Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đà Lạt trăng mờ (Hàn Mặc Tử): về bài thơ "Đà Lạt trăng mờ" trong sách của Trần Thanh Mại!

Mình đọc bài thơ này trong cuốn "Hàn Mạc Tử (1912-1940)" của học giả Trần Thanh Mại thấy có một vài dị biệt so với bản chép trên Thi Viện, do đó mình chép lại nguyên văn để bạn đọc tham khảo thêm:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!


Bản của Thi Viện:
Khổ 2, câu 2, hình như sai chính tả: Để nghe dưới dáy nước hò reo, "dáy" hay "đáy"?
Khổ 3, câu 1, Hành thông lấp loáng đứng trong im, "hành" hay "hàng"?

Nguồn: Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử (1912-1940), NXB Văn học, 2006.
Ảnh đại diện

Thuật hoài kỳ 4 (Nguyễn Xuân Ôn): Bản dịch của Nguyễn Văn Bách

Dựng nước từ xưa bậc chúa hiền,
Vững bền cốt ở việc dân yên.
Dòm biên giặc dữ bao giờ thiếu,
Giữ nước tôi hiền có mới nên.
Rồng nọ vẽ tường dù tuyệt khéo,
Hùm kia sa cạm đợi ai lên?
Ngây thơ tưởng được người Tây dạy,
Đâu biết người Tây dạ bạc đen.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thuật hoài kỳ 4 (Nguyễn Xuân Ôn): Bản dịch của Chu Thiên

Những vua dựng nghiệp giỏi xưa nay,
Vốn biết dân yên: gốc vững thay.
Xâm lược hết đâu không giặc dữ,
Lo toan cần phải có tôi hay.
Vẽ rồng trên vách tha hồ khéo,
Thả hổ xổng chuồng dại chịu cay.
Si ngốc những mong Tây giúp khéo,
Ai ngờ kẻ địch chính là Tây.

Ảnh đại diện

Thuật hối (Nguyễn Xuân Ôn): Bản dịch của Nguyễn Văn Bách

Cương trung để lỡ đời ta,
Kiếp này thôi nhé xin chừa cương trung.
Từ rày học thói khom lưng,
Nhưng e xu nịnh học không thành nghề.

Ảnh đại diện

Cảm thuật kỳ 1 (Nguyễn Xuân Ôn): Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại

Nếp xưa áo mũ vẻ trùng điêu,
Chung sống ngày ngày với sói beo.
Sông núi nước ta tằm lấn mãi,
Cửa nhà ai đó én bay theo.
Trâu Nam thở rược khi trăng sáng,
Ngựa Bắc kêu dồn lúc gió heo.
Loài vật còn hay quen thuỷ thổ,
Riêng phần én sẻ cứ tiêu dao.

Ảnh đại diện

Đông nhật thuật hoài (Nguyễn Xuân Ôn): Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại

Năm xưa hộ giá tại biên đình,
Nay bị xe tù giải tới kinh.
Thế sự mặt nhìn càng ngán nỗi,
Niên hoa tay bấm lại tròn vành.
Tân đình phong cảnh đôi hàng lệ,
Cố quốc mây mù một mối tình.
Đông chí dương sinh xuân lại đến,
Đón chào mai nở liễu buông mành.

Ảnh đại diện

Hạnh viên (Đỗ Mục): Về phần dịch nghĩa bài thơ “Hạnh viên杏園” của Đỗ Mục.

Theo từ điển trên trang Web http://www.zdic.net/cd/ci/7/ZdicE8Zdic8AZdicB336669 thì từ “phương trần 芳塵 ” được họ giải thích là: "芳塵指落花, phương trần chỉ lạc hoa". Nghĩa là: “phương trần” chỉ hoa rụng.

Vì vậy theo thiển ý của Tiêu Đồng, bản dịch nghĩa ở trên nên được sửa lại như sau:

Cơn mưa nhỏ đêm qua đã làm hoa rụng hết,
Công tử cùng con tuấn mã đang sánh bước đều.
(Cũng) đừng lấy làm lạ vì vườn hạnh đã tiều tuỵ đi nhiều,
(Hãy nhìn xem) khắp trong thành biết bao nhiêu người đang cài hoa đấy!


Xin được sự chỉ giáo của quý vị thức giả!

Ảnh đại diện

Xuân nhật tạp hứng (Lục Du): Bản dịch của Vũ Minh Tân

Hơ áo đêm đêm chống tiết hàn,
Ăn trưa một bát đáng ngàn vàng.
Về vườn, trách nhiệm đâu còn nữa,
Thấy cảnh dân cùng, dạ chẳng an.

Ảnh đại diện

Nguyệt dạ (Đỗ Phủ): về cách hiểu 2 câu 3, 4 của bài thơ "Nguyệt dạ 月夜"!

http://www.epochtimes.com/i6/709250914051837.jpg
                      Nguyệt dạ

Tiêu Đồng Vĩnh Học đã đọc được cách giải nghĩa hai câu ba, bốn trong sách "Thơ Đường bình giải" của Nguyễn Quốc Siêu như sau:

Thật đáng thương cho những đứa con bé bỏng của ta,
Còn chưa hiểu nổi nỗi nhớ Tràng An của mẹ nó.


Tiêu Đồng rất chú ý và tán thành cách hiểu này. Sau đó có đọc thêm được lời dịch ra bạch thoại trên trang Web http://www.epochtimes.com/b5/7/9/24/n1844997.htm và thấy rất giống với cách giải nghĩa trên. Tiêu Đồng cảm khái vô cùng và chép ra đây để bạn đọc tham khảo thêm:

心疼遠方的子女,年幼的他們還不能體會母親是如何思念流落在長安的父親。
(Tâm đông viễn phương đích tiểu nữ, niên ấu đích tha môn hoàn bất năng thể hội mẫu thân thị như hà tư niệm lưu lạc tại Trường An đích phụ thân.)

Nghĩa là: Thật đáng thương cho những đứa con nhỏ của tôi ở nơi phương xa (Phu Châu) còn chưa hiểu được nỗi nhớ cha (của chúng nó) đang lưu lạc ở Trường An của mẹ chúng.

Đến đây, Tiêu Đồng chợt nhớ đến bài "Chùm nhỏ thơ yêu" của Chế Lan Viên, một bài thơ mang đậm chất Đường thi:

Anh cách em như đất liền xa cách bể,
Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em.
Em thân thuộc sao thành xa lạ thế,
Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm.

Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ,
Một trời sao rực cháy giữa đôi ta.
Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió,
Cho trời sao yên rụng một đêm hoa.


Và xin cung cấp phần dịch nghĩa của bài "Nguyệt dạ" trong sách "Thơ Đường bình giải":

Trăng sáng đêm nay ở Phu Châu,
Vợ ta một mình trong buồng ngắm.
Thật đáng thương cho những đứa con bé bỏng của ta,
Còn chưa hiểu nổi nỗi nhớ Tràng An của mẹ nó.
Hơi sương ướt đẫm mái tóc của vợ ta,
Ánh trăng thấm lạnh đôi tay ngọc ngà.
Bao giờ mới được trở về cùng vợ ta tựa bên màn cửa mỏng,
Để cho trăng chiếu xoá đi những ngấn lệ.


Nguồn: Nguyễn Quốc Siêu, Thơ Đường bình giải, NXB Giáo dục, 2005.
Ảnh đại diện

Độc dịch (Nguyễn Khuyến): sửa lại phiên âm chữ 爭

Lúc đầu mình gõ chữ Hán theo cuốn của Trần Văn Nhĩ. Ở cuốn này, câu thứ nhất là: "Đông nhật đa (多) như hạ nhật trường". Sau vì muốn trung thành với bản dịch nghĩa của Nguyễn Văn Huyền nên mình thay bằng chữ "tranh 爭" và chưa kịp sửa lại phần phiên âm. Chân thành cảm ơn Pang De!


Nguồn: Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Khuyến - Tác phẩm, NXB KHXH, 1984.

Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: