Vào thời tiền chiến, có một tập thơ ra đời: tập Quê ngoại của Hồ Dzếnh. Chừng ấy cái tên người cũng đủ làm người ta lưu tâm. Và nhà Á Châu ấn cục đã ưng ý tác phẩm khi giới thiệu cùng độc giả những lời sau đây: “Lần đầu tiên thi ca Việt nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của nhà thơ ngoại quốc”.

Sự giới thiệu của nhà Á Châu ấn cục ta ngỡ là lối quảng cáo một ấn phẩm vừa xuất bản, nhưng thực chất của tập Quê ngoại không làm cho độc giả thất vọng khi báo Tri Tân viết như sau: “Tên tuổi người Minh-hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn hữu tài”.

Quê ngoại của Hồ Dzếnh đã thử thách qua sự chấp nhận xuất bản của Á Châu ấn cục và lời phê bình của tuần báo Tri Tân, một tạp chí chuyên bình luận văn học lúc bấy giờ; và ta còn tìm gặp điển hình một độc giả trẻ tuổi ưa thích Hồ Dzếnh tức nhà văn Mai Thảo ngày nay, khi Mai Thảo ghi lại cảm nghĩ mình thuở vừa tiếp xúc tiếng thơ của họ Hồ, những dòng sau đây: “Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở ra của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu, và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sống như một lao vào, cái vóc dáng của yêu như một kín trùm dào dạt...”

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]