Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [29] [30] [31] [32] [33] [34] [35] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

LA GI LÀ “la di”
CƯ KUIN LÀ “chư quynh”


Nhân việc phụ trách chuyên mục giải đáp thắc mắc của các em học sinh trên một tờ báo, chúng tôi có nhận được câu hỏi của một học sinh ở tỉnh Bình Thuận: Thị xã LA GI của em đọc là “la ghi” hay “la di”?

La Gi là một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận; đầu năm 2017, La Gi được công nhận là đô thị loại III, đô thị lớn thứ nhì tỉnh Bình Thuận - sau TP Phan Thiết.
Từ chữ viết “La Gi” đã dẫn đến hai cách phát âm khác nhau cùng song hành tồn tại là “la ghi” và “la di”, đặc biệt với người ở các vùng miền khác, cũng như nhiều phát thanh viên các đài phát thanh, truyền hình trung ương đều đọc địa danh La Gi là “la ghi”.

La Gi đọc đúng là “la di”

Trên đất nước ta còn một số địa danh khác cũng chứa từ tố “gi” như “cầu Bà Gi” ở An Nhơn (Bình Định), cửa biển Đề Gi ở Phù Cát (Bình Định); nhưng sự lẫn lộn trong phát âm các địa danh này không xảy ra, hầu hết mọi người đều đọc là “cầu bà di”, “cửa biển đề di”.

Trở lại với địa danh La Gi, về xuất xứ có ý kiến cho rằng xưa kia nó thuộc vùng đất của người Chăm, mang tên là La-dik; dưới thời phong kiến được phiên âm thành La Di, cùng có yếu tố “La” đứng đầu tương tự một số địa danh bản địa khác như La Gàn, La Dạ, La Ngâu, La Ngà...

Đến thời Pháp thuộc, trên bản đồ và trong các văn bản hành chính, vì người Pháp đọc chữ “d” thành “đ” (đê), nếu viết đúng âm Hán Việt “La Di”, người Pháp sẽ đọc là “la đi”/la di/ vì vậy họ viết thành La Gi để đọc cho gần đúng với ngữ âm của dân bản địa là “la di”/la zi/ và hình thức địa danh về mặt ký tự được cố định từ đó đến nay.
Còn về mặt ngữ âm, một cách kiểm tra đơn giản nhất là thử thêm hai dấu huyền cho địa danh thành “Là Gì”, chắc chắn ai cũng phải đọc là “là dì”/là zì/ chứ chẳng ai đọc “là ghì”/là ɣì/, và khi bỏ dấu huyền đi thì sẽ đọc “la di”/la zi/. Vậy, địa danh La Gi đọc đúng phải là “la di”.

Krông Păk: viết và đọc chưa chuẩn xác

Tương tự, một địa danh khác hay bị phát âm sai là tên huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Khi thông tin về vụ “Bệnh viện tắc trách, nữ sinh lớp 10 bị cưa chân” tại huyện Cư Kuin năm ngoái, hầu hết các phát thanh viên đều đọc là “cư-cu-in”.

Tên gốc của địa danh Cư Kuin theo tiếng Ê Đê là Čư Kuiñ, trong đó phụ âm Č ghi âm “ch” và phụ âm ñ là ghi âm “nh”, nên địa danh này tuy viết là Cư Kuin nhưng đọc đúng phải là “chư quynh”.

Ở Đắk Lắk, một số địa danh được phiên âm thẳng sang chữ quốc ngữ như Chư Yang Sin (Čư Yang Sin: núi của thần Sin [Ý của TS Đoàn Thị Tâm - ĐH Tây Nguyên]) - tên núi, tên vườn quốc gia, đồng thời được lấy làm tên tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Cũng ở Đắk Lắk, địa danh huyện Krông Păk đang bị viết và đọc chưa chuẩn xác. Đúng tên của huyện theo ký tự của dân tộc Ê Đê bản địa phải viết là Krông Pač, phiên chuyển sang chữ quốc ngữ là Krông Pách và phải được đọc là “cờ-rông-pách”, chứ không phải như hiện nay trên các văn bản hành chính đều viết Krông Pắc/ Krông Păk/ Krông Pắk và đa số đều đọc “cờ-rông-pắc”.

Ya Ly không phải Ia Ly!

Ở tỉnh Gia Lai có địa danh Ya Ly/za li/ - tên một xã, nơi có đập thuỷ điện lớn - gần đây đã bị chuyển thành Ia Ly/i-a-li/ cũng không phù hợp.

Ya Ly mang trong mình huyền thoại về mối tình bi kịch của đôi trai gái Jrai là chàng Rốc và nàng H’Li. “Yali” nghĩa là “nước mắt nàng H’Li” đã chết vì khóc thương nhớ người yêu không trở về, dòng nước mắt của nàng chảy thành thác.

Trong hệ thống ngôn ngữ Jrai bản địa - khác với tiếng Việt cả “i” và “y” là hai hình thức chữ viết của cùng một nguyên âm /i/ - tiếng Jrai có 23 phụ âm, trong đó “y”/z/ là phụ âm mặt lưỡi, có khả năng đứng đầu âm tiết, còn “i”/i/ là một nguyên âm hẹp trong 11 nguyên âm.

Thật đáng tiếc, người phiên chuyển đã nhầm lẫn trong việc ký chuyển chữ viết phụ âm đầu “y”/z/ thành nguyên âm chính “i”/i/ áp đặt rặt theo chữ quốc ngữ, dẫn đến đọc sai tên địa danh, vốn là “za-li” (Ya Ly) thành “i-a-li” (Ia Ly); đồng thời đánh mất đi một huyền thoại lãng đãng khói sương gắn liền với một địa danh!

Để giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc, các cơ quan chức năng nên ấn định chuẩn xác hình thức chữ viết ghi âm các địa danh còn đang phân vân như trên, trong trường hợp cần thiết có thể phiên chuyển các địa danh trên về mặt ký tự cho phù hợp với cách đọc phổ thông để tạo sự chuẩn xác, thuận lợi cho việc giao tiếp trong đời sống và lĩnh vực hành chính.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHÔNG NÊN HỒ ĐỒ VỚI
“THẤU CẢM”-[1]


Tuần qua, báo chí và mạng xã hội bình luận sôi nổi về đề thi ngữ văn THPT năm 2017, với đoạn văn đọc hiểu, trích dẫn từ sách “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017). Xin trích:

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.

Giống như cái lạnh thấu vào tuỷ hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”.

Rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhưng có thể tổng hợp thành mấy quan điểm chủ yếu như sau:

-Thứ nhất: “Thấu cảm” là một “từ lạ”, không có trong tiếng Việt, cũng không có trong tiếng Hán, và không được bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. (“Một thạc sỹ công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thú nhận: “Chưa từng nghe từ này bao giờ”- báo “Tiền phong”). Vì tiếng Việt không có cái gọi là “thấu cảm”, nên cách hiểu, cách giảng về “thấu cảm” của TS Đặng Hoàng Giang là vô nghĩa.

-Thứ hai: Từ “thấu cảm” tuy không thông dụng, nhưng đã được dùng trong thực tế và được từ điển tiếng Việt ghi nhận. Tuy nhiên, cách giải thích của tác giả Đặng Hoàng Giang mang nặng tính suy diễn, chủ quan, phi lý.

- Thứ ba: Không có vấn đề gì đáng phải bàn cãi trong đoạn văn đọc hiểu và đề thi môn ngữ văn.

Trước tiên, xin nói về từ “thấu cảm”.

Có thể nói, “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex (Vietlex) là cuốn từ điển duy nhất (đến thời điểm này mà chúng tôi biết) có ghi nhận từ “thấu cảm”. Sách này đưa ra hai cách giải thích như sau: “thấu cảm • 透感 đg. thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc” (theo bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt, NXB Đà Nẵng, 2015); “thấu cảm • đg. cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc : thấu cảm lòng nhau” (bản không chú chữ Hán, NXB Đà Nẵng, 2007).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Vietlex thu thập và chú chữ Hán cho từ “thấu cảm” là thiếu thận trọng, thậm chí không đúng, vì đây không phải là từ có trong tiếng Hán. Mặt khác, cách giải nghĩa của Vietlex theo kiểu lắp ghép máy móc, tuỳ tiện của “từ điển Vũ Chất” (kiểu như “giao hợp” = giao lưu và hợp tác!). Nghĩa là theo quan điểm này, thì ngay cả khi “thấu cảm” đã được từ điển tiếng Việt ghi nhận, cũng không có nghĩa là đúng.

Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Theo chúng tôi, cần thấy rằng, từ Việt gốc Hán không dứt khoát phải là một từ có trong tiếng Hán, được dùng với nghĩa của tiếng Hán. Từ gốc Hán còn là những từ “có sự vay mượn hoàn toàn hay một phần ý nghĩa từ tiếng Hán. Khi vay mượn và biến đổi theo những nghĩa không có trong tiếng Hán thì ngữ tố đó được gọi là Hán Việt Việt dụng” (ví dụ các từ: lịch sự, tử tế, thông cảm-HTC chú); “Những từ được người Việt tạo thành từ việc kết hợp các từ tố gốc Hán (với ba mặt hình-âm-nghĩa) theo kiểu của người Việt và chỉ có người Việt sử dụng. Những đơn vị này không xuất hiện trong từ vựng của tiếng Hán, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng như khối từ vựng văn ngôn của các nước này thì được gọi là từ Hán Việt Việt tạo.” (“Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển”-Trần Trọng Dương, NXB Từ điển bách khoa-2014).

Như vậy, căn cứ tiêu chí mà các nhà ngôn ngữ nói chung, tác giả Trần Trọng Dương nói riêng đưa ra để phân loại, thì “thấu cảm” thuộc nhóm từ “Hán Việt Việt tạo”. Quá trình sản sinh từ “Hán Việt Việt tạo” diễn ra cách nay ít nhất cũng đã hơn nửa thiên niên kỷ. Cụ thể, theo tác giả “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển”, thì (cho đến thời điểm này) từ “Hán Việt Việt tạo” xuất hiện trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi được coi là sớm nhất.

Về từ “thấu cảm”, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Ts Hán Nôm Trần Trọng Dương cũng chia sẻ ý kiến với chúng tôi như sau: “Xét về mặt lý thuyết, “thấu cảm” không có gì sai về từ pháp (cấu trúc từ) của Hán văn, và không có gì sai về cơ chế sản sinh từ vựng của tiếng Việt. Nguyên lý này dựa trên cảm thức ngôn ngữ, và tri thức Hán văn của người bản ngữ, để có thể tiếp tục làm giàu thêm kho từ vựng phong phú của tiếng Việt. Ví dụ: về cấu trúc tương đương, thấu hiểu >>> thấu cảm >>> thấu thị >>> thấu đáo. Giống như, lâm tặc> hải tặc> tin tặc> cát tặc”.

Quả vậy, về từ “thấu hiểu”, “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng như sau: “thấu hiểu • 透曉 đg. hiểu một cách sâu sắc, tường tận: thấu hiểu lòng nhau”; “Hán ngữ đại từ điển” giảng: “thấu hiểu: hiểu một cách triệt để, tường tận” (nguyên văn: “triệt để hiểu ngộ 徹 底 曉 悟”). Theo đó, với từ “thấu cảm”, thì “thấu” ở đây là “thông thấu” 通透 (Hán điển giảng: “thông thấu = thấu hết; hiểu rõ” [nguyên văn “通透 (penetrating): 通徹, 明白”]; “cảm” 感  nghĩa là sự rung động, nhận biết bằng giác quan, hoặc bằng cảm tính về sự vật, hiện tượng nào đó. Bởi vậy, “thấu cảm” có thể được hiểu là sự cảm nhận, hiểu biết một cách sâu sắc, tường tận về trạng thái tâm lý, hoặc cảnh ngộ… của ai đó. Tuy nhiên, “cảm” trong “thấu cảm” là cảm nhận mang tính chất cảm thông, chia sẻ, chứ không phải là cảm nhận nói chung. Theo đó, phương pháp định nghĩa phổ biến trong từ điển giải thích là dùng “từ bao”. Nghĩa là phải thể hiện được mối quan hệ trực tiếp của nội dung định nghĩa với yếu tố thể hiện ở đầu mục từ. Bởi vậy, từ cách tạo từ đến lời giảng của Vietlex: “thấu cảm: cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc”; hoặc “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”, hoàn toàn không có gì là bất thường, ngô nghê. Ví dụ thêm, từ “cân xứng” 斤稱 (Hán ngữ = tương xứng相稱) là một từ “Hán Việt Việt tạo” (đã có trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi). Từ điển của Vietlex giảng: “cân xứng • 斤稱 cân đối và phù hợp với nhau. Đn: tương xứng”. Tuy nhiên, “cân xứng” cũng có thể được giảng là “cân đối và tương xứng”, mà không bị xem là cách ghép từ và giải thích theo kiểu máy móc của “từ điển Vũ Chất”. Hoặc “cách điệu” 格調, được “Hán Việt từ  điển” của Đạo Duy Anh giảng là: “cách-thức và thanh-điệu của văn-chương”…

Theo ngữ liệu của Vietlex, thì “thấu cảm” đã xuất hiện trong văn học xuất bản từ năm 1941. Đó là truyện ngắn “Những nỗi lòng” (nằm trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” của Bùi Hiển):

“Anh viên chức đạc điền trước nhà, bác thợ may hàng xóm, chị bán cháo bánh canh thường ngày cung cấp cho tôi món quà sáng thơm ngon ngầy ngậy, họ sống ra sao, lo nghĩ những gì, họ yêu ai và ghét những ai? Tại sao cô em gái tôi thương yêu nhất đời lặng lẽ khóc hai lần giữa ngày mồng một Tết? Tôi không hề biết, không hề biết!

Tâm hồn tôi trở nên lo lắng. Tôi sống chăm chú, vểnh tai và giương mắt như con nai rừng rậm, tôi muốn cho linh giác thẳng căng, để mà THẤU CẢM, một cách lẹ làng tế nhị, sự thầm kín ủ trong những nỗi lòng”.

Ngoài ra, cũng theo ngữ liệu (do Trung tâm từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi), “thấu cảm” còn xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm khác, như:

-“Tối đen, yên ắng. Bóng tối trở nên lạnh. Đã đến lúc phải về rồi, Kiên thầm nghĩ và phóng tay ngồi dậy. Chẳng hiểu sao cậu cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình. Như THẤU CẢM được lòng Kiên, Phương khẽ nói:

- Chẳng sợ đâu. Đằng nào cổng trường cũng đóng rồi. Đợi tối khuya cụ lao công gà gật, ta trèo tường biến”. [Bảo Ninh. Nỗi buồn chiến tranh”. 1990].

-“Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và âm vang trong cơ thể người kể”. [Thế Bảo Tịnh. Hà Nội mới cuối tuần. 1996]

-“Không nhận thức rõ ràng nguồn gốc tư tưởng nhân đạo đậm đà bản sắc dân tộc này thì sẽ dẫn tới sự đối lập cực đoan giữa cá nhân và xã hội, giữa cái tôi và cái ta, giữa chủ thể đạo đức và chủ thể trí tuệ, không dễ gì THẤU CẢM được “sự thật bên trong” của những câu thơ “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.” [Nguyễn Thanh Hùng. Văn nghệ. 1996]

-“Cha mẹ lại cũng cần THẤU CẢM với trẻ, nhớ lại cái thuở tuổi mới lớn của mình để hiểu những phản ứng của trẻ bây giờ, nhưng vẫn phải có trách nhiệm giám sát, cố vấn”. [Đỗ Hồng Ngọc. Kiến thức ngày nay. 1997]

-“Thiên nhiên thật thiên vị, dường như đã dồn hết cả tinh tuý của đất trời về phía Tây Hồ. Đã có biết bao mùa thu đến rồi đi qua, vậy mà cứ mỗi một mùa thu về lại dậy trong tôi những cảm giác mới lạ, THẤU CẢM bằng cả tâm hồn”. [Báo Doanh nghiệp chủ nhật. 1997]

-“Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về giao tiếp quản lý. Đó là sự giao tiếp luôn hướng vào quần chúng, đồng cảm ở mức độ THẤU CẢM với họ, để ứng xử phù hợp - sáng tạo và cách mạng, như đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho quần chúng hiểu được, nhớ được, làm được”. [Nguyễn Liên Châu. Giáo dục & Thời đại chủ nhật. 1999].
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHÔNG NÊN HỒ ĐỒ VỚI
“THẤU CẢM”-[2]


Dĩ nhiên, ngữ liệu thống kê trên đây của Vietlex không có nghĩa năm 1941 là thời điểm (hoặc mới là thời điểm) xuất hiện từ “thấu cảm”; hoặc đến nay chỉ chừng ấy tác giả, tác phẩm sử dụng từ này.

Như vậy, có thể “thấu cảm” chưa được sử dụng rộng rãi và biết đến nhiều trong đời sống hàng ngày, hãy còn xa lạ với học sinh phổ thông, nhưng không phải là quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là người cầm bút, càng không phải là “từ lạ” do TS Đặng Hoàng Giang “sáng chế” ra.

Trở lại hai chữ “thấu cảm”. Tiếng Việt mượn nhiều từ gốc Hán vào kho tàng từ vựng của mình, đồng thời cũng tự tạo ra nhiều từ mới bằng các từ hoặc yếu tố gốc Hán. Qua quá trình sử dụng, có những từ bị “rụng” bớt nghĩa, hoặc chuyển nghĩa (thêm nghĩa mới). Những từ này nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt, trở thành tài sản của người Việt, mà không dứt khoát phải phụ thuộc vào người Hán. Người Hán nói “cảm thông”, ta cũng nói “cảm thông” với nghĩa tương đương, nhưng lại có thêm từ “thông cảm” với nghĩa khác cách dùng của Hán. Hán nói “tương xứng”, ta cũng nói “tương xứng”, nhưng lại có thêm “cân xứng”. “Tương xứng” và “cân xứng” của ta cũng không đồng nghĩa trong mọi trường hợp.

Tiếng Việt uyển chuyển và phong phú là thế. Bởi vậy, ngay cả khi “thấu cảm” không có trong tiếng Hán, hoặc chưa có bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận từ “thấu cảm”, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là từ này không có trong tiếng Việt. Điều đáng hoan nghênh là “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex đã bám sát, phản ánh kịp thời đời sống ngôn ngữ, sưu tầm ngữ liệu một cách bài bản, rồi bổ sung từ “thấu cảm” vào từ điển từ năm 2007[1].

Tóm lại, theo chúng tôi, dù thông dụng, hay chưa thông dụng, chúng ta cũng nên nhìn nhận từ “thấu cảm” một cách công bằng như bao từ “Hán Việt Việt tạo” đã sinh ra trong quá trình phát triển, làm giàu thêm cho tiếng Việt. Nghĩa là nếu đoạn văn đọc hiểu trích từ “Thiện, Ác và Smartphone” có vấn đề, hãy đưa ra lý lẽ để bác bỏ, phê phán chính nó, chứ không nên và không thể “tẩy chay”, loại trừ luôn từ “thấu cảm”[2].

Hoàng Tuấn Công
6/2017
Chú thích:
[1] Công bằng mà nói, nếu so sánh cách dùng từ “thấu cảm” trong kho ngữ liệu của Vietlex, với cách “tán” của TS Đặng Hoàng Giang, thì “thấu cảm” thực ra mang nghĩa giản dị, dễ hiểu hơn nhiều. Nghĩa là tác giả “Thiện, Ác và Smartphone” đã gán thêm cho “thấu cảm” nhiều nghĩa rất bí hiểm, linh diệu. Ví dụ, đoạn văn trong “Nỗi buồn chiến tranh”, khi “thấu cảm được lòng Kiên”, thì Phương vẫn quan sát và cảm nhận bằng giác quan của chính mình, chứ đâu phải nhìn bằng “con mắt của người khác”? Hay, Phương chỉ “thấu cảm” trạng thái tâm lý của Kiên trong cảnh ngộ cụ thể (“cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình”), chứ đâu phải là “sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” của Phương về con người Kiên (tức hiểu biết tất cả tâm tính, niềm vui, nỗi buồn, hay thiện ác trong một con người). Từ chỗ “thấu cảm” được “nỗi tiếc nuối cay đắng” trong lòng Kiên, Phương đã nói lời chia sẻ, an ủi, cảm thông.

Hoặc trong đoạn văn của Thế Bảo Tịnh: “Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và âm vang trong cơ thể người kể”, chúng ta thấy rõ, cách lắng nghe đế thấu cảm là vận dụng cùng lúc các giác quan (tai mắt) của chính mình; và cũng chỉ “thấu cảm” về “sự kiện, tâm trạng” của người kể chuyện trong lúc đó, chứ đâu phải hiểu “thấu đáo, trọn vẹn” người đang kể chuyện! Ấy là chưa kể đến những ví dụ về sự thấu cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang cũng chưa thể gọi là “thấu cảm” được.

Ý kiến riêng của tôi, đề thi môn ngữ văn THPT năm 2017 có “vấn đề”, Trường hợp lấy đoạn trích trong “Thiện, Ác và Smartphone” và yêu cầu thí sinh chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong cách hiểu từ “thấu cảm” của tác giả, lại là chuyện khác. Tuy nhiên, đó không phải là yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh THPT.

[2] Xin tham khảo thêm một số ngữ liệu do Vietlex thu thập (chúng tôi viết hoa THẤU CẢM là để nhấn mạnh và dễ quan sát):

-Tức là, đối với một nhà lãnh đạo, THẤU CẢM không có nghĩa là việc cố gắng hùa theo cảm xúc của những người khác, lấy cảm xúc của họ làm cảm xúc của mình, với mục đích làm hài lòng mọi người; trái lại, nó mang ý nghĩa chỉ về việc trong tiến trình đưa ra các quyết định sáng suốt, nhà lãnh đạo ấy biết ân cần quan tâm đến những tâm tư tình cảm - cũng như đến nhiều yếu tố khác nữa - của các nhân viên mình. [misa.com.vn. 17/12/2012.]

-Nét khác biệt giữa hai người quản lý kia chính là sự THẤU CẢM. Người thứ nhất quá đỗi lo lắng về “số phận” của chính bản thân, đến độ không thiết đoái hoài gì đến nỗi lo âu của các nhân viên mình. Người thứ hai thì bằng trực giác mà biết được những cảm giác của các nhân viên anh, hiểu được những nỗi lo sợ họ đang mang trong lòng, và anh đã tìm cách dùng lời lẽ mà động viên họ. [misa.com.vn. 17/12/2012.]

-Những người có khả năng THẤU CẢM đều bắt nhịp được với những gì tinh tế được biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể; họ có thể nghe ra được thứ thông điệp nằm sâu bên dưới lớp vỏ ngôn từ. Trên hết, họ có được một cách nắm bắt sâu xa về cả sự tồn tại lẫn tầm quan trọng của những nét khác biệt giữa các nền văn hoá hay giữa các dân tộc với nhau. [misa.com.vn. 17/12/2012.]

-Bạn đời sẽ thể hiện cảm xúc dễ tổn thương nhiều hơn thay vì cảm xúc phản ứng (ví dụ tức giận), từ đó càng gợi lên sự THẤU CẢM giữa hai vợ chồng.
Điều này cũng giúp các cặp vợ chồng biết tìm hiểu và cảm thông hơn về hoàn cảnh gia đình của nhau. Nó gợi lên sự THẤU CẢM về các nhu cầu chưa đạt được và lý do tại sao hoàn cảnh hiện tại dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ. Các cặp vợ chồng cũng cần tò mò về nhau trong vấn đề này vì tò mò cũng tạo điều kiện để tăng sự THẤU CẢM giữa đôi bên. [doanhnhansaigon.vn. 22/11/2015].

-Bổ sung thêm một số thông tin khoa học giúp các bạn nhỏ nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của những vận động tự nhiên đối với cuộc sống loài người, thông qua những tình tiết suy tư của ếch xanh, tôi mong cuốn sách gợi dậy những hạt mầm THẤU CẢM với tự nhiên, biết rung động trước một chiếc lá chao nghiêng, một hạt mưa rơi lan toả sóng trên mặt nước… [Kim Yến. tiepthithegioi.vn. 30/11/2016]

-Nghe tiếng loài vật, con người nhận ra loài vật có sinh mệnh, tâm hồn, tình cảm, cảm giác, ngôn ngữ do vậy, các nhân vật trong truyện THẤU CẢM với động vật, chia sẻ cảm giác bị đau với chúng. [Trần Thị Ánh Nguyệt. tapchisonghuong.com.vn. 16/01/2017]
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“SINH” trong “HI SINH”


Khi nói và viết, hầu như mọi người Việt Nam đều sử dụng chính xác và hiểu đúng nghĩa từ “hi sinh” trong từng ngữ cảnh, giống “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) đã giảng: “hi sinh 犧牲I.[động từ] 1 tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp: hi sinh lợi ích cá nhân. 2 chết vì đất nước, vì nghĩa vụ và lí tưởng cao đẹp : hi sinh ngoài chiến trường. 犧牲 • II [danh từ] sự hi sinh:chấp nhận mọi hi sinh”.

         Tuy nhiên, nếu yêu cầu phân tích nghĩa từng yếu tố, hay nghĩa gốc của “hi sinh”, thì không phải ai cũng hiểu, thậm chí không ít người nhầm lẫn, kể cả với các Nhà biên soạn từ điển. Ví dụ:

         - “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh) viết: “hy sinh 犧生: Súc-vật dùng để tế trời đất-Nghĩa bóng: Bỏ cả tự-do quyền-lợi và sinh-mệnh của mình mà làm một việc gì(se sacrifier)”. Theo đây, chữ “sinh”, tự hình là 生 của Đào Duy Anh trong từ “hi sinh” 犧生 có nghĩa là “sống”.

         -“Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (GS Nguyễn Lân), “hi sinh (hi: Súc vật dùng để tế thần; sinh: đời sống) 1.Bỏ hết quyền lợi, có khi cả tính mệnh, để làm tròn việc nghĩa:Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ, không chịu mất nước (Hồ Chí Minh) 2.Chết vì nghĩa: Nhiều người đã hi sinh vô cùng anh dũng trên khắp các chiến trường (Phạm Văn Đồng)”.  

Học giả Đào Duy Anh và GS Nguyễn Lân đã giảng rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, “sinh” trong “hi sinh” 犧牲 không phải chữ “sinh” có tự hình là 生 (với nghĩa sống, “đời sống”, “sinh-mệnh”), mà là “sinh” có tự hình là 牲:

-”Từ nguyên” giải nghĩa: “sinh 牲: hi sinh 犧牲. Con vật nuôi gọi là súc[畜], dùng để cúng tế, đãi tân khách (chỉ Thiên tử mở hội yến đãi quần thần-HTC) gọi là sinh [牲]”(1)  

- “Thuyết văn giải tự”: “sinh: nguyên cả con trâu. Do chữ ngưu biểu ý, sinh biểu thanh”. [Nguyên văn: “牲,牛完全.從牛生聲-Sinh, ngưu hoàn toàn. Tùng ngưu, sinh thanh”].

-“Hán tự đồ giải tự điển” giảng rất rõ ràng: “sinh [牲] Chữ Hình thanh.Ngưu [牛] biểu ý, biểu thị dùng gia súc để làm lễ cúng tế; sinh [生] biểu thanh;sinh [生] cũng có nghĩa là sinh trưởng [生長], biểu thị trâu, dê phải là con trưởng thành mới dùng để làm lễ tế tự. Nghĩa gốc là dùng cả con trâu, dê để làm vật cúng tế. Phiếm chỉ khi tế lễ thì dùng gia súc để cúng tế. Sinh [牲] có hai nghĩa: ①.Thờicổ đại khi tế tự thì dùng trâu, dê, lợn, như: hi sinh [犧牲]; tam sinh [三牲]; hiến sinh [獻牲]. ②.Gia súc: sinh khẩu [牲口-gia súc nuôi để giết thịt]; sinh súc [牲畜-vật nuôi để giết thịt]...”(2).

Với chữ “hi” 犧 trong từ “hi sinh” 犧牲, vốn có nghĩa cụ thể là con vật nuôi thuần sắc được chọn để tế thần. Ở mục chữ hi 犧, khi giảng về từ “hi sinh” 犧牲, “Hán tự đồ giải tự điển” giải thích như sau: “Thời cổ đại dùng súc vật có bộ lông thuần nhất để tế tự. (Từ “hi sinh” vốn chỉ việc dùng gia súc để cúng tế thời cổ đại, hiện nay chỉ sự xả thân vì chính nghĩa”.(3).

-“Hán Việt tự điển” (Thiều Chửu) giảng: “hi 犧 ① Con muông thuần sắc dùng để cúng tế gọi là hi.② Vua Thang cầu mưa, tự phục trước miếu thay làm con muông để lễ, vì thế người ta gọi những người bỏ cả đời mình để làm cho đạt một sự gì là hi sinh 犧牲”.

         Như vậy, “sinh” 牲, trong từ “hi sinh” 犧牲 vốn có nghĩa là gia súc (trâu, dê, lợn) được  dùng nguyên con để làm lễ cúng tế, chứ không phải “sinh” 生, nghĩa là “sinh sống” (trong từ sinh tử 生死).

           Với Học giả Đào Duy Anh, có lẽ trường hợp này chỉ là sai sót do nhầm lẫn về mặt kỹ thuật, vì ở mục từ “sinh”, ông có ghi nhận “sinh 牲-Súc vật làm thịt để tế thần”. Với GS Nguyễn Lân, trong hai cuốn sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (xuất bản lần đầu 1989) và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (xuất bản lần đầu 2000), ông đều sai và giữ nguyên cái sai, khi giải nghĩa: “hi sinh [động từ ] (Hán. hi: con vật tế thần; sinh: đời sống)”.

Có lẽ, nguyên nhân dẫn đến lầm lẫn nói trên chính bởi từ “hi sinh” có một nghĩa là bỏ mình, dâng cả mạng sống cho sự nghiệp cao cả, có vẻ rất hợp với nghĩa của chữ “sinh” 生 là“sinh sống”, “sinh-mệnh”.

Hoàng Tuấn Công
9/2-16
Chú thích:
(1)- Nguyên văn: “牲:犧牲也.養之曰畜.用之於祭祀賓客曰牲-sinh: Hi sinh dã. Dưỡng chi viết súc. Dụng chi ư tế tự tân khách viết sinh”.
(2)-Nguyên văn: “牲:形聲字.牛表意,表示供祭祀用的牛羊;生 (shéng)表聲,生有生長一義,表示牛羊要完全長成才能用于祭祀.本義是供祭祀用全牛全羊.泛指祭祀用的家畜.①古代祭祀用的牛羊豬等:犧牲;三牲;獻牲②家畜:牲口;牲畜...- sinh:Hình thanh tự. Ngưu biểu ý, biểu thị cung tế tự dụng đích ngưu dương; sinh biểu thanh, sinh hữu sinh trưởng nhất nghĩa, biểu thị ngưu dương yếu hoàn toàn trưởng thành tài năng dụng vu tế tự. Bản nghĩa thị cung tế tự dụng toàn ngưu toàn dương. Phiếm chỉ tế tự dụng đích gia súc. ①.Cổ đại tế tự dụng đích ngưu, dương, trư đẳng: hi sinh; tam sinh; hiến sinh. ②.Gia súc: súc khẩu; sinh súc...”.
(3)-Nguyên văn: “古代祭祀用的毛色純一的牲畜:犧牛犧牲 (古時指祭祀用牲畜, 現指為正義事業舍棄自己的生命) - Cổ đại tế tự dụng đích mao sắc thuần nhất đích sinh súc: hi ngưu; hi sinh. (Cổ thời chỉ tế tự dụng sinh súc, hiện chỉ vị chính nghĩa sự nghiệp xá khí tự kỉ đích sinh mệnh)”.

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:
-”Từ nguyên” (Chính tục biên hợp đính bản-Thương vụ ấn thư quán ấn hành-Trung Hoa dân quốc nhị thập bát niên (辭源正續編合訂本-商務印書館印行-中華民國二十八年).
-”Hán điển”漢典 (zidic.net)
-”Thuyết văn giải tự” (Tuyến Trang Thư Cục-2014-說文解字-線裝書局-2014)
-”Hán tự đồ giải tự điển” (Cố Kiến Bình- Đông phương xuất bản xã trung tâm-漢字圖解字典-顧建平著-東方出版社中心).
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh-NXB Văn hoá thông tin-2005)
-Hán Việt tự điển (Thiều Chửu-NXB Văn hoá thông tin-2005)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LíP BA GA


Theo Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển (1902-1996) được Bùi Đức Tịnh giới thiệu, hiệu đính, “líp ba ga” là phiên âm của cụm từ tiếng Pháp “libre bagage” (\libʁ ba.gaƷ\).

Vì vậy, ta cần tìm hiểu nghĩa tiếng Pháp của mỗi từ “libre” và “bagage”.

Tiếng lóng của giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc

Theo từ điển Larousse trực tuyến, tính từ “libre” có nhiều nghĩa: tự do (nghĩa 1); miễn phí (nghĩa 2); độc thân (nghĩa 3); trống, bỏ không (nghĩa 4); thoải mái (nghĩa 5); (thơ) không theo niêm luật (nghĩa 6); phỏng (dịch), (chuyển thể) tự do (nghĩa 7); thuộc về tư nhân (nghĩa 8).

Cũng theo từ điển trên, danh từ giống đực “bagage” có nghĩa là hành lý (nghĩa 1) hoặc vốn hiểu biết (nghĩa 2). Để minh hoạ, từ điển đưa ra hai ví dụ: “bagage à main” (hành lý xách tay) và “bagage scientifique insuffisant” (vốn hiểu biết khoa học chưa đầy đủ).

Nếu “libre” và “bagage” có nhiều nghĩa như thế thì “líp ba ga” trong tiếng Việt gắn với nghĩa nào của mỗi từ?

Theo tài liệu đã dẫn của cụ Vương, “líp ba ga” ban đầu là tiếng lóng của giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc, dùng để chỉ việc cảnh sát làm ngơ, không phạt khi xe chở dư hành khách hoặc hàng hoá.

Dần dần, “líp ba ga” được dùng rộng rãi như một thành ngữ chỉ tình trạng hành động tự do, không bị ràng buộc, la mắng hay phạt vạ.

Như vậy, theo cụ Vương, “líp ba ga” có nghĩa gốc là “xe khách được tự do chở hành lý, hàng hoá mà không bị phạt”. Vì thế, “líp ba ga” gắn với nghĩa thứ nhất của mỗi từ “libre” và “bagage” trong tiếng Pháp.

Một số tác giả cho rằng “líp ba ga” có nghĩa gốc là “hành khách được mang hành lý miễn phí”. Trong trường hợp này, “líp” gắn với nghĩa thứ hai của “libre”, còn “ba ga” vẫn gắn với nghĩa thứ nhất của “bagage”.

Cách giải thích này cũng đề cập đến lĩnh vực vận tải và khá giống với của cụ Vương nhưng có thể làm nảy sinh thắc mắc: thông thường hành khách luôn được mang theo một lượng hành lý miễn phí tối thiểu, nên “líp ba ga” theo nghĩa này chưa thể hiện hết “đặc quyền” hành động tự do, không bị ràng buộc.

Cách đọc tắt của “libre porte-bagages”?

Một số tác giả khác cho rằng “líp ba ga” là cách đọc tắt của “libre porte-bagages”, trong đó “libre” dùng để chỉ “roue libre” (ổ líp) và “porte-bagages” là cái yên chở hàng sau xe đạp.

Cũng theo tác giả, “roue libre” và “porte-bagages” là các bộ phận của xe đạp, “libre” trong “roue libre” và tính từ “libre” là hai từ đồng âm khác nghĩa, còn “porte-bagages” không liên quan gì đến từ “bagage” (hành lý).

Thật ra, “roue libre” có nghĩa rộng là bánh xe tự do. Từ “libre” trong “roue libre” và tính từ “libre” đã nói ở trên là một chứ không phải là hai từ đồng âm khác nghĩa.
Mặt khác, danh từ ghép giống đực bất biến “porte-bagages” trong tiếng Pháp có nghĩa là thiết bị chở hàng của mọi loại xe (chứ không riêng cho xe đạp) và “bagages” trong “porte-bagages” chính là số nhiều của danh từ “bagage” (hành lý).

Hơn nữa, nếu chấp nhận “líp ba ga” là cách nói tắt của “libre porte-bagages”, cần phải giải thích thoả đáng vì sao chữ “porte” lại biến mất và sự liên quan giữa “libre porte-bagages” với nghĩa của thành ngữ “líp ba ga” trong tiếng Việt hiện nay.
Cuối cùng, nếu “líp ba ga” được giới lái xe Nam Kỳ thời Pháp thuộc dùng như tiếng lóng thì cụm từ “libre bagage” có tồn tại trong xã hội Pháp thời xưa và ngày nay không?

Câu trả lời là có.

Một tạp chí kinh tế do G. de Molinari làm tổng biên tập xuất bản vào tháng 4-1892 cho biết hành khách được mang 25kg hành lý miễn phí (libre bagage).

Gabriel Groyer cũng vừa xuất bản tập thơ Libre bagage vào tháng 2-2018. Bạn có thể mua tập thơ này để đọc nó líp ba ga.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẢ GIÀN – THẢ GA
LÍP BA GA


‘Cầu vừa đủ xài’. Có thể nói sống ở đời, ai cũng ước mơ như vậy. Tuy nhiên, có người không chỉ mong ‘vừa đủ xài’ mà còn muốn ‘xài líp ba ga.’

Đã xài thì xài cho thoả thích, cho bưa, cho đã đời, cho đứt đuôi con nòng nọc, cho đã đời con cá chép. Những khẩu ngữ này được tóm gọn trong từ líp và líp ba ga nhằm chỉ cấp độ cao hơn.

Líp là từ vay mượn libre của tiếng Pháp hiểu theo nghĩa là tự do, tuỳ ý, muốn làm gì thì làm; ba ga vay mượn bagage là hành lý.

Tại sao hai từ này khi du nhập vào tiếng Việt, cặp kè cùng nhau lại hàm nghĩa muốn làm gì cũng được, không bị giới hạn?

Có thể nói nôm na rằng ngày trước một khi đi xe đò hoặc gửi hành lý nhờ vận chuyển, bao giờ nhà xe cũng tính trọng lượng hành lý rồi quy ra số tiền mà hành khách phải trả. Tiền này gọi “tiền ba ga/tiền hành lý”.

Thế thì, một khi hành khách được đem theo/gửi vận chuyển bao nhiêu cũng được, không tính trọng lượng của hành lý (để quy ra tiền) được gọi “líp ba ga”.

Dần dà, líp ba ga đã có thêm nghĩa phái sinh, chẳng hạn, lúc đãi tiệc mừng tiệc cưới cho con, chủ nhà hào hứng tuyên bố: “Bữa nay, vô tư.

Các bạn cứ líp ba ga”. Nếu có ai cắc cớ hỏi, trước khi vay mượn tiếng Pháp, theo nghĩa vừa nêu trên, người Việt sử dụng bằng từ nào?

Theo tôi, đó là từ thả giàn.

Ngày xưa, khi tổ chức hát bội, tuồng chèo, người ta thường dựng rạp/rạp hát mà thuở ấy gọi là giàn/giàn hát. Từ năm 1895, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Giàn hát: đồ cuộc làm ra có rường, có ván lót để mà hát cùng là coi hát”.

Mà đã giàn thì phải vây kín bốn bề, đứng ngoài không thể xem ké, vào trong giàn có chỗ ngồi hẳn hòi, muốn vào phải mua vé và giàn chỉ chứa một số lượng nhất định.
Nếu vì lý do gì đó, thường chỉ khi gần vãn tuồng, giàn hát mở cửa toang hoác ai muốn vào thì vào, không phải mất tiền mua vé thì được “thả giàn/thả cửa”.

Trải theo năm tháng, do nét sinh hoạt xưa đã không còn nên các từ thả giàn/thả cửa mai một lần, ít người sử dụng. Và một lẽ tất nhiên, các từ ấy phải được bổ sung/thay thế theo lời ăn tiếng nói của người đương thời.

Ngày nay nhiều người còn dùng chữ “thả ga” thay cho “thả giàn”: “Vừa rồi sếp kêu gọi nhân viên cứ phát biểu thả ga”.

Theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, ga trong ngữ cảnh này là vây là bàn đạp tăng tốc mượn từ accélérateur “nhấn ga, đạp ga để xe chạy nhanh thêm; buông ga, bớt ga để xe chạy chậm lại; chạy hết ga = chạy thả ga, chạy đến tốc độ tối đa”.

Thả ga ấy, nói cách khác, chính là cách nói bắt nguồn từ “thả giàn” mà ra.

…………………………………………….

GIÀN và CHÀN

Không chỉ có “thả giàn”, trong lời ăn tiếng nói của người miền Nam còn có “xô giàn/ giật giàn/ thí giàn”. Nay do cách cúng cô hồn đã khác nên các từ xô giàn, giật giàn, thí giàn đã đi dần vào quên lãng.

Ca dao có câu: “Vườn xuân hoa nở đầy giàn/ Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa”. Với từ giàn này, Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Tấm ván lớn được đan hoặc ghép thưa bằng nhiều thanh tre, nứa đặt trên cao làm chỗ cho cây leo hay che nắng”.

Rõ ràng, khác nghĩa với giàn theo cách hiểu của người miền Nam. Tuy nhiên, cũng hiểu theo nghĩa “Vườn xuân hoa nở đầy giàn” nhưng người miền Trung, cụ thể Quảng Bình, lại gọi là chàn. Dấu vết này còn ghi nhận trong câu ca dao: “Tình ngay mà lý lại gian/ Mèo không ăn vụng leo chàn mần chi”.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẢO MAI


Theo chữ Hán “thảo” là cỏ, là cây loại nhỏ thấp, non nớt, cũng có nghĩa là thảo luận, bàn bạc, hội thảo
“mai” là lúc trời đất chuyển ban đêm sang ban ngày, sự thay đổi và di chuyển của đất trời.
Vậy “thảo mai” (có thể là 車間明天: tạm dịch là: cả một xe chuyện mới mẻ) tức là toàn nói chuyện lạ lẫm, mới mẻ mà chưa ai biết đến, chả biết nói thật hay nói cho vui, người ta không tin hay không có niềm tin vào lời nói của bạn.

Nói về nguồn gốc của từ “Thảo mai”, đa số các kết quả tìm được đều không chỉ dẫn rõ ràng xuất xứ của nó. Chỉ biết từ “Thảo mai” là tên một cô gái trong câu ca dao:
“Thảo mai rao bán chỉ vàng, vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh”

Câu ca dao này châm biếm những người có tính không trung thực.

Vậy tạm có thể giải thích “thảo mai” nghĩa là:

“Thảo mai” là từ ngữ chỉ người phụ nữ nói một đằng, làm một nẻo, bảo người khác làm thế này nhưng mình lại làm thế kia. Đó là một người không trung thực, ngoài mặt thì cười cười nói nói nhưng đằng sau lưng thì nói xấu, âm thầm có dã tâm hại người khác. “Thảo mai” mang nghĩa tương tự với từ “Giả tạo” nhưng “Thảo mai” lại mang nghĩa nhẹ nhàng, dễ chịu hơn từ “Giả tạo”.

Ví dụ:
Một người thảo mai sẽ được nhận biết qua các cử chỉ hành động sau: Trước mặt người này thì nói tốt với họ nhưng khi nói chuyện với người khác thì lại nói xấu về người này. Hoặc là : Miệng thì nói sẽ làm cái này để giúp người này giúp người kia nhưng sau lưng thì lại làm những việc hèn hạ, bẩn thỉu khác để hại họ.

Có câu: “Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Những người “Thảo mai” thường có kết cục không tốt đẹp. Không bị thân bại danh liệt thì cũng bị người đời cười chê và xa lánh. Đầu tiên thì được lòng người này người khác, lúc đó người “Thảo mai” rất được mọi người xung quanh mến mộ, yêu quý. Nhưng sau đó khi đã lòi bộ mặt thật hoặc bị phát hiện ra thì người “Thảo mai” sẽ được mọi người nhìn mình với một ánh mắt khinh bỉ, ghê tởm. Quả là một kết cục không mấy tưoi đẹp, hạnh phúc đúng không các bạn.

Một cách cắt nghĩa của từ “Thảo mai” còn chỉ những hành động , câu nói gượng gạo, giả dối. Đôi khi ta làm một hành động , nói một câu nói trên đầu môi thì khuôn mặt chúng sẽ dễ dàng biểu lộ sự lo lắng, hồi hộp hay sợ hãi khi làm những việc không đúng với lương tâm của mình.

“Thảo mai” cũng được hiểu là sự khôn lanh, khéo léo trong giao tiếp và cách hành xử trước công chúng. Đó là một cách hành xử tế nhị , điềm đạm được nhiều người thích thú và xem là đáng học hỏi.

Ngoài các ngữ nghĩa trên thì “Thảo mai” khi dùng cho các cô nàng có phong thái tiểu thư, nhà giàu thì lại mang nghĩa là : điệu đà, nhỏ nhẹ, ưỡn ẹo. Tuy nhiên từ này ám chỉ phong cách kia cũng chỉ là giả tạo mà thôi.

Ví dụ:
Mày rủ con Thư đi à? Tao nghĩ là không nên rủ nó đi đâu, nó thảo mai bỏ xừ.

Một thuật ngữ hay và thú vị đáng được chúng ta ghi nhớ đúng không các bạn.
ST
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“XUẤT CUNG” LÀ GÌ?


Bài thơ “Hạn chế” 限制 (Ngục trung nhật ký”-Hồ Chí Minh) có hai câu đầu như sau:

“Một hữu tự do chân thống khổ,
Xuất cung dã bị nhân chế tài”

(没 有 自 由 真 痛 苦
出 恭 也 被 人 制 栽)
           Nam Trân dịch:
“Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho”
(“Nhật ký trong tù”-NXB Văn hoá, Viện văn học-1960)

Sách “Nhật ký trong tù-chú thích và thư pháp” (NXB Chính trị Quốc gia-2005), tác giả, GS Hoàng Tranh (Viện khoa học xã hội Quảng Tây-Trung Quốc) chú thích: “Hai chữ xuất cung (出恭), tiếng Quảng Đông có nghĩa là đi ngoài”.

“Chuyên gia số 1 về thơ Bác”-Ông Lê Xuân Đức trong sách “Nhật ký trong tù và lời bình” (NXB Văn học-2013) căn cứ chú thích của GS Hoàng Tranh đã “bình” như sau:
“Những từ Hán-Việt nôm na mách qué, theo quan niệm truyền thống, đặc biệt thơ cổ là tối kỵ, uế tạp, nhưng với Bác, giản dị đã trở thành bản lĩnh...”

Vậy, có đúng  “xuất cung 出恭” là “tiếng Quảng Đông” theo kiểu “nôm na mách qué”, là “tối kỵ, uế tạp” không? Tại sao “xuất cung” 出恭 (chữ cung 恭 trong cung kính) lại được đem dùng để nói một việc chẳng ăn nhập gì là “đi ị”?

Theo “Hán điển”(漢典), từ “xuất cung” 出恭  vốn sinh ra từ chốn trường thi (đời nhà Nguyên bên Tàu). Vào trường thi, sĩ tử làm bài kéo dài tới cả ngày trời, nên phải đem theo thức ăn, nước uống, tự phục vụ tại chỗ. Riêng việc đại tiện, tiểu tiện, để tránh thí sinh tự ý đi lại, rời vị trí ngồi, gian lận tài liệu, trường thi quy định phải “xuất cung, nhập kính” (出恭, 入敬). Tức ra, vào đều phải có phép tắc. Muốn đi nhà xí, trước tiên sĩ tử phải xin phép và lĩnh tấm thẻ có chữ “xuất cung” (“出恭”牌) mới được đi. Do vậy, người ta gọi đi nhà xí là “xuất cung” (出恭). Lại gọi đại tiện là “xuất đại cung” (出大恭), tiểu tiện là “xuất tiểu cung” (出小恭). Về sau, “xuất cung” không chỉ được dùng trong trường thi, mà trở  thành một từ phổ thông trong tiếng Hán, cách nói tránh tế nhị, chỉ việc đi đại tiện, nhà xí (nói chung).

Trong “Tây du ký” (Ngô Thừa Ân) đoạn Trư Bát Giới khoe khoang, mắng nhiếc Huỳnh Bào rồi cùng Sa Tăng nhảy vào giao chiến. Đánh tới 90 hiệp, Bát Giới đã mệt lử, Sa Tăng cũng hết hơi mà không thắng nổi. Có nguy cơ bại trận, Bát Giới mới nói lừa Sa Tăng: “Sa Tăng! Hiền đệ cố sức cầm cự, để Lão Trư “đi ngoài”cái đã”. (Sa Tăng! Nhĩ thả thượng tiền lai, dữ tha đấu trước, nhượng Lão Trư xuất cung lai - 沙僧,你且上前来与他斗着, 讓老猪 出恭来). Sa Tăng tin lời Bát Giới, đem hết sức ra đánh. Chẳng ngờ Bát Giới chạy xa, tìm chỗ mát nằm ngáy khò khò. Còn Sa Tăng đợi Bát Giới hết hơi, một mình đánh không lại, bị Huỳnh Bào bắt sống trói gô lại.

Tiếng Việt cũng có từ “đi ngoài” để chỉ “đại tiện”. Chưa biết “đi ngoài” có mối quan hệ gì với “xuất cung” hay không, nhưng  “Từ điển Hán-Việt” (Vương Trúc Nhân-Lữ Thế Hoàng-NXB Văn hoá thông tin-2007) và “Từ điển Việt -Hán” (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục-2003); “Từ điển Hán-Việt” (Phan Văn Các chủ biên-NXB Từ điển bách khoa-2014) đều ghi nhận “xuất cung” (出恭) trong tiếng Hán (phổ thông) đồng nghĩa với “đi ngoài” hoặc “đại tiện” trong tiếng Việt (Hoàng Phê trong “Từ điển tiếng Việt” gọi là “lối nói kiêng tránh”).   

Như vậy, “xuất cung” 出恭 không phải là “tiếng Quảng Đông” như GS Hoàng Tranh chú thích. Và dĩ nhiên, tác giả “Ngục trung nhật ký” cũng không hề “nôm na, mách qué”, không hề “tối kỵ, uế tạp” khi đưa “xuất cung” vào thơ, như ông Lê Xuân Đức bình. Ngược lại, Hồ Chí Minh nói chữ đó!

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“ĐỨNG” trong “LÚA ĐỨNG CÁI”


Lá lúa thắt eo, đây chính là thời kỳ đứng cái
Để có biện pháp chăm sóc phù hợp, căn cứ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, người ta chia ra nhiều thời kỳ khác nhau. Ví dụ: thời kỳ mạ, bén rễ hồi xanh; đẻ nhánh; đứng cái; làm đòng; trổ bông... Trong đó, “đứng cái” là thời kỳ đặc biệt, đánh dấu bước phát triển quan trọng của cây lúa. Vậy “đứng”, trong “lúa đứng cái” là gì? “Đứng” ở đây có phải là “đứng thẳng”, trái với nằm ngang, ngả nghiêng không?

1-”Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên) giải nghĩa: “đứng cái • t. Nói cây lúa bắt đầu đứng thẳng trước khi có đòng đòng”.
         2-”Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “đứng cái • t.[cây lúa] ở vào giai đoạn đã ngừng đẻ nhánh, thân đứng thẳng và chuẩn bị phát triển thành đòng”.
 3-”Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “đứng cái: Nói cây lúa ngừng đẻ nhánh, bắt đầu đứng thẳng trước khi làm đòng: Lúa mới đứng cái mà lụt thì mất mùa”.
        4- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “đứng cái • dt. Nở bụi to, đứng sởn-sơ, gần có đòng-đòng: Lúa đứng cái”.

         Như vậy, theo như các cuốn từ điển 1-2-3, thì “đứng” trong “đứng cái”, nghĩa là”đứng thẳng”. Riêng cuốn thứ 4, Lê Văn Đức giải nghĩa là “đứng sởn-sơ”. Vậy, “sởn-sơ”là gì? Chính “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức giải thích như sau: “sởn sơ • tt. Mạnh khoẻ, tươi đẹp, mau lớn : Trẻ con sởn-sơ, cây-cối sởn-sơ”. Cách giải thích này không rõ nghĩa khi hình dung về cây lúa. Mặt khác, nếu “sởn-sơ” được hiểu là “mạnh khoẻ, tưởi đẹp, mau lớn”, thì thời kỳ lúa con gái (trước thời kỳ “đứng cái”), cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khoẻ, quá trình sinh lý, sinh hoá diễn ra mạnh mẽ, mới đáng được gọi là “sởn-sơ”.
   
         Theo chúng tôi, cách giải thích của các nhà biên soạn từ điển chỉ mới đúng được một nửa (tức “đứng cái” là lúc cây lúa sắp có đòng). Phần giả thích “cây lúa đứng thẳng” chưa chính xác. Bởi lúa vừa cấy xong, cây lúa bị ngả nghiêng, nhưng chỉ sau khoảng một tuần và suốt quá trình sinh trưởng, lúc nào cây lúa chẳng “đứng thẳng”?

         Thời kỳ sắp làm đòng, lá  lúa có cứng và đứng lá hơn, tuy nhiên, “đứng” ở đây không phải  (lá lúa) “đứng thẳng”, mà nghĩa là dừng, không đẻ nhánh nữa; “cái” là cây mẹ, nhánh mẹ, có khả năng đẻ ra nhánh con. Lúa “đứng cái”, tức cây lúa chấm dứt thời kỳ đẻ nhánh để chuyển sang một giai đoạn sinh trưởng khác: làm đòng. “Đứng” , trong “đứng cái”, được hiểu tương tự trong “đứng bóng” (còn gọi “tròn bóng”, tức bóng nắng có khoảng thời gian như “dừng”, “đứng” lại, trước khi đổ bóng về chiều; hay “đứng tuổi”-một kiểu “chuyển tiếp”-giữa hai thời kỳ: “người đã quá tuổi trẻ mà chưa đến tuổi già” (Việt Nam tự điển-Hội khai trí tiến đức).

“Từ điển Bách khoa nông nghiệp” (NXB Từ điển Bách khoa-1991) giải nghĩa “lúa đứng cái” như sau: “lúa ở thời kỳ đã đẻ nhánh xong, và chuẩn bị làm đòng. Thời kỳ đứng cái biểu hiện rõ với các giống lúa cao cây, dài ngày, các nhánh lúa đều ngừng đẻ, bụi lúa như đứng lại. Còn đối với các giống lúa thấp cây ngắn ngày, thời kỳ đứng cái không biểu hiện rõ. Ở thời kỳ chuyển tiếp này, trong mỗi bụi lúa đã có nhánh phân hoá đòng, trong khi một vài nhánh còn tiếp tục đẻ thêm trong mấy ngày rồi cả bụi lúa mới chuyển sang làm đòng”.  

         “Từ điển sinh học phổ thông” (NXB Từ điển Bách khoa-2005): “Lúa đứng cái-Giai đoạn cây lúa chuyển từ dinh dưỡng sang sinh thực, hình thành cơ quan sinh sản và phát triển, thay đổi cấu tạo, hình thể, sinh lý, sinh hoá”.

1. Lá đòng còn chìm trong bẹ lá kề nó thì chưa đến giai đoạn bón thúc đòng (hình 1). 2. Khi mắt lá đòng trùng với mắt lá kề nó, chính là giai đoạn đứng cái, có thể bón thúc đòng (hình 2). 3. Khi mắt lá đòng cao hơn mắt lá kề nó thì đã quá giai đoạn đứng cái, cây lúa chuyển sang làm đòng rồi (hình 3). Ảnh:ST
Nghĩa của “đứng” trong “đứng cái” nghĩa là vậy. Thế nên muốn xác định thời điểm lúa “đứng cái” để bón đón đòng có nhiều cách: người ta thường quan sát xem đầu lá đã “thắt eo” (tức hơi co lại ở vị trí cách đầu lá chừng 4-5cm) hay chưa; cây lúa đã “tròn khóm” (đẻ đồng đều), “tròn mình” (hình thành lóng)  hay chưa; hoặc quan sát mắt lá đòng; thậm chí bóc hẳn nhánh cái ra để xem có tim đèn (hình đòng đòng bắt đầu nhú lên) hay chưa, chứ không phải xem cây lúa có “đứng thẳng” hay không.

Cũng cần nói thêm: lúa bị lụt thời kỳ đứng cái không phải là đặc biệt nguy hiểm, vì lúc này đòng lúa chưa có,  khả năng chịu ngập úng tốt hơn, lâu hơn so với khi lúa có đòng già, lúa trổ hoặc bắt đầu đơm bông. Viết “Lúa mới đứng cái mà lụt thì mất mùa” như GS Nguyễn Lân chỉ là võ đoán.

Hoàng Tuấn Công\
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGUYÊN CHỦNG


nguyên: như cũ; chủng: giống] Giống cũ

“Nguyên chủng” là thuật ngữ ban đầu được sử dụng trong nghiên cứu, chọn tạo sản xuất giống lúa lai, sau trở thành một từ thông dụng mà gần như mọi nông dân trồng lúa Việt Nam đều biết. Tuy nhiên có lẽ đây là từ mới, nên sau khi tra cứu hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng tôi chỉ thấy duy nhất có “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh-2006) của GS Nguyễn Lân thu thập từ “nguyên chủng” và giải thích như sau: “nguyên chủng • danh từ [Hán •nguyên: như cũ; chủng: giống] Giống cũ: Vẫn cấy nguyên chủng giống lúa, nên năng suất không cao.”

         Đây lại là cách giải nghĩa theo kiểu phỏng đoán, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng thường thấy trong từ điển của GS Nguyễn Lân.

         Thông tư “Quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận, giống lúa bố mẹ lúa lai và hạt lai F1” số 42/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành ngày 10/07/2009, Điều 3 “Giải thích từ ngữ” đã ghi rõ như sau:

         “1.Hạt giống lúa tác giả là hạt giống thuần do tác giả chọn, tạo ra.

         2.Hạt giống lúa siêu nguyên chủng (SNC) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống tác giả hoặc phục tráng từ hạt giống sản xuất theo quy trình phục tráng hạt giống lúa siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

         3.Hạt giống lúa nguyên chủng (NC) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống SNC theo quy trình sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.” (HTC nhấn mạnh).


Giống lúa nguyên chủng đạt tiêu chuẩn gieo cấy -Ảnh: ST
Theo qui định của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạt giống lúa “nguyên chủng” phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng như sau: độ sạch > 99%, độ thuần 99,95%, tỷ lệ nảy mầm > 90%, độ ẩm < 13,5%, số hạt cỏ dại < 5 hạt/kg hạt giống.

         Phẩm cấp thấp hơn giống nguyên chủng là hạt “giống lúa xác nhận” với tiêu chuẩn chất lượng: độ sạch > 99%, độ thuần 99,7%, tỷ lệ nảy mầm > 90%, độ ẩm < 13,5%, số hạt cỏ dại < 10 hạt/kg hạt giống.

         Theo đó, “nguyên” 原 trong “nguyên chủng” 原種 nghĩa là nguyên gốc, nguyên bản chứ không phải “như cũ”. Hạt giống “nguyên chủng” 原種 (Hán: 原種子; Anh:original seed) là hạt giống có độ thuần cao, chưa bị lai tạp, thoái hoá, đạt tiêu chuẩn gieo trồng, chứ không phải “giống cũ”, “năng suất thấp”.

         Như vậy, cứ theo cách giải thích của GS Nguyễn Lân trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, thì lâu nay Ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Hệ thống khuyến nông cả nước (cũng như nhiều quốc gia trồng lúa trên thế giới) có “tội” lớn là đã “xui dại” nông dân dùng giống “nguyên chủng”-thứ “giống cũ”, “năng suất không cao”(!).

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [29] [30] [31] [32] [33] [34] [35] ... ›Trang sau »Trang cuối