Người bẩm sinh tinh anh nung đúc,
Dẫu thông minh có học mới hay.
Sẵn trên quyển sách là thầy,
Ai ơi! Sao chẳng đêm ngày tìm phương.
Có học mới biết đường biết lối,
Không học mờ như tối như đêm,
Ai ơi xin chớ ngồi im,
Ếch trong đáy giếng dễ xem được trời.
Huống lại gặp buổi đời tranh cạnh,
Yếu thì thua có mạnh mới hay.
Anh em phải liệu mà xoay,
Quyết đem lẽ mới đổi thay thói thường.
Nhưng phải nhận cho tường mục đích.
Định phương châm minh bạch kẻo lầm.
Nếu mà không biết phương châm,
Sách kia dẫu học nghìn năm cũng thừa.
Nước ta kể từ xưa trở lại,
Những chăm chăm theo mãi học Tàu.
Đua nghề hủ bại với nhau,
Ngoài ra biết Mỹ biết Âu là gì!
Khoe tao nhã câu thi câu phú,
Lên tài hoa bát cổ tơi bời.
Đọc câu “lịch tượng thu thời”,
Hỏi trăng chẳng biết, hỏi trời chẳng hay.
Hỏi địa lý ngày ngày mù tịt,
Hỏi các nghề dốt tịt trơ trơ.
Nghĩa đen lẫn cẫn tơ mơ,
Mất nhìn thủng giấy tay sơ đứt lề.
Học chữ Hán đã mê đường lối,
Học Tây thì chỉ giỏi câu “tem”.
Địa dư cách trí chẳng xem,
Các khoa bác học chả thèm nhìn chi.
Học bập bẹ ra gì mà học,
Học dở hơi thêm nhọc sức mình.
Từ đây phải nhận cho tinh,
Học Tây học Hán cho rành mới hay.
Trước hết phải học ngay quốc ngữ,
Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau.
Chữ ta, ta đã thuộc làu,
Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài.
Sẵn cơ sở để khai tâm trí,
Rồi sẽ đem các thứ giáo khoa.
Chữ Tàu dịch lấy chữ ta,
Chữ Tây cũng phải dịch ra chữ mình.
Anh em đương buổi còn xanh,
Phải nên gắng sức đua tranh với đời.
Cố ra sức tạo thời hơn trước,
Cố ra công giúp nước về sau.
Giống vàng có kém ai đâu,
Óc khôn cũng góp năm châu một vài.
Cố gắng sức nên tài cũng dễ,
Biết tự cường thì khoẻ khó chi.
Mấy lời cặn kẽ tinh vi,
Khuyên người trẻ tuổi nên ghi vào lòng.


1907

Bài này tác giả viết cho Đông Kinh nghĩa thục, nhằm chống lối học từ chương, cử nghiệp, đồng thời chống tân học mất gốc rễ, tân học quá thiển cận. Trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập IV), bài này để ở phần khuyết danh.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]