Văn Chánh thành hoàng tỉnh Phú Yên (1)
Gốc miền Thanh Hoá xứ, thừa tuyên (2)
Trước ngài nhận lệnh khai Đà Diễn (3)
Sau chúa định hình lập Trấn Biên (4)
Uy dũng võ công thời mở biển
Anh hùng khí tiết thuở bình phiên
An dân hộ quốc đền thờ hiển (5)
“Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng” truyền (6)!

Tuy Hoà, 19/9/2016
(1) Năm 1611, chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) cho lập phủ Phú Yên thuộc trấn Quảng Nam (gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà). Như vậy vùng đất do Lương Văn Chánh khai phá (năm 1597) chính thức được đặt tên là Phú Yên với cấp hành chính ban đầu là Phủ.
(2) Lương Văn Chánh quê ở Thanh Hoá, làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, làm quan dưới triều Lê Trung Hưng đến chức Đô chỉ huy sứ, trông coi vệ Thiên vũ, tước Phù Nghĩa hầu (theo nhà nhiên cứu Trần Viết Ngạc). Đất Thanh Hoá năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469) thuộc thừa tuyên Thanh Hoa, năm Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), thuộc xứ Thanh Hoa. Trong niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), Lê Tương Dực đổi làm trấn Thanh Hoa.
(3) Năm Quang Hưng thứ 20 (1597) Lương Văn Chánh đang quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (thuộc Bình Định), nhận sắc lệnh của Tổng trấn Thuận Quảng (Nguyễn Hoàng) đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay). Ông cùng lưu dân khẩn hoang, lập ấp từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn (sông Đà Rằng ngày nay).
(4) Sau khi Lương Văn Chánh mất (19/9/ không rõ năm), chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) cử Chủ sự Văn Phong vào trông coi vùng đất này. Năm 1629, Văn Phong làm phản, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) sai Phó tướng Nguyễn Phước Vinh (Mạc Cảnh Vinh) đi đánh dẹp, sau đó chúa Sãi cho lập dinh Trấn Biên và cho Quận mã Nguyễn Phước Vinh làm Trấn thủ. Như vậy Phú Yên được nâng cấp lên “dinh” năm 1629 ngang với 6 dinh khác của xứ Đàng Trong lúc bấy giờ; khi ấy dưới quyền chúa Sãi (từ năm 1613) chia làm 7 dinh gồm: Chính Dinh (Phú Xuân), Cựu Dinh (Ái Tử – Quảng Trị), Quảng Bình, Vũ Xá, Bố Chính, Quảng Nam và Trấn biên (Phú Yên). Sau khi thành lập, dinh Trấn Biên trở thành một tiền đồn cho công cuộc Nam tiến khai phá vùng đất mới của người Việt.
(5) Đền thờ ông hiện nằm ở thôn Long Phụng, xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Tại ngôi đền thờ này còn lưu giữ 14 sắc phong của các triều vua Lê, chúa Nguyễn và vua Nguyễn ban cho Lương Văn Chánh. Ngày 27-9-1996, Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 2410-QĐVH công nhận mộ và đền thờ Lương Văn Chánh thuộc xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
(6) Tước vị cuối cùng ông được truy phong là “Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần” vào năm Duy Tân thứ ba (1909).