Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Năm 1967, khi đang còn là một sinh viên, tôi đã từng chép vào sổ tay lời bình về bốn câu thơ này của Xuân Diệu. Theo Xuân Diệu thì đây chính là bức tranh khoả thân duy nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ thiếu nữ ngủ ngày nhưng thiếu nữ vẫn còn mặc yếm. Và dẫu “yếm đào trễ xuống dưới nương long” thì vẫn còn mảnh yếm che, chưa thể gọi là khoả thân được. “Giải nhất độc nhất trao cho Nguyễn Du. Giữa cái chế độ phong kiến Á Đông đè xuống tinh thần thể xác con người lại giả dối che đậy lên hàng tạ quần áo thì Nguyễn Du đã giải thoát cho mọi người được chiêm ngưỡng, thán phục cái toà thiên nhiên tuyệt mĩ của tạo vật là thân thể lành đẹp của con người...”. Sau này, Chế Lan Viên cũng lấy bức tranh khoả thân của Nguyễn Du để bênh vực, bảo vệ cho Hàn Mặc Tử khi đề cập đến câu “Ô kia, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”. Theo nhà thơ: “Chả lẽ Nguyễn Du được phép còn Hàn Mặc Tử thì bị cấm?” Gần đây, tôi tình cờ đọc được cuốn sách của sư Thích Nhất Hạnh phân tích Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán. Dưới cái nhìn thiền quán Truyện Kiều hoá ra cũng lắm vấn đề. Về bốn câu thơ trên của Nguyễn Du sư Thích Nhất Hạnh khen: “Nhà nho Nguyễn Du đã tả một thiếu phụ tắm khoả thân, Nhà nho này cũng ghê gớm lắm, đâu phải chơi”. Nhưng sư Nhất Hạnh lại thấy tức cười vì “Cụ nhà nho biết cô này thuộc hạng buôn hương, bán phấn mà lại tả “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”. Với một cô gái làm nghề mãi dâm thì thi sĩ không thể dùng những chữ này được”. Sư Thích Nhất Hạnh còn phát hiện: “Hơn nữa, tôi chắc chắn là cô ta có một cái sẹo ở bụng mà cụ không nói tới. Cô đã tự tử gần chết thì cái sẹo phải rất lớn. Nếu cô đâm vào cổ thì cái sẹo nằm ngay ở cổ. Thưa cụ, tại sao cụ lại quên mất cái vụ đó đi mà không tả?’

Tôi sẽ hỏi cụ như vậy. ‘Có phải cụ giấu giếm một sự thật hay không? Vết thương trong tâm cụ nói quá nhiều mà cụ lại không nói đến vết thương nơi thân thể. Vết thương do tự tử và nhưng vết thương do những khách làng chơi đưa tới”. Quả là một phát hiện bất ngờ! Dẫu chưa một lần may mắn được hầu chuyện văn chương với sư nhưng tôi rất kính nể sự thông tuệ của sư. Khen bức tranh khoả thân của Nguyễn Du chứng tỏ sư “cũng ghê gớm lắm đâu phải chơi”! Tuy vậy, dưới cái nhìn Thiền quán sư không đồng tình với cách dùng từ, dùng hình ảnh của Nguyễn Du. Theo sư, những người làm nghề mãi dâm như Kiều thì không thể tả “trong ngọc trắng ngà” được. Phải chăng Nguyễn Du không tả nàng Kiều đang tắm dưới cái nhìn Thiền quán như sư mà bằng cặp mắt đa cảm của một thi sĩ lãng mạn? Khi dùng hình ảnh trong ngọc trắng ngà để tả thân thể nàng Kiều nhà thơ có hai cơ sở. Thứ nhất, Kiều vốn là một tuyệt thế giai nhân “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Những cô gái đẹp như Kiều, khi vào lầu xanh được các mụ Tú Bà hết sức trau chuốt. Bởi có những người đẹp trong tay thì lầu xanh của các mụ thêm đông khách. Lầu xanh càng đông khách thì các mụ càng nặng hầu bao. Kể từ khi Kiều xuất hiện, lầu xanh mụ Tú Bà “biết bao bướm lả, ong lơi...”. Vì thế mụ không tiếc tiền để người đẹp tô son, điểm phấn. Cứ xem cái cách Kiều tắm thì biết “thang lan rũ bức trướng hồng tẫm hoa”- đun nóng bằng nước hoa lan để tắm cho thân thể thoảng mùi thơm. Tắm táp như vậy mới hấp dẫn khách. Được chăm sóc tắm táp như vậy thì thân thể của Kiều dù có “ong qua bướm lại vẫn cứ “trong ngọc trắng ngà”. Thứ hai, ở đây Nguyễn Du đâu chỉ ca ngợi vẻ đẹp thân thể. Ngọc ngà là những thứ hết sức quý giá. Hình ảnh “trong ngọc trắng ngà”còn nói đươc vẻ đẹp tâm hồn của Kiều. Nguyễn Du nhận thấy một cách rõ ràng vẻ đẹp không chỉ ở thân thể mà ở tâm hồn của nàng cho dù Kiều đang là một gái lầu xanh. Sau này nhà thơ đã mượn lời Kim Trọng để thanh minh cho Kiều: “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay”. Không có thứ bụi nào - kể cả thứ bụi ở lầu xanh có thểï làm đục thân thể hay tâm hồn của Kiều. Hơn ai hết, Nguyễn Du hiểu Kiều là một gái mãi dâm bất đắc dĩ. Nàng phải bán mình để chuộc cha. Nàng bị mụ Tú Bà dùng mưu thâm, chước độc để giăng bẫy. Khi bị đánh đến mức “uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa”. Kiều buộc lòng phải hứa trước mụ:“Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Để Kiều thốt lên những câu đau đớn như vậy cõi lòng nhà thơ chắc cũng đang tan nát. Khi ở lầu xanh, nàng có cách sống nội tâm khác với những cô gái cùng rơi vào hoàn cảnh như nàng: “Mặc người mây Sở, mưa Tần/ Riêng mình nào biết có xuân là gì”. Bởi vậy, cuộc sống lầu xanh với bao “bướm lả, ong lơi”vẫn không vẩn đục được tâm hồn lẫn thể xác của Kiều. Vậy thì tả Kiều đang tắm “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”chẳng có gì là không ổn cả. Trái lại, Kiều xứng đáng được ca ngợi, được tôn vinh như thế. Ca ngợi thân thể ngọc ngà của Kiều là Nguyễn Du ca ngợi sắc đẹp tuyệt mĩ mà tạo hoá đã ban tặng cho người phụ nữ. Riêng cái vụ không tả vết sẹo, theo tôi nhà thơ cũng có cơ sở. Nguyễn Du vốn rất kỹ trong từng chi tiết. Chính nhà thơ đã phải thốt lên một cách đau đớn khi Kiều rút dao tự tử: “Thương ôi tài sắc bậc này/ Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần”. Và chắc chắn vết dao đó sẽ thành sẹo. Nguyễn Du chắc chắn không quên cái vụ đó. Nhưng đứng trước toà thiên nhiên “trong ngọc trắng ngà”như vậy làm sao còn thấy vết sẹo thương tâm kia nữa! Mà người đang ngắm Kiều tắm là Thúc Sinh - anh chàng “một tỉnh, mười mê”. Đã mê rồi thì vết sẹo kia của Kiều đối với chàng Thúc cũng hoá thành ngà ngọc. Đâu chỉ Thúc Sinh, chính Nguyễn Du cũng ngây ngất trước toà thiên tuyệt mĩ ấy. Vì nhà thơ cũng thuộc nòi đa tình, đa cảm “phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Độc Tiểu Thanh ký).

Riêng tôi, tôi cứ băn khoăn mãi về từ “dày dày”trong câu “dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”. “Sẵn đúc một toà thiên nhiên”là cách nói độc nhất vô nhị. Ví thân thể người phụ nữ như một toà thiên nhiên thì tha hồ mà tưởng tượng. Từ láy “dày dày”làm cho toà thiên nhiên đó càng thêm nổi bật: có hình, có khối, có tầng, có lớp... rất ấn tượng, rất hấp dẫn. Nhưng vẻ đẹp của Kiều vốn là vẻ đẹp của người con gái Á Đông mềm mại, thanh thoát. Từ láy “dày dày”đặt trước cái toà thiên nhiên tuyệt mĩ đó theo tôi có phần hơi thô. Tôi thử tìm vài từ để thay thế nhưng từ nào cũng thấy không tương xứng với cái toà thiên nhiên tuyết mĩ ấy. Thế mới hiểu nghề thơ phú lao tâm khổ tứ biết chừng nào!

Một nhà nho, một ông quan sống trong triều đại phong kiến đầy những lễ giáo khắt khe trói buộc thể xác, tâm hồn con người mà dám phác hoạ bức chân dung phụ nữ khoả thân tuyệt mĩ như vậy, Nguyễn Du quả đúng như lời sư Thích Nhất Hạnh thán phục “nhà nho này cũng ghê gớm lắm, đâu phải chơi”. Thế kỷ XX đã qua, bước sang thế kỷ XXI liệu có ai vượt được Nguyễn Du khi đặt bút phác hoạ chân dung người phụ nữ khoả thân như Nguyễn Du từng phác hoạ?

Mai Văn Hoan (Trường Quốc Học - Huế)