Dưới đây là các bài dịch của Trương Củng @vnthuquan.net. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lan Đình tập tự (Vương Hy Chi): Bản dịch của Trương Củng @vnthuquan.net

Năm Kỷ Sửu, Vĩnh Hoà thứ chín, sắp vào cuối xuân; cùng họp nhau nơi Lan Đình, phía bắc núi Cối Kê, soạn lễ trừ tà. Quần hiền già trẻ đều đến. Đất ấy có núi cao non xinh; rừng xanh tốt, trúc vút cao; thêm suối trong cuộn chảy, lấp loáng bóng đôi bờ. Theo dòng nước uốn lượn có thể thả chén rượu đặt lời thơ. Hết thảy đều chia thứ bậc cùng ngồi. Tuy vắng tiếng đàn sáo ca xang, nhưng một chén rượu, một lời ngâm cũng đủ vui mà bày giải khối tình u uẩn. Ngày hôm ấy trời trong mây lành, gió mát ru êm. Trông theo trời, vũ trụ bao la; cúi xem đất, muôn loài tươi tốt. Buông lòng cảm hứng theo đôi mắt dõi trông, cũng đủ thích mắt vui tai. Thật sướng lắm thay.

Phàm người cùng người tương hội chỉ là trong thoáng chốc của cuộc đời; có người khi giao tiếp giữ kín hoài bão bên trong, có người phóng lãng hình hài ký thác lòng mình ra ngoài lời. Khi buông thả, khi nắm giữ; lúc lặng, lúc mau khác biệt muôn vàn. Tuy vậy mà vẫn lấy làm vui, dầu trong chốc lát, chẳng biết tuổi già đang đến. Rồi khi tự thân mòn mỏi, tâm tình theo sự vật đổi thay, khiến lòng đầy cảm khái. Niềm vui giờ đây trong khoảnh khắc bỗng biến thành vết bụi mờ; như thế thì lòng ai không luyến tiếc. Huống chi cuộc đời dài ngắn biến hoá, rồi cũng đến lúc tận chung. Người xưa thường nói, việc tử sinh là việc lớn, há chẳng xót xa ư! Mỗi khi xét đến cảm hứng trong văn chương của người xưa rồi cùng hợp lại, thì lòng ta lại vì lời văn mà trỗi mối u hoài không giải rõ được vì sao. Cố khăng cho sống chết như một là chuyện hư dối, lấy cái thọ của Bành Tổ mà so với cái yểu của Thương Sinh là giả vọng. Đời sau nhìn lại nay cũng như nay nhìn lại xưa, cả đều buồn thay!

Vậy đây theo thứ tự các thi nhân mà chép lại; tuy tuổi tác chẳng đồng, sự việc có khác nhưng lòng hoài cảm thì như nhất. Người sau xem lại, hẳn vì lời thơ mà gợi niềm thương cảm hơn chăng.

Ảnh đại diện

Bổ xà giả thuyết (Liễu Tông Nguyên): Bản dịch của Trương Củng @vnthuquan.net

Đồng Vĩnh Châu có giống rắn lạ,
Thân đen vằn trắng,
Bò ngang cũng làm héo cỏ cây;
Cắn phải người, vô phương cứu chữa.
Vậy mà thịt sả làm khô thì ăn nên thuốc,
Trừ được đại phong, loan uyển, lâu lệ.
Cứu được bệnh hiểm, diệt được ung sang.
Trước thái y phụng mạng thâu liễm,
Lệ mỗi năm trưng nạp hai lần,
Kén người bắt rắn, cho miễn thuế thân.
Dân Vĩnh Châu tranh nhau theo nghiệp ấy.

Có nhà họ Tưởng kia, nghề truyền đã ba đời.
Hỏi ra thì đáp:
"Ông tôi chết vì nó, cha tôi cũng chết vì nó.
Còn tôi nối nghiệp kể đã mười hai năm, mà đã mấy lần vào sanh ra tử."
Đáp lời ta mà mặt chừng đau đớn lắm.
Ta chạnh lòng mới bảo:
"Thật độc lắm thay,
Hãy để ta riêng cáo việc ngươi cùng ty lại,
Bỏ sưu dịch, trở lại nạp thuế, nên chăng?"
Họ Tưởng hốt hoảng, nước mắt ròng ròng:
"Ngài vì thương tôi mà muốn cứu tôi,
Dẫu việc sưu dịch có là điều bất hạnh,
Song bỏ sưu mà nạp thuế thì tôi càng bất hạnh hơn.
Nếu không bắt rắn, tôi hẳn khốn đốn lâu rồi,
Nhà tôi ba đời ở đây kể đã sáu mươi năm.
Mà xóm làng sinh nhai cùng cực,
Thuế nặng sưu cao, vét đất bòn nhà chẳng đủ.
Cùng nhau bỏ đi, đói khát ngã dọc đường,
Đội mưa gió, nhiễm nóng lạnh,
Ốm thoi thóp, nối nhau mà chết.
Trước cùng ở với ông tôi,
Nay mười nhà không còn một;
Cùng ở với cha tôi,
Nay mười nhà còn chẳng được đôi ba;
Cùng ở với tôi mười hai năm trước,
Nay mười nhà còn chưa được bốn năm.
Nếu không chết cũng bỏ đi,
Chỉ có tôi nhờ bắt rắn mà sống đến giờ.
Kẻ lại dữ đến làng,
Hạch sách đầu trên xóm dưới, tra khảo trong nhà ngoài ngõ.
Người người hớt hải run sợ, đến gà chó cũng chẳng yên.
Tôi ren rén sẽ dậy,
Hé hũ dòm, thấy rắn vẫn còn,
Mới yên dạ đi nằm.
Cẩn trọng nuôi ăn, đợi hồi dâng nạp.
Còn mình thì cào bới đất vườn,
Được chi ăn nấy, qua ngày cho hết kiếp.
Thế mỗi năm chỉ liều chết hai lần,
Còn kỳ dư sống hớn hở yên vui,
Há có như xóm giềng ngày ngày chịu khổ.
Nay có vì vậy mà chết,
So với người cũng còn hậu hĩ hơn,
Sao lại cho là độc?"

Ta nghe mà bi thương...
Khổng Tử xưa nói: "Chính trị hà khắc độc hơn hổ dữ."
Ta vốn thường vẫn ngờ,
Nay, nhân chuyện họ Tưởng mà tin.
Than ôi! Thế mới biết sưu thuế là độc,
So ra rắn nọ chẳng bằng.
Nay xin chép lại chuyện này,
Mong người xem xét dân tình thấy ra.

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]