Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [34] [35] [36] [37] [38] [39] [40] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHẤP BÚT


Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó.

Nhớ lại dạo Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5.2016, nhân những sự kiện ông Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng “ai đã chắp bút cho ông Obama?”.

Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là “chấp bút”. Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hoá, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp chính là ai hoặc một tổ chức, lực lượng nào nó nắm giữ chính quyền; chấp đơn là nhận lấy cái đơn của người khác; chấp hành là chịu trách nhiệm thi hành những chương trình, kế hoạch đã định, đã được đặt ra, thông qua…

Chấp bút theo nghĩa thô là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Nghĩa văn vẻ thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó. Người chấp bút là người làm cái công việc ấy. Chấp bút có thể là một người nhưng cũng có thể một nhóm người. Bản điếu văn do ông Lê Duẩn đọc tại lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969 không phải do ông Duẩn viết mà do một nhóm cố vấn (các ông Đống Ngạc, Đậu Ngọc Xuân) chấp bút.

Hầu hết các tác phẩm hồi ký đều có người chấp bút. Người làm nhiệm vụ ghi lại, hệ thống lại những lời kể của ai đó để ra thành cuốn sách thì đó là người chấp bút. Nhà văn Hữu Mai nổi tiếng trong văn giới không phải chỉ bởi ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Vùng trời, Ông cố vấn... mà còn bởi ông đã chấp bút thành công hầu hết những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là cuốn Từ nhân dân mà ra.

“Chấp” còn là từ thuần Việt, có nghĩa là cho ai đó được điều kiện lợi hơn mình, ví dụ “chấp hai đánh một, chấp cả làng…”, trường hợp này không có liên quan gì đến nghĩa chấp của chấp bút.

Còn “chắp” là từ thuần Việt, có nghĩa là ghép lại (những cái gì đó rời rạc) vào nhau, cho nó liền lại. Truyện Kiều có câu “Trong khi chắp cánh liền cành/Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” để nói về tâm trạng của cô Kiều sau 15 năm mối tình Kim - Kiều gãy đổ, đứt đoạn, sợ chàng Kim không đủ cao thượng quên đi được quá khứ. Nhà thơ thiếu nhi Cẩm Thơ khi tưởng tượng ra hình ảnh tên lính Mỹ đầu hàng chú giải phóng quân có chi tiết rất tếu “Chắp tay lạy má xin cơm/Em mà có đói chả thèm thế đâu”. Hai bàn tay khi úp lại với nhau cho nó dính liền ta gọi là chắp tay...

Còn viết là “chắp bút” rồi hiểu theo nghĩa chắp những cái bút lại với nhau thì quá thô thiển, làm hỏng hết vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Có những từ, khi sử dụng, chỉ chịu khó nghĩ một tí thôi thì sẽ không sai.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

“TẶC” KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ NGHĨA
LÀ “ĂN CƯỚP”


Từ “tặc” (13 nét, bộ bối) không phải chỉ có nghĩa là ăn cướp mà còn có nghĩa là trộm cướp, giặc, kẻ có hại.

Báo Tuổi Trẻ  có đăng bài Những lỗi sai phổ biến khi dùng từ Hán Việt. Trên Tuổi Trẻ Online, bài báo được nhiều bạn đọc bình luận. Điều này cho thấy bài báo đã “gãi đúng chỗ ngứa” của người xem về mặt này hay mặt khác.

Là một bạn đọc của Tuổi Trẻ, chúng tôi mạn phép góp vài ý kiến như sau:
1.
Bài báo cho rằng có thể viết “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau) nhưng “hôn phu”, “hôn thê”, “hôn quân” có nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê, nhà vua u mê.

Thật ra, ta có hai từ “hôn” cùng âm nhưng khác nghĩa từ trong trường hợp này. Từ “hôn” (11 nét, bộ nữ) trong “hôn lễ”, “hôn phu”, “hôn thê” có nghĩa là cưới hoặc lễ cưới còn từ “hôn” (8 nét, bộ nhật) trong “hôn quân” có nghĩa là mê muội.

Các từ “hôn phu”, “hôn thê” đều có mặt trong từ điển Hán Việt, không phải là từ dùng sai và không có nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê như bài báo viết.
2.
Theo bài báo, “goá” là tiếng Nôm (chữ dùng của tác giả), không thể đặt trước từ “phụ” là tiếng Hán Việt để tạo thành từ “goá phụ” (người đàn bà chết chồng). Bài báo đề nghị dùng từ “gái goá” hay “quả phụ”.

Theo một số nhà nghiên cứu, từ “goá” trong “goá phụ” là âm Hán Việt Việt hoá của từ “quả” (14 nét, bộ miên). Việc chấp nhận hoặc từ chối từ “goá phụ” còn phụ thuộc vào quan điểm của nhà nghiên cứu.

Nếu từ chối từ “goá phụ”, từ “bà goá” theo chúng tôi thích hợp hơn là “gái goá”.
Theo Từ điển Thiều Chửu, “quả phụ” ngoài nghĩa là người phụ nữ chết chồng còn có nghĩa là người phụ nữ năm mươi tuổi chưa chồng. Nếu xét cả nghĩa thứ hai hiếm gặp này, chúng ta có thể thấy rằng “quả phụ” không chỉ có nghĩa là người đàn bà chết chồng.

Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi không bàn đến sự biến mất của nghĩa thứ hai từ “quả phụ” trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều này cho thấy thay một từ Hán Việt bằng một hoặc nhiều từ thuần Việt đôi khi là một việc khó khăn.
3.
Bài báo cho rằng “tặc” là ăn cướp, “đạo” là ăn trộm. Thật ra, từ “tặc” (13 nét, bộ bối) không phải chỉ có nghĩa là ăn cướp mà còn có nghĩa là trộm cướp, giặc, kẻ có hại.
4.
Trong khoa học và đời sống, nhiều từ Hán Việt đang được dùng như từ thuần Việt và ghép với nhau theo trật tự của từ thuần Việt. Chẳng hạn, chúng ta thường gặp “bảng biến thiên” (thay vì “biến thiên bảng”), “lực ma sát” (thay vì “ma sát lực”, “động vật đơn bào” (thay vì “đơn bào động vật”), “cán bộ lão thành” (thay vì “lão thành cán bộ”).
5.
Có lần danh sĩ Tô Đông Pha (1037-1101) đọc được hai câu thơ của Vương An Thạch (1021-1086): Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngoạ hoa tâm
Tô Đông Pha hiểu hai câu này là:
Trăng sáng kêu trên núi/ Chó vàng nằm giữa hoa.
Thấy vô lý, ông bèn sửa thành:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngoạ hoa âm
(Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng nằm dưới hoa).

Khi bị biếm đi Hàng Châu, Tô Đông Pha mới biết có một loài chim tên Minh nguyệt và một loài sâu tên Hoàng khuyển. Ông hiểu ra hai câu thơ của Vương An Thạch có nghĩa là:
Chim Minh nguyệt hót trên núi/ Sâu Hoàng khuyển nằm giữa hoa.

Như một số bạn đọc đã bình luận trên Tuổi Trẻ Online, ngôn ngữ học là một lĩnh vực phong phú còn ngôn ngữ luôn vận động và phát triển. Chúng tôi không được đào tạo về ngôn ngữ, chỉ vì yêu tiếng Việt mà mạo muội viết bài này. Với ước mong bạn đọc vui lòng lượng thứ những chỗ sai sót, chúng tôi xin mượn giai thoại trên thay cho lời kết và cũng để tự răn mình.

TRƯỜNG LÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GIÁ TRỊ VÀ TRỊ GIÁ


Dường như khá nhiều “nhà” đã nhầm lẫn hoặc sử dụng thiếu suy nghĩ hai từ “giá trị” và “trị giá”.
Ta thường bắt gặp trên báo viết, nghe trên báo nói (tivi, đài phát thanh) những câu kiểu rằng “chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh giá trị hơn 5 tỉ đồng”, “biệt thự của ca sĩ X giá trị nửa tỉ USD”… Họ nhầm từ “giá trị” với “giá”. Nếu bỏ chữ “trị” đi thì ổn, nhưng viết đủ cả “giá trị” thì có sự nhầm lẫn.

Trong tiếng Việt, “giá trị” là từ nhằm biểu hiện thứ làm nên phẩm chất của vật thể hoặc phi vật thể ở khía cạnh nào đó, có ý nghĩa về mặt này nọ, ở phần tích cực. Theo Từ điển tiếng Việt, “giá trị” là cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó. Chúng ta hay nói: giá trị sử dụng, giá trị tuyên truyền, giá trị giáo dục, giá trị thực phẩm, giá trị đạo đức, giá trị y học… Ví dụ: Hôn nhau có giá trị kéo dài tuổi thọ. Thực phẩm chức năng không có giá trị chữa bệnh. Khi có phong trào chống tham nhũng, báo Nhân Dân có nhắc lại vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu và thái độ kiên quyết xử lý của Bác Hồ thời kháng chiến chống Pháp, cho rằng “bài học Trần Dụ Châu đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị”.

“Trị giá” là từ để nói về thứ gì đó được định giá bằng tiền, vàng hoặc thứ được đưa ra làm chuẩn. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “trị giá” là thứ gì đó được định giá thành tiền hoặc vật ngang giá có tính chất như tiền tệ. Ví dụ: chiếc xe máy trị giá 15 triệu đồng, tấm lụa trị giá bằng 2 thúng thóc, bộ bàn ghế gỗ quý trị giá cả tỉ...

Chỉ cần nhớ rằng, khi muốn nhấn mạnh đến yếu tố tiền bạc của vật chất thì dùng từ trị giá, còn đến phẩm chất của nó thì dùng từ giá trị.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐA VÀ THIỂU


Trên một tờ báo uy tín vào loại hàng đầu xứ ta, khi tường thuật buổi Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng làm việc với Công an TP.HCM có thuật rằng bí thư chỉ đạo trong 3 tháng phải giảm thiểu tối đa tình hình tội phạm.

Không phải do có phong trào khen Bí thư Thăng mà tôi a dua, nhưng tôi nghĩ rằng một người trình độ cao như ông ấy có lẽ không dùng cụm từ “giảm thiểu tối đa”, mà do phóng viên viết tán vào thôi, rồi lọt sang tay một biên tập viên chưa cứng nên mới có câu đó, sai sót đó trên mặt báo.

Trong cụm từ “giảm thiểu tối đa” ta thấy toàn từ Hán Việt. Trong đó, “tối” có nghĩa là hết sức, hết mức, để chỉ sự vô hạn; ví dụ: tối ưu (tốt nhất), tối mật (bí mật nhất), quy chế tối huệ quốc (quy chế cho nước được nhiều ưu đãi nhất). “Đa” là nhiều, lắm; tối đa là nhiều nhất, nhiều hết mức; ví dụ: đa mưu là lắm mưu, đa dục là nhiều ham muốn, ham muốn hết mức. Văn cổ có câu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là chỉ cần tinh chất mà không cần nhiều, thà ít mà chất lượng cao, còn hơn nhiều mà thấp; hoặc truyện dân gian có câu “đa mao thiểu nhục, tắc phù” nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi (trong truyện, câu này để chỉ con vịt. Nghe anh thư sinh ra vẻ ta đây có học, lắm chữ nói vậy, anh nông dân ít chữ mới vặn lại thế cái thuyền kia thì lông đâu thịt đâu mà nó vẫn nổi).

Đối lập với đa là thiểu. “Thiểu” nghĩa là ít. Ví dụ thiểu số là số ít; dân tộc thiểu số tức là dân tộc có ít người (so với người Kinh); thiểu năng là khả năng, năng lực, cái sức làm bị hạn chế; tối thiểu là ít nhất.

Theo cách dùng từ của nhà báo kia, có thể tạm hiểu “giảm thiểu tối đa” tức là hạ xuống, giảm xuống còn ít nhất. Nhưng khổ nỗi, không ai lại trái khoáy cưỡng ép, gán ghép thiểu với đa vào nhau như vậy. Đã hiểu không hết, thì tại sao không diễn đạt là “giảm tối đa” (giảm nhiều nhất), hoặc đơn giản mà lại rõ ý hơn nữa là “kéo giảm tình trạng tội phạm xuống mức thấp nhất”.

Nên chăng các chi hội nhà báo cần tổ chức lớp bồi dưỡng về từ Hán Việt cho phóng viên và biên tập viên của báo mình.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHỒNG VÓ, TRỰC DIỆN


Đôi khi đọc báo, ta bắt gặp những hình ảnh được mô tả hoặc diễn đạt rất… buồn cười. Vừa rồi, nhiều báo đang đăng tin về một vụ tai nạn giao thông tại TP.HCM. Vụ việc thu hút sự quan tâm bởi xe bị nạn không phải loại thường mà là chiếc siêu xe Ferrari trị giá mấy tỉ đồng.

Báo mô tả nó (siêu xe) lao lên dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ, nằm chênh vênh trên dải xi măng cao hẫng cả 4 bánh không bám đất nhưng lại dùng từ “chỏng vó” để tạo ấn tượng. Mà chẳng riêng vụ này, cứ đọc báo thì thấy khá nhiều xe ô tô bị tai nạn nằm nghiêng cũng được gọi là “chỏng vó”.

Chỏng (hoặc chổng) là từ Việt cổ để chỉ việc phơi bày ra (cái gì đó) lên phía trên cao, ví dụ chổng mông; chỉ trường hợp bị ngã ngửa ra, phơi cái bụng lên, giơ ngược lên trên những bộ phận vốn nằm phía dưới (chân, bánh xe) của vật thể. Vó là cái chân, bàn chân của loài thú 4 chân bộ móng guốc như ngựa, trâu, bò, nếu áp dụng vào người thì để chỉ cả tay lẫn chân (khi nói ai đó ngã chổng vó thường là để nhằm đùa vui, tếu táo), vào cái xe ô tô thì là 4 bánh xe. Người ta hay nhắc vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn đã từng tung hoành khắp lục địa Á - Âu. Nói về thời gian trôi nhanh, thiên hạ thường ví “vó câu qua cửa sổ” (câu là con ngựa, thứ ngựa đang lúc sung sức nhất). Ngã chỏng vó (chổng vó) tức là ngã ngửa ra, giơ cả 4 chân (con vật), cả chân và tay lên trời (con người), cái xe phơi cả 4 bánh lên trời (xe cộ). Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương khi ra đường trơn bị ngã ngửa, giơ cả hai tay hai chân lên trời (chổng vó) nên chúng bạn cười, nhưng vốn là người thông minh, ứng biến giỏi, lại hay thơ, bà liền ứng khẩu “Giơ tay với thử trời cao thấp/Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”, biến cái dở thành cái hay, cái thua thành sự được. Trong trường hợp siêu xe Ferrari nói trên, xe leo dải phân cách thì nó đang nằm trên dải chứ có ngửa đâu mà chỏng với chổng.

Cũng chuyện xe cộ bị tai nạn, có nhà báo miêu tả chiếc xe 4 chỗ của người bị nạn húc vào đuôi xe container bị nát bét đầu nhưng lại viết hai xe đâm trực diện. Trực và diện đều là từ Hán Việt. “Trực” có nghĩa là thẳng, ngay thẳng, không cong queo. Trực ngôn là lời nói ngay thẳng, trực tuyến là đường thẳng. “Diện” có nghĩa cái mặt, mặt ngoài, bề mặt, thường ở phía trước; đối đầu trực diện có nghĩa 2 cái mặt đối thẳng vào nhau.

“Tông” trong trường hợp này là từ thuần Việt, có nghĩa đâm vào, lao vào, lao tới cái gì đó với lực rất mạnh. Hai cái xe tông vào nhau tức là chúng chạy ngược chiều nhau, đâm thẳng vào nhau. Hai xe chạy cùng chiều mà xe sau chạy quá nhanh hoặc vì lý do gì đó đâm vào phía sau xe trước cũng gọi là tông, nhưng xe sau tông, còn xe trước bị tông. Húc vào đuôi xe thì sao lại gọi hai xe đâm trực diện được.

Nguyễn Thông
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

LÒI TÓI


Hì hì, tôi quay trở lại với từ “lòi tói”, lần này là từ “lòi tói” trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Tôi chép lại bài thơ dưới đây:

Dắt díu nhau lên tới cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.

Bài thơ này tôi ít tìm thấy trong những quyển sách viết về thơ Hồ Xuân Hương, và trong quyển sách mà tôi tìm thấy bài thơ cũng không thấy ghi tựa của bài tbơ. Chỉ thấy sách viết đại khái là nhân một buổi đi thăm cảnh chùa, Hồ Xuân Hương thấy trên vách tường nhà chùa, ai đó đã viết một bài thơ (ngày đó là thơ chữ Hán, chữ Nôm), ý thơ thì non kém, chữ viết thì nguệch ngoạc. Tức cảnh sinh tình nhà thơ đã làm bài thơ trên để tỏ ý chê bai kẻ đã đề thơ.

Hai câu đầu bài thơ của Hồ Xuân Hương, cho ta thấy là bà đã chê (bài thơ) của kẻ nào đó (viết lên tường của nhà chùa), “cũng đòi học nói, nói không nên”. Câu thứ ba và thứ tư, bà muốn nhắn bảo cho ai đó mà bà gọi là “phường lòi tói”, muốn sống phải đem vôi đến quét xoá đi những câu thơ dở kia, trả lại bức tường cho nhà chùa.

Qua ý nghĩa của bài thơ thì ta thấy rõ Hồ Xuân Hương đã dùng chữ “phường lòi tói”, để chỉ những kẻ dốt chữ đã làm bài thơ dở đề trên vách chùa kia. Trong 2 bài viết “Lòi tói” trước, tôi đã trích dẫn những quyển từ điển tiếng Việt ngày xưa xuất bản ở cả 2 miền Nam, Bắc, kể cả quyển từ điển rất xưa xuất bản năm 1651 tại Roma của giáo sỹ Đắc Lộ, chỉ thấy ghi nghĩa của chữ “lòi tói” là “sợi dây xích sắt”, hoặc là “sợi dây thừng, dây chão lớn để buộc ghe thuyền”, chứ không thấy sách nào giải nghĩa “lòi tói” là “ngu dốt”, hoặc “người ngu dốt mà muốn tỏ ra hay chữ”. Nhưng vài quyển từ điển mới xuất bản gần đây đã đưa thêm nghĩa này vào (chẳng hạn từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên, hoặc của Nguyễn Lân), từ điển tiếng Việt Wiktionary trên mạng cũng ghi thêm nghĩa như thế, với ghi chú thêm 2 câu thơ thứ ba và thứ tư của Hồ Xuân Hương.

Tôi đã thử lục tìm trong khá nhiều tự điển, sách vở mình có mà không tìm ra tông tích từ “lòi tói” với nghĩa “ngu dốt”.  Mới đây tình cờ lướt web đọc đươc bài thơ trên của Hồ Xuân Hương, với chú thích về chữ “lòi tói” trong “phường lòi tói”, như sau:

- “Do thành ngữ “thảo lòi tói”, nghĩa là viết chữ Hán theo lối thảo nguệch ngoạc, lằng nhằng chẳng ra sao, đây muốn chỉ người học trò dốt nát, học hành kém cỏi, viết chữ xấu, nguệch ngoạc như gà bới”.

Với giải thích về từ “lòi tói” trong bài thơ của Hồ Xuân Hương hiểu theo giải thích như trên, ta thấy “phường lòi tói” mang ý nghĩa là chê chữ viết của ai đó trên vách tường của nhà chùa là nguệch ngoạc, khó coi. Chứng tỏ đấy là kẻ dốt chữ.

Như thế từ “lòi tói” từ nghĩa ban đầu là để chỉ sợi xích sắt, hoặc sợi dây thừng dây chão, đã được người đời “hình tượng hoá” sang chữ viết (chữ Hán hoặc chữ Nôm), với ý nghĩa viết chữ nguệch ngoạc, lằng nhằng (tựa như sợi lòi tói), chứng tỏ là kẻ dốt nát, và nhà tbơ Hồ Xuân Hương trong bài thơ ghi trên đã chê kẻ viết thơ trên vách chùa là “phường lòi tói”, dốt chữ.

Với cách giải thích như trên tôi thấy khá thuyết phục, khi chưa tìm thêm được lời giải thích khác. Như vậy chữ “lòi tói” trong “phường lòi tói” với nghĩa là dốt nát trong bài thơ của Hồ Xuân Hương ghi trên là từ chuyển nghĩa (từ phái sinh), từ chữ “lòi tói” là xích sắt, hoặc sợi dây chão, dây thừng, như đa số từ điển xưa nay đã giải thích.

Tôi thường hay tra các loại từ điển, nhất là từ điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ in ấn, ở các địa phương, tôi nhận thấy cách giải thích từ ngữ của một vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng in thời gian tương đối gần đây, chẳng hạn như từ điển mạng Wiktionary, hoặc từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Lân, thường đưa nghĩa của các từ qua các thời kỳ, dưới hình thức ý nghĩa khác (nghĩa 1, nghĩa 2...), nhưng không ghi rõ nghĩa nào là nghĩa cũ (đã có từ lâu đời hoặc không còn thông dụng, chẳng hạn như chữ lòi tói với nghĩa là ngu dốt), hoặc là phương ngữ, tiếng địa phương như các quyển từ điển khác. điều này khiến người tra từ điển nhiều khi gặp nhiều khó khăn trong tra từ.

Tôi đưa ra một ví dụ trong quyển Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) là quyển từ điển được dùng nhiều để tra cứu hiện nay, với cách ghi như sau:

- éo le: t. 1. (cũ). Chông chênh, không vững. Cầu tre khấp khểnh, éo le. 2. Có trắc trở, trái với lẽ thường ở đời. Cảnh ngộ éo le. Khối tình éo le.

Với cách ghi như trên, ta có thể thấy từ éo le với nghĩa 1. là chông chênh, không vững, là cách hiểu cũ của ngày trước, ta thấy ngay so với nay là nghĩa2. thì nghĩa 1. ít, hay không còn được dùng nữa.

Tôi đưa thêm một từ khác, đó là từ “bao biện”, đây là từ xưa với nghĩa như từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích (chỉ với một nghĩa):

- bao biện: đg. Làm cả những việc lẽ ra phải để cho người khác làm, đi đến làm không xuể, không tốt.

Chữ “bao” ở đây có nghĩa là “bao đồng”, và chữ “biện” có nghĩa là “công việc” (từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên), chứ không phải là “biện hộ”. Trong sách Phép giảng tám ngày viết:

Hỏi: Khi giáo hữu thường, như trùm, biện, hay là mụ bà, phải làm phép rửa tội mà hãy còn mắc tội trọng, thì phải lo liệu làm sao?

Trong câu hỏi trên ta thấy có những danh từ chỉ những chức danh trong sinh hoạt của người Thiên chúa giáo ngày trước, như “trùm”, từ còn dùng đến bây giờ, ở mỗi giáo xứ thường có một người đứng tuổi đứng ra cáng đáng “chuyện hằng xứ”, thay mặt giáo dân để làm gạch nối giữa nhà thờ và giáo dân. Phải chăng từ chữ “trùm” này mà xã hội có từ “trùm” để chỉ kẻ đứng đầu, như khi nói “hắn ta là trùm xã hội đen”?

“Biện” trong Phép giảng tám ngày cũng thế, là người tự nguyện đứng ra làm việc cho nhà xứ, cho giáo xứ mà không có công xá gì hết, thường được gọi là người “làm việc tông đồ”, dân gian gọi nôm na là “ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng”. Mấy năm trước tôi gặp lại một anh bạn thời còn trong quân đội trước 1975, sau năm 1975 tôi ở Sài Gòn còn anh bạn ở quê nhà Kontum trong một xã đạo. Khi tôi hỏi thăm về một bạn khác cùng quê, ông bạn tôi nói về người kia “giờ nó làm biện ở nhà thờ”, tức là người bạn kia đang “làm việc tông đồ” cho giáo xứ.

Còn “mụ bà” hay còn được gọi là “cô mụ, bà mụ” là từ ngày xưa để gọi những người nữ đi tu mà sau này gọi là “bà phuớc, dì phước”, hoặc tân tiến theo tiếng Tây là “sơ” (soeur ), mà ta thường gọi là “ma sơ” (ma soeur). Bà mụ này khác với “bà mụ” ở ngoài đời để chỉ người đỡ đẻ ngày xưa, hoặc “mụ, mụ bà” trong tâm linh. Đứa trẻ lững chững biết đi bị ngã, người lớn hay nói “mụ bà đỡ”.

Ít năm trở lại đây tôi thấy trong xã hội người ta ít còn dùng từ “bao biện” với nghĩa như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đã giải thích, mà dùng với nghĩa là tìm đủ mọi lý lẽ để chống chế cho lỗi lầm đã phạm khi bị phát hiện. Từ “bao biện” với nghĩa này rõ ràng đã khác với nghĩa cũ của nó. Tôi nghĩ sau này đã dùng sai, có lẽ người ta đã hiểu từ “biện” với nghĩa thông dụng là “biện hộ, biện bạch” chứ không phải nghĩa là “công việc”, rồi dùng sai miết thành quen, thành ra một từ với nghĩa mới.

Có một điều khá lý thú, là quyển Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, một quyển từ điển sau này nhiều người phát hiện nhiều sai sót trong việc giải thích từ ngữ, cũng chỉ ghi nhận nghĩa của từ “bao biện” là ôm đồm cả công việc của người khác.

Tôi tra từ điển tiếng Việt trên mạng, và Từ điển tiếng Việt thông dụng của Nguyễn Như Ý (NXB Giáo Dục-1996), thấy ghi từ “bao biện” gồm 2 nghĩa như sau:

Bao biện: đgt. 1. Làm thay sang cả việc vốn thuộc phận sự người khác. 2.Chống chế lại với đủ lý lẽ, nguyên cớ, làm cho người khác khó bác bỏ hoặc kết tội.

Tuỳ thời điểm mà đưa thêm nghĩa mới của từ ngữ vào từ điển là cần thiết, nhưng hai nghĩa ghi trên không ghi nghĩa nào là nghĩa cũ. Tôi nghĩ cách viết từ điển (sơ sài) không rõ ràng như thế có một nhược điểm như đã nêu, là khiến người tra từ điển không phân biệt được đâu là nghĩa cũ, đâu là nghĩa mới phái sinh. Đó chính là lý do mà nhiều khi tra nghĩa của một từ, tôi đã phải giở khá nhiều quyển từ điển.

Vài điều suy nghĩ về một từ ngữ.

Phạm Ngọc Hiệp
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TRÍ MẠNG hay CHÍ MẠNG?


Để tìm hiểu từ “trí mạng” và “chí mạng”, chúng ta cần dựa vào những từ điển có uy tín.

Trong Đại Nam quấc âm tự vị xuất bản năm 1895 của Huình Tịnh Của có tiếng trí với nghĩa “đến, tột, liều” và có từ trí mạng với câu trích “kiến nguy trí mạng” có nghĩa là “(thấy nguy) liều mạng sống”.

Trong Hán-Việt Tự-điển xuất bản lần đầu năm 1932 của Đào Duy Anh có từtrí mệnh được giải nghĩa là “đem cả tính mệnh mình vào việc đó”.

Trong Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính, cũng có từ trí mạng với câu trích “kiến nguy trí mạng” (thấy nguy liều chết). Không thấy từ chí mạng trong ba từ điển này.

Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) bản in 1992 có cả chí mạng và trí mạng với dữ liệu “đánh một đòn trí mạng”, “đánh nhau trí mạng” nghĩa là đánh nhau không kể gì tới nguy hiểm tính mạng, nhưng để hiểu chí mạng Hoàng Phê lại dẫn tới trí mạng.

Vậy là TRÍ MẠNG đã được dùng từ rất lâu rồi.

Nhưng xã hội dần dần có khuynh hướng dùng CHÍ MẠNG.

Xảy ra khuynh hướng này do áp lực ngữ nghĩa của hàng loạt từ có yếu tố chí với nghĩa “điều sắp nêu ra là điểm tận cùng của sự việc”, “biểu thị mức độ cao nhất” của hiện tượng được đề cập: Chạy chí chết mà không kịp; Bạn chí cốt là bạn hết sức gắn bó nhau; Cũng vậy với bạn chí thân, chí thiết; Lời khuyên chí tình là lời khuyên rất mực chân thành; Giáng đòn chí tử cũng là giáng đòn trí mạng...

Nói cách khác, trí mạng đồng nghĩa với chí tử, nhưng chỉ có một cách viết chí tử. Do đó cũng hình thành cách viết chí mạng.

Điều gì được xã hội chấp nhận thì cần được coi là chuẩn mực. Do vậy trí mạng cũng là chí mạng.

​​​​​​​​NGUYỄN ĐỨC DÂN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGHĨA “XỊN” CỦA TỪ  “ĂN MÀY”


BẠN CÓ BAO GIỜ TỰ HỎI, TỪ “ĂN MÀY” XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU VÀ CỤM TỪ “ĂN MÀY DĨ VÃNG”, “ĂN MÀY CỬA PHẬT” CÓ Ý NGHĨA GÌ KHÔNG?

Từ thời xa xưa, trong những câu chuyện cổ Á – Âu đã đề cập tới những người “ăn mày”. Khi xã hội xuất hiện yếu tố tư hữu, phân tầng giai cấp, có kẻ giàu, người nghèo - dưới sự tác động của hoàn cảnh đời sống, dịch bệnh, thiên tai địch hoạ và cả tâm lý sẽ sinh ra một bộ phận được gọi là những người “ăn mày”.

Ở nước ta, cụm từ “ăn mày” chỉ những người nông dân thời Lý do lũ lụt, mất mùa phải quá bộ lên đô thành xin miếng cơm, manh áo nơi Kẻ Chợ.

Người “ăn mày” sinh sôi nảy nở “thịnh” nhất phải kể tới thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, kế sau đó là nạn đói năm 1945. Thậm chí trong thập niên 1920 đã xuất hiện “Ngõ ăn mày” ở gần Ô Chợ Dừa (Hà Nội).

Trên thực tế, từ “ăn mày” có gốc gác chữ Nôm gắn với văn hoá lúa nước của người Việt khá rõ. Bởi “ăn mày” trong tiếng Anh là “Beggar”, nói theo từ Hán Việt là “hành khất”, tiếng lóng là “Cái Bang”, nói theo ngữ nghĩa thông thường là “kẻ ăn xin”, “người xin ăn”, “người nghèo khổ”.

Còn từ “mày” trong “ăn mày” chắc có lẽ chỉ những người gốc gác nông thôn mới tận thấu. “Mày”, chính là lớp vảy vỏ nhẹ tênh của hạt ngô, hạt gạo (có cả ở một số loại ngũ cốc như kê, tam giác mạch, lúa mạch) lộ ra khi được xay xát, nghiền nhỏ.

Không thể sánh với gạo vụn, gạo tấm, càng không tận dụng được như lõi ngô, trấu đun bếp, như cám, ngô lép để chăn nuôi nhưng “mày” chỉ một thứ bụi vụn nhỏ, nhẹ hay lẫn vào trấu cám, không mang lại ích lợi nào cho nhà nông.

Và cũng chính bởi sự “vô dụng” này mà dường như không ai để tâm gom nhặt, dù lẫn vào gạo thì cùng chỉ làm nồi cơm không được đơm trắng, đẹp mắt mà thôi.

“Mày” của người thì có lẽ cũng chỉ là chút gạo lẻ, bạc lẻ, dư thừa mà bạn không bận tâm sử dụng tới, hoặc có vơi bớt chút ít cũng không mấy ảnh hưởng đến kinh tế bản thân, gia đình. Bởi vậy, bạn có cho đi cũng không mấy tiếc rẻ gì.

Vậy “ăn mày” nghĩa đen là chỉ những người đói cơm, rách áo, “lần không ra” đi gom nhặt, lượm lặt, gợi lòng thương của người có điều kiện ban phát cho chút của “ăn không hết”.

Hay nói cách khác, “ăn mày” là tầng lớp dưới đáy xã hội, mặc dù nhiều giai thoại, chuyện kể nhưng nói chung hầu hết “ăn mày” là người cùng đường tận lối mới “theo nghề”.

Suy cho cùng mày cám, mày ngô là thứ bỏ đi, không ai thèm đoái hoài vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng chứ “ăn” chúng cũng ngậm ngùi chứ không lấy gì làm vẻ vang?

Từ “ăn mày” nghĩa “xịn” qua biến đổi của thời gian cũng như cách sử dụng, khẩu khí ngôn ngữ biến hoá khôn lường, tinh tế, thông minh, đầy linh hoạt của người Việt đã chuyển sang những tầng cảm xúc và cảm thụ mới.

Người Việt vốn ưa cách nói giảm, nói tránh, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, giữ ý, cũng như quan niệm xưa, coi “nhỏ là đẹp”. Có thể phân tích một số thí dụ để minh hoạ.

Trong cuộc sống, thỉnh thoảng có người bật lên cụm “Ăn mày dĩ vãng”. Đây được xem như một thán từ gợi lên chút gì đó chua chát, tội nghiệp, phản ánh chiều sâu cuộc sống hiện tại không lấy gì làm thoả mãn nên mới hồi tưởng để níu giữ chút ánh sáng huy hoàng xưa cũ.

Nhà văn Chu Lai có tập tiểu thuyết nổi tiếng “Ăn mày dĩ vãng”, những ai từng đọc sẽ dễ nhận thấy ý nghĩa của câu chuyện hoàn toàn trùng khớp, ăn ý với cái tựa.

Ở một tầng hiểu khác, có thể kể đến những câu nói đầu môi “Ăn mày văn chương”, “Ăn mày sân khấu” hay thông dụng hơn là “Ăn mày cửa Phật”. Đây đều là những cách nói có phần nhún nhường, khiêm tốn, thể hiện tâm thế an bài, nhẹ nhõm, tôn trọng chủ thể của người nói.

Đây đó có câu chuyện truyền miệng rằng, ông tổ nghề sân khấu vốn xuất thân từ ăn mày, bởi nghề hát sống nhờ vào đồng tiền của khán giả thưởng thức. Nói trắng ra là “ăn mày” khán giả. Từ đó sinh ra chuyện nghệ sĩ làm từ thiện khắp nơi nhưng không bao giờ đi bố thí cho người ăn xin, vì làm thế khác nào phạm thượng với tổ nghiệp.

Ngày nay, “ăn mày” đã biến tướng về cơ bản, là một vấn đề nhức nhối của đô thị.”. Từ “ăn mày”, từ chỗ có ngữ nghĩa ví von, nôm na, bình dân đã mai một dần. Có lẽ vì thế, người ta gọi thẳng thừng, mỉa mai và đặt một “mỹ danh” không lấy làm dễ chịu cho những người xin, vòi, hăm doạ để có của bố thí là “nghề ăn xin”.

Suy cho cùng, thời nào cũng vậy, thà mang tiếng khiêm nhường, lễ nghĩa chìa tay nhặt nhạnh chút “vụn vỏ” vật chất từ lòng cảm thông để qua ngày còn hơn bị vỗ mặt làm giàu trên sự xin xỏ tráo trở.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MẶT VÀ MẮT


Trong bài “Tiếng Việt: sự chuyển nghĩa của lớp từ vựng chỉ các bộ phận cơ thể”, tôi chỉ dừng lại ở các từ: bụng, ruột, gan, mồm, miệng, đầu, cổ, tay, chân… Nhưng chưa kịp đề cập đến mặt, dù có nhắc thoáng qua hai từ ghép mặt mày và mặt mũi.

Bây giờ xin bàn tiếp.

Trên khuôn mặt có đôi mắt. Mắt và mặt có rất nhiều điểm gần nhau. Gần nhau về ngữ âm và cũng gần nhau cả về ngữ nghĩa nữa.

Ở chữ mặt, chúng ta có thể nhận thấy quá trình chuyển nghĩa ở đó con người là một cái trục để quy chiếu các nghĩa phái sinh. Trên thân thể con người, mặt là bộ phận phía trước và bên ngoài, từ đó, nảy sinh ra các chữ: mặt bàn, mặt nước, mặt đất, rồi xa hơn nữa, mặt trăng, mặt trời. Khái niệm “phía trước” và “bên ngoài” gắn liền với không gian, từ đó, dẫn đến khái niệm mặt trước, mặt sau, cuối cùng, được trừu tượng hoá thành một khía cạnh hay một phương diện của vấn đề: mặt tích cực và mặt tiêu cực; mặt tình cảm và mặt pháp lý, v.v...

Nhưng mặt còn một hướng chuyển nghĩa khác, quan trọng hơn, chỉ tình cảm, tư tưởng, thái độ cũng như danh dự của con người, từ đó, chúng ta có: đẹp mặt và xấu mặt, ê mặt và nể mặt, trở mặt và chừa mặt, nóng mặt và mát mặt, v.v...

Rất gần với chữ mặt là chữ mắt.

Chữ mặt và chữ mắt có nhiều kết hợp giống nhau nhưng ý nghĩa thì khác hẳn nhau. Ra mắt khác với ra mặt: cả hai đều hàm ý một sự xuất hiện hay bộc lộ công khai, nhưng trong ra mặt có cái gì liên quan đến thái độ: khinh ra mặt, ghét ra mặt, chống đối ra mặt, v.v...

Ðẹp mắt khác với đẹp mặt: trong khi đẹp mắt giới hạn trong phạm trù thẩm mỹ; đẹp mặt gắn liền với phạm trù danh dự.

Nóng mặt là cảm giác bất bình khi cá nhân bị xúc phạm, trong khi nóng mắt là cảm giác bất bình khi chứng kiến một điều gì không vừa ý, dù điều đó không dính líu gì đến quyền lợi cá nhân mình cả.

Đỏ mắt chỉ sự trông chờ mòn mỏi, trong khi đỏ mặt thì chỉ sự thẹn thùng, xấu hổ.

Ở trên, chúng ta bắt gặp một số từ ghép có cấu trúc ngược, theo kiểu chữ Hán, ở đó từ tố mang ý nghĩa chính đứng sau: đẹp mắt thay vì mắt đẹp; nóng mặt thay vì mặt nóng, v.v...

Có điều, như nhiều nhà ngôn ngữ học đã nhắc: trong cấu trúc thuận, danh từ có ý nghĩa cụ thể; trong cấu trúc ngược, danh từ trở thành trừu tượng, chỉ một phẩm chất hay một đặc điểm thay vì một vật nào đó. Mát tay khác với tay mát. Tay mát bao giờ cũng có nghĩa cụ thể, chỉ một bàn tay nào đó mát dịu; còn mát tay lại chỉ những thầy thuốc giỏi, chữa bệnh mau lành.

Tương tự như vậy, chúng ta có các cặp: mặt đẹp / đẹp mặt; bụng xấu / xấu bụng; bụng tốt / tốt bụng; miệng thối / thối miệng; đầu to / to đầu; gan to / to gan; v.v...

Và v.v...

Nhưng...mà thôi. Chuyện ngôn ngữ thì bàn biết bao giờ cho hết.

Mai mốt lại tiếp.
Nguyễn Hưng Quốc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

SỜ và RỜ


Mấy ngày vừa qua, nhân lục lọi tài liệu để tìm hiểu về vai trò của các giác quan trong việc nhận thức cũng như về tính đẳng cấp trong các giác quan dưới nhiều quan điểm triết học và văn hoá khác nhau (ví dụ sự thiên vị rõ rệt đối với thị giác và thính giác, đặc biệt là thị giác, và sự rẻ rúng đối với các giác quan khác, từ vị giác đến khứu giác và xúc giác), tôi tò mò đọc lại các cuốn từ điển tiếng Việt. Và chú ý đến hai chữ quen thuộc: Sờ và rờ.

Dường như hầu hết các cuốn từ điển đều xem sờ và rờ là một, là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa, hơn nữa, còn xem rờ chỉ là biến âm mang tính địa phương của sờ. Cả Nguyễn Văn Ái trong Từ điển phương ngữ miền Nam (nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994) lẫn Nguyễn Như Ý trong Từ điển đối chiếu từ địa phương (nxb Giáo Dục, 1999) đều nghĩ như vậy. Ở nhiều cuốn từ điển khác, sau chữ “rờ”, người ta ghi chú: “phương ngữ” rồi bảo xem chữ “sờ”. Chỉ có Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ là làm ngược lại, sau chữ “sờ”, họ ghi: “xem rờ”. Có vẻ như với họ, “rờ” là từ chính, còn “sờ” chỉ là biến âm của chữ “rờ”. Không chừng cả Alexandre de Rhodes, trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La (1651) và Huỳnh Tịnh Của, trong cuốn Đại Nam Quốc Âm tự vị (1895), cũng đồng ý như thế: Trong hai cuốn ấy, chỉ có “rờ” chứ không có “sờ”.

Có điều, không phải lúc nào “rờ” và “sờ” cũng thay thế cho nhau được. Chúng ta nói sờ sẫm hay rờ rẫm, nhưng chỉ nói sờ soạng chứ không nói rờ roạng; và cũng chỉ nói rờ rệt chứ không nói sờ sệt. Người miền Trung và miền Nam vừa nói “sờ” vừa nói “rờ”; có cả chữ “rờ rờ” (đưa tay thoa nhè nhẹ đâu đó) vừa có chữ sờ sờ (hiển nhiên, ngay trước mặt).

Theo tôi, hai chữ “rờ” và “sờ” là hai từ tương tự, gần gũi về ngữ âm và ý nghĩa, chứ không phải là hai từ hoàn toàn đồng nghĩa. Trong cảm nhận của tôi, “sờ” là đưa tay chạm vào một vật gì đó trong khi “rờ” không phải chỉ chạm mà còn xoa nhẹ. Bởi vậy, tôi nghĩ là Huỳnh Tịnh Của đúng hơn các nhà từ điển học khác khi định nghĩa “rờ” là “lấy tay mà thăm mà lần”. Tức là có sự chuyển động.

Cũng xin lưu ý là phần lớn các cuốn từ điển sau Huỳnh Tịnh Của đều định nghĩa chữ “rờ” hay “sờ” một cách rất ư buồn cười.

Ví dụ Văn Tân và Hoàng Phê đều định nghĩa sờ là “đưa bàn tay lên trên một vật gì để xem vật ấy thế nào”. Đưa bàn tay lên trên một vật gì? Ừ, thì được. Nhưng tại sao lại phải thêm “để xem vật ấy thế nào”? Chẳng lẽ sờ hay rờ chỉ có một mục đích duy nhất là để tìm hiểu một cách nghiêm trang và nghiêm chỉnh như thế ư? Một người ngồi buồn, không biết làm gì, lấy tay rờ/sờ râu, chẳng lẽ chỉ để biết râu mình như thế nào ư? Một cặp tình nhân, trong lúc âu yếm, rờ/sờ nhau, cũng chỉ để “nghiên cứu” xem cái vật mình rờ hay sờ ấy như thế nào ư? Trời, nói thế, ai cũng là những nhà nghiên cứu sinh học hết ráo!

Chưa hết. Văn Tân còn định nghĩa chữ “sờ mó” như sau: “Đụng không có mục đích vào một vật”. Dựa vào định nghĩa ấy, những kẻ bị buộc tội sờ/rờ mó bậy bạ ai đó có thể cãi lại các công tố viên: Họ không làm điều gì đáng bị coi là xâm phạm tình dục cả. Đó chỉ là một hành vi “không có mục đích”. Ối giời!

Nhưng định nghĩa của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ mới hài hước. Theo hai ông, “rờ” có hai nghĩa. Thứ nhất, là sờ, là dùng tay mó. Ví dụ: “Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ / Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”. Thứ hai, là “lén nậng, bóp vật kín của đàn bà khi người ta ngủ.”

Đọc định nghĩa thứ hai, thú thực, có ba điều tôi không thể nào hiểu được: Một, tại sao chỉ nậng (hay nựng) và bóp vật kín của đàn bà mới được gọi là rờ? Còn ngược lại, khi đối tượng là đàn ông và người thực hiện động tác “nựng” và “bóp” ấy là phụ nữ thì gọi là gì nhỉ? Hai, tại sao lại phải nhất thiết là “vật kín”? Với những vật không kín lắm, như tay, chân hay… nhũ hoa, chẳng hạn, thì sao? Và ba, tại sao phải đợi đến lúc “người ta ngủ”?

Tôi không nghi ngờ sự cẩn thận và uyên bác của hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, đặc biệt của ông Lê Ngọc Trụ, về phương diện ngôn ngữ. Nhưng đọc xong định nghĩa về chữ “rờ” của hai ông, tự nhiên tôi đâm ra phân vân và nghĩ ngợi: chả lẽ cả đời hai ông ấy chưa từng biết sờ hay rờ là gì cả?

Nếu đúng thế, thật tội nghiệp!

Nguyễn Hưng Quốc
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [34] [35] [36] [37] [38] [39] [40] ... ›Trang sau »Trang cuối