Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [31] [32] [33] [34] [35] [36] [37] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

MAGI


Từ “magi” (còn có dạng khác là maggi) nghĩa là gì? Vấn đề có thể nói là rất đơn giản nếu ta xem 2 cuốn Từ điển tiếng Việt khá thông dụng gần đây (một của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên, NXB Từ điển Bách khoa, 2010); một của Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017). Nguyên văn mục từ này với lời định nghĩa như sau: “magi, d. nước chấm màu nâu đen, thường làm từ những nguyên liệu có chứa nhiều chất đạm”.

Thông tin trong từ điển phổ thông về một mục từ (trong từ điển tường giải cỡ trung bình) như vậy là vừa đủ và chuẩn xác. Nhưng vấn đề lại không đơn giản như vậy.
Số là, ngay từ năm 2000, Nestlé - một công ty thực phẩm và giải khát vào hàng lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thuỵ Sĩ - đã có một công văn gửi Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, đề nghị bỏ mục từ magi (như đã dẫn ở trên) trong từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Viện Ngôn ngữ học đáp ứng, với lý do “magi là một từ bình thường trong vốn từ tiếng Việt”.

Công ty Nestlé không đồng ý. Đến năm 2012 họ lại có công văn gửi Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, tiếp tục đề nghị không đưa từ magi vào Từ điển tiếng Việt cũng như Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư Việt Nam, với lập luận magi là cách viết khác của maggi - một nhãn hiệu hàng hoá độc quyền của Nestlé (đặt theo tên của Julius Michael Johannes Maggi, nhà sáng lập ra nhãn hiệu, người Thuỵ Sĩ) - đã xuất hiện trên thị trường thế giới và ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, từ năm 1935. Việc để từ này trong Từ điển tiếng Việt là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng tới thương hiệu của Nestlé (vì nhiều công ty khác có thể lấy nhãn hiệu magi đặt cho sản phẩm của họ).

Vậy nên giải quyết vấn đề này như thế nào dưới góc độ ngôn ngữ học?
Việc sản phẩm maggi biến thành mục từ magi có lịch sử khá đặc biệt. Khi vào thị trường Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, đa số người Việt Nam nhầm lẫn thứ nước chấm Tây phương này với một thứ nước chấm khác (có nguồn gốc từ Trung Quốc) mà ta quen gọi theo tên Hán Việt là xì dầu (hay nước tương). Thực ra, maggi không chỉ là nhãn hiệu dùng cho nước chấm mà còn ghi trên nhiều sản phẩm khác của Nestlé (viên súp, mì ăn liền, nước xốt, bột gà, hương liệu, gia vị...) nhưng người Việt Nam ta đầu tiên chỉ có cơ hội tiếp xúc với nước chấm maggi. Do đặc trưng (màu sắc, hương vị, cách dùng...) về cơ bản là giống nhau (và cũng do lúc đó còn ít thông tin) nên đa số dân ta nhầm maggi là một loại “xì dầu hạng sang”. Maggi được dùng hạn chế, tiết kiệm hơn xì dầu (Xì dầu thoải mái dùng đi/Khi nào khách khứa magi mới xài). Dần dà, maggi - một nhãn hiệu riêng biệt - đã bị “chung hoá”, “Việt hoá” thành từ magi (còn viết là ma-gi, ma di...) và trở thành một thành viên bình đẳng như mọi từ Việt toàn dân khác.

Xu hướng chung hoá tên riêng (và nhầm lẫn) trong tiếng Việt không phải là ít. Thí dụ, Honda - một hãng xe hơi, xe gắn máy nổi tiếng, đặt theo tên ông chủ có tên Honda, người Nhật - trước đây có nhiều người nhẫm lẫn đó là từ “chỉ xe gắn máy” (thôi, tiết kiệm ít tiền rồi mua honda mà chạy; nhà này nghèo, chỉ có xe đạp chứ chưa sắm honda...). Hay La Vie (cũng là một sản phẩm nước khoáng từ Nestlé) đã bị nhiều người nhầm dùng là “nước khoáng nói chung” (nhớ lấy cái chai La Vie không mà đựng mật ong (mặc dù vỏ chai đó là của hãng hoàn toàn khác)... Hay các từ riêng khác nữa, ví dụ: Mạnh Thường Quân (một viên quan nước Tề thời Chiến Quốc, có lòng hào hiệp, thương người), sau đã vào tiếng Việt (viết thường là mạnh thường quân) chỉ “người giúp đỡ về mặt tài chính cho một công việc nào đó” ; Đạo Chích (thời Xuân Thu, em Liễu Hạ Huệ, ăn trộm rất giỏi trong cung đình), sau đi vào tiếng Việt chỉ “kẻ cắp, kẻ trộm”, v.v..

Trở lại từ maggi. Trong tiếng Việt hiện nay, từ này đã chung hoá cả cách viết (là magi, ma-gi, ma di...), cách đọc (đọc ma di - mazi) chứ không đọc đúng là ma ghi [magi] do thói quen khi viết âm vị [g] không thêm chữ h [gh]), cách dùng (chỉ một loại nước chấm, cùng dòng với xì dầu, chứ không coi đó là một sản phẩm của hãng Nestlé). Các nhà từ điển chỉ căn cứ vào ngữ liệu sử dụng trong giao tiếp mà thống kê chứ không tuỳ tiện đặt ra theo ý chỉ chủ quan của mình (hoặc của ai đó).

Tuy nhiên, nếu xuất hiện trong từ điển bách khoa, là một loại sách tra cứu theo chủ đề tri thức thì nhà biên soạn có thể đưa thông tin về sự vật (hay hiện tượng) đầy đủ. Lúc đó, maggi sẽ được mô tả về xuất xứ hàng hoá, xuất xứ tên gọi, hiện trạng sự vật và giá trị sử dụng của nó... Tất nhiên, trong Từ điển tiếng Việt mở rộng cấu trúc mục từ, ta có thể thêm thông tin xuất xứ từ nguyên (nguyên ngữ, nguồn gốc ban đầu, các vấn đề liên quan...).

Phạm Văn Tình
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐÁNH BANH TA LÔNG
KHÔNG CÒN MANH GIÁP


Đọc ca dao miền Nam, có những lúc tủm tỉm cười, rồi giật mình...

Có thằng chồng say như trong chay ngoài bội
Ngó vô nhà như cái hội Tần vương!
 
“Ớ này, thế hội Tần vương là cái hội gì?”. Đọc Đại Nam quấc âm tự vị (1895) mới biết thuở ấy, ở vùng đất phương Nam đã có câu thành ngữ “Đông như hội Tần vương” và giải thích: “Hiểu là một hội rất đông. Có kẻ hiểu là hội vua Tần Thỉ Hoàng ở bên Trung Quốc; có kẻ hiểu là hội nhóm thiên hạ tại Đế Thiên, Đế Thích cũng kêu là hội vua Tần”.

Hiểu nôm na rằng, nếu sử dụng ngôn ngữ “thời thượng” hiện tại, ắt giới trẻ nói ngay: “Đông như quân Nguyên” - một cách liên hệ với trang sử oanh liệt đời nhà Trần đã ba lần đánh bọn giặc phương Bắc tan tành xác pháo, đánh banh ta-lông đến không còn manh giáp… Xin dừng lại một chút, cụm từ “banh ta-lông” này rất ư lý thú, cần vòng vo một chút vậy.

Banh trong tiếng Việt được hiểu là mở rộng ra, mở bét ra, mở ra chành bành, phành ra; là làm bung ra, banh chành, làm tanh banh đến hết cỡ thợ mộc, đến tan tành xí quách mới thôi.

Một khi “banh” đi chung với “ta-lông” (talon: mép lốp xe đạp, là dây triền ôm chặt vỏ vào bánh xe; gót (chân, giày)… mượn từ tiếng Pháp để trở thành “banh ta-lông”, lập tức trong quan hệ “Việt-Pháp giao duyên”, nó trở nên rất ư duyên dáng.

Vâng, rất ư duyên dáng.

Sực nhớ bài chòi Quảng Nam cũng đáo để không kém. Bài chòi có cả thẩy 30 con bài được xếp thành 3 pho: Văn, Vạn, Sách. Ba con còn lại xếp thành 3 cặp yêu: cặp Ông ầm, cặp Thái tử, cặp Bạch tuyết. Ta hãy lưu ý đến con Bạch huê trong pho Vạn, dân gian miêu tả khéo lắm:

“Hoa phi đào phi cúc/ Sắc phi lục phi hồng/ Trơ như đá vững như đồng/ Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao/ Mỉa mai cụm liễu cửa đào/ Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu/ Bốn mùa đông hạ xuân thu/ Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi/ Chúa xuân ngó thấy mỉm cười/ Sắc hay vương vấn mấy người tài danh/ Có bông, có cuống, không cành/ Ở trong có nụ, bốn vành có tua/ Nhà dân cho chí nhà vua/ Ai ai có của cũng mua để dành/ Tử tôn do thử nhi sanh/ Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi”.

“Phành” tương tự “banh” là dùng hai tay mà mở banh ra, vạch ra, không còn gì giấu giếm nữa. Vì thế, lúc anh hiệu vừa cất tiếng du dương, thiên hạ chơi, xem bài chòi đã cười ầm lên:

“Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị phạch cái mồng chị ra/ Con gà hắn tưởng hột ổ qua/ Hắn mổ cái đớp chị la quớ làng”.

Đừng nghiêm nghị, đạo mạo nhăn mày nhíu trán làm chi, tiếng cười khoẻ khoắn, lạc quan, tiếu táo trong quần chúng lao động thiệt sảng khoái bởi họ nghĩ sao nói vậy, nói thiệt lòng mình, không việc gì phải cứ giả vờ giả vịt nói trớ đi.

Từ “quớ làng” rất Quảng Nam, tuỳ vùng miền có thể là bớ làng, ối làng…

Từ “phạch” với người miền Trung cũng tựa như “phành/banh”. Thật lạ, trong khi đó, Việt Nam tự điển (1931) do Hội Khai Trí Tiến Đức lại không ghi nhận như nghĩa ta đã hiểu, chỉ là: “Phạch: tiếng động của vật gì rộng bản đập xuống mà phát ra: “Đập cái quạt đánh phạch một cái”.

Hoàn toàn không có nghĩa thứ 2 như Việt Nam từ điển (1971) xuất bản tại miền Nam: “Phạch: Phành, vạch, banh ra”.

Cái từ “phạch” ấy, một khi se duyên kết tóc với “phò” để đi vào tiếng lóng lại mang hàm nghĩa khác hẳn.

Khác như thế nào? Xin không giải thích, chỉ cần lật quyển Bát phố (NXB Hội Nhà văn - 2014) của Nguyễn Bảo Sinh, đọc 2 câu thơ này ắt đoán ra ngay đó thôi:
“Sống mà phải xã giao nhiều
Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh”.

Vừa rồi đi về Đà Nẵng, lúc xe chạy dọc theo con đường song song với bãi biển Thanh Bình, bèn hỏi: “Từ khi cải tạo lại làng chài truyền thống, bãi biển này có còn ai xuống tắm như thời mình còn nhỏ không?”. Câu trả lời: “Vẫn đông đen”.

Rồi lúc đi ngang qua nhà hát Trưng Vương, lại nghe: “Mỗi lần có chương trình mới lại đông đen”. Do có nhiều người nên tạo ra số lượng đông/ rất đông nhưng tại sao lại “đông đen”? Đâu phải ai cũng mặc quần đen, áo đen nên tạo ra màu sắc ấy?

Nghĩ rằng, “đen” ở đây phản ánh cái nhìn từ xa (hoặc gần đi nữa) là nhìn rồi đánh giá từ màu đen của mái tóc. Nói cách khác, đen ở đây là đen đầu, nhiều cái đầu đen của nhiều người cùng gộp lại mà thành.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐÃ GỌI LÀ ÔNG
SAO LẠI CÒN “ÔNG GÌ ÔNG ỔNG”?


Có lẽ do ảnh hưởng cách dịch của Ngọc Thứ Lang, khi chuyển ngữ tiểu thuyết The Godfather của Mario Puzo tại miền Nam năm 1969: Từ nghĩa gốc “người đỡ đầu” khi sang tiếng Việt trở thành “bố già”, và đã được hiểu qua nghĩa ông trùm - người nhiều quyền lực, uy lực có thể can thiệp mọi nơi mọi chốn.

Một khi từ “bố già” được hiểu theo nghĩa ông trùm, dần dà nó “lấn lướt” qua mặt các từ khác cùng nghĩa như đầu sỏ, ông gộc.

Trước đó, “bố già” chưa hiểu như nghĩa ông trùm. Năm 1945, nhà thơ Đồ Phồn viết: “Lãi tháng bố già xơi ngọt xớt/ Cơm ngày cậu cả sống ngon ơ”. Bố là tía, cha, ba, quen thuộc trong cách xưng hô. Mới lên chức bố, chưa già, vẫn còn trẻ, vừa sinh được con gái, mọi người gọi “bố đĩ”; đẻ con trai gọi “bố cu”. Ngoài ra người ấy, còn gọi bố gì nữa?

Khi cụ Nguyễn Khuyến viết câu đối:
“Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ/ Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng con răng trắng, tím gan tím ruột với ông xanh”.
Qua các sắc màu ấy, ta biết cụ viết hộ người phụ nữ có chồng làm nghề thợ nhuộm; từ “bố đỏ” cho biết anh chồng ấy chết trẻ, chỉ mới vừa có con.

Do đâu từ “bố già” nhanh chóng được chấp nhận qua nghĩa “ông trùm”? Theo tôi, vì từ trùm không hề xa lạ trong tâm thức của người Việt.

Từ xa xưa, thành ngữ đã có câu “Ăn nói trùm lợp” là người đó nói, chửi mắng tới tấp, liên tục, trùm lên ý kiến của mọi người, không phân biệt, không kiêng nể ai. Trùm còn là phủ kín.

Không chỉ kẻ cầm đầu băng nhóm, hiểu theo nghĩa xấu mà ngay cả những ai lương thiện, đứng đầu phường hội, làng nghề cũng gọi ông trùm, chẳng hạn trùm phường chèo. Nay, còn gọi bầu như ông bầu gánh hát…

Từ ông còn dùng để gọi con vật mà thiên hạ sợ hãi, kiêng dè như ông ba mươi/ ông thầy (cọp); ông tượng/ ông nậy (voi); ông tý (chuột)… Ngay cả một số vật dụng quen thuộc cũng có cách gọi như vậy, chẳng hạn ông bình vôi; ông núc/ bếp núc tức ông táo/ ông bếp/ ông công.

Với người dân miền biển còn có tục thờ cá voi, gọi tôn kính cá ông. Khi mất, cá ông dạt vào bờ người ta tin rằng “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ” và gọi ông luỵ.
Khó có thể giải thích vì sao khi doạ trẻ con, người ta lại nhắc đến ông kẹ, ông ngáo ộp, ông ba bị?

Ở Nam bộ xưa còn có câu Ông Hoành ông Trấm - nhằm chỉ người ngang ngược, hung dữ thì lại “có tích có tuồng”: Đó là tên hai vị tướng theo giúp Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) nổi dậy chống lại triều Nguyễn năm 1833.

Dù không biết mặt mũi ra làm sao nhưng vẫn được gọi ông, chẳng hạn ông làng - tổ hát bội, ông táo, ông địa, ông thần tài, ông thiên lôi…

Những ông này chẳng ai dám giỡn mặt nhưng ông tơ lại khác, “Quất ông tơ cái trót/ Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần/ Biểu ổng se mối chỉ năm bảy lần, ổng không se”. Ông tơ, còn có tên gọi khác là ông mai. Mai là mai mối, làm mối cho việc dựng vợ gã chồng.

Còn ông bộ thì sao? Tục ngữ còn lưu lại câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng làm quan thái giám thì cái sự được nhờ ấy lại lớn lao hơn nhiều, vì không chỉ riêng trong một họ, một dòng tộc mà cả làng còn được nhờ. Do đó, mới có câu “Đẻ ông bộ cho làng nhờ” là vậy.

Nói một cách ngắn gọn, ông bộ là người trung tính, lúc mới sinh ra đã không có bộ phận sinh dục gọi là giám sinh/ ông bộ nắp; còn người tự hoạn để được tuyển chọn hầu hạ trong cung cấm thì gọi giám lặt/ ông bộ thiến.

“Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Ông bà ông vải là tiếng gọi các bậc gia tiên. Nhưng “Con ông cháu cha” thì lại là con, cháu của người khác mà ngầm ý đó là những người có thế, có máu mặt, chẳng khác gì ông hoàng bà chúa, ông to bà nậy.

Những đứa trẻ láu lỉnh, tinh quái, nghịch ngợm trổ trời còn được gọi ông mãnh. Với quan niệm của người Việt thì “ông mãnh bà cô” còn được hiểu là những người chết yểu lúc còn trẻ, chưa lập gia đình hoặc bà cô, ông chú vẫn sống “đơn thân độc mã”, phòng không chiếc bóng cho đến lúc mất.

Đôi khi gọi ông nhưng lại hàm ý xem thường. “Ông tiền ông thóc ông cóc gì ai”- sở dĩ gọi bằng ông vì lắm tiền, nhiều thóc chứ nào có đáng gì ông.

Nói cách khác “ông gì ông ổng”, chỉ gọi ông cho văn vẻ, đỡ chướng tai. Nếu nói huỵch toẹt ra, chỉ đáng gọi thằng/ thằng ông mà thôi. “Thánh cắt ông vào chủ việc thi/ Đêm ngày coi sóc chốn trường quy/ Chẳng hay gian dối vì đâu vậy? Bá ngọ thằng ông biết chữ gì”. Có thể nói “thằng ông” là từ mới mẻ của Tú Xương cũng như Bà chúa thơ Nôm đã sáng tạo ra từ “lộn lèo”.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỪ VỊT GÒ VẤP
đến SÂM NHUNG BỔI THẬN TRUNG ƯƠNG 3


Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ tiến triển chóng mặt, thế giới thay đổi từng giờ và vấn đề viết tắt ở nước ta là câu chuyện dài, khó mà nói hết.

Cùng với đó là sự bùng nổ thông tin ở mức “khủng”. Đứng trước thực trạng ấy, con người phải có những giải pháp khả dĩ thích nghi, trong đó việc viết (nói) tắt ngày càng phổ biến.

Có thể nói trên phạm vi toàn cầu, tuy văn hoá, ngôn ngữ khác nhau nhưng việc viết tắt đã là thông lệ. Vì vậy, người dân mọi quốc gia đều hiểu WHO là Tổ chức Y tế thế giới, UNICEF là Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á), NATO (Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương), EU (Liên minh châu Âu)...

Nhưng tại Việt Nam, phải chăng vì thiếu quy định nguyên tắc nên hiện nay việc viết tắt đang có tình trạng “trăm hoa đua nở”.

Viết tắt cũng “loạn truyện”!

Tên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có vô vàn kiểu viết tắt.

Tên viết tắt một số doanh nghiệp biểu thị tên quốc gia Việt Nam bằng chữ Viet không dấu: Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội), Vietcombank (Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương) hoặc biểu thị tên nước bằng chữ Vina: VinaPhone, Vinacafe, Vinagames...

Tuy nhiên, nhiều hơn là số doanh nghiệp viết tắt tên nước bằng chữ V nhưng vị trí lại “tuỳ hứng”: chữ V ở giữa tên tắt có Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN); chữ V ở đầu có: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn Cao su (VRG), Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank); còn chữ V ở cuối thì có: Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV)...

Cũng lại có tên doanh nghiệp tầm quốc gia viết tắt hoàn toàn không có chữ V: Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank)...

Tất nhiên, với những doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia ấy, việc chọn cái tên tắt trong giao dịch thường có tham khảo ý kiến chuyên gia và phê duyệt của cấp thẩm quyền.
Còn đối với các doanh nghiệp, tổ chức quy mô nhỏ thì đúng là “loạn truyện”. Người viết bài này còn nhớ câu chuyện trong hội nghị về đổi mới quản lý doanh nghiệp diễn ra tại Viện Kinh tế TP.HCM trước đây.

Hôm ấy, cả hội trường đã cười ồ lên khi nghe người chủ trì giải thích cái tên Vigova không phải “liên doanh nước ngoài” như nhiều người tưởng, mà là tên viết tắt tiếng Việt của Công ty Vịt Gò Vấp!

“Bớt xén” từ dẫn đến sai nghĩa

Bàn về vấn đề viết tắt không phù hợp, thiếu thống nhất ở nước ta quả là câu chuyện dài không có hồi kết.

Đôi khi việc viết tắt dù người Việt vẫn có thể hiểu được, nhưng thực tế đã làm sai lệch sự việc, vấn đề và nhất là “đánh đố” người nước ngoài.

Như trường hợp sử dụng từ “cao tốc” chẳng hạn. “Cao tốc” chỉ nói lên (cái gì đó) tốc độ cao (đường ôtô cao tốc, đường sắt cao tốc, tàu hoả (thuỷ) cao tốc, động cơ cao tốc...), nhưng người viết đã “ép” người đọc phải hiểu là một con đường bộ cao tốc khi họ viết: “tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình”, “dự án cao tốc Bắc - Nam”...

Thực ra, về mặt văn phạm thì với các trường hợp trên đều cần viết thêm chữ “đường” mới có nghĩa: “tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình”, “dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam” ...

Cũng vì bị “bớt xén” từ, một clip quảng cáo liên tục phát trên truyền hình của Công ty Dược phẩm trung ương 3 đã làm người xem rất khó chịu với thực phẩm chức năng “sâm nhung bổ thận TW3”!

Mà cũng không rõ từ khi nào, dù trong tiếng Việt không có chữ cái W nhưng từ “trung ương” được viết tắt là TW?

Cũng là chuyện viết tắt tuỳ tiện, nhiều tin tức phản ánh an ninh trật tự hiện nay đã biến “lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý” thành “lực lượng cảnh sát ma tuý”, hay UBND (một tổ chức chính quyền gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và uỷ viên) thành địa điểm, địa chỉ hội họp, tiếp khách... khi viết “tại UBND”, thay vì cần viết rõ chính xác là “tại trụ sở UBND”.

Vấn đề viết tắt ở nước ta là câu chuyện dài, khó mà nói hết. Thiết nghĩ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chỉ riêng việc làm sao để việc viết tắt, đặt tên tắt thống nhất, chấp nhận được cũng cần có những nguyên tắc chuẩn mực?

NGUYỄN VĂN HÙNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUẤT MIẾN BẮC – QUẬT MIỀN TRUNG
TẮC MIỀN NAM – MIỀN TÂY GỌI LÀ HẠNH


Mới đây, trong chuyến công tác ra phố cổ Hội An, dọc các đường phố ngày giáp tết, chúng tôi thấy có bán nhiều cây quất cảnh rất đẹp, nhưng đọc biển treo thì lại rất ngạc nhiên khi thấy nhất loạt tất cả đều ghi là “BÁN QUẬT CẢNH”.

Hoá ra ở địa phương này họ gọi cây quất là cây quật. Trao đổi với một anh bạn quê Đồng Tháp thì được biết ở miền Tây, cây quất còn có tên gọi khác là cây hạnh.

Trước đây, ngày tết anh thường chưng cây hạnh với mong ước năm mới gia đình được hạnh phúc viên mãn, nhưng về sau khi biết cây hạnh còn có tên cây tắc, anh bèn ngay lập tức đổi thói quen sang chơi cây cảnh tết khác vì e cuộc sống sẽ bị bế tắc, tắc tị cả năm (!?).

Đầu xuân, ngẫm lại thấy trong dịp Tết Nguyên đán còn có khá nhiều tập quán, kiêng kỵ thú vị trên cơ sở chữ nghĩa này.

Đầu tiên, món canh khổ qua dân dã mà người miền Bắc gọi tên nôm na theo dịch nghĩa là mướp đắng, vào trong Nam bỗng trở thành món quốc hồn quốc tuý, không thể thiếu mặt trong mâm cỗ ngày xuân.

Ấy bởi vì khổ qua là từ Hán Việt (khổ: đắng; qua: dưa, mướp, bầu bí), được dùng trong ngày tết với ý nghĩa mong ước ăn khổ qua cho những điều “khổ” bị nuốt trôi, đẩy “qua”, qua đi sự cơ cực, không may, bắt đầu một năm mới tươi sáng.

Cũng do cái sự từ Hán Việt này mà người miền Nam thường kiêng ăn cam trong ngày tết, vì từ Hán Việt “cam” (ngọt) trái nghĩa với “khổ” (đắng), lại bị hiểu theo nghĩa của từ đồng âm: cam chịu, cam phận... đói nghèo khổ cực hoài hoài.

Và lại lo còn bị gắp lửa bỏ tay người, đổ thừa, đổ tội oan khi liên tưởng đến thành ngữ “Quýt làm cam chịu”!

Thịt vịt cũng là món ăn “bất hạnh” bị liệt vào danh sách kiêng cữ đầu năm vì theo từ Hán Việt, con vịt đọc là “áp”, mà từ “áp” trong chữ Hán có khá nhiều từ đồng âm với các nghĩa là: đè nén, áp bức / bị dìm / co rút lại / chen chúc, xô đẩy, cạnh tranh / cầm cố, thế chấp, mang nợ / bị áp giải...

Nhiều dân nhậu đầu xuân phải kìm lòng mà quên ngay món khoái khẩu vịt quay (chữ Hán: khảo áp)! Cũng có người đầu năm nhịn món vịt đơn giản chỉ vì liên tưởng đến dáng đi lặc lè, lạch bạch, chậm chạp đặc trưng muôn thuở của giống thuỷ cầm này.

Ngoài ra còn biết bao nhiêu món ăn vì tên gọi đồng âm với một từ khác, hoặc gợi liên tưởng đến sự... xui xẻo mà bị “tẩy chay” oan uổng khỏi thực đơn ba ngày tết bảy ngày xuân.

Ví như đầu năm nhiều người kiêng ăn mực (cá mực) vì sợ cả năm bị “đen như mực”; không ăn cá hố vì sợ bị “hố”, bị “sụp hầm” suốt năm; kiêng ăn “tôm” vì sợ năm mới mọi sự làm ăn không được hanh thông, phát đạt, cứ đi giật lùi như kiểu di chuyển của con tôm!

Cữ ăn trứng vịt lộn vì sợ mọi dự định, kế hoạch làm ăn trong năm mới sẽ bị đảo lộn tùng phèo.

Hoặc con cá mè có tội tình chi mà đầu năm nhiều người lại kiêng ăn, chả là vì từ “mè” làm liên tưởng đến từ “mè nheo”, sợ cả năm sẽ bị hãm tài vì bị nhây, bị lầy, bị buộc phải nghe “nói nhiều và dai dẳng để nài xin, phàn nàn hoặc trách móc khiến người nghe khó chịu”!

Suy cho cùng, những sự ưa chuộng hay kiêng kỵ này tựu trung cũng đều phản ánh mong ước của con dân nước Việt về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc, thuận lợi, may mắn trong năm mới.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TỐC KÊ - MÁT DÂY


“Ở Hà Nội, thời thập niên 80, tôi còn nhớ mãi một từ mà tôi cho rằng đáng được liệt vào hàng xuất sắc là từ “leng keng” - dành để ám chỉ những ai “hâm hấp”.

​​Đó là chi tiết buộc tôi phải dừng lại khi đọc tạp bút Ăn nỗi nhớ (NXB Hội Nhà văn) của Hà Quang Minh.

Cái từ “leng keng” ấy, nó có tính tượng thanh khủng khiếp và sự trừu tượng của nó khiến người ta liên tưởng đến những đầu óc lúc nào cũng ngớ ngẩn ăn nói lung tung, suy nghĩ như thể trong đầu luôn có cái chuông tàu điện”.

Từ ngữ, cách nói ấy không dừng lại, về sau, nó được thay thế bằng “lái tàu điện”, “đếm lá”… Hà Quang Minh viết tiếp: “Hãy hình dung một người cứ ngơ ngẩn vừa đi vừa ngửa cổ đếm lá trên vòm cây thì bạn đủ hiểu cái sự “hâm hấp” ấy nó rõ ràng ra sao”.

Những kẻ hâm/hâm hấp/hâm hâm hiểu theo nghĩa gàn dở, khùng khùng, tàng tàng, điên điên ấy, trong Nam lại gọi “mát” (mượn tiếng Pháp “masse”, chỉ bộ phận dẫn điện bị chạm, “có vấn đề”): mát dây điện, chạm điện, chạm mạch.

Ngoài ra còn có một loạt từ khác như: té giếng, chập cheng, dở hơi, dở người, tửng, cà tàng, tẩm, chập chờn…

Gần đây, giới teen lại “đẻ” ra từ “dở hơi biết bơi/dở hơi ăn cám lợn”! Nghĩa là kẻ ấy rất hâm, hâm “thầy chạy”, hết thuốc chữa. Cũng từ “hâm” ấy, thật bất ngờ khi đọc trên biển báo của ban an toàn giao thông tỉnh nọ: “Xi-nhan không phải là hâm/ Xi-nhan khỏi phải bị đâm vỡ đèn”.

Đúng là thơ với thẩn!

Thời còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi được mẹ dẫn ra chợ. Khoảng thập niên 60 - 70, ở chợ Cồn (Đà Nẵng) có cà phê Xứng cực kỳ nổi tiếng, bán ngay trong chợ. Bất cứ ai gọi, ngay lập tức có người bưng ly cà phê nóng hổi đến tận nơi.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là anh chàng điên điên khùng khùng, suốt ngày lang thang trong chợ. Anh ta ăn mặc chỉnh tề, áo bỏ trong quần, dù quần áo đã cũ rích, rách nát, bẩn thỉu, cổ đeo cà-vạt.

Đi chân không (chân đất). Tay cầm quyển từ điển dày cộm, đi và đọc, thỉnh thoảng anh ta dừng lại, ngửa mặt nhìn lên trời và nói hàng loạt câu tiếng Pháp. Nghe bảo rằng anh chàng này du học ở Pháp, học rất giỏi nhưng do “ngộ chữ” nên thành kẻ “dở người” (?!).

Trong bài Sống với ca dao, dân ca miền Nam Trung bộ, nhà thơ Xuân Diệu có kể lại một nhân vật ở Quy Nhơn cũng độc đáo không kém: “Ông “Tốc-xi-măng” dở khờ dở dại, thích mặc một cái áo ka ki màu vàng như áo người đưa thư hay áo của người giữ ghi xe lửa.

Mặc quần Tây, đi giày rách, cầm một cái ba-tong, đội một cái mũ như mũ các thầy ký hoả xa đi trên tàu; ông “Tốc-xi-măng” thích tự làm những cái lon, những mề dây để đeo; trẻ con cứ chạy theo ông tưởng là ông cai, đội thật”.

Nhà thơ Xuân Diệu sinh năm 1916, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn. Ta suy luận, khoảng thời gian đi học phổ thông, rồi tính cách nhân vật được ông miêu tả, rõ ràng “Tốc-xi-măng” là “cựu chiến binh”, bị đưa sang “mẫu quốc” làm “bia đỡ đạn” lúc Pháp đánh nhau với Đức năm 1918.

Có thể suy luận thêm, “Tốc-xi-măng” không phải tên thật. “Tốc” ở đây cũng không phải chỉ tốc độ, mau chóng mà chính là “tốc kê” vay mượn từ toqué trong tiếng Pháp - nhằm chỉ người gàn gàn, hâm hâm.

Lạ cho tiếng Việt, dù mượn tiếng nước ngoài nhưng nếu cần chỉ gọi gọn mỗi từ “tốc”; hoặc cao hứng lên gọi luôn “tốc tốc” - cứ nghe như tên nhân vật trong truyện kiếm hiệp.

Mẫu nhân vật này, nổi tiếng nhất vẫn là Trạch Văn Đoành của nhà văn Nam Cao:

“Suốt một mùa, hắn chỉ mặc một cái ba-đơ-xuy sắc chó gio. Hắn mua hồi đi lính sang Tây. Có bảy mươi quan. Thế mà bền… Cái áo ba-đơ-xuy mất hết cúc rồi. Hắn đơm hai cái dải thật to được bắt giao nhau để thắt lại ở sau lưng. Chặt chẽ và gọn gàng không kém một cái đai”.

Tiếc là những nhân vật dở hơi, dở ngợm dở người này ít xuất hiện trong văn học Việt Nam.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SA TRƯỜNG


Vương Hàn, nhà thơ đời Đường có bài thơ “Lương Châu từ” nổi tiếng, nguyên văn:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Chữ “sa trường” trong bài thơ, nhiều người lầm tưởng là “chốn sa trường” hoặc “bãi chiến trường”. Gần đây có người dịch câu 3 bài thơ trên như sau: “Say sưa nằm lăn ở chốn sa trường, anh đừng cười nhé!” (Văn Nghệ TPHCM số 16, 21-6-2007).

Thật ra, “sa trường” ở đây có nghĩa là bãi cát, hoặc bãi đất trống (ở hậu phương), nơi người ta hội ngộ, tiễn đưa. Người chiến sĩ (vị tướng) trước khi xông pha ra tiền tuyến, được bạn bè, người thân đến đưa tiễn. Chứ nếu ở chốn sa trường mà say rượu nằm lăn ra đó, quân địch chắc chắn đến lấy mất đầu, lúc ấy bạn bè chỉ có nước khóc, cười sao nổi!

Bài thơ trên được ông Tôn Thất Lương dịch thành 4 câu thơ lục bát như sau:

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Ngập ngừng muốn uống, tiếng đàn giục đi
Say nằm bãi cát li bì
Xưa nay chinh chiến, người đi ai về

(Chinh phụ ngâm khúc (dẫn giải và chú thích), NXB Tân Việt – Sài Gòn, in trước năm 1975, không ghi rõ năm).

Phan Trọng Hiền
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THU GIÁ


Thay vì thẳng thắn rành mạch với dân, cùng dân tìm giải pháp khắc phục, thì lấy chữ mà che đậy bản chất vấn đề, nặn ra cái cơ sở lý cùn để ép dân phải theo.
1
“Thu giá” là sự ngu độn về ngôn ngữ. Nhưng đây chẳng phải sự ngu độn thật thà. Ngu cái này nhưng cáo già trong cái khác. Bởi vì:
2-
‘Thu giá” là sự trí trá về lập luận. Đường BOT không phải là “sản phẩm của doanh nghiệp”. Nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất, làm đường riêng không dính gì vào các tuyến đường của nhà nước, thì đó mới là sản phẩm doanh nghiệp, họ định giá vé thế nào, có ai đi là việc của họ. Còn BOT là sản phẩm của hợp tác công tư. Doanh nghiệp làm đường trên đất nhà nước cho, cải tạo đường vốn có của xã hội, được khai thác trong thời hạn nhất định để hoàn vốn và có lãi trong khuôn khổ được định ra qua phương án tài chính. Hiện nay đa số các dự án đó ký với nhà nước là hợp đồng “mở”. Nghĩa là thời gian họ được thu tiền căn cứ vào lưu lượng xe đi qua và mức phí xe đi qua phải trả. Cho nên họ mới được kêu ca là thu thấp thì phải thu lâu hơn. Bây giờ nói là sản phẩm của họ tức là phủi cái phần của dân của nước trong BOT đó. Thử hỏi nếu nó là sản phẩm của doanh nghiệp sao lại phải kiểm soát xác minh số tiền thực đầu tư, số tiền thực mỗi ngày thu vào như vừa qua đã buộc phải làm?
3-
“Thu giá” là sự xảo quyệt về ý đồ. Việc thu tiền vé đi đường BOT theo cách thực hiện ở Việt Nam thời gian qua xung đột với quy định về phí theo pháp luật. Tách nó ra khỏi phí là để hợp pháp hoá việc thu tiền lần thứ hai đối với người dân trên nhiều đoạn đường BOT, đánh bật khỏi tay người dân vũ khí pháp lý hợp pháp để phản đối sự bất công thiếu minh bạch.
4-
“Thu giá” là sự lì lợm và trắng trợn trong thái độ đối với người dân. Dân không phản đối BOT, dân không phản đối chuyện đi đường BOT tốt hơn thì phải nộp tiền. Cũng không phải BOT ở chỗ nào cũng không hợp lý. Có những đường, cầu BOT làm cả vùng xưa nay thiếu đường, thiếu cầu nay đi lại giao thương thuận lợi hơn. Cái đó dân ủng hộ. Dân phản đối cái gì? Dân phản đối chuyện đường quốc lộ số 1 của đất nước tráng lên một lớp rồi thu như thể đường đó họ làm ra từ đầu. Dân phản đối chuyện không có lựa chọn, đi đường nào cũng phải nộp BOT. Dân phản đối chuyện khai khống giá trị đầu tư BOT rồi từ đó định ra giá vé và thời hạn thu. Dân phản đối chuyện cầu nhà nước làm vẫn đi được bị ngăn lại lùa xe sang bắt đi cầu mới phải trả tiền BOT. Dân phản đối chuyện cho thu BOT cả đường mới lẫn đường cũ để lùa dân sang đường mới BOT. Dân phản đối chuyện không dùng đường BOT nhưng buộc phải đi qua trạm và phải mất tiền. Dân phản đối chuyện ém giảm số lưu lượng xe qua trạm BOT để thu lời tối đa. Dân phản đối chuyện chẳng có cuộc đấu thầu nào cả mà chỉ số quan chức cùng doanh nghiệp ký với nhau làm BOT chỗ này, chỗ kia. Dân phản đối chuyện làm BOT có thể “tay không bắt... vàng”. Dân phản đối vì đóng thuế, đóng phí đường bộ và đóng góp suốt bao năm bây giờ đất nước đến con đường xuyên Việt đầu tiên cũng chi chít trạm thu tiền. Dân phản đối vì tiền nộp BOT nhiều hơn chi cho xăng dầu, mọi hoạt động kinh tế hay dân sinh đều bị thêm gánh nặng.
Những cái đó có không? Dân phản đối có sai không?

Đành là có những cái sai đã xảy ra nhưng khó xoá đi làm lại được, mà phải chấp nhận hậu quả, thì cách làm vẫn là phải nhìn vào bản chất sự thật mà nói với dân.
Thay vì thẳng thắn rành mạch với dân, cùng dân tìm giải pháp khắc phục, thì lấy chữ mà che đậy bản chất vấn đề, nặn ra cái cơ sở lý cùn để ép dân phải theo. Đó là cái cách mà bộ trưởng Thể chọn.
5-
Do vậy, “thu giá” chỉ xuẩn về chữ, chứ rất gian về tâm, về trí. Khi sự gian xảo xuất phát từ một quan chức cấp bộ và những cố vấn của ông ta, nó là sự phá hoại tính công chính của Nhà nước. Tôi sẽ rất thất vọng nếu cái cách cư xử này được Nhà nước cho qua.

Trần Đăng Tuấn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TÒ TE RO BE ĐÁNH ĐU
TẠC ZĂNG NHẢY DÙ…


Không biết tự lúc nào, Z hiên ngang đi vào từ điển tiếng Việt? Nghe sử dụng cụm từ ‘Từ A đến Z’ ta có thể hiểu là sự việc sẽ được diễn ra theo trình tự từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Trong tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái, bắt đầu từ A và kết thúc Y. Thế nhưng người Việt đã mượn Z - con chữ cuối cùng của bảng chữ cái La tinh, nhằm phiên âm tiếng nước ngoài và ghi ký hiệu có tính quốc tế. Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam chỉ ghi nhận: Zê-rô (zero), Zê-ta (zeta), Zích-zắc (ziczac) và Zn - ký hiệu hoá học của nguyên tố kẽm (zinc).

Sự lý thú của câu cửa miệng “Từ A đến Z” là bắt nguồn từ bảng ký hiệu của chữ cái.

Một khi nghe ai sử dụng cụm từ đó, ta có thể hiểu là sự việc đó sẽ được diễn ra theo trình tự từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Tự lúc nào, Z hiên ngang đi vào từ điển tiếng Việt?

Câu trả lời xin dành cho các nhà ngôn ngữ học. Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên là trẻ con miền Nam đã làm quen với Z từ rất lâu lắm rồi.

Nhiều người còn nhớ thời bé đã từng hát nhại giai điệu ca khúc Ce n’est qu’un au revoir với những câu “chế” ngộ nghĩnh: “Tò te Rô-be đánh đu, Tặc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.

Và người ta chấp nhận 2 cách ghi: Tặc Zăng/Tặc Dăng, thậm chí Tặc Giăng cũng đặng. Riêng “Zô-rô bắn súng”, tức Zorro - một nhân vật hiệp khách trừ gian diệt bạo, trẻ em miền Nam thời đó từng say mê qua thể loại truyện tranh.

Có lẽ nhà văn Nguyễn Công Hoan là người trước nhất đem zéro/ dê-rô vào tác phẩm văn học chăng? Năm 1942, khi viết vở kịch Tấm lòng vàng, ông cho nhân vật Đức có biệt danh “vua zéro” vì thường xuyên không thuộc bài, luôn bị thầy cho điểm 0.

Cùng âm dờ/zờ nên “đôi bạn cùng tiến” Z và D đôi lúc có thể hoán đổi cho nhau, không ai bắt bẻ gì. Do đó, không phải ngẫu nhiên trong quá trình cải cách chữ Quốc ngữ, đã từng có học giả để nghị sử dụng Z thay D; không dừng lại đó, có ý kiến “triệt để” hơn đòi thay luôn cả GI, chẳng hạn, “giăng” có thể viết “dăng”, vậy sao không thay quách bằng “zăng” cho nó gọn (!).

Có phải tôi bịa ra chi tiết này? Thưa không, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, xin tìm đọc quyển Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ - Viện Văn học, (NXB Văn Hoá - 1960) thì rõ.

Mà D/GI/TR trong tiếng Việt đôi lúc cách ghi âm cũng còn nhập nhằng. Thí dụ, dung dăng dung dẻ/ giung giăng giung giẻ; bánh gio/ bánh tro - tức loại bánh làm bằng gạo nếp ngâm trong nước tro....

“Bờ Hồ những gió cùng giăng/ Những giăng cùng gió, lăng nhăng sự đời/ Ai lên, ta hỏi ông Giời:/ Bầy chi giăng gió? cho người gió giăng?” (Tản Đà). Rõ ràng TR đã được hoán đổi qua GI.

Mà D cũng có lúc thay thế R, chẳng hạn duồng dẫy/ruồng rãy; dẫy vợ/rẫy vợ (tức để vợ/bỏ vợ); day dứt/ ray rứt… Đôi khi D “cao hứng” biến thành GI, chẳng hạn, giấy dó/giấy gió; bánh dầy/ bánh giầy…

Nếu viết đúng chính tả phải là giấy dó - gọi theo tên một cây mà Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Dó: tên một thứ cây lấy vỏ để làm giấy ta”; bánh giầy - như Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “là bánh có hình tròn khum khum, màu trắng, rất dẻo, mịn mặt, làm bằng xôi trắng giã nhuyễn, khi ăn cặp với giò chả...”.

Một lần nữa, xin nhấn mạnh, hoàn toàn không có loại bánh nào có gọi tên bánh dầy/dày, phải gọi bánh giầy.

Thành ngữ còn có câu “Nhặt che mưa, thưa che gió”, hàm ý sử dụng tuỳ theo khả năng. Mà ở đây nhặt cũng có nghĩa là dày, khít, tuỳ ngữ cảnh còn có thể hiểu là mau, liền liền, dồn dập - vậy ngược với nó cũng là thưa? Chưa chắc, “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (Truyện Kiều), thì “tiếng khoan” chính là tiếng thưa, “tiếng mau” là tiếng nhặt.

Dù vẫn biết, D và Z có thể hoán đổi nhau nhưng lại có lúc cả hai phải “dính chùm” cho bằng được. Khi nghe một người Nam bộ bảo: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy” thì mặc nhiên phải viết “dzậy”, chứ nếu viết dậy/ zậy thì chưa phản ánh đúng tinh thần nhấn mạnh có tính hài hước, bông lơn của từ “dzậy”. Mà “dzậy” là “vậy” - nhưng ở đây ghi theo cách phát âm của người Nam bộ, và dần dần được các vùng miền khác chấp nhận. Trong khi đó, từ điển chính thống vẫn chưa ghi nhận từ “dzậy”.

Tương tự, từ điển vẫn chưa ghi nhận mắc zịch, chỉ có mắc dịch - có thể hiểu là mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm nhưng không chỉ có thế.

Chẳng hạn, một người bình luận: “Cứ thấy gái đẹp là thả dê. Thằng chả đúng là thứ mắc dịch” - nhằm chê kẻ đó mất nết, không đứng đắn. Nhưng khi người mẹ mắng con: “Về nhà rồi à? Cái thằng mắc dịch kia, sao không lên tiếng, mày làm má hết hồn” - lại là câu mắng yêu. Thế mới thấy, cùng một “mắc dịch” nhưng hàm nghĩa lại khác nhau.

Chẳng hạn, zích zắc (ziczac) là đừng gấp khúc nhưng một khi du nhập vào tiếng Việt lại mang hàm nghĩa mới, chẳng hạn, người nọ phán một câu xanh rờn: “Cậu muốn nhanh thăng quan tiến chức à? Đừng tưởng bỡ, đường đi còn dích dắc lắm”. Dích dắc ở đây là quanh co, có sắc thái tiêu cực, không minh bạch, rõ ràng.

Tương tự, zéro là số 0 nhưng lại còn dùng để chỉ người bất tài vô tướng,chẳng tài cán: “Tưởng gì, lúc đụng chuyện, thằng chả chỉ là số zéro to tổ chảng”.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIÓ ĐƯA BỤI CHUỐI TE TÀU


Từ chuyện bụi chuối te tàu đến xe, tàu... gọi sao cho đúng?

Câu thơ của Tôn Thọ Tường “Mây tuôn đen kịt khói tàu bay”, khiến không ít người đọc “bé cái nhầm”, không phải “tại thằng đánh máy” mà do từ “bay” - nhằm chỉ sự di chuyển trên không trung. Mà hiện nay khi nói “tàu bay” lập tức ta nghĩ đến “máy bay” - phương tiện đi lại, chiến đấu trên không.

Lập luận chặt chẽ đến thế, biết đâu vẫn có người cãi thì sao? Cãi rằng: “Ơ kìa, do ông Tường đã biết/thấy tàu bay mới viết câu thơ đó?”.

Xin thưa, ông Tường mất năm 1887. Mãi đến ngày 10-12-1910, phi công Hà Lan Van den Born lái chiếc Farman, đó là lần đầu tiên người Sài Gòn mới thấy tàu bay xuất hiện trên bầu trời.

Tàu cũng xuất hiện trong câu thành ngữ: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”.

“Tàu” ở đây lại có nghĩa chỉ cái máng đựng thức ăn trong chuồng; và cũng dùng chỉ cái chuồng như chuồng ngựa, voi, tượng nên mới có câu: “Trống như tàu tượng”.
Loại lá cây to và rộng bản cũng gọi là tàu. “Gió đưa bụi chuối te tàu/ Chàng Nam thiếp Bắc làm giàu, ai ăn?”.

Một người chọc quê bạn: “Kìa, mới nhát ma một chút tẹo mà đã run gan. Chưa chi, mặt xanh như tàu lá”. Tàu ở đây nhằm chỉ tàu lá chuối, tàu lá dừa, tàu lá dừa…

Theo nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên, ở Nam bộ thì “tàu mo” ngoài nghĩa thông dụng mo cau còn chỉ: “Xe lôi gắn máy - tên gọi xe gắn máy kéo thùng để chở khách hoặc hàng hoá, thạnh hành ở các tỉnh miền Tây, nhất là ở Bến Tre từ thập niên 1960”.

Không rõ cách gọi ấy, nay còn hay đã mất? Có thể không mấy ai còn gọi “tàu mù” dành cho những chiếc tàu mà trước mũi tàu không vẽ hai con mắt, chỉ sơn một màu. Dấu vết của cách gọi ngộ nghĩnh này, còn tìm thấy trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895).

Đôi lúc cách ghi âm tàu/ tào vẫn chưa thống nhất đối với từ du nhập, chẳng hạn, “Nam Vang đi dễ khó về/ Trai đi bạn biển, gái về tào kê”. Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho biết: “Tào kê vây mượn tiếng Tiều Châu mà âm Hán Việt là bảo mẫu”.

Đại từ điển tiếng Việt hiện nay ghi nhận “tàu kê” và giải thích: 1.Tiếng gọi những người giàu có và có thế lực; 2. Tiếng gọi những người bất chính cho vây lấy lãi, những người chủ chứa gái điếm”.

Sự lý thú của “tàu” trong tiếng Việt còn phải kể đến trường hợp danh từ riêng Tàu, nhằm chỉ người Trung Quốc đã biến thành danh từ chung từ đời tám hoánh: “Vai u thịt bắp, mồ hôi dầu/ Nách lông một nạm, trà tàu một tô”, thịt kho tàu, mực tàu, táo tàu, chè tàu…

Tương tự, do nhập từ Thái Lan nên mới xuất hiện cách định danh như vịt xiêm, mãng cầu xiêm, dừa xiêm; hoặc ngay cả thuốc lào cũng vậy… Mà cũng phải thôi, “nhập gia tuỳ tục” là vậy.

Đôi lúc đọc/học tác phẩm văn học Việt Nam, có nhiều loại xe khiến ta bí rị. “Xe rồng phút chốc mây che/ Minh Vương ở Hán lại về nối ngôi” (Đại Nam quốc sử diễn ca). Xe rồng, tức “long xa” chở vua.

Tuy nhiên, trải qua năm tháng, xe rồng lại “đèo” thêm nghĩa khác. Khác thế nào? Trong đám tang, cái xe được bài trí trang trọng, rực rỡ một cách tôn nghiêm được gọi “xe rồng” nhằm… chở quan tài người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng!

Truyện thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính có câu: “Dứt lời thoắt đã chia tay/ Hồn hương đã sẵn xe mây rước về”. Có phải xe mây là… di chuyển trên mây? Vâng, xe mây là dịch từ chữ Hán: “Vân xa”, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích: “Xe đi ở trên mây = Phép thần tiên đi giữa không”, nói cách khác xe mây chỉ sự rước linh hồn người chết về cõi trên…

Như đã biết, do tàu di chuyển dưới nước nên gọi tàu/tàu thuỷ nhưng tại sao tàu di chuyển đường ray trên bộ, lại có lúc gọi là xe? Đơn giản chỉ vì tàu ấy có bánh xe, chẳng hạn xe lửa/ tàu lửa/tàu hoả, xe điện/ tàu điện, xe điện ngầm/tàu điện ngầm…

Vậy xe bò, “Khoẻ re như con bò kéo xe” nếu đổi qua tàu bò thì sao? Thì, lập tức nó nhảy cái rẹt qua nghĩa nhằm chỉ… xe tăng! Lại nữa, một khi nói “tàu bay tàu bò” lại hoàn toàn chẳng có xe tăng gì cả, nó lại hàm nghĩa chỉ máy bay/tàu bay nói chung.

Do tuỳ thuộc vào cách vận chuyển/ vận hành mà tàu/xe có cách gọi tên. Gọi tàu lửa do nó chạy bằng động cơ hơi nước mà thuở ấy phải dùng đến củi lửa trong thao tác vận hành; xe chạy bằng điện thì gọi xe điện/tàu điện, xe kéo bằng tay gọi xe tay v.v… Xin hỏi khó chút tẹo, vậy xe đò có phải xe đi bằng đò?

Tại sao từ đò xuất hiện rất tréo ngoe ở đây? Suy luận rằng, khi chưa có xe, người ta đi bằng đò. Mà đã muốn đi đò thì phải đến bến đò, tức bến đậu; và đò xuất phát có giờ giấc hẳn hòi.

Vậy xe cũng có bến xe - địa điểm tương tự đón/đưa khách. Một khi xe đã thay thế vai trò của đò, lập tức người ta gọi xe đò - tức nó cũng đóng vai trò như đò nhưng bằng hình thức khác là xe. Đò đưa đón khách thì xe đò cũng thế, do đó, nó còn được gọi xe khách.

Thế nhưng chẳng một ai gọi “đò khách” bao giờ. Ngày xưa, người đưa đò được gọi “con đò”, Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: “Đứa đưa đò (thường sự là con gái)”.
Vâng, người đưa đò gọi là con đò, còn người lái xe (trong đó có xe đò) được gọi tài xế - do vay mượn từ sốp-phơ: chauffeur.

Thế tự bao giờ “tài xế” lại nhảy một phát lên “bác tài” nghe ra rất bảnh tỏn? Có phải từ thời bao cấp, sự vận chuyển bằng xe đò - dù chạy bằng than, “Xe than dễ đẩy, khó đề/ Khi đi trắng hẻo, khi về đen thui” nhưng vẫn là oách nhất. Vậy, hành khách vì muốn thuận lợi, dễ dàng cho mình nên lấy lòng, “nịnh” tài xế băng cách nâng lên thành “bác tài”?

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [31] [32] [33] [34] [35] [36] [37] ... ›Trang sau »Trang cuối