Các nhà văn, khi viết về đồng quê, thường hay dẫn câu “ca dao” mà họ cho là rất nên thơ, tả được vẻ đẹp và sự thú vị của cảnh đêm trăng nơi thôn dã:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Hai câu trên đây thực sự có phải là “ca dao” không?

Trong bài “Chung quanh một câu ca dao” đăng trên giai phẩm Hoàng hoa do NXB Nhân Loại ấn hành tháng 9 năm 1952, nhà thơ Bàng Bá Lân viết:
Gần đây tôi vừa được đọc Văn hoá nguyệt san do Bộ Quốc gia Giáo dục (Sài Gòn) xuất bản. Trong số 1, bài Lời nói đầu có nói đến một câu ca dao:

CÔ KIA tát nước bên đàng,
Sao cô MANG ÁNH trăng vàng đổ đi?

Đọc câu đó, tôi vừa sung sướng vừa ngại ngùng. Sung sướng vì thấy những câu thơ của mình làm từ hồi tâm hồn mình còn trong trắng đã dần dần rời bỏ tập thơ để nhập vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc, của đất nước... Ngại ngùng vì nhận thấy những vần thơ được truyền tụng kia cứ sai dần mãi. Như câu thơ trên, cách đây trên mười năm, báo Bạn đường ở Trung Việt đã trích đăng trong mục “Hương hoa đất nước” cũng có sai, nhưng còn sai ít:

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ÁNH trăng vàng đổ đi?

Chữ ÁNH thêm vào làm non hẳn lời thơ nhưng còn giữ được chữ MÚC, nghĩa là còn giữ được gần trọn thi vị.

... Như câu lục bát trên này, tất cả duyên dáng thi vị của nó là ở mấy chữ MÚC và ĐỔ, nhất là chữ MÚC. Mất chữ đó là mất hết cả thi vị. Vì – hãy khoan nói đến thi vị của trăng – riêng hai chữ MÚC, ĐỔ không những hình dung được sự cử động nhịp nhàng của người tát nước mà còn gợi được âm thanh của nước động xì xòm.

Nhưng đính chính là một điều không dễ gì, nhất là khi câu thơ đã được liệt vào ca dao. Không nói rõ xuất xứ thì ai chịu, nói đến xuất xứ thì lại phải trương “cái tôi” ra! Thật là đáng ghét và thật là ngại ngùng. Cũng vì thế nên tôi đã không đính chính khi báo Bạn đường đăng sai.

Nhưng nay thấy câu thơ càng được truyền nhiều càng sai thêm, tôi thấy – đối với văn học nước nhà – có bổn phận phải đính chính.

(Bàng Bá Lân)
Như thế, muốn nhận hai câu ấy là do mình sáng tác chứ không phải “ca dao” và đính chính cho đúng nguyên văn, nhà thơ Bàng Bá Lân buộc phải nêu xuất xứ của hai câu ấy. Anh viết:
Vậy câu lục bát trên kia thế nào mới thật đúng và xuất xứ ở đâu? Thưa: đó là hai câu ở bài Tiếng hát trong trăng trong tập thơ nhỏ nhan đề Tiếng thông reo mà tôi viết xong hồi cuối năm 1934 và xuất bản vào đầu năm 1935. Xin trích ra đây đoạn đầu bài thơ ấy:

Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng.
- Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
............................

Trên tả cảnh sáng trăng ở thôn quê để dưới có thể hạ chữ “múc trăng” mà không đột ngột. Chữ “lại” ngụ ý trách móc: trăng vàng đẹp thế mà sao lại vô tình múc đổ đi!

Có lẽ tại hồi đó, với cái tuổi đôi mươi, tâm hồn tôi còn trong trắng nên ý tưởng có vẻ hồn nhiên; có lẽ tại lời thơ ít gọt giũa, mộc mạc giản dị dễ gần đại chúng, hay có lẽ tại ảnh hưởng đồng quê man mác trong thơ nên nhiều câu đã dần dần lìa bỏ tác phẩm và tác giả mà nhảy vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc. Nhưng có điều hơi đáng tiếc là những câu truyền đúng thì ít mà sai thì nhiều...

(Bàng Bá Lân)
Bài viết trên đây đã làm cho giới viết lách thời đó ngạc nhiên vì trước nay ai nấy đều yên trí rằng hai câu ấy là ca dao. Mười bốn năm sau (1966), học giả Nguyễn Hiến Lê cũng công nhận hai câu ấy là của Bàng Bá Lân.

Trong bài “Bút pháp và cá tính của nhà văn” đăng trên giai phẩm Giữ thơm quê mẹ số Xuân Bính Ngọ (Lá Bối xuất bản) Nguyễn Hiến Lê viết:
........Cũng dùng kỹ thuật tạo hình ảnh cả mà bút pháp của Hàn Mặc Tử làm cho ta rờn rợn, hồi hộp:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
....................
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Của Bàng Bá Lân thì cho ta một cảm giác mát mẻ, vui vui:

Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Của Quách Tấn thì có cái giọng trang nhã, cổ điển:
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Của Huyền Viêm thì có cái vẻ trầm lặng man mác:
Trăng rơi nhè nhẹ trên sông nước
Bên chiếc đò khuya bóng lạnh lùng.
Gió cũng nghe chừng như nín thở
Đỡ vừng trăng lạc giữa không trung.

Tôi quen anh Bàng Bá Lân từ năm 1965 và cùng dạy học chung với anh trong hơn 15 năm nên biết rõ tính anh: đứng đắn, cương trực và tử tế với bạn bè. Tôi tin rằng anh không bao giờ nhận của người làm của mình, nhất là chỉ có hai câu lục bát vì địa vị của anh trên thi đàn đã vững vàng và cả nước biết tiếng biết tên. Tôi định viết về vấn đề này đã lâu nhưng nghĩ chưa tiện lắm khi anh còn sống. Đầu năm 1988 nghe tin anh bị bán thân bất toại, tôi đến thăm anh tại nhà riêng ở đường Trương Quốc Dụng (Phú Nhuận) thì thấy anh gầy yếu lắm và cái chết có thể tính từng tháng từng ngày. Nay thì anh đã về cõi vĩnh hằng (anh mất ngày 20-10-1988, thọ 76 tuổi), tiếng tăm danh vọng đối với anh đã trở thành vô nghĩa, nhưng tôi thấy cần phải viết bài này để đính chính một sai lầm trong văn học. Tôi nghĩ nếu không ai có thể chứng minh ngược lại (ví dụ như có một tài liệu nào đó dẫn hai câu ấy trước năm 1935 là năm anh xuất bản tập thơ Tiếng thông reo trong đó có hai câu ấy) thì, theo lẽ công bằng, “cái gì của César phải trả lại cho César”.