Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng, khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần,
Âu yếm, nhanh nhảu:
“Ông vịn vai cháu,
Cháu đỡ ông lên.”

Ông bước lên thềm
Trong lòng sung sướng
Quẳng gậy, cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu:
“Hoan hô thằng bé!
Bé thế mà khoẻ
Vì nó thương ông.”

Đôi mắt sáng trong
Việt ta thủ thỉ:
“Ông đau lắm nhỉ?
Khi nào ông đau
Ông nhớ lấy câu
Bố cháu vẫn dạy
Nhắc đi nhắc lại:
- Không đau! Không đau!
Dù đau đến đâu,
Khỏi ngay lập tức.”

Tuy chân đang nhức,
Ông phải phì cười:
“Ừ, ông theo lời
Thử xem có nghiệm”
Ông bèn nói liền:
“Không đau! Không đau!”
Và ông gật đầu:
“Khỏi rồi! Tài nhỉ!”
Việt ta thích chí:
“Cháu đã bảo mà...!”
Và móc túi ra:
“Biếu ông cái kẹo!”


Nửa đầu của bài thơ này được trích giảng trong sách giáo khoa cấp I trong nhiều năm.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Tranh cãi nội dung bài thơ “Thương ông” trong Sách giáo khoa lớp 2

Mới đây trên mạng xã hội Facebook, nhiều phụ huynh đang phàn nàn, thậm chí bức xúc khi nội dung bài thơ Thương ông trích thơ của Tú Mỡ ở sách Tiếng Việt lớp 2 lại được “cắt ghép” rất “khác thường”.

Cụ thể, việc trích, cắt xén nội dung bài thơ ở trang 83 sách Tiếng Việt lớp 2 tập 1 hiện hành không hề theo một quy luật, ngoài việc khiến vần điệu bài thơ gốc mất đi, khó nhớ, nhiều người còn cho rằng làm giảm sự biểu hiện tình cảm ông cháu qua bài thơ. Mặc dù có được bổ sung thêm phần nội dung so với trước đây.

Dưới đây là nội dung bài thơ trong sách tiếng việt lớp 2 tập 1 hiện hành:

Thương ông
(Trích)

Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần:
- Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên

Ông bước lên thềm:
- Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khoẻ
Vì nó thương ông

Đôi mắt sáng trong
Việt ta thủ thỉ:
- Khi nào ông đau
Ông nói mấy câu
“Không đau! Không đau!”
Dù đau đến đâu
Khỏi ngay lập tức

Ông phải phì cười:
- Ừ, ông theo lời
Thử xem có nghiệm:
“Không đau! Không đau!”
Và ông gật đầu:
- Khỏi rồi! Tài nhỉ!
Việt ta thích chí:
- Cháu đã bảo mà...!
Và móc túi ra:
- Biếu ông cái kẹo!

TÚ MỠ
Với bài thơ Thương ông được học từ cấp 1, đối với nhiều phụ huynh thì đây gần như là một bài thơ mà họ thuộc nằm lòng.

Nhiều người bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao những người biên soạn sách giáo khoa lại phải sửa nội dung, trong khi bài cũ đọc suôn vần, dễ thuộc hơn lại tình cảm hơn.

Một giáo viên chia sẻ: “Mình làm gia sư. Đến bài này, đọc thuộc mà không cần nhìn sách. Học sinh bảo cô đọc sai. Mở sách mới tá hoả là bài thơ bị xáo trộn mà mình chưa cập nhật”

Một thành viên mạng xã hội Facebook chia sẻ: “Đọc mà thấy tức. Xào nát cả bài thơ hay. Đọc thấy nó dở ẹc”

Người khác cho hay: “Nội dung bài thơ này ở SGK cũ từng được học. Tuy cũng được trích nhưng rất hay, rất vần nên tôi có thể nhớ lâu”

Nội dung của bài thơ trong SGK trước đây giúp người đọc cảm thấy suôn hơn trong vần nhịp:
Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân khó quá
Thấy ông nhăn nhó (phần in đậm này đã bị lược bỏ trong nội dung SGK mới)

Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu (câu này cũng bị bỏ đi rất khó hiểu)
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên
Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu (đoạn này cũng đã bị cắt gọt ở SGK hiện hành)

Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khoẻ
Vì nó thương ông.

tửu tận tình do tại
35.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

“Cắt ghép” bài thơ “Thương ông”, chủ biên lên tiếng

GS.TS Ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 2, tập 1 chia sẻ quan điểm về đoạn trích bài thơ Thương ông đang xôn xao trên mạng những ngày qua.

Thưa giáo sư, đoạn trích bài thơ Thương ông trong SGK mới bị cắt nhiều câu thơ so với bản cũ. Mục đích của việc này là gì?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bài thơ Thương ông của Tú Mỡ rất dài, khi đưa vào SGK lớp 2 phải rút ngắn để đảm bảo tiêu chuẩn về tiết học. Phiên bản trong SGK cũ trích nguyên một đoạn của bài thơ vào. Tôi cho rằng đoạn trích này có những từ ngữ dùng khá gượng ép. Ví như khập khiễng khập khà, bước chân quá khó. Câu đó giống câu nói hơn là thơ. Đặc biệt, khập khiễng khập khà không có trong tiếng Việt mà chính xác phải là khập khà khập khiễng. Nếu giữ nguyên, có thể sẽ bị cho là dạy sai tiếng Việt. Vì thế, chúng tôi cắt đi, để lại những câu chắt lọc về từ ngữ hơn.

Mục đích của việc đưa khổ thơ tiếp theo vào là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng đây không phải là bài thơ hay của Tú Mỡ nhưng có ý nghĩa giáo dục. Đưa vào lớp 2 để dạy trẻ về tình cảm, sự quan tâm với ông bà. Khổ này có chi tiết thú vị là cháu bé móc kẹo cho ông, bảo ông niệm thần chú đi thì sẽ không đau nữa. Chi tiết này hợp với tâm lý học sinh lớp 2 hơn. Phiên bản này chọn là chọn chi tiết ấy.

Cắt bỏ một số câu thơ ở khổ đầu có khiến khổ thơ lạc vần, khó đọc?

Bản cũ là trích nguyên văn, tất nhiên sẽ đảm bảo vần điệu hơn. Theo tôi, bản mới vẫn đảm bảo về nội dung mà vẫn vần dù chắc chắn không thể nào bằng đoạn thơ toàn mạch được. Phải chấp nhận thôi.

Như thế có khó cho học sinh lớp 2 học thuộc lòng?

Trẻ em đầu óc mới lắm, ngay văn xuôi cũng thuộc lòng. Thật ra quan trọng của bài thơ không phải là học thuộc mà là những hình tượng in sâu vào đầu học sinh. Đó là những chi tiết, chuẩn mực về thơ ca, tình cảm. Trong bài này, chúng tôi chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng một khổ thơ mà các em thích. Và trong khổ đó có đoạn cuối, có nhịp, có vần rồi.

Theo ông, tại sao nhiều người thích bài thơ này?

Bài thơ nói về tình cảm thắm thiết, mộc mạc, gần với tuổi thơ. Có lẽ đó là lý do nhiều người thích, học từ lâu vẫn nhớ.

Đó là có phải là lý do khiến phiên bản mới nhận được nhiều ý kiến?

Độc giả thế hệ trước nói phiên bản này không vần cũng đúng. Họ học sách cũ, thuộc sách cũ, thấy như cũ là hay và bản cũ gắn với tuổi thơ, kỷ niệm của họ. Tôi tôn trọng những kỷ niệm ấy. Nhưng chúng tôi có quan điểm lựa chọn của mình. Học sinh mới học những cái này, không gắn với kỷ niệm cũ thì vẫn thấy bình thường.

Ông có cho là một số lùm xùm trước đây liên quan tới SGK khiến phiên bản mới này “được quan tâm” hơn?

Theo tôi, bộ SGK này đã đưuọc Bộ GD-ĐT làm cẩn thận, thử nghiệm 4 năm, sau đó lấy ý kiến giáo viên, thông qua hội đồng thẩm định. Thắc mắc về những cuốn tôi làm chủ biên thì tôi đều giải thích hết.

Phiên bản mới này có nhiều thay đổi như thế có mất đi bản quyền của nhà thơ Tú Mỡ?

Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, việc trích dẫn tác phẩm vào SGK được quyền sửa chữa nhưng không làm thay đổi tư tưởng cơ bản của tác giả. Ở đây tôi chỉ cắt chứ không sửa từ. Thơ thì tôi không sửa còn văn xuôi thì sửa nhưng cố gắng đảm bảo tư tưởng của tác giả một cách tốt nhất.

Xin cảm ơn ông!

tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

bài thơ thương ông của tú mỡ

ông bài phỏng vấn này chỉ thấy tư tưởng cá nhân độc tài của cái ông biên soạn. bao thế hệ đã học qua đọc thơ Tú Mỡ đều yêu thích bài thương ông phiên bản cũ. ý các ông là bây giờ các e lớp 2 đầu óc mới lắm nên chúng nó cũng chả cần thuộc đâu chứ gì hoặc thì ép bọn nhỏ phải thuộc trong khi chả có vần điệu gì hết, đọc cái bài mới mà bực cả mình, chắp ghép khập khiễng.

64.50
Trả lời