Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [26] [27] [28] [29] [30] [31] [32] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

Từ VẢY TÊ TÊ
đến GIÃY TÊ TÊ


Từ điển 270 con vật của Nguyễn Ngọc Hải (Hà Nội, 1993) đã viết về con tê tê (ảnh) như sau:
https://image.thanhnien.v...te_anhenvcungcap_xiyz.jpg

“Còn có tên là xuyên sơn giáp, con trút, có tới 10 loài. Tê tê chỉ sống ở vùng nhiệt đới châu Phi và Đông Nam Á, toàn thân và đuôi phủ vảy sừng như ngói lợp, trừ phía bụng. Chúng sống ở rừng núi đất, chân có móng sắc để đào hang và ngủ trong đó ban ngày. Tê tê thiếu răng, mồm nhọn, nhưng có lưỡi dài và nước bọt quánh, lưỡi có thể phóng ra xa để bắt kiến, mối và ong...

Ở VN có thể gặp tê tê ở khắp các tỉnh miền núi và trung du. Mỗi con tê tê trưởng thành nặng từ 5 - 7 kg. Tê tê đẻ mỗi lứa 1 - 2 con vào mùa xuân. Con mới đẻ có vảy mềm, mắt nhắm trong 9 -10 ngày. Tê tê là loài có ích, thịt ngon. Vảy tê tê có tác dụng chữa nhọt, thông sữa, thông tiểu tiện, điều kinh phụ nữ. Mật tê tê dùng chữa bệnh hen suyễn. Trong đời sống, tê tê mẹ khi gặp nguy hiểm liền ôm con vào lòng rồi cuộn tròn người lại thành một “quả bóng” bằng vảy sừng cứng rắn bảo vệ con, khiến cho con thú hung dữ nhất cũng phát ngán mà bỏ đi.

Tê tê bắt mồi rất tài tình (...) khi gặp đàn kiến đương bò trên đất hay thân cây, tê tê thè lưỡi liên tục quét dọc theo đường đi của kiến (...). Nó có thể leo lên cây phá tổ ong. Khi ong lao tới đốt, nó chủ động giương vảy nhử cho ong vào, sau đó cụp vảy lại, rồi bò xuống đất giũ vảy và ăn ong chết”. (Sđd, tr.154).

Trở lên là phần dẫn ra để giới thiệu con tê tê và cứ như trên thì liên quan đến con vật này chỉ có thành ngữ vảy tê tê mà thôi. Còn giãy tê tê thì chẳng có liên quan gì đến nó. Vảy tê tê là kiểu vảy xếp thành lớp như ngói lợp. Nhưng ở trong nam nhiều người vì không hiểu được nghĩa gốc của thành ngữ này nên đã đồng hoá từ “vảy” với từ “giãy” trong “giãy giụa”, vì trước kia người bình dân trong Nam phát âm V và âm GI như nhau, đồng thời cũng không phân biệt hỏi ngã. Khi vảy bị đồng hoá với giãy thì trong nhận thức của người miền Nam tê tê cũng trở thành một từ dùng để miêu tả động tác giãy tương đương với đành đạch trong phương ngữ miền Bắc. Hiện tượng trên đây được ngữ học gọi là từ nguyên dân gian hoặc từ nguyên thông tục.

Ở đây xin kể thêm một chuyện vui vui. Trước đây khi chúng tôi lưu ngụ tại H.Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, có lần cậu con trai của chủ nhà đi làm thuỷ lợi ngắn hạn đã nói với tôi như sau: “Đi có mấy ngày, em chẳng cần ba lô, bốn bị gì cả, anh ạ!”. Trong nhận thức của cậu ta thì ba ở đây là số từ còn lô là một danh từ cùng trường nghĩa với những rương hòm, tay nải, va li... Vì vậy cậu ta mới ghép thêm bốn để đối với ba và bị để đối với lô mà tạo ra thành ngữ độc đáo cùng kiểu với năm cha ba mẹ, năm châu bốn biển, ba đầu sáu tay... Có ngờ đâu rằng ba lô là một từ phiên âm từ tiếng Pháp ballot, rằng ở đây, ba và lô chỉ là những âm tiết vô nghĩa.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGỰA CU
& MẤY CHỮ VẦN U


Một số từ hoặc hình vị nay đã đọc thành ‘câu’ thì hồi giữa thế kỷ 17, thậm chí đến cuối thế kỷ 18, vẫn còn đọc là cu.

Từ điển Annam - Bồ Đào Nha - Latinh (Roma, 1651) của A.de Rhodes còn ghi chếm cu thay vì chấm câu, cu lan thay vì câu lan (lơn), bồ cu thay vì bồ câu. Nhưng đến Tự vị Annam - Latinh (1772 - 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine thì đã thấy ghi chấm câu, bồ câu, câu lơn, chứ không còn ghi “cu” cho những trường hợp này nữa. Riêng chữ câu trong bạch câu quá khích thì vẫn còn được ghi là bạch cu.

Cứ như trên thì trong những trường hợp này, u xưa hơn âu. Tru, trù trong tiếng Nghệ Tĩnh là âm xưa của trâu, trầu trong tiếng Việt hiện nay. Bu trong ruồi bu kiến đậu của tiếng Nam bộ là âm xưa của bâu trong tiếng miền Bắc. Đặc biệt đậu của cả hai miền thì chữ Hán là [逗], mà âm cực xưa là… đụ vì nó thuộc vận bộ ngụ [遇], nay đã đọc thành ngộ. Với cái âm cực xưa này, và với cái nghĩa thô tục vẫn thông dụng ở trong Nam để chỉ việc “hành sự” của nam đối với nữ, thì đụ đích thị là một từ Việt gốc Hán, mà nghĩa hữu quan là “vật khớp với nhau” (nghĩa 2), “đâm thủng, xuyên qua” (nghĩa 6), như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993).

Cu trong ngựa cu cũng chính là cu trong bạch cu, nay đã đọc thành câu, chữ Hán là [駒], có nghĩa là: 1. ngựa non mà khoẻ; 2. động vật còn non tuổi; 3. còn non tuổi nói chung. Trên đây là những nghĩa đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (đã dẫn) và chúng tôi đã ghi đúng theo thứ tự đã cho trong quyển từ điển này. Nhưng đây thực ra chỉ là một thứ tự ngược chiều vì đúng ra thì phải là: 1. còn non tuổi; 2. động vật còn non tuổi; 3. ngựa non mà khoẻ. Sở dĩ nói đây là một thứ tự ngược chiều là vì chữ câu [駒] bộ mã [馬] chỉ là trường hợp ứng dụng nghĩa 2 (động vật còn non tuổi) cho loài ngựa (còn nghĩa 2 thì chỉ là ứng dụng từ nghĩa 1) mà thôi. Chữ này còn có một số đồng nguyên tự chỉ những con vật non tuổi thuộc giống khác, như dê, bò (hoặc trâu), gấu, hổ, mà Vương Lực đã nêu trong Đồng nguyên tự điển (Bắc Kinh, 1997, tr.182, ảnh) và chim, lợn rồi cả người nữa, như Lưu Quân Kiệt đã bổ sung trong Đồng nguyên tự điển bổ (Bắc Kinh, 1999, tr.65).

Vậy, cu trong ngựa cu chính là âm xưa của chữ câu trong bạch câu quá khích, còn được bảo lưu trong phương ngữ Nam bộ. Ngựa cu vốn có nghĩa là ngựa non mà khoẻ, về sau đã chuyển nghĩa một cách “phóng khoáng” để chỉ một giống ngựa vóc nhỏ, bất kể cá thể được nói đến còn non hay đã già. Nếu không phải vì một sự nhạy cảm mà Cao Xuân Hạo từng nói đến (*) thì có lẽ là dân VN đầu thế kỷ 21 vẫn còn nói bạch cu chứ không phải bạch câu vì thực ra câu [駒] là một chữ thuộc vận bộ ngu [虞], như đã cho rõ ràng trong tự thư và vận thư.

AN CHI
(*) Cao Xuân Hạo đã viết như sau: “Người Việt nhận diện ra các tiếng tục ngay cả khi không hề có calembour (một kiểu chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm - A.C) và trong những ngữ cảnh ít thuận lợi cho việc nhận diện nhất như trong các tên riêng ngoại quốc đa âm tiết chẳng hạn. Những tiếng như cu, đít, ghe ngay trong bối cảnh này cũng bị hiểu như tiếng tục và do đó thường được ghi trẹ đi để tránh cách hiểu đó” (“Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng”, Ngôn ngữ, số 2-1985, tr.28).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

Từ “TRÁT” đến “LÁT”


Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên, bản 2008, giảng trát là “[cũ] lệnh bằng văn bản của quan lại truyền xuống cho dân, cho cấp dưới”, với thí dụ: lính cầm trát về làng bắt phu.

Thực ra cho đến giữa thập niên 1950, tại Sài Gòn, người ta vẫn xài trát để dịch từ mandat của tiếng Pháp. Mà cái nét nghĩa “lệnh bằng văn bản” cũng chưa cụ thể vì trát lại là chính “tờ giấy ghi cái lệnh đó”.

Trát là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [札], có nghĩa gốc là “cổ đại tả tự dụng đích tiểu nhi bạc đích mộc phiến” (miếng gỗ nhỏ mà mỏng thời xưa dùng để viết chữ [lên trên]), như đã cho trong Hiện đại Hán ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992, nghĩa 1). Rồi về sau, nó mới có nghĩa phái sinh là “thượng quan hành ư thuộc lại chi công độc” (công văn quan trên sức xuống cho cấp dưới), như đã cho trong Từ hải, bản cũ (nghĩa 3). Cái nghĩa của từ trát trong tiếng Việt chính là phái sinh từ cái nghĩa phái sinh này của từ trát [札] trong tiếng Hán, mà âm Bắc Kinh là zhá, ghi theo pinyin.

Trong tiếng Việt, trát có một điệp thức là lát, mà từ điển Vietlex giảng là “miếng mỏng được thái hoặc cắt ra” (nghĩa 1), như trong lát bánh mì, tương đương với tiếng Anh slice of bread và tiếng Pháp tranche de pain. Với từ lát, ta có các cấu trúc như lát chanh, lát gừng, cắt lát, thái lát, xắt lát, máy thái lát..., nhưng có lẽ sẽ là chuyện hơi lạ vì thời gian cũng bị cắt/thái/xắt…

Vâng, đúng như thế, vì nếu không phải như thế thì tiếng Việt làm gì có những danh ngữ đẳng lập như chốc lát, giây lát, và những lối nói như lát nữa tôi sẽ đi, chờ tôi một lát, thậm chí câu đáp đùa mấy lát cũng chờ… Sở dĩ có sự chuyển nghĩa từ lát chanh, lát bánh mì sang lát “thời gian” thì chỉ đơn giản là vì thời gian cũng được quan niệm như một vật cụ thể, một súc gỗ chẳng hạn, được cưa, được cắt ra thành từng khoanh nhỏ, từng tấm mỏng...

Tương quan phụ âm đầu TR ↔ L giữa trát và lát không phải là duy nhất trong tiếng Việt, vì ngoài trường hợp này, ta còn có:

- trá [詐], giả dối ↔ lá trong lèo lá;
- trang [庄,莊] trong thôn trang ↔ làng trong xóm làng;
- tránh [掙], vùng vẫy để thoát khỏi ↔ lánh trong xa lánh;
- trạo [掉], khua, vẫy, lay động ↔ lạo trong lục lạo;
- trân/trăn[臻], tới, đến ↔ lân trong lân la;...

Và thú vị là trường hợp của lòng đỏ, lòng trắng (trứng) và tròng trắng, tròng đen (con mắt). Cái mà ngoài Bắc gọi là lòng đỏ, lòng trắng của trứng gà, trứng vịt, thì trong Nam kêu là tròng đỏ, tròng trắng. Lòng và tròng là những điệp thức. Nếu tách riêng ra thì lòng có nghĩa gốc là “ruột” (lòng lợn theo cái nghĩa thật chặt chẽ thì chỉ là ruột lợn) và nghĩa rộng là “cả bộ ruột” (Huình - Tinh Paulus Của). Lòng và tròng là những điệp thức gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [腸] mà âm Hán Việt hiện hành là trường và có nghĩa là “ruột”. Vậy ta có biểu thức:

Lòng ↔ tròng ← [腸]trường.

Cuối cùng thì có nhiều trường hợp về tương quan ƯƠNG ↔ ONG nhưng ở đây, để “làm mẫu”, chỉ xin nêu chữ vong [亡], vốn đọc là vương vì thiết âm của nó trong Quảng vận là vũ phương thiết [武方切]. V[ũ] + [ph]ương = vương.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

DÀO và DẦU


Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thì trong kiệt tác của mình, Nguyễn Du đã dùng chữ dào ở các câu 238 và 2846 với nghĩa là “dào dạt, tràn trề”.

Câu 238 là “Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương”. Đào Duy Anh giảng: “Dào mạch nước sông Tương, chỉ mối tương tư dào dạt. Theo truyền thuyết, sông Tương là chỗ vợ vua Thuấn xưa khóc vua Thuấn, người ta nhân điển ấy và nhân đồng âm với chữ tương nên dùng để tỷ dụ lòng tương tư”.

Đào Duy Anh đã giảng sai. Câu 238 nằm trong đoạn Kiều kể lại cho mẹ chuyện nàng “gặp” Đạm Tiên lúc chiều và sự lo xa của nàng (Phận con thôi có ra gì mai sau, câu 234) nên mới dào mạch Tương (nước mắt tuôn trào) chứ ở đây làm gì có chuyện “tương tư”. Đào Duy Anh cũng sai khi khẳng định vì “đồng âm với chữ tương nên dùng để tỷ dụ lòng tương tư”.

Thật ra, chữ tương tự nó đâu đủ sức để chuyển tải khái niệm “tương tư”. Phải đi chung với chữ tư [思] là nhớ thì mới diễn đạt được chuyện “trồng cây si”, chứ bản thân nó thì còn cặp kè với nhiều chữ khác, trong đó có cả tương khắc là “xung đột với nhau” nữa.

Mạch Tương xuất phát từ hai chữ Tương lệ [湘淚], có nghĩa là “nước mắt [khóc ở] sông Tương”. Theo truyền thuyết, vua Thuấn đi tuần phương Nam, đến vùng Thương Ngô thì chết ở gần sông Tương.

Hai bà phi của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh hay tin nên đến đó khóc chồng. Ven bờ sông Tương có rất nhiều tre gọi là “tre sông Tương” (Tương trúc). Nước mắt xót thương của hai bà chảy thấm thân tre. Từ đó về sau, thân tre sông Tương đều có đốm, vết tích của những giọt nước mắt đó. Đây dĩ nhiên chỉ là truyền thuyết.

Câu 2846 được Đào Duy Anh chép là: “Càng âu duyên mới càng dào tình xưa”. Các nhà chú giải khác cũng đọc chữ thứ 6 của câu này là “dào”, kể cả Nguyễn Tài Cẩn và Nguyễn Quảng Tuân khi phiên âm Kim Vân Kiều tân truyện do Nam Việt Gia Định Thành Cư sĩ Duy Minh Thị trùng san. Chúng tôi cho rằng kiểu đọc chữ này thành “dào” chẳng những không đúng với cách diễn đạt của Nguyễn Du mà còn mâu thuẫn với tâm lý của nhân vật nữa. Trước đó 9 câu, sau khi biết được Kiều đã bán mình và bặt vô âm tín thì Kim Trọng đã:

“Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”.

Thấy thế, Vương Ông sợ quá, bèn “sắm sửa chọn ngày” để se duyên cho chàng với Thuý Vân. Nhưng lòng thương nhớ Kiều của Kim có bao giờ nguôi: “Vui này đã cất sầu kia được nào” (câu 2844).

Thế thì tình cảm của Kim ở đây “dạt dào” là dạt dào như thế nào, “tràn trề” là tràn trề ra làm sao? Nói theo người bình dân Nam kỳ thì, về mối tình đối với Kiều, Kim Trọng còn “rầu thúi ruột” sau khi cưới Vân nữa, chứ “dạt dào”, “tràn trề” thế nào được. Ở đây chỉ có chữ dàu mới thích hợp mà thôi. Dàu là “buồn phiền, ủ rũ, kém tươi vui”, như đã giảng trong Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên. Dàu tình xưa là mòn mỏi vì mải mong chờ người tình xưa trong vô vọng. Các nhà phiên âm và chú giải “ép” Kim Trọng phải “dạt dào”, “tràn trề” tình cảm trong hoàn cảnh này thì chẳng tội nghiệp cho chàng ta lắm ru?

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“HẰNG HÀ”, “HÀ SA”
VÀ “HẰNG HÀ SA SỐ”


Hằng Hà

“Từ điển từ láy tiếng Việt”  (Viện ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chù biên) cho rằng “hằng hà” là từ láy, nên đã thu thập và giải nghĩa: “HẰNG HÀ tt. Nhiều đến mức không thể đếm được. “Phố phường kéo đến hằng hà, Đua mang cá thịt rượu trà tiến dâng” (Phạm Công Cúc Hoa)”.

Thực ra, “Hằng hà” 恆河, hay “hà sa” 河 沙 là  một cách nói tắt thành ngữ “Hằng hà sa số” 恆河沙數 (Nhiều như số cát sông Hằng), ý nói rất nhiều, không thể đếm hết:
         -Hán ngữ đại từ điển giải thích:
1.
“hằng hà: Phạn ngữ. Tên một con sông lớn ở Nam Á, phát nguyên từ Nam sườn núi Hi Mã Lạp Nha (Hymalaya), chảy qua Ấn Độ (India), Mạnh Gia Lạp (Banglades), rồi đổ vào biển cả. Người Ấn Độ xem Hằng Hà là con sông Thánh, sông Phúc. “Kim Cương kinh ‧ Vô vi phúc thắng phần”: “Cát ở sông Hằng Hà đã là nhiều vô số, huống chi số cát của Hằng hà sa số sông Hằng” [恆河: 梵語. 南亞 大河. 發源於 喜馬拉雅山 南坡, 流經 印度, 孟加拉國 入海. 印度 人多視為聖河, 福水. “金剛經‧無為福勝分”: “但諸 恆河 尚多無數,何況其沙 – Hằng hà: Phạn ngữ. Nam Á đại hà. Phát nguyên ư Hi Mã Lạp Nha sơn nam ba, lưu kinh Ấn Độ, Mạnh Gia Lạp quốc nhập hải. Ấn Độ đa nhân thị vi Thánh hà, Phúc thuỷ. “Kim Cương kinh ‧ Vô vi phúc thắng phận”: “Đản chư Hằng hà thượng đa vô số, hà huống kỳ sa.”].
2.
“hà sa: Hằng hà sa số.
Phật giáo ví các thế giới nhiều như số cát sông Hằng, nhiều đến mức không thể đếm nổi.” [河沙: 恒 河 沙數. 佛教以為佛世界如 恒河 沙數, 多至不可勝數 – hà sa: Hằng hà sa số. Phật giáo dĩ vi thế giới như Hằng hà sa số, đa chí bất khả thắng số].
3.“Hằng hà sa số: Phật giáo ngữ. Hình dung số lượng nhiều đến mức không cách nào đếm xuể. “Kim Cương kinh ‧Vô vi phúc thắng phần”: “lấy bảy loại châu báu (vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, chân châu – HTC) chất đầy Hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, để đem bố thí.” [恆河沙數: 佛教語. 形容數量多至無法計算. “金剛經‧無為福勝分”: “以七寶滿爾所 恆河 沙數三千大千世界, 以用布施 – Hằng hà sa số: Phật giáo ngữ. Hình dung số lượng đa chí vô pháp kế toán. “Kim Cương kinh ‧ Vô vi phúc thắng phần”: “dĩ thất bảo mãn nễ sở Hằng hà sa số Tam thiên Đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí”].

-“Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “hằng hà • 恆河 t. [vch] hằng hà sa số [nói tắt] : “(...) về đêm, trên làn nước của dòng sông quê hương tôi lấp lánh hằng hà những đốm sáng bí ẩn (...)” (Bảo Ninh).

-“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “hằng-hà • đd. Tên một con sông lớn ở ấn-độ. • tt. Vô số, không đếm được <> Hằng-hà sa số (Số cát ở sông Hằng-hà, không đếm được). || Hằng-hà sao. Tiền-bạc hằng-hà”.

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “hằng hà • tt. Hằng hà sa số, nói tắt: Phố phường kéo đến hằng hà, Đua mang cá thịt rượu trà tiến dâng (Phạm Công-Cúc Hoa)”. “hằng hà sa số • Rất nhiều, không thể đếm xuể, ví như số cát trên sông Hằng. Đây vốn là câu của nhà Phật, khi thuyết pháp ở vùng lưu vực sông Hằng; nhà Phật thường dùng số cát để chỉ ý niệm vô lượng)”.

Trong tiếng Việt, “hà sa” 河沙 không tồn tại độc lập với tư cách là một từ  như tiếng Hán. Tuy nhiên, “hà sa” vẫn có mặt trong thành ngữ “phúc đẳng hà sa” 福等河沙. Ví dụ: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa” (tục ngữ); “Từ đây phúc đẳng hà sa vô cùng” (Quan Âm Thị Kính). Trong khi đó, tiếng Hán không có thành ngữ “Phúc đẳng hà sa”, nhưng lại có câu “Hằng hà nhất sa”  恆河一沙 (Một hạt cát ở sông Hằng) để ví với những gì cực kì bé nhỏ, tựa như một hạt cát trong muôn triệu hạt cát ở sông Hằng.

Nhân đây cũng xin lưu ý, “Từ điển tiếng Việt” (bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Vietlex) có thu thập và giải thích thành ngữ “phúc đẳng hà sa”. Tuy nhiên, sách này chú nhầm chữ “phúc” 福 trong “phúc đức” thành chữ “phúc” 復 trong “phúc đáp”, “phúc thư” 復書: “phúc đẳng hà sa • 復等河沙 có phúc lớn, gặp may mắn nhiều đến mức được ví như cát ở sông”.  

Như vậy, “Hằng hà” có nghĩa là “sông Hằng”, một cách nói tắt của thành ngữ gốc Hán “Hằng hà sa số” (Nhiều như số cát sông Hằng), chứ không phải “từ láy”.

HOÀNGTUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

PETRO


Xét cho cùng thì petro vốn không phải là dầu mỏ. Vả lại, nếu không có một ngữ cảnh cụ thể và thực sự chắc chắn, ta chưa thể nói nó thuộc về ngôn ngữ nào.


Petrograd - từng là tên của TP.Saint-Petersburg (Nga) nghĩa là thành phố (của thánh) Peter-ẢNH: PHƯƠNG NGUYỄN
Còn nếu truy xa lên đến tận ngọn nguồn, thì nó là tiếng Hy Lạp - petra, có nghĩa là đá. Nhưng nó cũng không đến thẳng với chúng ta ngày nay chỉ đơn độc từ danh từ petra của tiếng Hy Lạp, mà từ danh từ ghép petroleum của tiếng Latin thời trung đại (khoảng giữa thế kỷ 14). Danh từ ghép này có 2 thành tố: petr (du nhập từ tiếng Hy Lạp petra [= đá] đã nói) + oleum (tiếng Latin = dầu). Nhưng chính danh từ ghép petroleum lại là hình thức nói ríu từ danh ngữ petrae oleum, mà theo cấu tạo, có nghĩa là dầu (của) đá. Còn nghĩa thông dụng hiện nay của nó là dầu mỏ, dầu hoả, như ta đã biết. Tiếng Anh, tiếng Hà Lan và tiếng Nga đều có mượn nguyên hình thức petroleum của tiếng Latin, còn tiếng Pháp là pétrole và tiếng Bồ Đào Nha là petróleo.

Cứ như trên thì trong Petrobras, tên tập đoàn dầu hoả của Brazil, petro là tiếng Bồ Đào Nha vì người Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha. Petrobras là hình thức nói tắt của Petróleo Brasileiro S.A (Dầu hoả Brazil, Công ty Vô danh). Trong Petronas, tên tập đoàn dầu hoả của Malaysia thì petro là tiếng... Mã Lai. Petronas là hình thức nói tắt của Petroliam Nasional Berhad (Công ty Dầu hoả quốc gia). Petroliam (-eum) là từ mà tiếng Mã Lai mượn ở tiếng Hà Lan petroleum (tiếng Mã Lai có rất nhiều từ gốc Hà Lan). Còn trong Vietsovpetro thì petro là gốc Nga, vì khi Liên Xô còn tồn tại thì ngôn ngữ mà ta dùng để giao dịch với liên bang này là tiếng Nga, như ai nấy đều biết. Sau đó, ta mới nhân tiện sử dụng từ petro để chỉ khái niệm “dầu hoả”, như trong PetroVietnam Gas, Petrovietnam Oil... Cuối cùng, xin lưu ý rằng trong Petronas thì petro là tiếng Mã Lai vì petroliam (-eum) là một từ đã nhập tịch, còn trong Vietsovpetro thì petro là một yếu tố tiếng Nga vì tiếng Việt, từ ngôn ngữ toàn dân cho đến ngôn ngữ văn học, không bao giờ dùng petro để chỉ dầu hoả.

Vậy petro vốn không có nghĩa là dầu hoả và trong các thứ tiếng khác, người ta cũng phải dùng dạng hoàn chỉnh để chỉ thứ dầu này: petroleum (cho tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hà Lan), pétrole (cho tiếng Pháp), petróleo (cho tiếng Bồ Đào Nha)... Trong các trường hợp đã thấy ở tiếng Việt, tiếng Mã Lai, tiếng Bồ Đào Nha - cũng như ở những thứ tiếng khác, petro chỉ là dạng nói tắt của petroleum (theo nhu cầu đặt danh từ riêng) nên mới có thể chỉ dầu mỏ.

Cuối cùng, xin phân biệt petro ở đây với các yều tố đồng âm: trong tiếng Latin, Petro là tặng cách (dative) và trạng cách (ablative) của danh từ riêng Petrus (như trong Petrus Ký). Còn trong tiếng Nga, yếu tố Petro trong Petrograd - tên của TP.Saint-Petersburg trong thời gian 1914 - 1924, là một trường hợp đặc biệt. Petrograd là thành phố (của thánh) Peter, chứ không phải của Peter the Great (Peter đại đế), người đã sáng lập ra nó.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỄ & HỘI


Lễ hội là một từ ghép đẳng lập gồm hai từ lễ và hội. Cả lễ lẫn hội đều là những từ Hán Việt nhưng lễ hội lại là một cấu trúc ghép theo cú pháp tiếng Việt và nếu dùng riêng thì hai từ này không thể thay thế cho nhau.


Trong những câu sau đây, chẳng hạn, hội không thể thay thế cho lễ:

- Việt Nam có phải là quốc gia nghỉ lễ nhiều nhất thế giới? (kenh14.vn, 18.12.2017).
- Năm 2018, dân được nghỉ bao nhiêu ngày lễ, tết? (Vietnamnet, 16.12.2017).
- Các ngày nghỉ lễ năm 2018 theo quy định (Người đưa tin, 16.10.2017).
- Việt Nam có phải là nước nghỉ lễ nhiều nhất thế giới? (Infonet, 20.4.2016).
- Dịp lễ 30.4 và 1.5, người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày? (tuoitre.vn, 19.3.2018).

Còn chữ hội có hai nghĩa thông dụng là: cuộc vui có đông người tham gia tổ chức vào những dịp đặc biệt; tổ chức của những người có chung tôn chỉ hoặc nghề nghiệp. Nhưng với cả hai nghĩa này thì hội cũng không thể được thay thế bằng lễ. Chẳng hạn, hội thi cắm hoa, hội thi nấu ăn..., không thể nói là lễ thi cắm hoa, lễ thi nấu ăn... Và tất nhiên, lễ càng không thể thay thế cho nghĩa thứ hai của hội, chẳng hạn trong câu Kiều thứ 1.270: Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.

Chính vì phân tích trên đây nên chúng tôi thấy vài bản Kiều có vấn đề khi chép câu thứ 44 của Truyện Kiều là:

Lễ là tảo mộ gọi là đạp thanh.

Tảo mộ, trong Nam gọi là giẫy mã, tức là đi viếng mộ ông bà, cha mẹ vào dịp thanh minh hoặc giáp tết và trước khi bày lễ vật (đơn sơ hoặc dồi dào tuỳ hoàn cảnh) để cúng thì phải làm cỏ, nhặt rác, quét dọn mồ mả cho sạch sẽ. Tảo mộ [掃墓] có nghĩa gốc là quét mộ.
Đạp thanh thì khác hẳn và có nghĩa gốc là đạp trên cỏ, đạp lên màu xanh của mùa xuân mà đi chơi. Ngày xưa, ở bên Trung Quốc, trong dịp thanh minh, người ta thường đi ra những vùng xa, vùng đồng cỏ tươi mát để hưởng không khí trong lành và cảnh đẹp của trời đất, với nhiều loại hình vui chơi khác nhau, như đánh đu tiên, đá gà, đá bóng (tựu cúc [蹴鞠]), thả diều, cắm liễu (sáp liễu [插柳])... Đạp thanh còn là một dịp để trai gái tìm hiểu nhau và đây chính là khung cảnh mở đầu cho mối tình Kim Trọng - Thuý Kiều. Đó gọi là đạp thanh xuân du [踏青春游] và đây chính là nội dung của hai tiếng chơi xuân ở câu Kiều thứ 46 (Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân). Vậy tảo mộ là lễ, còn đạp thanh là hội; cái này không phải cái kia. Vì vậy mà chữ gọi trong các bản Kiều đã nói rất lạc lõng. Chúng tôi nhất trí với Đào Duy Anh rằng: “Sở dĩ chép gọi là do hội lộn thành” (Từ điển Truyện Kiều - ảnh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.219). Vậy, câu Kiều thứ 44, theo chúng tôi, dứt khoát phải là: Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LỪA LỌC


Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng trong hai tiếng lừa lọc, chỉ có lừa mới mang nghĩa ‘làm cho người khác mắc mưu’ chứ lọc thì tuyệt đối không.


Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng lừa lọc là “lừa người bằng mánh khoé xảo trá (nói khái quát)”, còn quyển từ điển cùng tên do Văn Tân chủ biên lại giảng là “chọn lọc và xếp đặt” với thí dụ là một câu Kiều: Khuôn xanh lừa lọc đã đành có nơi. Vậy quyển nào giảng đúng? Cả hai đều đúng và đều thiếu: quyển trước thiếu nghĩa đen còn quyển sau thiếu nghĩa hiện hành.

Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng trong hai tiếng lừa lọc, chỉ có lừa mới mang nghĩa “làm cho người khác mắc mưu” chứ lọc thì tuyệt đối không. Vậy thì tại sao hai tiếng này có thể cặp kè với nhau mà tạo thành ngữ vị từ đẳng lập lừa lọc? Đó là vì, xét về từ nguyên thì chúng là hai từ đồng nghĩa.

Lọc là gì? Là ngăn chất cặn bã bằng vải, than hoặc cát để làm cho một chất lỏng trở nên trong. Thì cái nghĩa ban đầu của lừa cũng là như thế. Lừa là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [濾], mà âm Hán Việt hiện hành là lự và có nghĩa là lọc cho nước trở nên trong. Thí dụ lự bố [濾布] là vải lọc, lự thuỷ khí [濾水器] là dụng cụ lọc nước. Chính là vì cái nghĩa này mà Mathews’ Chinese-English Dictionary mới dịch lự [濾] là “to strain, to filter” còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur dịch là “filtrer”. Từ cái nghĩa gốc này, lừa mới có cái nghĩa phái sinh là “dùng lưỡi đưa qua đưa lại, tách lấy riêng ra khỏi những cái khác đang ngậm trong miệng”, như đã giảng trong từ điển Hoàng Phê. Nghĩa này có thể thấy trong một ngữ vị từ thông dụng là lừa xương. Rồi từ cái nghĩa phái sinh “cấp 1” này, ta lại có nghĩa phái sinh “cấp 2” liên quan đến bóng đá, mà Tự-điển Việt Nam (ảnh) của Ban Tu thư Khai-Trí giảng là “đưa quả banh ở chân mình để tránh cầu thủ địch” với thí dụ: lừa banh, lừa bóng.

Nhưng tại sao từ nghĩa gốc là “chọn lọc và xếp đặt” mà lừa lọc (cũng nói lọc lừa) lại chuyển nghĩa thành “lừa người bằng mánh khoé xảo trá”? Đó là do sự lây nghĩa mà chúng tôi đã nói đến nhiều lần. Ở đây, đã có một sự lây nghĩa của từ lừa trong lừa gạt, lừa đảo đối với từ lừa trong lừa lọc (theo nghĩa gốc), nhất là khi nghĩa gốc của lừa là “lọc” đã tuyệt tích giang hồ (nên người ta không còn biết đến).

Nhân tiện, xin nói rằng lọc cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [漉] mà âm Hán Việt hiện hành là lộc, có nghĩa là... lọc. Sự chuyển biến ngữ âm từ ôc sang oc của lộc (thành lọc) thì cũng y như từ độc [讀] trong độc giả sang đọc trong người đọc, từ khốc [哭] trong thống khốc sang khóc trong khóc oà.

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐĂNG CƠ


Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ “đăng cơ”. Tẩn mẩn tìm trong những từ điển thuần Việt, cũng không có “đăng cơ”. Vậy các nhà báo lấy nó từ đâu để dùng trong trường hợp tân vương Nhật? Chịu.

Thái tử Naruhito đăng quang, mở đầu triều đại mới niên hiệu Lệnh Hoà ở nước Nhật - Ảnh: Internet

Thế giới hai ngày qua (30.4, 1.5) nhiều sự kiện nóng. Nóng nhất là tình hình chính trị biến động ở xứ Venezuela tận Nam Mỹ khiến những ai quan tâm thời sự quốc tế phải theo dõi từng giờ từng phút. Và chuyện nữa ở nước Nhật Bản, dân ta quen gọi là xứ Phù Tang, hoặc xứ Mặt trời mọc, là nhà vua thoái vị, nhường ngôi cho con.

Đối với nước Nhật và dân Nhật, đó là sự kiện trọng đại, lễ trọng, mấy chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ mới xảy ra một lần. Điều rất đáng lưu ý về sự kiện này ở chỗ hoàng gia, chính quyền và người Nhật tổ chức lễ trọng rất giản dị, gọn gàng mà vẫn nghiêm trang, gây ấn tượng mạnh về tính cách Nhật. Lễ thoái vị của cựu vương, Nhật hoàng Akihito rời ngôi báu, chỉ diễn ra trong 10 phút vào ngày 30.4, rất cảm động. Lễ đăng quang, lên ngôi vua của tân vương, Nhật hoàng Naruhito cũng rất ngắn gọn, chỉ 10 phút, ngày 1.5, mở đầu một triều đại mới có tên Lệnh Hoà (sự tươi đẹp).

Ở Việt Nam, hầu hết các tờ báo, trong mục thời sự đều thông tin về sự kiện Nhật Bản hiếm có này. Chỉ có điều, không biết xuất phát, xuất xứ từ đâu, mà rất nhiều báo, kể cả những tờ lớn có uy tín hoặc đông đảo bạn đọc như Thanh Niên, Zing, Thế Giới, Dân Trí, Ngôi Sao… đều tường thuật, miêu tả sự lên ngôi của thái tử Naruhito bằng từ “đăng cơ”, chẳng hạn: lễ đăng cơ, tân vương đăng cơ, thái tử Naruhito đăng cơ, v.v..

Rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có từ “đăng cơ” ấy. Ít người đọc quan tâm tới nghĩa của từ đó nên cứ vui vẻ chấp nhận. Chả nhẽ đây là một kiểu cách sáng tạo ngôn ngữ, bổ sung từ vựng vào kho tiếng Việt?

Lật giở các loại từ điển Hán Việt, không thấy từ “đăng cơ”. Tẩn mẩn tìm trong những từ điển thuần Việt, cũng không có “đăng cơ”. Vậy các nhà báo lấy nó từ đâu để dùng trong trường hợp này? Chịu.

Trong chế độ phong kiến, hoặc ở các nước còn chính thể quân chủ, mỗi khi có vua mới, người ta làm lễ, gọi là lễ “đăng cực”, lễ này còn được gọi theo cách phổ biến, trang trọng là “đăng quang”. Đối lập với đăng quang là thoái vị. Nếu vua cũ (cựu vương) rời ngôi để nhường cho con-cháu thì gọi là “thoái vị”. Thoái vị cũng có thể do tự nguyện hoặc bị ép buộc. Tháng 8.1945, cách mạng vô sản thành công, chấm dứt triều đại phong kiến từng tồn tại cả nghìn năm ở nước ta. Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, và cũng là của chế độ phong kiến Việt Nam, đã bị buộc thoái vị (rời ngôi, rút lui khỏi ngôi vua), nộp ấn-kiếm tượng trưng quyền lực cho phe cách mạng và “trở thành công dân một nước độc lập, dân chủ, cộng hoà”.

“Đăng” theo từ điển Hán Việt là trèo lên, leo lên, bước lên. Đăng đài là bước lên đài, đăng sơn là leo lên núi. Cụ Hồ Chí Minh sau khi được thả ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch tháng 9.1943 đã viết bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi) gửi về cho các đồng chí ở nhà để báo tin mình còn sống và đã tự do. “Cực” là từ Hán Việt, có nghĩa chỗ cao nhất, ngôi vua. Trên đời, vua là cao nhất. Ngôi vua cao nhất trong xã hội, vì vậy gọi là “cực”. Hai đầu mỏm của trái đất, nơi cao nhất, xa nhất ở phía bắc và phía nam được gọi là Bắc cực, Nam cực. Cực đỉnh là đỉnh cao nhất. Cực lạc (từ dùng của nhà phật) là nơi đỉnh cao vui sướng nhất. Với những người leo núi, trèo lên tới đỉnh Chomolungma dãy Himalaya hoặc đỉnh Fanxipan dãy Hoàng Liên Sơn tức là đã tới cực.

“Quang” là ánh sáng, sáng suốt, vẻ vang. Theo quan niệm xưa, vua chính là ánh sáng, là sáng suốt nhất thiên hạ. Vì vậy, quang cũng có nghĩa là vua.

Đăng cực là lên (đăng) ngôi vua (cực). Đăng quang cũng có nghĩa như thế, lên (đăng) ngôi vua (quang). Để nói về trường hợp vị vua mới nào đó lên ngôi, người ta dùng từ đăng quang cho trang trọng.

Không ai dùng từ “đăng cơ” để nói về vua lên ngôi, trừ mấy tờ báo thời nay. “Cơ” là từ Hán Việt, có nghĩa nền nhà, cái gốc, cái then cài, bộ phận trọng yếu của thứ gì đó… Không hề có nghĩa nào liên quan tới nhà vua, ngôi vua. Khi viết “thái tử Naruhito đăng cơ” chỉ thời nay mới ít nhiều hiểu đó là sự lên ngôi vua, nhưng về mặt ngôn ngữ thì sự sáng tạo đó đã góp phần đưa tiếng Việt vào ngõ cụt.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

XE ÔM


Năm 1964, khi người Mỹ hiện diện nhiều thì phong trào mở Snack Bar có “Gái gú” cũng mọc lên như nấm trên các con đường như : Nguyễn Văn Thoại, Hai Bà Trưng …Tự Do, rồi Saigon bỗng xuất hiện thêm một nghề mới : Xe Ôm !

Tài Xế Xe Ôm thường chở lính Mỹ tới mấy cái Bar để giải sầu hoặc đi tìm “em út ” ….đến khuya Xe ôm lại đón mấy nàng Ca Ve “khách mối” về gác trọ hay khách Sạn.
Xe Ôm lúc này thường sử dụng Vespa hoặc Lambretta, đây là những nhân viên làm Sở Mỹ chạy thêm ngoài giờ hoặc Công tư chức đông con để kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống mắc mỏ giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang.

Còn lại là “Xe Ôm Cớm” họ có nhiệm vụ của họ, phải giả dạng thường dân “bán chuối nướng ” vừa công tác vừa kiếm thêm tiền, đến năm 1966 Xe Nhật nhập cảng ào ạt ít tốn xăng , dễ chạy nên Xe Ôm phát triển rất mạnh, phần thì xe Nhật chạy nhanh, cơ động, phần thì giá rẻ nên Dân lao động Saigon sử dụng phương tiện này rất nhiều, riêng con gái Saigon Xưa ….chê Xe Ôm …không bao giờ đi !

Sơ lược lịch sử xíu hen !

Lục tìm qua sách báo trước 1954 hầu như không thấy nhắc đến chiếc xe ôm vì lúc đó các phương tiện công cộng chở người trong thành phố là xe kéo, xích lô và taxi.

Xe gắn máy lưu hành nhưng không dùng làm dịch vụ chở người, năm 1969, một nhà văn đoạt giải nhất phóng sự ở Sài Gòn là ông Lê Hương với cuốn sách Chợ trời biên giới Việt Nam – Cao Miên khi viết về chợ trời Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh, ông cho biết ngoài xe lam và mô tô lôi chở đông người mỗi chuyến thì năm 1967: “xuất hiện bốn loại xe mới: Honda ôm, Suzuki ôm, Mobilette ôm, Yamaha ôm”.

Ông đánh giá: “Thật là một nghề chóng phát tài hơn hẳn các anh em chở Mỹ ở Sài Gòn”, như vậy phải chăng xe ôm ở Sài Gòn bắt nguồn từ dịch vụ chở người sau sự kiện ng Từ câu chuyện kể dưới đây của một dược sĩ gốc gác là Dân Khánh Hội chính hiệu cho tác giả cuốn sách này bổ sung cho nhận định trên, năm 1965 khi người Mỹ bắt đầu tham chiến ở Việt Nam thì xuất hiện một lớp người làm việc trong các công sở của người Mỹ.

Họ làm nhân viên đánh máy hay sửa chữa bảo trì xe cộ, lái xe, đồng lương của họ khá khẩm, giúp sống thoải mái và dễ dàng mua xe máy.

Chiến cuộc lúc lên lúc xuống, công sở Mỹ có lúc mở ra và có chỗ đóng cửa tuỳ theo nhiệm vụ. Phút huy hoàng nào cũng có lúc trở thành điêu tàn và những người quen lãnh lương bằng đô la ở Sài Gòn bắt đầu lo lắng.

Tại một cơ quan của người Mỹ ở trung tâm Sài Gòn có một ông nhân viên tên là X. tuổi vào lứa 50, con đông nheo nhóc. Ông mua được một chiếc xe Lambretta dùng để đến sở làm mỗi ngày.

Xe Lambretta hai thì, khoẻ, yên thon dài nên ngồi rất thoải mái, thích hợp với vóc dáng cao ráo của ông.

Đùng một cái, sở làm của ông thu hẹp số nhân viên và ông X. phải nghỉ làm. Sau một thời gian chới với vì “bể nồi cơm”, ông trấn tĩnh lại rồi ráo riết nghĩ đến việc kiếm sống nuôi con. Trong thời gian nghe ngóng, ông X. vẫn thỉnh thoảng lui tới thăm chỗ làm cũ, gặp bạn bè người Mỹ đã cùng làm ở đó.

Một buổi chiều, ông X. được anh nhân viên Mỹ hỏi thăm về một snack-bar trên khu Kho 18 thuộc Q.4, gần cầu Tân Thuận. Hôm đó là cuối tuần và anh Mỹ này định nhờ ông cho quá giang xe đến đó để giải trí. Ông X. vui vẻ nhận lời.

Trên xe, anh chàng người Mỹ cho biết cảm thấy thoải mái cho đôi chân khi được chở trên chiếc xe có thân dài này hơn là ngồi trên những chiếc xe máy yên nhỏ của người Pháp hay Đức chế tạo đang có ở Sài Gòn. Khi dừng xe, ông X. giơ tay từ biệt thì anh chàng Mỹ rút túi tặng ông một ít tiền và ngỏ ý vào cuối tuần nhờ ông chở đi vòng vòng Sài Gòn chơi. Ông X. nhận lời và từ đó, ý thức rằng có thể kiếm tiền bằng những lần chở người ở yên sau, ông tìm cách tăng lượng khách. Ông chở thêm những người Mỹ khác và nhận ra rằng tiền kiếm được còn nhiều hơn trước kia đi làm nữa.

Lúc đó, khu Kho 18 có hai snack-bar là Rạng Đông và Thuý Phương. Thấy ông X. làm ăn được, mấy ông từng làm sở Mỹ đang thất nghiệp bắt chước theo và thấy có ăn. Họ mua toàn là xe Lambretta vì xe khác người Mỹ lắc đầu. Từ đó hình thành đội ngũ xe ôm đầu tiên ở Sài Gòn đậu dài dài ở hai bar rượu này, đi cùng một loại xe và chủ yếu phục vụ cho các nhân viên dân sự Mỹ. Họ không chỉ đi uống rượu mà bằng xe ôm, có thể vô các khu hẻm nhỏ tìm người quen, tìm bạn gái, tìm bạch phiến. Còn người dân Sài Gòn bình thường không ai quan tâm đến loại xe này. Ai không có xe máy thì đi taxi, xe buýt hay xích lô máy, xích lô đạp, xe Lambro…

Căn cứ vào câu chuyện trên, có thể coi xe ôm có từ giai đoạn đầu khi người Mỹ mới vào miền Nam VN. Nhưng có thể nó trở nên phổ biến hơn sau khi nhập cảng xe Nhật, năm 1967. Một tác giả ở hải ngoại là Lưu Nhơn Nghĩa trong bài Lải nhải đời tôi 1959 – 1969 có viết: “Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm… Lần đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm vì quyền lợi.

Lúc đó tương đối còn sống được, sau này đời sống chật vật, cả đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp, công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á châu, chỗ gác chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn này.

Xe Nhựt lại hết sức bền bỉ, ít hao xăng, chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm đường. Xe Pháp như Mobilette, Sachs (thật ra xe này của Đức – TG), Puch chạy không nổi, yên xe nhỏ, chông chênh”. Ông còn kể thêm: “Hình như giới xe ôm cũng có luật riêng giúp đỡ lẫn nhau khi có trường hợp bị khách giựt xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín đáo bảo vệ nhau, tiền chia chác sau đó”.

Sau năm 1973, người Mỹ rút hẳn về nước, kinh tế miền Nam đi xuống, giới chạy xe ôm lại một phen gặp khó khăn. Sau 1975, nhất là khi kinh tế khá dần lên sau đổi mới, nhiên liệu xăng nhớt thoải mái hơn thì xe ôm hồi sinh. Lúc này người Việt thích đi xe ôm nhờ tính tiện lợi có thể len lỏi vô các hang cùng ngõ hẻm, chợ nhỏ của Sài Gòn – Gia Định. Xe ôm lúc đó tiếp tục dùng các loại xe như Honda Dame, Suzuki nam, Yamaha…

Câu chuyện lịch sử xe ôm này do ông X. kể lại cho anh dược sĩ hồi sau 1975, trong lúc trà dư tửu hậu. Khi xưa, nhà anh dược sĩ ở khu Kho 18, Q.4 và có chứng kiến nhóm xe ôm kỳ lạ thuở ban đầu, toàn là những người đi Lambretta, đúng như lời kể của ông X.

Phạm Công Luận
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [26] [27] [28] [29] [30] [31] [32] ... ›Trang sau »Trang cuối