Trang trong tổng số 28 trang (277 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đông dạ bất mị ngẫu thành (Trần Đình Túc): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Ba vạn sáu ngàn ngày một kiếp
Đời nối đời liên tiếp đấy thôi
Tôi nay hai vạn bảy rồi
Mà chưa một phút được ngồi nghỉ ngơi.

Tuổi thọ dám so đâu Bành Tổ
Được, sướng vui, mất khổ nào hay
Những năm trẻ nhỏ vui thay
Đến khi cha mất đêm ngày bơ vơ.

Sống hiu hắt lớn lên nhờ mẹ
Với nước non vui vẻ, sắt son
Tôi, con chức phận làm tròn
Sóng lam, gió chướng đâu còn phân vân.

Chạy vạy trước rồi sau dư sức
Cũng nổi chìm bốn chục năm rồi
Nhọc qua, ắt tốt đẹp thôi
Bể xanh đã trải, ruộng rồi nên dâu.

Rất nhọc, mệt lại còn bệnh mắt
Tấm cô trung ăn ắt lo toan
Bởi chưng trăm sự chẳng toàn
Nghĩ mình như thể hàm oan vụng về.

Ngựa buồn bã hý lên chẳng ngủ
Mặc nhiên sao vua cứ sai ta
Mặc nhiên trời chẳng giết ta
Phan An Nhân ấy, xưa đà thề theo.

Đoàn Thành Thức, khổ thân, cười khốn
Sự vật rồi tất ổn, về không
Không là sắc, sắc là không
Hoạ đây, phúc đấy, trời xanh chủ trì.

Há cầu kiểu nhân gian, thoả dục
Phạm Vũ Tử, xưa nhục biết bao
Chết đi thời biết làm sao
Mong thầy bói giỏi, đoán nào, giùm ta.

Chúc xưa có người Hoa Phong ấy
Thọ thật cao, nhục đẫy, thật nhiều
Đoái tôi tóc bạc bao nhiêu
Cũng đừng cõi thọ rước liều lên trên.

Hoặc tạo hoá, tuổi tôi, tăng tuổi
Tượng gỗ lâu, cũng chối, ích gì
Hoặc trời thẹn bắt chết đi
Bàn cờ cõi thế cũng kì bỏ ngang.

Theo dịch đợi mệnh sao con ghét
Sửa ngắn dài, khóc thét, khó ghê
Đêm nay vắng vẻ bốn bề
Thư trai co quắp, bộn bề tâm tư.

Chẳng giống được Đường Lô, các vị
Chẳng tục, tri ấy nhỉ, vô vi.

Ảnh đại diện

Tại Hương Cảng thời phục ký Đặng Hoàng Trung nguyên vận (Trần Đình Túc): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Đến, đi xoay vận một vòng, ha,
Bè sứ tháng hè cập cảng, chà:
Phong cảnh khác rồi, hơi lạ mắt,
Nắng mưa vẫn vậy, giống quê nhà.
Giang hồ làm khách, thương đồng bệnh,
Cây bút thông ngôn, họ với ta.
Ngoái lại xanh xao, mờ mịt quá,
Lòng trung mới biết bến bờ xa.


22/3/2021
Ảnh đại diện

Khung trời cũ (Tuệ Sỹ): Bùi Giáng bình thơ Khung trời hội cũ

TUỆ SỸ
(Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ)
Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u…
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tuỳ
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt.
Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghiệu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tuỳ
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
Nhưng có ai ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng luỵ, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ.
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.
Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.
Ông đáp: - Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời
Hội cũ
Xin viết xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? – Cung trời hội cũ. Một hội đạp thanh? Một hội nao nức? – “Giờ nao nức của một thời trẻ dại?”.
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ…
Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh… Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.
Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi điều “phải nói” với mọi người “muốn nghe”, với riêng mình “không thiết chi chuyện nói”.
Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay là chẳng nghe.
Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng có chi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả - par manque de justice interne.
Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa một đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.
Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du: - “Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam, kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (……..) Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?”.
Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!
Vua đã ban cho chan hoà mưa móc, ơn Thánh Đế đã dồi dào với Liệp Hộ như thế, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn cứ như thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.
Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời hội cũ.
Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay vì quá long lanh?
Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng niệm cho thơ.
Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ.
Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hoà, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang…
Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?
Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng có về Sài Gòn tới chùa viếng ông, đem quà cho ông một đôi giép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ. Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?
Mình là thân bồ tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?
Phải có nhìn thấy gương mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.
Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Ta tưởng như nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzsche.
Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du:
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Một tiếng “buồn chăng” lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tân thanh đoạn trường:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi:
Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa
Đủ
Bụi đường dài
Gót
Mỏi
Đi
Quanh
Tiết điệu cũng rời rạc như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi Xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi “đá” sớm giã từ mọi yêu thương?
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn…
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường vôi nhạt nhoà ủ rũ ngục tù.
Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.
==================
* Trích:
Bùi Giáng - Đi Vào Cõi Thơ
Ca Dao xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1969. An Tiêm tái bản lần thứ nhất tại Paris năm 1998. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Ảnh đại diện

Tứ tử Hoan hội thí trúng phó bảng (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Cha lấy tam nguyên, phó bảng, con,
Thừa trừ, tạo vật, vậy là ngon.
Một nhà cũng thể người sau trước,
Mười chuyện làm sao tám chín tròn.
Trời giữ văn chương thiên địa mãi,
Đất lưu phúc đức tổ tông còn.
Phong vân, ta sắp già rồi nhỉ,
Rong ruổi cùng đời, phó thác con.

Ảnh đại diện

Quá Linh giang (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Sông Gianh, trời đã xế chiều, trông:
Cảnh vật lờ mờ bốn phía sông.
Buồm tiến chân mây buồm lẳng lặng,
Núi nhô mặt biển núi chênh chông.
Bắc nam bờ rộng chừng ngàn thước,
Lui, tới thuyền mau tựa cỏ bồng.
Ta đã ba lần qua ấy nhỉ,
Tóc râu dần đã biến thành ông.

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Đeo ấn làm quan thập nhị niên,
Những mong vua quý, chẳng ưu phiền.
Bệnh do việc lắm, đành hưu, ổn.
Bụng chỉ lưng cơm, quyết nghỉ, yên.
Bỏ nước thì còn bè bạn gánh,
Về nhà chưa hẳn cháu con hiền.
Mơ màng xách chén theo nghề mới,
Chỉ sợ làm nhơ nghiệp bút nghiên!

Ảnh đại diện

Ngọc Nữ sơn (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Bây giờ người ngọc đã về đâu,
Ngọc Nữ ngàn thu núi dãi dầu.
Vách sớm sương mù, ngây ngất thắm,
Đá chiều mây phủ, mảnh mai rầu.
Lâu đài bến Mã, vua Lê miếu,
Cây bãi núi Voi, họ Trịnh châu.
Người đẹp lên lầu, đừng bắt chước,
Xuân về lại hỏi Mạc Sầu đâu?

Ảnh đại diện

Bệnh trung (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Rỗi rãi ngoái nhìn cái xác thân,
Trượng phu, sáu chục đã dư phần.
Xương già, da cỗi, ngày thêm khác,
Ngõ vắng, nhà tranh, tính quạnh dần.
Mưa gió dãi dầu, tâm bị khiển,
Suối sông xuôi hướng, kết đang gần.
Tháng năm cứ trải như là mộng,
Tỉnh dậy là xong chẳng vết bần.

Ảnh đại diện

Chế giang chu hành (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Núi xanh, sông thắm đẹp miên man,
Thu đến, gió mưa được thể tràn.
Chen chúc suối ngang thuyền chụm một,
Ầm ào nước đổ nhánh phân ngàn.
Vạc, cò bãi nọ không còn, tiếc,
Dế, bọ đập kia mới có, càn.
Cùng bạn đồng tâm vui uống rượu,
Nhớ thời để chỏm chuyện lan man.

Ảnh đại diện

Bố Vệ kiều hoài cổ (Nguyễn Khuyến): Bản dịch của Đinh Tú Anh

Non nước làng này đẹp tựa tranh,
Nơi đây triều trước dựng đô thành.
Hươu nai, người vắng, thong dong nghỉ,
Lúa mạ, mưa thuần, bát ngát xanh.
Suy thịnh bá vương, thôi nhỉ, kệ,
Thác sinh trăm họ, ấy ư, rành.
Đầu cầu, xa dõi buồn man mác,
Một tiếng chim gù, đám cỏ gianh.

Trang trong tổng số 28 trang (277 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: