Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Nguyễn Du » Truyện Kiều
Thân thiếp đành liều, cho trọn đạo hiếu,
Duyên em mong cậy, để trọn chữ tình
(Câu 695-802)
695. Một mình nàng, ngọn đèn khuya
Áo dầm giọt lệ, tóc se mái sầu
Phận dầu, dầu vậy cũng dầu
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi
700. Vì ta khắng khít cho người dở dang
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phủ phàng với hoa!
Trời Liêu non nước bao xa,
Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi!
705. Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Nợ tình chưa trả cho ai
710. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!
Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn
Dầu chong trắng dã, lệ tràn thấm khăn
Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:
715. Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình
Cớ gì ngồi nhẫn tàn canh
Nỗi riêng còn mắc với tình chi đây?
Rằng: Lòng đương thổn thức đầy,
720. Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong
Hở môi ra cũng thẹn thùng
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai!
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
725. Giữa đường đứt gánh tương tư
Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kỳ
730. Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dầu thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
735. Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dầu em nên vợ, nên chồng,
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
740. Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau, dầu có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này;
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
745. Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rảy xin chén nước cho người thác oan
Bây giờ trâm gãy bình tan
750. Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân!
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
755. Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây!
Cạn lời, hồn ngất máu say
Một hơi lạng ngắt, đôi tay lạnh đồng
Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng
760. Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài
Kẻ thang, người thuốc bời bời
Mới giầu cơn vựng, chưa phai giọt hồng
Hỏi: Sao ra sự lạ lùng?
Kiều càng nức nở, mở không ra lời
765. Nỗi nàng, Vân mới rỉ tai:
Chiếc vành này với tờ bồi ở đây...
Này cha làm lỗi duyên mày,
Thôi thì nỗi ấy sau này đã em!
Vì ai rụng cải, rơi kim
770. Để còn bèo nổi, mây chìm vì ai?
Lời con dặn lại một hai
Dẫu mòn bia đá, dám sai tấc vàng!
Lạy thôi, nàng lại rén chiềng:
Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi
775. Sá chi thân phận tôi đòi
Dẫu rằng xương trắng quê người, quản đâu!
Xiết bao kể nỗi thảm sầu!
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
780. Quản huyền đâu đã giục người sinh ly
Đau lòng kẻ ở, người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm
Trời hôm, mây kéo tối rầm
Dầu dầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương
785. Rước nàng về đến trú phường,
Bốn bề xuân toả, một nàng ở trong
Ngập ngừng thẹn lục e hồng
Nghĩ lòng, lại xót xa lòng đòi phen
Phẩm tiên rơi đến tay hèn
790. Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai!
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi
795. Trùng phùng dầu hoạ có khi
Thân này thôi có còn gì mà mong!
Đã sinh ra số long đong,
Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?
Trên yên sẵn có con dao
800. Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn
Phòng khi nước đã đến chân,
Dao này thì liệu với thân sau này.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Hà Như ngày 21/07/2010 10:28
1- Chữ Giao, có gốc Hán, chữ Nôm đọc là Keo (Từ điển Đào Duy Anh). Có bản chép: Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em.
2- Bản trên chú thích Giao loan: Do chữ loan giao, tức thứ keo chế bằng máu chim loan. Tương truyền người xưa thường dùng để nối dây đàn và dây cung.
3- Xin nói thêm, chú thích của Từ ngữ điển cố văn học của NXB Văn Học 1999, chú thích có kỹ hơn, xin tóm tắt trích dẫn có liên quan:
Keo loan: Thứ keo có độ dính cao dùng nối dây cung đứt. Tây Vương mẫu sai sứ giả đem dâng cho Hán Vũ đế bốn lạng linh giao. Keo này nấu từ mỏ con phượng và sừng con kỳ lân, đặt tên là "tập huyền giao", còn gọi là "liên kim nê".
Phàm dây cung đứt, sắt đá vỡ đôi, keo này gắn chặt mãi mãi.
Xin nêu ra cùng tham khảo.