2.2 Dòng ý thức trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
Ta xem đoạn dưới đây miêu tả những điều Thuý Kiều trông thấy, vừa trông vừa suy nghĩ, nhận xét, xúc động:
Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi
Hai em phương tưởng hoà hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!
Đó là dòng ý thức. Đoạn văn không phải là lời nói của người trần thuật, tác giả đã trao nó cho ý thức của nhân vật Thuý Kiều, sau đó tác giả mới kể:
Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng tủi tủi, xiết bao sự tình!
Dòng ý thức bao gồm cả những hình thức đối thoại thầm trong tâm tưởng. Ví dụ đoạn kể những suy nghĩ của Kiều trước quyết định bán mình, Kiều thầm nghĩ:
Quyết mình nàng mới hạ tình
Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
thì câu bát ở đây là câu nói thầm trong tưởng tượng của Kiều đối với Kim Trọng. Ở đây, người được nói đến ở xa nhưng người nói lại coi như là đang đứng trước mặt hoặc đang nghe mình nói. Đó còn là trường hợp khi Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân, đang đối thoại với Thuý Vân ở đoạn đầu dần dần nàng chuyển sang độc thoại, nàng như muốn nói cùng Kim Trọng:
Bây giờ trâm gãy, gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lại tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi nhỡ nhàng
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Hay đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,1
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung. 2
Bốn bề bát ngát xa trông, 3
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. 4
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, 5
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. 6
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, 7
Tinh sương luống những rày trông mai chờ. 8
Bên trời góc biển bơ vơ, 9
Tấm son rột rửa bao giờ cho phai. 10
Xót người tựa cửa hôm mai, 11
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ. 12
Sân lai cách mấy nắng mưa, 13
Có khi gốc tử đã vừa người ôm? 14
Buồn trông cửa bể chiều hôm, 15
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? 16
Buồn trông ngọn ngọn nước mới sa, 17
Hoa trôi man mác biết là về đâu?. 18
Như vậy, toàn bộ đoạn thơ trên đều là độc thoại nội tâm của Thuý Kiều, dựa trên một dòng ý thức, tâm trạng buồn. Câu 5, 6 là lời Thuý Kiều tự than thở với mình. Câu 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 là lời Thuý Kiều đối thoại với người yêu và gia đình nhưng dưới hình thức độc thoại nội tâm, hướng đến người thứ hai nhưng người thứ hai không có mặt, qua đó hiểu được tâm trạng và nỗi lòng đau đớn của nàng. Câu 16, 18 là Kiều hỏi bâng quơ không có lời giải đáp, như tự hỏi với mình.
Hay là đoạn dưới đây là thể hiện dòng ý thức trong tâm trạng cực kỳ đau đớn của Kiều. Kiều độc thoại nội tâm nhưng mà muốn cho người thứ hai hiểu được nỗi lòng của nàng. Đó là gia đình và người yêu nơi xa xôi cách trở. Qua lời độc thoại nội tâm đó người đọc có thể cảm thông và chia xẻ với nàng:
Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
….
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà
Dặm nghìn nước thẳm non xa
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hoè đôi chút thơ ngây
Trân cam, ai kẻ đở thay việc mình?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liểu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay?
….
Kiều như đang đối thoại với cha mẹ, hai em và người yêu. Tưởng như họ đang đứng trước mặt. Nhưng họ đều vắng đều xa cách nên lời đối thoại đã trở thành lời độc thoại nội tâm biến đổi theo dòng ý thức của Kiều. Ở đây, ta thấy loại ngôn ngữ xoá nhoà khoảng không khi nhân vật thể hiện nỗi đau đớn thương xót đến tột cùng đối với người xa cách.
Cũng trong dòng ý thức của độc thoại nội tâm, đây là đoạn đôc thoại dài tới 22 câu của Mã Giám Sinh khi hắn do dự, tính toán xem có nên vào phòng Thuý Kiều để thực hiện âm mưu mà cũng là ước mong đen tối của hắn hay không:
Mừng thầm: cờ đã đến tay,
Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng.
Đã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này, hẳn nghìn vàng, chẳng ngoa
Kết thúc lượt ý nghĩ thứ nhất, ta tưởng như hắn có thực hiện mưu đồ, nhưng chưa, còn vấn đề vốn liếng:
Về đây nước trước bẻ hoa
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.
Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
Cũng là vừa vốn, còn sau thì lời.
Vấn đề tiền bạc tạm thời giải quyết mà hắn vẫn chưa quyết định:
Miếng ngon kề đến tận nơi
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham.
Đào tiên đã bén tay phàm
Thì vin cành quýt cho cam sự đời
Hắn nghĩ đến mà sung sướng nhưng vẫn đi thêm bước nữa:
Dưới trần mấy mặt làng chơi
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa
Nước vẻ lựu, màu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn duyên.
Mập mờ đáu lận con đen,
Bao nhiêu cũng mất nhiêu tiền, mất chi?
Bây giờ đã yên chi với việc lãi lời, hắn lại nghĩ đến mụ Tú Bà mà sợ, nhưng đành chấp nhận:
Mụ già hoặc có điều gì,
Liều ông mất một buổi quỳ mà thôi
Chịu “mất một buổi quỳ” là ý nghĩ của Mã Giám Sinh mà Nguyễn Du đưa vào truyện không có trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Ấy thế mà hắn vẫn chưa quyết định, và đây là lý do cuối cùng, sao mà đầy tính thuyết phục và đầy hấp dẫn, làm Mã Giám Sinh mê người dẫn đến việc hắn hành động tức khắc:
Vả đây đường sá xa xôi
Mà ta bất động nữa người sinh nghi.
Sau phút thành thân với Mã Giám Sinh, Thuý Kiều đã suy nghĩ đắn đo:
Giọt riêng tầm tả tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình.
Huống chi là giống hôi tanh,
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng.
Thôi còn chi nữa mà mong
Đời người thôi thế là xong một đời!
Đó là lượt ý nghĩ thứ nhất để sau đó nàng cầm dao định tự tử nhưng rồi lại đến lượt ý nghĩ thứ hai tiếp theo:
Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
Một mình thì chớ, hai tình thì sao?
Sau dầu sinh sự thê nào,
Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân.
Nỗi mình âu cũng giãn dần
Kíp chầy, thôi cũng một lần mà thôi.
Sau khi bị Hồ Tôn Hiến đẩy vào bước đường cùng, bị gán cho viên thổ quan, trên sông Tiền Đường, Thuý Kiều một mình trước cảnh trời nước bao la, nàng đã nhanh chóng lướt qua lại nỗi đau khổ mà mà nàng trãi bằng những câu độc thoại:
Đành thân cát dập sóng vùi,
Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh.
Chân trời mặt biển lênh đênh,
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào?
Duyên đâu ai dứt tơ đào
Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay?
Thân sao thân đến thế này
Còn ngày nào, cũng dư ngày ấy thôi!
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương.
Những ý nghĩ đớn đau, dằn vặt vò xé tâm can nàng, khiến trong độc thoại, nàng tưởng như nói với Đạm Tiên, nàng như lên tiếng gọi thầm “ người bạn gái” năm xưa là người kỉ nữ đã khuất mà đối với nàng, Đạm Tiên đâu chỉ là một bóng ma, Đạm Tiên là hình ảnh tương lai của cuộc sống và nay sẽ trở thành hiện thực trong kết cục cuộc đời nàng:
Nhớ lời thần mộng rõ ràng,
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây.
Đạm Tiên nàng nhé, có hay?
Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta!
Ở đây không những ta thấy đối thoại trong độc thoại mà còn thây người trần tục nói với người cõi âm ngay trong lúc tỉnh. Sau khi để lại thiên tuyệt bút, nàng một lần nữa lại nghĩ đến người cõi âm là người chồng anh hùng ( Từ Hải) vừa bị sát hại như kiểu độc thoại trong môt vở kịch trước khi gieo mình xuống sông Tiền Đường:
Rằng: Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chống mà lại lấy chống,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!
Đấy là kiểu độc thoại liên tiếp của Thuý Kiều. Nguyễn Du không chỉ xây dựng ngôn ngữ độc thoại trong đối thoại trong trường hợp cho nhân vật tự nhủ qua những suy nghĩ của mình như trước đây đa nêu ( trong đoạn Kiều trao duyên cho Thuý Vân), mà ở đây có cả ngôn ngữ đối thoại trong độc thoại. Ngôn ngữ đối thoại trong độc thoại ở đậy, không những đã phản ảnh sự phong phú trong tâm hồn nhân vật mà còn trở thành chiếc cầu nối liền hai cõi âm dương. Thật là trường hợp giao tiếp đặc biệt.
Ta lại còn phải kể thêm trường hợp độc thoại của Thúc Sinh khi chàng muôn thú thật với Hoạn Thư về cuộc tình trót lỡ của mình với Thuý Kiều:
Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.
Nhưng rồi chàng cứ đắn đo, chần chừ su tính mãi:
Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng sắp lân la giãi bày.
Mà Hoạn Thư thì cứ im như không, làm cho chàng đâm hoảng:
Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
Và tiếp theo là hai câu độc thoại của Thúc Sinh đã có thể được sử dụng như một câu tục ngữ:
Nghĩ: đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà minh lại xưng.
Dẫn đến hậu quả thật tai hại là chàng không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Thuý Kiều đã mất bao công phu dàn xếp.
Trong Truyện Kiều, ngôn ngữ độc thoại đã giúp tác giả trình bày được toàn bộ chiều sâu, bề dày trong tính cách nhân vật. Ta hãy đọc lại bốn câu độc thoại liên tiếp trước và sau Hoạn Thư hành hạ Thuý Kiều. Khi Thuý Kiều lần đầu ra mắt Thúc Sinh tại nhà Hoạn Thư, ta được đọc:
Bước ra một bước một dừng,
Trông xa, nàng đã tỏ chừng nẻo xa:
- Phải rằng nắng quáng, đèn loà,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Bây giờ tình mới tỏ tình,
Thôi thôi, đã mắc vào vành chẳng sai…
Nàng quá sợ hải vì rơi vào tay người vợ cả ghê gớm:
Chước đâu có chước lạ đời,
Người đâu mà có người tinh ma!
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi!
Nàng chỉ còn biết nhận xét Hoạn Thư bằng hai câu đã trở thành quen thuộc:
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Để rồi nàng tự hỏi:
Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao, bây giờ?
Trong khi đó, Thúc Sinh cũng tự hỏi:
Sinh đà phách lạc hồn xiêu,
Thương ôi, chẳng phải nàng Kiều ở đây?
Nhân làm sao đến thế này,
Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!
Ớ trên là hai lần độc thoại liên tiếp, một của Thuý Kiều và một của Thúc Sinh trước khi Thuý Kiều hầu rượu và gảy đàn phục vụ vợ chồng Hoạn Thư. Sau khi hành hạ Thuý Kiều thì đây la lời tự vấn trong lòng đầy thoả mãn trong lòng của nàng tiểu thư họ Hoạn:
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm:
-Vui này đã bỏ đau ngầm xưa nay!
Để cho Thuý Kiều một mình đau đớn với màn độc thoại nội tâm:
Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
Bây giờ mói rõ tăm hơi,
Máu ghen, đâu có lạ đời nhà ghen!
Chước đâu rẽ thuý,chia uyên,
Ai ra đường ấy, ai nhình được ai?
Bây giờ một vực một trời,
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi.
Nhẹ như bấc, nặng như chì,
Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên?
Lỡ làng chút phận thuyền quyên,
Bể sâu, sóng cả có tuyền được vay?
Con người sinh ra là để được lớn khôn cũng như loài chim trời sinh ra là để được bay cao.
hoalucbinh