Tuyển tập chung

Đăng bởi Vanachi vào 23/06/2005 16:44, đã sửa 9 lần, lần cuối bởi karizebato vào 27/06/2009 07:13

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
                         Cho cuộc đời giật dây

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi

Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
                       Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu

Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông

Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

Bác thấy:
           dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc
Không còn người bỏ xác bên đường ray

Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che

Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc...
Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai


1960

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 3 trang (21 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Toát lên vẻ đẹp trí tuệ, cảm xúc thẩm mỹ về hình tượng Bác Hồ

Bài thơ Người đi tìm hình của Nước nằm trong hệ thống các tác phẩm viết về đề tài lãnh tụ, vốn rất nổi bật trong di sản văn chương-nghệ thuật Việt Nam. Bài thơ nằm trong tập Ánh sáng và phù sa (năm 1960) là bước ngoặt quan trọng trên hành trình mỹ học của Chế Lan Viên.

Đã có nhiều bài viết, thẩm bình về bài thơ Người đi tìm hình của Nước. Những khía cạnh thuộc về chủ đề, cảm hứng, hình tượng, chất suy tưởng, vẻ đẹp trí tuệ trong bài thơ cũng đã được nhắc đến. Tuy vậy, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một phương diện khác, có lẽ còn chưa nhiều người chú ý. Đó là đặc trưng thẩm mỹ của thơ Chế Lan Viên thể hiện trong một thi phẩm viết về Bác Hồ. Tại sao đây lại là vấn đề cần được bàn luận? Trả lời cho câu hỏi đó giúp chúng ta có được xác quyết rõ ràng hơn về sức sống của bài thơ Người đi tìm hình của Nước.

Viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong thực tế là một thử thách đối với mọi tác giả. Một phần bởi di sản phía trước đã rất đồ sộ (đã có rất nhiều tác phẩm, tác giả thành công), phải viết sao cho khỏi trùng lặp, tìm ra được nét mới trong cảm xúc, tư duy và phương thức thể hiện. Phần nữa, quan trọng hơn, vừa thể hiện được tầm vóc của hình tượng, vừa đem đến đóng góp cho hệ giá trị mỹ học của dòng tác phẩm viết về lãnh tụ. Chính ở đó, ta nhận ra bản lĩnh nghệ thuật của Chế Lan Viên.

Bài thơ viết trên nền của cảm xúc rưng rưng tự hào và lòng biết ơn chân thành cùng những suy tưởng sâu sắc về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đó là một hành trình dài với biết bao gian khổ, thử thách mà Người đã trải qua với mục đích thiêng liêng, cao cả: “Tìm hình của Nước”. Hình của nước là “Thế đi đứng của toàn dân tộc”; là độc lập, tự do, là áo cơm, hạnh phúc của nhân dân. Lý tưởng ấy vượt lên tất cả những liên tưởng thông thường về không gian địa lý (“Một góc quê hương nửa đời quen thuộc”). Lý tưởng ấy cũng không phải là những mơ tưởng siêu hình trong sương khói xa xôi mà hiện hữu cụ thể, làm nên giá trị đời sống con người. Con đường của Hồ Chí Minh là con đường của chủ nghĩa nhân văn cao cả, phổ quát, hướng đến những quyền lợi căn bản mà tạo hoá đã ban cho tất cả mọi người trên toàn thế giới (như trong Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã nhấn mạnh). Nhưng đó là một con đường chông gai, trải qua “lửa đỏ và nước lạnh” (Thép đã tôi thế đấy).

Chất suy tưởng là đặc trưng nổi bật trong bài thơ Người đi tìm hình của Nước. Đó cũng là điểm làm nên phong cách thơ Chế Lan Viên. Tuy vậy, nét mới mà chúng tôi muốn nhấn mạnh tại đây (so với nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ cùng thời) chính là Chế Lan Viên đã thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình thông qua việc xây dựng hình tượng và tổ chức thế giới nghệ thuật. Chúng ta đã quen thuộc với những tác phẩm viết về Bác Hồ làm nổi bật mái tóc, vầng trán, đôi mắt, nụ cười, giọng nói, manh áo giản dị, đôi dép cao su... Chúng ta cũng quen với hệ thống ngôn ngữ, hình tượng có tính cao cả, siêu phàm trong nhiều tác phẩm viết về Bác. Đó chính là điểm khó mà Chế Lan Viên phải đối diện và vượt qua trong bài thơ Người đi tìm hình của Nước. Ông hiểu rằng, hình tượng nghệ thuật luôn thấm đẫm trí tưởng tượng, suy tưởng, liên tưởng của người viết. Thế nên, trong bài thơ, Chế Lan Viên tập trung khai thác những khía cạnh khác: Nỗi nhớ quê hương xứ sở khi Bác phải ra đi; những khó khăn cực khổ mà Người nếm trải; những đau đớn khi nghĩ về đất nước còn trong đêm trường nô lệ; những xúc động nghẹn ngào khi Người bắt gặp lý tưởng cách mạng trên quê hương Lênin; những hân hoan khi Người nhận ra con đường đi đến độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân... Hơn hết, nét khác biệt trong phong cách thẩm mỹ của Chế Lan Viên chính là ở chỗ ông suy tưởng: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ”; “Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”.

Xét về phạm trù mỹ học, bài thơ Người đi tìm hình của Nước thể hiện phạm trù cái cao cả (cảm xúc, suy tưởng, chủ đề, hình tượng, giọng điệu). Tuy nhiên, điểm khác biệt của Chế Lan Viên là ông không trưng dụng các phương tiện-vật liệu mang sẵn phẩm tính cao cả, mà phát huy sắc thái cao cả trong những điều bình dị, gần gũi, thân thuộc nhất. Xét đến cùng, chỉ những gì gần gũi, thân thuộc nhất mới gắn bó tha thiết nhất với con người. Điều đáng nói ở đây chính là, với cách thức khai thác, xây dựng hình tượng và biểu đạt như thế, Chế Lan Viên đã thể hiện được một cách tự nhiên mà chính xác tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Bác là cao cả, lý tưởng của Người là vĩ đại, di sản của Người là vô cùng lớn lao. Tìm hình của nước, lắng nghe sự phôi thai của nước, hình dung ra con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, áo cơm, hạnh phúc cho nhân dân... đó là những mục tiêu cao cả nhưng không siêu hình, viển vông. Những tượng hình thiêng liêng, nhân bản ấy chính là lẽ sống mà con người cần phải có. Hồ Chí Minh nhận ra chân lý ấy khi bắt gặp Luận cương của Lênin, bắt gặp con đường giải phóng dân tộc, giải phóng loài người.

Những suy tưởng mới trong tư duy xây dựng hình tượng và tổ chức thế giới nghệ thuật đã làm nên phong cách thơ Chế Lan Viên và cũng làm nên sức sống của bài thơ Người đi tìm hình của Nước. Bằng những rung động chân thành, bằng những suy tưởng sâu sắc gắn với quan niệm thẩm mỹ thích đáng về đặc trưng phản ánh nghệ thuật, Chế Lan Viên vượt lên sự mô tả thông thường để chạm tới giá trị mỹ học về cái cao cả. Tuy nhiên, cái cao cả được thể hiện không phải bằng các hình tượng, mệnh đề siêu hình, siêu vượt, mà bằng những điều gần gũi nhất, đời thường nhất trong cuộc đời Bác Hồ. Chính ở đó, cái cao cả của “tấm lòng lãnh tụ” được ngời sáng-ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo. Cho đến nay, Người đi tìm hình của Nước vẫn là một trong số những bài thơ hay, tiêu biểu viết về Bác Hồ.


TS Nguyễn Thanh Tâm

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Người đi tìm hình của nước

Đây là một trong những bài thơ phổ cập nhất của nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) - người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Văn học Nghệ thuật – và cũng là một trong những bài thơ hay nhất của các nhà thơ trong và ngoài nước viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu đề bài thơ là Người đi tìm hình của nước, chữ “hình” ở đây nên hiểu thế nào? Theo tôi, nó không mang nghĩa thông thường là hình dáng, vì hình chữ S từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau thì nước ta có từ lâu đời. Bởi vậy, chữ “hình” trong đầu đề bài thơ này nên hiểu là hình thái xã hội, chế độ xã hội… của đất nước như tác giả đã viết:

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
                            Ơi, Độc lập
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi Tự do về chói ở trên đầu.
Nghĩa là Người quan tâm đến Độc lập, Tự do của Tổ quốc.
Cảm hứng của nhà thơ khi viết bài thơ này dựa vào thời gian Người đi tìm đường cứu nước ròng rã suốt ba mươi năm trời, từ khi rời cảng Nhà Rồng năm 1911 và trở về biên giới Cao Bằng năm 1941, như Tố Hữu đã từng viết:
Ba mươi năm ấy chân không mỏi
Mà đến bây giờ mới tới nơi!
Tôi không có ý định bình bài thơ này mà chỉ muốn nhắc đến những sự kiện lịch sử đã gây cảm hứng cho nhà thơ. Câu thơ “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ” là tác giả nói về đêm 5-6-1911. Chúng ta đều biết rằng, trước khi đi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã có một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Sự thật, ý nghĩ rời Huế vào Sài Gòn để tìm đường cứu nước đã nảy ra từ trước, nên việc có dừng lại dạy học ở trường Dục Thanh (dạy chữ Hán, quốc ngữ và thể dục) trong 5 tháng là giải pháp tạm thời, chứ người thanh niên Nguyễn Tất Thành hoàn toàn không có ý định trở thành giáo viên. Bởi vậy, tháng 9-1910 trở thành giáo viên ở trường Dục Thanh, thì tháng 2-1911, anh đã bí mật rời Phan Thiết vào Sài Gòn xin học nghề thợ mộc, thợ cơ khí tại một trường do người Pháp thành lập và ngày 2-6 xin được làm phụ bếp trên tàu Amiran Latussơ Tơrevin. Ngày 5-6, với tên mới Văn Ba, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Sài Gòn, tới Xin-ga-po, rồi đi khắp thế giới trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước dài dằng dặc.
Đời bồi tàu lênh đênh sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi…
Làm bồi tàu chỉ chiếm một thời gian ngắn trong quãng đời ba mươi năm, nhưng công việc đó đã tạo điều kiện cho Nguyễn Tất Thành được đi được rất nhiều. Con tàu Amiran Latussơ Tơrevin đưa Văn Ba đi Xin-ga-po, Ai Cập… rồi cập cảng Mác-xây (Pháp). Tháng 10 năm đó, Văn Ba lại theo con tàu này trở lại Sài Gòn. Có lẽ muốn đi được nhiều nơi trên thế giới, nên sang năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã xin làm cho một con tàu khác của hãng Sácgiơ Reuyni để được vòng quanh châu Phi và đã dừng lại cảng của một số nước như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tuy-ni-di, Công-gô, Ma-rốc, Ấn Độ, Xê-nê-gan, A-rập Xê-út, Xu-đăng…

Tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành đã tới một số cảng ở châu Mỹ như Ri-ô đờ Gia-nê-rô, Bu-ê-nốt Ai-rét… rồi đến Niu Y-óoc, anh rời tàu đi tìm việc một thời gian với lương 40USD một tháng và bắt đầu hoạt động chính trị bằng việc tham gia vào cuộc họp của tổ chức “Vì sự tiến bộ chung của người da đen” ở Hắc-lem.

Thời gian ở Mỹ, anh còn gửi thư cho Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ (15-12-1912) và gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh đang ở Pháp. Như vậy, ta thấy rằng, Nguyễn Tất Thành chấm dứt công việc bồi tàu và bắt đầu hoạt động chính trị từ năm 1912 ở trên đất Hoa Kỳ. Còn nguyên nhân vì sao Người tới Hoa Kỳ, thì đã được giải thích: “Tôi nghĩ rằng, Hoa Kỳ phản đối chủ nghĩa đế quốc phương Tây và có thể sẵn sàng giúp đỡ nhân dân Việt Nam lật đổ chế độ thuộc địa Pháp”.

Năm 1913, anh rời Niu Y-oóc, tới Luân Đôn để học tiếng Anh vì thấy rằng ở đó “không có sự giúp đỡ nào”. Để có tiền sinh sống, Nguyễn Tất Thành đã lần lượt làm phụ bếp cho khách sạn Đơ-ray-tan-cơc ở trung tâm Luân Đôn rồi khách sạn Ca-lơ-tơn ở khu Oét I-linh (West Ealing)…

Ngày 3-12-1917, từ Anh, Nguyễn Tất Thành về Pa-ri.
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Nhà thơ nhắc lại chuyện Người trong thời gian sống ở ngõ Công-poanh, Pa-ri đã dùng viên gạch đốt nóng lên, sưởi ấm cho mình qua mùa đông. Người sống ở Pa-ri từ 3-12-1917 đến ngày 13-6-1923, thời gian khoảng 5 năm rưỡi, nhưng chỉ sống ở căn phòng số 9, ngõ Công-poanh chưa đầy 2 năm (từ 14-7-1921 đến 14-3-1923).
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin
Trước Nguyễn Tất Thành cũng đã có nhiếu chí sĩ ra đi tìm đường cứu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Phan Bội Châu làm cuộc Đông du sang Nhật, muốn học người Nhật để làm cuộc Duy tân, còn Phan Chu Trinh thì muốn dựa vào Pháp để làm cách mạng. Nguyễn Tất Thành không có ý định dựa vào thế lực bên ngoài, mà lần tìm một học thuyết cách mạng và người đã gặp Luận cương của Lê-nin. Thế Người lần đầu đọc Luận cương của Lê-nin khi nào? Đó là ngày 18-7-1920, Người đọc Bản sơ thảo lần thứ nhất luận cương về “vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin được Đại hội II Quốc tế Cộng sản thông qua và đăng trên Báo Nhân đạo Pháp (L’ Humanite), Người đã phát khóc và kêu lên: “Đồng bào ơi! Đây là cái chúng ta cần, đây chính là con đường giải phóng chúng ta”! “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin” là thế! Có lẽ đó là nguyên nhân chính để sau đó một thời gian, Người tìm sang Liên Xô, về Trung Quốc hoạt động rồi “Luận cương theo Người về nước Việt” cùng Người gây dựng phong trào Cách mạng.

“Người đi tìm hình của nước là bài thơ tôi yêu thích từ những ngày học phổ thông cách đây hơn nửa thế kỷ. Cứ mỗi lần đọc, tôi lại phát hiện ra một vài điều lý thú. Có điều trước đây coi như tất yếu, thì giờ đây có lúc lại phân vân, ví như câu thơ: “Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người”. Câu thứ nhất không có gì đáng bàn, Bác tìm “thế đi đứng của toàn dân tộc” thì hoàn toàn đúng, còn Bác có ý định tìm “một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người” hay không? “Vin hoa” trong câu thơ này là nói cách thưởng thức cái đẹp, phép thẩm mỹ… Sự thật, trong một đất nước phát triển, sự thưởng thức cái đẹp của mọi người không nhất thiết phải giống nhau, mà đa dạng, mỗi người một cách, chứ không ai muốn khép vào một khuôn mẫu có sẵn… Điều đó thì nhà thơ Chế Lan Viên biết rõ hơn ai hết. Nhưng bài thơ này được viết vào năm 1960, thời kỳ miền Bắc mới bước vào phong trào hợp tác hoá, làm ăn tập thể, nên người ta cổ vũ cho sự thống nhất, giống nhau của con người trong mọi lĩnh vực. Tôi tin rằng, nếu bài thơ này không được viết vào thời điểm đó, thì chắc câu thơ trên khó có cơ hội xuất hiện, không biết có đúng không?


Vương Trọng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Người đi tìm hình của nước”

Người đi tìm hình của nước được viết với niềm xúc động, cảm xúc tự hào cũng như lòng biết ơn của Chế Lan Viên về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Bài thơ tái hiện hành trình gian truân nhưng vinh quang của vị lãnh tụ dân tộc trong suốt 30 năm. Qua bài thơ Người đi tìm hình của nước ta biết “hình của Nước” là hình ảnh tượng trưng của áo cơm, hạnh phúc của nhân dân, của độc lập, tự do của dân tộc.

Hành trình tìm đường cứu nước của bác Hồ

“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi.” Câu thơ đầu tiên trong bài tái hiện tâm trạng quyến của Bác khi phải ra đi. Cách ngắt nhịp thơ 5/5 được sử dụng như nhấn mạnh thêm tâm tình của bác, dù đất nước đẹp lắm, Bác còn muốn ngắm nhìn thêm nữa, nhưng tình cảnh quá bức bách nên Bác phải ra đi. Bác ra đi để “đất nước đẹp vô cùng” này có một con đường thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Bác ra đi mang theo nỗi đau mất nước, nỗi tủi nhục trước ách thống trị của xâm lăng. Nhưng chính nỗi đau xót ấy thôi thúc Bác quyết tâm tìm được con đường cứu dân, cứu nước.

Chế Lan Viên đã rất xúc động và cảm nhận sâu sắc hành trình này của Bác, đến muốn hoá thân trở thành con sóng đưa bác vượt đại dương bao la: “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”. Câu thơ thể hiện sự cuống quýt, vội vàng muốn theo kịp chân Bác, muốn được cùng Bác sẻ chia những gian truân của cuộc hành trình. Hình ảnh con sóng trong câu thơ giúp người đọc cảm nhận rõ sự thiêng liêng của giây phút lịch sử Bác Hồ ra đi. Nó không chỉ thể hiện tình cảm lưu luyến mà hơn hết là lòng thương yêu, kính yêu của tác giả đối với Bác.

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Không gì có thể biểu đạt tốt hơn về quê hương xứ sở của ta bằng hình ảnh “hàng tre”, “làng xóm”, “bờ bãi”. Những hình ảnh quen thuộc ấy, từ bốn phía mênh mông, rộng lớn lui dần rồi khuất bóng, người ra đi hẳn đã rất cô đơn và cảm thấy bơ vơ. Nếu các từ “dần lui”, “không một bóng” miêu tả bác từng bước từng bước rời xa quê hương, thì động từ “nhìn” thể hiện sự hụt hẫng, buồn xót xa, nhớ nhung của Bác đang cố gắng kiếm tìm những điều quen thuộc của đất nước thân yêu. Chỉ với hai câu thơ trên, Chế Lan Viên đã diễn tả chân thật nỗi đau thương của lòng người xa xứ.
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Đêm xa nước đầu tiên ấy, là “ai nỡ ngủ” hay không thể nào chợp mắt. Bởi lòng bác nhớ quê hương tha thiết. Hành trình phía trước biết sẽ tới đâu, đến bao giờ Bác mới có thể trở về quê hương, Bắc thao thức, trằn trọc.

Biển mênh mông, sóng nơi đâu cũng đều là sóng nước. Nhưng sóng quê hương thì khác. Ở ngay đây hay ở xa kia, khi không phải trời nước quê hương thì đều là xứ sở xa lạ, mọi thứ đều là ngỡ ngàng. Người ra đi ấy, nằm nghe sóng vỗ mạn tàu, mỗi một tiếng sóng xa dần là càng trở nên xa lạ, nỗi đau nhớ quê hương lại tăng thêm.
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương
Qua bài thơ Người đi tìm hình của nước ta thấy, khi ra đi, khi xa đất nước thân yêu, Bác càng thấm thía nỗi đau thương mà nước mà dân đang gánh chịu. Hai câu thơ nghe như lời tâm sự nhẹ nhàng, nhưng trong giọng khe khẽ sâu lắng ấy là nỗi yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Hai câu thơ trên của Chế Lan Viên thật giàu hình ảnh. Nó thể hiện một cách tinh tế tình yêu nước sâu nặng của Bác; nỗi trằn trọc, day dứt của Bác lo cho vận mình của dân độc đến nỗi trong chiêm bao Bác thấy “hình của nước”. Và hơn hết, Bác khao khát mà mơ về cái cỏ “xanh sắc biếc quê nhà”. Ta mới thương Bác làm sao! Từ làng quê nhiệt đới, bốn mùa cỏ cây xanh tươi, nay Bác một mình giữa trời châu Âu tuyết trắng. Nhưng Bác mơ về “hình của nước”, về sắc xanh quê hương cũng là khát khao cháy bỏng về con đường đưa đến bình yên cho quê hương.
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa
Hỏi có ai nặng lòng với quê hương như Người! Bác chưa từng vui, chưa từng yên lòng khi ăn một miếng ngon, khi ngắm một nhành hoa. Vì Bác biết, Tổ quốc, quê hương còn đắm chìm trong lầm than, còn oằn mình vì phải làm nô lệ dưới ách giặc Pháp thực dân.

Hình ảnh đối lập trong hai câu thơ: “miếng ngon” – đắng lòng”, “chẳng yên lòng” – “ngắm một nhành hoa” gợi lên ở người đọc niềm xúc động, cay nơi sống mũi trước những trăn trở, lo âu của Người về vận mệnh đất nước. Bác ăn không ngon, ngủ không yên khi nghĩ về đất nước đau thương. Trái tim yêu nước nồng nàn của Bác đau nỗi đau nước mất, nhà ta.

Với bao gian truân, bao thử thách, bao đêm dài nhớ quê hương da diết, Bác đã tìm ra chân lý cách mạng, con đường cứu nước:
Luận cương đến Bác hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin
Qua bài thơ Người đi tìm hình của nước mới thấy cách nhà thơ miêu tả chuyển biến tâm lý của Bác thật tinh tế và xúc động. Giọt nước mắt của cảm động, sung sướng được Chế Lan Viên qua đó nêu ra mối quan hệ giữa hai nhân vật vĩ đại của các mạng vô sản: Lê Nin và Bác Hồ.

Và có gì sung sướng hơn, hạnh phúc hơn khi Người tìm ra con đường cứu nước. Không gì khác chính là chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Chân lý cách mạng ấy đã soi sáng tâm hồn Bác và Bác đã đón nhận bằng tất cả trái tim và khối óc:
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin
Hình ảnh nhân hoá đã làm nền để miêu tả sự chăm chú, sự toàn tâm và cả sự hứng khởi của Bác khi gặp được lý tưởng cách mạng. Và tất cả sự đặt để ở từng trang sách ấy, là vì Bác biết “đất nước đợi mong tin”. Cũng như thời khắc Người ra đi, giây phút Bác đọc Luận cương của Lê Nin là một thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc.

Qua bao khổ ải, với bao tâm sức, Bác đã tìm ra hình của Nước. Bởi vậy, trong Người dâng trào niềm vui mãnh liệt:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!
Đọc dòng thơ với hai câu cảm liên tiếp: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”, ta như thấy hình ảnh vui sướng của Bác khi đi lại giữa căn phòng. Nhịp thơ nhanh và mang giọng sảng khoái, nồng nhiệt và xúc động diễn tả được hạnh phúc tột cùng của Bác trong giờ phút tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười
Đặc sắc và độc đáo quá hình ảnh “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”. Nó mang một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, trên lá cờ bay phấp phới ta như thấy dáng Bác đang đứng đó vẫy tay cười. Và đó cũng là biểu tượng cho mối gắn kết giữa vận mệnh của đất nước và vận mệnh của Đảng – Đảng cộng sản Việt Nam – linh hồn của dân tộc.

Qua bài thơ Người đi tìm hình của nước ta biết với Bác thế nào là hạnh phúc bất tận. Là “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười” khi tìm thấy ánh sáng của cách mạng. Niềm xúc động mãnh liệt của Bác được truyền tới người đọc bởi cái hình ảnh đối lập của “khóc” và “cười”. Nhưng hơn thế, “khóc” và “cười” lại đồng thời, bởi vậy tạo được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc bao thế hệ. Những giọt nước mắt trong phút đầu tiên ấy là nước mắt hạnh phúc và nụ cười của sung sướng, hân hoan. Và năm tháng qua đi, đất nước bình yên và giàu mạnh, những cuộc đời của hôm nay và mai sau sẽ còn nhớ mãi cái hình ảnh ấy của Người.

Chất suy tưởng trong xây dựng hình tượng bác Hồ của Chế Lan Viên

Có thể nói, lãnh tụ Hồ Chí Minh là một biểu tượng của biết bao nguồn cảm hứng thơ ca. Nhưng cũng bởi thế mà viết về Bác là một thử thách với các tác giả. Vì giữa kho tàng đồ sộ của văn học về Bác, viết thế nào để chân thật mà độc đáo, mới lạ; để vừa thể hiện được tầm vóc của Người vừa đóng góp giá trị nghệ thuật cho dòng tác phẩm về Bác. Và qua bài thơ Người đi tìm hình của nước, người đọc nhận thấy cái tài, cái tinh tế trong sáng tác của Chế Lan Viên.

Hình ảnh Bác đã trở nên quen thuộc với người đọc qua vầng trán, nụ cười, với tấm áo nâu, đôi dép cao su giản dị. Ngôn ngữ, hình tượng trong các tác phẩm về Bác cũng gắn liền với sự cao cả, tính siêu phàm. Nhưng với thơ về Bác của Chế Lan Viên, ta thấy một khía cạnh đặc sắc và đặc trưng khác, đó là chất suy tưởng thông qua diễn tả nỗi nhớ quê hương xứ sở khi Người phải ra đi. Đồng thời, nhà thơ cũng mang đến hình tượng nghệ thuật giàu suy tưởng về những gian truân mà Người nếm trải, những trằn trọc, đau xót khi nghĩ về đất nước trong cảnh lầm than. Hơn thế, chưa tác phẩm nào mang đến cho người đọc hình ảnh xúc động mạnh liệt, nỗi nghẹn ngào vừa khóc vừa cười của Bác khi tìm thấy con đường cứu nước, khi bắt gặp chân lý Mác – Lên Nin. Nhưng khác biệt lơn, lớn lao hơn ở cách tư duy thẩm mỹ của Chế Lan Viên là cách suy tưởng về Bác, một tượng đài lịch sử cao cả mà không dùng đến từ cao cả: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ”; “Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước”.

Qua bài thơ Người đi tìm hình của nước ta nhận ra một điều, chẳng phải những ngôn ngữ hình tượng cao siêu sẽ nói lên được cái vĩ đại của Người; mà chính những điều gần gũi, bình dị mới làm nên điều đó. Khi Bác reo lên “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”, tác giả nhơ muốn nói rằng, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, mang đến tự do là những mục tiêu cao cả nhưng nó là thực chất, chính là cơm ăn, áo mặc của dân. Cũng chính ở đó, chính cái nỗi nhớ bờ bãi hàng tre, chính cái câu reo “Cơm áo là đây!” là sự ngời sáng của tấm lòng lãnh tụ, của “người đi tìm hình của nước”.

tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Câu thơ sai

Trong bài này, câu "Tìm cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người" đã có nhầm lẫn: "vin" bị viết thành "vinh". Nhầm lẫn như thế đã tầm thường hoá câu thơ.

514.04
Trả lời
Ảnh đại diện

Một bài thơ hay

Tôi đã rất thích bài thơ này từ lúc còn nhỏ, và đã học thuộc lòng. Bài thơ mang đậm chất nhân văn về Bác, có lẽ những gì nói về BÁc lúc này là quá thừa . Nhưng tôi vẫn thích nhất câu thơ " Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiển Bác" , sinh ra và lớn lên khi nước nhà đã thống nhất, Bác đã mãi đi xa, nhưng được học và dạy dỗ tôi đã hiểu con đường đi của BÁc của đất nước ta. Hiểu những khó nhọc mà cha ông đã xây dựng để có ngày hôm nay.

Anh quá phiêu lưu còn em thì lãng mạn
Trong tình yêu hò hẹn quá mong manh...
614.10
Trả lời
Ảnh đại diện

bình loạn

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!
tôi thích khổ này nhất vì là tâm trạng của những người con xa quê nó cũng diễn tả đc nét đẹp trong tâm hồn Bác tình yêu tổ quốc thiết tha

394.62
Trả lời
Ảnh đại diện

Bác Hồ vị lãnh tụ kính yêu của đất nước và con người Việt Nam !

Trăm bài thơ viết về Bác là trăm bài thơ hay , muôn vàn ý đẹp kính dâng Người để tưởng nhớ công ơn của Người !


LeeAn1982 !
LeeAn1982!
Cái gì đến được với tim ta phải xứng đáng với lòng tin của ta !
384.24
Trả lời
Ảnh đại diện

tl

Thích bài thơ này lắm,thích từ khi được đọc nó, được học nó cho đến bây giờ.

Hà Tĩnh ơi! Quê mình thương!!!
234.30
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ hay

Vậy có nghĩa là "vin hoa" chứ không phải là "vinh hoa" a?
vậy mà lâu nay mình cứ nghĩ là "vinh hoa"
bài thơ này mình thích lắm, ngày xưa nó là bài học thêm nhưng mình vẫn cố gắng học thuộc bài thơ đấy. Nhưng lâu rồi không đọc lại nên cũng quên nhiều.
cảm ơn đã post bài thơ này nhé

264.35
Trả lời
Ảnh đại diện

nỗi niễm thơ đầu tiên

la người việt nam ai cũng quý yêu bác hồ nhưng không phải ai cũng có thể viết nên sự kính yêu đó và biến nó thành tác phẩm vượt thời gian
tác phẩm này như kể lại chặng đường đi tìm chân lý cứu nước của bác thật là hay tôi yeu bài thơ này nhất là câu đầu

214.52
Trả lời

Trang trong tổng số 3 trang (21 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối