Đây là một trong những bài thơ phổ cập nhất của nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) - người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Văn học Nghệ thuật – và cũng là một trong những bài thơ hay nhất của các nhà thơ trong và ngoài nước viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu đề bài thơ là Người đi tìm hình của nước, chữ “hình” ở đây nên hiểu thế nào? Theo tôi, nó không mang nghĩa thông thường là hình dáng, vì hình chữ S từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau thì nước ta có từ lâu đời. Bởi vậy, chữ “hình” trong đầu đề bài thơ này nên hiểu là hình thái xã hội, chế độ xã hội… của đất nước như tác giả đã viết:
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
                            Ơi, Độc lập
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi Tự do về chói ở trên đầu.
Nghĩa là Người quan tâm đến Độc lập, Tự do của Tổ quốc.
Cảm hứng của nhà thơ khi viết bài thơ này dựa vào thời gian Người đi tìm đường cứu nước ròng rã suốt ba mươi năm trời, từ khi rời cảng Nhà Rồng năm 1911 và trở về biên giới Cao Bằng năm 1941, như Tố Hữu đã từng viết:
Ba mươi năm ấy chân không mỏi
Mà đến bây giờ mới tới nơi!
Tôi không có ý định bình bài thơ này mà chỉ muốn nhắc đến những sự kiện lịch sử đã gây cảm hứng cho nhà thơ. Câu thơ “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ” là tác giả nói về đêm 5-6-1911. Chúng ta đều biết rằng, trước khi đi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã có một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Sự thật, ý nghĩ rời Huế vào Sài Gòn để tìm đường cứu nước đã nảy ra từ trước, nên việc có dừng lại dạy học ở trường Dục Thanh (dạy chữ Hán, quốc ngữ và thể dục) trong 5 tháng là giải pháp tạm thời, chứ người thanh niên Nguyễn Tất Thành hoàn toàn không có ý định trở thành giáo viên. Bởi vậy, tháng 9-1910 trở thành giáo viên ở trường Dục Thanh, thì tháng 2-1911, anh đã bí mật rời Phan Thiết vào Sài Gòn xin học nghề thợ mộc, thợ cơ khí tại một trường do người Pháp thành lập và ngày 2-6 xin được làm phụ bếp trên tàu Amiran Latussơ Tơrevin. Ngày 5-6, với tên mới Văn Ba, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Sài Gòn, tới Xin-ga-po, rồi đi khắp thế giới trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước dài dằng dặc.
Đời bồi tàu lênh đênh sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi…
Làm bồi tàu chỉ chiếm một thời gian ngắn trong quãng đời ba mươi năm, nhưng công việc đó đã tạo điều kiện cho Nguyễn Tất Thành được đi được rất nhiều. Con tàu Amiran Latussơ Tơrevin đưa Văn Ba đi Xin-ga-po, Ai Cập… rồi cập cảng Mác-xây (Pháp). Tháng 10 năm đó, Văn Ba lại theo con tàu này trở lại Sài Gòn. Có lẽ muốn đi được nhiều nơi trên thế giới, nên sang năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã xin làm cho một con tàu khác của hãng Sácgiơ Reuyni để được vòng quanh châu Phi và đã dừng lại cảng của một số nước như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tuy-ni-di, Công-gô, Ma-rốc, Ấn Độ, Xê-nê-gan, A-rập Xê-út, Xu-đăng…

Tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành đã tới một số cảng ở châu Mỹ như Ri-ô đờ Gia-nê-rô, Bu-ê-nốt Ai-rét… rồi đến Niu Y-óoc, anh rời tàu đi tìm việc một thời gian với lương 40USD một tháng và bắt đầu hoạt động chính trị bằng việc tham gia vào cuộc họp của tổ chức “Vì sự tiến bộ chung của người da đen” ở Hắc-lem.

Thời gian ở Mỹ, anh còn gửi thư cho Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ (15-12-1912) và gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh đang ở Pháp. Như vậy, ta thấy rằng, Nguyễn Tất Thành chấm dứt công việc bồi tàu và bắt đầu hoạt động chính trị từ năm 1912 ở trên đất Hoa Kỳ. Còn nguyên nhân vì sao Người tới Hoa Kỳ, thì đã được giải thích: “Tôi nghĩ rằng, Hoa Kỳ phản đối chủ nghĩa đế quốc phương Tây và có thể sẵn sàng giúp đỡ nhân dân Việt Nam lật đổ chế độ thuộc địa Pháp”.

Năm 1913, anh rời Niu Y-oóc, tới Luân Đôn để học tiếng Anh vì thấy rằng ở đó “không có sự giúp đỡ nào”. Để có tiền sinh sống, Nguyễn Tất Thành đã lần lượt làm phụ bếp cho khách sạn Đơ-ray-tan-cơc ở trung tâm Luân Đôn rồi khách sạn Ca-lơ-tơn ở khu Oét I-linh (West Ealing)…

Ngày 3-12-1917, từ Anh, Nguyễn Tất Thành về Pa-ri.
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Nhà thơ nhắc lại chuyện Người trong thời gian sống ở ngõ Công-poanh, Pa-ri đã dùng viên gạch đốt nóng lên, sưởi ấm cho mình qua mùa đông. Người sống ở Pa-ri từ 3-12-1917 đến ngày 13-6-1923, thời gian khoảng 5 năm rưỡi, nhưng chỉ sống ở căn phòng số 9, ngõ Công-poanh chưa đầy 2 năm (từ 14-7-1921 đến 14-3-1923).
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin
Trước Nguyễn Tất Thành cũng đã có nhiếu chí sĩ ra đi tìm đường cứu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Phan Bội Châu làm cuộc Đông du sang Nhật, muốn học người Nhật để làm cuộc Duy tân, còn Phan Chu Trinh thì muốn dựa vào Pháp để làm cách mạng. Nguyễn Tất Thành không có ý định dựa vào thế lực bên ngoài, mà lần tìm một học thuyết cách mạng và người đã gặp Luận cương của Lê-nin. Thế Người lần đầu đọc Luận cương của Lê-nin khi nào? Đó là ngày 18-7-1920, Người đọc Bản sơ thảo lần thứ nhất luận cương về “vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin được Đại hội II Quốc tế Cộng sản thông qua và đăng trên Báo Nhân đạo Pháp (L’ Humanite), Người đã phát khóc và kêu lên: “Đồng bào ơi! Đây là cái chúng ta cần, đây chính là con đường giải phóng chúng ta”! “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin” là thế! Có lẽ đó là nguyên nhân chính để sau đó một thời gian, Người tìm sang Liên Xô, về Trung Quốc hoạt động rồi “Luận cương theo Người về nước Việt” cùng Người gây dựng phong trào Cách mạng.

“Người đi tìm hình của nước là bài thơ tôi yêu thích từ những ngày học phổ thông cách đây hơn nửa thế kỷ. Cứ mỗi lần đọc, tôi lại phát hiện ra một vài điều lý thú. Có điều trước đây coi như tất yếu, thì giờ đây có lúc lại phân vân, ví như câu thơ: “Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người”. Câu thứ nhất không có gì đáng bàn, Bác tìm “thế đi đứng của toàn dân tộc” thì hoàn toàn đúng, còn Bác có ý định tìm “một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người” hay không? “Vin hoa” trong câu thơ này là nói cách thưởng thức cái đẹp, phép thẩm mỹ… Sự thật, trong một đất nước phát triển, sự thưởng thức cái đẹp của mọi người không nhất thiết phải giống nhau, mà đa dạng, mỗi người một cách, chứ không ai muốn khép vào một khuôn mẫu có sẵn… Điều đó thì nhà thơ Chế Lan Viên biết rõ hơn ai hết. Nhưng bài thơ này được viết vào năm 1960, thời kỳ miền Bắc mới bước vào phong trào hợp tác hoá, làm ăn tập thể, nên người ta cổ vũ cho sự thống nhất, giống nhau của con người trong mọi lĩnh vực. Tôi tin rằng, nếu bài thơ này không được viết vào thời điểm đó, thì chắc câu thơ trên khó có cơ hội xuất hiện, không biết có đúng không?

Vương Trọng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]