Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẤU CẢM -[2]


Dĩ nhiên, ngữ liệu thống kê trên đây của Vietlex không có nghĩa năm 1941 là thời điểm (hoặc mới là thời điểm) xuất hiện từ “thấu cảm”; hoặc đến nay chỉ chừng ấy tác giả, tác phẩm sử dụng từ này.

Như vậy, có thể “thấu cảm” chưa được sử dụng rộng rãi và biết đến nhiều trong đời sống hàng ngày, hãy còn xa lạ với học sinh phổ thông, nhưng không phải là quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là người cầm bút, càng không phải là “từ lạ” do TS Đặng Hoàng Giang “sáng chế” ra.

Trở lại hai chữ “thấu cảm”. Tiếng Việt mượn nhiều từ gốc Hán vào kho tàng từ vựng của mình, đồng thời cũng tự tạo ra nhiều từ mới bằng các từ hoặc yếu tố gốc Hán. Qua quá trình sử dụng, có những từ bị “rụng” bớt nghĩa, hoặc chuyển nghĩa (thêm nghĩa mới). Những từ này nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt, trở thành tài sản của người Việt, mà không dứt khoát phải phụ thuộc vào người Hán. Người Hán nói “cảm thông”, ta cũng nói “cảm thông” với nghĩa tương đương, nhưng lại có thêm từ “thông cảm” với nghĩa khác cách dùng của Hán. Hán nói “tương xứng”, ta cũng nói “tương xứng”, nhưng lại có thêm “cân xứng”. “Tương xứng” và “cân xứng” của ta cũng không đồng nghĩa trong mọi trường hợp.

Tiếng Việt uyển chuyển và phong phú là thế. Bởi vậy, ngay cả khi “thấu cảm” không có trong tiếng Hán, hoặc chưa có bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận từ “thấu cảm”, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là từ này không có trong tiếng Việt. Điều đáng hoan nghênh là “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex đã bám sát, phản ánh kịp thời đời sống ngôn ngữ, sưu tầm ngữ liệu một cách bài bản, rồi bổ sung từ “thấu cảm” vào từ điển từ năm 2007[1].

Tóm lại, theo chúng tôi, dù thông dụng, hay chưa thông dụng, chúng ta cũng nên nhìn nhận từ “thấu cảm” một cách công bằng như bao từ “Hán Việt Việt tạo” đã sinh ra trong quá trình phát triển, làm giàu thêm cho tiếng Việt. Nghĩa là nếu đoạn văn đọc hiểu trích từ “Thiện, Ác và Smartphone” có vấn đề, hãy đưa ra lý lẽ để bác bỏ, phê phán chính nó, chứ không nên và không thể “tẩy chay”, loại trừ luôn từ “thấu cảm”[2].

Hoàng Tuấn Công
6/2017
Chú thích:
[1] Công bằng mà nói, nếu so sánh cách dùng từ “thấu cảm” trong kho ngữ liệu của Vietlex, với cách “tán” của TS Đặng Hoàng Giang, thì “thấu cảm” thực ra mang nghĩa giản dị, dễ hiểu hơn nhiều. Nghĩa là tác giả “Thiện, Ác và Smartphone” đã gán thêm cho “thấu cảm” nhiều nghĩa rất bí hiểm, linh diệu. Ví dụ, đoạn văn trong “Nỗi buồn chiến tranh”, khi “thấu cảm được lòng Kiên”, thì Phương vẫn quan sát và cảm nhận bằng giác quan của chính mình, chứ đâu phải nhìn bằng “con mắt của người khác”? Hay, Phương chỉ “thấu cảm” trạng thái tâm lý của Kiên trong cảnh ngộ cụ thể (“cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình”), chứ đâu phải là “sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” của Phương về con người Kiên (tức hiểu biết tất cả tâm tính, niềm vui, nỗi buồn, hay thiện ác trong một con người). Từ chỗ “thấu cảm” được “nỗi tiếc nuối cay đắng” trong lòng Kiên, Phương đã nói lời chia sẻ, an ủi, cảm thông.
Hoặc trong đoạn văn của Thế Bảo Tịnh: “Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và âm vang trong cơ thể người kể”, chúng ta thấy rõ, cách lắng nghe đế thấu cảm là vận dụng cùng lúc các giác quan (tai mắt) của chính mình; và cũng chỉ “thấu cảm” về “sự kiện, tâm trạng” của người kể chuyện trong lúc đó, chứ đâu phải hiểu “thấu đáo, trọn vẹn” người đang kể chuyện! Ấy là chưa kể đến những ví dụ về sự thấu cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang cũng chưa thể gọi là “thấu cảm” được.
Ý kiến riêng của tôi, đề thi môn ngữ văn THPT năm 2017 có “vấn đề”, Trường hợp lấy đoạn trích trong “Thiện, Ác và Smartphone” và yêu cầu thí sinh chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong cách hiểu từ “thấu cảm” của tác giả, lại là chuyện khác. Tuy nhiên, đó không phải là yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh THPT.
[2] Xin tham khảo thêm một số ngữ liệu do Vietlex thu thập (chúng tôi viết hoa THẤU CẢM là để nhấn mạnh và dễ quan sát):
-Tức là, đối với một nhà lãnh đạo, THẤU CẢM không có nghĩa là việc cố gắng hùa theo cảm xúc của những người khác, lấy cảm xúc của họ làm cảm xúc của mình, với mục đích làm hài lòng mọi người; trái lại, nó mang ý nghĩa chỉ về việc trong tiến trình đưa ra các quyết định sáng suốt, nhà lãnh đạo ấy biết ân cần quan tâm đến những tâm tư tình cảm - cũng như đến nhiều yếu tố khác nữa - của các nhân viên mình. [misa.com.vn. 17/12/2012.]
-Nét khác biệt giữa hai người quản lý kia chính là sự THẤU CẢM. Người thứ nhất quá đỗi lo lắng về “số phận” của chính bản thân, đến độ không thiết đoái hoài gì đến nỗi lo âu của các nhân viên mình. Người thứ hai thì bằng trực giác mà biết được những cảm giác của các nhân viên anh, hiểu được những nỗi lo sợ họ đang mang trong lòng, và anh đã tìm cách dùng lời lẽ mà động viên họ. [misa.com.vn. 17/12/2012.]
-Những người có khả năng THẤU CẢM đều bắt nhịp được với những gì tinh tế được biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể; họ có thể nghe ra được thứ thông điệp nằm sâu bên dưới lớp vỏ ngôn từ. Trên hết, họ có được một cách nắm bắt sâu xa về cả sự tồn tại lẫn tầm quan trọng của những nét khác biệt giữa các nền văn hoá hay giữa các dân tộc với nhau. [misa.com.vn. 17/12/2012.]
-Bạn đời sẽ thể hiện cảm xúc dễ tổn thương nhiều hơn thay vì cảm xúc phản ứng (ví dụ tức giận), từ đó càng gợi lên sự THẤU CẢM giữa hai vợ chồng.
Điều này cũng giúp các cặp vợ chồng biết tìm hiểu và cảm thông hơn về hoàn cảnh gia đình của nhau. Nó gợi lên sự THẤU CẢM về các nhu cầu chưa đạt được và lý do tại sao hoàn cảnh hiện tại dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ. Các cặp vợ chồng cũng cần tò mò về nhau trong vấn đề này vì tò mò cũng tạo điều kiện để tăng sự THẤU CẢM giữa đôi bên. [doanhnhansaigon.vn. 22/11/2015].
-Bổ sung thêm một số thông tin khoa học giúp các bạn nhỏ nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của những vận động tự nhiên đối với cuộc sống loài người, thông qua những tình tiết suy tư của ếch xanh, tôi mong cuốn sách gợi dậy những hạt mầm THẤU CẢM với tự nhiên, biết rung động trước một chiếc lá chao nghiêng, một hạt mưa rơi lan toả sóng trên mặt nước… [Kim Yến. tiepthithegioi.vn. 30/11/2016]
-Nghe tiếng loài vật, con người nhận ra loài vật có sinh mệnh, tâm hồn, tình cảm, cảm giác, ngôn ngữ do vậy, các nhân vật trong truyện THẤU CẢM với động vật, chia sẻ cảm giác bị đau với chúng. [Trần Thị Ánh Nguyệt. tapchisonghuong.com.vn. 16/01/2017]
http://tuancongthuphong.b...-ho-o-voi-thau-cam_1.html
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CẬU ẤM, CÔ CHIÊU


Sách “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), mục “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, tác giả Lê Gia giảng như sau:
“Chữ “ấm” (cũng đọc là “âm”): Bóng mát. Sự che chở cho. Chữ “ấm” (cũng đọc là “ẩm”): Cho uống nước. Cho nên ta cũng gọi cái bình tích thuỷ, cái nồi nấu nước là “cái ấm”. Chữ “chiêu”: Cái ấm để nấu nước trà. Có người nói: “Chiêu từng miếng nước”; “cô chiêu”: Con gái nhà quan lớn nhưng vì là con gái nên không được tập ấm. Nhưng vì chữ “ấm” có nghĩa là bóng che và là cái ấm, cùng nghĩa với chữ “chiêu” là cái ấm, nên dù cô gái không được “tập ấm”, không được gọi là “cô ấm”, thì nay gọi tạm là “cô chiêu”, nó cũng có nghĩa là “cô ấm” (có danh, không có thực); “Cậu ấm sứt vòi”: Như trên, cậu con trai này mang hai cái tên là “tập ấm” và “cái ấm”, nên nếu cậu là người hư hỏng, bất tài thì ví cũng như cái ấm bị sứt mẻ mất cái vòi thành ra đồ bỏ”.(*)

Theo chúng tôi, lời “bàn thêm” của ông Lê Gia có một số điểm cần phải bàn lại như sau:

- Tác giả Lê Gia không chú chữ Hán, nên không rõ ông nói về một chữ “ấm” với hai âm đọc, hay là hai chữ khác nhau. Tuy nhiên, chữ “ấm” (mà Lê Gia giảng là “Bóng mát. Sự che chở cho”), có tự hình 蔭, nghĩa là: ① Bóng cây, bóng rợp. ② Phàm được nhờ ơn của người khác đều gọi là ấm. Như tổ ấm 祖蔭 nhờ phúc trạch của tổ tiên để lại. Phép ngày xưa cứ ông cha làm quan to, con cháu được tập ấm ra làm quan, gọi là ấm sinh 蔭生, ấm tử 蔭子, ấm tôn 蔭孫, v.v.; trong khi chữ “ẩm” (Lê Gia giảng với nghĩa “cho uống nước”) lại có tự hình飲, nghĩa là: ① Đồ uống. Như rượu, tương gọi là ẩm. ② Uống. Như ẩm tửu 飲酒 uống rượu, ẩm thuỷ 飲水 uống nước, v.v. ③ Ngậm nuốt. Như ẩm hận 飲恨nuốt giận, nghĩa là mang mối hận âm thầm ở trong không lộ ra ngoài. ④ Một âm là ấm. Cho uống. Như ấm chi dĩ tửu 飲之以酒 cho uống rượu (“Hán Việt tự điển” – Thiều Chửu).

- Dù thế nào, thì cả hai chữ “ấm” 蔭 và “ẩm” 飲, đều không có nghĩa nào chỉ “cái ấm”, mà “ấm” 蔭 trong “cậu ấm” nghĩa là cháu con nhà quan được “tập ấm” (như Thiều Chửu đã giảng). Bởi vậy, ông Lê Gia cho rằng, chữ “ấm” (trong “cậu ấm”) đọc là “ẩm” nghĩa là uống nước, nên nó cũng có nghĩa là “cái ấm” là hoàn toàn suy diễn.

-Chữ “chiêu” trong “cô chiêu” cũng không phải là “cái ấm để nấu nước trà” (vì có người nói “chiêu từng miếng nước”, như Lê Gia suy diễn), mà do chữ “chiêu” trong “Chiêu văn quán” 昭文館 (“chiêu” 昭 = “hiển dương” 顯揚 (sáng sủa, rạng rỡ). “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức) giảng như sau: “chiêu: Tên gọi con ông tiến-sĩ đời Lê, con các ông tiến-sĩ thì được dự vào học-sinh chiêu-văn-quán <> Cậu chiêu, cậu ấm, v.v..”.

Triều Lê, (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng văn quán, Tú lâm cục. Con các quan từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm trở lên tam phẩm được tuyển vào Tú lâm cục (Trạng lường Lương Thế Vinh từng được thăng Thị thư viện Hàn lâm, kiêm Sùng văn quán và Tú lâm cục). Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán 崇文館, đổi làm Chiêu văn quán 昭文館. Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514) chép: “Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy…”.

Vì con các ông tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên Thi hào Nguyễn Du (con thứ bảy của Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm), thời đi học còn gọi là “cậu Bảy Chiêu”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là “cậu Bảy Chiêu”.  
Như vậy, “ấm” 廕 trong “cậu ấm” chỉ về lệ “tập ấm” do triều đình ban cho con cháu các quan. Như “ấm tử” 蔭子 (con quan); “ấm tôn” 蔭孫 (cháu quan)…Còn “chiêu” lại chỉ riêng các nho sinh con ông Tiến sĩ, được vào học ở Chiêu văn quán. Và “chiêu”, trong “cậu chiêu”, vốn dùng để chỉ con trai các ông Tiến sĩ. Sau này, thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nhằm để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói chung. Thành ngữ “cậu ấm sứt vòi” chẳng qua chỉ là cách chơi chữ, đồng nghĩa “ấm” 蔭 (trong “tập ấm” 襲蔭), với “ấm” (trong “ấm nước”) để chế giễu, mỉa mai con cái nhà quan, được hưởng ân đức, bổng lộc của cha ông mà dốt nát, hư hỏng, hoặc lớn lên khi gia cảnh đã thất thế (giống như “đích tôn”, giễu thành “đít tôn”, “đít vại”…).

Ngày nay, “cậu ấm cô chiêu” còn được dùng với nghĩa con cái các quan chức lãnh đạo, hoặc nhà giàu sang, quyền quý, có địa vị, tiếng tăm trong xã hội.

Hoàng Tuấn Công
Ghi chú:
(*) “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia - NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2009), là cuốn sách mà trong đó, tác giả Lê Gia làm công việc “bàn thêm” để chỉ ra cái chưa đúng của các soạn giả đi trước. Điều này rất cần thiết. Tiếc rằng, rất nhiều điều “bàn thêm” của Lê Gia nặng về suy diễn chủ quan, kiến giải vô căn cứ, khiến vấn đề có khi đang đúng lại trở thành sai. Cách giảng “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, là một ví dụ. (Chúng tôi sẽ có bài riêng viết về vấn đề này).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“HỒ” TRONG “HỒ CHÍ MINH”
CÓ PHẢI LÀ “HỒ NƯỚC”?


Chữ “Hồ” trong Hồ Chí Minh -Ảnh: ST trên một trang mạng TQ
Sáng nay (21/5/2017), tình cờ đọc bài do GS Trần Đình Sử chia sẻ trên FB:  “Giả thuyết về ẩn ýtên Người – Hồ Chí Minh” (Báo “Giáo dục Việt Nam” - 19/5/2017) của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh.
Lời giới thiệu của toà soạn: “Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh (Trường Đại học Tiền Giang) chia sẻ một bài viết về giả thuyết ẩn ý trong họ tên của Người - Hồ Chí Minh”.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thịnh  đặt vấn đề:
“Vào năm 1940, ở tuổi “tri thiên mệnh”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đổi tên thành Hồ Chí Minh và giữ mãi họ tên này.
Điều khó hiểu nhất là tại sao Người lại chuyển từ họ Nguyễn sang họ Hồ, phải chăng Người có ẩn ý?
Sau khi đưa ra những “tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng”, và “tìm hiểu, nghiên cứu hoàn cảnh sống” khá công phu, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh đưa ra “giả thuyết”:
“Minh tượng trưng cho Trí tuệ, Chí tượng trưng cho Ý chí, vậy Hồ có tượng trưng cho Tình người không?
Cũng có thể được nếu ta hình dung một mặt hồ phẳng lặng, bao dung, tượng trưng cho lòng nhân ái, cho Tình người.
Phải chăng Người muốn hàm ý nhấn mạnh một chân lý bình thường nhưng vô cùng cần thiết cho chúng ta hiện nay và mai sau, đó là giá trị của con người được đúc kết qua ba nhân tố “Tình người, Ý chí, Trí tuệ”.
Không biết, ông Nguyễn Viết Thịnh là Tiến sĩ (chuyên môn) gì, nhưng cách giải thích ý nghĩa của chữ “Hồ” trong Hồ Chí Minh: Hồ (nước) = Tình người, quả là ngộ nghĩnh.

“Ngộ nghĩnh” ở chỗ Tiến sĩ đã nhầm lẫn giữa hai chữ “HỒ” đồng âm, dị tự, dị nghĩa:
1.
“HỒ” là tên họ người (trong Hồ Chí Minh 胡志明), tự hình là 胡 (gồm chữ cổ 古 biểu thanh, bộ nhục 月(肉) biểu ý, nghĩa gốc là cái yếm cổ con bò, hoặc yếm thịt ở cổ các giống chim (như gà tây), và các con thú khác). Chữ “Hồ” 胡(trong Hồ Chí Minh 胡志明) không có nghĩa nào chỉ về hồ, đầm[1]. (Lưu ý: Có người khi chiết tự, thì phân tích bộ nhục 月(肉) thành bộ nguyệt 月; cổ 古 nguyệt 月 = hồ 胡. Điều này có thể chấp nhận được trong chiết tự).
2.
“HỒ” nghĩa là hồ nước, tự hình là 湖 (chữ Hồ 湖 có bộ thuỷ 氵biểu thị nước, chữ “hồ” 胡 biểu thanh, nghĩa gốc nghĩa là “hồ, đầm”). Đây chính là chữ “HỒ” mà Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh đem ra “tán” (làm cơ sở) để giải thích nguyên nhân Nguyễn Ái Quốc đổi tên thành Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh (cũng như tất cả những người họ Hồ khác ở Việt Nam, Trung Quốc) không ai lấy chữ hồ 湖 này để ghi tên họ[2].
Bút tích của Hồ Chí Minh (1968). “Việt Trung hữu nghị, Vạn cổ trường thanh, Hồ Chí Minh, nhất cửu lục bát niên thư”
Theo chúng tôi, dù Hồ Chí Minh có lấy chữ hồ 湖 (nghĩa là hồ nước) để ghi tên họ mình đi chăng nữa, thì “giả thuyết” của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cũng hết sức khiên cưỡng, “tán tụng” một cách vô căn cứ. Huống chi, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh lại lấy chữ “hồ” 胡 (nghĩa gốc là cái yếm con bò, sau dùng chỉ tên họ người) để “hình dung một mặt hồ phẳng lặng, bao dung, tượng trưng cho lòng nhân ái, cho Tình người”, thì quả là kì tài! Phải chăng, ý Tiến sĩ vì “hồ” 胡này không có nước nên nó tuyệt đối “phẳng lặng, bao dung”, hay ông muốn đổi họ “Hồ” 胡 = “Hồ” 湖?[3].

          Có một thực tế là nhiều người năng lực nghiên cứu yếu kém, nhưng cứ viết bài, ra sách, “ăn theo Hồ Chí Minh”, “đi lên từ Bác”. Thế rồi, “hết nạc vạc đến xương”. Nói như dân gian, đến chuyện “ị không ra” cũng đem phân tích, tán tụng, gán ghép cho tiền nhân, lãnh tụ đủ thứ không hề có thật. Lại nữa, báo chí, nhà xuất bản cứ thấy viết sách, viết bài ca ngợi, tán tụng lãnh tụ là in ngay, ca ngợi lãnh tụ đồng nghĩa với yêu nước, yêu Đảng, đôi khi không cần biết mức độ chính xác của tư liệu đến đâu. (Cách đây 4 năm, chúng tôi đã từng có loạt bài về những cuốn sách bình giảng về thơ chữ Hán Hồ Chí Minh có quá nhiều sai sót của Nhà phê bình Lê Xuân Đức – một trong những người “đi lên từ thơ Bác”). Trường hợp bài “Giả thuyết về ẩn ý tên Người – Hồ Chí Minh” của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho thêm một ví dụ.

        Viết đến đây bỗng nghĩ, lẽ ra tôi và bạn đọc không nên mất thời gian vào những bài như thế này. Nhưng thôi, đã đọc, lại trót ngứa tay viết rồi thì đăng lên vậy, xem như là một cách hưởng ứng bài do GS Trần Đình Sử chia sẻ,

Hoàng Tuấn Công
Chú thích:
Bạn đọc tham khảo và so sánh thêm một số nghĩa của hai chữ “hồ”:
1. 胡 (tên họ người):  “胡 [hồ] [Pinyin: hú] ① Hồ (thời cổ Trung Quốc gọi các dân tộc thiểu số ở miền bắc và miền tây là Hồ, đồng thời cũng có ý chỉ nước ngoài, ngoại tộc): 胡人 Người Hồ, dân tộc Hồ; 胡兵伺便 Quân Hồ thừa cơ quấy nhiễu (Lí Hoa: Điếu cổ chiến trường văn); ② Ẩu, bừa bãi, càn bậy, tầm bậy: 胡說 Nói ẩu, nói tầm bậy; ③ (văn) Sao, cớ sao, vì sao, gì, cái gì: 胡不歸? Cớ sao chẳng về? (Đào Uyên Minh: Quy khứ lai từ); 胡爲乎來哉! Vì sao mà đến vậy! (Lí Bạch: Thục đạo nan); 胡可得而法? Làm sao có thể bắt chước theo được? (Lã thị Xuân thu); 國胡以饋之? Quốc gia lấy gì phát cấp lương hướng cho họ? (Giả Nghị: Luận tích trữ sớ). 【胡爲】hồ vị [húwèi] (văn) Vì sao, cớ sao, tại sao?: 胡爲至今而不朝也? Vì sao đến nay chưa được tặng phong để vào chầu? (Chiến quốc sách); 譆!汝非盜耶?胡爲而食我? Ôi chao! ông không phải là kẻ trộm ư? Vì sao mà cho ta thức ăn? (Lã thị Xuân thu); ④ (văn) Mảng thịt dưới cổ, yếm cổ;⑤ (văn) Đen: 或謔張飛胡, 或笑鄧艾吃 Đứa thì ngạo Trương Phi đen, đứa thì cười Đặng Ngãi láu ăn (Lí Thương Ẩn: Kiêu nhi); ⑥ (văn) Dài lâu: 永受胡福 Mãi mãi hưởng phúc lâu dài (Nghi lễ); ⑦ (văn) Một loại đồ tế thời cổ; ⑧ (văn) Một loại binh khí thời cổ (hình cong, có lưỡi đâm ngang); ⑨ [Hú] Nước Hồ (thời cổ, thuộc tỉnh An Huy ngày nay, bị Sở diệt năm 495 trước Công nguyên); ⑩ [Hú] (Họ) Hồ.
2. 湖 (hồ nước) 湖 [hồ] [Pinyin: hú] ① Hồ: 湖畔 Bờ hồ; 洞庭湖 Hồ Động Đình; 湖水清清 Nước hồ trong xanh; ② Hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc (gọi tắt) [trích Hán Việt từ điển-Trần Văn Chánh].
[3]-Trong bài này chúng tôi không bàn đến chuyện tại sao Nguyễn Ái Quốc lại lấy tên là Hồ Chí Minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“HOÀNG TRÙNG” LÀ CON GÌ?


Siêu nhân châu chấu -Minh hoạ: Sưu tầm
Trong bài phú “Hoàng trùng trập khởi” (tạm hiểu là “Dịch hại hoàng trùng”, tác giả (Khuyết danh), có viết:

“Ăn muốn ăn cho tiệt, của ông cha gì sắm để mà nghĩ tình dãi nắng dầm mưa;
Phá muốn phá cho tiêu, vật mồ tổ chi sẵn dành mà đoái sức cày sâu cuốc cạn.         
Trăm họ ai ai đều kết oán, giết mỏi tay, rượt mỏi cẳng, giống bây sinh quá lẹ, một đêm rồi coi thế cũng như;
Nghìn người kẻ kẻ chẳng bị hư, xô hết sức, đuổi hết hơi, loài bây ở vô nghì, giây phút lại càng thấy y lệ”[1].

         “Hoàng trùng” là giống gì mà phá hại mùa màng ghê gớm đến vậy? Các sách từ điển tiếng Việt giảng rất khác nhau:
-“Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh): “hoàng trùng 蝗蟲 Con sâu keo”.
-“Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức) và “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên), đều giảng “hoàng-trùng” là “sâu ăn lúa”.
-“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân), sau khi giảng “hoàng trùng” là “sâu cắn lúa”, còn chú thêm nghĩa yếu tố Hán Việt: “hoàng: màu vàng; trùng:sâu”.
-“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “hoàng trùng • 蝗蟲 d. [cũ] châu chấu, về mặt làm hại mùa màng: lúa bị hoàng trùng ăn hại”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “hoàng trùng • dt. (động): X. Châu-chấu: Giặc hoàng-trùng”.
-“Việt Hán từ điển” (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính-NXB Giáo dục, 2003) mục “châu chấu”, cho nghĩa Hán là “蝗蟲”[hoàng trùng-châu chấu]; 蚱蜢 [trách mãnh-châu chấu], nhưng đến mục “sâu keo”, sách này lại cũng chú nghĩa Hán tương ứng là “蝗蟲” [hoàng trùng-châu chấu]. Như vậy, “Việt Hán từ điển” đã tiền hậu bất nhất, hoặc đồng nhất “hoàng trùng”, “châu chấu” với “sâu keo”.

Theo chúng tôi, trong trường hợp này, từ điển tiếng Việt của Vietlex và Lê Văn Đức đã giảng đúng. “Hoàng trùng” 蝗蟲 (“Từ điển Hán Anh” [cdict.info]: 蝗蟲 - grasshopper) là con “châu chấu” (côn trùng thuộc họ châu chấu Acrididae), chứ không phải là “sâu ăn lúa” nói chung; càng không phải là “con sâu keo” (tên khoa học: Spodoptera mauritia), như Học giả Đào Duy Anh nhầm lẫn[2]. Mặt khác, “hoàng” trong “hoàng trùng” không phải là “hoàng” có tự hình là 黃 (nghĩa là “màu vàng” như GS Nguyễn Lân giảng), mà là “hoàng” có tự hình 蝗, tên gọi tắt (“giản xưng” 簡稱) của con “châu chấu”.
Phi hoàng 飛蝗 (Châu chấu đá, [bộ “áo giáp” rất cứng])
“Từ nguyên” và “Từ hải” đều ghi nhận và mô tả “hoàng” 蝗, “hoàng trùng” 蝗蟲 (tên gọi khác “trách mãnh” 蚱蜢; “hoạnh trùng” 橫蟲) với đặc điểm của con châu chấu. “Hán tự đồ giải tự điển” (Trung Quốc xuất bản xã tập đoàn, 2012) giảng chữ “hoàng” 蝗 trong “hoàng trùng” 蝗蟲, rõ ràng như sau: “hoàng 蝗: Chữ Hình thanh. Trùng 虫 biểu ý, triện thư hình giống một con sâu, biểu thị “hoàng trùng” (châu chấu) là một loại sâu. Hoàng 皇 (huáng) biểu thanh; hoàng 皇 còn có nghĩa là to lớn, biểu thị hoàng trùng bay thành từng đám, từng đám lớn phá hại mùa màng. Nghĩa gốc là “hoàng trùng” 蝗蟲 (châu chấu). Hoàng trùng là một loại sâu phá hại mùa màng, thường bay thành từng bầy, còn gọi là “mã trách” 螞蚱. Mồm của nó rất cứng và sắc, bay nhảy giỏi, gồm nhiều giống, như: “phi hoàng” 飛蝗  (châu chấu đá), “đạo hoàng” 稻蝗 (châu chấu lúa), “miên hoàng” 棉蝗 (châu chấu bông)”. [Nguyên văn: “蝗 huáng 形聲字蟲表意篆書之形像條蟲, 表是蝗蟲;皇(huáng)表聲,皇有大義,表示蝗蟲大片大片地危害農作物的害庄稼. 本義 是蝗蟲. 蝗蟲一種吃庄稼的害蟲常常成群飛, 又叫螞蚱. 口器堅硬, 善于飛行 和跳躍, 種類很多, 飛蝗, 稻蝗, 棉蝗等].
Đạo hoàng 稻蝗 (Châu chấu lúa)
Trong khi đó, con “sâu keo” (Spodoptera mauritia), Tàu gọi là “thuỷ đạo diệp dạ nga” 水稻叶夜蛾 (sâu đêm ăn lá lúa). Hai chữ “dạ nga” 夜蛾 (sâu đêm) là gọi theo tập tính của sâu keo, ban ngày ẩn nấp, ban đêm ra gây hại; trong khi “châu chấu” thì ngược lại, phá hại ban ngày là chính. “Sâu keo” thuộc côn trùng “biến thái hoàn toàn” (tức trong vòng đời có lúc là sâu, có lúc hoá thành bướm), không chân, không cánh; còn “châu chấu” thuộc loại “biến thái không hoàn toàn” (tức không hoá bướm, mà chỉ phát triển từ trứng, đến con non, rồi trưởng thành, có sáu chân khớp và có cánh bay nhảy). Con “sâu keo”, nếu phát sinh thành dịch, thì cũng chỉ gây hại trong phạm vi hẹp; còn châu chấu với khả năng bay nhảy giỏi, phạm vi gây hại rất rộng lớn.
Miên hoàng 棉蝗 (Châu chấu bông)
Xưa kia có những năm, châu chấu phát sinh thành đại dịch, bay từng đám vần vũ như mây giông đen nghịt bầu trời. Châu chấu tới đâu, mùa màng, cây cỏ, các loài thực vật trọc trụi tới đó. Bởi vậy, “hoàng trùng” được xem là một thứ “giặc” nguy hiểm.
Dịch châu chấu
Trong “Việt Nam phong tục”, mục “Thuật trừ hoàng trùng”, Phan Kế Bính viết: “Khi có sâu hoàng trùng (châu chấu) ăn hại lúa, làm lễ cúng tiễn cho nó đi, rồi cắm một cái cờ giấy ở đầu địa giới thì nó không dám vào nữa”. Trong bài phú “Hoàng trùng trập khởi”, tác giả dùng “hoàng trùng” với nghĩa là con “cào cào”: “Cào cào là giống độc hằng niên…” (Ở đây xin chưa bàn tới chuyện “cào cào” hay “châu chấu”).

Sâu keo và bướm sâu keo -(Ảnh minh hoạ côn trùng trong bài: Sưu tầm)
Như vậy, “hoàng trùng” 蝗蟲 là tên riêng của con “châu chấu”, chứ không phải “sâu keo”, hay “con sâu keo”; cũng không phải là tên gọi các loại “sâu hại lúa”, “sâu cắn lúa” nói chung; “hoàng trùng” càng không phải vừa có nghĩa là “châu chấu”, vừa có nghĩa là “sâu keo” như “Việt Hán từ điển” đã nhầm lẫn.

Hoàng Tuấn Công
CT
1.Bài “Hoàng trùng trập khởi” in trong “Nguyễn Đình Chiểu (thân thế và thơ văn)”, Nguyễn Bá Thế, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1957 (dẫn theo thivien.net). Tuy nhiên, trong “Nguyễn Đình Chiểu toàn tập” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp tập 2, 1982) không có bài này. Lý do, theo nhóm tuyển chọn, thì bài “Hoàng trùng trập khởi” “không có trong tập nôm chép tay thơ, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu”; lời văn và tư tưởng cũng không giống. Nhóm tác giả cũng cho rằng, bài “Hoàng trùng trập khởi” sáng tác sau nạn cào cào năm ẤT Tị 1905) (tức thời điểm Nguyễn Đình Chiểu đã mất [1888]). Bởi vậy, ở đây chúng tôi tạm xếp “Hoàng trùng trập khởi” vào diện Khuyết danh.
2.Trong thực tế, “sâu keo” có khi được dùng với nghĩa như “sâu bọ” nói chung. Ví dụ “Cấy xong gặp rét, lúa đã chết quá nửa, còn ít nào, lại bị sâu keo ăn hết”. Tuy nhiên, trong “Hán Việt từ điển”, Đào Duy Anh giảng “hoàng trùng” là “CON sâu keo”, nghĩa là chỉ đích danh “con sâu keo”, chứ không phải là “sâu keo” với nghĩa sâu bọ nói chung.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“ĐẦU SÚNG” ẨN DỤ CHO
“ĐẦU BUỒI” HAY “ĐẦU NGƯỜI”?


Tôi đã có đến hai bài làm rõ “đầu súng” (trong “đầu súng trăng treo”) không liên quan đến “đầu người”. Bởi vì bản thân “đầu” là một từ độc lập, mượn tự hình gốc Hán là cái nắp đậy (亠), nghĩa gốc là chỉ phần trên cùng, không phân biệt đó là đầu gì. Khi kết hợp với cái gì thì nó ra cái đầu đó và xác định nghĩa cho cái đó: đầu người, đầu bò, đầu sông, đầu núi, đầu gậy, đầu súng… Trong trường hợp này, nghĩa ban đầu là chỉ phần trên cùng không thay đổi. Không có chuyện “chuyển nghĩa” khi một từ kết hợp tự nhiên với một từ trong trường hoạt động của nó. Nên nhớ là sách giáo khoa hỏi sự chuyển nghĩa của bản thân từ “đầu” chứ không hỏi cả cụm từ rồi khoe cả tràng “ẩn dụ tri nhận”. Khoe theo cách “bác sĩ – thằng bán thịt” của Nguyễn Vượng thì đúng là “cục phân” với “nắm cơm” cũng có quan hệ liên tưởng nếu đầu người nghĩ theo cách của đầu chó.

Cái tối thiểu là phân biệt từ với cụm từ, nghĩa chung với nghĩa xác định, từ nhiều nghĩa với hiện tượng chuyển nghĩa, kể cả ẩn dụ tu từ với ẩn dụ tri nhận, các giáo sư tiến sĩ ngữ học còn chưa rành mà khoe đủ thứ để cãi cho một bài tập tiếng Việt lớp 9?

Nhắc lại bài tập SGK lớp 9 rành rành hỏi về ẩn dụ tu từ từ vựng, ở từ “đầu”, chứ không phải hỏi cái quan hệ cả cụm “đầu súng” với “đầu người” theo ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor) của ngôn ngữ học tri nhận.

Mà nếu nhìn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận thì giữa các loại đầu: đầu người, đầu bò, đầu sông, đầu núi, đầu gậy, đầu súng… có quan hệ bình đẳng trong tri nhận về không gian chứ không có chuyện “đầu người” chuyển thành “đầu súng” hay đầu gì khác. Tất nhiên, tri nhận về không gian có dựa vào con người làm hệ quy chiếu (lấy tầm vóc của mình để tri nhận trên, dưới, cao, thấp…), nhưng khác với lấy “đầu người làm gốc” trừ phi điều đó bị hiểu thô thiển bởi cái đầu của các nhà Việt ngữ học. Điều này tôi sẽ nói rõ trong một bài khác.

Nếu ai đã từng đọc giải kiến tạo (de-construction) của Derrida thì rất dễ hiểu vấn đề. “Đầu” trong trường hợp này cũng giống như cái ví dụ về “nước” trong giải thích của Derrida: “nước” là cái biểu đạt (signifier) ban đầu, và để xác định cái được biểu đạt (signified) của nó, trong quá trình sử dụng, “nước” tự nó đã sản sinh và phát tán liên tục những cái biểu đạt mới và từ đó mới thành nghĩa: nước sông, nước bể, nước giếng, giọt nước, thác nước, hơi nước… thậm chí được thay thế thành H2O, water. Hậu quả là “không xác định cái được biểu đạt” mà chỉ có “cái biểu đạt của cái biểu đạt”. Theo Derrida, nghĩa gốc là thứ bất khả truy nguyên vì lịch sử của từ là rất tương đối và vô tăm tích.

Nhưng đó là chuyện của giải cấu trúc.

Một bạn phản biện rất hay rằng, nếu “đầu” tất yếu phải là “đầu người” thì tiếng Việt bị thừa chữ “người”, từ nay chỉ cần nói “đầu” thì ắt đã là đầu người. Chẳng hạn, “Trai thì trung hiếu làm đầu” thì ắt hẳn “đầu” đó là “đầu người”? Khi lấy con người làm trung tâm theo cách hiểu về thuyết “dĩ nhân vi trung” của mấy giáo sư Việt ngữ học thì từ “đuôi” ắt cũng là “đuôi người”. Lẩn quẩn một hồi, hoá ra ngôn ngữ ra đời ngay khi con người chưa tiến hoá đến mất cái đuôi. Vậy là “đuôi chó”, “đuôi bò”, “đuôi thuyền”, “đuôi đèn”… đều là ẩn dụ cho cái “đuôi” của con người, nghĩa gốc?

Các sách Ngôn ngữ học tri nhận Việt Nam đều hiểu “dĩ nhân vi trung” là lấy con người để mô tả vạn vật, chẳng hạn, Trần Văn Cơ còn khẳng định như đinh, rằng “con người là một tiểu vũ trụ” nên bản thân nó chứa tất cả vũ trụ bên ngoài, và con người đã dùng từ ngữ chỉ người rồi gán cho tất cả vạn vật? Vậy mà không ai phản biện, rằng từ chỉ con người có số lượng bao nhiêu mà có thể dùng để chuyển cho hằng hà sa số sự vật, hiện tượng trong trời đất?

Cái gọi là “dĩ nhân vi trung” lấy con người làm hệ quy chiếu của nhận thức (tri giác, trải nghiệm, tư duy nguyên thuỷ, ngây thơ về không gian, vị trí, dạng thức…) bị hiểu thô thiển thành lấy cơ thể con người đặt tên cho sự vật hiện tượng, thậm chí đem đồng nhất với ẩn dụ tu từ nên mới ra sự kỳ quặc ấy.

Một bạn trách lẽ ra tôi không nên dẫn những từ ngữ tục. Ơ hay, từ ngữ tục là một phần sinh ngữ của mọi ngôn ngữ, nếu không nói có khi chính từ ngữ tục mới là ở dạng nghĩa gốc, vì nó phải ra đời trước những lớp từ gọi là thanh. Những cái gọi là nhã ngữ, nói né, nói tránh, thậm chí nhiều ẩn dụ, hoán dụ đều là sản phẩn của cấm kỵ. Có tục thì mới có cấm để từ đó đẻ ra những từ gọi là thanh. Thanh một hồi vươn ra bên ngoài tự nhiên và vươn lên đến tận cái thiêng ở trên trời thì còn gì là “dĩ nhân vi trung”? Nhà ngôn ngữ học khoe tri nhận luận với phương châm “dĩ nhân vi trung” mà cắt hẳn từ ngữ tục đi khác nào tự thiến hoặc thành kẻ mù loà, làm sao có thể tìm thấy “nghĩa gốc”?

Nhân nói từ ngữ tục mới là từ mang nghĩa gốc, tôi lại khẳng định điều bài trước đã nói. Nếu “đầu súng” có mang tính ẩn dụ, cứ cho là ẩn dụ tri nhận của phương châm “dĩ nhân vi trung” đi, thì đó phải là ẩn dụ cho cái “đầu buồi”. Bởi vì, để né tránh “đầu buồi” tục, người ta đã thay thế thành “đầu súng” thanh, thiêng. Ẩn dụ phải dựa trên trục liên tưởng hay tương đương, “đầu súng” và “đầu người” đều có khả năng khạc đạn, tất nhiên là khác biệt giữa đạn đồng và đạn… nước, đạn giết người và đạn… đẻ ra người. Đó mới là thực tiễn tri nhận, khi ngoài đời người ta vẫn dùng “súng” thay “buồi”. Ẩn dụ này vừa đảm bảo “dĩ nhân vi trung” vừa chắc chắn lành mạnh hơn thứ ẩn dụ dùng “đầu súng” thay thế cho “đầu người” (vì đầu người mà khạc đạn thì đúng là cái đầu khốn nạn). Vậy thì bài thơ Đồng chí phải sửa câu “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày” thành “Vợ con anh gửi bạn thân cày”. Bởi vì trong đêm trăng ấy, anh lính nghĩ thằng bạn thân nào đó đang cày vợ mình mà giương cái súng trong quần lên dưới trăng? Thật là thô bỉ nhưng nhà ngôn ngữ học tri nhận Nguyễn Vượng bảo không liên tưởng từ súng sang một bộ phận cơ thể người thì làm sao “đảm bảo chất thơ”!? Hơ hơ…

Chu Mộng Long
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CON CÀ, CON KÊ


“Con cà con kê” là thành ngữ thông dụng, nghĩa bóng hầu như ai cũng hiểu. Tuy nhiên, đúng như nhận xét của một độc giả: “nghĩa đen của “con cà con kê” mới là thứ tốn hao giấy mực, lôi nhiều nhà ngôn ngữ học, xã hội học, dân tộc học, thậm chí cả côn trùng học vào cuộc, để phân tích hai con quái đó, trong hơn nửa thế kỷ, trải dài trên cả 3 miền đất nước. Mà tới nay vẫn chưa ngã ngũ, vì chưa có lời giải thoả đáng.”[1]

         Sau đây, chúng tôi xin lược thuật lại một số cách hiểu:
1.
Đều là con gà (nhóm một):
         - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “con cà con kê (Cà là do từ cổ có nghĩa là gà). Chê người nói dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác”.   
         -“Từ điển tiếng Việt” (New Era): “cà kê 1. Kéo dài lằng nhằng mãi không hết. Chuyện cà kê (cũng nói chuyện con cà con kê). Kê: có nghĩa là gà. Trong từ ngữ trên, tiếng cà do tiếng gà đọc trại ra. 2. (ngb) Chuyện vặt vô tích sự, chuyện mà ai cũng biết, không cần nói tới, nói ra chỉ mất thời giờ vô ích. Chuyện cà kê vô bổ”.
         - “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (GS.TS Đỗ Thị Kim Liên chủ biên): “con cà con kê (cà: do từ cổ ka có nghĩa là “gà”; kê: từ Hán có nghĩa là “gà”.

         - Nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Con gà âm Hán là kê, tiếng Mường là kha, tiếng Nghệ Tĩnh là ga, cổ âm đồng hoá với ca, cà. “Con cà con kê” là nói đi nói lại cùng một chuyện. dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại... con gà”[2].

         - GS.TS Vũ
Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam lại nhìn nhận, gà là con vật hay lang thang bới móc tìm kiếm thức ăn, đường đi của chúng cũng lòng vòng. Con cà hay con kê đều là con gà sẽ phù hợp với cách nói lòng vòng, nhăng cuội, không có chủ đích, mất thời gian.[3]
2.
Cây cà và cây kê (nhóm hai):
         - Lê Gia, trong sách “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” giải thích: Quả cà và bông kê là hai thứ “rất nhiều hột”, khi gieo ương thì mọc rất nhiều cây con và thường gọi là “con cà con kê”, để “chỉ sự sinh sản ra quá nhiều, thường dùng chỉ về sự nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra”.

         - PGS TS Phạm Văn Tình trong bài “Con cà con kê: có phải đều là gà?” (báo Lao động cuối tuần) ủng hộ quan điểm “cà” và “kê” chẳng liên quan gì tới “gà qué”, mà là cây cà và cây kê. Phân tích sau đây của PGS.TS Phạm Văn Tình gần như là một bản sao của bài “Con cà con kê” trong sách “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”[4]:

         “Trăm nghìn cây cà còn nhỏ mọc lên kín luống. Kê cũng gieo thành đám, mọc ken dày như mạ. Cây cà, cây kê đến độ trồng tỉa, người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi cấy giặm từng cây một. Một luống cây cà hay cây kê non có thể nhổ đem trồng trên một thửa ruộng khá lớn. Công việc trồng cà, trồng kê đòi hỏi phải tỉ mẩn, nhất là vào những ngày mưa, với việc tỉa ra từng cây, rề rà, chậm chạp (vì cây non mềm, dễ gãy và giập nát). Chính từ đó mà hình thành nên nghĩa đen của thành ngữ này là: mất nhiều thời gian, hết cây cà lại sang cây kê, kéo dài mãi như không dứt. Theo chúng tôi, cách giải thích này xem ra thuyết phục hơn, vì nó có cơ sở thực tế (từ nhà nông ta) và phù hợp với ngữ nghĩa biểu trưng của thành ngữ “con cà con kê” như cách dùng phổ biến hiện nay trong dân gian:

Hết kê rồi lại đến cà
Nhổ lên, trồng lại mãi mà không xong.
(Ca dao)”.
         - “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (GS.TS Đỗ Thị Kim Liên chủ biên) ngoài chủ trương “đều là gà”, còn đưa ra “giả thiết khác: cà: cây cà; kê: cây kê; đến tháng ba, người dân đi đâu cũng bàn tới chuyện trồng cà, trồng kê, cây cà, cây kê”, bởi vậy, thành ngữ có nghĩa bóng là “Lan man, dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác”.

        - “Tục-ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Kể-lể con cà con kê: Kể-lể những việc lặt-vặt nhỏ-nhen như chuyện con cà và con kê. Con cà là cây cà con để làm giống.Con kê là cây con để làm giống. Nói cả chuyện con cà, con kê thì còn chuyện gì là chuyện không nói nữa”.
3.
Một số ý kiến khác:
         - Cà kê là từ “ca kệ”: Trong số những từ có âm gần giống cà kê thì chữ Hán có từ ca kệ nghĩa là nhà sư tụng bài kệ. Người xưa kính trọng nhà sư. Bài kinh, bài kệ cho dù có dài thì cũng không đến nỗi bị coi là dông dài, tầm phào, làm phiền người nghe như kể lể cà kê.[5]

         - Xuất xứ từ Pháp: Caquet (từ tượng thanh đọc là ca kê) chỉ tiếng gà cục tác, nghĩa bóng là ba hoa. “Caqueter (động từ) nghĩa là nói không ngừng, nói dông dài, nói chuyện tầm phơ khiến người nghe phải khó chịu”. Ta đã “nhập cảng” caquet của Pháp, rồi Việt hoá thành “cà kê”.[6]

         Những người thuộc nhóm một, bác bỏ cách hiểu của nhóm hai, vì cho rằng:
         - “Trong khoa học, không có con gì tên là con cà, và chắc chắn là không ai biết con cà là con gì.” (GS.TS Vũ Quang Côn)[7].

         - “Con cà con kê khác cây cà cây kê (đã nói con thì không thể là cây nữa).” (Blogtinhte.net).

         - “Trong tiếng Việt không có con kê, không có con cà. Chỉ có vài con có tên kép như cà đúi, cà tong, cà cuống, cà kếu, cà niễng... Nếu chỉ nói là con cà thì khó mà đoán biết là con gì”[8].

          Tuy nhiên, những người theo nhóm hai lại chỉ ra điểm không ổn của nhóm một, đó là tự điều chỉnh lại nghĩa bóng cho hợp với cách giảng nghĩa đen. PGS.TS Phạm Văn Tình và Nhóm Hoàng Văn Hành đã hoàn toàn đúng khi viết:

         “Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng ý nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” (trong tiếng Việt cổ “ca” nghĩa là “gà”) và “kê” (tiếng Hán có nghĩa là “gà”). Song nếu vậy thì nghĩa đen của thành ngữ này hiểu một cách nôm na là: dài dòng luẩn quẩn, trùng lặp, “hết con gà lai quay lại con gà”? Mà như thế thì nghĩa đen này không phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ theo cách dùng phổ biến hiện nay”.[9]

         Vậy, “con cà con kê” được hiểu nghĩa đen thế nào?

         Theo chúng tôi, “con cà con kê” (dị bản “cà kê dê ngỗng”) là chuyện lan man, dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác, không theo chủ đề nào, giống như từ chuyện “cây cà” chuyển sang chuyện “cây kê”; từ “dê” lại sang chuyện “ngỗng”, dù “cà” với “kê”, “dê” với “ngỗng” là những giống loài hoàn toàn khác nhau, vốn chẳng dính dáng, liên quan gì đến nhau.

         Tuy nhiên, thành ngữ nói “con cà”, chứ đâu nói “cây cà”? Điều này có thể giải thích được, bởi ở Thanh Hoá hiện vẫn còn gọi giống cây trồng là “con”. Ví dụ: “Nghề làm con rau” (tức làm giống rau), “Đi chợ bán con rau”, “Mua vài bó con cải (con đay, con su hào...) về trồng”; “Vụ này trồng được vài trăm con cà”... “Con”, trong “con cải”, “con cà” và “con kê”,... ở đây đơn giản là chỉ cây con, cây giống.

         Dẫn chứng trên đây có thể khó tin với đa số độc giả, vì chúng tôi tra cứu hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt (kể cả từ điển phương ngữ) biên soạn ở cả hai miền Nam, Bắc trước và sau 1975, thấy các nhà biên soạn cho chữ “con” có tới 9 nghĩa, nhưng không có nghĩa nào chỉ về cây cối. Tuy nhiên, một từ không có trong từ điển, không có nghĩa nó chưa từng tồn tại trong thực tế. May thay, và thật thú vị khi “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex) đã thu thập “con” (danh từ) và xếp vào diện “id” (ít dùng) với nghĩa phái sinh chỉ giống cây, cây nhỏ mới mọc: “con [id] cây nhỏ mới mọc, thường dùng để cấy trồng, gây giống: cấy khoảng vài trăm con rau ~ mua mấy trăm con giống về trồng”. Và “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình-Tịnh Paulus Của), mục “con thuốc” cũng giảng là “cây thuốc mới ương, mới mọc”.

         Như vậy, trong tiếng Việt, “cây giống” còn được gọi là “con giống”; giống rau còn gọi là “con rau”: “con giống cà”, “con giống kê”, “con giống cải”, hoặc nói gọn là “con cà”, “con kê”, “con cải”...

         Dị bản “cà kê dê ngỗng” cho chúng ta thêm bằng cứ để khẳng định “con cà con kê” không thể “đều là gà”. Bởi nếu “đều là gà”, thì dị bản “cà kê, dê ngỗng” phải là “cà kê, dê dương” mới đúng với nghĩa nói quanh quẩn, hết chuyện cà (gà) rồi lại quay lại gà, hết chuyện dê rồi lại quay lại chuyện dê (dương).[10]

         Về cách hiểu nghĩa đen “quả cà” và “bông kê” “nhiều hột” của Lê Gia cũng khó thuyết phục, bởi nghĩa bóng thành ngữ không nói về “sự nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra”. Và, nếu là tỉ mẩn, chậm chạp, lâu xong, (như ý PGS.TS Phạm Văn Tình và Nhóm Hoàng Văn Hành phân tích) thì công đoạn gieo mạ, nhổ mạ, gánh mạ ra đồng, rồi cấy từng khóm lúa một, với diện tích hàng mẫu ruộng mới đáng gọi là lâu. Trong khi cà và kê là hai loại cây trồng mà xưa kia chủ yếu tự cung tự cấp, mỗi nhà chỉ trồng một vài thước đất, tranh thủ chốc lát là xong, đâu có điển hình cho sự “mất nhiều thời gian”, “kéo dài mãi như không dứt”?

         Với “giả thiết” mà GS.TS Đỗ Thị Kim Liên nêu ra: “cà: cây cà; kê: cây kê;đến tháng ba, người dân đi đâu cũng bàn tới chuyện trồng cà, trồng kê, cây cà, cây kê”, cũng không phù hợp với nghĩa bóng, vì như vậy là bàn chuyện đồng áng, cấy trồng một cách sôi nổi (có chủ đề), chứ đâu phải “lan man, dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác” (như chính PGS. TS Đỗ Kim Liên đã giảng nghĩa của “con cà con kê”).

         Như vậy, con cà, con kê; hay con dê, con ngỗng ở đây đều là những sự vật quen thuộc, nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, không có gì lạ, hay đặc sắc; chẳng khác nào những câu chuyện vãn, chuyện phiếm, chuyện vặt, cốt giết thời giờ rảnh rỗi. Vì là chuyện gẫu (gặp đâu nói đó) nên đặc điểm của “con cà con kê” là chuyện không đầu không cuối, từ chủ đề này chuyển sang chủ đề khác lúc nào không hay. Mặt khác, chính bối cảnh nhàn rỗi, chẳng có gì thúc bách về thời gian đã tạo nên tính chất rề rà của chuyện “con cà con kê”, chứ không phải việc trồng cà, trồng kê tỉ mẩn, rề rà, chậm chạp, lâu xong, nên mới thành nghĩa đen.

          Đến đây chúng tôi cũng mạnh dạn loại trừ thuyết cho rằng, cà kê vốn là “ca kệ” trong đạo Phật, hay caquet được “nhập cảng”, rồi chuyển nghĩa ba hoacủa ca-kê trong tiếng Pháp, thành “cà kê”, rồi “con cà con kê” trong tiếng Việt.

Hoàng Tuấn Công
4/2017
Ghi chú:
         [1]- Độc giả này cũng cho rằng: “Con kê còn hiểu được là con gà, chứ con cà thì thật tìm không ra ở đâu có”, và giải thích: “Nghĩa bóng thành ngữ này là cứ lặp đi lặp lại mỗi một chuyện, kiểu nói nhàm, không có thông tin gì mới (...) “Con cà” là nói trại từ con gà; con kê là dùng từ Hán Việt nói trớ, cũng chỉ để trỏ con gà. Nói trại, nói trớ quanh quẩn, rồi cũng chỉ là nói về... con gà mà thôi...” (“Con cà con kê”-FB Vinhhuy Le).
         [2,3,4,5,6,7,8,9]-Dẫn theo bài “Điển tích con cà con kê bắt nguồn từ đâu?” (kienthuc.net.vn).
         [3]-Đa số các cuốn từ điển đều thống nhất cách hiểu nghĩa bóng của “con cà con kê”. Ví dụ: “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “cà kê • t. hay đg. dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác: ngồi cà kê hết cả buổi sáng ~ nói cà kê hết chuyện nọ tới chuyện kia. Đn: cà kê dê ngỗng, con cà con kê”.

         [4]-“Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”-Hoàng Văn Hành chủ biên, Viện Ngôn ngữ-NXB Khoa học xã hội, 2002.
         [10]- Dị bản “cà kê dê ngỗng” được nhiều từ điển ghi nhận, trong đó có cuốn “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức xuất bản tại Sài Gòn trước 1975.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LÁ CÀ” TRONG “GIÁP LÁ CÀ”


Lá cà của hai bên luôn ở tư thế áp sát vào nhau trong khi vũ khí ngắn được sử dụng
linh hoạt để đâm chém -Minh hoạ: St
Thành ngữ “Giáp lá cà” được các nhà biên soạn từ điển giải  thích như sau:
         -“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “giáp lá cà • trt. C/g. Xáp lá-cà, ráp đánh nhau bằng võ-khí ngắn”.
         -“Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “giáp lá cà • (h. Sát lá cà) Nói quân hai bên xông vào nhau mà đâm chém nhau”.
         -“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “giáp-lá-cà • trt. Nói cách đánh sát nhau, xông vào đâm chém nhau <> Vì có nhiều trận giáp lá-cà nên máy bay địch không thể thả bom được. // Trận giáp-lá-cà”.

         Tuy nhiên, nghĩa đen của “giáp lá cà” là sao?  
         Sách “1575 Thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia-NXB Văn Nghệ, 2009) giải thích: “Đánh giáp (sáp) lá cà Có một hiện tượng khá đặc biệt là: Hai cây cà trồng gần nhau nếu lá của cây này mà sát vào nhau thì chỗ đụng nhau ấy sẽ tự nhiên dần dần ủng thối và hư luôn. Do đó mà trong vườn cà người ta không trồng dầy. Nhựa của cà rất độc cho nên có câu “Một quả cà là ba chén thuốc”. Vậy nên, trong chiến trận, khi quân sĩ hai bên đã tiến sát vào nhau mà đánh cận chiến thì hễ hai người đụng nhau là phải có người bị ngã, người ta gọi đánh nhau như vậy là “Đánh giáp (sát) lá cà”.

         Bài “Tại sao gọi là giáp lá cà”, tác giả Nguyễn Việt Khoa cho rằng “Giáp lá cà”, “Sáp lá cà” hay “Đánh giáp lá cà” không phải là thành ngữ quá khó hiểu trong Tiếng Việt”, và giải thích:

          “Lá cà” là một từ dân gian để chỉ bộ phận che ngực, bụng và hạ bộ của áo giáp võ quan ngày xưa. Như vậy, theo nghĩa đen thì “đánh giáp lá cà” là cận chiến, đánh mặt đối mặt, “lá cà” của các võ quan kề sát hẳn vào nhau (...) Cách gọi này mô phỏng trực tiếp sự giống nhau của bộ phận giáp phục này với hình dánh chiếc lá cây cà. Còn “đánh giáp lá cà” là đánh nhau gần tới mức lá cà của áo giáp kề sát vào nhau.” (nguyenvietkhoa.edu.vn).
Hình minh hoạ bộ phận gọi là “lá cà” trên áo giáp, trong bài viết của tác giả Nguyễn Việt Khoa
Trên trang hoidap.vinhphuc.net, mục “Kiến thức quanh ta” đưa ra cách giải thích tương tự: “Theo nhà giáo Trịnh Mạnh thì Lá cà là một bộ phận làm bằng đồng nhằm che ngực, che bụng, che hạ bộ được gắn vào áo của các võ quan ngày xưa. Đánh giáp lá cà đánh mặt đối mặt, lá cà của các võ quan sát hẳn vào với nhau”.

         Theo chúng tôi, cách lý giải của Lê Gia thiếu cơ sở. Bởi trong thế giới thực vật cũng có hiện tượng “kị nhau”, loài này trồng gần loài kia thì gây hại, loại trừ nhau. Nhưng với những cây cùng loài, cùng giống, khi trồng dày, cành lá giao nhau, cùng lắm cũng chỉ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, dẫn đến kém sinh trưởng, dễ phát sinh sâu bệnh, chứ không có chuyện cùng giống cà, mà “lá của cây này mà sát vào nhau thì chỗ đụng nhau ấy sẽ tự nhiên dần dần ủng thối và hư luôn”. Thực tế cho thấy, vườn cà khi giao tán nhau vẫn sinh trưởng tươi tốt, cho thu hoạch bình thường.

Lê Gia dẫn chứng “Nhựa của cà rất độc cho nên có câu “Một quả cà là ba chén thuốc”. Tuy nhiên, dân gian cho rằng, cà tính độc, hạt cứng khó tiêu (ăn cà muối xổi có khi còn bị “tích độc” [tắc ruột]). Nên câu “Một quả cà là (bằng) ba chén (thang) thuốc”, được hiểu: đang ốm yếu mà ăn cà vào thì bệnh càng nặng thêm, cứ một quả cà phải uống thêm 3 thang thuốc, mới khỏi bệnh. Theo đây, “nhựa cà” có thể độc đối với người ăn, chứ không độc với chính các cây cà khi “đụng nhau”. Mặt khác, “giáp lá cà” là hai bên xông vào đâm chém nhau một mất một còn, chứ đâu phải “đụng nhau”, khiến “có người bị ngã”?

         Tác giả Nguyễn Việt Khoa và Nhà giáo Trịnh Mạnh có hướng tiếp cận khá hay. Tuy nhiên, xét cụ thể thì các giải thích này lại chưa thoả mãn được thực tế những trận chiến giáp lá cà. Vì nếu “lá cà” là “bộ phận che ngực, bụng và hạ bộ”[1], khi “cận chiến”, “lá cà” của các võ quan kề sát hẳn vào nhau”, phải hiểu các “võ quan” xông vào “vật nhau” mới đúng. Chỉ khi vật nhau, ôm nhau, thì bụng mới áp với bụng, “lá cà” của các võ quan” mới “kề sát hẳn vào nhau”.[2] Trong khi “đánh giáp lá cà” (Hán-Anh: 直接交手的, 白刃戰的, 肉搏的 ­- hand-to-hand) là đánh nhau trực diện bằng tay, hoặc võ khí ngắn, giữa hai đối thủ vẫn giữ một khoảng cách linh hoạt.

         Theo một hướng tiếp cận khác, chúng tôi cho rằng, “lá cà” trong “giáp lá cà”, chính là cách dân gian gọi cái thuẫn, hay khiên, mộc, (còn gọi “lá chắn”) của “kiếm thuẫn binh”-劍盾兵 (binh lính được trang bị kiếm và thuẫn khi xung trận), mà “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng: “lá chắn: tên gọi chung vật dùng để che đỡ cho tên, gươm, giáo khỏi trúng người trong chiến trận thời xưa, như khiên, mộc, v.v”.

Xét hình dáng tấm “lá chắn” (thuẫn, khiên, mộc...) rất giống cái “lá cà”. Từ điển tiếng Việt (Vietlex), giảng về cái “thuẫn” như sau: ““thuẫn - 盾 d vật dùng để cầm che đỡ cho gươm, giáo khỏi đâm trúng người khi đánh trận thời xưa, hình thon dần về một đầu, như nửa hình cái thoi: tấm thuẫn”.

Lá cây cà (đặc biệt là giống cà dại) phần đầu lá bằng, tựa như phần trên của cái thuẫn; thân phình ra, rồi hóp dần về phía đuôi lá, gân và gai trên lá nổi lên giống những chiếc đanh thép ghép các mảnh gỗ của “lá chắn” lại với nhau[3]. Khi cận chiến, tay trái chiến binh cầm “lá cà”, luôn giơ ra phía trước, tay phải cầm võ khí ngắn, vừa đánh vừa che đỡ, tấn công đi đôi với phòng thủ. Đao, kiếm bên này xỉa, chém, bị “lá cà” bên kia chống đỡ. Lúc “vờn nhau”, “giữ miếng” thì cả hai bên đều giơ lá “lá cà” ra phía trước. Lá cà của của bên nọ “sát”, “giáp”, “chập” vào “lá cà” của bên kia. Chỉ đợi đối phương sơ hở là đưa ra cú đâm, chém chí mạng. Bởi vậy, dân gian có câu “Rình nhau như miếng mộc”. Miếng mộc ở đây chính là “lá chắn”, “lá cà”. Khi “lá cà” của hai bên “giáp”, “sát” vào nhau, chính là khoảng cách hợp lý, vừa đủ để sử dụng võ khí ngắn tiêu diệt đối phương.

Theo đó, chúng tôi cho rằng, “lá cà” là cách gọi hình tượng của dân gian chỉ tấm “lá chắn” của chiến binh xưa. “Đánh giáp lá cà” theo nghĩa gốc là cách đánh gần, khiến “lá cà” (thuẫn, khiên, mộc) và võ khí hai bên “sát”, “giáp”, đâm vào nhau (khác với tấn công bằng cung tên, súng đạn,..). Về sau “giáp lá cà” được hiểu theo nghĩa rộng mà từ điển Vietlex giảng là: “đánh gần bằng báng súng, lưỡi lê, dao găm, gươm giáo, gậy gộc, v.v., hoặc bằng tay không...“[4].

Hoàng Tuấn Công
4/2017
Ghi chú:
       (1)- Theo mô tả của tác giả Nguyễn Việt Khoa và Nhà giáo Trịnh Mạnh, “Lá cà là một bộ phận làm bằng đồng nhằm che ngực, che bụng, che hạ bộ”, thì hẳn “lá cà” này phải chia (ít nhất) thành hai mảnh. Bởi nếu kéo dài từ ngực qua bụng xuống hạ bộ”, thì người mặc áo giáp có “lá cà” nó sẽ không cử động được. Mà một khi đã chia làm hai mảnh, thì nó sẽ là hai bộ phận khác nhau, làm sao có thể gọi là “lá cà” được.
       (2)-Trong tình huống giáp lá cà, có khi hai bên cũng xông vào nhau cắn xé, vật lộn. Nhưng đó không phải là hình ảnh tiêu biểu cho “đánh giáp lá cà”.
     (3)-Ngoài hình “lá cà”, thì lá chắn có nhiều kiểu dáng khá phong phú, như: hình tròn, bầu dục, hình chữ nhật...Nếu dân gian gọi chung tất cả các loại khiên, mộc, thuẫn ấy là “lá cà”, thì cũng là điều bình thường trong ngôn ngữ.
     (4)-”Giáp lá cà” là một trong những thành ngữ khá khó hiểu. Bài viết của chúng tôi cũng chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận. Mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc và các nhà nghiên cứu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“BƠI CHẢI” HAY “BƠI TRẢI”?


Quả tình, hiện nay đang tồn tại song song hai cách viết “bơi trải” và “bơi chải”. Ví dụ, nếu nhập mấy từ “lễ hội bơi chải” vào google, theo link bài “Những màn rượt đuổi thót tim trong lễ hội Bơi chải Bạch Hạc” trên báo Lao Động, chúng ta sẽ thấy hàng loạt bài viết có liên quan sử dụng “bơi chải”, như: “Chung kết giải bơi chải mừng Đảng, mừng Xuân”; “Lễ hội bơi chải bến Tam Giang - Bạch Hạc - Việt Trì”; “Đặc sắc lễ hội bơi chải Bạch Hạc”; “Hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng năm 2017”... Nhưng, nếu nhập các từ “lễ hội bơi trải”, ta lại cũng tìm được hàng loạt bài trên các  báo “Thể thao Văn hoá”, báo “Thái Bình”,...viết là “bơi trải”, chứ không phải “bơi chải”.

         Tuy nhiên, (đúng như bác Nguyễn Cử viết), hầu như các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay (xuất bản trước và sau năm 1975, ở cả hai miền Nam, Bắc) đều thu thập và giải nghĩa từ “bơi trải”, chứ không có cuốn nào thu thập “bơi chải”. Ví dụ:

         - “Từ điển tiếng Việt” (Vielex): “bơi trải • đg. đua thuyền theo kiểu truyền thống [một trò chơi dân gian cổ truyền] mở hội thi bơi trải”. [Bắc]
         - “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “bơi trải • đg. Bơi thuyền thi”. [Bắc].
         - “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập):  bơi trải • Bơi thuyền (ghe) thi (đua).
         - “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “bơi-trải • pt. Bơi đua bằng chiếc trải, cuộc thi bơi trải”.
         Vậy, “bơi chải” đúng, hay “bơi trải” đúng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử xem “trải”, hay “chải” có nghĩa là gì:

         -“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “trải • d. thuyền nhỏ và dài, dùng trong các cuộc thi bơi thuyền : hội bơi trải”.[Bắc]
         -“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân):  trải • d. Thứ thuyền nhỏ và dài dùng trong các cuộc bơi thi <> Bơi trải”.[Bắc]

       - “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức)” trải • Thuyền nhỏ và dài, thường dùng để bơi đua <>Bơi trải”[Bắc].
         -  “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) • dt. Thuyền hẹp và dài, dùng bơi đua : Bơi trải, chiếc trải”.
         - Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập):  • Một thứ thuyền (ghe) nhỏ và dài, dùng để bơi đua <> bơi trải”.
         
         - “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “trải • dt. Thuyền nhỏ và dài <> Bơi trải”.

         Trong khi từ điển tiếng Việt đều ghi nhận “trải” với nghĩa là “một loại thuyền nhỏ và dài dùng để bơi đua”, thì “chải” chỉ được giảng với một nghĩa duy nhất trong “chải tóc”.

         Theo đây, viết “chèo trải” là đúng. Vậy tại sao lại lầm lẫn “trải” thành “chải”? Có thể là một trong mấy khả năng sau đây:

         - Phát âm lẫn lộn giữa TR và CH, đọc là “bơi chải”, nên viết cũng là “bơi chải”.

         - Không hiểu “trải”, trong “bơi trải”, nghĩa là một loại thuyền nhỏ, nên đoán “chải” ở đây chỉ động tác bơi thuyền, “bơi chải” là khi bơi thuyền, các tay chèo đều tăm tắp, liên tục như “chải” vào nước.

          - Phóng viên, báo chí đã căn cứ vào cách viết của Ban tổ chức Hội thi là “bơi chải”, nên cũng viết theo. Bởi vậy, cách viết “bơi chải” trên báo chí trở nên thông dụng hơn “bơi trải”.

         Như vậy, căn cứ theo từ điển và theo nghĩa hiện thời, thì “trải”, là một loại thuyền nhỏ, dùng để bơi đua, nên viết đúng là “bơi trải” (đua bằng thuyền trải), chứ không phải “bơi chải”. Tuy nhiên, nếu xét về mặt từ nguyên, thì câu chuyện có thể không đơn giản như vậy. Bởi ở Thanh Hoá, có một trò diễn dân gian là “chèo chải”, hát múa, kèm động tác biểu diễn chèo, đua thuyền trên cạn (lứu ý: khi nói và viết người Thanh Hoá phân biệt rõ ràng giữa âm Ch và Tr).

           Vậy “trải” trong “bơi trải”, và “chải” trong “chèo chải” có mối quan hệ gì với nhau không? Tại sao lại gọi loại thuyền nhỏ dùng để đua bơi là “trải”, và gọi một trò diễn đua thuyền trên cạn là “chèo chải”?

         Câu chuyện tiếp theo thuộc phần việc của các nhà từ nguyên học.

HOÀNG TUẤN CÔNG
4/2017      
Ghi chú:
Từ điển có chú chữ [Bắc] được biên soạn và xuất bản ở miền Bắc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LĂNG LOẠN VÀ LĂNG LOÀN


Trong “Đất lề quê thói” có một tiểu mục tên là “LĂNG LOÀN”. Tác giả Nhất Thanh viết: “Cô gái về nhà chồng, sau mọi thủ-tục lễ-nghi, bước chân vào phòng cô dâu, việc đầu tiên là vội vàng ngồi vào nơi đầu giường ngủ, và khi thay áo thì tìm cách vắt chờm lên trên áo của chồng, sớm được chừng nào hay chừng nấy. Những bạn bè đã đi bước trước và nhiều khi chính mẹ cô dâu đã rỉ tai bảo làm như vậy thì rồi sẽ không bị chồng bắt nạt, và trái lại sẽ bắt nạt được chồng. (...) Tâm lý của phần đông các cô, rồi thành các bà, là thích bắt nạt chồng. Vừa mới bước chân về nhà người ta đã vội vã thực hiện ngay mấy điều tâm-niệm kia, rồi luôn luôn tìm cách áp đảo, không dùng thế công thì cũng giữ thế thủ”.

         Ở đây, Nhất Thanh chỉ nói đến thói “lăng loàn” của người vợ hay “bắt nạt”, “áp đảo” chồng. Trong thực tế, từ “lăng loàn” còn được dùng với nghĩa rộng hơn, bao gồm cả mối quan hệ nàng dâu-mẹ chồng, nàng dâu-bố chồng, hoặc chỉ chung những người phụ nữ quan hệ trai gái phóng túng, có thái độ hỗn xược với bề trên:

-“Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): “lăng-loàn • tt. Không kể trên dưới, đức-hạnh, phóng đãng quá <> Con gái lăng-loàn mất nết”.

-“Việt Nam tự điển (Hội Khai trí tiến đức): “lăng-loàn • Nói kẻ dưới hỗn xấc với người trên <> Con dâu hư lăng-loàn cả mẹ chồng”.

-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “lăng loàn • tt. Hỗn-xấc, lấn-lướt kẻ trên trước : Đàn-bà lăng-loàn”.

- “Từ điển tiếng Việt” (bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Vietlex) giải thích rõ ràng hơn: “lăng loàn • 凌亂 đg. 1 có hành vi hỗn xược xúc phạm người trên, không chịu phục tùng khuôn phép, bất chấp đạo đức, luân lí [thường nói về phụ nữ trong quan hệ gia đình] : “(...) chẳng ngày nào là hai vợ chồng không cãi nhau, mà cãi nhau thì bao giờ vợ cũng lăng loàn chửi bới nhà chồng.” (Khái Hưng). 2 có quan hệ trai gái phóng túng, bất chấp luân thường đạo lí : “Còn đâu nay thiếp mai chàng, Ghe anh lui khỏi bến, bậu lăng loàn biết đâu?” (Cdao). Đn: lăng nhăng”.

         “Từ điển tiếng Việt” của Vietlex đã chính xác khi chú thêm: “chữ 亂 ‘loạn’, quen nói trại thành loàn. nghĩa lăng loàn trong tiếng Việt có khác với 凌亂 [lăng loạn]  trong tiếng Hán”.

         Chúng ta còn thấy “dấu vết” của hai chữ “lăng loạn” (mà Từ điển Vietlexghi chú) trong một số từ điển xuất bản trước 1975, như: “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “lăng-loàn  [lăng-loạn] • Lấn lướt làm cho rối loạn <> đàn bà lăng-loàn”; “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “lăng loạn • đt. Lần-lượt làm rối-loạn hàng-ngũ, trật-tự”.

         Từ “lăng loạn” 凌亂 trong tiếng Hán có nghĩa là “tạp loạn, không có trật tự” (雜亂而無跌序-Tạp loạn nhi vô trật tự [Hán điển]); “lộn xộn, không có trật tự trên dưới” (雜沓無條理也-tạp đạp, vô điều lí [Từ hải]).

         Trong tiếng Hán, để chỉ người đàn bà “lăng loàn”, có các từ như “bát phụ”潑婦 (bát 潑: ngang ngược; phụ 婦: đàn bà; “bát phụ” = đàn bà ngang ngược), “hãn phụ” 悍婦 (hãn: mạnh tợn, ngang bướng; phụ 婦: đàn bà; “hãn phụ” = đàn bà ngang bướng, mạnh tợn). “Hán điển” giảng “bát phụ” 潑婦, là: “Lời trách mắng, chỉ người đàn bà ngang ngược, bất chấp đạo lý.” [潑婦:斥罵人的話,指凶悍不講理的婦人-bát phụ: xích mạ nhân đích thoại, chỉ hung hãn bất giảng lí đích phụ nhân].

         Như vậy, “lăng loàn” (termagant) là từ Việt gốc Hán, được người Việt sử dụng với một nghĩa mới, không có trong tiếng Hán. Có lẽ, từ chỗ quan niệm người phụ nữ trong gia đình phải giữ đạo vợ chồng, giữ phận làm dâu con, sao cho có phép tắc trên dưới, theo đúng luân thường, đạo lý, nên những người phụ nữ “lăng loàn” (lộn xộn, không có trên dưới, trật tự, bất chấp đạo lý) chính là người làm rối loạn cương thường (tam tòng, tứ đức...), không giữ đúng bổn phận, đạo làm vợ, làm dâu con. Mặt khác, theo chúng tôi, tuy là từ vay mượn, nhưng so với các từ “bát phụ”, “hãn phụ”, “lăng loàn” trong tiếng Việt có nghĩa bóng hay hơn, sâu sắc hơn.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“BỒN”
TRONG “LÂM BỒN”


“Lâm bồn” là một từ Việt gốc Hán, không mấy thông dụng trong giao tiếp, nhưng lại được sử dụng khá nhiều trên sách báo hàng ngày. Ví dụ một số báo đặt tít: “Đến lúc lâm bồn mới biết mang thai.” (dantri.com.vn); “Cô gái không biết mình có thai...đến lúc lâm bồn.”(thanhnien.vn); “Tại sao đàn ông không nên gần vợ lúc lâm bồn.”(vietnam.net.vn); “10 dấu hiệu cho biết bạn sắp lâm bồn.”(nuoiconkieumy.com);“Chuẩn bị đến ngày lâm bồn.” (songkhoe.vn)...

         Nhóm từ điển thứ nhất giải thích “lâm bồn” như sau:

1 - Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “lâm bồn • 臨盆 đg. [cũ, kc] [phụ nữ] đẻ: sản phụ lúc lâm bồn”.
2 - Việt-Nam tân từ-điển (Thanh Nghị): “lâm-bồn • đt. Đến lúc sinh đẻ <> Thời-kỳ lâm-bồn”.
3 - Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên):  “lâm bồn • ở cữ (cũ)”.

 4 - “Hán Việt từ điển” (Nguyễn Văn Khôn): “lâm bồn 臨盆 Lúc đàn bà sắp sanh đẻ”.
         Theo đây, “lâm bồn” chỉ phụ nữ trở dạ và sinh đẻ. Nhưng tại sao lại gọi là “lâm bồn”? Nhóm từ điển thứ hai cho chúng ta biết rõ:

1 - “Hán Việt tân từ điển” (Nguyễn Quốc Hùng): “lâm bồn 臨盆 Tới cái chậu, ý nói đàn bà tới lúc sanh đẻ”.
2 - “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí tiến đức): “lâm-bồn • Tới cái chậu tắm. Tức là đẻ <> Đàn-bà khi lâm-bồn phải kiêng khem kỹ”.
3 - “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “lâm-bồn • Tới lúc sinh đẻ (tới lúc cần đến cái chậu tắm)”.
4 - “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “lâm bồn • đt. Tới bồn tắm. • (Bóng) Chuyển bụng đẻ, sinh-nở: Tới lúc lâm-bồn”.
5 - “Từ điển tiếng Việt” (New era): “lâm bồn: Tới cái chậu, ý nói người đàn bà tới lúc sinh đẻ”.
6 - “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “lâm bồn đgt (H. lâm: đương lúc; bồn: cái chậu) Nói lúc sản phụ đẻ: Lúc vợ lâm bồn, anh chồng cuống quýt chạy ra, chạy vào”.

         Như vậy, Nhóm từ điển 2 đã thống nhất nghĩa của “lâm bồn” 臨盆 là “đến cái chậu”, hay “đến cái chậu tắm”, “cần đến cái chậu tắm”. Tuy nhiên, nếu quả thật khi sinh đẻ, dứt khoát sản phụ cần phải có cái chậu tắm, thì bà đỡ sẽ đem cái chậu tắm lại, đâu có chuyện sản phụ phải tự tới chỗ cái chậu tắm. Mà “đến cái chậu tắm” để làm gì? Tắm cho mẹ, hay tắm cho đứa con ngay sau khi sinh? Người xưa sau khi sinh đẻ, thường lau khô cho đứa trẻ, chứ không tắm (họ kiêng nước cho cả mẹ và con). Giả sử với tộc người Hán, họ tắm rửa sau khi sinh, hoặc thực hiện nghi thức tắm rửa cho đứa trẻ sơ sinh, cũng đâu dứt khoát phải tiến hành ngay tại vị trí sản phụ vừa mới sinh, để rồi “bồn” (cái chậu tắm) hay “lâm bồn” (“đi đến chỗ cái chậu”) là vật dụng không thể thiếu khi sinh, đến mức trở thành nghĩa chỉ việc sinh đẻ.

         Theo chúng tôi, “bồn” 盆, trong “lâm bồn” 臨盆 là gọi tắt của “bồn xoang”盆腔, tức là “xoang chậu” [pelvic cavity] của người phụ nữ (cụ thể là sản phụ), chứ không phải là “cái chậu”.

         Hán điển (zidic.net) giảng nghĩa của từ “lâm bồn” như sau: “lâm bồn: Thai nhi đã di chuyển xuống đến vùng bồn xoang [xoang chậu] (của sản phụ)”. [Nguyên văn: “臨盆 línpén [parturient;be giving birth to a child;be confined;be in labour] 胎兒以降臨至盆腔 - lâm bồn: thai nhi dĩ giáng lâm chí bồn xoang]”.

           Vẫn mục từ “lâm bồn”, Hán điển, giải thích nghĩa từ vựng của “lâm bồn” [臨盆] là “phụ nữ phân miễn” [婦女分娩], nghĩa là “phụ nữ sinh đẻ”.

         Từ “bồn xoang” 盆腔, được Hán điển giảng là: “Khoang chậu phía trong của khung xương chậu. Các bộ phận như bàng quang, tử cung, buồng trứng, đều nằm ở trong khoang chậu này”. [Nguyên văn: “盆腔: 骨盆內部的空腔.膀胱,子宮卵巢等器官皆在此空腔中 - bồn xoang: Cốt bồn nội bộ đích không xoang.Bàng quang, tử cung, noãn sào đẳng khí quan giai tại thử không xoang trung”].

         Vậy tại sao yếu tố “bồn” 盆, lại được dùng trong từ “lâm bồn” 臨盆? Hán điểngiảng hai nghĩa cơ bản của “bồn” 盆: “1.Đồ đựng, hoặc dụng cụ rửa ráy, như: bồn cảnh 盆景, bồn hoa 盆花, bồn tài 盆栽 (trồng cây trong chậu [bon-sai]), kiểm bồn 臉盆 (chậu rửa mặt),v.v...2.Đồ vật ở giữa lõm vào giống hình dáng của cái chậu: bồn địa 盆地 (lòng chảo) cốt bồn 骨盆 (khung chậu, khung xương chậu).” [Nguyên văn: 盛放東西或洗滌的用具: 盆景, 盆花, 盆栽,臉盆...2.中央凹入象盆狀的東西: 盆地; 盆骨 - Thịnh phóng đông tây hoặc tẩy địch đích dụng cụ: bồn cảnh, bồn hoa, bồn tài, kiểm bồn...2.Trung ương ao nhập tượng bồn trạng đích đông tây”].

         Từ “lâm bồn” có nghĩa tương tự như “chuyển dạ”, “chuyển bụng” hoặc “trở dạ”, mà Từ điển Vietlex giảng: “chuyển dạ • đg. có triệu chứng [thường là đau bụng] sắp đẻ: chị ấy chuyển dạ lúc nửa đêm. Đn: chuyển bụng, trở dạ”. Chính “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức sau khi giảng “lâm bồn • đt. Tới bồn tắm”, đã giảng thêm: "(Bóng) Chuyển bụng đẻ, sinh-nở: Tới lúc lâm-bồn”.

Khi “chuyển dạ” tức là lúc (quá trình) thai nhi di chuyển từ bụng trên xuống bụng dưới để ra ngoài chào đời trong cơn đau sinh hạ của người mẹ. Có rất nhiều dấu hiệu chuyển dạ (như đau bụng, vỡ ối...), trong đó các chuyên gia sản phụ thường có lời khuyên nhận biết là: Cảm giác thai nhi di chuyển xuống: Đầu của thai nhi di chuyển xuống khung chậu nên có cảm giác thai nhi tụt xuống. (“Làm sao mẹ bầu  bụng sắp tụt xuống để sinh con” - GDTĐ)

           Phim khoa học (xem video đăng kèm trong bài) mô phỏng quá trình sinh đẻ, cho biết qua hình ảnh và lời thuyết minh: “giai đoạn đầu của chuyển dạ có thể kéo dài từ 12-19 tiếng, bắt đầu ngay khi em bé di chuyển xuống vùng xương chậu. Giai đoạn hai của chuyển dạ có thể kéo dài từ 20 phút đến 2 tiếng. Khi tử cung kéo giãn được khoảng 10cm, đầu em bé bắt đầu chui qua cổ tử cung để vào ống dẫn đẻ...”

         Như vậy, theo chúng tôi, “bồn” 盆, vốn có nghĩa gốc là “cái chậu”, sau được dùng để chỉ hình trạng vật gì lõm vào giống như cái chậu. Cụ thể “bồn” 盆trong “lâm bồn” 臨盆, có nghĩa là xoang chậu của sản phụ. “Lâm bồn” vốn chỉ trạng thái “thai nhi đã di chuyển xuống đến vùng bồn xoang”, (đồng nghĩa với thai nhi sắp ra đời). Sau này, “lâm bồn” được hiểu theo nghĩa phái sinh chỉ phụ nữ đẻ, hoặc quá trình từ lúc người phụ nữ chuyển dạ đến khi sinh con.

Trong tiếng Hán, có một số từ đồng nghĩa với “lâm bồn”, là “ngoạ nhục” 臥蓐 (nằm nệm; “nhục” 蓐 = nệm); “toạ nhục” 坐蓐 (ngồi nệm); “toạ thảo” 坐草 (ngồi [nệm] cỏ); “thượng thảo” 上草 (ngồi lên [nệm] cỏ). “Hán ngữ võng” (漢語網) giảng: “Thời cổ đại, sản phụ khi chuẩn bị đẻ thì nằm, ngồi trên nệm cỏ để đẻ, nên [sinh đẻ] gọi là ngồi nệm.” (因古代產婦臨產有坐在草蓐上分娩者,故名坐蓐).

      Điều thú vị là từ “ngoạ nhục” 臥蓐 (nằm nệm), hay “toạ thảo” 坐草 (nẳm nệm cỏ), đồng nghĩa với từ “nằm ổ” trong tiếng Việt. “Ổ” chính là cái giường, nệm được trải bằng rơm, quây kín như buồng tằm trong suốt quá trình sinh đẻ và kiêng kị. Nếu “lâm bồn”, hay chuyển dạ, chuyển bụng, chỉ quá trình và thời điểm thoát thai của hài nhi (diễn ra bên trong bụng mẹ), thì “ngoạ nhục”, nằm ổ (“nệm” và “ổ” là điều kiện thiết yếu bên ngoài), vừa chỉ việc sinh đẻ, lại vừa chỉ chung thời kỳ sau khi sinh (ở cữ). Điều này có vẻ hợp lý hơn, vì với người phụ nữ (cũng như đứa trẻ sơ sinh), cái mà gắn với họ, quan trọng nhất với họ khi sinh đẻ và sau khi sinh đẻ, chính là giường, nệm, ổ, chứ không phải là “cái chậu tắm”.

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] ... ›Trang sau »Trang cuối