Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [33] [34] [35] [36] [37] [38] [39] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

“THA THIẾT” hay “THAO THIẾT”?


1.
Về từ “tha thiết”

   Trước hết, mục từ “tha thiết” trong các Từ điển Tiếng Việt, đều chú nghĩa: “tha thiết” như “thiết tha”: 1. Quyến luyến và săn sóc; 2. Hết lòng; Thắm thiết làm cho gắn bó hết lòng, luôn nghĩ quan tâm đến…Ví như câu thơ Hàn Mặc Tử: “Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi”(Lưu luyến), “Cùng tình em tha thiết như văn thơ”; Xuân Diệu: “Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ”( Phải nói); Tố Hữu : “Tiếng ai tha thiết bên cồn”( Việt Bắc); hay câu văn: “Họ yêu nhau tha thiết.”

   Thứ hai, trong Từ điển Hán Việt, “tha thiết” có nghĩa: “nói tắt câu: như thiết như tha, ý sửa trị dồi mài, như hình đã cắt rồi mà lại dũa (“Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh, q. Hạ, nxb KHXH, 1992, tr 356); “THIẾT 1) cắt 2) khắc, sách Đại học nói: như thiết như tha, học phải nghiền ngấu như thợ làm sừng, đã khắc rồi lại mài cho bóng, vì thế nên bạn bè cùng gắng gỏi gọi là thiết tha (“Hán Việt Tự điển” của Thiều Chửu, Nxb Văn hoá thông tin, 2005, tr 46) (không hiểu sao NĐH lại ghi “Từ điển Hoa Việt” của Đào Duy Anh, “Hán Việt từ điển” tác giả Thiểu Chỉu ?!- ĐTB gạch dưới ). Ví dụ, câu thơ “Khóc vì nỗi thiết tha sự thế”, trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều; chú thích có ghi: “…sự thế thiết tha nghĩa là cuộc đời như cắt như cứa vào lòng người”(“Những khúc ngâm chọn lọc”, nxb ĐH và THCN, 1987, tr 125); câu “Cảnh buồn người thiết tha lòng” (“thiết tha lòng”: lòng đau đớn như bị cắt cứa chà sát- Chinh phụ ngâm tr 48 s.đ.d); “u ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng” (“Văn chiêu hồn”, Nguyễn Du); “Tưởng lời di chúc thiết tha” (Tự thán, Lê Ngọc Hân)

    Như vậy, “tha thiết” (hay “thiết tha”) là một từ gốc Hán (磋 切 - “tha”: mài dũa, nghiên cứu kĩ; “thiết”: cắt, khắc vào) đã được “Việt hoá” – “thiết tha”: quyến luyến, săn sóc; hết lòng. Chữ Nôm ghi “tha thiết” cũng có tự dạng như chữ Hán (磋 切). Trong tiếng Việt còn nhiều trường hợp như thế (như “thủ đoạn”, “cường điệu”, “đáo để”, “tử tế”, đinh ninh”, “lịch sự”,v.v…)

Đây là một sự biến đổi nghĩa khi vay mượn từ tiếng Hán.
2.
Về từ “thao thiết”

   Trong các Từ điển Hán Việt có từ “thao thiết” với các hàm nghĩa như NĐH nêu ra. Nhưng khi xem Từ điển Hán Việt phải xét từng yếu tố của từ: “thao” và “thiết”; âm “thao” có 8 đến 11 chữ Hán . Từ “thao thiết” 操切 “làm việc quá gắt gao, quá nóng nẩy “, (HVTĐ của Đào Duy Anh) theo mặt chữ: “thao” thuộc bộ thủ, “thiết” thuộc bộ “đao”; “thao thiết” 饕餮 “một giống ác thú”(TĐHV, Thiều Chửu), các chữ đều thuộc bộ “thực”. Ngoài ra còn chữ “thao” 滔, thuộc bộ “thuỷ”, với các nghĩa: “thao thao”: mênh mông, nước chảy cuồn cuộn; đầy rẫy, tràn ngập, không dứt;… Từ “thao” này “kết hợp với “thiết” (切) để thành một từ “mới” được không?

    Đúng là các Từ điển Tiếng Việt chưa thấy đưa từ này. Nhưng có phải chờ trong Từ điển đưa vào thì mới được dùng không?

    Hãy xem những trường hợp sử dụng từ “thao thiết” trong thơ văn như thế nào:
    Du Tử Lê trong bài “Người nhón gót: thả vầng trăng thứ nhất và Australia”:

Chào tinh khiết! – Giữa chiều/ tôi/ xế bóng
Như tấm lòng thao thiết cũng gieo neo

Một bạn viết trẻ là Ngưng Thu, trong bài “Lá gọi gió quên về”:
Đêm nặng hạt rớt lên ngày khuất nắng
Đêm hình như thao thiết gọi thu về

   Đó là thơ, còn ở văn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong các truyện ngắn, dùng từ nàymột cách “bền bỉ” như sau:

   “Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển…Thời gian cũng thao thiết trôi.           Hơn mười năm nữa đến năm 2000…”
( truyện “Con gái thuỷ thần”, báo Văn nghệ số 6-7/ 6.2.1988; tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát”, nxb Văn hoá, 1989, tr 120);

  “Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển…Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000…”
(“Con gái thuỷ thần”, phần II, báo Văn nghệ, số 6/ 10.2.1990); tập truyện “Con gái thuỷ thần”, nxb Hội nhà văn, 1993, tr 33)

   “Tôi cứ đi, đi mãi…Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển…”
(“Con gái thuỷ thần III”, báo Văn nghệ, số 25/ 20.6.1998)

   Trong thời gian mười năm, nhà văn đã dùng từ “thao thiết” trở đi trở lại; cụm từ “thao thiết chảy”, “thao thiết trôi”, “thời gian cũng thao thiết trôi”, “dòng sông thao thiết”, như thế hẳn có dụng ý. Nó có thể tạo ra các trường liên tưởng ngữ nghĩa nơi người đọc: “dòng sông cuộn chảy không dứt, mải miết trôi…”, hay: “thời gian cũng trôi đi không dứt, lại khắc ghi ngày tháng…”.

Hoặc là sự kết hợp của từ “thao thức” và “tha thiết” (tiếng Việt): “thao thiết” vừa trăn trở, không yên, vừa quyến luyến, cố lưu giữ, khắc ghi…”. Như vậy, liệu có thể thay “thao thiết” bằng “tha thiết” không?

Mỗi từ có một trường ngữ nghĩa riêng, săc thái riêng. Hay đây là từ ‘mới”, chưa đủ thời gian “sống” trong ngôn ngữ, nên nhà làm từ điển Tiếng Việt chưa đưa vào?

Trường hợp này cần ghi nhận đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Các nhà phê bình khi bàn, đánh giá về văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng đã chú ý đến đoạn văn này, hiểu được ý đồ của nhà văn:

“Và dòng sông thao thiết chảy, thời gian thao thiết trôi”.

“Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” tôi thấy “những giọt vàng” thơ ca và triết lý”( Đỗ Đức Hiểu, “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”, nxb Văn hoá Thông tin, 2001, tr 485);

Nguyễn Thanh Sơn, sau đoạn trích “Trước mắt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy…Thời gian cũng đang thao thiết trôi…Chỉ ít năm nữa đến năm 2000”, đã cảm nhận và cắt nghĩa: “Hình ảnh những con sông chảy về với biển cứ trở đi trở lại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp chính là dòng suy tưởng lặng lẽ của nhà văn, là nỗi khao khát cồn cào muốn tận hưởng cuộc sống, muốn đo được đáy sâu của thời gian. Bởi vì thời gian đang trôi đi, thời gian đang giục giã…”(bài “Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp”, tr 117, s.đ.d)

    Nhà văn, nhà thơ là người sáng tạo từ người làm giàu cho vốn từ dân tộc, đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…đến Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân v.v…và đến những năm cuối thế kỉ XX là Nguyễn Huy Thiệp.

   Những ý kiến, gợi ý, bình luận trên là suy nghĩ cá nhân, mong được mọi người quan tâm, trao đổi.

Đỗ Tiến Bàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CỐNG SINH KHÔNG PHẢI TÊN RIÊNG


Cống sinh là người đi thi đã đỗ hương cống. Sinh tức là học trò, sĩ tử. Người đỗ trong kỳ thi hương (kỳ thi này được tổ chức cho một vùng nhất định gồm vài tỉnh, là kỳ thi đầu trong 3 kỳ thi: hương, hội, đình) thì được gọi là hương cống.

Có lần tôi đọc một bài trên báo Thanh Niên, viết về thành nhà Hồ ở Thanh Hoá. Trong bài có từ Hán Việt mà tôi cho rằng người viết dù viết ra vậy nhưng không hiểu rõ nghĩa.
Tôi có ý thức cẩn trọng khi dùng những từ loại này một phần chịu ảnh hưởng của bậc cao nhân mà tôi luôn coi là thầy mặc dù chưa được học thầy một buổi nào. Đó là Giáo sư Phan Ngọc. Tôi sẽ viết rõ hơn về nhân vật này để bạn đọc hiểu chúng ta có một nhà trí thức yêu tiếng Việt, nặng tình với tiếng Việt như thế nào.

Bài báo nói trên kể về một huyền tích xây thành nhà Hồ, đề cập chuyện quan đốc xây thành là Cống Sinh (tác giả (hoặc biên tập viên) viết hoa cả hai chữ Cống Sinh) bị chôn sống do thành xây chậm. Mặc dù bài cũng có nhắc tên đầy đủ của ông là Trần Công Sỹ nhưng cách viết hoa như vậy vẫn làm cho bạn đọc hiểu rằng Cống Sinh là một tên khác của ông.

Thực ra cống sinh là người đi thi đã đỗ hương cống. Sinh tức là học trò, sĩ tử. Người đỗ trong kỳ thi hương (kỳ thi này được tổ chức cho một vùng nhất định gồm vài tỉnh, là kỳ thi đầu trong 3 kỳ thi: hương, hội, đình) thì được gọi là hương cống. Gọi như vậy bởi vì người thi đỗ hạng cao trong kỳ thi hương được dâng lên, cống lên cho triều đình để nhà vua bổ làm quan. Chính vì vậy, họ được gọi là cống sinh, tức người học trò được tiến cống lên vua. Từ thời nhà Lê về trước đều dùng từ này, đến thời nhà Nguyễn thì bị đổi thành cử nhân, có nghĩa là người được đề cử làm quan.

Nhà thơ Tú Xương cuối thế kỷ 19 đã nói khá rõ về thi cử thời ông: “Nào có ra gì cái chữ nho/Ông nghè ông cống cũng nằm co/Ước gì đi học làm thày phán/Tối rượu sâm banh sáng sữa bò”. Ông nghè tức là ông tiến sĩ, cao hơn ông cống (hương cống, cử nhân).

Ngày xưa, học hành để đi thi, đi thi chỉ để đỗ đạt, mong được làm quan. Nếu đỗ hạng cống sinh, cử nhân thì sẽ do triều đình phân bổ, sắp đặt làm quan chức cấp huyện trở lên, còn đỗ tú tài thì phải thi lại, hoặc về quê tham gia vào bộ máy hương lý ở nông thôn cấp xã tổng, như chánh tổng, lý trưởng chẳng hạn.

Nói theo cách bây giờ, từ “hương cống” chỉ là tên gọi của một học vị, và cống sinh là người đạt được học vị ấy. Nó không phải học hàm, không phải chức danh, nó chỉ là danh từ chung, cũng như chúng ta viết tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… vậy, nên không cần viết hoa. Ta chỉ viết hoa những học hàm (giáo sư, phó giáo sư) do nhà nước phong bởi đó vừa là học hàm, vừa là chức danh gắn với một ai đó, ví dụ Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Ngô Bảo Châu; cũng như ngày xưa những tiến sĩ trong lần thi đình đỗ thứ hạng đầu thì được nhà vua phong “học hàm” là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, chẳng hạn Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thám hoa Vũ Phạm Hàm, Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Trở lại bài báo trên, “cống sinh” chỉ viết bình thường chứ không phải là cái tên riêng của nhân vật.


Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

KHÔNG CÓ BỆNH MÃN TÍNH


Ai đó khi viết hoặc nói bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hoá khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết (nói) là bệnh mạn tính.

Trong những bản tin y tế, ta rất hay bắt gặp các nhà báo viết “bệnh mãn tính”. Cứ theo như cách hiểu của người viết thì cái bệnh họ đang nói, đề cập đến là thứ bệnh mà người mắc sẽ bị mãi (mãn), bị suốt đời, theo hết đời. Vậy viết thế là đúng hay sai?

“Mãn” là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa, nghĩa chính là đầy đủ, sung túc, dồi dào. Mãn nguyệt có nghĩa là đủ tháng, đầy tháng, trăng tròn đầy. Ngày xưa, người ta tính tháng theo trăng, khi nói mãn nguyệt khai hoa tức là nói về người đàn bà có thai đã đủ tháng, đã đến ngày sinh. Mãn phúc tức là hạnh phúc đầy đủ (dùng chữ này để chúc ai đó), mãn phục là hết tang (phục), mãn kiếp là trọn kiếp. Xưa có câu đối ngày tết rất hay: Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm ngày tháng, người thêm tuổi/Xuân tràn trời đất, phúc đầy nhà). Chính vì mãn có nghĩa như vậy nên không ít nhà báo, thậm chí người trong ngành y cứ quen nói “bệnh mãn tính” để bảo rằng bệnh hết đời.

Khổ nỗi, làm gì có thứ bệnh nào là bệnh hết đời người. Y học ngày càng hiện đại, có thể chữa trị, ngăn chặn những thứ bệnh mà ngày xưa con người dường như phải bó tay, tưởng rằng đã mắc phải nó thì nó sẽ theo đến chết. Bây giờ những bệnh như lao, phong (cùi, hủi), tả, lỵ, thương hàn, gan… người ta chữa nhoay nhoáy, làm gì còn tứ chứng nan y. Ngay cả ung thư, với đà phát triển y học như thế này, nó cũng sẽ bị loại khỏi danh sách bất trị.
Bởi vậy, khi viết bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hoá khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết là bệnh mạn tính.

“Mạn” cũng là từ Hán Việt, ngoài nghĩa kiêu ngạo, khinh thường, coi thường (chúng ta hay nói khinh mạn), còn có nghĩa: từ từ, chậm, chậm chạp, đến dần dần. Mạn tính có nghĩa tính chậm chạp (để chỉ ai đó). Bệnh mạn tính là thứ bệnh ban đầu rất nhẹ, dường như không đáng kể, nhưng nó cứ đến dần dần, càng ngày càng nặng, không chữa chặn ngay từ đầu thì càng khó chữa. Như vậy bệnh mạn tính không để chỉ một loại bệnh cụ thể nào trong y học mà để nói về dạng bệnh mà thôi. Ví dụ tiểu đường, mỡ trong máu, huyết áp, giãn tĩnh mạch… là dạng bệnh mạn tính bởi càng lớn tuổi, càng ăn nhiều đường, nhiều mỡ, ít tập luyện, không biết kiềm chế sự thòm thèm của mình thì bệnh ngày càng tăng, càng nặng, càng khó chữa.

Chính vì thế, phải viết là bệnh mạn tính chứ không phải bệnh mãn tính. Đừng tặc lưỡi rằng chuyện nhỏ, quen rồi, lâu nay có ai thắc mắc gì đâu. Ngôn ngữ là của cải chung, nếu không làm nó hay hơn, chính xác hơn thì cũng đừng làm hỏng nó, làm sai nó.


Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SOÁI CA, THẢ THÍNH


Câu chuyện ngôn ngữ giới trẻ sau hội thảo khoa học quốc tế Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Hàng loạt từ mới đang được giới trẻ sáng tạo và dùng phổ biến như ngáo đá, lộ hàng, soái ca, ném đá, sửu nhi, chảnh chó... nên được nhìn nhận là sự sáng tạo hay làm méo mó tiếng Việt.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ về cách ứng xử với những từ ngữ này.
Nếu ngôn ngữ mà có thêm từ ngữ mới dù ở dạng nào cũng tốt. Những từ ngữ mới do giới trẻ nghĩ ra có đời sống riêng của nó. Chúng ta không nên kỳ thị với những từ ngữ đó và không nên ác cảm với người dùng nó. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ này đi vào sách vở, văn học hay trên các phương tiện truyền thông phải được chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng
PGS.TS Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam)
* PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH (tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam):
Từ lạ mà phản cảm sẽ “chết yểu”

Từ mới là một mặt biểu hiện sự thay đổi và phát triển của đời sống xã hội. Theo nhu cầu cuộc sống, sẽ luôn có lượng từ mới xuất hiện và một số từ mất đi. Đó là chuyện bình thường. Điều đáng bàn ở đây là có một số lượng từ ngữ không nhỏ do lớp trẻ sáng tạo ra theo cách của họ.

Thực ra có từ đã được dùng ở một số vùng (phương ngữ), nay được đưa ra sử dụng như ngôn ngữ toàn dân: quậy, siêu quậy (phá quấy), chảnh, sang chảnh (làm bộ, làm điệu)...
Một số từ xuất hiện phản ánh hiện thực mới: ngáo đá (một dạng biểu hiện của nghiện ma tuý đá), phượt (du lịch không có kế hoạch cụ thể trước)...

Nhưng có những từ để thể hiện sự “sáng tạo”, cái tôi của lớp trẻ, dùng cho lạ, cho sành điệu: soái ca (nhân vật mơ mộng theo tiểu thuyết ngôn tình ngoại quốc), thả thính (thu hút, lôi kéo người khác bằng hành vi, cử chỉ hay quà cáp)...

Trong chừng mực nào đó, những từ này tạo nên sự mới lạ, làm không khí đối thoại thêm vui nhộn. Nhưng rõ ràng mải mê vào sự “sáng tạo” thái quá sẽ ảnh hưởng tới việc không coi trọng cái cần có của ngôn ngữ nói chung là phải hợp lý, không gây rắc rối và phải hay, trong sáng.

Đã có những từ được cộng đồng chấp nhận, coi là một dạng từ mới (như quậy, ngáo đá, phượt, chém gió...). Nhưng có những từ “lạ để mà lạ”, không hay, thậm chí phản cảm sẽ dần bị loại trừ. Nó sẽ nhanh chóng “chết yểu”.

Giới trẻ hôm nay khác xa giới trẻ ngày xưa. Họ chịu áp lực học hành, làm việc, môi trường sống... cao hơn. Họ cũng có cơ hội tiếp cận với công nghệ và tiện ích hiện đại hơn. Họ trưởng thành nhanh hơn về thể xác và tư chất.

Không phải cái gì lớp trẻ làm có vẻ “khác người” là chúng ta vội vàng phê phán họ ngay. Chúng ta cần biết lắng nghe ngôn ngữ giới trẻ. Có nhiều điều họ đem lại cho ngôn ngữ (từ ngữ mới, cách nói mới) là hữu ích và sẽ được cộng đồng chấp nhận.

Các nhà ngôn ngữ đã khảo sát, thống kê và đưa vào Từ điển tiếng Việt trên 4.000 từ đã xuất hiện trong giao tiếp và thể hiện qua kênh báo chí từ năm 1990 đến nay. Có không ít từ bắt nguồn từ ngôn ngữ giới trẻ đó. Điều này giúp kho từ vựng tiếng Việt thêm giàu có. Công của họ cũng đáng ghi nhận chứ?

* Nhà nghiên cứu NGUYỄN TRUNG THUẦN (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam):
Đừng vội quy chụp

Hiện tượng tạo ra từ mới hoặc nghĩa mới cho các từ đã có là chuyện xảy ra bình thường đối với bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Bất cứ người dùng ngôn ngữ nào cũng có thể sáng tạo ra từ mới hoặc nghĩa mới của từ đã có.

Vậy tại sao vội quy chụp những từ ngữ do giới trẻ nghĩ ra và dùng phổ biến như: quậy, phượt, ngáo đá, diễn sâu, chém gió, ném đá, soái ca, sửu nhi, thả thính... làm méo mó tiếng Việt?

Dựa theo tần suất sử dụng của từ vựng tiếng Việt, có thể chia ra hai lớp từ vựng tích cực và từ vựng tiêu cực.

Từ vựng tích cực là những từ ngữ quen thuộc và sử dụng thường xuyên. Từ vựng tiêu cực là những từ ngữ ít dùng hoặc không được dùng thường xuyên, bao gồm các từ ngữ mang sắc thái mới, chưa được dùng rộng rãi hoặc những từ ngữ đã lỗi thời.

Ngôn ngữ có quy luật phát triển riêng của nó mà không một luật lệ hoặc tác nhân nào có thể điều khiển nổi. Cũng không cần lo lắng về môi trường mà giới trẻ dùng từ ngữ mới, bởi họ sẽ biết dùng trong những văn cảnh thích hợp mà tự họ thấy thế.

Cộng đồng lên tiếng cũng giúp họ sẽ biết cách ứng xử sao cho thích hợp (có thể không dùng nữa chẳng hạn).


VŨ VIẾT TUÂN ghi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NẠN NHÂN CHỨ KHÔNG PHẢI BỆNH NHÂN


Báo chí truyền thông (báo, đài, tivi) phản ánh những vụ việc xảy ra trong cuộc sống, trong xã hội, phải nói chính xác đối tượng, sự kiện, thông qua việc dùng từ chuẩn xác.

Vừa rồi xảy ra vụ chiếc xe của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chở đoàn cán bộ đi công tác không may lao xuống vực tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), tất cả đều bị thương nặng, phải đưa vào bệnh viện cứu chữa, nhiều báo đều thông tin. Tuy nhiên, hầu hết các báo, kể cả những tờ to, khá chuẩn mực về tiếng Việt lâu nay... đều gọi các nạn nhân là bệnh nhân.

“Bệnh” theo Từ điển tiếng Việt, nếu xét ở góc độ y học thì để chỉ trường hợp cơ thể con người bị hư hỏng, suy yếu, trục trặc một hoặc vài bộ phận gì đó, do nhiều nguyên nhân như già yếu, thời tiết, vi rút vi khuẩn xâm nhập… Bệnh nhân tức là người bị bệnh, được đưa vào bệnh viện (cơ sở khám và điều trị bệnh) chạy chữa.

“Nạn” tức là trường hợp, hiện tượng thiên nhiên hoặc xã hội xảy ra gây thiệt hại cho con người, được gọi chung là tai nạn, ví dụ như sét đánh, mưa lũ, cháy nổ, chìm tàu, đánh nhau, tai nạn giao thông, chiến tranh... Nạn nhân là người bị nạn. Ta thường nói “nạn nhân chiến tranh”, “nạn nhân lũ lụt”… Trong trường hợp cụ thể xe của EVN nói trên, những người ngồi trên chiếc xe bị lao xuống vực đều là nạn nhân.

Theo thói thường, theo cách suy nghĩ của người trong nghề y, bất cứ ai vào bệnh viện để chữa trị đều là bệnh nhân (người bệnh). Họ gọi như vậy cho nó tiện, không phân biệt đối tượng này nọ. Tôi nhớ hồi năm 1978 thì phải, có một tên cướp bị công an bắn què, được đưa vào chữa trị tại Bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM. Công an đưa kẻ bị bắn vào, bảo với bác sĩ, nó là thằng ăn cướp, các anh chữa thế nào thì chữa. Giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm, một trí thức nổi tiếng của Sài Gòn, khi đó là Giám đốc bệnh viện bước ra nói với công an rằng đây là việc của chúng tôi, những người thầy thuốc, chứ không phải của các anh. Người ta vào bệnh viện thì là “bệnh nhân”, y đức của người thầy thuốc không phân biệt bệnh nhân là ai. Với các anh nó là kẻ cướp, với chúng tôi nó là bệnh nhân.

Kể lại chuyện trên để thấy ngành y họ quan niệm vậy, theo y đức, nhưng các ngành khác thì không thế. Báo chí truyền thông phản ánh những vụ việc xảy ra trong cuộc sống, trong xã hội, phải nói chính xác đối tượng, sự kiện. Xe chở đoàn cán bộ EVN đang đi công tác, xe bị nạn nên những người ngồi trong xe đều là nạn nhân (người bị nạn). Khi họ được đưa vào bệnh viện để chạy chữa thì trong mắt bác sĩ đó là những bệnh nhân, còn trong mắt nhà báo phải là nạn nhân. Họ không có bệnh tật gì, họ chỉ vào bệnh viện do bị nạn. Không chữa bệnh, mà chỉ chữa vết thương do tai nạn gây nên.

Không chỉ vụ này, hầu hết những vụ người bị nạn khi báo chí phản ánh đều bị gọi sai như vậy.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHỮNG NGHĨA KHÁC NHAU
CỦA TỪ “CÁI” VÀ “CON” (1)


Vì sao “cái” và “con” được sử dụng với tư cách “loại từ”? Con đường đã đi của các từ này có thể được hình dung là không ngắn, lại khá quanh co, khúc khuỷu…

Trong tiếng Việt có một lớp từ đặc biệt là chiếc, quả, cục, lá, cây, cái và con… (chẳng hạn: chiếc thuyền, cái nhà, con mèo…), lớp từ này từng được gọi bằng nhiều cách khác nhau: từ chứng, thể hiện từ, từ định tính, danh từ đơn vị, tiền danh từ, phó danh từ, từ để đếm, v.v.., nhưng phổ biến nhất gọi là loại từ (hay từ chỉ loại).

Cách gọi “loại từ” này khiến người ta có thể hiểu rằng các từ kể trên có chức năng phân chia những từ chỉ sự vật (các danh từ) đứng sau nó thành các loại khác nhau căn cứ vào những thuộc tính khách quan của các sự vật được biểu thị. Theo cách hiểu như vậy, các “loại từ” dường như chỉ là các dấu hiệu thuần tuý hình thức của các “loại” khác nhau. Và người ta cố gắng tìm hiểu xem các thuộc tính được nói đến trong mỗi “loại” ấy là gì. Chẳng hạn, từng có sự phân tích rằng lá đi với các danh từ chỉ loại sự vật mỏng mảnh, ví dụ: lá phiếu, lá buồm, lá cờ…; cây - với danh từ chỉ loại sự vật thường có hình trụ, ví dụ: cây cột, cây đèn, cây súng; cái – với danh từ chỉ sự vật (bất động vật), và con – với danh từ chỉ động vật…

Tuy nhiên, thật khó mà cho rằng quan niệm như trên là hoàn toàn có căn cứ bởi vì nếu như vậy thì làm sao giải thích được rằng “gan” có mỏng đâu mà được gọi là lá gan, “đàn” có nhất thiết hình trụ đâu mà lại gọi là cây đàn. Và càng không lý giải được vì sao vừa gọi là cái mã tấu lại vừa con mã tấu, vừa cái thuyền vừa con thuyền, vừa cái cò vừa con cò, vừa cái kiến vừa con kiến… Chẳng lẽ “mã tấu, thuyền, cò, kiến” vừa là động vật (hoặc có đặc tính như động vật) lại vừa bất động vật?

Các từ cái và con của tiếng Việt đã được xem là vốn chỉ quan hệ thân tộc: Cái đã được xem là vốn có nghĩa nguyên thuỷ là “mẹ, người mẹ” (chẳng hạn trong thành ngữ Con dại cái mang), còn con vốn có nghĩa là “con, đứa con”. Nếu quả vậy, thì quá trình chuyển nghĩa của hai từ này đã xảy ra vừa có phần cùng hướng, vừa có phần khác hướng và khác phạm vi. Có thể từ nghĩa là “mẹ”, cái đã được dùng để chỉ “giống cái” (chó cái, bò cái), chỉ tính chất “to, chính” (cột cái, đường cái), chỉ “giống gây chua” (cái mẻ), chỉ “phần đặc trong món ăn có nước” (ăn cả nước lẫn cái), dùng để gọi người con gái ngang hàng hoặc hàng dưới (cái Tí)… và có những biến thể là mái (gà mái hay mái gà), nái (lợn nái hay nái lợn), gái (con gái).

Từ con đã được dùng để chỉ một tính chất “nhỏ, phụ” (cột con, rễ con), “nhỏ” (buồng con, mèo con), để gọi người con gái ngang hàng hoặc hàng dưới (con chị cõng con em)…

Nhưng vì sao cái và con lại được sử dụng với tư cách “loại từ”? Con đường đã đi của các từ này có thể được hình dung là không ngắn, lại khá quanh co, khúc khuỷu…

Có thể là như thế này chăng: Trong cuộc sống của cộng đồng người Việt, có một số sự vật có ấn tượng mạnh mẽ đối với tâm lý con người. Dần dà người ta nhìn các sự vật khác của thế giới xung quanh qua các ấn tượng này, coi các sự vật có ấn tượng đó là “vật chuẩn”, là “đại diện” để hình dung các sự vật khác, và rốt cuộc đã gán tính chất nào đó của “vật chuẩn”cho các sự vật khác ấy. Tóm lại, đó là cách tri nhận thế giới như sau: coi “vật chuẩn” như cái gương để soi vào các sự vật khác nhau, và nhận diện các sự vật khác này không phải như chúng vốn có, mà là theo cái được nhìn thấy trong gương và tuỳ thuộc cái gương đó như thế nào. Đó là một cái nhìn đầy định kiến và cảm tính, đại khái, có phần ngây thơ, đối với thực tại.

PGS Tạ Văn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẤU CẢM


Đề thi Ngữ văn TNPT sáng nay lấy một bài viết của nhà tâm lí – đạo đức Đặng Hoàng Giang cho phần Đọc hiểu văn bản với đề tài gọi là “thấu cảm”:

“Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu vào tuỷ hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm.”

Thấu cảm là cách nói khác của trực giác, chỉ sự tương giao cảm xúc giữa ta và đối tượng (người hoặc thậm chí vạn vật). Trực giác gắn liền với một sự kiện, hoàn cảnh riêng lẻ, tức thời, không thuộc phạm trù “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” hay “hiểu được suy nghĩ” của người khác. “Hiểu biết thấu đáo” thì phải gọi là “thấu hiểu” chứ sao lại là “thấu cảm”. Có bị ngộ chữ, cuồng chữ không? So sánh “giống như cái lạnh thấu vào tuỷ hay cái đau thấu xương” là định xếp “thấu cảm” vào loại bệnh “cảm lạnh” à? Cảm khác biệt với hiểu. Cảm diễn ra khoảnh khắc. Hiểu là cả một quá trình. Hiểu có thể lạnh lùng vô cảm. Làm gì có chuyện “khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”, vì trực giác thuộc bản năng vô tư, phi lí tính. Nói “đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác” là bốc phét, đồng bóng của mấy gã “ngoại cảm” chứ không phải trực giác dưới góc nhìn khoa học! Trẻ em, người nguyên sơ, người khuyết tật luôn có khả năng trực giác cao hơn người lớn và người hiểu biết lí tính chứ “khả năng phát triển” cái gì? Định giáo dục cho học sinh năng lực trực giác à?

Nghe nhà trực giác luận H. Bergson định nghĩa nè:

“Trực giác là bản năng vô tư, tinh thần tự nó có khả năng thâm nhập vào đối tượng của nó và mở ra vô tận”. “Giữa chúng ta và bản thân ý thức chúng ta có một bức màn xen vào, bức màn dày đặc đối với đại đa số con người, nhưng nó sẽ là bức màn mỏng, gần như trong suốt đối với nghệ sỹ”. (H.Bergson, Sức mạnh tinh thần, tr.192,193).

Theo Chu Quang Tiềm, Trực giác thuộc về Ngã, còn hình tướng thuộc về Vật. Khả năng trực giác đi đến “Vật Ngã đồng nhất” – Ta và Vật là một. (Chu Quang Tiềm, Tâm lý văn nghệ, tr.30)

Các ví dụ Đặng Hoàng Giang đưa ra minh hoạ không mang nghĩa nào là “hiểu thấu đáo” cả, nó chỉ có phần đúng với nghĩa đơn giản và hời hợt nhất của trực giác hay thấu cảm. Nhưng cách giải nghĩa, định nghĩa của anh ta thật ngô nghê, buồn cười, lẫn lộn giữa trực giác và tư duy lí tính.

Nó ngô nghê cũng giống như anh ta từng ngô nghê khi cùng với Tạ Bích Loan cho rằng không nên làm việc từ thiện cho người dân vùng cao, vì cái quần cái áo người Kinh đã đánh mất “bản sắc dân tộc” của họ. Anh ta không “thấu cảm” được cái rét buốt của những em bé nghèo khổ không quần không áo mà lại cao đàm khoát luận về “thấu cảm”. Đúng là thời đại kẻ đạo đức giả lên giọng dạy đạo đức!

Một văn bản thiểu hiểu biết thì bắt học sinh đọc hiểu kiểu gì? Nói tầm phào thì không sao, nhưng đưa vào đề thi phải chuẩn!

Thôi thì không trách Đặng Hoàng Giang dốt. Đứa ra đề thi cũng dốt. Trách cho một đứa dốt kéo theo dốt cả làng. Đạo đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn!

CHU MỘNG LONG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THẤU CẢM


1.
Trong đề thi môn ngữ văn Quốc gia năm 2017 xuất hiện một từ không có trong từ điển tiếng Việt, với cách hiểu khác nhau trong dư luận là một điều không nên. Bởi trong bài làm thế nào các em học sinh cũng nhắc lại từ ấy với cách hiểu theo tác giả hoặc theo cách khác, các thầy cô chấm bài cũng không biết sao mà chấm. Nếu bỏ qua chuyện dùng từ đúng, sai thì sẽ xảy ra tình trạng chấp nhận một chuyện hầm bà làng trong việc chấm thi Quốc gia, và như vậy làm cho bài thi trở thành thiếu khoa học.. Do đó một điều cần rút ra trong việc ra đề là từ ngữ trong đề phải là từ ngữ có trong từ điển tiếng Việt hiện hành để làm căn cứ.
2.
Ở đây cần nói thêm một điều: Người làm từ điển thu thập các từ ngữ có trong sách báo một thời, đặc biệt là trong tác phẩm tác giả có uy tín, đưa vào từ điển, rồi giải thích theo ngữ cảnh được sử dụng. Như thế số từ trong từ điển bao giờ cũng ít hơn từ ngữ có trong thực tế giao tiếp. Do đó cách một thời gian, các từ điển phải tiến hành bổ sung các từ mới được dùng, nhằm phản ánh được thực tế từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ. Do thế một từ chưa có trong từ điển cũng có thể chấp nhận được trong thực tế. Điều đó làm cho tiếng nói được phong phú.
3.
Tôi không biết tác giả đoạn trích trong đề văn hiểu từ “thấu cảm” theo nghĩa nào, dịch từ tiếng nào ra tiếng Việt. Theo gợi ý của đáp án. “Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ, là sự hiểu biết thấu đáo trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không sự phán xét” (Câu này có lỗi diễn đạt) thì đó là áp đặt cho học sinh phải hiểu theo tác giả một cách máy móc. Vậy là trong thấu cảm con người không có cái tôi nữa hay sao? Trong khi đó nếu dùng đúng theo tiêng Việt, trong trường hợp này nên dùng từ đồng cảm, thì trong đó vừa có mình, vừa có người khác, đúng hơn. Lại nữa, tại sao lại không có phán xét? Nếu có thì không thấu cảm hay sao? Rồi “thấu cảm” thì làm sao mà “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó” được? Muốn được thế thì phải tìm hiểu, điều tra dài ngày mới mong có kết quả được. Mà lúc đó thì phải gọi là “thấu hiểu”, chứ không phải chỉ “thấu cảm”! Đáp án lại đồng nhất thấu hiểu với thấu cảm, coi hai từ như đồng nghĩa. Trong khi đó tác giả xem “thấu cảm” là hoạt động xảy ra như trong chốc lát trực giác, thế là mâu thuẫn. Tôi cho rằng người làm đáp án đã bắt học sinh chấp nhận tuỳ tiện một khái niệm tù mù, trôi nổi, thiếu khoa học.
4.
Có người giiải thích từ “thấu cảm” đây là dịch từ “empathy” trong tiếng Anh, là một thuật ngữ trong tâm lí mĩ học. Theo tôi biết thì từ này vốn tiếng Đức là Einfuhlung, do hai cha con người Đức là Theodore và Robert Vischer đặt ra để chỉ hiện tượng cảm nhận thẩm mĩ của con người đối với thế giới vô sinh, khi người ta cảm thấy cây cối, đồ vật, mây, gió cũng vật vả, quay cuồng, bay lượn, gầm thét giống như là thế giới hữu sinh. Một nhà tâm lí học thực dụng Mĩ dịch ra tiếng Anh là Empathy. Nghiã là khi quan sát thế giới bên ngoài, con người đặt mình vào cảnh huống của sự vật, xem các sự vật vốn không có sự sống xem như là có sự sống, làm như chúng cũng có cảm xúc, cảm giác, tình cảm như con người. Đây là điều rất nguyên thuỷ và đã thể hiện rất nhiều trong các ẩn dụ, không có gì mới lạ. Thực chất của nó là suy bụng ta ra bụng người. Nhưng nó là khái niệm quan trọng để giải thích cơ chế cảm thụ thẩm mĩ, khi ta đứng trước một phong cảnh, một kiến trúc hay bức tượng.

Dịch từ Empathy này như thế nào? Nhà mĩ học Trung Quốc là Chu Quang Tiềm dịch thành tiếng Trung là “Di tình”, nghĩa là đem chuyển cái tình cảm của con người cho sự vật mà nó quan sát. Ông Chu cũng gợi ý có thể dịch thành “nhập cảm”, hoặc “cảm nhập”, “ngoại xạ” (tức là bắn ra ngoài), hoặc “cảm ngộ”, (Ở Việt Nam ông Phương Lựu lúc đầu dịch là di tình, sau lại dịch là chuyển cảm), tất cả đều không ra ngoài phạm vi ý niệm đem cảm xúc của con người mà gán (chuyển) cho sự vật vô sinh. Như thế Empathy có thể dịch thành thấu cảm được, nhưng không thể dịch thành đồng cảm được, bởi như thế thì đối tượng cũng phải là vật hữu sinh. Trong trường hợp tác giả nói đây nó không phải là Empathy, mà chỉ là đồng cảm. Trong bài lại không nói gì về quan hệ giữa người và sự vật vô sinh, cho nên dùng từ thấu cảm (Empathy) vào đây không đúng ngữ cảnh.

Theo tôi đúng nhất vẫn là từ Đồng cảm. Đồng cảm bất cứ mức độ nào đều tốt cả. Không nhất thiết cứ phải thấu hiểu trọn vẹn. Nhưng người ta cứ muốn mới lạ cho nên sinh sự.

Tóm lại trong trường hợp đề thi ngữ văn, hiểu theo tiếng Việt hay theo tiếng Anh, tiếng Đức đều không đúng. Cách hiểu của tác giả có mâu thuẫn. Xét về mặt sư phạm cũng không chuẩn.

GS.TRẦN ĐÌNH SỬ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

HẬU và HẦU


Tra xét tìm hiểu nhiều cuốn từ điển Hán Việt và các văn bản pháp luật lâu nay, tôi chỉ thấy cụm từ “tại ngoại hậu tra” hoặc “tại ngoại hậu cứu” chứ không có “tại ngoại hầu tra”.

Mấy hôm nay, dư luận trong nước, nhất là giới văn nghệ sĩ, rất quan tâm đến vụ xử nghệ sĩ hài Minh Béo bên Mỹ. Nhiều người mừng cho anh ngày mai 18.12 sẽ được thả, có thể về nước trước ngày Giáng sinh. Mong sao anh sớm trở về an toàn, bình tĩnh nghĩ lại những gì đã qua để rút bài học cần thiết trong đời, tiếp tục sự nghiệp của người nghệ sĩ.

Nhân chuyện Minh Béo, sực nhớ dạo anh mới bị bắt, có tờ báo đăng bài với cái tít “Luật sư Đỗ Phủ: Sẽ giúp Minh Béo tại ngoại hầu tra”. Tôi nêu lại chuyện này, không có ý gì với anh Minh Béo cả, chỉ muốn bàn chuyện chữ nghĩa.

Tôi cho rằng, thường đã là luật sư, những khái niệm, thuật ngữ pháp luật mà họ dùng đều rất chính xác, vậy có thể cái sai không phải do luật sư, cụ thể ở đây là luật sư Đỗ Phủ, mà do phóng viên và biên tập viên của tờ báo.

Chi tiết sai trong tít bài nói trên là thuật ngữ “tại ngoại hậu tra” bị viết thành “tại ngoại hầu tra”. Họ viết và đăng nhưng không hiểu nội dung của thuật ngữ, bởi lâu nay cứ nghe, cứ thấy nhiểu người viết sai thế, nói sai thế thì viết theo. Nếu bảo họ giải thích nghĩa của nó là gì, có lẽ họ sẽ nói rằng là cơ quan pháp luật cho (Minh Béo) được ở ngoài (nhà tù) rồi sẽ theo hầu điều tra (hầu tra) khi ở ngoài.

Hiểu lối như vậy, theo họ, cũng giống như người ta thường nói “hầu toà”, “hầu quan”, “hầu chuyện”...

Tra xét tìm hiểu nhiều cuốn từ điển Hán Việt và các văn bản pháp luật lâu nay, tôi chỉ thấy cụm từ “tại ngoại hậu tra” hoặc “tại ngoại hậu cứu” chứ không có “tại ngoại hầu tra”.

Có 2 nhóm từ trong thuật ngữ “tại ngoại hậu tra” này. “Tại ngoại” có nghĩa là ở (tại) bên ngoài (ngoại). “Hậu tra” là tra xét, xét hỏi (tra) về sau (hậu). Nghĩa của cả câu là cho bị can (người can tội, phạm tội) được tạm ra khỏi nhà giam, khi cần thiết về sau thì sẽ kêu đến xét hỏi, điều tra, chứ không cần phải giam giữ lúc này.

Thuật ngữ ấy còn có biến thể là “tại ngoại hậu cứu” nhưng cùng với nghĩa nói trên, “cứu” cũng có nghĩa là xét hỏi, tìm hiểu; chúng ta thường quen nói “cứu xét” là vậy.

Từ chữ hậu (sau) thành chữ hầu (hầu hạ, theo hầu), nhà báo vừa làm câu thành ngữ trở nên vô nghĩa, vừa không nói lên được một quy định pháp luật đã được áp dụng phổ biến xưa nay.

Tiếc rằng phần đông nhà báo, biên tập viên và rất nhiều người có trình độ văn hoá nhất định vẫn cứ sai khi nêu, sử dụng thuật ngữ này.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TUNG” và “TÔNG”


Phải viết là “truy tìm tung tích kẻ trộm, kẻ gây án, bọn buôn ma tuý...” chứ không thể viết “truy tìm tông tích...” bởi điều mà cơ quan điều tra muốn biết là kẻ đó đang ở đâu, trốn chỗ nào, chứ không phải nó là con cái nhà ai.
Trên hai tờ báo Công an nhân dân và Công an TP.HCM (và nhiều báo khác nữa) luôn có sự nhầm lẫn hai từ “tung tích” và “tông tích”. Vì sao, vì những báo này thường viết về những vụ án, nói nhiều về bọn tội phạm, mà bọn này gây án xong thì hay bỏ trốn. Không ít phóng viên một số tờ báo khác, kể cả những tờ lớn có tiếng tăm cũng nhầm như vậy.
Tung tích là gì? “Tung” là cái chân, bàn chân; “tích” là dấu vết. Bàn chân đi đến đâu thì có thể để lại dấu vết nơi ấy, muốn tìm kẻ chạy trốn thì có thể dựa vào tung tích, vào dấu vết để lại của nó. “Hành tung” có nghĩa đen là coi cái bàn chân, cái chân ấy nó đi lối nào, ra làm sao (hành là chuyển động, đi), nghĩa bóng là hoạt động của ai đó.
Tông tích là gì? “Tông” chỉ nguồn gốc, dòng tộc, dòng họ, tổ tiên của con người.
Tông đường có nghĩa là nhà thờ tổ tiên, tông chi là những nhánh trong một dòng họ; tông thất là để chỉ riêng họ nhà vua. “Tông tích” là gốc tích, dấu ấn xuất thân của ai đó, dòng họ nào, con cái nhà ai... Dân gian có câu “Con người có tổ có tông”.
Có chút cần giải thích cho rõ, từ trước thời nhà Nguyễn, người ta dùng từ “tông”, nhưng đến thời Nguyễn do kiêng tên huý (kỵ huý) của vua Minh Mạng nên phải đọc và viết thành “tôn”, ví dụ vua nhà Trần là Trần Nhân Tông bị đổi là Trần Nhân Tôn, vua nhà Lê là Lê Thánh Tông cũng phải đổi là Lê Thánh Tôn…
Vì vậy phải viết là “truy tìm tung tích kẻ trộm, kẻ gây án, bọn buôn ma tuý...” chứ không thể viết “truy tìm tông tích...” bởi điều mà cơ quan điều tra muốn biết là kẻ đó đang ở đâu, trốn chỗ nào, chứ không phải nó là con cái nhà ai.
Mà không chỉ đối với người, từ “tung tích” còn được mở rộng nghĩa ra với cả sự vật, ví dụ chiếc tàu biển hoặc cái máy bay bị mất tích thì việc điều tra tìm nó gọi là “truy tìm tung tích”, mặc dù nó không có chân (tung).
Tiếc là những phóng viên nội chính, chuyên viết về pháp luật ít được nhắc nhở về những từ ngữ có tần suất cao trong mảng nội dung mình đảm nhận như vậy.
Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [33] [34] [35] [36] [37] [38] [39] ... ›Trang sau »Trang cuối