Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐĨ ĐỰC


Bài “Góc nhìn khác về quý bà săn “phi công trẻ” (Tienphong.vn) viết: “Một trong hai thanh niên thừa nhận đã từng bán dâm cho nhiều phụ nữ với nhiều mức giá khác nhau. Theo một nam thanh niên tại khách sạn này, mỗi ngày các“cave đực” tiếp từ 2 – 4 lượt khách...”.Tâm sự của nam giới trong bài báo: “Em chuyển sang phục vụ cho các quý bà rất tình cờ [...] Cái gì đến cũng phải đến, lần thứ hai chị ấy yêu cầu em mát xa ở vùng nhạy cảm nhất và do không thể làm chủ được mình em đã có quan hệ tình dục [...]. Sau đó, em đã rất nhiều lần thực hiện cái công việc gọi là mát-xa và làm cả cái việc của “giống đực” với nhiều phụ nữ - do chính chị ấy giới thiệu [...] Và cũng từ đấy em trở thành một thằng đĩ đực”.

         Như vậy, theo cách hiểu này thì “đĩ đực” đồng nghĩa với “mại dâm nam”-trai bán dâm cho nữ giới để lấy tiền-(một nghề giống như “gái mại dâm”). Theo đây, có vẻ nghĩa của “đĩ đực” đã rõ. Tuy nhiên, thực tế lại không hề đơn giản như vậy. Xin được trích dẫn nghĩa của “đĩ đực” trong một số cuốn từ điển:

         -”Từ điển tiếng Việt”-Văn Tân chủ biên-1967 (“Văn Tân”) giải thích: “đĩ đực:Từ dùng để chỉ bọn đàn ông lẳng lơ”.

         -”Từ điển từ và ngữ Việt Nam”-GS Nguyễn Lân-2006 (“Nguyễn Lân”) giải thích: “đĩ đực: Từ dùng để chỉ bọn đàn ông lẳng lơ • Một sinh viên mà bị người ta chê là đĩ đực”.

         -”Việt Nam tự điển”-Lê Văn Đức-Sài Gòn-1970 (“Lê Văn Đức”) giảng “đĩ đực”hai nghĩa: “• Hạng đàn-ông con trai lén-lút bán dâm cho đàn-ông thích lối kê-dâm • Tiếng gọi đàn-ông thích giồi phấn thoa son”.
             “Kê dâm” là gì? “Kê dâm” chính là “kê gian” 雞姦. “Hán Việt tự điển”-Thiều Chửu giải nghĩa “kê gian”: “Dâm hiếp đàn ông gọi là kê gian 雞姦”. “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh) giải nghĩa rõ và đầy đủ hơn: “kê gian 雞姦: con trai với con trai hoặc con trai với con gái gian dâm nhau nơi lỗ đít như gà, thói ấy rất lưu hành ở các nước văn minh (sodomie)”.

         Như vậy:

         1-Theo cách giảng của “Văn Tân” và “Nguyễn Lân” thì “đĩ đực” không hề chỉ người đàn ông đi bán dâm, hay thấp thoáng bóng dáng của “quý bà”, mà được hiểu như “đĩ trai”-từ mà hai cuốn từ điển này giải nghĩa giống hệt nhau: “nói người đàn ông lẳng lơ ".Theo đây, “đàn ông lẳng lơ”, ý chỉ hạng nam giới hay chải chuốt, làm dáng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” để hấp dẫn ve vãn đàn bà (tuy nhiên, dùng “lẳng lơ” để chỉ những người này là không chính xác).

         2-Theo nghĩa thứ nhất “Lê Văn Đức” giảng, thì “đĩ đực” chỉ là “Hạng đàn-ông con trai lén-lút bán dâm cho đàn-ông thích lối kê-dâm”, chứ không có nghĩa đàn ông bán dâm, nhằm thoả mãn thú nhục dục của đàn bà (nghĩa được dùng trong “Góc nhìn khác về quý bà săn “phi công trẻ”).  
 
         3- Nghĩa thứ hai của “đĩ đực” mà “Lê Văn Đức” giảng: “Tiếng gọi đàn-ông thích giồi phấn thoa son” lại ám chỉ đàn ông “ái nam, ái nữ”-bán nam nữ-半男女-(hermaphroditic) có dáng điệu, cử chỉ, giọng nói the thé và thích trang điểm như đàn bà.

         Như vậy, căn cứ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể hiểu “đĩ đực” theo một số nghĩa sau: 1.Đàn ông làm nghề bán dâm cho đàn bà (báo Tienphong.vn); 2.Đàn ông ưa chải chuốt, làm dáng để ve vãn đàn bà (Văn Tân, Nguyễn Lân); 3.Đàn ông có biểu hiện đồng tính, “ái nam, ái nữ” “thích giồi phấn thoa son”; 4.Đàn ông bán dâm cho nam giới có nhu cầu quan hệ tình dục đồng tính (Lê Văn Đức) 5.Trong thực tế, “đĩ đực” có khi là đàn ông cùng lúc hành nghề bán dâm cho cả nữ giới, lẫn nam giới đồng tính.

         Từ “đĩ đực” còn liên quan đến một số từ mô tả hành vi tình dục không chính đáng (“gian”-姦) giữa đàn ông với đàn ông, giữa đàn ông với đàn bà, như: “kê dâm”-雞淫; “kê gian”-雞姦; “cơ gian”-㚻姦. Trần Văn Chánh giảng “cơ”-㚻 trong “cơ gian”-㚻姦: “Hành vi tính dục giữa đàn ông với nhau”]. Đáng chú ý, với cách giảng của Thiều Chửu, thì “kê gian” 雞姦 được hiểu như hành vi cưỡng bức tình dục (“dâm hiếp”) của đàn ông đối với người cùng giới.

         Ngoài ra còn có các từ “khẩu dâm”-口淫; “khẩu giao”-口交; “thiệt dâm”-舌淫 (chỉ quan hệ tình dục bằng cách dùng miệng, lưỡi kích thích dương vật, âm vật), được dùng cho cả “đĩ đực”, quan hệ “đồng tính nam”, “đồng tính nữ” và hành vi tính dục nam-nữ. Phần lớn những từ này chưa được các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt hiện đại ghi nhận.

         Thông thường, một khái niệm, hành vi nào đó đã được từ điển ghi nhận đồng nghĩa với việc nó đã từng hoặc đang tồn tại trong thực tế; nhưng một từ ngữ, khái niệm không có trong từ điển không có nghĩa trong thực tế không tồn tại hoạt động ấy. Bởi vậy, dù muốn hay không, các nhà biên soạn từ điển cũng không nên né tránh những khái niệm được xem là không đẹp trong đời sống tình dục, tính dục của con người. Đặc biệt, một khi những hành vi đó vi phạm pháp luật, tất phải được gọi tên một cách chính xác.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐẠO VĂN


“Đạo văn” là gì?

Chữ Hán 盜 [đạo] cổ văn vẽ hình người đang nhỏ nước dãi, cúi nhìn cái liễn đựng thức ăn vẻ thèm muốn, nghĩa gốc là trộm cắp.[1]“Thuyết văn giải tự”: “盜-私利物也[đạo-tư lợi vật dã] (đạo nghĩa là [lấy] vật làm lợi riêng). “Hán Việt từ điển”-Đào Duy Anh giải nghĩa: “Đạo 盜: lấy trộm của người. Lấy cái vật mình không đáng được lấy”. “Hán Việt tự điển”-Thiều Chửu: “Đạo 盜: Ăn trộm ăn cắp, cái gì không phải của mình mà mình lấy đều gọi là đạo cả.” ...

Vậy, “đạo văn” hiểu đúng theo nghĩa đối dịch là ăn cắp văn của người khác.

Có thể nói “đạo văn” là “ngón nghề” xuất hiện khá muộn ở Việt Nam. Xưa kia, các cụ làm sách lưu truyền hậu thế chủ yếu bằng chép tay hay khắc in ở các cơ sở tư nhân, không ai chứng nhận tác quyền. Thế mà chẳng ai sao chép, trộm cắp của ai. Ngược lại, lịch sử văn học Việt Nam để lại khá nhiều tác phẩm khuyết danh (vô danh thị). Một số tác phẩm giá trị gây tranh cãi về tác giả, nhưng đều do nguyên nhân khách quan. Mấy ngàn năm chế độ phong kiến cho tới gần trọn thế kỷ XX, khái niệm “đạo văn” dường như hãy còn xa lạ, hãn hữuvới môi trường văn chương, học thuật dựa trên nền tảng tài năng, ý thức sáng tạo và lòng tự trọng của người cầm bút. (Xin chớ lầm sự vay mượn, vận dụng điển cố, điển tích tài tình, có sáng tạo của người xưa với nghĩa của hành vi “đạo văn” tràn lan hiện nay).

Từ điển thường đi sau thực tế ngôn ngữ đời sống một bước (dài, ngắn tuỳ khả năng cập nhật). Nhưng, những gì các nhà biên soạn thu thập và giải nghĩa chính là con dấu xác nhận cho vấn đề nào đó từng tồn tại, diễn ra trong xã hội đương thời. Các cuốn từ điển tiếng Việt tên tuổi xuất bản ở Việt Nam trước năm 1945 (như: Từ điển Việt-Bồ-La-A.D.Rhodes; Đại Nam quấc âm tự vị-Huình Tịnh Paulus Của; Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến Đức), Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh...) thu thập rất nhiều loại “đạo”: thâu đạo, án [ăn] tlộm [trộm](người ăn trộm-Từ điển Việt-Bồ-La), đạo chích (kẻ trộm), đạo tặc (trộm cắp, giặc giã), đạo kiếp (trộm và cướp), đạo đồ (bạn trộm cắp) đạo táng (chôn trộm, chôn giấu vào chỗ đất cấm) đạo danh (ăn cắp tên người làm tên của mình)... Chủ yếu là “đạo” của cải vật chất, và không thấy có từ “đạo văn”.

Riêng Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh (XB lần đầu 1932)  có từ “đạo thi” giảng theo nghĩa hẹp: “Dùng trộm câu thơ của kẻ khác”. Sau Đào Duy Anh có “Từ điển Việt Nam” (Thanh Nghị-Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951): “đạo văn (đt) đánh cắp văn”;  “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức (cũng xuất bản ở Sài Gòn) trước 1975: “Đạo văn (đt) Chép văn của người khác làm văn của mình.” Tuy nhiên, ở miền Bắc, các cuốn Từ điển tiếng Việt, Từ điển tiếng Việt thông dụng, Đại từ điển tiếng Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam do các tác giả Văn Tân, Hoàng Phê, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Đạm, Nguyễn Lân... chủ biên hoặc biên soạn, ấn hành những  năm 1968, 1995 đến 1998-2000 vẫn chưa thấy từ “đạo văn”xuất hiện (điều này không có nghĩa trong thực tế chưa có chuyện đạo văn xảy ra, nhưng chắc chắn là hãy còn hãn hữu, nguyên do các loại hình báo chí, sách vở xuất bản không phong phú, nở rộ như trong Nam).

Xã hội phát triển, thời đại internet, các loại sách báo, tạp chí, loại hình xuất bản “bung ra” ra.“Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Nhiều tài năng sáng tạo xuất hiện, nhưng thành phần bất tài, lưu manh chữ nghĩa ăn theo cũng không ít.

Năm 2000, TĐTV (Hoàng Phê) tái bản, lần đầu tiên thu thập từ “đạo văn”, nhưng kèm lời chú “ít dùng” và giảng theo nghĩa hẹp: “đạo văn đg (id) Lấy hoặc căn bản lấy sáng tác văn học của người khác làm của mình”. Giống từ điển của Lê Văn Đức, ở đây nhà biên soạn (dường như) đã tránh không đối dịch từ “đạo văn” [ăn cắp văn] trước khi giảng nghĩa từ. Nếu Lê Văn Đức dùng từ “chép văn”thì TĐTV Hoàng Phê lại thay “ăn cắp văn” bằng “lấy sáng tác văn học” để mô tả khá “lịch sự”, nhẹ nhàng hành vi “đạo văn”. Mặt khác, cái mở ngoặc lưu ý “ít dùng” (từ điển Hoàng Phê) phải chăng phản ánh môi trường của văn chương, học thuật sáng tạo ở Việt Nam ít nhiều còn trong sạch? Tuy nhiên, dấu ấn “rơi rớt” đó sẽ mau chóng bị chuyện lưu manh văn chương, chữ nghĩa xô đổ...

Dường như “thời” của hai chữ “đạo văn” đã đến!

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, từ “đạo văn” được hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt ghi nhận. “Đạo văn” đã trở thành từ thông dụng xuất hiện trên báo chí, ngôn ngữ đời sống hàng ngày. Thậm chí “đạo văn” trở thành vấn đề nhức nhối của văn chương, học thuật (hiện nay nếu gõ hai chữ “đạo văn” trên google sẽ có hiển thị hơn 1 triệu kết quả).

TĐTV xuất bản 2005 (Nguyễn Kim Thản-Nguyễn Đức Dương-Hồ Hải Thuỵ): “Đạo văn: Lấy cắp lời văn từ tác phẩm (đã công bố) của tác giả để đưa vào sáng tác của bản thân: Lên án gay gắt thói đạo văn.” Ở đây, nhà biên soạn đã mạnh dạn dùng từ “lấy cắp” để chỉ thẳng bản chất vấn đề. Tuy nhiên “chép văn”, “lấy sáng tác văn học” hay “lấy cắp lời văn” đều mới chỉ nghĩa hẹp của “đạo văn”. Bởi thế, lần tái bản năm 2007, TĐTV (Hoàng Phê) đã lược bỏ giới hạn loại hình“văn học” để giảng nghĩa rộng hơn: “đạo: lấy hoặc căn bản lấy sáng tác của người khác làm thành của mình: đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc”. Thế nhưng, cố gắng cập nhật của các nhà biên soạn từ điển dường như vẫn không theo kịp tốc độ phát sinh của các loại “đạo” trong thời buổi loạn sách báo, các loại hình xuất bản.

“Đạo luận án” có thể xếp vào hàng “đại bợm”, sẵn sàng bê nguyên xi hàng chục trang viết của người khác. (Đa số các công trình này đều “xếp kho” sau khi “bảo vệ” xong nên rất ít khi bị phát hiện). “Đạo nhạc” ưa hành nghề ở phương xa, “cuỗm đồ” của người ngoại quốc về “lắp ghép” (Chỉ đến khi có người tình cờ nghe ca khúc ngoại quốc mới phát hiện ra. Mời đọc tại đây). “Đạo thơ” có khi là ý tứ, cảm xúc, một vài từ, vài câu, cho đến cả khổ thơ, bài thơ rồi ung dung đem in báo, dự thi, thậm chí là...đem tặng! (mời đọc “Lại một nghi án đạo thơ cần làm sáng tỏ-Trịnh Anh Đạt) “Đạo báo”, xào xáo tin tức diễn ra thường ngày ở nhiều cấp độ. “Đạo ý tưởng” tinh vi và rất khó bề kiểm soát...Thời buổi intetnet, báo mạng phát triển trở thành mảnh đất lý tưởng cho “đạo văn” hành hoành. Chỉ cần vài cái “nhấp chuột”, kẻ đạo văn đã biến sản phẩm trí tuệ của người khác thành của mình, không mất chút mồ hôi, công sức. Hai tiếng “đạo văn” trở thành nỗi ám ảnh của những người cầm bút sáng tạo.

Người xưa thật tài tình, tinh tế khi dùng hình ảnh một người nhỏ nước dãi thèm muốn và cái liễn đựng thức ăn để làm nghĩa biểu đạt hành vi “đạo”. Thực tế, hành vi trộm cắp dù là của cải vật chất hay sản phẩm trí tuệ đều có chung một điểm giống nhau: nhòm ngó, thèm thuồng và cuối cùng không cưỡng nổi ý đồ chiếm đoạt cái của người khác làm của mình. Bởi vậy, có thể nói trên đời có bao nhiêu loại trộm cắp, trong văn chương, học thuật có bấy nhiêu loại “đạo”.

Người “đạo” một cách kín đáo, kẻ lại cực kỳ manh động. Có “đạo” thuộc hàng “đại bợm” (bê nguyên văn), có loại chỉ “ăn cắp vặt” (lấy từng đoạn, từng ý). “Đạo”theo kiểu “Đói ăn vụng, túng làm càn” có; đạo để “làm giàu” danh vị, mở “mày mở mặt” với thiên hạ cũng không ít. Điều đáng nói, phần lớn các vụ “trọng án” lại chỉ được “lật  tẩy” một cách tình cờ tựa như cách “phát lộ” một di chỉ khảo cổ vậy.

Ở các nước phát triển, tội đạo văn (tiếng Anh: plagiarism) có thể bị đuổi học, phạt tiền, truy tố, tiêu tan sự nghiệp. Có thể lấy ví dụ ở Mỹ: Với sinh viên đạo văn, nhẹ thì bị trừ điểm, đánh trượt, tạm đình chỉ việc học, nặng thì bị buộc thôi học, ghi vào hồ sơ lý lịch, học bạ như là một vi phạm nặng về đạo đức. Nếu đang làm việc sẽ bị giáng chức, nặng hơn là sa thải và khó có cơ hội tìm việc làm nơi khác. Tên tuổi người vi phạm sẽ bị thông báo rộng rãi trong giới học thuật, khiến cơ hội công bố các công trình nghiên cứu hầu như khép lại. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng và bị kiện (ăn cắp công nghệ, sáng tạo) người vi phạm có thể sẽ bị xử theo tội danh hình sự. Với một sản phẩm sáng tạo, điều trước tiên người ta phải nhờ đến hệ thống dịch vụ kiểm tra để phát hiện hoặc giúp người cầm bút chuyên nghiệp tránh xa hai chữ “đạo văn”, dù vô tình hay cố ý.

Trông người lại ngẫm đến ta. Nạn “đạo văn” diễn ra tràn lan trong thời gian qua có một nguyên nhân không nhỏ đó là luật pháp không nghiêm, thiếu quy định cụ thể. Những trường hợp bị thu hồi văn bằng, giải thưởng hoặc kỷ luật, đuổi việc ở Việt Nam rất hãn hữu. Phần lớn người đạo văn (hoặc cơ quan báo chí đăng bài) chọn giải pháp im lặng, bao che người vi phạm. Nếu làm gắt thì đưa ra lời xin lỗi. Những trường hợp xin “nộp” lại tiền giải thưởng, nhuận bút, kèm lời xin lỗi tác giả coi như đã “lịch sự” lắm rồi! Trong tình hình nhộn nhạo, “khổ chủ” đành xem như “công lý” đã được “thực thi”.

Dường như đạo văn thật dễ dàng và vô tội! Bởi thế, có kẻ học hàm, học vị tới PGS, TS, Hiệu phó một trường đại học vẫn còn đạo văn! (Xem tại đây) Trên báo chí thì có hẳn một “lực lượng” cầm bút trẻ, chuyên “dạo chơi” trên mạng, sục sạo vào các trang báo địa phương, nhìn ngó các trang Blog, FB cá nhân, thấy gì “ưng mắt” là “chôm” ngay tức khắc (xem tại đây).

Có lẽ hành vi trộm cắp đầu tiên của con người đơn giản chỉ là miếng ăn, sau đó mới đến của cải vật chất; cuối cùng, và “cao cấp” hơn cả là ăn cắp trí tuệ! Tuy nhiên, xét bản chất hành vi thì ăn cắp trí tuệ đáng phê phán và đáng hổ thẹn nhất. Bởi những người đạo văn đều có chữ, được học hành, giáo dục tử tế, đáng ra là lực lượng trí thức sáng tạo của đất nước. Vậy mà họ lại trộm cắp trí tuệ, giết chết văn chương, học thuật sáng tạo-học theo cái nghề thượng cổ vốn là vụng trộm miếng ăn, miếng uống của kẻ “bần cùng sinh đạo tặc”!

Tục ngữ có câu “Gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”. Tuy mức độ manh động có khác nhau, nhưng có thể nói “gan” kẻ “đạo văn” to hơn gan kẻ trộm nhiều. Bởi xưa nay, có đạo chích, đại bợm nào sau khi đột nhập lại dám để lại tên tuổi, địa chỉ đàng hoàng như kẻ “đạo văn”? Dường như kẻ “đạo văn” không tự thấy mình phạm tội ăn cắp, và nhiều cơ quan báo chí cũng xem “trộm văn” là chuyện bình thường?

Nếu luật pháp vẫn nhân đạo, xã hội vẫn nương tay với thành phần lưu manh chữ nghĩa, chắc “thời” của hai chữ “đạo văn” vẫn sẽ còn dài dài...[2]

Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VÔ DẠNG – VÔ SỰ –  YỂN ỔN


Trong “Ngục trung nhật ký-獄中日記” của Hồ Chí Minh có bài “Thế lộ nan-世路難” (Đường đời khó khăn), bài I, hai câu:

“Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng
高 山 遇 虎 終 無 恙
Bình lộ phùng nhân khước bị giam.
平 路 逢 人 却 被 監”

Nam Trân dịch vừa hay vừa bám sát nguyên tác:
“Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao”

Thế nhưng Nhà phê bình Lê Xuân Đức lại không vừa ý. Trong sách “Nhật ký trong tù và lời bình” (NXB Văn học-2013), ông phân tích như sau: “Nếu dịch vô dạng là vô sự thì chưa chính xác. Trước tai hoạ gặp hổ mà nói là vô sự, gặp nguy hiểm rồi đấy chứ. Có nhà nghiên cứu cho biết vô dạng là lời người xưa hỏi thăm người gặp nguy hiểm nhưng được yên lành, không có chuyện gì xảy ra, nên vô dạng có nghĩa là bình yên, yên ổn và đề nghị dịch là: Non cao gặp hổ mà yên ổn”.

Chúng tôi xin có mấy lời trao đổi:

         1. Thực ra “nhà nghiên cứu” mà Nhà phê bình Lê Xuân Đức nhắc đến có tên là “Từ Điển”. “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu giảng nghĩa thứ ② của chữ dạng 恙: “Việc gì, như hỏi thăm ai thì nói vô dạng 無恙-không việc gì chứ? “Từ điển Hán Việt” của Trần Văn Chánh: “Việc gì: 安然無恙-An nhiên vô dạng- Bình yên không có việc gì;歲亦無恙耶? 民亦無恙耶?-Tuế diệc vô dạng na? Dân diệc vô dạng na?-Mùa năm nay được chứ? Dân vẫn bình yên chứ?”. “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh): “Vô dạng 無恙: Không có tật bệnh,lo lắng gì-không có hề gì, không nguy hiểm gì”.

         Ấy là nghĩa của “vô dạng”. Còn “vô sự” được Từ điển tiếng Việt (Vietlex) giải nghĩa: “vô sự • 無事 t. không việc gì, không gặp rủi ro, tai nạn [như đã lo ngại]: cầu xin cho gia đình mình được bình yên vô sự”. “Tự điển Việt Nam” (Lê Văn Đức): “vô sự • Không việc gì xảy đến cho mình, không bị làm rộn: Bình-yên vô-sự; vô-sự, tiểu-thần-tiên”.

Vô sự  tức không có chuyện gì xảy. Mà không có chuyện gì xảy ra nghĩa là bình an, không gặp nguy hiểm chứ còn gì nữa?

2. Nhà phê bình Lê Xuân Đức cho rằng, phải thay “vô sự” bằng “yên ổn”. Tuy nhiên, “yên ổn” thường dùng để nói đến cuộc sống nói chung, không có gì đảo lộn hay bị đe doạ bởi thiên tại địch hoạ, giặc giã (lâu nay thế nào, giờ đây và trong tương lai vẫn như vậy), chứ không gắn với tình huống an nguy cụ thể. “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex):“yên ổn • 安穩 t. bình yên, ổn định, không có rối loạn trật tự, không có gì đe doạ : đời sống yên ổn ~ yên ổn làm ăn ~ mọi việc trong nhà đã được thu xếp yên ổn. Trái nghĩa: bất ổn”. Như vậy, Nam Trân dịch: “Núi cao gặp hổ mà vô sự” hay và đúng hơn câu “Non cao gặp hổ mà yên ổn” của Lê Xuân Đức.

3.Ông Lê Xuân Đức thắc mắc: “Trước tai hoạ gặp hổ mà nói là vô sự, gặp nguy hiểm rồi đấy chứ”. Tuy nhiên, tác giả “Ngục trung nhật ký” viết: “Núi cao gặp hổ mà vô sự, Đường phẳng gặp người bị tống lao” là muốn tạo ra hiệu quả so sánh, đối lập giữa hổ và người (cụ thể là chính quyền bắt giam Hồ Chí Minh) để nói “chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn hổ dữ”. Truyện “Hà chính mãnh ư hổ”-苛政猛於虎 (Chính sự hà khắccòn tàn ác hơn hổ dữ) chép:

Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà đang khóc lóc ở mộ rất bi thương. Phu tử tựa đòn ngang xe, cúi xuống nghe thấy, sai Tử Lộ hỏi bà rằng:“Tiếng khóc của bà dường như đang có nỗi đau buồn chất chứa?”. Người đàn bà trả lời:“Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, sau đó chồng tôi chết vì cọp, bây giờ con trai tôi cũng chết vì cọp”. Phu tử mới hỏi: “Tại sao bà lại không bỏ đi nơi khác?”. Người đàn bà đáp lại: “Vì ở đây chính sự không hà khắc”. Phu tử quay lại nói:“Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sự hà khắc còn tàn bạo hơn cọp vậy”. (theo sách Lễ Ký -HTC diễn đạt lại trên cơ sở bản dịch của Trần Văn Chánh).

Vì không hiểu ý tứ sâu xa trong câu thơ Hồ Chí Minh, nên Nhà phê bình Lê Xuân Đức mới chê “dịch vô dạng là vô sự thì chưa chính xác”, rồi sửa lời thơ dịch của Nam Trân: “Núi cao gặp hổ mà vô sự” thành: “Non cao gặp hổ mà yên ổn”(!), “bò lành đánh bò què”, đọc lên thấy tênh hênh như vậy.
                                                        
Hoàng Tuấn Công
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÁN BỘ


Hôm qua , trang Facebook của Đại sứ quán Đức phần tiếng Việt có bài viết về phòng chống tham nhũng nơi cơ quan công quyền. Trong đó có đoạn xin được trích nguyên văn:

“Chống tham nhũng trong cơ quan công quyền là rất quan trọng. Lòng tin vào cơ quan công quyền bị suy giảm đáng kể vì tham nhũng và qua đó bộ máy hành chính mất đi tính hợp pháp của mình. Ở đây cách ứng xử của mỗi nhân viên là yếu tố quyết định. Nhân viên trong cơ quan hành chính công chịu sự điều chỉnh của luật pháp và pháp luật Đức. Hành động của họ phải công bằng, minh bạch và không tư lợi. Vì thế ở Đức những hành động tham nhũng bị phòng chống bằng các công tác kiểm tra, phát hiện và xử phạt. Thông qua quá trình nhận thức được tham nhũng, các hội thảo, các khoá bồi dưỡng và các khoá học tương tác, nhân viên hành chính công được thông báo về các nguy cơ và tình huống có thể xảy ra tham nhũng. Ngoài ra họ còn nhận được một bộ quy tắc ứng xử giải thích các nguyên tắc của ứng xử minh bạch. Cán bộ lãnh đạo nhận được một bản chỉ dẫn phải thực hiện những biện pháp nào để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng”.

Về nội dung và ý nghĩa của đoạn trên thì đã rõ ràng rồi, không dám thêm bớt điều gì. Chỉ có lạ ở chỗ là họ dùng từ “cán bộ” vì trước giờ thì chỉ có các văn bản của người Việt hay Trung Quốc mới dùng từ có 2 chữ “cán bộ” mà thôi. Không ít người cứ đinh ninh rằng “cán bộ” là từ Hán Việt nên người Âu biết đâu mà dùng.

Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2000, tr 207, tr 109 định nghĩa: “Cán bộ là người làm công tác có chức vụ trong một cơ quan, một tổ chức”.

Lâu nay về mặt ngôn ngữ, “cán bộ” được xem là từ mượn từ ngôn ngữ Trung Quốc nhằm để chỉ những người có chức vụ trong một tổ chức. Nhưng giờ nghĩ lại, khi đọc trong các truyện xưa như Tam quốc, Thuỷ hử... thì cũng đâu thấy các cụ nhà ta dịch 2 chữ cán bộ. Vậy từ “cán bộ” có nguồn gốc thế nào?

Thực ra, người Trung Quốc cũng không phải người phát minh ra từ cán bộ. Thành ra hiểu “cán” là tài cán hay hiểu “cán” là gốc gác đều không đúng. Theo từ điển wikipedia tiếng Trung, cán bộ (干部) là từ được người Trung Quốc đọc dựa theo từ “cadre” của người Anh và cadre có nghĩa là khung cột, được hiểu theo nghĩa bóng là lực lượng nòng cốt. Như vậy từ cadre từ tiếng Anh, qua tiếng Hán rồi sang Việt Nam chuyển thành từ cán bộ và cái nghĩa là lực lượng nòng cốt ban đầu được hiểu thành “người làm công tác có chức vụ trong một cơ quan, một tổ chức”.

Anh Tú
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÉO BỞ, BẸO MÁ,  BẸO HÌNH HÀI


Làm nên sự lắt léo, thậm chí… rắc rối trong tiếng Việt còn là do sự xuất hiện trùng trùng điệp điệp của các từ đồng âm.

Bởi vì rằng, cũng từ đồng âm đó nhưng tuỳ vùng miền lại hiểu theo nghĩa khác nhau. Thế mới là... tiếng Việt.

Đã có vài từ điển đồng âm tiếng Việt được ấn hành, tuy nhiên chỉ mới dừng lại khảo sát các từ có tính phổ thông, như thế vẫn chưa đủ.

“Béo như bồ sứt cạp”

Một khi người đàn ông mất vợ hoặc ly dị vợ đến với người đàn bà cùng hoàn cảnh thì sự xe duyên này được gọi bằng cụm từ dân dã, dễ nhớ, nghe tức cười: “Rổ rá cạp lại”. Cạp là buộc/viền/bịt xung quanh mép dụng cụ đan dệt/đan lát để nó khỏi xơ, sờn, rách bị bung ra.

Có cô chân dài từng tuyên bố: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Thì cạp trong ngữ cảnh này lại là gặm, cắn từ ngoài vào như cạp bắp, cạp khoai lang sống... Từ cạp đi vào thơ Trang Thế Hy: “Em cầm một củ khoai/ Ghé răng cạp vỏ rơi/ Xong rồi mình chia đôi...”.

Với từ cạp, thành ngữ còn có câu “Béo như bồ sứt cạp” là nhằm chỉ ai đó sồ sề, béo quá cỡ thợ mộc, béo ục ịch được so sánh na ná Béo như con cun cút, Béo như trâu trương, Béo như bò mộng...

Một người khoe: “Tớ vừa ký được cái hợp đồng béo bở quá”. Béo bở là béo ra làm sao? Béo bở là từ đôi nhằm chỉ món hàng sộp, ngon lành, có thể kiếm được nhiều lời/lãi.

Nghe câu khoe ấy, người đối diện bĩu mép: “Cậu béo mép đến là tài”. Người kia chống chế: “Ừ, có thế mình mới béo chứ!”.

Béo này lại là lợi lộc. Còn béo mép là chỉ ai đó nói trơn miệng, lưỡi như thoa mỡ nhưng chẳng làm được gì sất, đúng là “Ba voi không được bát nước xáo”.

“Em bẹo hình hài đem bán...”

Lúc bước vào quán phở, có người dặn chủ quán: “Vẫn tái nạm gầu, ít béo”. Thì béo lại chỉ nước mỡ béo ngậy. Một cô bé la toáng lên: “Má ơi, chị Hai béo má con nè”.

Mà béo cũng là véo. Véo là lúc ấy cô bé bị chị nghịch ngợm chụm đầu ngón tay trỏ với tay cái bẹo ngay vào má.

Nhà văn Trang Thế Hy viết: “Em bẹo hình hài đem bán...”. Thế thì, hiểu thế nào cho đúng từ bẹo?

Việt Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Bẹo: nêu ra, để ra cho người ta ngó thấy”. Ta hiểu là phô trương, phơi bày hình thể, khêu gợi sự thèm muốn của người khác.
Dấu vết của nghĩa này còn nằm trong câu cửa miệng “Bẹo hình bẹo dạng”.

Mà bẹo không chỉ có nghĩa phô bày, trưng ra mà còn có nghĩa là cấu, véo lấy đi một ít. Thời nhỏ còn đi học ở Quảng Nam, lúc ra chơi thấy bạn cầm cái bánh ngon quá, thèm quá, có đứa năn nỉ: “Nề mi, cho tau bẹo một chút”.

“Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”

Xưa kia, nhằm đuổi chim chóc không cho chúng phá hoại mùa màng, sà xuống ăn thóc lúa thì nông dân thường dựng bù nhìn/bồ nhìn trên cánh đồng, vườn tược.

Đó là cái hình người nộm được bện bằng rơm rạ, đầu đội nón cời - hầu như nay ít thấy nữa, tuy nhiên thành ngữ vẫn còn ghi nhận: “Bồ nhìn coi ruộng dưa”.

Tương truyền vua Lê Thánh Tông có bài thơ vịnh bù nhìn, và câu luận miêu tả chính xác: “Dẹp giống chim muông xa phải lánh/ Dể quân cày cuốc gọi không thưa”.

Tương tự bù nhìn, thời xưa ở miền Nam lại gọi “bẹo chim”, hiểu theo nghĩa: “Để vật chi cho chim ngó thấy mà tránh”, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích.

Nếu muốn trêu chọc, chọc tức, trêu ngươi, trêu gan ai đó, ta còn có thể dùng từ bẹo gan. Còn bẹo mặt là chường mặt ra để chọc tức người khác cho bõ ghét. Thế thì bẹo nhẹo là gì? Chỉ là cách phát âm của bèo nhèo hiểu theo nghĩa mềm nhũn, nhão, bầy nhầy.

Một người than: “Tiền thưởng bèo bọt quá” là hàm ý chẳng đáng bao nhiêu, số tiền ấy nhỏ nhoi, ít ỏi chẳng khác gì “Bò chét nhét miệng hùm”.

Truyện Kiều có câu: “Rộng thương cỏ nội hoa hèn/ Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” thì “bèo bọt” phải hiểu qua nghĩa khác.

Bèo bọt là cái bèo, cái bọt nổi trôi, trôi dạt trên mặt nước theo dòng chảy, không chốn nương thân nhằm ngụ ý về thân phận hèn mọn, bọt bèo trôi nổi...

Khi đi về miền sông nước Tây Nam Bộ, ta thấy một cách tiếp thị sản phẩm rất độc đáo là các loại nông sản mua bán như dưa hấu, bầu, khoai lang, bưởi, khóm, chuối, hành, tỏi… được treo lủng lẳng trên vài cây tre cắm ngay tại thuyền/ghe. Khách đi xa cũng có thể nhìn thấy. Cây này gọi là cây bẹo.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NGÁO ỘP


Ngáo ộp - 1 nhân vật hay sinh vật huyền bí thường xuất hiện khi người lớn dỗ trẻ con hay khóc đêm. Đáng sợ là thế nhưng chính xác ngáo ộp là con gì?

Ngáo ộp là một trong ký ức mà hầu hết ai là người Việt Nam cũng biết đến. Đó là “nhân vật” mà bố mẹ thường đem ra doạ mỗi khi chúng ta khóc nhè lúc bé.

Nhưng điều mà ít ai biết được là nguồn gốc của ngáo ộp là gì, sinh vật đó có thật không hay chính xác nó là con gì?

Ngáo ộp và những ký ức thời thơ ấu

Đối với mỗi người chúng ta lúc còn nhỏ, ngáo ộp là 1 cái gì đó vô cùng đáng sợ, 1 thứ áp lực vô cùng lớn. Nó đáng sợ đến nỗi, khi trẻ nhỏ gào khóc trong đêm, nhắc đến ngáo ộp là không còn tiếng quấy khóc nào nữa.

Hay người lớn thường dùng ngón tay kéo khoé miệng và đuôi mắt lại gần nhau, trông vô cùng dữ tợn thì cũng sẽ chỉ còn lại sự tĩnh lặng trong đêm.

Không chỉ có thế, ngáo ộp trong ký ức của chúng ta còn là những chiếc bóng to lớn đáng sợ soi trên tường, dập dìu theo ánh sáng lúc ẩn lúc hiện của ngọn đèn dầu hay những cây nến trong đêm, văng vẳng đâu đó là tiếng kêu rợn người của những con ếch, ễnh ương.

Vậy chính xác ngáo ộp là gì?

Trong lịch sử dân gian Việt Nam, có lưu truyền rất nhiều giai thoại, sự tích về ngáo ộp. Ví như, ngáo ộp chỉ là chiếc bóng người soi trên vách, dùng để doạ trẻ con, và nó có xuất xứ từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nước ta.

Nhưng có vẻ câu chuyện không đơn giản là như vậy. Có một giai thoại kể rằng:

Ngáo ộp là một con yêu quái méo mồm, mắt trợn ngược, hay đi bắt cóc trẻ con hư. Đây cũng là nguồn gốc mà mỗi khi người lớn muốn doạ có ngáo ộp thì thường dùng ngón tay để kéo đuôi mắt và khoé miệng lại gần nhau, trông càng méo mó càng tốt.
Trên thực tế, trong từ điển của chúng ta không có từ ngáo ộp, mà chỉ có từ “Ngáo” mà thôi. Theo đó, Ngáo là tên riêng của 1 người đàn ông mạnh mẽ, cường tráng đời xưa, từng lấy lưng trần để đỡ 1 cái thuyền lớn. Khoẻ mạnh là vậy, nhưng Ngáo lại là người ngây ngô, ngốc nghếch, trí tuệ không mấy thông tuệ.

Cũng từ truyền thuyết đó mà thời nay chúng ta dùng từ “Ngáo” để chỉ những người ngây ngô, nhiều lúc như điên như dại. Nhưng từ đó lại không liên quan gì yêu tinh, ma quỷ, hay ngáo ộp của chúng ta đang tìm hiểu bên trên.

Trong rất nhiều giả thuyết được đặt ra, các nhà nghiên cứu dành nhiều sự tán đồng nhất với trường hợp sau.

Vào năm 1909, bộ tranh dân gian Oger ở Hà Nội có 1 bức mang tên: Ngáo ộp doạ trẻ. Vậy phải chăng “Ngáo ộp” có nguồn gốc từ phương tây? Thực ra, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trong câu chuyện “Thằng bé tý hon” của Charles Perrault (1628-1703) như sau:

“Thằng bé tí hon kể truyện một gia đình tiều phu nghèo, sinh được 7 đứa con trai. Thằng út thông minh nhất nhà, nhưng thân hình thì thấp bé tí hon nên gọi là Bé Tí. Do nhà nghèo quá, không nuôi nổi đàn con, vợ chồng bác tiều phu quyết định đem chúng bỏ lại trong rừng.

Một hôm anh em Bé Tí đến gõ cửa một nhà kia để xin ăn. Không ngờ rơi vào nhà của một cặp yêu tinh và bảy cô con gái yêu. Cả nhà ai cũng thích ăn thịt tươi. Nhất là... thịt trẻ con, nên chúng bị bắt lại.

Bé Tí dù rất hoảng sợ nhưng nhanh chóng trấn tĩnh rồi dùng mưu mẹo mới cứu được các anh em của mình. Nó còn lấy được đôi hia bảy dặm và vàng bạc của yêu tinh.

Bảy anh em tìm trở về nhà tìm cha mẹ. Vợ chồng con cái bác tiều phu lại được đoàn tụ. Bắt đầu một cuộc sống sung túc”.

Yêu tinh ăn thịt trẻ con của câu chuyện trên có tên là Ogre. Sang đến Việt Nam, cái tên đó được dịch thành Ộp. Từ đó, người ta sử dụng từ “Ngáo Ộp” để chỉ yêu tinh, yêu quái có hình dạng xấu xí, méo mó hay đi bắt trẻ con ăn thịt.

Giả thuyết trên dù chưa được chứng minh nhưng vẫn là cái được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ nhất.

Trí Thức Trẻ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÔNG TỬ BỘT


Người ta thường chê những thanh niên trắng trẻo, nhìn có vẻ hiền lành ngờ nghệch là công tử bột. Vậy chính xác đó là vì sao?

Thành ngữ về Công tử bột

Không chỉ thời xưa, đến ngay bây giờ nhiều khi chúng ta vẫn nghe thấy ai đó bị gọi là “Công tử bột”. Đó là thành ngữ dùng để chỉ những cậu ấm con nhà giàu, béo tốt, trắng trẻo nhưng lại ít am hiểu về xã hội, thường ngờ nghệch, vụng về và đặc biệt là ham chơi, lười nhác.

Đó là những thanh niên mà “nắng không đến mặt, mưa không đến đầu”, làm gì cũng cần có người giúp đỡ, chỉ từng ly từng tý một. Đôi khi, đó còn là do sự bao bọc quá kỹ của bậc phụ huynh không muốn con cái mình phải chịu cảnh va vấp cuộc đời từ quá sớm thành ra phản tác dụng.

Ngày nay, “công tử bột” thường được dùng với ý nghĩa châm chọc, mỉa mai, đôi khi có phần đả kích cách sống dựa dẫm nhưng vẫn có chút thương hại chứ không đến độ ghét bỏ, căm thù.

Nhưng nghe nhiều là vậy, nói nhiều là vậy nhưng mấy ai biết được nguồn gốc chính xác của danh xưng này?

Nguồn gốc
1.
Lý giải của cụ Nguyễn Công Hoan

Trước đây, nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng từng có những giải thích như sau: “Đây là tiếng chế giễu một học sinh đi ăn cắp. Tên hắn là Nguyễn Đức Quý. Quý sau này làm mật thám cho Pháp, can vào vụ âm mưu bắt cóc cụ Phan Bội Châu ở Thượng Hải năm 1925.

Quý là con một người tòng sự ở Sở bưu điện Hà Nội. Hồi còn đi học, Quý đã mê một người đào hát, tên là Minh ở rạp Quảng Lạc. Quý muốn tặng cho Minh một chiếc nhẫn kim cương, bèn nghĩ cách ăn cắp của cửa hàng Gôđa”. Trích Tuyển tập Nguyễn Công Hoan - tập III năm 1986, NXB Văn Học, Hà Nội.

Thế nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các bằng chừng phản bác và tỏ ra không đồng tình với quan điểm này. Cho nên đây có thể coi là 1 trong những phương án mang tính tham khảo mà thôi.
2.
Lý giải khác

Nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết đã đưa ra bằng chứng khác để quyết tâm tìm được nguồn gốc chính xác. Theo dó, dựa trên sách:“Kể chuyện thành ngữ” tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội chúng tá sẽ có:

“Theo nhiều người kể lại, các công tử bột không phải ai xa lạ mà chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp thuộc. Thuở ấy, các công chức này thường ăn diện quần áo trắng tinh, bảnh bao, cứ chạy nhong nhong như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn.

Trong mắt người lao động, bọn họ là loại người ăn trắng mặc trơn. Nhưng cớ sao lại gọi họ là công tử bột? Công tử là con quan thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng bột là gì?
Ở đây, trong cách hiểu dân gian, dường như có sự trùng âm giữa từ “bột” với nghĩa như trong bột gạo, bột mì, bột sắn, gà bột, phổng bột... Cũng như các thứ đồ chơi cho trẻ, xinh xắn, bụ bẫm....

Và từ bột vốn là cách đọc chệch của âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép). Hoá ra, công tử bột là chàng công tử làm nghề bưu điện...”.
Trên thực tế, cách giải thích này vẫn còn những điều chưa thoả đáng. Đầu tiên, thành ngữ về “Công tử bột” không phải để dùng riêng cho càng công chức bưu điện, những người thường chạy rong ngoài đường; mà dùng để chỉ những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu.

Thứ hai, thành ngữ đó dùng để mỉa mai những nam thanh niên suốt ngày ăn chơi không chịu làm lụng, được nuôi theo phong cách gà công nghiệp, khiến họ yếu về thể chất, bạc nhược về tinh thần.
3.
Lý giải hợp lý nhất

Thực ra, 2 cách giải thích trên không đúng hoàn toàn mà cũng không sai hoàn toàn. Lời giải thích được nhiều nhà nghiên cứu tán đồng nhất có lẽ là sự kết hợp của cả 2.
Ban đầu có thể công từ bột là sự đọc chệch đi của của từ poste. Khi có 1 nhà báo thời đó tìm hiểu, điều tra về đứa con hư của viên chức bưu điện cấp cao tên Nguyễn Đức Quý, ông có sử dụng từ công tử bột và ở đây xuất hiện sự chuyển nghĩa ẩn dụ.
Và từ đó, thành ngữ công tử bột thường được người dân sử dụng như 1 cách để mỉa mai những cậu ấm chỉ biết ham chơi, phá phách, đôi lúc có phần ngờ nghệch trẻ con chứ không thích siêng năng làm lụng.

Trí Thức Trẻ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHÂN TÌNH và TÌNH NHÂN


Trong khi nói và viết, không ít người nhầm lẫn giữa hai từ“nhân tình” và “tình nhân”. Đôi khi người ta  xem “nhân tình” hay “tình nhân” đều có nghĩa là người tình hoặc người yêu. Một số người lại lầm tưởng: “tình nhân” là người yêu trong quan hệ yêu đương đứng đắn, hợp pháp. Còn “tình nhân” là cách ám chỉ những người có quan hệ bất chính, khi cả hai (hoặc một trong hai) đã có vợ, có chồng. Ví dụ “Ông ấy bắt nhân tình với một cô đang còn trẻ lắm” hoặc “Ông ấy có nhân tình nhân ngãi...” Cách dùng sai, hiểu sai từ nhân tình, tình nhân không chỉ tồn tại trong đời sống đại chúng mà còn ảnh hưởng tới cả những người cầm bút.

Câu mở đầu bài thơ “Ghen” Nguyễn Bính Viết: “Cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi”. (Thơ Nguyễn Bính thường có nhiều dị bản). Nếu quả thực đây là văn bản đáng tin cậy thì Nhà thơ đã dùng từ “nhân tình” với nghĩa không chính xác là người yêu, người tình. Trong khi hiểu đúng nghĩa, “nhân tình” là tình người, và “tình nhân” mới có nghĩa là người tình, người yêu.

Từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh) giải nghĩa:
-“Nhân tình: tình dục của người, tình riêng đối với nhau (tình dục ở đây hiểu theo nghĩa là tình cảm, lòng ham muốn nói chung của con người, chứ không phải tình dục trong quan hệ tình dục-HTC chú thích)
-“Tình nhân: Hai người trai gái yêu nhau gọi là tình nhân”.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên):
-“Tình nhân [cũ, hoặc văn chương] người yêu: Tình nhân lại gặp tình nhân, hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình (Kiều).

Thành ngữ Hán Việt có câu “Nhân tình thế thái” (hoặc Thế thái nhân tình) có nghĩa là: tình người, thói đời. Cụ Tú Xương khi nói về tình người bạc bẽo thời bấy giờ (thực dân phong kiến) cũng đã viết: “Đ. mẹ nhân tình đã biết rồi, Lạt như nước ốc bạc như vôi”. Hay “Trước đèn xem truyện Tây minh, Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le” (Lục Vân Tiên) Ở đây, từ nhân tình đã được dùng chính xác với nghĩa là tình người.

Có lẽ, do sự lẫn lộn trong nói và viết quá nhiều nên trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã đi đến sự “thoả hiệp” với cái sai. Đó là sau khi giải nghĩa:“Nhân tình: tình cảm giữa con người với nhau, tình người (nói khải quát); Nhân tình thế thái lòng người và thói đời”, đã ghi nhận cách dùng lẫn lộn trong thực tế: “nhân tình” đồng nghĩa với “tình nhân, người tình, nhân ngãi” và giải nghĩa: “Nhân tình:người có quan hệ yêu đương với người khác (thường là không chính đáng), trong quan hệ với người ấy”.

Trong khi, thực tế đáng mừng là từ “tình nhân” đã và đang được mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng đúng. Ví như nói “Ngày lễ tình nhân” chứ không nói Ngày lễ nhân tình !

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

XE ĐÒ, QUÁ GIANG, CON LƯƠN
và LỜI CỦA NƯỚC


Đối với những cư dân nông nghiệp vùng nhiệt đới với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao như ở Việt Nam - nơi mà canh tác đất đai chủ yếu là trồng lúa nước, nước chi phối sâu sắc đến toàn bộ đời sống của người dân Việt.

Với người Việt, hình ảnh nước được lưu nhận, cố định trong ngôn ngữ dân tộc như một ký mã có thể lý giải được về mặt văn hoá, tiếp nguồn cho đạo lý của dân tộc để mang lại “hồn nước” thấm đẫm trong dòng chảy văn hoá của lịch sử.

Cách lập ý từ hình ảnh sông nước

Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm người Việt đến mức “nước” là danh từ với nghĩa ban đầu để chỉ chất lỏng, nhưng với người Việt bằng phương pháp hoán dụ đã chuyển “quê hương”, “tổ quốc”, “lãnh thổ” thành từ đồng nghĩa với “nước” - để chỉ “tổ quốc”, người Việt chỉ cần chữ “nước” là đủ - một hiện tượng hiếm thấy trên thế giới.

Người Trung Hoa có chữ “quốc” mang hình dáng vuông vắn, tượng hình một vùng đất; người Pháp dùng từ “nation” nhấn mạnh đến yếu tố “nơi tôi sinh ra”. Hoàn toàn không giống cách lập ý của người Việt.

Trong các quy luật hình thành ngôn ngữ, có một quy luật xuất phát từ những yếu tố sông nước hoặc những hoạt động trên sông nước, người Việt hay nói: anh ta ăn nói trôi chảy, hai đứa nhìn nhau đắm đuối, thời gian trôi nhanh, thân phận bọt bèo, mặt trời lặn, suối tóc, làn sóng đấu tranh, lặn lội đến thăm nhau, làm việc ngập đầu, chìm đắm trong suy tư, tràn trề hạnh phúc...

Đi nhờ xe một đoạn gọi là quá giang (qua sông), đi xe khách liên tỉnh thì người Nam Bộ gọi là xe đò, vách ngăn cách trên đường bộ thì gọi là con lươn (con vật sống dưới nước), rẻ như bèo (thực vật sống dưới nước)...

Nước đã ghi dấu ấn đậm nét trong tâm thức người Việt thông qua những câu ca dao - tục ngữ. Có nhiều công trình nghiên cứu về thiên nhiên sông nước trong ca dao - tục ngữ.

Các nhà nghiên cứu đã thống kê chỉ riêng trong ca dao, dân ca Nam Bộ có đến 48 hình tượng thiên nhiên liên quan đến sông nước, riêng nước xuất hiện 417 lần.

Ví như: nói về lòng biết ơn: uống nước nhớ nguồn; về nghị lực ý chí: chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; về tình đoàn kết: thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn; về tính tiết kiệm: buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện; về cuộc đời: sông có khúc, người có lúc; về quan hệ vợ chồng, tình yêu nam nữ: thuyền theo lái, gái theo chồng...

Biểu tượng sinh thành

Đặc trưng sông nước này cũng ghi dấu trong các địa danh trên đất Việt như: Bến Nghé, Bến Thành, Bến Dược, An Giang, Hậu Giang, Hà Tiên, Hà Tĩnh, Cửa Đại, Cửa Lò, Hải Dương, Hải Hậu, Hải Ninh... Tính riêng trên địa bàn của TP.HCM cũng đã có tới 1.319 địa danh là tên sông rạch.

Thật thú vị thay, nước còn được xem là biểu tượng sinh thành của dân tộc.

Một linh vật của dân tộc Việt lại có nguồn gốc từ nước, đó chính là hình tượng “con Rồng cháu Tiên” qua truyền thuyết “Lạc Long Quân, Âu Cơ và cái bọc trăm trứng”. Rõ ràng nước trong trường hợp này được hiểu là nơi mà sự sống nguyên khai nảy sinh.

Tiếng Việt còn giữ lại một thành ngữ văn chương điển hình cho biểu tượng nước: “thuở còn trứng nước” chỉ đứa trẻ sơ sinh, có một ý nghĩa hồng hoang, khởi thuỷ.

Từ lúc còn “trứng nước” đến khi lìa đời, người Việt cũng hình dung về đến “thế giới bên kia” là một vùng sông nước - “về nơi chín suối”, “về với suối vàng”.

Và cũng không quên phương tiện tiễn đưa người mất - quan tài được mô phỏng hình là chiếc thuyền rồng (phương tiện vận chuyển trên nước) với nghi lễ chèo đưa linh trong phong tục tang ma truyền thống.

Như vậy, rõ ràng ngôn ngữ “tiếng nước tôi” đã hiển lộ rõ dấu ấn đậm nét của nước trong việc ứng xử, giao tiếp lời ăn tiếng nói hằng ngày, biết khôn ngoan “gạn đục khơi trong”, biết mạnh mẽ, bền bỉ với “nước chảy đá mòn”, biết mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển như nước để “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”…, tạo nên nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp từ một vùng sông nước mênh mông.

THS NGUYỄN HIẾU TÍN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GÒ, O, CUA, CÁI VE VE


Kho tàng tục ngữ người Việt của Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian (Nguyễn Xuân Kính chủ biên - NXB VHTT-2002) giải thích: “Thôn Vân Sa thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì; Kẻ Mơ (tức Thanh Mai) cũng huyện Ba Vì (nay thuộc Hà Nội), xưa có tục đàn ông để tóc dài, đàn bà đã có con thường cắt trọc”.

Dù không xuất hiện từ “tóc” nhưng ai cũng hiểu “cắt trọc” là cắt tóc, cắt sát da đầu đến mức trọc lóc/ trọc lốc/ trọc tếu/ trọc tếch/ trọc lóc bình bôi… “Nắm đứa có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”, ta hiểu “trọc đầu” là do đã cắt trọc - nhưng theo nghĩa bóng, lại chỉ kẻ “trên răng dưới khố”, không có tài sản gì đáng kể, dẫu có bắt vạ nó cũng chẳng kiếm chác được gì.

Một người thợ hỏi: “Thích hớt kiểu nào?”, khách đáp: “Húi cua” tức cắt/ xén tóc ngắn cho gọn gàng.

Thế nhưng, “cúp cua” lại là trốn học - cua ở đây, đích thị là cours hiểu theo nghĩa bài giảng, giáo trình, lớp học; hoàn toàn khác với court ở trên là ngắn. Vốn từ tiếng Pháp đã du nhập vào lời ăn tiếng nói của người Việt và nó đồng âm với cua/ con cua.

“Ruộng gò cấy lúa Ba Xe/ Thấy em còn nhỏ anh ve để dành”. Sự dí dỏm, tinh nghịch gói gọn trong từ “để dành” rất ư láu cá. Ve cũng hàm nghĩa như gò, cua.

“Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”. Nhưng ve cũng là be, chai, lọ dùng để đựng chất lỏng: “Cô về chợ Thủ bán hũ bán ve/ Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”.

Ve và chai một khi đi chung khắng khít, trở thành “ve chai” thì lại làm nghĩa thu mua đồ cũ, lặt vặt, đã cũ, đã hỏng, hằm bà lằn xắn cấu, chứ không chỉ ve, chai. Còn có từ cùng nghĩa là đồng nát:“Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm thì về với cha”.

Trong Hồng Đức quốc âm thi tập, vua Lê Thánh Tôn viết: “Đậu lá, võ vàng con bươm bướm/ Ấp cây, gầy guộc cái ve ve”. Thì, “cái ve ve” đích thị con ve ve/ ve sầu.

Ngoài các từ gò, cua, ve chỉ cái sự tán tỉnh người đẹp còn có thể kể thêm từ gì nữa? Thấy chồng bước ra khỏi nhà, cô vợ bắt nọn: “Chà, bữa nay anh chưng diện láng cóng, ăn mặc bảnh tỏn chắc đi o mèo à?”. O là o bế, đeo đuổi tán tỉnh, chiều chuộng.
Người chồng đáp: “Em Tào Tháo ghê. Anh đi thăm sếp”. Ca dao Nam bộ có câu: “Ba má bày đặt cho anh/ Áo bà ba may hai cái túi đựng dầu chanh o mèo”.

Ai cũng biết, “Cái răng, cái tóc là cái gốc con người”. Trong quan niệm của người Việt thời trước: “Búi tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”. Thế nào là “tóc củ hành”? Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền giải thích: “Ngày trước đàn ông không cắt tóc, tóc dài thường búi về phía đỉnh đầu. Câu tục ngữ này ý nói người thượng lưu ít tóc, búi tóc chỉ nhỏ như củ hành, song vẫn là bậc ở trên của mọi người” (Nguyễn Khuyến tác phẩm - NXB TP.HCM - 2002, tr. 582).

Củ hành thì dễ hiểu rồi, không cần nói gì thêm. Tuy nhiên, đôi khi nó lại được ám chỉ qua nghĩa khác, chẳng hạn, dân gian có câu vần vè: “Tóc bạc thì nhuộm cho xanh/ Cơ bản giữ được củ hành cho tươi/ Hỏi anh, anh chỉ mỉm cười:/ Cứ trồng “đất lạ” là tươi củ hành”.

Tóc dài, nếu không thả/ xoã thì búi lại. Búi tóc cũng gọi búi tó, gọi hóm hỉnh trêu chọc là tổ quạ/ tổ chí. Chí còn gọi là chấy. “Đầu ai chấy nấy” ngụ ý ai cũng có khuyết tật, nhược điểm, nỗi khổ riêng.

Thường ở người nữ, tóc dài không chỉ bới mà còn tết/ thắt/ vấn. “Chị kia bới tóc đuôi gà/ nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu?”. Cô gái chọn cách trả lời nhẹ nhàng: “Nhà tôi ở dưới đám dâu/ Ở bên đám đậu đầu cầu ngó qua/ Ngó qua đám bắp trổ cờ/ Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông”.

Chỉ nhà nhưng thật ra không chỉ gì cả, âu cũng là một cách xử trí thông minh lượn lờ kín kẽ. Cái đuôi tóc ấy, còn gọi là bím.

Mà bện tóc thành bím cũng gọi là kết. Thành ngữ Kết tóc xe tơ lại chỉ chuyện kết hôn/ kết duyên. “Đã thương cắt tóc trao tay/ Tha hồ én liệng, nhạn bay mái ngoài”, thì ở đây lại là cắt tóc thề nguyền, giữ lấy lọn tóc để làm tin, minh chứng cho tình yêu thuỷ chung son sắt.

Lúc thề nguyền với nhau, giữa Thuý Kiều và Kim Trọng vẫn là “Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”. Con dao ấy, rõ ràng cùng để cắt tóc.

Tuỳ mỗi thời, tuỳ dụng cụ sử dụng có nhiều cách gọi nhưng vẫn đồng nghĩa, chẳng hạn, cạo/ gọt/ cắt/ húi/ cúp/ hớt. Nhiều người lớn tuổi có tóc sâu, tức tóc ngứa; “Da mồi tóc bạc” tức tóc hạc, tóc trắng.

Nếu mái tóc đen chen trắng lại gọi tóc hoa râm, tóc sương (tức trắng lấm tấm như trên tóc có hột sương lấm tấm), còn gọi tóc muối tiêu. Những người trẻ thường tóc xanh, quái lạ, xanh ở đây lại chỉ màu đen. “Tóc còn xanh, nanh còn sắc” thì nanh” cũng được hiểu là răng.

LÊ MINH QUỐC
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [30] [31] [32] [33] [34] [35] [36] ... ›Trang sau »Trang cuối