Ngày 30.7.2007, KTNN có bài viết về nhà thơ Đỗ Hữu của tác giả Huỳnh Ngọc Chiến, phân tích rất cảm động hai bài thơ Sầu Ai Lao, Chiều Việt Bắc của Đỗ Hữu.

Lần đầu tiên gặp mấy bài thơ của Đỗ Hữu, tâm trạng của chúng tôi cũng giống như ông Huỳnh Ngọc Chiến 30 năm về trước: “một cảm xúc kỳ diệu”, dù chưa nghe nói tới tên tuổi nhà thơ này bao giờ.

Bài thơ thứ ba sau hai bài Sầu Ai LaoChiều Việt Bắc, có tựa là Nắng ngút đường dài. Riêng đây, chúng tôi xin được trang trong gởi tới quý bạn yêu thơ, đến ông Huỳnh Ngọc Chiến và ông cụ “Cổ Lai Hy đất Bình Dương”:
[lược trích bài thơ...]

Đây là 100% nguyên tác, cả hình thức từ các chữ viết hoa hay không viết hoa cho đến từng dấu chấm, phết. Bài thơ đăng trên trang 21 tuần báo Đời mới số 108, ra ngày 8.4.1954, ấn hành tại 117 Trần Hưng Đạo – Chợ Quán - Chợ Lớn. Chủ nhiệm: Trần Văn Ân. Cũng số báo này, mục hộp thư toà soạn trả lời... “Các bạn Ty Du, T.T (Dalat), Phan danh Quang, Bảo Kim, Tinh Huyền, Đỗ Hữu, Thế Phong: Bài các bạn đã nhận được”.

Sau bài Nắng ngút đường dài..., đến số 114 (phát hành ngày 20.5.1954) tại trang 22, báo cho đăng bài Chiều Việt Bắc. Bài thơ có 16 câu, nhưng 8 câu giữa không biết lý do gì không thấy ngắt ra 2 khổ, cò khổ cuối tôi xin chép lại cho đúng nguyên tác như sau:
Rừng núi âm u sầu Việt Bắc (mặc dù nếu sửa lại “chiều” nghe hay hơn)
Chầy ngày lạc bước ai ngồi than.
Buồn xưa chiều đọng ngàn lau lách,
Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường.
Riêng bài Sầu Ai Lao khoảng 30 năm trước chúng tôi cũng chép ra từ báo Đời mới, nay cần tìm lại thì không gặp nữa vì xấp báo cũ mục nát nhiều quá! Rất tiếc không biết đã đăng trên số báo nào, ngày nào nhưng cũng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1954.

Chúng tôi nghĩ, toà soạn Đời mới trả lời Đỗ Hữu “bài đã nhận được” ở số báo 108 có thể là một loạt 3 bài thơ mà chúng ta ngưỡng mộ nói trên, vì nội dung lẫn bối cảnh na ná nhau, cũng có “chòi” có “đèo” có “quán”... Còn bối cảnh vừa Việt Bắc, vừa Ai Lao vừa “ải lạnh” cho phép ta nghĩ đến vùng Sơn La, Điện Biên, Lai Châu?

Cũng xin nói thêm, bài thơ Nắng ngút đường dài... lên báo khi mặt trận Điện Biên Phủ đã diễn ra 26 ngày và đang hết sức ác liệt, đồng thời quân đội Việt Minh đánh rải rác khắp nơi trên đất nước. Còn bài Chiều Việt Bắc lên báo lúc chiến trường Điện Biên Phủ đã kết thúc 13 ngày. Ban đầu chúng tôi đoán Đỗ Hữu là một chiến sĩ Việt Minh như Quang Dũng, Huy Cận, nhưng lúc này chiến trường đang ác liệt thì ai mà rảnh để làm thơ đăng báo ở Sài Gòn? Như vậy thì không biết thi sĩ đang làm gì mà phiêu lãng ở núi rừng Việt Bắc, chòi cao heo hút, quán đứng lưng đèo bên xứ Ai Lao năm 1954...

Thực ra mỗi bài thơ của Đỗ Hữu chỉ nằm khiêm tốn trong một cột báo ở trang thơ của bạn đọc bốn phương, bên cạnh những bài thơ, rất hay cũng có, trăn trở thời thế cũng có, mà than thở chồng bỏ vợ bỏ vớ vẫn cũng có! Trong đó có cả Kiên Giang, Tô Thuỳ Yên, Nguyễn Bính...

Cái điều đáng lưu ý ở chỗ cùng một lúc mà nhiều người quan tâm đến nó, lại có cả “Trung Niên Thi Sĩ” Bùi Giáng, có thể khẳng định tài hoa của Đỗ Hữu. Tài hoa như vậy lẽ nào chỉ viết được có 3 bà thơ trong đời? Nhưng đã 53 năm trôi qua, người thơ đó không tái xuất thi đàn một lần nào nữa! Và cũng không để lại cho đời thêm chút thông tin nào về mình!

Vấn đề tưởng đã chìm vào móc bụi thời gian, nay may sao, được ông Huỳnh Ngọc Chiến khơi lại, xin được cám ơn ông. Ba bài thơ của Đỗ Hữu chúng tôi không dám nói hay hơn thơ Quang Dũng, nhưng chắc hay hơn và thi vị hơn rất nhiều bài thơ khác. Thiết nghĩ, những người yêu quý thơ Việt thời kỳ trước, nếu chưa, cũng nên cập nhật vào trang sưu tập thơ của mình những dòng thơ Đỗ Hữu bên cạnh Quang Dũng, Huy Cận, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính... có lẽ cũng xứng đáng lắm. Còn câu hỏi về lai lịch nhà thơ xin hãy tạm để đó, hy vọng sẽ có người bổ sung về sau.

Hồ Công Trường

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]