Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHẤT THỐNG LÃNH THỔ
và THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ


Trong nhiều cuộc họp, ta thường gặp cách nói: Tôi thống nhất với những gì mà anh A đã trình bày.

Cách diễn đạt tương tự cũng xuất hiện trong văn bản hành chính: Sau khi nghiên cứu, cơ quan B thống nhất với nội dung dự thảo...
1.
Trong thơ văn xưa, từ “nhất thống” được dùng để chỉ hành động đưa đất nước về một mối hoặc tình trạng đất nước không còn bị chia cắt.

Bài Hạ Gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai (Mừng quan Gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai) của Phan Phu Tiên thời Lê Sơ viết về Nguyễn Trãi (1380 - 1442) có câu: “Tứ hải phương kim quy nhất thống / Thuỳ tri lô dã ngoại đào quân”. Vân Trình dịch là: “Bốn bể nay đà về một mối / Ai hay lò tạo có tiên sinh”.

Vào nửa đầu thế kỷ 19, từ “nhất thống” vẫn được sử dụng, chẳng hạn trong tựa tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí và Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838).

Đến giữa thế kỷ 19, Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871) còn dùng từ “nhất thống” trong bài Quá Hoành sơn quan hữu cảm (Cảm xúc khi qua đèo Ngang): “Thử địa tích tằng nam bắc hạn / Hân kim nhất thống bắc nam bình”. Ngô Văn Phú dịch là: “Đây chốn bắc nam chia giới hạn / Nay mừng một cõi bắc nam thành”.
2.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1904 - 1988) xuất bản năm 1932 có cả hai mục từ “nhất thống” và “thống nhất”. “Nhất thống” được giảng nghĩa là “cả nước do một chính phủ thống trị” và “thống nhất” là “hợp cả các mối lại làm một”. Từ điển còn đưa thêm mục từ “nhất thống sơn hà” nhưng lại không có mục từ “thống nhất sơn hà”.

Như vậy, từ “thống nhất” ra đời không trễ hơn năm 1932 nhưng sau từ “nhất thống”. Vào thời điểm Đào Duy Anh biên soạn từ điển, từ “thống nhất” chưa được dùng nhiều như từ “nhất thống”.
3.
Năm 1954, nước ta tạm chia thành hai miền. Ở miền Nam, từ “nhất thống” vẫn còn được sử dụng, ít nhất trong ngôn ngữ viết.

Trang 16 quyển Nước non Bình Định của Quách Tấn do Nam Cường xuất bản năm 1967 có câu: “Sau khi nhất thống lãnh thổ, Nguyễn Ánh lên ngôi cửu ngũ, lấy hiệu Gia Long (1802)”. Ở miền Bắc, từ “thống nhất” dần dần thay thế từ “nhất thống”.

Nghị quyết ngày 18-1-1957 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là nghị quyết “về vấn đề đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Trong văn bản này, từ “thống nhất” xuất hiện 15 lần và không có từ “nhất thống”.
4.
Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1988 có cả hai mục từ “thống nhất” và “nhất thống”.

Từ “nhất thống” được ghi nhận là từ cũ, có nghĩa là “thống nhất về một mối” và cho ví dụ “nhất thống sơn hà”.

Đối với từ “thống nhất”, từ điển nêu ba nghĩa: “hợp lại thành một khối, có chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung” (nghĩa 1); “làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau” (nghĩa 2); “có sự phù hợp, nhất trí với nhau, không mâu thuẫn nhau” (nghĩa 3).

Từ điển tiếng Việt ghi nhận từ “thống nhất” có nghĩa 1 hoặc 2 khi dùng như động từ, động ngữ hoặc tổ hợp tương đương và nêu bốn ví dụ “thống nhất đất nước”, “thống nhất các lực lượng đấu tranh cho hoà bình”, “cần thống nhất ý kiến trước đã”, “thống nhất đồng hồ trước trận đấu”. Từ “thống nhất” có nghĩa 3 khi dùng như tính từ, ví dụ “ý kiến không thống nhất”.

Như vậy, trong cả ba nghĩa của từ “thống nhất” mà Từ điển tiếng Việt nêu, đối tượng đang xét trước đó ở trong tình trạng bị chia cắt, phân tán hoặc có mâu thuẫn. Hành động thống nhất hoặc tình trạng thống nhất nhằm xoá đi sự chia cắt, phân tán hay mâu thuẫn đó.
5.
Trở lại với câu hỏi về cách dùng từ “thống nhất” ở trên, dựa vào ngữ cảnh, ta đoán được người nói, người viết muốn bày tỏ sự đồng ý với những gì đã nghe, đã đọc.
Tuy nhiên, những điều đã nghe, đã đọc này không ở trong tình trạng bị chia cắt, phân tán, khác biệt hay mâu thuẫn và người nói, người viết không có hành động gì để cải thiện tình trạng đó. Vì vậy, dùng từ “thống nhất” như thế là chưa phù hợp với Từ điển tiếng Việt.

Ta có nên chấm dứt cách dùng từ “thống nhất” chưa phù hợp ở trên hay không?
Câu trả lời phụ thuộc vào cách nhìn của từng người. Nếu câu trả lời là không, có lẽ Từ điển tiếng Việt phải bổ sung nghĩa mới của từ “thống nhất” trong những lần tái bản sau này.
…………………………

“Sức ì” của người dùng
Pháp là một nước giàu truyền thống giữ gìn sự thanh tao của ngôn ngữ.
Nhưng ngay cả ở Pháp, thực hiện điều này không phải bao giờ cũng dễ dàng, mà một trong nhiều lý do là “sức ì” của người dùng và sự tiến triển của ngôn ngữ.
Chẳng hạn, từ điển Larousse de poche (1993) khuyên nên dùng “partir pour Lyon” (khởi hành đi Lyon), nhưng phần lớn người Pháp đều dùng “partir à Lyon”.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ANH HÙNG KINH TẾ


- Khi cậu con trai nhờ giải hộ bài tập trong SGK Tiếng Việt lớp 4, chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Q. Gò Vấp, TP HCM) thực sự thấy khó khăn để có thể giải thích thấu đáo cụm từ “bậc anh hùng kinh tế”.

Cụ thể, đây là câu hỏi số 3 phần tập đọc ở tuần thứ 12 trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 tập 1. Sau bài đọc về “Vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi, sách đưa ra câu hỏi “Em hiểu thế nào là một bậc anh hùng kinh tế?”

Dù đang công tác trong lĩnh vực kinh tế và hiểu được mường tượng nhưng chị Thuỷ băn khoăn khi không biết giải thích như thế nào cho con hiểu được cặn kẽ bản chất của cụm từ này.

“Đọc xong câu này tôi không biết nên giải thích thế nào cho con hiểu được đúng nghĩa. Tôi đã phải hỏi đến thầy giáo của mình về cụm từ này nhưng thầy cũng không dám chắc về định nghĩa. Bản thân mình còn thấy khó, tôi cho rằng cụm từ này vượt quá tầm nhận thức của một học sinh lớp 4”, chị Thuỷ chia sẻ.

Theo chị Thuỷ, thậm chí ở lớp 4, trẻ còn chưa hiểu được khái niệm kinh tế là như thế nào, chứ chưa kể một khái niệm “bậc anh hùng kinh tế”.

Do đó, chị cho rằng câu hỏi này sẽ hợp lý hơn nếu ở chương trinh sách giáo khoa lớp cao hơn.

“Tôi sợ rằng nếu giải thích không chuẩn sẽ làm con hiểu sai về định nghĩa người anh hùng, và nếu vậy thì ngưỡng như nào là đạt được tầm anh hùng kinh tế. Sách hoàn toàn có thể thay bằng một câu hỏi về nghị lực, sự phấn đấu vượt qua khó khăn để phát triển, thành công”, chị Thuỷ nói.

Chị Thuỷ cũng thử hỏi những người xung quanh sau đọc nội dung bài và đưa ra câu trả lời, nhiều người cũng lắc đầu không dám đưa ra một cách giải thích chắc chắn.
Đồng quan điểm, anh Phạm Phúc Thịnh (TP.HCM) cũng chia sẻ: “Lúc nghe cháu hỏi đoạn này, thực tế mình cũng ú ớ không biết trả lời sao cho chính xác. Bởi cũng là lần đầu tiên mình nghe đến cụm từ này”.

Không chỉ các phụ huynh mà các giáo viên cũng cho rằng đây là một câu hỏi khá trừu tượng đối với một học sinh lớp 4.

Anh Hải Anh, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Quả thật đúng là một khái niệm trừu tượng. Với câu hỏi này, hoặc được thầy cô, cha mẹ gợi ý hoặc tham khảo sách hướng dẫn chứ với học sinh thì hơi khó”.

Một giáo viên tiểu học khác ở Bình Dương đánh giá: “Nếu không có giáo viên gợi ý thì đây là một câu hỏi khó với học sinh. Tôi thử hỏi một học sinh đã học qua lớp 4 gần nhà cũng không trả lời được. Ngay con trai tôi học lớp 5 nhưng cũng chỉ đưa ra được câu trả lời là buôn bán giỏi, như vậy vẫn chưa đúng”.

Về điều này, PGS. TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký hội ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng, cụm từ này tuy hơi lạ nhưng vẫn có thể chấp nhận bởi đã xuất hiện trong bài đọc.

“Cụm từ này là một tổ hợp kết hợp tự do, có nghĩa và được dùng trong giao tiếp. Tương tự “anh hùng trong chiến đấu”, “anh hùng lao động”, “anh hùng trong thời bình” thì có anh hùng trong xây dựng kinh tế, có thể nói tắt là anh hùng kinh tế”, ông Tình nói.

Theo ông Tình, có thể hơi khó hiểu vì chưa quen nhưng cụm từ không đến nỗi đánh đố và học sinh phải tập làm quen dần. Ông Tình cho rằng không nhất thiết phải đưa bài tập này lên các lớp cao hơn mà các giáo viên sẽ có trách nhiệm giúp học sinh hiểu rõ hơn về khái niệm này.

Thanh Hùng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“VIỆT VỊ” hay “LIỆT VỊ”?


Có thể nói, World cup 2014 là một kỳ World cup đến một cách lặng lẽ chưa từng thấy. Chưa đến, chưa qua mà đã thấy buồn, thiếu hẳn sự háo hức, mong chờ, chuẩn bị như mọi lần. Có lẽ tất cả cảm xúc của người dân Việt Nam, ngoài đời cũng như trên báo chí đều đang hướng về biển đảo của Tổ quốc.

Giàn khoan 981 của Tàu giống như mũi dao đang cắm sâu trên thân mình đất nước ta khiến ngọn lửa yêu nước và tự hào dân tộc dâng lên ngùn ngụt. Nhưng tình yêu bóng đá với Việt Nam cũng giống như nhu cầu ăn uống hàng ngày. Bốn năm mới có một đại tiệc bóng đá. Ta căm thù giặc ngoại xâm và làm tất cả để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng cũng không quên giành tình cảm cho những gì mình yêu thích. Phút “giao thừa” của cái “Tết bóng đá” với những bữa “đại tiệc” linh đình sắp đến. Tuấn Công Thư Phòng xin góp vài lời trước giờ bóng lăn để không khí bớt vẻ trầm lắng.

Trong môn bóng đá, trọng tài thường bắt lỗi vị trí của cầu thủ, gọi là “lỗi việt vị”, “bắt việt vị”. Hai từ “việt” và “liệt” có âm na ná như nhau, bình luận viên lại nói nhanh trên nền âm thanh sôi động của trận đấu nên nhiều người nghe nhầm, nói nhầm “việt vị” thành “liệt vị”. Họ suy đoán, “liệt” có lẽ là trong từ “tê liệt” (chỉ trọng tài phạt lỗi bắt dừng lại, không thể tiếp tục tấn công được nữa). Có người lại cho rằng, “liệt” ở đây là hàng lối. Ý là cầu thủ phạm lỗi “liệt” vị là băng xuống vị trí phía dưới hàng cầu thủ đối phương...Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không phải “việt vị” hay “liệt vị” mà là “việc vị” (!) Nhiều người dùng đúng, nhưng không ít người không biết “việt vị” và “liệt vị” dùng từ nào cho đúng; tại sao lại đúng, tại sao lại sai.

Với khán giả đam mê bóng đá là như vậy. Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp chuyện phân biệt “việt” hay “liệt” cũng có sự lúng túng. Báo Lao động ngày 20/1/2014 đăng bài “Công Vinh bị fan chọc quê vì dùng từ “liệt vị”. Bài báo viết:“Công Vinh viết trên facebook của mình: “Rõ ràng là không có lỗi liệt vị.Về xem lại băng ghi hình cũng không phải liệt vị, làm mình ức chế tâm lý sau quả này ghê. Nhưng vẫn phải chấp nhận thôi biết sao được, quan trọng là đội mình hôm nay thắng trận đầu tiên ở tại sân Vinh. Hy vọng năm nay đầu xuôi đuôi lọt. Cheer”.

Kèm theo dòng trạng thái này, Công Vinh dán thêm đường dẫn video quay chậm bàn thắng. Ngay lập tức chủ đề này thu hút cả trăm bình luận và hơn nghìn lượt “like”. Nhiều fan nhanh chóng bắt lỗi chính tả của Công Vinh: “Việt vị chứ không phải liệt vị. Có phải Công Vinh không vậy?”. Một số fan ruột khác ra sức bảo vệ Vinh: “Ở miền Trung, liệt vị hay việt vị đều đúng nhé các thánh”. Còn số khác thì viện dẫn cả luật bóng đá để chứng minh “việt vị” mới là từ chuẩn. Thậm chí, có fan còn phân tích nghĩa Hán Việt của từng từ cấu thành nên chữ “việt vị” để giải thích cho rõ ràng”.
Tưởng thế là xong. Nhưng phía dưới bài viết này lại có thêm những phản hồi của bạn đọc:

Đăng Minh - 10:12 PM - 20/01/2014
“Liệt vị” là đúng đấy các bạn ạ. Tiếng nga là “положение вне игры”, tiếng anh là offside đều có nghĩa “vị trí ngoài cuộc chơi”, tức vị trí liệt. Gọi việt vị là do không biết, dùng quen mồm..Lỗi ở tận VFF, bộ môn bóng đá của Đại học TDTT...Đã có 1 thời các bình luận viên bóng đá nói “liệt vị” chứ không nói “việt vị” như bây giờ đâu.

Thanh Nhàn - 09:17 PM - 20/01/2014
“Liệt vị” mới đúng. Tiếng Anh dùng từ “off site” nghĩa là " chỗ chết, “liệt” là chết, “vị” là vị trí. Cầu thủ đứng ở vị trí chết (dưới hàng phòng ngự), chờ sẵn bóng đến. Còn “việt vị” chẳng có ý nghĩa gì cả trong từ Hán-Việt. Chẳng qua dùng mãi thành quen giống như từ “khuyễn mại” mà mọi người dùng thành “khuyễn mãi”. Khuyến là khuyến khích, mại là mua, khuyến khích mua, “thương mại “là là mua bán.

Thế là “việt vị” với ‘liệt vị” cứ lung tung cả. Ai phân tích nghe cũng có lý, chẳng biết đường nào mà lần !

Vậy “việt vị” hay “liệt vị” ? Có thể khẳng định rằng “việt vị” chứ không phải “liệt vị”. Nhưng tại sao lại gọi lỗi đó là “việt vị” ? Theo nghĩa Hán-Việt “việt” là vượt qua, vượt lên, “vị” là nơi, chỗ, vị trí. “Việt vị” nghĩa là một người nào đó (ở đây cụ thể là cầu thủ bóng đá) đã vượt quá vị trí mà luật bóng đá quy định trong tình huống tấn công. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bản tiếng Việt cũng như Hán ngữ đều dùng từ “việt vị” chứ không dùng “liệt vị”.

Từ “việt” với nghĩa vượt qua, vượt lên còn xuất hiện trong các trường hợp khác như: “việt cấp” (vượt quá bực) “việt lễ” (vượt qua lễ phép), “việt quyền” (vượt qua quyền hạn của mình),v.v...Trong khi từ Hán Việt, “liệt vị” chỉ có nghĩa là: các ngài !

Nói đến lỗi việt vị trong bóng đá, chúng ta lại liên tưởng việc làm của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc chấp nhận tham gia Công ước quốc tế về Luật biển, nghĩa là chấp nhận luật chung của thế giới. Vậy mà khi vào cuộc chơi, Trung Quốc lại đòi đẩy vạch ngang ở đường trung tâm giao bóng xuống tận vòng 16m50 của đội bạn, đòi phần sân của mình phải sát đến cầu môn của đối phương rồi cứ ngang nhiên dẫn bóng xộc thẳng sang tấn công, bất chấp luật thế nào. Khi bị trọng tài thổi “việt vị” đội Trung Quốc vẫn cứ ngang nhiên “ghi bàn” và đòi công nhận “bàn thắng”. Khi bị cầu thủ đội bạn phản ứng thì Trung Quốc lại nằm lăn ra ăn vạ, khiếu nại trọng tài là bản thân mình bị “phạm lỗi”, mình bị “cản trở” tình huống tấn công. Rốt cuộc là cả “đội bóng” Trung Quốc, huấn luyện viên, lẫn cổ động viên nhà xông vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với trọng tài và đội bạn, đòi “kết thúc trận đấu” với phần thắng về phía mình (!)  Thật đáng xấu hổ !

Xem World cup 2014 chúng ta tin tưởng rằng, “đội bóng” Việt Nam của chúng ta, khán giả của chúng ta, trọng tài quốc tế và cả thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận cái kiểu ngang ngược, tự vẽ lại sân bóng, thay đổi luật chơi có lợi cho mình như kiểu của Trung Quốc. Trước sau, Trung Quốc cũng sẽ chuốc lấy thất bại nhục nhã, ê chề trước bàn dân thiên hạ.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRỐNG CƠM
KHÔNG PHẢI TRỐNG CƠM


Trên mạng xã hội, tôi từng có lần hỏi 500 anh em Facebooker rằng “con xít là con gì?”. Các bạn đã trả lời rất nghiêm túc, để biết trên đời có con xít/sít thật. Rất cám ơn các bạn, nhưng dường như nhiều bạn không chú ý tôi hỏi “con xít” là cái con xít trong bài dân ca quan họ Trống cơm cơ (trừ có 2-3 bạn bảo bài hát phải là “con nít”).

Về bài hát Trống cơm, xin thưa thế này: Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Hồng, gần xứ Kinh Bắc. Thuở nhỏ, toàn thấy người lớn hát và dạy hát là “con nít” chứ không phải là “con xít”. Các bậc cao niên thì bảo: Hát trống cơm nhưng không phải là nói cái trống cơm.

Toàn bộ bài thơ dân ca như sau:

Trống cơm ai vỗ nên bông
Một bầy con nít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ
Duyên nợ khách tang bồng.

Chỉ có đúng một câu đầu nói về cái trống cơm. Còn lại toàn nói chuyện tính chuyện tình. Chuyện tình duyên này là “duyên nợ khách tang bồng”. Muốn phân tích để hiểu bài thơ dân gian này, phải đi từ cuối lên đầu, đi từ kết quả lần về nguyên nhân. Điển cố văn học cả dân gian và bác học khi nói đến “con nhện giăng tơ”, thì rõ không phải tơ nhện, mà là tơ duyên.

Vậy chuyện tơ duyên ở đây cụ thể là cái gì? Hồi còn nhỏ, tôi thấy các vị cao niên bảo rằng: Bài hát trống cơm là diễu vui người đàn bà chửa (miền Nam gọi là mang bầu). Cái trống cơm khi sử dụng thì đeo trước bụng, còn cái trống cơm do “tình bằng” mà có thì là cái trống người đàn bà đeo nó suốt 9 tháng 10 ngày. Khi nghe hát “một bầy (tang tình) con nít, (nó mới lội, lội…) lội sông (nó mới) đi tìm” thì hầu hết người ta hiểu rằng đám con nít này lội sông tìm về nơi có tiếng trống. Và chính sự hiểu này dẫn đến người ta thay từ “con nít” bằng “con xít/sít”, một loài chim lội nước. Không đơn giản thế. Đám con nít này xuất phát từ hư vô, chúng lội qua con sông đời để đi tìm về cái trống của người đàn bà. Thế đấy.

Đến lượt con nhện, thì chúng giăng tơ tìm về đôi mắt người đàn bà, khiến nó lim dim. Cái tơ con nhện giăng ở đây cũng là cái tơ duyên ảo diệu. Ai sung sướng cũng lim dim, thông thường là thế. Bài hát còn chỉ rõ hơn là bài thơ nguyên bản: “em nhớ thương ai, con mắt (nó mới) lim dim”. Toàn bộ bài thơ cũng như bài hát không hề có câu nào thừa. Câu nào cũng có công dụng của nó. Kể cả những từ đệm vào theo truyền thống quan họ: Tình bằng, khen ai, ấy mới, tang tình, thương ai… khiến cho âm nhạc biểu cảm sự châm chích vui vẻ mà rộn ràng. Nếu ai đó bảo bài hát nói về trống cơm thì vô lý. Loại nhạc cụ này dùng cơm căng mặt trống, dùng trong lễ tiết, kể cả việc tang ma. Nhưng bài trống cơm quan họ lại tinh nghịch, vui vẻ, dí dỏm. Đi xa hơn giai thoại nói bài Trống cơm là chế người đàn bà chửa, có ông còn bảo đó là người đàn bà chửa hoang ngày xưa. Cho nên mới có câu “duyên nợ khách tang bồng”. Cái trống mà người đàn bà mang đây là cái duyên nợ của một người đã đi đâu rồi, là “khách tang bồng”, tức là khách đi xa rồi không biết ở đâu.

Nguồn gốc dân ca quan họ còn tranh cãi nhiều, nhưng rõ ràng ca từ của các bài ca đầy tính bác học. Tu từ rất chỉnh. Mẫu mực về thể loại giao duyên. Dân ca đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc phần lớn là vui tươi, giao duyên (không như miền Trung, miền Nam còn có âm hưởng oán thán, buồn bã). Nhiều bài quan họ nói chuyện tình duyên đầy ý nhị, kín đáo, như cái duyên thầm phụ nữ mà người xưa từng tôn thờ. Xe chỉ luồn kim, không chỉ là chuyện kim chỉ. Ngồi tựa mạn thuyền không chỉ là mạn thuyền, bèo dạt mây trôi đâu chỉ là chuyện bèo mây…

Chuyện trống cơm không phải phát kiến của tôi. Chỉ là nhớ lại một giai thoại về một bài hát. Dường như đang có một sự đứt gãy về tinh thần nào đó (điều này không dám lạm bàn)…

Nguyễn Xuân Hưng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CON NÍT, NHÍT, XÍT hay SÍT?


Có những bài dân ca, đã từng hát đi hát lại nhiều lần, tưởng rằng không gì bàn cãi nữa. Thế nhưng, khi đi sâu vào từng từ, có thể sẽ gây tranh cãi kịch liệt.

Chẳng hạn, bài hát Trống cơm có câu: “Một đàn tang tình con nhít (/nít/ xít/ sít)/ Ố mấy lội, lội, lội sông”. Xin hỏi nếu đúng phải là con nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư, tác giả quyển Khơi lại dòng xưa chọn con nhít với lập luận: “Chữ Nhít được Génibrel viết bằng chữ Niết + chữ Tiểu (nghĩa là nhỏ). Nít và Nhít có nghĩa giống nhau, có âm (Niết) giống nhau. Nhít (miền Bắc) hay Nít (miền Nam) là một, tương đương với chữ Nhi (chữ Hán, nghĩa là trẻ con)”.

Sự lựa chọn này không phải đã “chốt hạ” cuộc tranh luận, thiên hạ vẫn đang còn bàn cãi râm ran.

Từ điển Việt - Bồ - La của A. De Rhodes (1651), ở mục từ “nhít” được giải thích theo nghĩa là “nhất” - “Thứ nhít: thứ nhất”. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận: “Nhít là tiếng trợ từ: Nhỏ nhít”. Còn nếu “Con còn nhỏ tuổi. Tiếng gọi chung các đứa còn nhỏ dại” phải là “con nít”.

Ta chọn xít chăng? Cũng theo từ điển trên, “xít” (xem xüít) và được giải thích như nghĩa hiện nay ta hiểu là “suýt”: “Vật gì vừa đi qua mà không chạm tới”. Xét theo ngữ cảnh của bài hát, không thể là nhít (nhất)/ xít (suýt).

Ta chọn qua từ “sít” chăng? Trong truyện ngắn Ngày cuối năm, nhà văn Tô Hoài viết: “Lão nhìn cái bờ rào cúc tần. Để những thức ăn sống sít này chỗ cao ráo cho khỏi con kiến bò vào…”.

Từ sít/ sống sít, từ thuở A. De Rhodes đã được giải thích như nay ta đã hiểu: “Vật gì bị giảm bớt như khi nấu cơm gạo mới”, tức sống sít, chưa chín.

Tuy nhiên, sít còn nhiều hàm nghĩa khác. Chẳng hạn, là sát liền nhau. Anh chàng nọ sau khi “thả thính” mùi mẫn đến độ con kiến trong hang phải chui ra, những tưởng người đẹp xuôi lòng bèn liền sấn tới ngồi sát sàn sạt.

Cô gái nhích ra, bảo: “Ngồi sít thế, thiên hạ cười cho”. Sít sịt là rất sít, gần như liền nhau, rất sát, chặt chẽ, khó chen vào được. Từ “sít” ấy có thể thay thế bằng “khít”.
Nếu cô gái này bảo: “Anh ngồi xít/sít lại đây”, từ ấy cũng có thể thế bằng “xích”. Mà “xích” còn hiểu là xịch, xê, nới ra, nhích ra tuỳ ngữ cảnh.

Một người khoe: “Luỹ tre làng mình ken dày sít sìn sịt” là nhằm chỉ mức độ cao hơn của sít sịt.

Một khi cảm cúm, lúc đang ngồi với người đẹp mà nước mũi chực chảy lòng thòng, ta lấy khăn mù xoa ra lau chăng? Hành động này e “thất lễ” với giai nhân, ta bèn sịt ngay một cái. Sịt là hít mạnh để nước mũi thụt vào, khỏi chảy ra ngoài lỗ mũi. Nhưng sịt mũi còn hiểu là bị nghẹt mũi, phải thở, hít mạnh.

Nhân đây xin nói luôn, theo nghĩa vừa nêu trên, nếu tra từ điển ta thấy vẫn chưa thống nhất trong cách ghi nhận X/S trong sít/xít.

Trở lại với bài Trống cơm. Qua các dẫn chứng vừa nêu trên theo phương pháp loại trừ, xét trong ngữ cảnh cụ thể: “Một đàn tang tình con nhít (nít/ xít/ sít)/ Ố mấy lội, lội, lội sông”, chỉ có thể con sít.

Việt Nam từ điển do Hội Khai Tiến Đức khởi thảo năm 1931 ghi nhận: “Sít (chim): Giống chim ở ruộng nước, lông xanh, mỏ đỏ, hay ăn lúa”.

Trong lúc, “Một bầy tang tình con nhện/ Ô mấy giăng tơ/ Giăng tơ ố mấy đi tìm/ em nhớ thương ai” thì tại sao con sít lại lội sông, chứ không là con nhít/nít?

Để trả lời câu hỏi này, ta hãy đọc lại một đoạn ngắn trong Từ điển bách khoa Việt Nam: “Trống cơm được dùng nhiều trong dàn nhạc bát âm, trong nhạc hiếu”, tức diễn ra trong lúc kẻ ở người đi mà ở bài dân ca này cụ thể là “Duyên nợ khách tang bồng”.

Do tính chất đó, hình ảnh con nhện xuất hiện và giăng tơ là hợp lý quá. Không gì bàn cãi nữa.

Con nhện trong Trống cơm cho biết là vẫn tìm mối cũ: “Giăng tơ ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai”. Trong khi đó, con sít không gì khác con nhện, cũng “Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai” nhưng bằng cách “Ố mấy lội, lội, lội sông”.

Như đã nói về tính cách của cái trống cơm đóng vai trò như trên thì con nhít/nít không “có cửa” trong trường hợp này. Hơn nữa, mấy chú nhóc hỉ mũi chưa sạch làm gì trải qua tâm cảnh “Duyên nợ khách tang bồng”, vậy hà cớ gì lội sông đi tìm?

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“ĐẠI” TRONG “ĐẠI SỐ”


Nhiều danh từ toán học Hán Việt được dùng rộng rãi nhưng nghĩa của chúng có thể bị quên hoặc hiểu nhầm.

Mặc dù nhà Hồ (1400-1407) có tổ chức thi toán và thời Quang Trung (1788-1792) có dùng chữ Nôm, giáo dục Việt Nam trước năm 1919 thiên về Nho học và sử dụng chủ yếu chữ Hán.

Sau năm 1919, chính quyền Pháp áp đặt chương trình giáo dục của họ trên toàn Việt Nam với ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp.

Năm 1942, giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) xuất bản quyển Danh từ khoa học: toán, lý, hoá, cơ, thiên văn gồm khoảng 6.000 từ.

Ông lấy ý từ tiếng Pháp, loại đi nghĩa mơ hồ trong ngôn ngữ nguồn, rồi biên dịch, chuyển ngữ, phiên âm hoặc sáng tạo từ tiếng Việt tương đương bằng cách dùng các tiền tố, hậu tố Hán Việt.

Đến nay, nhiều danh từ toán học Hán Việt được dùng rộng rãi nhưng nghĩa của chúng có thể bị quên hoặc hiểu nhầm.
1.
Từ Toán: 算 (14 nét, bộ trúc)
trong toán học có nghĩa là tính toán. Cung Tự Trân (1782-1841) đời Thanh có câu:

Chỉ trù nhất lãm thập phu đa
Tế toán thiên tao độ thử hà
(Mỗi dây thuyền kéo tạm mười người
Nghìn chiếc sang sông thử tính coi).

Toán trong toán học cũng cùng nghĩa với toán trong dự toán, kế toán, quyết toán... Một số nhà nghiên cứu còn phân biệt tính và toán: từ đầu tiên chỉ các phép tính, từ thứ hai chỉ thuật toán.
2.
Có người cho rằng đại trong đại số có nghĩa là lớn. Thật ra, Đại: 代 (5 nét, bộ nhân) trong đại số không phải là lớn mà là thay thế cho.

Đây cũng là từ có mặt trong đại biểu, đại diện, đại lý... Nghĩa này thể hiện một đặc trưng của đại số là dùng chữ thay số: a, b, c... dùng biểu diễn các số đã biết và x, y, z... dùng biểu diễn các số chưa biết.

Từ đại số trong tiếng Pháp là algèbre, bắt nguồn từ tiếng Latin algebra và xa hơn nữa từ tiếng Ả Rập al-jabr, có nghĩa gốc là giảm gãy vỡ, ghép các mảnh, tái thiết, kết nối, phục chế.

Như vậy, từ đại số trong tiếng Việt thể hiện nội hàm khái niệm rõ hơn từ algèbre trong tiếng Pháp.
3.
Hàm: 涵 (có tổng 11 nét, 8 nét + bộ Thuỷ)
trong hàm số có nghĩa là bao gồm, chứa đựng, giống như hàm trong công hàm.

Nghĩa này muốn nói rằng khi biến độc lập nhận một giá trị, biến phụ thuộc sẽ nhận một giá trị tương ứng: hàm số “chứa đựng” các giá trị của biến phụ thuộc khi biến độc lập 
thay đổi.
4.
Với động từ Đồng Quy: 同 歸
đồng là cùng, quy là gom vào một chỗ. Trong toán học, đồng quy có nghĩa là cùng gặp nhau tại một điểm.

Vì vậy, “đồng quy tại một điểm” là cách diễn đạt thừa. Tuy nhiên, công cụ tìm kiếm Google thống kê được khoảng 37.500 
kết quả có cụm từ “đồng quy tại một điểm”.
5.
Huyền: 弦(8 nét, bộ cung)
có nghĩa là dây cung, dây đàn.

Đây cũng là từ huyền trong thượng huyền (chỉ ngày 8 hoặc 9 âm lịch, khi mặt trăng có hình vòng cung) và hạ huyền (chỉ ngày 22, 23 âm lịch). Trong từ cạnh huyền, huyền có nghĩa là cạnh đối diện góc vuông trong tam giác vuông.

Nghĩa này liên quan ít nhiều với hypoténuse (cạnh huyền trong tiếng Pháp), vốn bắt nguồn từ hypotenusa của tiếng Latin và xa hơn nữa, từ hupoteinousacủa tiếng Hi Lạp cổ, có nghĩa là cạnh được căng ra bởi góc vuông.

Trong khi ấy, từ tương đương với cạnh huyền trong sách giáo khoa toán Trung Quốc là tà biên (xiébiān), có nghĩa là cạnh xiên.
6.
Tuyến: 綫(8 nét, bộ mịch)
trong trung tuyến có nghĩa là đường, tia. Vì vậy, “đường trung tuyến” là một cách diễn đạt thừa, giống như “ngày sinh nhật”. Tuy nhiên, cách diễn đạt này vẫn được dùng trong sách giáo khoa Toán 7, tập 2, trang 65-67.

Danh từ toán học Hán Việt là thành quả của nhiều thế hệ nhà khoa học, trong đó có giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Khuôn khổ bài viết không cho phép dẫn chứng nhiều hơn nhưng những ví dụ ít ỏi trên đây cho thấy tiền nhân của chúng ta không sao chép nguyên xi mà đã sử dụng sáng tạo tiếng nước ngoài để làm giàu cho tiếng Việt.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRÂU GIẬT, LỢN MẸT, GÀ MÂM


Bạn tôi đi du lịch miền Bắc trở về chụp hình cái bảng hiệu có ghi câu:
“Nhà hàng chuyên trị:
“Trâu giật, lợn mẹt, gà mâm
Gà cựa, gà chọi, Xín Mần, cá Lô”
rồi đố: “Vậy chứ trâu giật là gì?”.

Tưởng dễ, nào ngờ, sau khi điện thoại hỏi bè bạn thì mỗi người lại trả lời mỗi phách.
Tạm liệt kê:
1. Thịt con trâu đã giật giải trong cuộc chọi trâu, vì nó giật giải nên ăn ắt hên
2. Miếng tươi rói đến độ bỏ vào miệng cắn cái sực mà miếng thịt vẫn đang còn giật giật
3. Nhà hàng trói bốn chân trâu, giật ra bốn góc, ai thích miếng nào thì cứ việc xẻo miếng ấy đem chế biến
4. Thịt trâu được hoá kiếp bằng cách cho điện giật.

Xem ra cách giải thích thứ 2 hợp lý hơn cả.

“Giật/ giựt” còn là từ đồng âm với hàm nghĩa kéo mạnh, chẳng hạn, giật dây cho té nhào. Tuỳ ngữ cảnh “giật dây” còn được hiểu là xúi giục, đứng phía sau điều khiển ngấm ngầm. Khi ai đó mếu máo: “Bị giật điện thoại rồi”, tức cái điện thoại đã bị kẻ khác đoạt/cướp mất tiêu.

Còn giật trong câu nói này là gì? Một người bảo: “Chưa tới kỳ lãnh lương, cậu cho tớ giật đỡ vài triệu”, ta hiểu “giật” ở đây là vay, mượn tạm, mượn đỡ lúc túng thiếu.
Thành ngữ có câu: “Giật gấu vá vai” “Giật đầu cá vá đầu tôm” là chỉ hành động xoay xở, lấy chỗ nọ bù chỗ kia lúc túng quẫn chỉ có tính chất “chữa cháy”, tạm thời.

Dám quả quyết rằng, “trâu giật/ trẻ trâu/ sửu nhi” là những từ mới xuất hiện gần đây thôi. Nhiều tay đầu bếp thiện nghệ cho biết: “Trâu teo, heo nở” lúc đem luộc thì miếng thịt trâu tóp lại, trong khi đó thịt heo thì ngược lại. Vì lẽ đó, ông bà ta dặn dò: “Làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ rang cơm nguội”. Bởi tính chất co giãn của thịt trâu, cơm rang nên dễ gây hiểu nhầm, chi bằng, lúc ấy… né đi vẫn tốt hơn (!?).

“Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm”, thịt rắn ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến con rắn. Rắn là rắn chắc, săn cứng do đó, ăn thịt gà cựa dài chẳng ngon lành gì. Tương tự, nếu chọn “Chó già, gà non” là ngon ắt cũng không phải người sành điệu ẩm thực. Cứ nhìn bảng hiệu các quán thì rõ, đâu đâu cũng chỉ ghi “Cầy tơ”.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công câu trên là “dị bản rút gọn của câu “Chó thiến già, gà thiến non” hoặc “Chó hoạn già, gà hoạn non”, nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn ngon. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi có tính quy ước. (Giống như “Khôn chi khôn trẻ, khoẻ chi khoẻ già” được rút gọn thành “Khôn trẻ, khoẻ già”, nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm)”.

Truyện rằng, vua Hùng Vương khi kén rể cho con gái Mỵ Nương, Ngài ra điều kiện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, phải dâng sính lễ: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Nghe qua đã thấy choáng, trên đời làm gì có? Biết tìm ở đâu ra?

Xin lạm bàn, “chín” ở đây không phải là số lượng mà chỉ về tính chất của sự vật: chín chắn, thuần thục, đứng đắn, chắc chắn, kỹ lưỡng… “Chư công rằng: “Hãy kín hơi/ Nghĩ cho chín, mới là người tri cơ” (Nhị độ mai).

Vua Hùng Vương ngụ ý rằng, voi, gà, ngựa sính lễ phải là những con vật đã trưởng thành, khoẻ mạnh, sung mãn. Và cũng không loại trừ, ngài còn sử dụng từ “chín” theo quan điểm là con số 9 chỉ sự khái quát nói chung về một sự vật thuộc hàng cực đỉnh, chẳng hạn “chín bệ” chỉ ngôi vua; “chín tầng mây” chỉ khoảng rất cao từ trên không trung v.v…

Hoặc: Số giàu tay trắng cũng giàu/ Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo; Một sự nhịn, chín sự lành; Một miệng thì kín chín miệng thì hở…

Vậy nói tắt một lời, câu trên cần hiểu theo nghĩa bóng của nó, chứ không thể chăm bẳm vào con số 9 cụ thể. Suy luận này có thuyết phục không? Rất mong các bậc hiền nhân quân tử chỉ dạy thêm.

Gà cựa còn gọi gà chọi. Chọi là ngang sức ngang tài cùng đấu nhau một/nhiều trận nhằm tranh giành thắng, thua. Em ơi anh bảo câu này/ Trứng chọi với đá có ngày trứng tan; Chó săn gà chọi; Có chọi mới gọi là trâu; Đông như đám chọi gà… Nhưng chọi cũng đồng âm với chợi theo nghĩa là ném/liệng/vứt.

Ai cũng biết, lợn mẹt là ngon, nhưng nhiều người cầu kỳ đòi hỏi phải là lợn mọi (heo mọi)/ lợn Mán/ lợn lửng/ lợn Mường/ lợn cỏ/ lợn lai rừng thì mới đúng điệu. Có một điều thú vị, cách gọi trên đã dần dần được thay thế bằng cụm từ vui tai hơn, chẳng hạn, lợn cắp nách, lợn hoả tiễn…

Với người Việt ngày trước, cũng là con lợn nhưng khi dâng lên cúng thần lại gọi bằng cái tên nhẹ nhàng ra phết: Ông ỉ.
LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LAI RAI BA SỢI


Trong tiếng Việt, cái âm “B” đôi khi cũng lắm chuyện ra phết! Bước sang đầu năm mới, mình kéo nhau ra quán làm vài xị “lai rai ba sợi” chăng? Ơ hay, tại sao không là con số khác mà dứt khoát phải là “ba sợi”?

Thử bắt đầu bằng từ “ba”, tất nhiên ai cũng biết dùng chỉ số lượng, nhưng nó lại biến hoá khôn lường.

Thử liệt kê: ba búa, ba bứa, ba bớp (thứ ngang bướng, không nghe theo người khác), ba lia, ba gai/ba gai ba góc, ba kẹo (hà tiện, keo kiệt), ba lém (lém lỉnh), ba xàm, ba toác, ba nhe, ba xạo, ba lơn (nói bông lơn, pha trò đùa), ba rọi (pha tạp một cách nhố nhăng), ba đía, ba vạ (chung chạ, bừa bãi), ba láp, ba lốp, ba lăng nhăng (hạng tầm thường, lông bông), ba xi đế, ba chớp ba nháng (làm vội vã, không chu đáo), ba lô ba la, ba sớn ba sác (vô ý tứ, không chú ý), ba trợn ba trạo, ba trật ba vuột (không ăn khớp, không thuận lợi), ba sồn ba sựt (chưa gì chắc chắn, còn lở dở)…

Thành ngữ “ba que xỏ lá” nhằm chỉ sự lừa dối, gian lận, bợm bĩnh, đểu cáng. Có cách giải thích, nó ra đời từ một trò chơi bịp bợm thời trước nhằm moi tiền người khác, tuy nhiên, cụm từ đó nếu tách riêng biệt “(bọn) ba que”/“(đứa) xỏ lá” thì vẫn được hiểu theo nghĩa tương tự.

Rõ ràng, hầu hết các từ có dính dáng đến từ “ba” như nêu trên đều chỉ những sắc thái, những tính cách, những sự việc chẳng ra làm sao cả. Thoạt nghe xong, ắt muốn tránh xa cho lành.

Có những từ vay mượn từ tiếng Pháp như ba gai (pagaille), chỉ người ngang ngạnh, bướng bỉnh, không tuân theo nề nếp, vốn từ tiếng Việt lại có thêm “ba gai ba đồ”, “ba gai ba ngạnh”.

Ba nhe (panier: chỉ người khuân vác ở ga xe lửa, bến tàu) nhưng khi thâm nhập tiếng Việt lại chỉ hạng “đá cá lăn dưa”. Ba dớ (paille: vụn mạt sắt, kim loại khi dũa hoặc do sự ma sát mà có) lại phát sinh thêm “ba dấm ba dớ” theo nghĩa như vớ vẩn, không đâu vào đâu.

Ba láp (tầm phào, lếu láo mượn từ palabre). Ba xí ba tú (par-ci, par-tu), chỉ biết lõm bõm, biết lỏi, biết qua loa, hời hợt, không đến nơi đến chốn. Ba đá (soldat: đơn vị lính chính qui người Pháp), nhưng lại dùng theo nghĩa chế giễu như “Ôi! Cái thứ đồ đá, chấp làm gì”.

Khi vay mượn “bavard” là già chuyện, khoác lác để có “ba hoa”, lập tức, người Việt “chế” thêm ba hoa chích choè, ba hoa xích đế, ba hoa xích tốc, ba hoa thiên địa, ba hoa thiên tướng… là nói luôn miệng, nói phóng đại, có ý khoe khoang.

Nói đến độ cái miệng không kịp kéo da non, lời nói không chính xác, phù phiếm, hão huyền nhằm “chém gió” cho sướng miệng.

Có lẽ, “ba hoa xích đế” cũng là cụm từ nhiều người tranh luận nhất. Theo Vũ Bằng, “ba xích đế” bắt nguồn từ “ba xị đế”. “Đế” là một thứ rượu nấu bằng cỏ đế: “Trước đây, vì độc quyền nấu rượu trong tay người Pháp, nên ở miền Nam, muốn có thứ rượu vừa rẻ vừa ngon do nông dân ta lấy gạo nếp làm ra, cũng phải nấu lậu.

Muốn nấu “lậu” phải ra biền (ruộng) mà nấu. Ngoài biền không sẵn củi nên phải nấu bằng cỏ “đế”. Vì thế, gọi là rượu đế, tức rượu lậu đun bằng cỏ đế”.

Nhưng vì sao lại gọi “ba xị đế”? Vì chỉ uống chừng đó là say - mà đã say thì nói năng không kiểm soát thành ra câu chuyện trở thành “tào lao xích đế”. Nghe cũng có lý đấy chứ? Những tại sao từ “xị” lại biến âm ra “xích”?

Xị là dung tích tương đương một phần tư lít, nhưng tại sao gọi là xị? Theo nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, “xị” là nói tắt của “xá xị”, dung tích của chai xá xị đã được dân chúng công nhận. Nếu đúng như thế, “xị” mới xuất hiện chừng trăm năm trở lại đây thôi.

Bằng chứng, trong ca dao tục ngữ, thơ văn cổ chỉ xuất hiện “bầu/nậm/vò”, chẳng hạn: “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò”; “Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”; hoặc: “Anh giúp một thúng xôi vò/ Một con lợn béo một vò rượu tăm”.

Thêm một bằng chứng nữa là từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) không ghi nhận, chỉ có loạn xị, xuôi xị.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĂN KHÍN BÀ CHÍN BẺ RĂNG


Với quyển sách Tụi lớp Nhứt, Trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, nhà văn Lê Văn Nghĩa có thòng thêm câu: “Truyện thiếu nhi… và người lớn”.

Sở dĩ như thế, tôi hiểu là tác giả đã vận dụng khá nhiều lời ăn tiếng nói của người Sài Gòn thập niên 1960. Thú vị ở chỗ, có những từ đã “mất hút con mẹ hàng lươn”, đã tự đào thải theo năm tháng; ngược lại, có từ vẫn còn sống sờ sờ ra đó.

Cậu học trò Lượm thưa với cô giáo: “Dạ, em dạy con chó hát xiệc”. “Hát xiệc” là gì? Nhân vật trong truyện cho biết, đó là dạy: “Chó đi hai cẳng. Chó biết chào. Chó biết trả lời toán cộng”.

Từ này, Từ điển Việt Nam (1970) giải thích: “Lối diễn các trò nhào lộn khéo léo, nguy hiểm trên thang dây hay đu và điều khiển thú vật điều khiển”. Xiệc là cách phát âm từ tiếng Pháp cirque mà ra. Nay chẳng mấy ai dùng “hát xiệc”, thường gọi là xiếc.
Ăn, có nhiều cách ăn. “Nó không cần phải ăn khính của người khác nữa”, Lê Văn Nghĩa giải thích: “Tức ăn ké, ăn phần của người khác chia cho hay xin được”.

Ta hiểu cũng na ná như ăn ché/ ăn chực nhưng hàm nghĩa nhẹ hơn, không mang tính miệt thị, chê cười. Bởi một bên nhân tiện mà nhờ vào, còn một bên là có chủ đích chực/ chầu chực/chờ chực hẳn hòi.

Đại từ điển tiếng Việt (1998) chỉ ghi nhận “ăn khin/ăn khín”- ngay cả Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ cũng tương tự. Không chỉ “ăn khín” mà còn có “nói khín” là nhờ khi người khác nói mà nói theo; “nghe khín” là nghe lóm, nghe nhờ. Có lẽ do tập sách sai morat nên “ăn khín” in thành “ăn khính” chăng?

Thành ngữ miền Nam có câu ngộ nghĩnh: “Ăn khín bà Chín bẻ răng”. Bà Chín là bà nào? Chẳng có bà nào cụ thể chăng? Có phải chỉ là cách nói cho xuôi vần như trường hợp: “Hết xẩy con bà Bảy”/ “Đẹp trai con bà Hai”? Tương tự khi thằng Lượm thề thốt: “Tao nói thiệt, thằng nào nói láo bà bắn” - nhưng xin hỏi “bà” nào bắn?
Trong Phương ngữ Nam bộ, nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích “bà” ở đây: “Còn gọi là bà cố - một trong Cửu vị nương nương tức là một trong chín cô gái của Ngọc hoàng. Bà được thờ trong miếu nhỏ gọi là miếu Ngũ Hành, cất nơi cây cao bóng mát”.

Nếu không dùng từ “khín” theo hàm nghĩa trên, ta có thể lại dùng từ khác. “Em tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày rày mang ơn”. Bú thép là bú khín. Mà bú, còn gọi là nút. Mà nút còn là từ dùng để chỉ vật đóng kín miệng chai; là cúc áo/ khuy áo.
Nút còn là chỗ giao nhau của nhiều ngã đường, chẳng hạn “nút giao thông”; là chỉ bầy, đàn, nhóm - như một người bảo: “Các em đừng chơi dại, có ngày chết cả nút”; là gút, nối/buột hai đầu dây lại…

Dân cờ bạc thường hay nói câu: “Chín nút còn thua ba tây”, có thể nôm na, nút ở đây là quy ước về đơn vị đếm lúc chơi bài, cao nhất là chín nút, vậy trên 9 là 10? Không, là “bù”.

Rắc rối thiệt. Đã thế, nút cũng là nốt, ví dụ: chàng ta đang “ca” cái nốt ruồi của cô nàng.

Trở lại truyện dài của Lê Văn Nghĩa, khi bé Mai méc với cô giáo: “Nhiều khi trò Són cũng a thần phù lắm cô”. “A thần phù” là bất thình lình, bất ngờ, không trước sau như một mà có thể thay đổi ý định/kế hoạch đột ngột, “năm nắng năm mưa” nên khó lường được.

“Thằng Lượm cảm thấy chới với như hụt đỏi, rớt tỏm xuống sông”; “Bây giờ coi như hụt đỏi rồi”. Lê Văn Nghĩa giải thích “hụt đỏi” là “thất bại”. Hụt là thiếu một phần; trật, không trúng; hẫng chân khi bước vào chỗ trống, thấp một cách đột ngột; trượt, nhỡ, hỏng. Vậy “đỏi” là gì?

Theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “Là thứ dây lớn, thường dùng mà bịn ghe, bịn tàu. Hụt đỏi là bỏ đỏi không tới, bịn không tới nơi. Nghĩa mượn: Hụt đi, mất phần đi rồi”. Đại từ điển tiếng Việt giải thích: Bỏ neo không tới đáy nước. Lỡ nhịp, hỏng ăn. “Gió đưa tàu chuối phất phơ/ Chậm chân nên phải hụt đò hẩm hiu” (ca dao) - ấy là lời than của kẻ hụt đỏi.

Lần nọ, thằng Lượm: “Nghĩ vậy, nó cầm cây viết bỏ cẩn thận vào cái túi quần, sau đó đi ngược lại bến xe một bugi - tiếng lóng mà tụi nó gọi xe thổ mộ”.
Ai cũng biết, bugi là phát âm của tiếng Pháp bougie, tức bộ phận đánh lửa trong động cơ nổ nhưng nó lại được dùng nhằm ám chỉ “cái đó” của con đực. Vậy khi nhà văn viết “xe một bugi” tức ta hiểu là xe do một con ngựa kéo. Một người đùa: “Thằng chả đúng là anh hùng râu quặp, vợ mới nạt một câu mà đã teo bugi”. Teo là nhót lại, co rút, tóp nhỏ lại. Tội nghiệp ghê.


LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NỀN NẾP và TRÙNG LẶP


Trong bài, tôi xin nêu hai từ bị dùng sai khá phổ biến, đó là “nền nếp” và “trùng lặp”. Rất nhiều người làm văn làm báo (tôi nói là rất nhiều chứ không phải bộ phận không nhỏ) thường nhầm lẫn 2 trường hợp này.

Không chỉ thường dùng sai những từ Hán Việt mà khá nhiều tờ báo, phóng viên, biên tập viên cũng như không ít bạn đọc còn dùng sai cả những từ thuần Việt, tức là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của chính nước mình, dân mình.

Tôi xin nêu hai ví dụ về trường hợp dùng sai khá phổ biến, đó là từ “nền nếp” và “trùng lặp”. Rất nhiều người làm văn làm báo cũng thường nhầm lẫn 2 từ ấy.

Cả trên báo giấy và báo hình (tivi), ta luôn đọc phải hoặc nghe thấy “nền nếp” thành “nề nếp”. Ví dụ: “Gia đình có nền nếp” thì viết thành, nói thành “gia đình có nề nếp”, hoặc “Giữ gìn nền nếp, kỷ luật quân đội” thì thành “Giữ gìn nề nếp, kỷ luật quân đội” v.v.. Trong tiếng Việt, từ “nền” (để áp dụng vào trường hợp ví dụ trên) có nghĩa: nền tảng, nền móng, cơ sở chắc chắn, quy định chặt chẽ, trật tự, kỷ luật... Còn “nếp” là lối sống, cách sống của con người, là thói quen hoặc hoạt động khó thay đổi. Khi ghép “nền” với “nếp” thành nền nếp, hai từ này bổ sung cho nhau, để chỉ một cách sống tốt có cơ sở vững vàng chắc chắn, được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ta thường nói “nếp nhà” tức là có ý khen ngợi, chỉ lối sống tốt đẹp của gia đình, dòng họ nào đó.

Trong tiếng Việt, từ “nề” có nhiều nghĩa, ví dụ để chỉ thợ xây (thợ nề), sự quản ngại (không nề hà), sưng lên (phù nề)... nhưng tuyệt nhiên không có tí nghĩa nào liên quan đến nền tảng, nền nếp. Có nhẽ người ta nhầm với từ “lề” vốn chỉ thói quen đã trở thành nếp, lệ luật (gần nghĩa với nếp), nhưng chả ai lại đi viết “lề nếp” bao giờ, nhất là viết như thế sẽ bị thiếu mất ý nói về nền tảng.

Vì vậy, về mặt chữ nghĩa, tôi chịu sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của những người viết nghị quyết của đảng, họ có nghề, ít khi sai. Ví dụ: “Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu, có nền nếp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” (trích nghị quyết 33 Hội nghị T.Ư 9, khoá 11).

Từ tiếp theo mà tôi muốn nhắc tới là “trùng lặp”. Khá nhiều tờ báo lớn, có uy tín nhưng vẫn dùng sai chữ “trùng lặp” khi thường xuyên viết là “trùng lắp”.

“Trùng” trong trường hợp này là động từ chỉ tình trạng bị giống nhau, lặp lại cái cũ, cái đã có; tựa như cái này lặp lại cái kia; xảy ra cùng thời gian. Ví dụ: Tên của cô ấy trùng tên em gái tôi. Để nhấn rõ hơn, người ta ghép thêm từ lặp (đã có rồi, lại có nữa) vào, thành trùng lặp. “Trùng” khi là tính từ, ví dụ trong từ láy “trùng trùng”, vẫn hàm nghĩa chỉ sự lặp lại, ví dụ: Dải Trường Sơn trùng trùng điệp điệp.

“Lắp” cũng là động từ, thể hiện việc ghép những sự vật gì đó vào nhau, ví dụ: lắp mảnh lego, lắp cửa kính. Nó không thể đi với “trùng” được bởi vô nghĩa.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [32] [33] [34] [35] [36] [37] [38] ... ›Trang sau »Trang cuối