柳州暫住因作

關山萬里自馳驅,
莫怪時移事亦殊。
騏驥難為長繫柳,
鳳凰會見早棲梧。
寸誠果得蒙均照,
千慮終能展一愚。
直到時來機每半,
也知天有侯於吾。

 

Liễu Châu tạm trú nhân tác

Quan san vạn lý tự trì khu,
Mạc quái thời di sự diệc thù.
Kỳ ký nan vi trường hệ liễu,
Phượng hoàng hội kiến tảo thê ngô.
Thốn thành quả đắc mông quân chiếu,
Thiên lự chung năng triển nhất ngu.
Trực đáo thời lai cơ mỗi bán,
Dã tri thiên hữu hậu ư ngô.

 

Dịch nghĩa

Từ khi rong ruổi quan san vạn dặm,
Cũng chẳng là gì thời đổi thì việc cũng khác trước.
Ngựa kỳ, ngựa ký không lẽ cứ buộc ở gốc liễu mãi hay sao?
Chim phượng, chim hoàng rồi sẽ sớm làm tổ nơi cây ngô đồng.
Tấc lòng thành mong được ngài ngó xuống,
Muôn nghìn mưu tính mong rồi sẽ được phô ra chút ngu si.
Nay thời cơ đến cũng còn được một nửa,
Mới hay trời cũng còn chờ người.


Nguyên chú: “Quýnh thì đáo Liễu Châu, đính kỳ vãng Ngô Châu kiến tổng đốc Phúc Khang An, thử hỉ tác” 烱時到柳州,訂期往梧州見總督福康安,此喜作 (Quýnh lúc đó đến Liễu Châu, có hẹn ngày tới Ngô Châu gặp tổng đốc Phúc Khang An, mừng làm”.

Dịch nghĩa của Nguyễn Duy Chính.

Đầu năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung đánh tan quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống theo quân Thanh chạy sang Trung Quốc. Lê Quýnh và nhóm tham mưu của ông sang Trung Quốc lần thứ hai để cầu viện nhà Thanh động binh thứ hai sang đánh Tây Sơn. Tháng tám năm đó, Lê Quýnh cùng bọn Ðoàn Vượng cả thảy 29 người đi theo ngả Ải Ðiếm, châu Ninh Minh để vào nội địa. Đoàn Lê Quýnh nhờ chuyển đạt lên rằng họ đã đến nơi rồi trở về Ải Điếm để chờ lệnh.

Tuy nhiên, lúc này nhà Thanh và Tây Sơn đã nghị hoà và vua Càn Long đã sai người sang Thăng Long phong vương cho Nguyễn Huệ. Đoàn Lê Quýnh bị ép mỗi người đưa đi một nơi, bắt phải cắt tóc cải trang. Riêng Lê Quýnh và 5 người quyết không chịu cắt tóc, tháng mười bị đưa đi Liễu Châu tạm trú hẹn ngày sẽ đưa đi gặp Phúc Khang An ở Ngô Châu. Ông làm bài này khi ở Liễu Châu.

Bài thơ có ý chơi chữ liễu là cây liễu mà cũng là Liễu Châu, ngô là cây ngô đồng mà cũng là Ngô Châu. Chữ quân (mông quân chiếu) đồng âm với quân là anh, ở đây trỏ Phúc Khang An cũng tỏ ra Lê Quýnh cho rằng mình bằng vai, sẽ được họ Phúc dùng như một “chiến lược gia” trong lần Nam chinh thứ hai này chăng? Câu sáu “thiên lự chung năng triển nhất ngu” (sau cùng rồi cũng có lúc được trình bày nghìn điều suy tính ngu si này) cho thấy Lê Quýnh nói riêng và tòng vong nhà Lê nói chung cũng đã trù liệu mọi việc, tính kế cho quân Thanh một khi họ tiến sang nước ta.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]