Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng...

- Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?


Ở trên là bản in lần đầu trong tập thơ Tiếng thông reo (1934). Năm 1957, chọn in lại trong tập Thơ Bàng Bá Lân, bài thơ trên đổi tựa là Trăng quê:

Trăng quê

Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan dìu ánh trăng suông dịu dàng...

- Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Hai câu cuối của bài thơ này được nhiều người nhầm tưởng là ca dao. Sách Ca dao tục ngữ Việt Nam (1955) của Vũ Ngọc Phan cũng có in hai câu này.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

về tác giả

Bài này của Bàng Bá Lân giai đoạn Thơ Mới, không phải đồ cổ đâu các bạn. Search lại đi.

Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

trả lời bạn Nguyên Thánh

Trước hết, xin cảm ơn bạn với phát hiện này!
Nhưng, Nguyên Minh nếu có sai thì cũng vô tình, lỗi là tại Mẹ mình đó! (Sinh năm 1914. Đặc biệt là không biết chữ) đã hát ru mình ngủ.
Tiện đây, bạn giúp mình thêm vào vốn chung của Thi viện bài thơ ấy của Bàng Bá Lân nhé!

viết lúc 1 giờ sáng ngày 21/10/2008

... tôi như con hươu rừng vàng lông say sưa hương của chính mình. Tôi đi tìm cái không thể có nhưng tôi có cái không thể tìm...

trích thơ: Tagore
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Ca dao hay thơ

TRĂNG QUÊ
Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu-quạnh, tre buồn nỉ-non
Diều ai gọi gió véo-von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu-dàng…

- Hỡi cô tát nước bên đàng!
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?

Trích trong tập Thơ Tình Bàng Bá Lân
( Gửi bạn Nguyên Minh)

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Phân tích cái hay cái đẹp của câu “Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Ca dao dân ca Việt Nam tràn ngập ánh trăng vàng. Có vầng trăng thề nguyền, ước hẹn. Có vầng trăng thương nhớ, đợi chờ. Có vầng trăng li biệt, man mác bâng khuâng:

Vầng trảng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?
Có vầng trăng chênh chếch ngọn tre làng. Có cảnh tát nước đêm trăng. Vầng trăng và thôn nữ sao mà dẹp và đáng yêu thế:
Hỡi cô tắt nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Mặc dù được thi sĩ Bàng Bá Lân sáng tác, nhưng hai câu thơ này từ lâu được lưu truyền trong dân gian và nhầm tưởng là ca dao. Điều đó minh chứng cho tính gần gũi và dân dã của hai câu thơ này.

Biết bao lần em được nghe vần thơ bát ngát ánh trăng ấy. Vần thơ ngột ngào và dào dạt ánh trăng đã tắm mát và toả sáng tâm hồn em. Tâm hồn con người Việt Nam phong phú, tươi đẹp, đậm đà hương sắc hoa bưởi, hoa cà, hoa sen và toả sáng vầng trăng. Câu thơ “Hỡi cô tát nước bên đàng…” đã làm đẹp thêm tâm hồn vốn rất yêu trăng của nhân dân ta.

Thơ cổ ghi lại những thú vị chơi trăng. Có tao nhân “đăng sơn vọng nguyệt”. Có mặc khách “lên lầu thưởng trăng”. Có trăng Tầm Dương trong tiếng Tì bà. Có “thi tiên” uống rượu và nằm ngủ dưới trăng, v.v… Trăng, rượu, hoa là thú vui tao nhã ở đời. Trăng được nói đến trong hai câu thơ này là trăng đồng quê, vầng trăng với thiếu nữ, là cảnh tát nước đêm trăng.

Một cặp thơ lục bát đậm đà gió nội hương đồng đã làm hiện lên trước mắt ta cảnh vật đồng quê một đêm trăng tuyệt vời. Đó là vẻ đẹp của một cánh đồng quê bát ngát màu xanh và ngào ngạt hương lúa tràn ngập ánh trăng vàng. Đó là vẻ đẹp duyên dáng, khoẻ đẹp của một thiếu nữ đang cần mẫn tát nước dưới trăng. Suối toé, cánh tay, nét mặt và toàn thân cô gái như dát ánh trăng vàng. Đó là vẻ đẹp của con kênh xanh xanh ngời ngời ánh trăng. Gầu nước vục xuống, mặt nước xao động, muôn ánh trăng vàng tan ra lung linh huyền ảo. Cô thôn nữ tát nước một mình mà chẳng lẻ loi vì đã có vầng trăng làm bạn và còn có chàng trai làng từng thầm yêu trộm nhớ đang say mê ngắm “nàng tiên” tát nước dưới trăng. Cảnh vật và con người, lao động và tình yêu, dòng nước và con đường… đều tràn ngập ánh trăng. Hai câu thơ mười bốn từ, chỉ có một từ “trăng” mà người đọc thấy mát rượi ánh trăng. Nhà thơ dân gian đã sống nhiều với vầng trăng nơi thôn dã, đã yêu vầng trăng với một tình yêu bao la, đã phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn trai gái làng quê, nên mới nói thật hay, thật đẹp cảnh thiếu nữ tát nước đêm trăng như vậy.

Một câu hỏi bâng quơ mà tinh nghịch? “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” Chàng trai làng đa tinh lấp ló đâu đây? Một câu hỏi ngạc nhiên, một lời trầm trồ khen ngợi, hay một lời tỏ tình tế nhị, kín đáo của chàng trai? Tất cả đều có thể. Chân lí cuộc đời và chân lí nghệ thuật vốn đa âm và phức điệu. Trong cảm nhận của nhiều người xưa và nay là đằng sau sự miêu tả cảnh tát nước đêm trăng còn là tiếng hát giao duyên chứa chan tình thương nỗi nhớ.

Cái hay cái đẹp của câu thơ là tả ít mà gợi nhiều. Cảnh ngụ tình đầy thơ mộng. Chàng trai say mê ngắm thiếu nữ tát nước. Cảnh đẹp, người đẹp làm tôn chất thi vị, hữu tình. Dòng nước ngập ánh trăng. Mỗi gầu nước múc lên, thiếu nữ đổ đi biết bao ánh trăng vàng. Trăng tan vào nước bạc như giọt mồ hôi thiếu nữ tắm mát đồng lúa nương dâu, dệt bao mộng đẹp. Vì yêu người nên chàng trai thêm yêu trăng. Cảnh tát nước đêm trăng gợi cho ta thấy lao động là niềm vui sáng tạo. Tát nước đêm trăng hay là sự hẹn hò của những cô Tấm anh Điền nơi làng quê? Một tình yêu trong sáng, lành mạnh gắn liền với lao động có sự chứng kiến của vầng trăng.

Đến với vầng trăng ca dao, ta yêu thêm vầng trăng xứ sở, yêu thêm đồng lúa quê ta, yêu thêm người dân cày Việt Nam. Dưới vầng trăng thanh bình có biết bao mối tình trong sáng, thuỷ chung nảy nở:
Đèn tà thấp thoáng bóng trăng,
Ai đem người ngọc thung thăng chấn này?
Có cảm được vẻ đẹp nguyên sơ của vầng trăng ca dao dân ca thì mới cố thể cảm được cái hay của vầng trăng trong cổ thi – trăng trong thơ Lý Bạch, trong thơ Nguyễn Trãi, trăng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, trăng trong thơ Nguyễn Khuyến và “trăng xưa, hạc cũ với xuân này” trong thơ Bác Hồ kính yêu…

25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Nghĩ về một câu “ca dao”

Các nhà văn, khi viết về đồng quê, thường hay dẫn câu “ca dao” mà họ cho là rất nên thơ, tả được vẻ đẹp và sự thú vị của cảnh đêm trăng nơi thôn dã:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Hai câu trên đây thực sự có phải là “ca dao” không?

Trong bài “Chung quanh một câu ca dao” đăng trên giai phẩm Hoàng hoa do NXB Nhân Loại ấn hành tháng 9 năm 1952, nhà thơ Bàng Bá Lân viết:
Gần đây tôi vừa được đọc Văn hoá nguyệt san do Bộ Quốc gia Giáo dục (Sài Gòn) xuất bản. Trong số 1, bài Lời nói đầu có nói đến một câu ca dao:

CÔ KIA tát nước bên đàng,
Sao cô MANG ÁNH trăng vàng đổ đi?

Đọc câu đó, tôi vừa sung sướng vừa ngại ngùng. Sung sướng vì thấy những câu thơ của mình làm từ hồi tâm hồn mình còn trong trắng đã dần dần rời bỏ tập thơ để nhập vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc, của đất nước... Ngại ngùng vì nhận thấy những vần thơ được truyền tụng kia cứ sai dần mãi. Như câu thơ trên, cách đây trên mười năm, báo Bạn đường ở Trung Việt đã trích đăng trong mục “Hương hoa đất nước” cũng có sai, nhưng còn sai ít:

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ÁNH trăng vàng đổ đi?

Chữ ÁNH thêm vào làm non hẳn lời thơ nhưng còn giữ được chữ MÚC, nghĩa là còn giữ được gần trọn thi vị.

... Như câu lục bát trên này, tất cả duyên dáng thi vị của nó là ở mấy chữ MÚC và ĐỔ, nhất là chữ MÚC. Mất chữ đó là mất hết cả thi vị. Vì – hãy khoan nói đến thi vị của trăng – riêng hai chữ MÚC, ĐỔ không những hình dung được sự cử động nhịp nhàng của người tát nước mà còn gợi được âm thanh của nước động xì xòm.

Nhưng đính chính là một điều không dễ gì, nhất là khi câu thơ đã được liệt vào ca dao. Không nói rõ xuất xứ thì ai chịu, nói đến xuất xứ thì lại phải trương “cái tôi” ra! Thật là đáng ghét và thật là ngại ngùng. Cũng vì thế nên tôi đã không đính chính khi báo Bạn đường đăng sai.

Nhưng nay thấy câu thơ càng được truyền nhiều càng sai thêm, tôi thấy – đối với văn học nước nhà – có bổn phận phải đính chính.

(Bàng Bá Lân)
Như thế, muốn nhận hai câu ấy là do mình sáng tác chứ không phải “ca dao” và đính chính cho đúng nguyên văn, nhà thơ Bàng Bá Lân buộc phải nêu xuất xứ của hai câu ấy. Anh viết:
Vậy câu lục bát trên kia thế nào mới thật đúng và xuất xứ ở đâu? Thưa: đó là hai câu ở bài Tiếng hát trong trăng trong tập thơ nhỏ nhan đề Tiếng thông reo mà tôi viết xong hồi cuối năm 1934 và xuất bản vào đầu năm 1935. Xin trích ra đây đoạn đầu bài thơ ấy:

Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng.
- Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
............................

Trên tả cảnh sáng trăng ở thôn quê để dưới có thể hạ chữ “múc trăng” mà không đột ngột. Chữ “lại” ngụ ý trách móc: trăng vàng đẹp thế mà sao lại vô tình múc đổ đi!

Có lẽ tại hồi đó, với cái tuổi đôi mươi, tâm hồn tôi còn trong trắng nên ý tưởng có vẻ hồn nhiên; có lẽ tại lời thơ ít gọt giũa, mộc mạc giản dị dễ gần đại chúng, hay có lẽ tại ảnh hưởng đồng quê man mác trong thơ nên nhiều câu đã dần dần lìa bỏ tác phẩm và tác giả mà nhảy vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc. Nhưng có điều hơi đáng tiếc là những câu truyền đúng thì ít mà sai thì nhiều...

(Bàng Bá Lân)
Bài viết trên đây đã làm cho giới viết lách thời đó ngạc nhiên vì trước nay ai nấy đều yên trí rằng hai câu ấy là ca dao. Mười bốn năm sau (1966), học giả Nguyễn Hiến Lê cũng công nhận hai câu ấy là của Bàng Bá Lân.

Trong bài “Bút pháp và cá tính của nhà văn” đăng trên giai phẩm Giữ thơm quê mẹ số Xuân Bính Ngọ (Lá Bối xuất bản) Nguyễn Hiến Lê viết:
........Cũng dùng kỹ thuật tạo hình ảnh cả mà bút pháp của Hàn Mặc Tử làm cho ta rờn rợn, hồi hộp:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
....................
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Của Bàng Bá Lân thì cho ta một cảm giác mát mẻ, vui vui:

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Của Quách Tấn thì có cái giọng trang nhã, cổ điển:
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Của Huyền Viêm thì có cái vẻ trầm lặng man mác:
Trăng rơi nhè nhẹ trên sông nước
Bên chiếc đò khuya bóng lạnh lùng.
Gió cũng nghe chừng như nín thở
Đỡ vừng trăng lạc giữa không trung.

Tôi quen anh Bàng Bá Lân từ năm 1965 và cùng dạy học chung với anh trong hơn 15 năm nên biết rõ tính anh: đứng đắn, cương trực và tử tế với bạn bè. Tôi tin rằng anh không bao giờ nhận của người làm của mình, nhất là chỉ có hai câu lục bát vì địa vị của anh trên thi đàn đã vững vàng và cả nước biết tiếng biết tên. Tôi định viết về vấn đề này đã lâu nhưng nghĩ chưa tiện lắm khi anh còn sống. Đầu năm 1988 nghe tin anh bị bán thân bất toại, tôi đến thăm anh tại nhà riêng ở đường Trương Quốc Dụng (Phú Nhuận) thì thấy anh gầy yếu lắm và cái chết có thể tính từng tháng từng ngày. Nay thì anh đã về cõi vĩnh hằng (anh mất ngày 20-10-1988, thọ 76 tuổi), tiếng tăm danh vọng đối với anh đã trở thành vô nghĩa, nhưng tôi thấy cần phải viết bài này để đính chính một sai lầm trong văn học. Tôi nghĩ nếu không ai có thể chứng minh ngược lại (ví dụ như có một tài liệu nào đó dẫn hai câu ấy trước năm 1935 là năm anh xuất bản tập thơ Tiếng thông reo trong đó có hai câu ấy) thì, theo lẽ công bằng, “cái gì của César phải trả lại cho César”.

tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Hãy trả thơ về cho Bàng Bá Lân!

Hai câu thơ của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân; và nguyên văn của nó chắc chắn là: “Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi” chứ không phải “Múc ánh trăng vàng đổ đi”.

Năm 1972, một anh bạn rủ tôi đến thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý, Sài Gòn. Hôm ấy là Chủ nhật, ông không phải lên lớp (ông dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn).

Thực ra, trước khi gặp ông, tôi cũng đã biết đến ông, một nhà thơ tiền chiến quê Bắc Giang, ông nói với tôi là đồng hương. Tôi còn biết ông phụ trách một tiết mục trên đài truyền hình Sài Gòn hồi đó.

Tiết mục mà ông phụ trách là trưng ra nhiều bức hình tư liệu về đời sống, sinh hoạt của mọi tầng lớp dân chúng ở miền Bắc trước năm 1955 như: xe thồ, đi dân công, chống lụt ở vùng chiêm trũng…

Ông có vóc người trung bình, nhanh nhẹn, trang phục bình dân, giản dị. Ông nói chuyện với chúng tôi về thời sự, kinh tế, rồi văn học, văn chương truyền miệng, thơ…

Ông thuộc rất nhiều, giọng đọc thơ rất hay. Ông đọc từ th...uyền Viêm có bài đăng trên Kiến thức ngày nay.

Tuy nhiên, chưa có ai chỉ rõ sự khác nhau giữa: “Múc ánh trăng vàng” và “Lại múc trăng vàng” như vừa nêu trên. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do tam sao thất bản.

Rằng, quyển Ca dao tục ngữ Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản sau năm 1955 ở miền Bắc, còn tác giả của nó tức là nhà thơ Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan, không thấy sự nhầm lẫn đáng tiếc kể trên để lên tiếng cải chính.

Từ đó đến khi ông mất (1988), tôi chưa hề được gặp lại nhà thơ Bàng Bá Lân. Thỉnh thoảng gặp vài người bạn cố tri có lòng yêu mến văn chương, tôi lại đem tâm sự trên kể cho họ nghe. Suốt thời gian dài ấy, tôi cứ lòng dặn lòng bất cứ khi nào có dịp tôi sẽ đưa niềm tâm sự đó lên mặt báo. Rằng, nếu chưa làm được điều này thì tôi còn day dứt chưa yên. Rằng, món nợ tinh thần với nhà thơ đồng hương vẫn chưa trả được.


Bắc Giang, tháng 6/2007
Hoàng Chí Quang
06 Lê Lợi, T.T Chũ Lục Ngạn, Bắc Giang
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích tính chất ca dao của hai câu thơ “Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Ca dao là tiếng hát trữ tình, là tiếng lòng của quần chúng nhân dân lao động. Người bình dân đã thể hiện và gửi gắm vẻ đẹp tâm hồn vô cùng phong phú của mình vào những câu hát giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc. Trong số những câu thơ trữ tình được lưu truyền rộng rãi trong cả nước, có lẽ ai ai cũng đã từng thuộc câu thơ sau đây của thi sĩ Bàng Bá Lân:

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Ở trên là hai câu thơ cuối trong bài Tiếng hát trong trăng, trích trong tập Tiếng thông reo của ông in năm 1934. Sau đó nhiều người đã thuộc và truyền miệng rộng rãi nên được nhầm tưởng là ca dao.

Dù là người học rộng biết nhiều hay người ít học, không ai không cảm thấy tính chất ca dao của hai câu thơ này. Giản dị và dễ hiểu, như đặc điểm chung của mọi câu ca dao. Không có từ nào khó, từ nào bóng bẩy, hoa mỹ, được gọt giũa, trau chuốt; nhưng câu thơ vẫn hàm chứa một vẻ đẹp trầm lắng như một cô gái không phải là sắc nước hương trời, nhưng lại có một nét duyên ngầm quyến rũ làm đắm say lòng người.

Câu thơ không vận dụng một biện pháp tu từ nào như vẫn thường thấy trong kho tàng ca dao nói chung, như dùng điệp từ, điệp ngữ, các biện pháp so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ... Cũng không hề có bóng dáng một từ láy tượng thanh hay tượng hình nào, nhưng sức gợi tả gợi cảm thì vô cùng. Vậy cái hay và vẻ đẹp của câu thơ được tiềm ẩn ở đâu?

Thể thơ lục bát thuần tuý dân tộc là hình thức quen thuộc mà ca dao vẫn thường sử dụng (đại đa số ca dao trữ tình được sáng tác theo thể lục bát). Một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn chỉ gồm một đơn vị lục bát, vỏn vẹn 14 chữ. Về cấu trúc ngữ pháp, cả tác phẩm tương đương với một câu trong văn xuôi. Dòng sáu là một hô ngữ bao gồm “hỡi” là từ để gọi, kết hợp với đối tượng gọi là “cô tát nước bên đàng”. Dòng tám là cụm chủ - vị chính bắt đầu bằng từ dùng để hỏi: “sao”, nội dung hỏi là “cô” (chủ ngữ), “múc ánh trăng vàng đổ đi” (vị ngữ).

Chủ thể trữ tình của câu thơ chắc chắn là một chàng trai. Đối tượng trữ tình là một cô gái đang làm công việc đồng áng. Chàng trai đã gọi chính cô gái để hỏi. Cảm hứng trữ tình đã gợi hứng cho chàng trai thốt lên lời ca duyên dáng, đậm đà, giàu sức biểu cảm nói trên chính là cái đẹp. Ở đây có thể là vẻ đẹp của trăng của nước; có thể là vẻ đẹp của cảnh tượng tát nước, cũng có thể là vẻ đẹp của cô gái đang tát nước. Nhưng cũng có thể là tất cả các vẻ đẹp đó hoà quyện lại đã gợi nên nguồn cảm hứng đầy thi vị cho chàng trai.

Không gian nghệ thuật là một cánh đồng ven đường làng mà nông thôn Việt Nam đâu đâu cũng có. Do đó mà câu thơ này không bị giới hạn ở một địa phương nào mà phạm vi lưu truyền, phổ biến của nó là cả nước; và nếu chỉ độc nội dung thì khó mà xác định được xuất xứ của tác phẩm này.

Thời gian nghệ thuật là một đêm có trăng, không phải đêm tối trời như kiểu:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Sự việc được phản ánh là lao động. Vâng, chính trong lao động mà người bình dân đã phát lộ hết vẻ đẹp hình thức cũng như nội tâm của mình:
Cô kia cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây.
Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Để anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Hỡi cô gánh nước quang mây,
Cho anh xin gáo tưới cây ngô đồng.
Cô kia đi đường này với ta,
Trồng đậu đậu tốt, trồng cà, cà sai.
Chính lao động là môi trường để tình cảm lứa đôi nảy nở và phát triển. Sự việc được miêu tả là đang diễn biến, không đứng yên. Cả không gian, thời gian và cảnh vật thơ mộng dường như được thức tỉnh, khua động bởi âm thanh của tiếng gàu chao vào mặt nước. Âm thanh đã không được nói đến một cách trực tiếp, cụ thể mà được gợi lên từ công việc được miêu tả.

Bản thân công việc thì giàu ý nghĩa tạo hình thẩm mỹ. Động tác kéo gàu múc nước đòi hỏi tính nhịp nhàng, uyển chuyển nên rất gần với động tác múa. Dáng vẻ, các đường cong mềm mại tuyệt mỹ trên cơ thể người thiếu nữ nhờ động tác chao mình múc nước mà được thể hiện đầy đủ.

Vậy vẻ đẹp của câu thơ này, trong tầng ý nghĩa thứ nhất, ở dòng thơ sáu chữ, có thể nói là vẻ đẹp mang ý nghĩa tạo hình gần với nghệ thuật vũ đạo. Công việc tát nước được diễn ra “bên đàng”. Ai đi qua đi lại trên “đàng” mà không thấy?

Cái đẹp ở đây không chết lặng ở câu chữ mà rất sống động. Không phải hoa ép trong vở, mà hoa đang nở trên cây trong vườn. Không phải cánh bướm đậu, mà là cánh bướm đang bay.

Cũng trong tầng ý nghĩa thứ nhất, ở dòng thơ tám chữ, là sự gặp gỡ giữa thế giới ngoại cảnh và thế giới nội tâm. Vẻ đẹp của thiên nhiên cảnh vật đã tác động đến chàng trai, làm nảy sinh cái đẹp trong tâm hồn con người. Chỉ có một tâm hồn nhạy cảm, rộng mở trước thiên nhiên mới có thể rung động trước một vẻ đẹp như vậy. Vẻ đẹp của câu thơ chính là sự kết hợp hài hoà tuyệt vời giữa chất hiện thực và chất trữ tình. Múc nước, tát nước là hoàn toàn hiện thực. Trong nước có in hình bóng trăng. “Múc ánh trăng vàng đổ đi” là sự cất cánh của hiện thực, một chi tiết đầy thi vị và lãng mạn. Chất thơ, chất trữ tình ấy đã đi vào lòng người đọc khiến cho câu thơ trở thành một tác phẩm bất hủ của kho tàng văn học Việt Nam.

Nhưng dường như vẻ đẹp của câu thơ không chỉ dừng lại ở đó. Vì còn có điều gì đó vượt lên trên cái đẹp của trăng, của nước cũng như cái đẹp của chàng trai và cô gái. Phải chăng chính là một sợi dây liên hệ mơ hồ nào đó giữa chàng trai và cô gái ẩn nấp đàng sau vẻ đẹp của cảnh mà người đọc có thể cảm nhận được? “Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” Rõ ràng đó là lời trách móc của chàng trai đối với cô gái. Sao cô hững hờ, vô tâm, vô tình đến như vậy? Bóng trăng đẹp thế sao cô hững hờ? Không chiêm ngưỡng cái đẹp, cố ý làm ngơ, bỏ qua hay thực tình không nhận ra cái đẹp? Tấm lòng của một người, cảm xúc của một người dành cho cô, sao cô dửng dưng tựa như không hề hay biết?

Cái đẹp, cái hay của câu thơ qua đó còn chính là vẻ đẹp trầm lắng, chìm sâu ở nghĩa hàm ẩn.

Trong một khung cảnh trữ tình, thơ mộng, chàng trai đã có cảm hứng nói lên nỗi lòng của mình. Lời của chàng trai chưa phải là lời tỏ tình. Cô gái chưa có bằng chứng xác đáng nào để khẳng định tình cảm riêng tư ấy. Chỉ mới là khởi đầu làm quen, bắt chuyện. Biết đâu đó chẳng phải là nhịp cầu đầu tiên dẫn dắt họ, người nói và người nghe, đến tình yêu đôi lứa nên duyên nợ vơí nhau?

Mở đầu câu ca là từ “hỡi” cho ta thấy chàng trai không đứng gần cô gái, mà từ xa gọi tới. Đại từ “cô” (chứ không phải “em”) phản ánh sự chưa gần gũi thân quen giữa hai người. Dường như họ chưa quen nhau trước đó. Chàng trai gọi cô gái bằng phương thức hoán du: dùng công việc cô đang làm để gọi cô, như kiểu nhà thơ Nguyễn Bính vẫn gọi trong thơ là “cô lái đò”, “cô hái mơ”..., chứ không gọi bằng tên. Có thể họ chưa biết về nhau nhiều lắm. Có thể hiểu đó là câu hỏi đầu tiên của chàng trai đối với cô gái. Câu hỏi của chàng trai đẹp quá, hay quá, tinh tế và giàu ý tứ quá. Nhưng không rõ việc chàng trai chứng kiến cảnh tát nước đêm trăng của cô gái là tình cờ bắt gặp hay đã có chủ định đợi chờ để gặp từ trước? Có thể tình cờ trông thấy mà cảm xúc, trước đó chưa hề biết nhau. Cũng có thể có sự chờ đợi, trông mong để có được một cơ hội thuận tiện làm quen tuyệt vời như đêm trăng ấy!

Cả câu thơ mười bốn chữ không có từ nào hoa mỹ, trau chuốt, nhưng rất đẹp, rất hay. Đó là cái hay, cái đẹp của cảnh và tình hoà quyện, gắn bó với nhau. Tả cảnh nhưng ngụ biết bao nhiêu tình. Cảm xúc thẩm mỹ mang tính trữ tình và thơ mộng.

Qua câu thơ, ta thấy được tâm hồn của người bình dân rất phóng khoáng, nhạy cảm và tinh tế. Biết rung cảm trước cái đẹp, và biết cách thể hiện sự cảm nhận đó thành lời, thành câu, thành chữ, thành vần điệu để đóng góp cho kho tàng văn học dân gian một tác phẩm hay. Hiện nay, có ý kiến cho rằng hai câu lục bát này do Bàng Bá Lân sáng tác. Dù cho ai làm ra thì cũng đã làm theo phong cách ca dao truyền thống và vì thế mà từ lâu nó đã nhập vào kho tàng ca dao và được lưu truyền rộng rãi trong cả nước. Một câu ca dao trữ tình, tả cảnh ngụ tình rất hay và rất đẹp!


Dựa theo Ngô Thị Bích Tuyên (Đà Nẵng, 1995)
tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời