44.00
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
100 bài thơ
3 bình luận
4 người thích
Tạo ngày 03/07/2007 15:59 bởi Hoa Xuyên Tuyết, đã sửa 1 lần, lần cuối ngày 03/07/2007 16:01 bởi Hoa Xuyên Tuyết
Võ Quê sinh ngày 7/3/1948 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế, còn dùng các bút danh Sao Khuê, Quỳ Lê. Ông là nguyên chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế từ 1998 đến 2005, phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung Thừa Thiên Huế, chủ nhiệm câu lạc bộ Ca Huế Nhà văn hoá Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Người Huế yêu mến và quý trọng anh với tư cách là nhà thơ của phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế những năm 1971, 1972 - nhà thơ của dòng thơ “một thuở xuống đường”, một người Huế rất yêu Huế, sống và sáng tác theo một phương châm giản dị mà luôn toát lên vẻ đẹp của sự chân thành, chân tình: “Cuộc sống và tác phẩm văn học là một. Nhà văn sống đẹp, sống tốt với đời, với người để mỗi trang văn, mỗi tứ thơ luôn lấp lánh hạnh phúc,…

 

Lục bát giới thiệu đặc sản Huế

 

 

Ảnh đại diện

Nhà thơ Võ Quê chuyển sang làm “thơ lái”

“Trời lụt ca nhi cũng trụt lời Trời đong mưa lũ xuống trong đời Với lạy lụt tan lành váy lại Đời cho du khách dạo đò chơi”

Mình làm thơ lái từ năm 1999 với bài đầu tiên là Trời lụt ca nhỉ cũng trụt lời (trời lụt nói lái thành trụt lời) nhân cơn lũ thế kỷ 1999. Nghe mình đọc bài thơ ni xong, chị em ca Huế cười khoái chí, người Huế vốn có tính tự trào mà! Hiện nay mình làm chưa nhiều thơ lái nhưng cũng cố gắng để một hai năm tới có thể in một tập” - đó là tâm sự của nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội LH VN-NT Thừa Thiên - Huế về “thể loại” thơ độc đáo mà ông đang theo đuổi.

Chỉ thơ lái mới “tải” hết được thời sự...

Võ Quê là một người đã nổi tiếng từ khi còn sinh viên trong phong trào đấu tranh chống Mỹ những năm 1970, đã bị tù ở Côn Đảo. Sau khi đất nước giải phóng, anh đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội LH VH-NT Thừa Thiên - Huế hai nhiệm kỳ và nay đang là Đại biểu HĐND tỉnh...

Thơ anh giống như tên anh, mang đậm chất của đồng quê, dân dã. Có lẽ vì thế nên có thời anh đam mê và có công thật lớn trong việc đưa ca Huế trở thành một thương hiệu quốc tế khi dẫn đoàn ca Huế đi biểu diễn ở Mỹ, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc.

Vậy mà, bây giờ Võ City - Võ Thành phố - bạn bè của ông ở Huế thường gọi ông thế, lại chuyển sang cái nghiệp biến tất cả sự đời thành thơ lái và, như Võ City tự nhận, là thớ lai - tức gần nửa là thơ, phần còn lại là... (?) (để độc giả tự bình luận!).

Võ City cho biết, tại Huế trước đây có cụ Nguyễn Khoa Vy, người cùng thời với Ưng Bình Thúc Dạ cũng có làm thơ lái nhưng cũng chưa in thành tập riêng. Nay, Võ City làm thơ lái là có hai lý do. Lý do thứ nhất là anh muốn tìm một nét riêng nào đấy cho khang khác một chút, bởi bây giờ nhà thơ nhiều quá và nhiều bài thơ na ná giống nhau quá.


Còn thứ hai là thế sự bây giờ vẫn còn nhiều chuyện nhiễu nhương, buồn phiền quá nên chỉ có thơ lái mới tải hết được cái chất thời sự để cười mà vẫn đau, để khóc mà khó nhận ra nước mắt và, để yêu cuộc đời hơn từ chính cái sự truân chuyên của nó.

Thấy tôi đòi phải có ngay một thí dụ, Võ City trầm giọng: “Ai cũng biết Huế nghèo nên vả trộn hay mít luộc trộn là những món ăn chỉ tốn có vài ngàn. Thế nhưng, mới đây trong một bữa tiệc cung đình, có cả khách Tây lẫn ta, ai ăn cũng khen ngon. Đến khi tính tiền thì mình thấy xấu hổ vì người ta tính một đĩa vả hay mít trộn lên đến 10 USD! Bất ngờ quá cho cái cung cách làm du lịch đầy nộ khí chặt chém kiểu giang hồ, mình bỗng nhiên lái... thành thơ”.

Nói rồi Võ City cất giọng ngâm theo đúng mùi... ca Huế: “Chừ đây thế sự khác xưa. Món cùng đinh lại thành vua cung đình”.

“Quái kiệt” làng thơ

“Anh có vẻ khoái đề tài du lịch?” - tôi hỏi. Võ City e hèm rồi ngâm nga: Goen khom (Well come) du khách để gom khoen (khoen vàng, nhẫn vàng). Khèn lơi lả điệu lắm lời khen. Dốc tận tiềm năng ngành dân tộc. Men giàu giục chị dệt mau gièn (gièn = đồ thổ cẩm).

“Nóng nhất. Theo anh, bây giờ là cái gì?” - tôi hỏi tiếp. Võ Quê cười buồn. “Nóng nhiều lắm. Đến mức không hiểu nổi là cái nào nóng hơn cái nào”. Tôi gợi: “Chắc là chuyện người nghèo khó sống, giá cả leo thang?”. Cái gợi của tôi, xét về độ thông thái là ngang với bèo tấm giữa ao, “cao” ngang với điều ai cũng biết. Võ City thủng thẳng: “Đề tài này mình làm nhiều vì văn nghệ sĩ như mình cũng đồng dạng với cái nghèo. Đọc vài kiểu lái nghe chơi”.

Vật giá leo thang gạo lỏng nồi.
Nỗi lòng (âm Huế đọc là nổi lòng) xa xót bạn nghèo ôi.
Ngồi eo sèo với bao gian khó.
Gió khan đắng họng tái tê đời.

Giật mình vì cái chất giọng “thông thái bèo tấm” lúc nãy nên tôi tính “đột phá” bằng cách nhắc cho Võ City nghe lại mấy câu chuyện “lùm xùm” tiêu cực được phanh phui trên báo. Võ City nghe mà chỉ ậm ừ. Tôi biết. Nên tôi tự nâng ly, tự chúc và... chờ.

Lần vô danh lợi hại dân lành
Tranh thùng tranh thủ mới trung thành
Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy
Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh.

Giọng ngâm của Võ City lần này nghe giống như nghe Cung oán ngâm khúc. Quả là phải bái phục tài xuất khẩu thành... thời sự!

Một khoảng lặng giống như bao khoảng lặng khác giữa chúng tôi và thơ, và đời. Tôi băn khoăn: “Nhưng chưa thấy vui mấy. Trong khi anh nói là nghe thơ lái phải yêu đời hơn cơ mà”? Võ City lại cười cái kiểu cười của “Bên kia biên giới” - hình như là của Lê Khâm - Phan Tứ: “Muốn vui phải động đến chuyện đời thường, đừng nghĩ đến cờ thế tức là đừng nghĩ ra cái kể để tôn thờ”. Bầu trỏ (có bầu, bụng trỏ lên) nên chi phải bỏ trầu (lễ ăn hỏi). Bầu to nên mới tậu bò tâu (tiếng chệch âm Huế = bò trâu, để làm lễ cưới). Quệt má vì yêu thành quá mệt. Bầu lên hạnh phúc được bền lâu.

Thú thực là cho đến khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hiểu hết những điều mà Võ City muốn chuyển tải. Có thể phải ngẫm sâu hơn chút nữa mới hiểu đủ chăng? Âu đó cũng là một “nguyên tắc” của thời buổi kinh tế thị trường: ta phải biết lái lại tất cả những gì mình thấy, mình nghe, mình hiểu; biết biến buồn thành vui; khổ đau thành tiếng cười để may ra, nhờ thế mới sống được một cách bình thường?


Hà Văn Thịnh
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Võ Quê thơ lái

Chưa về nhắm rượu làng Chuồn
Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê...
(Ca dao mới)

Võ Quê là nhà thơ nổi tiếng từ thời phong trào sinh viên miền Nam trước 1975. Thế hệ thanh niên thời kỳ đỏ lửa ấy dường như không ai không biết bài thơ đầy tính cổ động xuống đường Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa.

Thế nhưng, còn có một Võ Quê nhà thơ khác, được biết đến từ sau cơn lũ 1999. Trời đất vần vũ thế nào khiến anh thích làm thơ lái. Vui lái, buồn cũng lái, lái từ nhà ra phố.

Võ Quê sinh ra ở làng Chuồn (An Truyền), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Chuồn nổi tiếng với hai đặc sản rượu gạo và bánh khoái cá kình. Dưới thời Tự Đức, cuộc nổi dậy của nông dân lớn nhất diễn ra được sử sách ghi là “Giặc Chày vôi”. Cuộc khởi nghĩa này nổ ra ở công trình Vạn Niên, ngày 16/9/1866, và tiến thẳng về kinh thành Huế nhằm lật đổ vua Tự Đức. Thủ lĩnh của cuộc nổi dậy này chính là Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng) người làng Chuồn.

Chuyện “thơ lái” Võ Quê phải chăng là phát tiết của vùng đất địa linh nhân kiệt này? Và thơ lái của anh bây giờ cũng thành đặc sản Huế, đi vào ca dao: Chưa về nhắm rượu làng Chuồn/ Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê/ Cá kình bánh khoái còn chê/ Chưa ngon đặc sản sao về hỡi anh... Thơ lái của anh mới đọc ai cũng cười, ngẫm kỹ lại thấy đau. Vì thế nên có người nói anh không phải Võ Quê mà là “Ruột Quê”, và thơ lái của anh cũng được người ta gọi lái thành “thái lơ”.

Năm 1999, Huế gánh chịu một cơn lũ lịch sử, cả tỉnh như một cuộc đại tang, vậy mà anh vẫn trào lộng: Trời lụt ca nhi cũng trụt lời/ Trời đong mưa lũ xuống trong đời/ Vái lạy lụt tan lành váy lại/ Đời cho du khách dạo đò chơi”. Hay “Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ôi/ Ngồi eo sèo với bao gian khó/ Gió khan đắng họng tái tê đời...

Cách đây khoảng 5 năm, Huế bỗng rộ lên những công trình vui chơi giải trí có quy mô hoành tráng, được đầu tư và khởi công xây dựng ở khu vực rừng thông cảnh quan phía tây thành phố Huế, như: Khu vui chơi giải trí hồ Thuỷ Tiên-Thiên An, Công viên nước Ngự Bình. Mọi người kháo nhau, rồi đây Huế sẽ có “Đầm Sen”, “Suối Tiên” không thua chi Sài Gòn. Ngồi ở quán cà phê Võ Quê liền ứng khẩu: Công viên nước thành công viên nát (người Huế đọc âm nước thành nát)/ Hồ Thuỷ Tiên em hát ai nghe/ Mưa sa gió nổi tứ bề/ Nát đi đường nát, tiên về đường tiên. Bốn câu thơ ứng khẩu như một điềm báo. Những dự án thiếu khả thi không lâu sau đó nơi thì phá sản, nơi chịu cảnh buồn hiu vì vắng khách.

Mới đây, khi rộ lên những dự án làm mất đất canh tác của nhân dân, Võ Quê liền thơ lái rằng: Đầu tư anh đến từ đâu/ Anh mang dự án làm sầu nhân dân. Bài thơ sau đó đã được đại biểu Phạm Quốc Dũng, Nguyên Bí thư huyện uỷ Hương Thuỷ, đọc lại trước diễn đàn HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế để phản đối dự án sân golf tại địa phương. Hay như để chế diễu các quan tham thời nay, anh có thơ: Lần vô danh lợi hại dân lành/ Tranh thùng tranh thủ mới trung thành/ Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy/ Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh.

Thơ lái của anh có nhiều bài diễu các bạn văn ở Huế rất vui, nhưng ngặt nổi mỗi lần đọc lên lại có người giận, nên chúng tôi không tiện dẫn ra đây. Bởi vậy, ai gặp anh hãy... “coi chừng”, người tốt cũng được anh “thái lơ” để khen mà người không tốt cũng đề phòng anh “thơ lái” cho vài câu, chết còn chưa hết giận.


Bùi Ngọc Long

Nguồn: Báo Lao động, số xuân Miền Trung Tây Nguyên, 2009
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Nhà thơ Võ Quê: “Ta trân trọng đời nhau ta sống”

Gặp nhà thơ Võ Quê lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè Sài Gòn đầy tiếng ồn, nhưng ấn tượng nhất khi nghe giọng nói nhỏ nhẹ xuất phát từ người đàn ông có thuở thanh niên sôi nổi. Khác với hình dung ban đầu của tôi khi biết danh ông – nhà thơ Võ Quê một thời xuống đường tranh đấu trong phong trào học sinh đô thị miền Nam trước năm 1975. Ngạc nhiên hơn, một quan chức đứng đầu giới văn nghệ, ông “Hội đồng” của tỉnh Thừa Thiên Huế lại mộc mạc dễ gần đến vậy. Ngày 7. 3 Võ Quê tròn 60 tuổi, ông trò chuyện cùng Áo Trắng với tổng kết đời mình: sống để thương yêu!

1. Tên nhà thơ là Võ Quê nhưng nhiều người bạn của ông gọi đùa thành Võ Phố. Có phải vì ông tên Quê mà không quê chút nào?

- Mình không hiểu sao mà sau các cuộc gặp gỡ, chuyện trò đã có hai người ở hai thành phố khác nhau lại đặt cho mình cái tên nghe nửa ta nửa tây: Võ City. Người thứ nhất là GSTS Nguyễn Chấn Hùng, giám đốc Trung tâm Ung bướu thành phố Hồ Chi Minh. Người thứ hai là thầy Nguyễn Xớn dạy tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học Huế. Còn cái tên Quê thì chắc chắn là “quê” rồi. Theo đà tốc độ hoá đô thị hiện nay thì nhiều nơi trên đất nước mình đang từ lên quê lên phố. Cách gọi đùa của anh em bạn bè có lẽ vì muốn đô thị hoá sớm mình đây.

2. Ông có trang web voque.org, nhìn ảnh của ông râu dài, tóc dài trên trang chủ trông rất ngầu. Xin ông so sánh hình ảnh thời trẻ của mình với “ông hội đồng tỉnh” Võ Quê bây giờ?

- Đó là tấm hình chụp năm 1971, thuở ấy mình 23 tuổi. Khi ra đường, với râu tóc ấy lại thêm chiếc mũ bê-rê, có lẽ trông mình như linh mục trẻ nên quân cảnh hồi ấy thường chào trịnh trọng mà không xét hỏi giấy tờ tuỳ thân, quân dịch, cũng rất đỡ phiền hà. Tháng 4.1972 khi bị giam ở nhà tù Côn Đảo mình mới xuống tóc, xuống râu. Từ đó đến nay là một khoảng thời gian dài với biết bao thay đổi về sắc tướng, tình cảm. Tuy nhiên có một điều giống nhau giữa thời trẻ với “ông hội đồng tỉnh” bây giờ là mình vẫn luôn nuôi dưỡng nguồn khát vọng, ước mơ về một xã hội công bằng, dân chủ. Mỗi con người là một đài hoa, ta trân trọng đời nhau ta sống. Đừng ai thương hại ai. Đừng ai áp bức ai…

3. Cũng trên trang web này, ông có hẳn một chuyên mục Nguyễn Hoàng trường xưa. Ai cũng có một ngôi trường để nhớ, ông nhớ trường xưa của mình ra sao?

- Tuổi thơ mình có một thời gian dài thất học, nên năm 1962 được thi đậu vào lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ) trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị là một hạnh phúc lớn đối với mình. Học sinh Nguyễn Hoàng phần lớn là con nhà nghèo, ai cũng có chí hướng nên học hành chăm chỉ, giỏi giang. Thầy cô trong trường cũng rất chuyên tâm với các thế hệ học trò. Vừa nghiêm lại vừa tình. Mình được đùm bọc trong môi trường trong sáng đó. Lại thêm, đó là thời chiến nên tình thầy trò, tình bằng hữu rất gắn bó, dễ thương. Hình ảnh những cuộc xuống đường đấu tranh đòi hoà bình, dân chủ. Hình ảnh những người bạn bỏ học nửa chừng để lên xanh hoặc bị đi lính…đã trở thành những kỷ niệm quý có vui, có buồn trong tâm thức mình. Hiện nay, không riêng gì mình mà hầu hết thầy, cô, cựu học sinh Nguyễn Hoàng đều rất nhớ mái trường yêu dấu ấy. Ai cũng tha thiết mong lãnh đạo tỉnh Quảng trị khôi phục lại tên trường Nguyễn Hoàng cho ngôi trường trung học thị xã Quảng Trị hiện nay. Dĩ vãng đẹp câu hò Ái Tử. Gương tiền nhân khai mở nước non nhà. Tên Nguyễn Hoàng đã hồng trang sử. Lại nhơn từ trong tâm khảm học trò quê. Nhớ trường xưa, nơi mình đã được khai tâm, nơi đã cho mình nên vóc nên hình.

4. Nhà thơ Võ Quê từng bị tù Côn Đảo vì thời sinh viên tranh đấu, nhớ về thời tuổi trẻ đó ông nhớ gì nhất?

- Nhớ nhất là tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa anh em đồng đội trên mặt trận đường phố, trong các nhà lao. Giữa hoàn cảnh sống chết khốc liệt đó rất cần đến tình thương yêu của những người đồng cảnh quanh mình. Nhờ vậy ý chí đấu tranh được giữ vững, tinh thần dấn thân luôn bền bỉ, không bị tê liệt, khoan nhượng trước khó khăn, gian khổ. Bây giờ nhiều anh chị em trong phong trào vẫn yêu thương nhau như một gia đình lớn. Con cái họ cũng nhờ thế mà tìm đến nhau rất thân tình. Có người đã thành thông gia của nhau thật thú vị.

5. Ông từng có 2 lần nhận giải thưởng cho việc soạn lời, sưu tầm lời ca Huế và hiện làm Chủ nhiệm CLB Ca Huế. Lời ca Huế có dấu ấn đặc biệt gì trong ông, có phải như tiếng ru của mẹ hay tiếng hát của người yêu không?

- Làng Chuồn quê hương mình vốn có nhiều lễ hội như thu tế, đám chay, hát bội, ca Huế tri âm…Thời thơ ấu thường chạy về nhà ông ngoại của nhà thơ Từ Hoài Tấn xem hát bội. Biết trong làng nhà nào có ca Huế tri âm là đến nghe. Nghe lâu nên mê. Lời ca Huế thường có nội dung sâu sắc về nhân tình thế thái, về buồn vui phận người, giàu hình ảnh văn học. Khi được các nghệ nhân, nghệ sĩ ca lên với các tiếng đàn tranh, tì, nhị nguyệt… nghe càng da diết, thâm trầm hơn. Nhất là nghe các bài ca Huế của Ưng Bình Thúc Giạ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vu Hương, Kiều Khê, Bửu Lộc…

6. Giữa thời đô thị hoá, ai ai cũng cố gắng trở thành công dân thành phố… Vậy thơ, văn viết về dòng sông, bến nước, con đò, tiếng ru hời, luỹ tre làng… theo ông có lạc nhịp?

- Với trình độ quản lý đô thị hiện nay trên đất nước mình không phải ai ai cũng cố gắng trở thành công dân thành phố. Cuộc sống càng hiện đại văn minh người ta thường tìm đến những môi trường trong lành hơn; muốn trở về nơi chốn quê xưa thưởng thức những hương vị dân dã, lắng nghe từng hoà âm bình dị… Không phải ngẫu nhiên mà những món ăn của giới “cùng đinh” như đọt bí, rau lang chấm nước ruốc, cơm hến…được nhiều nhà hàng tính theo giá “cung đình” cho đông đảo thực khách. (Chỉ đổi vị trí một cái dấu huyền thôi mà sinh chuyện!) Không phải vô tình mà nhiều khu du lịch theo mô hình đồng quê xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Đặt đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc và có nghề thì làm sao thơ văn viết về dòng sông, bến nước, con đò, tiếng ru hời, luỹ tre làng…lạc nhịp. Mình nhớ cách đây mấy năm có một người bạn trẻ ở làng lên nhẹ nhàng hỏi: “Nông dân chúng tôi không có thơ để đọc. Có phải chúng tôi đã bị lảng quên rồi?”


Trần Hoàng Nhân thực hiện

Nguồn: Áo trắng, số 24, ngày 15-5-2008
Chưa có đánh giá nào