song sinh muôn đời tồn tại. Điều gì anh yêu nhất và điều gì anh ghét nhất?

- Anh nói đúng! Yêu và ghét đều tồn tại cùng một lúc, không thể tách riêng hai mặt của một đồng xu. Nói đúng ra tôi cũng không biết ở đời này tôi yêu cái gì nhất, nhưng tôi biết rất rõ là tôi ghét nhất hai điều: một là sâu róm; hai là thói phản bạn (đồng loại với thói phản bội, thói “bội tình”, thói “vong ân bội nghĩa”...).

Z. Ziczăc với nhau cũng đã dài, giờ kiểm lại mình, anh thấy sự nổi tiếng có gì đáng vui và đáng buồn không?

- Cả hai. Đáng vui là có nhiều người hy vọng về mình, đáng buồn là mình bị buộc phải sống như một huyền thoại!


Huế mùa Festival 2002
Nguyễn Trọng Tạo
15.00
Chia sẻ trên Facebook