Dưới đây là các bài dịch của Đăng Bảy. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tặng em trai (Qemal Stafa): Bản dịch của Đăng Bảy

Em sinh ra
Khi chiến tranh xộc đến mọi căn nhà
Khói đạn vật vờ trên mặt đất
Những đoàn người dắt díu nhau
Như bầy súc vật
Và túng nghèo chầu trực cạnh tao nôi
Nạn đói đón em vào đời

Cái thời buổi đáng trăm lần phỉ nhổ
Cái cuộc đời thấp hèn, tàn tạ
Đã chẳng thể nào bẻ gãy được em
Chỉ rèn em ngày thêm cứng cáp
Và em cười, gạt phăng
Mọi giả hiệu có hào quang loá mắt
Mọi nhớp nhơ phủ lượt mạ vàng
Tuổi trẻ đời ta thật chẳng nhẹ nhàng
Nhưng anh em ta đã chung lời tuyên thệ
Niềm kiêu hãnh của dân nghèo - quyết giữ
Với - bọn nhà giàu - quyết không đội trời chung
Cái bọn chuyên quỳ gối uốn lưng
Chỉ muốn ta cũng cúi đầu như chúng
Chúng ve vãn "Con đường các anh theo chỉ là ảo tưởng
Đừng để tuổi xuân trôi phí trôi hoài
Các anh cần vui thú, xả hơi"

Nhưng em đã vượt qua bao cám dỗ
Vào trận tuyến
Em dẫn đầu đội ngũ

Anh vẫn đinh ninh
Em sẽ cùng anh
Suốt tới ngày thắng lợi
Ngày đất mẹ tự do em hằng mong mỏi
Em đã đi mà không kịp tới, em ơi!
Ôi người em yêu đã ngã xuống rồi
Người đồng chí của tôi ơi!
Vĩnh biệt

Anh lại trở về khu du kích
Với tổ chim ưng của nhân dân
Dù khôn cầm nước mắt
Nhưng anh xin nguyện phất cao cờ
- Ngọn lửa mẹ khâu cho ta
Ôi! Ngọn cờ Chân lý, Tự do...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Mười lăm chàng trai trẻ...” (Bella Akhmadulina): Bản dịch của Đăng Bảy

Mười lăm chàng trai trẻ, cũng có thể nhiều hơn
cũng có thể ít hơn con số đó
khi gặp tôi đều một giọng run run
và rủ:
"Ta cùng vào bảo tàng nghệ thuật hay vào rạp xem phim"
Tôi trả lời một câu đại loại:
"Mình bận, lúc này không rảnh rỗi"
Mười lăm chàng trai tặng tôi hoa xuyên tuyết
Mười lăm chàng trai giọng như bị lạc
Nói với tôi:
"Không bao giờ anh thôi yêu em"
Tôi trả lời một câu đại loại:
"Hãy chờ xem"

Mười lăm chàng trai giờ sống bình yên
Họ thực hiện nghĩa vụ nặng nhọc
của hoa xuyên tuyết, nỗi tuyệt vọng và các bức thư
Người yêu họ, ấy là
những cô gái khác, xinh đẹp hơn tôi
những cô gái khác không xinh đẹp bằng tôi
Mười lăm chàng trai phóng túng thở ra hơi cay độc
chào tôi khi gặp
chào khi có tôi
chào giấc ngủ, bữa ăn bình thường và sự giải thoát của mình...
Có lui tới cũng chẳng làm gì, ơi chàng trai cuối cùng
Tôi cắm những nhành hoa xuyên tuyết của chàng vào cốc nước trong
và những gốc những cành tươi tốt
bỗng lăm tăm những bong bóng bạc...
Nhưng, thấy chưa, chàng đã ngán tôi rồi
Chàng đã thắng nổi mình, nên giở giọng kiêu kiêu
làm như chàng vừa thắng nổi tôi
tôi cứ rảo bước trên hè, rảo bước...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Ôi, nhân vật thỏ đế của em...” (Bella Akhmadulina): Bản dịch của Đăng Bảy

Ôi, nhân vật thỏ đế của em
đã khôn khéo lỉnh đi, sợ nhục
Cái vai kịch em gánh lâu, lâu thật
Có dựa dẫm vào bạn diễn nào đâu!

Sự đỡ đần, anh hứa hẹn tào lao
Em đã chẳng lần nào tìm đến
Giữa phông màn và bóng đêm phòng diễn
Anh lỉnh mau, mắt ai thấy đâu nào

Trong xước sẹo và trong lú lẫn
em diễu qua một công chúng nghiêm trang
tất cả chập chờn, tất cả rõ ràng
tất cả trong vai người đàn bà lẻ bóng

Ôi, tầng ngầm khán phòng! Anh lúng búng
không dám nói lời chia biệt công nhiên
những mất mát chẳng làm em phát ngượng
và nụ cười không thương tổn, vẹn nguyên

Rồi hàng lũ hàng đàn kéo tới
uống thỏa thuê từ đáy nỗi buồn em
Chỉ một mình em, một mình - trong buồn tủi
Em so vai, co ro đứng, im lìm

Nhưng trong mắt một đám đông hối hả
chẳng hiện hình nhân vật của tích trò
Cái nhân vật mà anh thường lo sợ
Em không lôi anh ra ánh sáng, đừng lo!

Vai diễn của hai ta - chỉ mình em đảm nhiệm
Em đã diễn, quyết liệt, em đã diễn
Nỗi đau chung - gánh chịu một mình em
Nhưng bao tái tê. Khôn xiết. Khôn kìm


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cầu nguyện (Bella Akhmadulina): Bản dịch của Đăng Bảy

Xin chớ khóc than tôi - tôi sống qua được hết
như một kẻ nghèo nàn hạnh phúc
kiếp sinh nam sống bắc, phận tù nhân hiền khô
cư dân Pê-téc-bua xạm phổi và bất chấp
kệ oi bức phương nam, tôi vẫn sống qua mà

Xin chớ khóc than tôi - tôi sống qua được hết
bằng đôi chân co quắp, tôi tập tễnh bước ra
lảo đảo như say, tay vuốt mép vải ga
như một nỗi thương khó nơi Đức Mẹ
tôi sẽ sống qua mà - dẫu đời con chiên ghẻ

Xin chớ khóc than tôi - tôi sống qua được hết
theo cú pháp hồi bé tôi đã học
không chẵn tròn trong đo đếm mai sau
thơ tôi viết, mớ tóc hung xoà trán
dẫu hơi thộn, người đời vẫn biết đến. Tôi sẽ sống qua mà

Xin chớ khóc than tôi - tôi sống qua được hết
như những cô hộ lý nhân từ
trước vô vọng của thương binh hấp hối
ngôi sao tôi thắp lên le lói
dẫu có thế nào - tôi vẫn sẽ sống qua


1968

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Tôi sống ngày cuối cùng trong ngôi nhà khác lạ...” (Bella Akhmadulina): Bản dịch của Đăng Bảy

Tôi sống ngày cuối cùng trong ngôi nhà khác lạ
như tất cả các ngôi nhà tôi từng ở
Đưa mắt vào hai lòng bàn tay
toả lan như hơi nóng - là hơi mát của ngày

Trong diễm lệ đất này - vô tư mà hoàn thiện
Giấy vẫn trắng
Tôi biết, mình có nhu cầu tận hưởng
ngay lúc này, niềm khoan khoái êm mơ
Nhưng hồn tôi, tội nghiệp, vẫn lặng tờ


1965

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

“Ai biết được - vĩnh cửu hay chốc lát...” (Bella Akhmadulina): Bản dịch của Đăng Bảy

Tặng Venychka Erofiev

Ai biết được - vĩnh cửu hay chốc lát
tôi sẽ lang thang trên khắp gầm trời
Một khoảnh khắc hay là vĩnh viễn
thì đằng nào tôi cũng cảm ơn đời

Tôi nguyện - dẫu có thế nào chăng nữa
tôi vẫn nhẹ nhàng mang nỗi hàm ân
Đối với nỗi buồn anh thoáng chốc
khi tôi lặng thinh từ giã cõi trần


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Vĩnh biệt (Bella Akhmadulina): Bản dịch của Đăng Bảy

Và rốt cuộc thì em sẽ nói:
lời giã từ, khỏi phải yêu đương
Em sẽ mụ đầu. Hay là em cất cánh
lên tới tầm cao đỉnh điểm nỗi điên cuồng

Anh đã yêu ra làm sao? - anh đã nếm
Vị của tử thần, Chuyện đó có gì đâu
Anh đã yêu ra làm sao? - anh đã nếm
Nhưng lại không biết nếm thế nào

Sự nghiệt ngã của một lần trượt đích
Tha thứ cho anh, em không chịu. Sống ở đời
vẫn cứ lang thang, vẫn cứ tìm ánh sáng
nhưng thân thể em nay trống rỗng hết rồi

Nơi thái dương vẫn còn thoi thóp mạch
Treo lửng lơ. Hai tay đã buông xuôi
Và tất cả những thanh âm, hương vị
Kéo nhau đi lũ lượt góc trời


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ba người (Yuri Voronov): Bản dịch của Đăng Bảy

Tôi đến gần. Tôi đắp chăn cho họ
Tôi có nói một câu, nhưng họ chẳng buồn nghe
Tôi có hỏi, nhưng họ không buồn đáp
Tất cả trong phòng có những ba người
Trong phòng có ba chúng tôi
Nhưng hai người đã không còn thở
Hai người ấy chẳng bao giờ dậy nữa
Đến lúc này tôi đã hiểu ra...
Sao tôi còn bẻ mẩu bánh làm ba?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những người làng bên (Thomas Lux): Bản dịch của Đăng Bảy

họ căm ghét người làng tôi
nếu được họ đã lấy búa đóng đinh
vào đầu chúng tôi, vì gặp họ mà không ngả mũ
đã cột tay chúng tôi vào gáy
vì gặp họ không chìa tay ra
Cóc sợ, chúng tôi bỏ con chuột chết
vào giếng nước ăn, bỏ vụn thuỷ tinh vào bột bánh làng họ
Răng đối răng, mắt đối mắt
Họ cắt cổ một con giai làng tôi
chúng tôi thay nhau tẩn con gái làng họ
Họ đặt cạm bẫy trên ruộng làng tôi
Chúng tôi đáp trả ngay tắp lự
Chúng tôi luyện chim ăn hết lúa làng họ
Họ thả bồ câu  tha thuốc nổ sang
Mắt đối mắt, răng đối răng
Chúng tôi cóc thèm mua cừu làng họ
họ ngưng nhập về gối đệm làng tôi
Chúng tôi chế nhạo những nhà thơ hay nhất làng họ
đến khi việc đó hiệu nghiệm
chúng tôi nhảy múa theo kiểu làng họ
Không chịu nổi, họ bèn nguyền rủa:
"Thần hoàng làng ngươi là đồ hủi chết mòn"
Mắt đối mắt, răng đối răng
Đã mười nghìn năm ,đã một vạn năm
Những năm tồi tàn, những năm tuyệt diệu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những bức thư tình của cha tôi (Yusef Komunyakaa): Bản dịch của Đăng Bảy

Thường ngày từ xưởng về, thứ sáu
Cha tôi lại lôi ra một lon bia
Rồi bảo tôi ngồi kề
Viết bức thư gửi mẹ
Mẹ tôi gửi về tấm bưu thiếp nhỏ
In thứ hoa miền nam rất lạ
Cao ngang tầm người
Cha tôi nằn nì: Mình ơi, về thôi
Sẽ không bao giờ tôi còn dại dột
Búng một ngón tay vào mình. Thú thực
Tôi đã hả hê khi mình bỏ đi
Thôi quên quách đi những chuyện vân vi
Như thế
Bản jazz “Vầng trăng” của Mary Lou Williams
Chịu làm sao những vết tím bầm
Toòng teng túi dết thợ mộc
Đinh rỉ đinh cong luôn luôn hàng vốc
Búa giắt bên sườn
Những mẩu dây điện lằng nhằng dưới chân
Chiếc bút bi vẫn lia ngoan ngoãn
Tôi yêu mình mà, em bé nhỏ thân yêu
Cha con tôi ngồi giữa vòng vây buồn tẻ
Của những điện kế, kìm và búa
Nhầm lẫn lung tung trong mê trận những dòng thư
Chiếc kính lúp trên nền bê tông
Tụ cả hoàng hôn qua cửa kho trống hoác
Những lá thư này mẹ tôi có đốt
Có thấy buồn cười chữ cha con tôi?
Cha tôi là người mù chữ, thế thôi
Nhưng liếc mắt là đọc ra bản vẽ
Có thể chỉ ra cặn kẽ
Gạch cần đúng bao nhiêu viên
Để đủ xây nên mỗi bức tường
Thật là lạ lùng - khi Người
Đánh trộm một khóm hồng về trồng trong vườn
Mắt nheo nheo, tay nắm chặt
Đứng giữa nhà kho
Khó nhọc nhả ra những lời giản dị nhất
Đối với tôi, chỉ thiếu một nước
Người đã thành vị thánh thiêng liêng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 3 trang (24 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối