Trang trong tổng số 28 trang (279 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

“Cứ hát lên đi, hỡi bạn tôi. Trên cây đàn quỷ ám...” (Sergei Yesenin): Cuộc hôn nhân của Esenin và Isadora Duncan

Nhiều bằng chứng cho thấy bài thơ viết về Isadora Dunkan, người vợ Mỹ lớn tuổi của Esenin. Đây là thời kỳ Esenin gặp nhiều khủng hoảng, thất vọng và đổ vỡ. Bài thơ này nằm trong chùm thơ “Quán xá Moskva” và thể hiện thái độ lưỡng lự của nhà thơ đối với Isadora - nhà thơ ngưỡng mộ nhan sắc của mỹ nhân, nhưng cũng hiểu rằng nàng không xứng với tình cảm của mình.

Tháng 11 năm 1921 khi Esenin và Isadora Duncan gặp nhau lần đầu tiên, nữ vũ công người Mỹ đã 44 tuổi, còn nhà thơ Nga chưa đầy 26, nhưng đời tư của Esenin đã vô cùng sóng gió. Anh lười biếng mô tả cuộc đời mình với nhà thơ Anatoli Mariengoff: “Chà, Tolia ơi, đàn bà ấy mà, đời tớ ít nhất cũng ba ngàn… Ừ thì không phải ba ngàn, không ít hơn ba trăm... Nhưng mà không thể ít hơn ba chục!

Cho đến thời điểm ấy anh đã có ba con với hai người phụ nữ khác nhau, một cuộc hôn nhân đổ vỡ với người vợ chính thức đầu tiên, tình yêu lớn nhất trong đời anh – Zinaida Raikh. Anh bắt đầu nghiện rượu và tài năng thì đang vượt ra ngoài tầm tay.

Còn Duncan, khi ấy đã là một vũ công nổi tiếng thế giới, một nhà nữ quyền đang chinh phục nước Nga nơi nàng được gọi là Thiên thần chân đất bằng điệu nhảy chân trần từ năm 1908. Năm 1921 Bộ trưởng giáo dục Nga Lunacharsky chính thức mời nàng mở trường dạy múa ở Moskva, hứa hẹn hỗ trợ tài chính. Duncan đặt nhiều hy vọng vào cuộc sống và sáng tạo ở đất nước mới của những người Bolshevik, hy vọng thoát khỏi định kiến và những gì đã cũ kỹ sáo mòn.

Tuy nhiên ở nước Nga thời hậu cách mạng, Duncan phải đối mặt với những vấn đề khó khăn hàng ngày, chẳng hạn như nạn đói và thiếu sưởi ấm. Nàng sống trong biệt thự Ermolov tại căn hộ trưng dụng của nữ diễn viên ballet Alexandra Balashova, tại thời điểm đó đang ở nước ngoài và sống trong căn hộ cũ của I. Duncan.

Và cuộc gặp gỡ định mệnh của nữ vũ công Mỹ xinh đẹp với nhà thơ thiên tài của nước Nga đã diễn ra tại buổi tiếp tân của hoạ sĩ Jorge Yakulov. Isadora lộng lẫy yêu kiều trong tấm khăn choàng nhẹ dài tới tận sàn, còn Esenin không rời nàng nửa bước. Không ai rõ họ dùng thứ ngôn ngữ gì để nói chuyện với nhau, vì nữ vũ công Mỹ rất kém tiếng Nga, còn Esenin thì ngoài ngôn ngữ của xứ sở bạch dương không thừa nhận bất kỳ thứ tiếng nào khác. Mọi chuyện xảy ra quá chóng vánh, và chỉ vài ngày sau Esenin đã chuyển vào căn hộ của nàng.

Có thể, cả hai người đã mau chóng nhận ra đó chỉ là lầm lỗi, nhưng vẫn không thể rời nhau. Tháng 5 năm 1922 hai người làm đám cưới, đổi căn cước dưới một cái họ chung Duncan - Esenin. Một tuần sau thì chuyến du lịch trăng mật của họ bắt đầu từ Đức, qua Bỉ, sang Pháp, rồi Mỹ và quay lại châu Âu. Họ cãi nhau suốt, phòng khách sạn thường xuyên trở thành chiến trường với bàn ghế bị đập phá, đĩa cốc bị ném vỡ, và không hiếm khi cả nắm đấm được sử dụng. Esenin không còn che dấu bản chất thô lỗ vũ phu của mình. Bị đuổi khỏi khách sạn này họ chuyển sang khách sạn khác và tất cả lại bắt đầu.

Tháng 8 năm 1923 Esenin trở về Moskva trong vòng tay Galina Benislavskaya, để gần một năm sau kết hôn với Sofia Tolstaya, cháu nội nhà văn L. Tolstoy. Duncan rời nước Nga vĩnh viễn năm 1924. Cuộc hôn nhân của họ không tồn tại quá 2 năm, nhưng trên giấy tờ họ chưa bao giờ ly hôn chính thức.

Duncan qua đời năm 1927, sau cái chết của Esenin 2 năm, trong một tai nạn bi thảm: Tấm khăn choàng lụa mỏng dài nàng thường khoác trên vai mắc vào nan hoa cỗ xe nàng đang ngồi, kéo gãy cổ nàng khi nàng ngã khỏi xe.

Ảnh đại diện

“Sa-ga-ne của anh, Sa-ga-ne...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Shagane của anh, Shagane!
Phải chăng vì anh đến từ phương Bắc
Anh sẵn lòng kể em nghe chuyện đồng quê,
Sóng lúa mạch dập dờn dưới ánh trăng vằng vặc
Shagane của anh, Shagane!

Phải chăng vì anh đến từ phương Bắc,
Nơi mặt trăng to sáng gấp trăm lần,
Dù Shirazh có huy hoàng đến mấy,
Vẫn không bằng những trảng cỏ Riazan
Phải chăng vì anh đến từ phương Bắc?

Anh sẵn lòng kể em nghe chuyện đồng quê,
Anh mượn lúa mái tóc vàng lượn sóng
Nếu muốn thì ngón tay em cứ xoắn
Anh sẽ không mảy may đau đớn chút gì,
Anh sẵn lòng kể em nghe chuyện đồng quê.

Sóng lúa mạch dập dờn dưới ánh trăng vằng vặc
Nhìn sóng tóc anh xoăn em hãy hình dung.
Em yêu à, hãy mỉm cười đùa bỡn
Đừng đánh thức trong anh ký ức một cánh đồng
Sóng lúa mạch dập dờn dưới ánh trăng vằng vặc.

Shagane của anh, Shagane!
Nơi phương Bắc xa xôi cũng có người con gái,
Trông thật giống em, giống lắm em à,
Cô ấy đang nhớ anh, có thể mà, có thể...
Shagane của anh, Shagane!

Ảnh đại diện

“Tim ơi đừng đập nữa!...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Đừng đập nữa, ôi trái tim khờ dại.
Lũ chúng ta bị hạnh phúc dối lừa
Kẻ hành khất cần chút lòng trắc ẩn
Đừng đập nữa, ôi trái tim khờ khạo.

Ánh trăng vàng trút bùa mê huyền ảo
Lai láng giữa những cây dẻ um tùm
Đầu gối ta Lala nằm ngả xuống
Ta vùi mình trong tấm mạng của nàng
Đừng đập nữa, ôi trái tim khờ khạo.

Lũ chúng ta đôi khi như trẻ dại,
Khóc cũng nhiều như những lúc cười.
Bao thất bại đớn đau và bao nỗi sướng vui
Rớt xuống đầu ta từ đâu không rõ
Đừng đập nữa, ôi trái tim khờ khạo.

Ta đã kinh qua nhiều đất nước lắm rồi,
Ta đã tìm hạnh phúc khắp nơi nơi,
Duy chỉ có vận may hằng ao ước
Ta sẽ không tìm kiếm nữa, than ôi.
Đừng đập nữa, ôi trái tim khờ khạo.

Cuộc đời này phải đâu toàn lừa dối.
Ta sẽ uống no nguồn sinh lực trẻ trung.
Dừng lại chút, hãy cứ nghỉ ngơi cùng
Ngay tại đây, trên gối người thương mến,
Cuộc đời này phải đâu toàn lừa dối.

Biết đâu đấy, chúng ta được lựa rồi,
Bởi số phận như dòng chảy sục sôi,
Và bài ca hoạ mi vang réo rắt,
Vì tình yêu lại lên tiếng đáp lời.
Đừng đập nữa, ôi trái tim khờ dại.

Ảnh đại diện

Tất cả kết thúc rồi (Valery Bryusov): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Đêm hôm nay sáng trong, đêm hôm nay lặng lẽ,
Những con phố, nhỏ hẹp, chạy dài này!
Tôi vội lắm, tôi chạy, bỏ chạy khỏi nơi đây,
Qua những vỉa hè trống không, vắng bóng người đi.
Cái hân hoan của ước mơ tôi không đủ sức vượt qua.
Tôi nhắc mãi những giai điệu cổ xưa
Và tôi chạy vội vàng, – đêm sáng trong veo
Dựng trước mặt tôi những bóng dài và cuốn tôi theo.

Anh với em chia tay mãi từ nay, mãi từ nay!
Ý nghĩ chưa nói được ra, sao kỳ quặc thế này!
Vắng em triền miên tới rồi qua những tháng năm dài,
Chuỗi thời gian mù mờ trong khói sương bao phủ.
Anh với em không bao giờ, không bao giờ còn gặp gỡ,
Ôi em yêu, em mãi được mong chờ!
Anh với em chia tay mãi từ đây, mãi từ đây…
Mãi từ đây ư? Ý nghĩ lặng câm sao kỳ quặc thế này!

Bao ngọt ngào giấu trong khổ đau bí mật của ước mơ.
Tôi dùng nỗi khổ đau an ủi trái tim mình vậy,
Trong khổ đau tôi tìm ra cội nguồn vẻ đẹp,
Tôi đắm chìm trong nỗi dằn vặt khôn nguôi.
“Anh và em bên nhau - không bao giờ còn trở lại…”
Khi đứng trước bờ vực chia ly mãi mãi
Tôi tìm thấy hân hoan trong khổ đau bí mật của ước mơ
Và lấy hân hoan an ủi trái tim mình vậy.

Ảnh đại diện

Dưới mưa (Marina Svetaeva): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Cơn mưa nhẹ rơi chầm chậm
Tóc vàng buông lọn ướt rồi.
Cô bé đứng bên cánh cổng
Cô bé chờ đợi một người.

Mây xám, tâm tư ảm đạm
Phấp phỏng: Ai có đến không?
Mau chân lên nào, cậu nhóc
Khi cô bé còn chờ mong.

Cứ mỗi phút giây vụt mất
Trái tim non bớt dại khờ.
Liệu cô bé bên cánh cổng
Còn chờ cậu đến bao giờ?

Ảnh đại diện

“Đem chôn tình yêu...” (Yuliya Drunina): Ai là tác giả bài thơ này?

Trên Thi viện có đăng một bản dịch thơ từng rất phổ biến, nhiều người thuộc, được cho là của nhà thơ người Đức Heinrich Heine. Bài thơ chỉ có bản dịch mà không có bản gốc.

https://www.thivien.net/H...em-lNlzBdTY1NL9hR_29C9w-Q

Ta đem chôn tình yêu
Rồi trồng lên bia mộ
- Lạy Chúa thế là xong
Hai đứa cùng nói khẽ

Nhưng tình yêu vùng dậy
Trách móc nhìn chúng ta
Hai người nói gì vậy
Ta dang sống đây mà.

Nếu đọc bản dịch ta dễ dàng nhận ra nội dung của bài thơ Đem chôn tình yêu của Yulia Drunina. Bài thơ này có gốc tiếng Nga và có khá nhiều phương án dịch khác nhau của các tác giả khác nhau.

Vậy xin BQT Thi viện minh xét.

Ảnh đại diện

“Ta chia tay, đường mới đi một nửa...” (Nikolai Nekrasov): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Ta chia tay khi đường còn dang dở,
Ta chia tay trước khi mãi chia ly,
Và cùng nghĩ: như thế thì bớt khổ
“Xin thứ lỗi” – những lời cuối thầm thì
Thậm chí khóc cũng không còn đủ sức.
Anh xin em, em hãy viết thư về...
Những lá thư với anh đầy thương nhớ
Và thiêng liêng, như hoa trên nấm mộ -
Nơi anh chôn sâu mãi trái tinh mình!

Ảnh đại diện

Nước Nga (Nikolai Nekrasov): Nguyên bản bài thơ bằng tiếng Nga - Русь

Ты и убогая,
Ты и обильная,
Ты и могучая,
Ты и бессильная,
Матушка Русь!

В рабстве спасенное
Сердце свободное —
Золото, золото
Сердце народное!

Сила народная,
Сила могучая —
Совесть спокойная,
Правда живучая!

Сила с неправдою
Не уживается,
Жертва неправдою
Не вызывается,-

Русь не шелохнется,
Русь — как убитая!
А загорелась в ней
Искра сокрытая,-

Встали — небужены,
Вышли — непрошены,
Жита по зернушку
Горы наношены!

Рать подымается —
Неисчислимая!
Сила в ней скажется
Несокрушимая!

Ты и убогая,
Ты и обильная,
Ты и забитая,
Ты и всесильная,
Матушка Русь!..

Ảnh đại diện

“Anh chẳng nói với em một lời nào...” (Afanasy Fet): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Anh chẳng nói với em một lời nào.
Một chút cũng không làm em lo lắng,
Những điều anh đinh ninh trong im lặng
Anh không nói đâu, bất kể ra sao.

Loài hoa đêm thiêm thiếp ngủ suốt ngày,
Nhưng mặt trời vừa khuất sau rừng vắng
Cả vòm lá âm thầm tỉnh giấc say
Và tim anh nở hoa êm đềm biết mấy.

Anh run lên, trong lồng ngực ốm đau
Làn hơi đêm ẩm ướt cứ dâng trào…
Một chút cũng không làm em lo lắng,
Anh chẳng nói với em một lời nào.

Ảnh đại diện

“Mọi cặp mắt dưới mặt trời đều cuồng nhiệt...” (Marina Svetaeva): Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Mọi cặp mắt dưới mặt trời đều cuồng nhiệt
Dù ngày nọ khác ngày kia quay vòng.
Ta nói với em đây, trong trường hợp
Nếu ta thay dạ đổi lòng:

Dù ta hôn lên môi ai cũng vậy
Trong lúc yêu đương mặn nồng,
Dù thề độc với ai cũng vậy
Trong đêm đen tối mịt mùng -

Như đoá hoa đến thì hoa nở
Như đứa trẻ, sống đúng mẹ mong.
Không bao giờ, không nhìn theo ai khác
Sắt son với cả tấm lòng…

Thánh giá này em nhìn thấy chứ?
Quen thuộc với em phải không.
Tất cả bừng tỉnh ngay – chỉ cần em đến
Nhà tôi, huýt sáo dưới cửa sổ phòng.

Trang trong tổng số 28 trang (279 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: